Số lần đọc/download: 766 / 22
Cập nhật: 2017-05-20 08:59:41 +0700
Mở Đầu
T
ôi vừa mới chấp nhận rằng cuộc đời mình sẽ bình thường thì những chuyện khác thường bắt đầu xảy ra. Chuyện đầu tiên tới như một cú sốc kinh hoàng, và như bất cứ điều gì làm bạn thay đổi mãi mãi, nó cắt rời cuộc đời tôi thành hai nửa: Trước và Sau. Như nhiều điều khác thường sẽ tới sau đó, nó liên quan tới ông nội Abraham Portman của tôi.
Ngày tôi còn nhỏ, ông nội Portman là người thú vị nhất tôi biết. Ông từng sống trong một trại mồ côi, chiến đấu trong các cuộc chiến tranh, vượt đại dương trên những chiếc tàu hơi nước và băng qua sa mạc trên lưng ngựa, biểu diễn trong các gánh xiếc, biết mọi thứ về súng đạn, cách thức tự vệ và kỹ năng sống sót trong thế giới hoang dã, nói được ít nhất ba thứ tiếng ngoài tiếng Anh. Tất cả đều có vẻ lạ lẫm vô cùng với một cậu nhóc chưa bao giờ rời khỏi Florida, và bất cứ khi nào gặp ông, tôi lại khẩn khoản nài rủ ông thết đãi mình những câu chuyện. Ông luôn chiều tôi, kể lại chúng như những bí mật chỉ có thể gửi gắm nơi tôi.
Lên sáu tuổi, tôi quyết định rằng cơ hội duy nhất để mình có được cuộc đời ngoạn mục dẫu chỉ bằng một nửa của ông nội là trở thành nhà thám hiểm. Ông động viên tôi bằng cách chiều chiều cùng tôi cắm cúi nhìn xuống những tấm bản đồ thế giới, lên kế hoạch cho những chuyến thám hiểm tưởng tượng bằng các tuyến đường vạch ra bằng đinh rệp mũ đỏ và kể cho tôi nghe về những chốn lạ lùng tôi sẽ khám phá một ngày nào đó. Ở nhà, tôi thể hiện tham vọng của mình để ai cũng biết bằng cách lượn lờ vòng quanh với một miếng bìa cuộn thành ống áp vào mắt, miệng hét toáng lên, “Đất liền kia rồi!” và “Chuẩn bị một toán đổ bộ nào!” cho tới khi bố mẹ đá đít tôi ra ngoài. Tôi nghĩ hai người lo rằng ông nội có thể tiêm nhiễm vào tôi một thói mơ mộng vô phương cứu chữa nào đó mà tôi sẽ không bao giờ dứt bỏ được - lo rằng những chuyện hoang đường này sẽ khiến tôi dửng dưng với những tham vọng thực tế hơn - đến mức một ngày nọ mẹ phải kéo tôi ngồi xuống và giải thích rằng tôi không thể trở thành một nhà thám hiểm vì mọi thứ trên thế giới đã được khám phá cả rồi. Tôi đã sinh ra nhầm thế kỷ, và tôi cảm thấy mình bị lừa dối.
Tôi thậm chí còn cảm thấy bị lừa dối nhiều hơn khi vỡ lẽ ra là phần lớn những câu chuyện hay ho nhất ông nội Portman kể không thể nào là thật. Những câu chuyện dài nhất luôn kể về tuổi thơ của ông, chẳng hạn như ông ra đời tại Ba Lan nhưng đến năm mười hai tuổi đã được đưa bằng tàu thủy tới một trại trẻ ở Wales. Khi tôi hỏi vì sao ông bị chia lìa với hai cụ nội, câu trả lời của ông luôn giống nhau: vì những con quái vật truy đuổi ông. Ba Lan nát bươm cũng chỉ vì chúng, ông kể vậy.
“Quái vật kiểu như thế nào ạ?” tôi tròn mắt hỏi. Câu hỏi này đã trở thành thường lệ. “Những con quái vật lưng gù gớm ghiếc, da dẻ lở loét và hai con mắt đen ngòm ấy” ông trả lời như thế. “Và chúng bước đi thế này này!” Rồi ông nhấc từng bước chân lê tới chỗ tôi như một con quái vật trong mấy bộ phim ngày xưa cho đến khi tôi cười phá lên, vùng bỏ chạy.
