Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Tác giả: Toni Morission
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Beloved
Dịch giả: Hồ Như
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 868 / 20
Cập nhật: 2016-02-29 20:21:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần I – Chương 1
24 hằn học. Đầy nọc độc trẻ thơ. Những người đàn bà trong nhà biết thế và lũ trẻ cũng biết thế. Đã nhiều năm mỗi người chịu đựng sự hằn học ấy theo cách riêng của mình, nhưng đến năm 1873, chỉ còn Sethe và con gái Denver là nạn nhân của nó. Bà nội Baby Suggs đã mất, và hai đứa con trai Howard và Buglar đã trốn đi khi chúng mười ba tuổi - khi chỉ nhìn vào gương thôi là đủ làm nó vỡ tan (dấu hiệu cho Buglar); ngay sau khi hai vết bàn tay nhỏ hiện ra trên mặt chiếc bánh ngọt (thế là xong với Howard). Chúng không đợi để chứng kiến thêm nữa, thêm một nồi đậu đổ chất đống bốc khói trên sàn nhà; bánh quy giòn bóp vụn và rải dọc theo bệ cửa. Chúng cũng không đợi đến lúc mọi chuyện nguôi ngoai, khi nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trôi qua mà không điều gì bị xáo trộn. Không. Từng đứa tức thì bỏ đi - ngay khi căn nhà phạm một điều đối với chúng là sự lăng mạ không chịu đựng nổi hay không thể chứng kiến đến lần thứ hai. Trong vòng hai tháng, ngay giữa mùa đông, chúng để mặc bà nội Baby Suggs, mẹ Sethe và em gái Denver tự mình xoay sở trong căn nhà trắng xám ở đường Bluestone. Lúc ấy nhà không có số, vì Cincinnati chưa kéo dài đến chỗ ấy. Thật ra lúc thằng anh rồi đến đứa em nhồi khăn vào mũ, chụp đôi giày và lẻn trốn khỏi sự hằn học dữ dội căn nhà dành cho chúng thì Ohio chỉ mới tự nhận là tiểu bang được bảy mươi năm.
Baby Suggs không buồn nhấc đầu dậy. Từ giường bệnh bà nghe chúng đi, nhưng không phải vì vậy mà bà nằm yên. Với bà, chuyện lạ là mãi đến lúc ấy hai thằng cháu mới nhận ra không ngôi nhà nào giống như ngôi nhà trên đường Bluestone. Ở lưng chừng giữa cuộc sống khốn nạn và cái chết ác mó, rời bỏ cuộc đời hay tiếp tục sống bà đều không thiết tha nói gì đến nỗi sợ của hai thằng cháu đang lẻn đi. Quá khứ của bà cũng giống như hiện tại - chịu không thấu - và vì bà biết rằng cái chết không là gì khác ngoài sự quên lãng, bà dùng chút hơi tàn để suy ngẫm về màu sắc.
"Mang chút màu tím nhạt vào nếu con có. Nếu không thì mang màu hồng."
Và Sethe sẽ chiều bà bằng bất cứ cái gì, từ tấm vải cho đến cái lưỡi của chị. Mùa đông ở Ohio đặc biệt gay go nếu người ta khát thèm màu sắc; bầu trời là duy nhất, mà trông mong vào chân trời Cincinnati để tìm niềm vui chính của cuộc đời thì thật là liều lĩnh. Vì vậy, Sethe và Denver, con gái chị, làm hết sức cho bà, với những gì căn nhà cho phép. Họ cùng nhau chống trả lấy lệ những hành vi thái quá của nó: thùng tiểu đêm lật úp, cái vỗ vào sau mông, luồng gió có mùi chua. Vì họ hiểu nguồn căn của nỗi căm giận đó cũng như họ hiểu nguồn căn của ánh sáng vậy.
Không lâu sau khi hai cậu bé bỏ đi, Baby Suggs chết, không mảy may quan tâm xem cuộc tiễn đưa là dành cho chúng hay cho bà. Và ngay sau đó Sethe và Denver quyết định chấm dứt sự quấy nhiễu bằng cách gọi hồn ma đã làm họ khổ cực đến thế. Họ nghĩ có lẽ một cuộc đối thoại, một lần trao đổi quan điểm hay cái gì đó sẽ có ích. Vì vậy họ nắm tay nhau và nói: "Về đây! Về đây! Hồn ơi, về đây!"
Chỉ có tủ chén đĩa tiến lên một bước còn mọi thứ vẫn im lìm.
"Chắc bà nội Baby cản chị ấy rồi," - Denver nói - Lúc ấy nó mười tuổi và vẫn còn giận Baby Suggs vì bà chết.
Sethe mở mắt. "Mẹ không chắc" - chị nói.
"Vậy tại sao chị ấy không đến?
"Con đừng quên chị còn nhỏ lắm", mẹ nó nói. "Chị con chết khi chưa đầy hai tuổi. Nó còn nhỏ quá không hiểu gì. Thậm chí nói còn chưa sõi.
"Có thể chị ấy không muốn hiểu." Denver nói.
"Có thể. Nhưng nếu nó chịu đến, mẹ sẽ làm cho nó hiểu."
Sethe buông tay con gái và hai mẹ con đẩy tủ bát đĩa trở lại sát tường. Bên ngoài, một người đánh xe quất cho ngựa chạy nhanh hơn, dân trong vùng ai cũng cảm thấy cần phải làm thế khi đi ngang qua nhà số 124.
"Chị ấy bé xíu mà quyền phép mạnh ghê," Denver nói.
"Không mạnh hơn tình thương mẹ dành cho nó," Sethe trả lời, và cảnh tượng ấy lại hiện ra. Hơi lạnh mát dễ chịu của những tấm bia mộ chưa khắc, tấm bia chị nhón chân tựa vào, hai gối chị giang rộng như một nấm mồ. Tấm bia màu hồng như móng tay, lấm tấm những vết lấp lánh. Mười phút; hắn nói. Chị có mười phút tôi làm không công.
