Số lần đọc/download: 491 / 27
Cập nhật: 2019-12-06 09:23:40 +0700
Phần 1 - Trạng Quỳnh Thời Thiếu Niên - 1 - Ngồi Đất Kết Phát Ra Trạng Quỳnh
N
ước ta vào khoảng đầu đời Lê trung hưng, ở làng Yên-vực huyện Hoằng-hóa tỉnh Thanh-hóa có vợ chồng nhà họ Nguyễn thường ngày đi lên núi Hỏa-châu kiếm củi, và khi về đến Cầu Sư ở làng Đông-hậu thì đặt gánh xuống nghỉ ở cầu đá để xuống bến rửa ráy chân tay mặt mũi. Bữa nọ trời nhá nhem tối, hai vợ chồng vừa đến cầu thì bắt gặp một ông già trúng gió nằm sõng sượt ở bên cạnh mình còn để một tay nải (đẫy bằng vải) trong nhét những quần áo đồ đạc. Ông già nằm sùi bọt mép ra, hai vợ chồng thấy vậy, vội vàng đặt gánh củi xuống, rờ thấy ông già thân thể còn nóng, nên lấy thuốc đem sẵn trong mình đổ cho. Một lúc sau, ông già tỉnh dậy, người chồng lấy tay nải của ông già đưa cho người vợ cầm lấy, còn mình thì vừa gánh củi, vừa dìu ông già về nhà.
Về đến nhà, hai vợ chồng lại săn sóc thuốc men và cơm cháo cho ông, tận tình chẳng khác gì như đối với cha mẹ ruột. Sau mấy hôm, ông già bình phục, nhận thấy vợ chồng anh ta rất tử tế mà nghèo, lại cảm vì cái ơn đã cứu sống và săn sóc cho mình nên trước khi từ giã mới bảo: « Lão chính là thầy địa lý Tả-Ao đây, vậy gia đình anh có muốn gì, lão sẽ giúp cho? »
Nghe nói thầy địa lý Tả-Ao, hai vợ chồng mừng quýnh như được vị cứu tinh đến nhà. Người chồng thưa: « Làng cháu đây là làng nổi tiếng văn học, vậy chỉ xin cụ một ngôi đất khoa bảng để góp mặt với thiên hạ mà thôi ».
Thầy địa Tả-Ao cười nói: « Tưởng anh muốn gì hơn nữa, chớ muốn thế dễ lắm, vậy anh lấy hài cốt của thân phụ về để sáng mai đem thật sớm lên núi Hỏa-châu, lão táng cho ».
Nói rồi, thầy Tả-Ao cắt nghĩa: « Hỏa-châu ở vùng này là quả núi bắt đầu chạy từ núi Hàm Rồng qua đây. Thế núi tuy nhỏ, nhưng toàn là núi đá, đỉnh tròn chân thót, xa trông như một con rồng đang nhả viên ngọc lửa, lại phía tây có chùa Tiên-đồng cùng động Long-quang đối chiếu nhau, nhưng chính huyệt là ở chỗ miếng đá trồi trên đỉnh núi, trông như hình đứa trẻ con nên gọi là hòn đá Tiên-đồng hay ngọn đá Nhi-phong. Đã thế, quả núi này ở phía đông lại có cái đầm sâu, nước như xếp lụa, và đó là ngọn bút xung thiên, nên táng vào đó, vợ chồng anh sẽ làm ăn khá giả và đến đời cháu sẽ có người nổi tiếng về văn học rất lớn, thiên hạ không kẻ nào hơn được ».
Người chồng mừng hỏi: « Thưa cụ, như vậy là đất phát Trạng-nguyên phải không? »
Thầy Tả-Ao cười đáp: « Trạng-nguyên, nhưng không có cờ biển vinh quy, và hễ làm quan thì nên sớm về nghỉ, còn không sẽ bị họa bất đắc kỳ tử ».
Vợ chồng nhà họ Nguyễn nhất nhất nghe theo. Và ngôi đất ấy chính là ngôi đất kết phát ra Trạng-Quỳnh sau này. Đối với nước ta, Quỳnh không đỗ Trạng, nhưng vì giỏi như Trạng, nên vẫn được đời gọi là Trạng, và sau Quỳnh đi sứ lại được vua Tàu sắc phong là Lưỡng quốc Trạng-nguyên (Trạng-nguyên của hai nước) ấy đó là Trạng-nguyên mà không có cờ biển vinh qui đó. Lại như Trạng-Quỳnh khi làm quan rồi, nếu biết xin về nghỉ sớm đi, thì đâu có bị bất đắc kỳ tử vì chén thuốc độc của Chúa Trịnh ban cho. Quả lời thầy Tả-Ao đoán trúng và linh nghiệm như thần.