Mỗi khi mô tả chúng, ông lại thêm thắt vào vài chi tiết kinh dị mới: chúng bốc mùi rác rưởi đang phân hủy; chúng vô hình, ta chỉ có thể thấy cái bóng của chúng, có một bó xúc tu uốn éo ẩn trong miệng chúng, sẵn sàng lao vút ra trong nháy mắt và lôi tuột bạn vào giữa bộ hàm mạnh mẽ. Chẳng mấy chốc tôi bắt đầu bị khó ngủ, trí tưởng tượng tích cực thái quá của tôi biến tiếng lốp xe kêu lạo xạo trên mặt đường ướt thành hơi thở phì phò nặng nề ngay bên ngoài cửa sổ phòng mình, hay những cái bóng dưới cánh cửa ra vào thành những xúc tu đen xám đang uốn éo. Tôi sợ chết khiếp lũ quái vật nhưng lại vẫn hào hứng tưởng tượng ra cảnh ông nội tôi chiến đấu với chúng và sống sót để kể lại câu chuyện.
Còn lạ kỳ hơn thế là những câu chuyện ông kể về cuộc sống tại trại trẻ ở Wales. Theo lời ông, đó là một nơi được phù phép, được lập nên để bảo vệ những đứa trẻ khỏi lũ quái vật nằm trên một hòn đảo ngày ngày đều sáng ánh mặt trời và chưa từng bao giờ có ai bị ốm hay chết. Tất cả mọi người sống cùng nhau trong một ngôi nhà lớn, được một con chim già sắc sảo bảo vệ, hay ít nhất trong chuyện kể là như thế. Tuy nhiên, khi lớn lên, tôi bắt đầu thấy nghi ngờ.
“Là chim gì hả ông?” một buổi chiều năm lên bảy, tôi hỏi trong lúc đưa mắt nhìn ông đầy ngờ vực từ bên kia bàn chơi bài, khi ông vừa để tôi thắng cờ tỷ phú.
“Một con chim ưng to hút tẩu thuốc”, ông đáp.
“Ông ơi, ông nghĩ cháu ngớ ngẩn lắm hay sao thế ạ.”
Ông đưa ngón cái gạt qua đống tiền màu cam và xanh dương đang vơi dần của mình. “Ông hông bao giờ ngẫy cháu ngớ ngẩn, Yakob.” Tôi biết mình đã làm ông buồn vì khẩu âm Ba Lan vốn chẳng bao giờ ông để lộ bỗng buột ra rất rõ, khiến cho không trở thành hông và nghĩ biến thành ngẫy. Cảm thấy có lỗi, tôi quyết định đành cho ông thêm cơ hội.
“Nhưng tại sao lũ quái vật lại muốn làm hại ông ạ?” tôi hỏi.
“Vì bọn ông không giống những người khác. Bọn ông đặc biệt.”
“Đặc biệt thế nào cơ?”
“À, đủ kiểu đặc biệt”, ông kể. “Có một cô bé biết bay, một cậu bé nuôi ong trong cơ thể, một người anh trai và cô em gái có thể nâng bổng những tảng đá lên quá đầu.”
Khó mà dám chắc ông có đang nghiêm túc hay không. Thế nhưng lại phải nói rõ, ông tôi không phải người có tiếng hay kể chuyện cười. Ông cau mày khi nhìn ra vẻ nghi ngờ trên mặt tôi.
“Được rồi, cháu không nhất thiết phải tin lời ông”, ông nói. “Ông có ảnh đây này!” Ông đẩy chiếc ghế gấp đang ngồi ra sau và đi vào trong nhà, để tôi lại một mình ngoài hàng hiên có lắp kính. Một phút sau, ông trở ra, cầm theo một hộp đựng xì gà cũ. Tôi nhổm người ra trước để nhìn trong khi ông lấy ra bốn bức ảnh nhăn nhúm ố vàng.
Đầu tiên là một bức ảnh mờ nhòe chụp thứ gì đó trông như một bộ quần áo mà không thấy người mặc. Hoặc thế, hoặc người mặc đồ không hề có đầu.
“Tất nhiên là cậu ta có đầu!” ông tôi vừa nói vừa cười. “Chỉ có điều cháu không thể nhìn thấy được.”
“Sao lại không? Cậu ấy vô hình ạ?”
“Ái chà, hãy xem bộ óc của anh chàng này kìa!” Ông nhướng mày lên như thể khả năng suy luận của tôi đã khiến ông ngạc nhiên. “Tên cậu ta là Millard. Một anh chàng rất nhộn. Thỉnh thoảng cậu ta sẽ nói, “Này Abe, tớ biết hôm nay cậu đã làm gì đấy nhé, đoạn kể lại xem cháu đã đi đâu, đã ăn gì, cả vụ cháu ngoáy mũi khi tưởng không có ai nhìn nữa. Đôi lúc cậu ta sẽ đi theo cháu, lặng thinh như một con chuột, không mặc gì trên người để cháu không thể trông thấy cậu ta theo dõi mình!” Ông lắc đầu. “Tưởng tượng được chứ, chàng trai?”