Mười phút cho sáu mẫu tự. Thêm mười phút nữa có lẽ chị có luôn chữ "Mến?" Chị không nghĩ ra để hỏi hắn, và chị vẫn băn khoăn không chừng chuyện ấy có thể - rằng mất hai mươi phút, hay cùng lắm nửa tiếng, chị có thể được tất cả, tất cả mấy chữ chị nghe ông mục sư nói trong đám tang (và chắc chắn đấy là tất cả mọi lời đáng nói) sẽ được khắc trên bia mộ của đứa con thơ: "Mến Thương" 1 Nhưng chị đã có một chữ quan trọng và chị chấp nhận như thế. Chị nghĩ thế là đủ, động đực với tên thợ khắc giữa những tấm bia mộ trong lúc đứa con trai nhỏ của hắn ngó xem; trên mặt nó nỗi giận dữ quá cũ mà sự thèm thuồng lại rất mới. Chắc chắn như vật là đủ. Đủ để trả lời một ông mục sư nữa, một người chủ trương bãi nô nữa và một thị trấn ngập ngụa trong ghê tởm.
Mong cho linh hồn mình được yên ổn, chị đã quên mất linh hồn kia: linh hồn của đứa bé gái con chị. Ai nghĩ được đứa bé dường ấy lại có thể chất chứa nhiều căm tức như thế? Động đực giữa những tấm bia dưới cái nhìn của đứa con trai tên thợ khắc chữ chưa đủ. Không những chị phải sống đến già trong căn nhà bị đứa bé phẫn nộ vì bị cắt cổ làm cho tê liệt, mà mười phút chị áp mình vào tấm đá màu ban mai có điểm những mảnh sao. Hai đùi chị mở rộng như nấm mồ, mới dài hơn cuộc đời, sinh động hơn, phập phồng hơn máu đứa bé trơn như dầu đẫm ướt tay chị.
"Mình có thể chuyển nhà," có lần chị đề nghị với mẹ chồng. Có ích gì? Baby Suggs hỏi, có căn nhà nào trong xứ sở này không chất đầy đến nóc nỗi buồn phiền của một kẻ da đen đã chết nào đấy. Mình may mắn vì hồn ma này là con nít. Hồn của chồng mẹ trở lại đây thì sao? Hay của chồng con? Đừng nói với mẹ làm gì. Con may mắn. Con còn ba đứa. Ba đứa kéo váy con mà chỉ có một đứa làm trời làm đất từ cõi bên kia. Con phải biết ơn nghe con. Mẹ có tám đứa con. Đứa nào cũng rời mẹ mà đi. Bốn đứa bị bắt và bốn đứa bị đuổi đi. Và mẹ đoán tất cả tụi nó ám nhà người ta". Baby Suggs bóp lông mày "Con đầu lòng của mẹ. Mẹ chỉ còn nhớ được là nó thích cạnh bánh mì cháy. Con thấy có ai hơn được mẹ không? Tám đứa con mà mẹ chỉ nhớ bấy nhiêu".
"Mẹ chỉ tự cho phép mình nhớ bao nhiêu đó," Sethe đã bảo bà. Nhưng rồi chính chị chỉ còn có một đứa - một đứa còn sống - hai thằng con trai đã bị đứa con đã chết đuổi đi, và ký ức của chị về Buglar đang phai đi nhanh chóng. Ít nhất Howard có hình dạng cái đầu khó quên. Những chuyện còn lại chị gắng nhớ càng ít càng tốt cho yên thân. Không may là đầu óc chị quỉ quái. Chị có thể đang vội vã gần như chạy đến vòi bơm nước để rửa chân cho sạch nhựa hoa cúc. Chị không nghĩ đến điều gì khác. Hình ảnh những người đàn ông đến với chị cũng vô cảm như những dây thần kinh ở chỗ làn da sần sùi như tấm ván giặt trên lưng chị. Cũng không có mùi mực thoang thoảng hay mùi nhựa cây anh đào, và vỏ cây sồi làm ván giặt. Không có gì cả. Chỉ có làn gió nhẹ thổi mát khuôn mặt chị khi chị lao đến vòi nước. Và rồi, trong lúc chị chà nhựa hoa cúc bằng nước vòi bơm và mấy tấm giẻ, chị chú tâm vào việc rửa sạch hết nhựa - vào việc chị đã bất cẩn đi tắt qua cánh đồng chỉ để bớt được nửa dặm đường mà không để ý rằng cỏ dại mọc rất cao, cho đến khi cái ngứa lan tận đến hai đầu gối của chị. Rồi có một điều vì đấy. Tia nước tung tóe, giày tất của chị ngổn ngang trên lối đi, hay con Here Boy đang liếm vũng nước cạnh chân chị, và bất chợt Tổ Ấm trải ra, trải ra, trải ra trước mắt chị, và mặc dù chiếc lá nào của nông trại ấy cũng khiến chị muốn thét lên, nó trải mình ra trong vẻ đẹp không thẹn thùa trước mặt chị. Không bao giờ nó trông ghê gớm như nó thật sự ghê gớm; và chị tự hỏi phải chăng địa ngục cũng là một chốn xinh đẹp. Lửa và lưu huỳnh thật đấy, nhưng lại ẩn giấu trong những lùm cây giăng mắc. Hai cậu bé đu đưa trên những cây sung dâu đẹp nhất thế gian. Chị xấu hổ - vì nhớ lùm cây tuyệt vời rì rào trong gió hơn là nhớ hai thằng bé. Dù chị cố thay đổi. Lần nào cây sung dâu cũng thắng bọn trẻ và chị giận ký ức của mình là vì thế.
Khi nhựa hoa cúc đã sạch hết, chị đi vòng ra trước căn nhà tiện đường nhặt giày tất. Như thể chị đang bị trừng phạt thêm nữa vì trí nhớ tệ hại của mình, Paul D, người đàn ông cuối cùng của Tổ Ấm, đang ngồi trên hàng hiên cách chị chưa đầy mười lăm thước. Dù không thể lẫn khuôn mặt anh với ai khác chị vẫn nói: "Anh đó ư?"
"Phần sót lại của anh." Anh đứng lên và mỉm cười. "Ngoài chuyện em đang chân trần, em thế nào, cô bé?"
Tiếng cười của chị trẻ trung và thoải mái. "Chân em bị dính bẩn đằng kia. Hoa cúc."
Anh nhăn mặt như đang nếm phải một thìa chất đắng. "Thậm chí anh không muốn nghe đến nó. Anh vẫn ghét đặc cái thứ ấy."
Sethe vo tròn đôi tất và nhét chúng vào túi áo. "Anh vào nhà đi."
