Số lần đọc/download: 1719 / 40
Cập nhật: 2015-09-30 23:32:43 +0700
Bổn Cũ Soạn Lại
Ông hội đồng Thạch từ dưới Bặc-Liêu lên thăm con học ở Sài-gòn.
Anh Sanh ấy đánh điện về nói bị cúm nặng nên không thi tú tài phần nhứt được, lại còn xin ba ngàn để uống thuốc.
Ở tỉnh, ông đọc báo, thấy nói bịnh cúm mà lạnh mình. Mặc dầu bị hù đến khiếp đảm, ông cũng mạo hiểm lên thủ đô để thăm con.
Nhưng lên đến nhà trọ nơi Sanh ăn cơm tháng thì nghe người bà con chủ nhà nói Sanh không có cúm két gì cả và đi chơi ba ngày rồi chưa về.
Ông Thạch lại trường hỏi thăm, gặp ông đốc. Ông nầy châu mày nói:
- Ứ hự ông ơi, thiên hạ a tùng với bịnh cúm dữ lắm, cả người lớn nữa, người làm việc kìa, chớ không phải chỉ có học sinh không mà thôi. Không chừng họ sẽ dựng tượng cho bịnh cúm mà coi!
o O o
Ông hội nằm nhà trọ đợi luôn ba bốn bữa mà Sanh vẫn biệt dạng.
Tức mình, ông lẩm bẩm: "À, mầy cúm à? Tao cho mầy co luôn, tao cúp viện trợ cho mầy biết tay!"
Lẩm bẩm rồi cằn nhằn, rồi than trời trách đất, đoạn ông từ giã chủ nhà ra về.
Ông không quên ghé thăm Phán Đậu, bạn học thuở nhỏ. Câu chuyện giữa đôi bạn già nầy cố nhiên là quanh quẩn quanh vấn đề con cái học hành.
Phán Đậu có phước quá, trai đầu lòng đậu tú tài toàn phần, con gái thứ đậu trung học đệ nhứt cấp Pháp.
Ông ta vốn là bạn thuở nhỏ của hội đồng Thạch, hai người thương mến nhau lắm, ông ta lại có chịu ơn nặng của vợ chồng ông hội đồng, lúc tản cư, cách đây mười năm, nên ông tìm đủ lẽ để an ủi bạn.
Nhưng ông Thạch không bị thuyết lý về lý lẽ nào cả. Ông thở dài mà nói:
- Làm ăn được tiền rơi bạc rụng như tôi cũng chẳng làm gì. Phải chi tôi mua sự cần mẫn cho nó được thì bạc vạn tôi cũng không tiếc.
- Tốn tiền không phải là phương pháp hay và hiệu quả. Nhưng lắm khi dám tốn cũng thành công được.
Ông bạn cầm ông Thạch ở lại chơi một đêm để nói chuyện cho phỉ tình, vì họ ít gặp nhau lắm.
Sáng ra, họ chia tay vui vẻ. Ông Thạch hình như mừng bạn rồi quên rầu về con. Ông hẹn năm bảy lần rằng năm tới sẽ lên thăm ông Đậu nữa.
Trong khi đó thì cậu Sanh về nhà trọ ngủ luôn một ngày, một đêm, và thêm nửa ngày nữa mới dậy nổi.
Chủ nhà cho cậu hay là có ông Hội đồng lên thăm cậu, đợi cậu đến mấy hôm liền.
Nghe xong, cậu toát mồ hôi muốn cúm thật sự và tự nguyện từ rày không dại đi luôn nữa, mà sáng đi, chiều về cho khỏi gặp rủi ro như vừa rồi.
Các trường tư, qua đến mùa thi, đã bãi học. Nhưng cậu Sanh không về Bặc-Liêu, mà đóng tiền các lớp tăng cường để học thêm. Ông Thạch hăm he dữ như vậy nhưng vẫn để tiền lại tiếp tế cho cậu.
Như đã định, cậu Sanh sáng nào cũng ôm cặp ra đi.
Ở Sài Gòn, bất kỳ giờ phút nào ta cũng gặp học sinh ôm cặp đi cả, và bất kỳ ở đâu cũng có học sinh. Việc đó có nhiều lý do. Các buổi học ở các trường khác nhau, có nơi học bảy giờ, có nơi học tám, chín giờ, nơi học một giờ trưa, nơi lại học ba bốn giờ chiều.