Ông đưa cho tôi một bức ảnh khác. Sau khi tôi đã có chút thời gian ngắm nghía nó, ông hỏi, “Thế nào? Cháu thấy gì?”
“Một cô bé phải không ạ?”
“Gì nữa nào?”
“Cô ấy đội một chiếc mũ miện.”
Ông tôi gõ gõ vào phần dưới bức ảnh. “Còn hai bàn chân cô ấy thì sao?”
Tôi cầm bức ảnh đưa lại gần hơn. Đôi bàn chân cô gái không chạm xuống mặt đất. Nhưng cũng không phải cô đang nhảy, cô gái dường như đang lơ lửng trong không trung. Miệng tôi há hốc.
“Cô ấy đang bay!”
“Gần đúng”, ông tôi nói. “Cô bé đang bay lên. Chỉ có điều cô ấy không thể hoàn toàn kiểm soát bản thân, thành ra đôi khi bọn ông phải buộc một sợi dây vào cô ấy để giữ cô ấy khỏi trôi đi mất!”
Đôi mắt tôi dán chặt vào khuôn mặt búp bê đầy ám ảnh của cô gái. “Thật thế ạ?”
“Tất nhiên là thật”, ông cáu kỉnh nói, lấy lại bức ảnh và thay thế nó bằng một bức ảnh khác, lần này chụp một cậu bé gầy khẳng khiu đang giơ một tảng đá lớn lên. “Victor và em gái cậu ta không thông minh cho lắm”, ông nói, “nhưng cháu ạ, hai anh em họ quả rất khỏe!”
“Trông anh ấy không có vẻ khỏe lắm”, tôi vừa nói vừa ngắm nghía hai cánh tay gầy gò của cậu bé.
“Tin ông đi, cậu ấy rất khỏe. Ông đã thử vật tay với cậu ấy một lần, và thiếu chút nữa cậu ấy đã vặn gãy rời bàn tay ông đấy!”
Nhưng lạ lùng nhất là bức ảnh cuối cùng. Nó chụp nửa sau đầu một người, bên trên vẽ một khuôn mặt.
Tôi nhìn chằm chằm vào bức ảnh cuối cùng trong khi ông nội Portman giải thích. “Cậu ấy có hai miệng, cháu thấy không? Một đằng trước và một đằng sau. Chính vì thế mà cậu ấy rất to béo!”
“Nhưng cái miệng này là giả”, tôi nói. “Khuôn mặt chỉ được vẽ lên thôi.”
“Hẳn rồi, khuôn mặt vẽ là giả. Nó được dùng cho chương trình xiếc. Nhưng như ông đã nói với cháu đấy, cậu ấy có hai miệng. Cháu không tin ông sao?”
Tôi ngẫm nghĩ một hồi, nhìn vào các bức ảnh rồi sau đó nhìn vào ông tôi, vẻ mặt ông thành thật như không bao giờ có điều gì giấu giếm. Việc gì ông phải nói dối chứ?
“Cháu tin ông”, tôi nói.
Và tôi thực sự tin ông - ít nhất là trong vài năm - cho dù chủ yếu vì tôi muốn thế, giống như những đứa trẻ khác ở tuổi tôi muốn tin vào ông già Noel. Chúng ta bám lấy những câu chuyện cổ tích của mình cho tới khi cái giá phải trả cho niềm tin vào chúng trở nên quá cao, với tôi là hồi cấp hai khi Robbie Jensen tụt quần tôi vào bữa trưa trước một bàn toàn con gái và tuyên bố là tôi tin vào chuyện cổ tích. Tôi đoán chuyện này chỉ là kết quả từ việc tôi kể lại những câu chuyện của ông ở trường, nhưng trong khoảnh khắc bẽ bàng ấy, tôi đã mường tượng ra biệt danh “anh chàng cổ tích” sẽ đeo đuổi tôi suốt nhiều năm và cho dù có công bằng hay không, tôi cũng thấy giận ông vì chuyện này.
Chiều hôm ấy ông nội Portman tới trường đón tôi, như ông vẫn thường làm khi cả bố mẹ tôi đều bận việc. Tôi trèo vào ghế phụ trong chiếc Pontiac cũ của ông và tuyên bố tôi không còn tin vào những câu chuyện cổ tích của ông nữa.
“Chuyện cổ tích nào cơ?” ông hỏi, đưa mắt nhìn tôi từ sau cặp kính.
“Ông biết mà. Những câu chuyện ấy. Về những đứa trẻ và lũ quái vật”
Ông tôi có vẻ bối rối. “Ông có nói đó là chuyện cổ tích đâu nhỉ?”