"Ngồi ngoài hàng hiên được rồi, Sethe. Ngoài này mát". Anh lại ngồi xuống và nhìn cánh đồng cỏ bên kia đường và biết rằng nỗi háo hức trong anh sẽ lộ ra khẽ khàng.
"Mười tám năm", chị nói nhỏ.
"Mười tám," anh lặp lại. "Anh thề anh đã lang thang suốt từng đó năm. Anh bắt chước em nhé?" Anh hất đầu về phía hai bàn chân chị và bắt đầu tháo dây giày.
"Anh có muốn ngâm chân không? Để em lấy chậu nước cho anh." Chị đến gần anh hơn để vào nhà.
"Thôi. Không thể chăm chút hai bàn chân được. Chúng còn phải lang thang nhiều nữa."
"Anh không được đi ngay, Paul D. Anh ở lại một lát đã."
"Ôi dù sao anh cũng ở lại đến khi gặp được Baby Suggs chứ. Bà đâu rồi?"
"Mất rồi."
"Chao ơi. Khi nào?"
"Tính ra tám năm, gần chín năm rồi".
"Có khổ sở không? Anh hy vọng bà chết mà không đau đớn."
Sethe lắc đầu. "Êm như nhung. Sống mới là phần khó. Tiếc là anh không gặp được bà. Anh ghé thăm là vì thế à?"
" Cũng có một phần. Còn lại là vì em. Nhưng thật tình bây giờ anh sẽ đi bất cứ nơi đâu. Bất cứ nơi nào người ta cho anh ngồi xuống."
"Trông anh khá đấy".
"Lừa mị của quỷ đó thôi. Anh còn cảm thấy tệ thì nó còn để anh trông khá khẩm." Anh nhìn chị và chữ "tệ" biến thành nghĩa khác.
Sethe mỉm cười. Họ như vậy đấy - từng như vậy đấy.
Những người đàn ông Tổ ấm, trước Halle hay sau Halle, tất cả đối với chị đều có chút tán tỉnh thân tình, tế nhị đến nỗi phải cào lên mới thấy.
Anh vẫn như hồi ở Kentucky, chỉ khác là có thêm tóc và một vẻ mong đợi trong mắt. Da màu hột đào, lưng thẳng. Điều lạ là khuôn mặt lặng lẽ của anh rất dễ cười, hoặc bừng sáng lên, hoặc cảm thông với người khác. Như thể người ta chỉ cần gợi sự chú ý nơi anh là anh cảm được ngay điều họ cảm thấy. Trong chớp mắt, khuôn mặt anh dường như thay đổi - sau vẻ bề ngoài tĩnh lặng ấy là sự linh lợi.
"Em không cần phải hỏi về anh ấy phải không? Nếu anh biết chuyện gì thì anh sẽ kể cho em nghe, phải không?" Sethe nhìn xuống chân mình và lại nhìn thấy những cây sung dâu.
"Anh sẽ kể cho em nghe. Dĩ nhiên anh sẽ kể cho em nghe. Hiện giờ anh không biết gì hơn lúc trước." Ngoại trừ chuyện thùng đánh bơ, anh nghĩ, và em không cần biết điều ấy. "Chắc em nghĩ anh ấy vẫn còn sống?"
"Không. Em nghĩ anh ấy đã chết. Điều làm cho anh ấy còn sống là vì chưa ai biết chắc đó thôi."
"Baby Suggs thì sao?"
"Bà cũng nghĩ thế, nhưng nếu nghe theo bà thì con bà đều đã chết cả. Bà nói bà cảm thấy cái chết của mỗi người đúng từng giờ từng phút."
"Bà nói Halle đi lúc nào?"
"Năm một ngàn tám trăm năm mươi lăm...Ngày con em ra đời".
" Em sinh nó ra hả? Anh tưởng em không xoay sở được kia." Anh cười khẽ. "Ai đời bỏ trốn lúc mang thai."
"Phải vậy thôi. Làm sao chờ được." Chị cúi đầu và, cũng như anh, nghĩ rằng chuyện chị xoay sở được là điều rất khác thường. Và nếu không có cô gái đi tìm vải nhung, chị sẽ không bao giờ làm nổi.
"Và làm được một mình nữa." Anh vừa hãnh diện vừa bực mình. Hãnh diện vì chị xoay sở được, bực mình vì chị đã không cần đến Halle hay chính bản thân anh.
"Gần như một mình. Không hẳn một mình. Một cô gái da trắng đã giúp em."
"Thế thì cô ấy cũng tích phước cho mình nữa. Chúa ban phước cho cô ấy."
"Anh có thể ở qua đêm, Paul D."
"Em mời có vẻ không nhiệt tình lắm."
Sethe liếc nhìn cánh cửa đóng sau vai anh. "Ồ, em thật lòng chứ. Em chỉ mong anh không chê nhà em thôi. Vào nhà đi anh. Nói chuyện với Denver trong khi em nấu món gì đấy cho anh."
Paul D buộc hai chiếc giày vào nhau, vắt chúng lên vai và bước theo chị qua cánh cửa, thẳng vào một vùng ánh sáng đỏ nhấp nhô gợn sóng làm anh đứng sững lại.
"Em có khách à?" Anh thì thầm, mày nhíu lại.
"Khi có khi không", Sethe nói.
"Trời ơi," Anh lùi qua cửa trở lại hàng hiên. Em có ác quỷ gì ở đây vậy?"
"Không phải ác quỷ, chỉ nỗi buồn thôi. Coi nào. Anh vào đi."