Nhưng trong số lớn đi học thật tình, cũng có đôi ba cậu đi học theo lối cậu Sanh. Không ai để ý đến họ cả, vì chính giờ giấc các nhà trường rất là phiêu lưu như đã nói trên.
Tuy thế, nếu có người quan sát kỹ thì họ sẽ ngạc nhiên tại sao có người ôm cặp vào sở thú từ bảy giờ đến đúng ngọ. Trong khoảng thời gian ấy, không có giờ nào trường mở cửa à? Và nếu không thì ở nhà. Còn đi dạo sao lại ôm cặp? 1
Trưa hôm đó, hồi một giờ rưỡi, Sanh đứng nhìn mê hai đứa bé độ mười hai tuổi chơi trò Tạc-Dăn dưới gốc da, sau tòa án.
Trong sân sau tòa án, gần góc rào, có một cây da lâu đời, có lẽ mọc lên đâu hồi Tây mới lại.
Từ những nhánh ngang, rễ thòng xuống tìm đất như những cặp lạp xưỡng dài treo phơi khô. Vài cọng rễ chưa tới đích, còn non mềm, đánh đòng đưa trước gió.
Hai thằng bé, dáng chừng là học sinh vì thấy có cặp nhỏ để dưới cỏ, tại gốc da, leo rào vào đó rồi đánh đu ở mấy cái rễ hổng chơn ấy mà xích tới xích lui như Tạc-Dăn trong phim xích dây leo trong rừng để nhảy cho mau từ cây nầy qua cây khác.
Sanh thèm chơi như vậy lắm, nhưng cậu ta đã quá tuổi rồi, và lại đã biết sợ cảnh sát, nên chỉ đứng ngoài mà nhìn như đứa bé nhìn những hũ kẹo trong cũi đồ ăn có khóa.
Hai đứa bé làm Tạc-Dăn mãi, chừng đâm chán, nên xoay ra làm xiệc. Đứa bên nây xích qua, đứa bên kia xích lại và khi hai đứa gần đụng nhau, thì chúng đưa tay mà đổi dây. Dây bị đổi vật treo, vẫn tiếp tục sự di chuyển.
Hai sợi tréo nhau thành hình chữ X: hai đứa bé giống hai trái đồng hồ, nhưng chúng không kêu tíc-tắc lại hát:
"Hò dô ta, nầy anh em ơi!"
Bỗng một đứa sút tay, rớt cái bịt như trái mít rụng. Sanh giựt mình mà nghe một tiếng cười trong trẻo gần cậu.
Cậu ngó lại thì ra đó là một nữ sinh, có vẻ đồng chí của cậu lắm, vì vào giờ nầy mà còn ở đây thì khả nghi quá. Các lớp, nếu không mở cửa hồi một giờ rưỡi thì cũng mở hồi 2 giờ, mà nếu đi học 2 giờ thì đã lo mà đi, chớ đâu lại xem xiếc.
A ha, nơi đây là chỗ đồng chí gặp gỡ, hai đồng chí lớn xem hai đồng chí tí hon làm trò xiệc. Nhưng cô nữ đồng chí nầy phải đồng tâm mới được!
Sanh nghĩ như vậy và quyết định làm quen cho biết cô ta có phải là đồng tâm với mình chăng.
Cô bé kẹp tóc chớ không uốn như các cô gái khác. Đời bây giờ, con gái lớn mà còn kẹp tóc là một sự lạ mắt và chính cái lạ mắt ấy khiến Sanh thích lắm. Sanh càng thích vì cô gái mặt mày hiền từ thùy mị, chớ không lanh lợi lắm như bạn đồng học với cậu.
Mấy cô quá lanh lợi, nếu có gợi tà tâm của cậu thì có, chớ chưa hề làm cho lòng cậu xôn xao như gương mặt cô nầy.
Cô ta da trắng, để tự nhiên, lại mặc áo dài trắng, một màu trắng tinh tuy không làm nổi nước da, nhưng lại gợi những gì tinh anh trong sạch lạ. Sanh nói:
- Mấy em nhỏ chơi vui quá cô há, tiếc rằng mình đã quá tuổi chơi như vậy.