Tôi nói với ông rằng chuyện tưởng tượng và chuyện cổ tích cũng chỉ là một, và những câu chuyện cổ tích là dành cho lũ nhóc còn tè dầm, và tôi biết những bức ảnh và câu chuyện của ông đều là hư cấu. Tôi những tưởng ông sẽ nổi cáu hay tranh luận, nhưng thay vì thế ông chỉ nói, “Được rồi”, và khởi động chiếc Pontiac chạy. Ông nhấn ga một cái, thế là chúng tôi rời khỏi lề đường. Và câu chuyện cũng chấm dứt ở đó.
Tôi đoán ông đã nhìn ra rằng cuối cùng tôi cũng phải từ bỏ niềm tin vào chúng, nhưng ông buông bỏ mọi thứ nhanh đến mức khiến tôi cảm thấy mình đã bị lừa dối. Tôi không hiểu được tại sao ông lại bịa ra tất cả những thứ đó, lừa tôi tin rằng những điều phi thường có thể xảy ra trong khi không phải vậy. Phải mấy năm sau bố tôi mới giải thích chuyện này với tôi: ông nội cũng đã kể cho bố vài câu chuyện tương tự khi bố còn nhỏ, nhưng chúng không phải bịa đặt, mà nói chính xác là những phiên bản phóng đại thái quá của sự thật, vì câu chuyện về thời thơ ấu của ông nội Portman không hề là chuyện cổ tích. Đó là một câu chuyện kinh hoàng.
Ông nội tôi là thành viên duy nhất của gia đình thoát được khỏi Ba Lan trước khi Thế chiến thứ Hai bùng nổ. Khi ông mới mười hai tuổi, hai cụ nội đã trao ông vào tay những người xa lạ, để con trai út của họ lên một chuyến xe lửa tới Anh chỉ mang theo một cái va li và quần áo mặc trên người. Đó là chuyến đi không hẹn ngày trở lại. Ông không bao giờ gặp lại bố hay mẹ mình, hay các anh trai, các anh em họ, hoặc cô dì chú bác. Tất cả hẳn đều đã mất trước ngày sinh nhật thứ mười sáu của ông, bị sát hại dưới tay những con quái vật mà ông chỉ kịp tránh thoát. Song đây không phải là loại quái vật có những cái xúc tu và da dẻ lở loét, không phải loại quái vật một đứa trẻ lên bảy tuổi có thể để tâm tới. Chúng là những con quái vật mang khuôn mặt người, mặc quân phục bảnh bao, đi đều bước, nom bình thường tới mức bạn không thể nhận ra bản chất của chúng cho tới khi đã quá muộn.
Giống như những con quái vật, câu chuyện về hòn đảo được phù phép cũng là thực tế dưới lớp vỏ ngoài hư cấu. So sánh với cảnh tượng kinh hoàng trên lục địa châu Âu, trại trẻ đã đón nhận ông nội tôi chắc hẳn giống như một thiên đường, và vì thế nó đã trở thành thiên đường trong các câu chuyện của ông: một nơi trú ẩn an toàn với những mùa hè bất tận, các thiên thần bảo hộ cùng những đứa trẻ có phép thuật, vốn dĩ không thể bay, tàng hình hay nhấc bổng được đá tảng, tất nhiên rồi. Điểm khác thường khiến chúng bị săn đuổi chỉ đơn giản là nguồn gốc Do Thái của chúng. Chúng là những đứa trẻ mồ côi trong chiến tranh, bị con thủy triều máu đánh dạt lên hòn đảo nhỏ ấy. Điều khiến chúng trở nên đáng kinh ngạc không phải là chuyện chúng có những quyền năng mầu nhiệm; nguyên việc chúng thoát khỏi các khu tập trung người Do Thái và phòng hơi ngạt cũng đã là một phép mầu rồi.
Tôi thôi không đòi ông kể chuyện cho mình nữa, và tôi thầm nghĩ chắc ông cũng thấy nhẹ nhõm. Một bầu không khí huyền bí bao quanh các chi tiết về phần đời trước đây của ông. Tôi không tò mò tìm hiểu. Ông đã phải trải qua địa ngục và có quyền được giữ những bí mật của mình. Khi nghĩ tới cái giá ông phải trả tôi cảm thấy xấu hổ vì đã ghen tị với cuộc đời ông, và cố cảm thấy may mắn vì cuộc sống an toàn mình đã hưởng trong khi chẳng làm gì để xứng đáng được như thế.
Rồi vài năm sau đó, khi tôi mười lăm tuổi, một việc dị thường và khủng khiếp xảy ra, thế là chỉ còn lại Trước và Sau.