Lúc ấy anh mới nhìn kỹ chị. Kỹ hơn lúc chị đi vòng quanh góc nhà trên đôi chân bóng ướt một tay cầm giày tất tay kia nhấc váy. Vợ của Halle - người có đôi mắt sắt đá cùng với nghị lực sắt đá. Ở Kentucky anh chưa bao giờ thấy tóc chị. Khuôn mặt cho dù già hơn mười tám năm trước, khi anh nhìn thấy chị lần cuối, bây giờ ôn hòa hơn. Nhờ mái tóc. Một khuôn mặt tĩnh lặng đến bối rối, đồng tử cùng màu với làn da trên khuôn mặt lặng lẽ thường làm anh nghĩ đến một chiếc mặt nạ được lòng nhân từ khoan cho hai lỗ mắt. Vợ của Halle. Năm nào cũng mang thai kể cả năm chị ngồi bên đống lửa bảo anh rằng chị sẽ trốn đi. Chị đã gửi ba đứa con cùng với đám trẻ trong đoàn xe da đen sắp vượt sông. Chúng sẽ được để lại chỗ mẹ Halle ở gần Cincinnati. Ngay cả trong căn chòi nhỏ xíu ấy, lúc chị nghiêng người gần lửa đến nỗi người ta có thể ngửi thấy hơi nóng trong áo chị, mắt chị không phản chiếu một tia sáng nào. Chúng thăm thẳm như hai miệng giếng làm anh bối rối khi nhìn vào. Dù đã được khoan lỗ, chúng vẫn cần được che đậy, phủ hàng mi, mang dấu hiệu nào đấy để báo cho người ta biết những gì chứa đựng trong khoảng trống rỗng ấy. Thế nên anh nhìn lửa mà không nhìn chị lúc chị nói cho anh nghe, vì chồng chị không có mặt để kể chuyện. Ông Garner đã chết, vợ ông có cục bướu to như củ khoai lang ở cổ và không nói chuyện được nữa. Chị nghiêng cái bụng bầu sát vào lửa và nói với anh, Paul D, người đàn ông cuối cùng của Tổ ấm.
Họ đã từng có sáu người ở nông trại đó. Sethe là phụ nữ duy nhất. Bà Garner, nức nở như một đứa trẻ đã bán anh trai anh để trả món nợ bà biết ra khi bà vừa trở thành góa phụ. Rồi thầy giáo đến thu xếp mọi chuyện. Nhưng điều hắn làm đã hủy hoại ba người đàn ông nữa trong Tổ ấm và lấy đi ánh lấp lánh trong đôi mắt Sethe, để lại hai miệng giếng mở không phản chiếu ánh lửa.
Bây giờ vẻ sắt đá đã trở lại nhưng khuôn mặt, mềm mại hơn nhờ mái tóc khiến anh tin chị đủ để bước qua cửa nhà chị thẳng vào một vũng sáng đỏ phập phồng.
Chị nói đúng. Ngôi nhà thật buồn rầu. Khi anh bước qua cửa, một làn sóng đau buồn thấm đẫm người anh đến nỗi anh muốn khóc. Khoảng cách đến làn ánh sáng bình thường xung quanh chiếc bàn dường như xa lắm, nhưng anh vượt qua được, mắt ráo hoảnh và may mắn.
"Em nói bà chết nhẹ nhàng êm như nhung," anh nhắc chị.
"Đấy không phải là Baby Suggs," chị nói.
"Vậy là ai?"
"Con gái em. Đứa con gái em gửi đi với hai thằng con trai."
"Nó không còn sống"?
"Không. Đứa con duy nhất còn lại là đứa em mang trong bụng lúc em bỏ trốn. Hai đứa con trai cũng đi rồi. Tụi nó đi ngay trước lúc Baby Suggs mất."
Paul D nhìn nơi nỗi đau buồn đã thấm đẫm người anh. Màu đỏ đã phai đi, nhưng tiếng khóc than còn vương vất trong không gian. Có lẽ thế là tốt hơn cả, anh nghĩ. Nếu một gã da đen có chân thì hắn phải sử dụng chúng. Nếu hắn ngồi xuống quá lâu, sẽ có người kiếm ra cách buộc chúng lại. Dù thế... nếu con trai chị đã đi hết...
"Không có người đàn ông nào sao? Em ở đây một mình ư?"
"Em và Denver", chị nói.
"Em xoay sở được chứ?"
"Em xoay sở được."
Chị thấy nỗi ngờ vực của anh và tiếp: "Em nấu bếp ở một quán ăn trong thị trấn, và em may vá chút chút."
Lúc ấy Paul D mỉm cười, nhớ lại chiếc áo đêm động phòng.
Khi Sethe đến Tổ ấm, chị mười ba tuổi, đôi mắt đã cứng cỏi.
Chị là món quà đúng lúc cho bà Garner, đã mất Baby Suggs vì những nguyên tắc cao thượng của chồng. Năm người đàn ông Tổ ấm nhìn cô gái mới và quyết định để cô yên. Họ còn trẻ và không chịu nổi sự thiếu thốn đàn bà đến nỗi họ đã xoay qua mấy con bê. Thế mà họ để cô bé đôi mắt cứng cỏi yên, để cô có thể chọn, mặc dù mỗi người sẵn sàng đập mấy người kia nát như cháo để lấy được cô. Cô mất một năm để chọn - một năm dài khổ cực khi họ trăn trở trên nệm rơm, mòn mỏi mơ về cô. Một năm khao khát khi cưỡng dâm dường như là món quà duy nhất của cuộc sống. Họ kềm chế được chỉ vì họ là những người đàn ông của Tổ ấm - những người ông Garner nhắc đến để khoe trong lúc những điền chủ khác lắc đầu cảnh cáo.
"Tụi bay chỉ có lũ con trai," ông bảo họ. "Trai trẻ, trai già, trai khó chịu, trai sắc sảo. Còn ở Tổ ấm mấy đứa da đen của tao đều là đàn ông. Mua tụi nó là thế, nuôi lớn tụi nó là thế. Đứa nào cũng là đàn ông."
"Xin lỗi, Garner. Không có thằng da đen nào là đàn ông."
"Nếu tụi bay sợ thì không có." Garner cười toe. "Nhưng nếu tụi bay là đàn ông, tụi bay sẽ muốn bọn da đen của tụi bay cũng là đàn ông."
"Tao không muốn có thằng đàn ông da đen nào quanh quẩn gần vợ tao".
Đấy là phản ứng Garner thích và chờ đợi. "Tao cũng không thích," ông nói. "Tao cũng không thích", và lần nào cũng có một khoảnh khắc im lặng tiếp theo trước khi ông hàng xóm hay kẻ lạ, hay người bán rong, hay thằng em vợ hay bất kỳ ai đó hiểu ra. Rồi cãi vã dữ dội, đôi khi ẩu đả và Garner về nhà, người bầm giập và hài lòng vì đã chứng tỏ một lần nữa một người Kentucky thực thụ là như thế nào: đủ dữ dằn và khôn khéo để uốn nắn và gọi bọn da đen của mình là đàn ông.