Cô bé mỉm cười đáp:
- Bọn nó có sáng kiến lắm.
Sanh lại mơ màng, đôi mắt ra vẻ thơ mộng rồi thở dài mà rằng:
- Cái tuổi hoa niên tươi đẹp kia, không bao giờ trở lại cả!
Nhưng chàng ngạc nhiên mà nghe cô bé cười dòn, hơi mỉa mai:
- Anh già mấy mươi mà đã đâm ra tiếc thương quá khứ rồi vậy?
Sanh giựt mình. Thì ra cô gái nầy khác các cô gái mà chàng quen. Họ thì, cũng như cậu ta, nhiễm tiểu thuyết lãng mạn và hay than đời, hay làm bộ tiếc những gì đã qua, đã mất.
Nghĩ kỹ lại thì thái độ ấy thật vô lý hết sức; nay nghe cô gái nầy hỏi thế cậu nhận ra ngay và hơi mắc cỡ cho cái vó cụ già non của mình.
Nhưng nhờ thế mà Sanh hiểu ngay tâm hồn cô bé. Đó là một cô gái bằng lòng sống với tuổi của mình, yêu đời tự nhiên, không làm bộ yêu đời quá trớn, cũng chẳng cố chán đời cho nó nên thơ.
Chàng nói cho đỡ ngượng:
- À, không tiếc nhiều lắm, nhưng cũng hơi tiêng tiếc thôi... Cô học trường nào?
- Trường bà huyện Thanh Quan.
- Lớp mấy đó a cô?
- Đệ ngũ.
- Còn tôi, tôi là Sanh, lớp đệ nhị trường Vũ Môn.
- Kỳ rồi anh có thi chớ?
- Không, đóng tiền thi xong là bị cúm ngay. Năm tới thi cũng chẳng muộn.
Sanh đã xưng tên mình, muốn cô gái cũng xưng tên cho biết. Thấy cô ta quên đáp lễ, nên cậu phải hỏi:
- Xin lỗi, cô tên chi?
- Em tên Chi.
- Tôi hỏi cô tên chi?
- Em nói em tên Chi.
- À, phải, Chi, chữ C hoa. Lót chữ chi cô?
- Chữ Dao, Trần-Dao-Chi.
- Sao lại không lót chữ Kim nghe cho hay, cô?
- Em cũng không biết tại sao, vì không phải em đặt tên em được. Vả lại, nếu lót chữ Kim thì xoàng quá.
Sanh rất khổ. Cậu không hiểu Dao nghĩa là gì, và tại sao Dao lại không xoàng. Nhưng cậu không dám hỏi, sợ lòi cái dốt của mình ra. Cậu lại hơi sờ sợ cô bé, vì cô ta ra vẻ không dốt chút nào. Tại sao đồng chí trốn học mà lại không dốt cà? Cái mới khó hiểu.
Dầu sao hai tiếng Dao-Chi nghe cũng rất êm tai nên chàng khen:
- Phải, Dao-Chi cũng đẹp lắm!
Chàng không nói: "Tên Dao-Chi cũng tốt lắm", mà nói Dao-Chi cũng đẹp lắm là cố ý nói hai nghĩa, nghĩa sau để khen nhan sắc cô gái.
- Buổi chiều có môn gì mà cô cúp cua? Sanh hỏi.
Cô bé ngạc nhiên, nhìn chàng trừng trừng:
- Em có cúp cua đâu, sao anh hỏi lạ vậy?
Ừ, sao hỏi lạ vậy. Sanh cũng không biết. Có dấu hiệu gì tỏ ra cô cúp cua đâu? Chẳng qua là suy bụng ta ra bụng người đó thôi.
Sanh bối rối rồi ấp úng nói:
- À, tôi, hơ... tôi tưởng cô cúp cua. Tôi thì sắp đi học đây.
Nếu Chi cúp cua thì tuyệt. Họ sẽ cùng nhau phàn nàn giáo sư quá nghiêm khắc hay bất tài, hoặc phàn nàn môn sinh ngữ vô ích, không đáng học.