Và họ đã là như thế: Paul D Garner, Paul F Garner, Paul A Garner. Halle Suggs và Sixo, kẻ điên dại. Tất cả đang độ tuổi đôi mươi, không đàn bà, giao hợp với bò, mơ chuyện cưỡng hiếp trăn trở trên nệm rơm, xoa đùi và đợi con bé mới - con bé thế chỗ Baby Suggs sau khi Halle chuộc bà bằng năm năm làm việc ngày Chủ nhật. Có thể vì thế mà chị chọn anh. Một người đàn ông hai mươi tuổi thương mẹ đến nỗi bỏ mất ngày Sabbath trong năm năm chỉ để thấy bà cuối cùng được nghỉ ngơi chắc phải là một người tốt.
Chị đợi một năm. Và bọn đàn ông cưỡng bức mấy con bò trong lúc đợi cùng chị. Chị chọn Halle và lén tự may một chiếc áo cho đêm động phòng.
"Anh không ở lại một lúc sao? Đâu có ai có thể nói hết mười tám năm trong một ngày."
Trong ánh sáng mờ nơi căn phòng họ đang ngồi, một cầu thang trắng vươn về phía lớp giấy dán tường màu trắng và xanh trên lầu hai. Paul D chỉ thấy được phần phía trên của lớp giấy dán; những chấm vàng lác đác rải giữa những đóa hoa tuyết rơi đầy trên nền giấy màu xanh dương. Màu trắng rạng rỡ của những bậc thang và tay vịn làm anh liếc mãi về phía ấy.
Tất cả giác quan trong người anh bảo anh rằng không gian trên cầu thang rất mỏng manh và có bùa phép. Nhưng cô gái bước xuống từ không gian ấy có thân hình tròn trĩnh, làn da màu nâu và khuôn mặt lanh lợi giống như một con búp bê.
Paul D nhìn cô gái rồi nhìn Sethe đang mỉm cười nói, "Denver của em đây rồi. Con à, đây là bác Paul D, từ Tổ ấm đến."
"Thưa ông D."
"Garner, cháu à, Paul D Garner."
"Vâng".
" Thật mừng được trông thấy cháu. Lần cuối bác gặp mẹ cháu, cháu còn đang đạp phình bụng áo mẹ."
"Nó vẫn còn làm thế," Sethe mỉm cười, "nếu nó vào được."
Đứng trên bậc thang cuối cùng, Denver đột nhiên cảm thấy háo hức và e thẹn. Lâu lắm rồi không có ai (bà da trắng tốt bụng, mục sư, diễn giả hay nhà báo) ngồi ở bàn của hai mẹ con. Giọng nói thông cảm của họ bị nỗi ghê tởm trong mắt họ lật tẩy.
Mười hai năm rồi, từ lâu trước khi Baby Suggs mất, không có bất cứ người khách nào và chắc chắn không có bạn bè tới đây. Không có người da đen. Chắc chắn không có người đàn ông da màu hạt phỉ, tóc dài và không có cuốn sổ tay, không chì than để vẽ, không trái cam, không câu hỏi. Một người mà mẹ nó muốn nói chuyện cùng và chịu nói chuyện cả khi đang chân trần. Chị có dáng vẻ, và thật sự có cách cư xử giống như một cô gái trẻ thay vì người đàn bà lặng lẽ oai nghi mà Denver đã biết suốt cuộc đời mình. Một người không bao giờ nhìn tránh đi khi một người đàn ông bị một con ngựa cái dẫm chết ngay trước quán ăn của Sawyer, và khi một con heo cái bắt đầu ăn lứa con của nó.
Mẹ nó cũng không nhìn tránh đi khi hồn ma đứa bé nhấc bổng con Here Boy và quật nó vào tường mạnh đến nỗi hai chân nó gãy lìa và mắt nó lòi ra đến nỗi nó bị động kinh và tự cắn nát lưỡi của mình. Chị lấy một cái búa, đập con chó bất tỉnh, chùi máu và nước dãi, đẩy con ngươi trở lại vào hốc mắt và bó bột chân nó. Nó hồi phục, câm và loạng choạng vì con mắt kém hơn là vì đôi chân bị cong và dù đông hay hè, mưa hay nắng, không điều gì thuyết phục được nó vào nhà lần nữa.
Bây giờ người đàn bà đủ tỉnh táo để chữa lành cho một con chó man dại vì đau đớn đang đu đưa hai cổ chân bắt chéo và tránh nhìn thân thể của chính con gái mình. Như thể ánh mắt chị không chứa đựng hết dáng vóc của nó. Cả chị lẫn anh đều không mang giày. Háo hức, e thẹn, bây giờ Denver thấy lẻ loi. Từng ấy sự chia ly: đầu tiên là hai anh, rồi bà nội - đấy là những mất mát kể từ khi không còn lũ trẻ nào chịu chơi trò xoay vòng quanh nó, hay kẹp đầu gối qua lan can hàng hiên nhà nó lộn người xuống. Những điều ấy cũng không quan trọng gì nếu mẹ nó không nhìn tránh đi như bây giờ, khiến Denver mong mỏi, quả thật mong mỏi, một dấu hiệu hằn học của hồn ma đứa bé.
"Con bé xinh thật" Paul D nói. "Rất xinh. Khuôn mặt dễ thương giống ba nó."
"Bác biết ba cháu à?" Biết chứ. Biết rõ."
"Phải thế không hở mẹ?" Denver cố giữ cho tình cảm của mình không thay đổi.
"Dĩ nhiên bác biết ba con. Mẹ đã bảo con rồi, bác là người của Tổ ấm."
Denver ngồi xuống bậc thang chót. Nó không còn chỗ nào để đi. Họ là một cặp, nói "ba cháu" và "Tổ ấm", theo cách rõ ràng rằng cả hai là của họ và không phải của nó. Rằng sự thiếu vắng cha nó không phải là sự thiếu vắng của nó. Đã có lúc sự thiếu vắng là của bà nội Baby - đứa con trai được thương tiếc vô cùng vì cha là người chuộc bà nội ra khỏi nơi ấy. Rồi đấy là người chồng vắng mặt của mẹ nó. Bây giờ đấy là người bạn vắng mặt của người lạ da màu hạt phỉ. Chỉ có những người biết ông ("biết rõ") mới có thể giành lấy sự thiếu vắng ông cho riêng họ. Cũng như chỉ có những người sống ở Tổ ấm mới có thể nhớ đến chuyện ấy, thì thào tên của nó và đồng thời liếc xéo lẫn nhau. Một lần nữa nó mong mỏi hồn ma đứa trẻ - bây giờ niềm căm giận của đứa bé khiến nó náo nức thay vì làm nó mệt nhoài như mọi khi. Làm nó mệt nhoài.
"Mẹ và cháu có một hồn ma ở đây", nó nói, và câu nói hiệu nghiệm. Họ không còn là một cặp nữa. Mẹ nó thôi đong đưa chân, thôi cư xử như một cô gái mới lớn, và ký ức về Tổ ấm biến khỏi đôi mắt người đàn ông đã khiến mẹ nó cư xử như một cô gái mới lớn. Anh liếc nhanh lên những bậc thang trắng lấp lánh sau lưng nó.
"Bác có nghe" anh nói "Nhưng mẹ cháu nói là nó buồn rầu. Không phải là ác độc."
"Thưa không" Denver nói, "Không phải là ác độc. Nhưng cũng không phải là buồn rầu."
"Vậy thì là gì?"
"Là bị mắng. Là lẻ loi và bị mắng mỏ."
"Thật sao?" Paul D quay sang Sethe.
"Chuyện lẻ loi thì em không biết. Có thể nó giận dỗi, nhưng em không tin nó cảm thấy lẻ loi khi nó ở bên chúng em từng giờ từng phút."
"Chắc nó muốn đòi em một thứ gì đấy."
Sethe nhún vai. "Nó chỉ là một đứa bé."
"Chị của cháu," Denver nói. "Chị chết trong nhà này."
Paul D gãi gãi râu dưới cằm. "Làm anh nhớ lại cô dâu cụt đầu phía sau Tổ ấm. Nhớ không Sethe? Cô ta vẫn thường lang thang trong rừng."
"Làm sao em quên được? Làm em sợ..."
"Tại sao ai trốn khỏi Tổ ấm cũng nói đến nó mãi? Nếu chỗ ấy dễ thương đến thế thì lẽ ra mọi người phải muốn ở lại chứ."
"Con bé, con đang nói với ai đấy?"
Paul D cười. "Đúng, đúng. Nó nói đúng Sethe. Chỗ ấy không dễ thương và chắc chắn nó không phải là tổ ấm. Anh lắc đầu.
"Nhưng tất cả chúng mình đã cùng ở đấy," Sethe nói. "Cùng với nhau. Dù muốn hay không mình vẫn nhớ đến." Chị thoáng rùng mình. Một chút gợn trên da, được chị vuốt cho yên ngủ lại. "Denver," chị nói. "đốt lò đi con. Phải đãi bạn ghé ngang mới được."
"Đừng phiền phức vì anh." Paul D nói.
"Làm bánh mì có phiền gì đâu. Thức ăn còn lại là của em mang từ chỗ làm về. Em nấu nướng từ sáng sớm đến trưa, ít ra em phải mang được bữa tối về nhà. Con có điều gì phản đối không?"
"Nếu bác không phản đối con, con cũng không phản đối bác".
Lại nữa rồi, Denver nghĩ. Quay lưng lại phía họ, nó xáo củi nhóm lên và suýt nữa làm lửa tắt. "Bác ở lại đêm nay nghe, bác Garner? Bác và mẹ có thể nói chuyện Tổ ấm hết đêm."
Sethe bước hai bước về phía bếp lò, nhưng trước khi chị giật cổ áo Denver, cô gái đã cúi xuống và khóc.
"Con làm sao vậy? Mẹ chưa bao giờ thấy con như thế này."
"Kệ nó đi," Paul D nói. "Anh là người lạ đối với nó."
"Chính là thế. Nó không có cớ gì để giở chứng với một người lạ. Con yêu có chuyện gì vậy? Có phải có chuyện gì đã xảy ra?"
Nhưng Denver run rẩy và nức nở không nói được nên lời.
Những giọt lệ nó không nhỏ xuống suốt chín năm làm ướt bộ ngực rất đỗi thiếu nữ.
"Con không chịu được nữa. Con không chịu được nữa."
"Không chịu được cái gì? Con không chịu được cái gì?"
"Con không thể sống ở đây. Con không biết đi đâu hay làm gì nhưng con không thể ở đây. Không ai nói chuyện với mình. Không ai ghé ngang. Bọn con trai không thích con. Bọn con gái cũng thế."
"Ôi con yêu, con yêu."
"Nó nói cái gì mà không ai nói chuyện với hai mẹ con?" Paul D hỏi.
"Đấy là vì căn nhà. Người ta không..."
"Không phải. Không phải là căn nhà. Là mình. Là mẹ đó!"
"Denver."
"Bỏ qua đi, Sethe. Sống trong một căn nhà quỷ ám thực là khó cho một cô gái trẻ. Chuyện ấy thật không dễ."
"Còn dễ hơn vài chuyện khác."
"Em nghĩ xem, Sethe. Anh là một người đàn ông trưởng thành đã thấy hết, làm hết mọi điều và anh nói với em là chuyện ấy không dễ. Có thể hai người nên dọn đi. Ai là chủ căn nhà này?"
Qua vai Denver, Sethe ném cho Paul D một cái nhìn lạnh giá. "Anh cần biết để làm gì?"
"Họ không để cho em đi sao?"
"Không."
"Sethe."
"Không đi. Không rời. Như thế này được rồi."
"Em muốn nói với anh đứa trẻ này gần phát điên lên là được rồi?"
Có điều gì trong sự yên lặng nghe ngóng, sau đó Sethe nói.
"Em có một cái cây trên lưng và ma ám trong nhà em, và không còn gì khác nữa ngoài đứa con gái em đang ôm trong tay. Em sẽ không chạy nữa - không trốn gì nữa hết. Em sẽ không bao giờ trốn chạy một điều gì khác trên cõi đời này nữa. Em đã trải qua một cuộc hành trình và em đã trả tiền vé, nhưng để em nói anh nghe, Paul D Garner, giá vé quá đắt! Anh có nghe không? Quá đắt. Bây giờ, hoặc là anh ngồi xuống ăn với mẹ con em, hoặc là anh để cho mẹ con em yên."