Nhưng Chi lại chối thì đành cụt hứng vậy. Chàng lẩm bẩm: "À, con bé tinh ranh, làm bộ ta đây siêng học. Cái mặt đó mà, nếu chẳng không thuộc Sữ, Địa thì cũng bị Toán, nghỉ để khỏi góp bài làm. Em nhỏ ơi, anh đây là tổ sư trốn học, đừng có qua mặt anh mà!"
Thấy Sanh bị cứng họng, cô bé hỏi:
- Chiều nay anh học môn gì?
- Văn học sử, Sanh đáp đùa.
- Anh học ban nào?
- Ban khoa học.
- Ban khoa học đâu có Văn học sử.
Thế à? Không có à? Sanh nào có biết có hay không có. Hay cô bé nói bậy. Chàng đánh trống lảng:
- Trời nóng lạ! Phải mà, tụi nó thí nghiệm bom nguyên tử mãi, làm sao khỏi nóng. Bom ấy nóng lắm! À, cô có nghĩ gì về bịnh cúm không?
- Không.
- Tôi thì nghi lắm. Thế nào trong hai khối, cũng có một khối để vi trùng cúm trong bom nguyên tử, với mục đích nghiên cứu chiến tranh vi trùng.
- Vậy à? Em quên xét coi có phải như thế không.
- Cần gì phải xét. Đích thị là thế rồi.
Lạ quá, Sanh dốt ló đuôi, nhưng cô gái vẫn vui vẻ trò chuyện với cậu như thường. Sanh tỏ ý muốn kết làm bạn hữu lâu dài với cô, cô ta cũng rất sẵn lòng. Sanh hỏi:
- Làm sao hôm khác tôi được gặp cô nữa?
- Cứ mỗi sáng, từ chín đến mười giờ là em có mặt trong sở thú tại cầu tre giả bằng xi-măng, gần hồ sấu.
À, không trốn học mà mỗi sáng thì có mặt trong sở thú. Em nhỏ ơi, ta là đồng chí với nhau rồi, còn giấu giếm làm chi.
Sáng hôm sau, Sanh vào nơi hẹn hò, võ trang bằng một túi kẹo, và văn trang bằng một cặp da đầy nhóc những gì không hiểu, ngoài cầm thêm một quyển tiểu thuyết tây.
Chỗ cầu tre giả bằng xi-măng vắng teo và rất nên thơ. Hai bên cầu cây cối rậm rì, đường đưa đến đó uốn khúc quanh co như đường mòn trong rừng, dưới cầu nước chảy, tuy không trong veo, chớ cũng ro re và mang lá khô đi như suối thật.
Đôi bạn ngồi trên thành cầu, đối diện với nhau, chỉ cảm thông nhau trong cảnh đối diện đàm tâm ấy cũng đủ rồi.
Bỗng Chi mất thăng bằng thế nào mà suýt té ngửa ra sau. Thanh cầu nhỏ quá và tròn, rất khó ngồi, lơ đĩnh một chút để trọng tâm thân trì sai một chút xíu là có thể té ngửa ra sau.
Chi kêu lên một tiếng, Sanh hoảng hốt nhảy xuống đất để chạy qua đỡ bạn thì cô nữ sinh đã lấy thăng bằng lại được rồi.
Tiếc đỡ hụt, Sanh nói:
- Cô qua bên kia mà ngồi với tôi, có ngã tôi đỡ liền.
Nhưng Chi vẫn ngồi yên đó, thả giấy chì bao kẹo xuống nước mà chơi.
Sanh không biết làm sao, đành dời đô qua bển. Sợ Chi phản đối, cậu chỉ ngồi xa bạn thôi.
Ngày vui thật chóng tàn. Chi xem lại đồng hồ rồi hốt hoảng nói:
- Chết rồi. Trễ rồi. Thôi để em đi.
Sanh đưa bạn ra đến cửa sau, đợi tắc-xi chạy khuất dạng mới trở vào vườn bách thảo để mà tư lự như kẻ mất hồn.
Ngày hôm sau, họ lại gặp nhau. Lần nầy Sanh ngồi sát bên Chi mà không nghe Chi rầy rà gì cả, nàng cũng chẳng xê đi như Sanh lo liệu.