Paul D lục túi áo gi-lê đang mặc tìm chiếc túi nhỏ đựng thuốc lá sợi - anh chăm chú vào nút dây buộc túi và thuốc lá bên trong khi Sethe dẫn Denver vào phòng khách thông với căn phòng lớn anh đang ngồi. Anh không có giấy vấn thuốc, vì thế anh vân vê gói thuốc và lắng nghe qua cánh cửa mở tiếng Sethe dỗ yên con gái. Khi trở lại chị tránh cái nhìn của anh và đi thẳng đến chiếc bàn nhỏ bên cạnh bếp lò. Chị quay lưng về phía anh và anh có thể ngắm mái tóc thỏa thích mà không bị khuôn mặt chị làm xao lãng.
"Có cây gì trên lưng em vậy?"
"Hả." Sethe đặt một cái tô lên bàn và với tay xuống dưới bàn tìm bột mì.
"Cây gì trên lưng em vậy? Có cái gì đang mọc trên lưng em? Anh không thấy cái gì đang mọc trên lưng em."
"Anh không thấy thì nó vẫn có ở đấy."
"Ai nói với em như vậy?"
"Cô gái da trắng. Cô ta gọi nó là cái cây. Em chưa hề và sẽ không bao giờ thấy được nó. Nhưng cô ta nói nó giống như vậy Một cây anh đào. Có thân cành và cả lá. Những chiếc lá anh đào bé xíu. Nhưng đấy là mười tám năm về trước. Bây giờ không chừng có thêm trái anh đào nữa."
Sethe dùng ngón tay trỏ thấm chút nước bọt ở đầu lưỡi. Rất nhanh, chị khẽ chạm tay vào bếp lò. Rồi chị rà những ngón tay trong bột, tẽ ra, nhúm thành những đụn nhỏ để tìm mọt. Không thấy con mọt nào, chị đổ bột nở và muối vào lòng bàn tay khum và cho vào bột. Rồi chị thò tay vào một cái lon và múc nửa thìa mỡ. Chị khéo léo bóp bột qua mỡ, rồi nhồi bột trong khi dùng tay trái vẩy nước vào.
"Em đã có sữa" chị nói. "Em đang có thai Denver nhưng em có sữa cho con bé. Khi gửi nó đi với Howard và Buglar em chưa cai sữa cho nó."
Bây giờ chị lấy một cây gỗ cán bột. "Ai cũng ngửi thấy em trước khi nhìn thấy em. Và khi nhìn thấy em họ thấy những giọt sữa trên ngực áo em. Em không làm sao được. Em chỉ biết em phải đem sữa đến cho con gái em. Không ai cho nó bú như em. Không ai cho nó bú kịp, hay ngưng cho nó bú lúc nó đã no mà không biết. Không ai biết nó không ợ được nếu người ta bế dựng nó lên và nó chỉ ợ khi nằm trên gối em. Không ai biết điều ấy trừ em và không ai có sữa cho nó trừ em. Em nói với những người đàn bà trong xe ngựa như thế. Em bảo họ thấm nước đường vào miếng vải và cho nó mút, để vài ngày sau khi em đến nó sẽ không quên em. Sữa sẽ đến và em sẽ đến cùng với sữa."
"Đàn ông không biết gì nhiều," Paul D nói, nhét gói thuốc trở lại vào túi áo gi-lê, "nhưng họ biết đứa bé còn bú không thể xa mẹ quá lâu."
"Vậy thì họ cũng biết gửi con đi trong khi ngực căng sữa là như thế nào."
"Mình đang nói chuyện cái cây, Sethe."
"Sau khi em rời anh, mấy thằng con trai đến và lấy sữa của em. Tụi nó đến là vì thế. Tụi nó đè em xuống và lấy sữa của em. Em mách bà Garner. Bà có cái bướu và không nói được nhưng bà chảy nước mắt. Tụi nó biết là em mách. Thầy giáo bắt một đứa xẻ lưng em ra, và khi lưng em khép lại nó thành một cái cây. Cái cây vẫn còn mọc ở đấy."
"Tụi nó dùng da bò đánh em?"
"Và tụi nó lấy sữa của em."
"Tụi nó đánh em trong lúc em có thai?"
"Và tụi nó lấy sữa của em!"
Những miếng bột hình tròn đầy đặn màu trắng xếp thành hàng trong chảo. Một lần nữa Sethe chạm ngón tay trỏ ướt vào bếp lò. Chị mở cửa bếp lò và đẩy chảo bánh vào. Khi đứng thẳng dậy xa hơi nóng, chị cảm thấy Paul D đằng sau lưng chị và hai bàn tay anh bên dưới ngực chị. Chị đứng thẳng người và biết, nhưng không thể cảm thấy, rằng má anh đang áp vào những cành cây anh đào của chị. Thậm chí không cần cố gắng, anh đã trở thành mẫu đàn ông có thể bước vào một căn nhà và khiến những người đàn bà khóc. Bởi vì với anh, khi có mặt anh, họ khóc được. Có điều gì thần thánh trong dáng vẻ của anh. Phụ nữ gặp anh và muốn khóc - để kể với anh rằng ngực họ đau và đầu gối cũng đau. Những người đàn bà mạnh mẽ và khôn ngoan gặp anh và kể cho anh nghe những điều họ chỉ kể cho nhau: rằng rất lâu sau khi Thay Đổi Cuộc Đời 2 dục vọng của họ đột nhiên trở nên khổng lồ, tham lam hoang dại hơn lúc họ mười lăm, và nó khiến họ hổ thẹn và buồn bã; rằng họ thầm mong được chết - để dứt bỏ nó - rằng giấc ngủ với họ quý giá hơn bất cứ ngày tỉnh thức nào. Những cô gái trẻ rụt rè đến bên anh và thú nhận hay diễn tả những hồn ma ăn mặc vô cùng đẹp đẽ đã theo họ từ trong giấc mơ. Vì thế, mặc dù anh không hiểu tại sao, anh không ngạc nhiên khi Denver nhỏ lệ vào lửa bếp lò. Hay mười lăm phút sau, khi kể cho anh nghe xong về sữa bị lấy cắp mẹ nó cũng khóc Anh cúi xuống sau lưng chị, thân hình anh là vòng cung của nhân ái, anh ôm ngực chị trong lòng bàn tay mình. Anh xoa má mình trên lưng chị và nhờ thế biết được nỗi sầu khổ của chị, cội rễ, thân to và những cành chằng chịt của nó. Đưa những ngón tay đến những chiếc móc trên áo chị, dù không thấy hay nghe dấu hiệu nào, anh cũng biết những giọt lệ đang vội đến. Khi thân trên của chiếc áo chị mặc rơi xuống quanh hông chị, anh thấy lưng chị đã biến thành một hình điêu khắc như một tác phẩm trang trí quá nồng nàn không thể trưng bày được của một người thợ rèn, anh có thể nghĩ nhưng không thể nói. "Ôi, Chúa ơi, em gái ơi." Và anh sẽ không ngưng cho đến khi anh đã chạm môi vào tất cả những lằn gân và lá của nó. Sethe không thể cảm thấy gì vì da lưng của chị đã chết từ lâu. Điều chị biết là cuối cùng, trách nhiệm về bộ ngực của chị đã về tay một người khác.
Có không một chút không gian, chị tự hỏi, một chút thời gian, một cách nào đấy để ngăn chuyện quan trọng xảy ra, để đẩy bận rộn vào góc phòng, để chị chỉ đứng đấy trong một hai phút, thân trần từ bả vai đến eo trút đi sức nặng của bộ ngực, ngửi thấy một lần nữa mùi sữa bị lấy cắp và khoái cảm nướng bánh mì? Có lẽ chỉ lần này chị có thể đứng thật yên trong lúc nấu bữa ăn - thậm chí không rời bếp lò - và cảm thấy nỗi đau đớn trên lưng chị đáng lẽ phải cảm thấy. Để tin vào mọi chuyện và nhớ lại mọi chuyện vì có người đàn ông cuối cùng của Tổ ấm ở đây để đỡ lấy chị nếu chị sụp xuống.
Bếp lò không rung mình khi quen dần với hơi nóng. Denver không động đậy trong phòng bên. Mạch ánh sáng đỏ chưa trở lại và Paul D không run rẩy từ năm 1856, năm anh run rẩy tám mươi ba ngày liền. Bị giam và xiềng lại, tay anh run đến nỗi anh không thể hút thuốc hay gãi cho ra trò. Bây giờ anh lại run rẩy nhưng lần này là ở đôi chân. Phải mất một lúc anh mới nhận ra chân anh không run vì lo lắng, mà vì ván sàn nhà đang rung. Không những sàn nhà đang xô đẩy và nghiến ken két mà chính căn nhà đang chao đảo. Sethe tuột xuống sàn và cố mặc áo lại. Trong lúc đó Denver từ phòng khách nhào đến, bò lăn trên sàn như thể nó đang giữ cho căn nhà đứng vững trên mặt đất, nỗi hoảng hốt trong mắt, một nụ cười mơ hồ trên môi.
"Trời đánh! Thôi đi!" Paul D hét lên, ngã xuống và với tay tìm chỗ tựa. "Để chỗ này yên! Cút đi!" Một cái bàn xô về phía anh và anh chụp được chân bàn. Anh tìm cách đứng lên, nghiêng về một góc nắm hai chân bàn, nhấc lên và vung nó vòng quanh, đập vỡ tất cả mọi thứ, hét lại với căn nhà đang gầm thét. "Mày muốn đánh nhau, thì cứ việc! Trời đánh! Không có mày thì mẹ mày cũng đủ chuyện rồi. Đủ chuyện rồi!"
Cơn chấn động dịu lại, căn nhà chỉ thỉnh thoảng lắc lư. Nhưng Paul D tiếp tục vung cái bàn vòng quanh cho đến khi tất cả im lặng như tờ. Mồ hôi toát ra và hơi thở hổn hển, anh dựa vào tường, chỗ tủ bát đĩa đứng trước kia. Sethe vẫn co ro cạnh bếp lò, ghì chặt đôi giày chị giữ được vào ngực. Ba người, Sethe, Denver, và Paul D, thở cùng một nhịp như một người mệt nhọc. Một hơi thở khác cũng mệt mỏi như thế.
Hồn ma đi mất rồi. Trong sự yên lặng Denver thẩn thờ đi đến bếp lò. Nó phủ tro lên lửa và kéo chảo bánh ra khỏi lò. Tủ mứt đổ ngửa ra, những lọ mứt nằm một đống trong góc ngăn dưới cùng. Nó lấy ra một hũ mứt, và khi nhìn quanh tìm cái đĩa nó thấy một nửa cái đĩa vỡ ở cạnh cửa. Nó mang những thứ này ra bậc thềm hàng hiên và ngồi xuống.
Hai người kia đã lên gác. Họ nhón chân bước nhẹ lên những bậc thang trắng để nó lại bên dưới. Nó nậy dây thép trên nắp hũ rồi mở nắp hũ ra. Ở dưới cái nắp là miếng vải và dưới miếng vải là một lớp sáp mỏng. Nó lấy tất cả ra và tìm cách đổ mứt lên một bên của cái đĩa vỡ. Nó lấy một cái bánh và bỏ phần trên đã cháy đen đi. Khói cuộn tròn lên từ phần trắng mềm phía trong chiếc bánh.
Nó nhớ hai anh. Howard và Buglar bây giờ hai mươi hai và hai mươi ba tuổi. Mặc dù cả hai tử tế với nó trong thời gian hồn ma không quấy rối và cho nó hết phần đầu giường, nó vẫn nhớ chuyện trước kia: nỗi vui thích chúng cảm thấy khi ngồi túm tụm trên những bậc thang trắng - nó ngồi giữa hai gối của Howard hay Buglar - trong lúc chúng bịa chuyện "phù thủy - chết đi!" với những cách giết phù thủy hiệu nghiệm. Và Baby Suggs kể cho nó hết chuyện này đến chuyện kia trong phòng khách. Nó thơm mùi vỏ cây vào ban ngày và có mùi lá vào ban đêm, vì không chịu ngủ trong căn phòng cũ của nó sau khi hai anh bỏ trốn.
Bây giờ, mẹ nó đang ở trên lầu với người đàn ông đã đuổi đi người bầu bạn duy nhất còn lại của nó. Denver chấm bánh mì vào mứt. Nó ăn chậm rãi, đúng mực, khốn khổ.
Thương Thương - Toni Morission Thương