Hôm ấy họ thân mật hơn hôm trước đến ba bốn phần. Chi có ngã, và Sanh được đỡ bạn. Nhưng chỉ có ngần ấy thôi rồi vãn hát.
Liên tiếp trong một tuần lễ, họ ngồi đó đến thanh cầu láng bóng lên. Nếu tình thế cứ kéo dài thì có lẽ xi-măng sẽ mòn đến vài phân.
Nhưng tình thế không kéo dài vì Sanh muốn thâu ngắn.
Hôm ấy, sau mấy mươi lần nuốt nước miếng và tằng hắng, Sanh liều mạng nói những gì cậu muốn nói hỗm nay mà không dám.
Nghe qua, Chi cười nghiêng ngửa, đưa răng ra rất ngây thơ. Sanh phải đưa tay luôn sau lưng cô kẻo cô rơi lúc nào không biết chừng vì cả thân thể cô đều rung chuyển. Giây lâu Chi mới nói được:
- Còn đi học mà anh bày chuyện làm chi. Học xong cái đã rồi hãy hay.
- Nhưng anh yêu em lắm, một ngày xa em là một ngày xốn xang trong lòng.
- Như vậy thì dễ quá. Anh cứ đến nhà em mà ở trọ là thấy em mặt em luôn.
Sanh muốn bứt hơi vì mừng. Lẽ nào mà dễ dàng quá như vậy!
- Má bằng lòng cho anh ở trọ sao? Sanh biết Chi chỉ còn mẹ thôi và đang ở với mẹ.
- Hễ em nói là má bằng lòng, miễn anh đứng đắn.
Được, đứng đắn hay không, miễn ở gần được rồi sẽ hay. Sanh nghĩ thế và vội vã dọn nhà ngay hôm đó.
Cả nhà Chi, chỉ có hai mẹ con và một chị bếp, nên rộng minh mông. Tuy thế, Sanh được chỉ định cho ở buồng trước là buồng tiếp khách, tối ngủ trên đi-văng nơi đó.
Bà mẹ của Chi là một bà mẹ hiền, không lôi thôi, dễ tánh mà không dễ dãi. Bà xưng dì và kêu Sanh bằng con.
Bà hỏi Sanh về gia đạo, về tuổi tác và thật tình mến tánh tình của cậu học trò đệ nhị nầy.
- Con Chi nó nói con là bạn của nó, một người bạn tốt. Nó bảo chỗ con ở ăn cơm tháng đông đảo quá, con thiếu điều kiện học, nên nó xin dì cho con ở đây. Thật ra thì cũng bất tiện, nhưng mà dì thương con và tin con nên cũng bằng lòng vậy. Thôi thì con ở một lúc xem sao.
Nhà sạch sẽ và ngăn nắp quá. Trật tự trong nhà khiến Sanh đoán biết ở đây kỹ luật ghê hồn, nên cậu ta cố gìn giữ.
Hôm sau, vào sở thú, cậu buồn như bị tình nhơn phụ bạc. Chi không vào đó như mọi ngày. Cậu Sanh chạy ra đầu lối mòn mà đón, thấy tà áo nào phất phơ đằng xa cũng mừng quýnh lên, nhưng lần nào cũng mừng hụt cả.
Đến gần đúng ngọ, chàng lủi thủi lên cửa trước đón xe ô-tô-buýt mà về, tức giận bạn vô cùng.
Nhưng tới nhà, thấy Chi tươi cười đón chàng ngoài cửa là chàng quên giận ngay. Chàng hỏi nho nhỏ:
- Sao em không vô, báo hại anh đợi muốn chết.
Chi cười ngất:
- Đã gần nhau, thấy mặt nhau luôn ở đây, còn vô đó làm chi!
Sanh không biết cãi làm sao, đành ngậm miệng, nhưng trí làm việc tới tấp để tìm mưu.
Hôm sau, cậu ta không vào sở thú nữa mà chỉ dạo phố ngoài Sài-gòn thôi.
Đời thật hết mùi vị. Trước kia, chưa gặp Chi, dạo phố rất thú. Bây giờ sao mà chán phèo thế nầy? Khi trưa lại, cậu về nhà, tới cửa ngõ là nghe kêu sau lưng:
- Anh Sanh!
Chàng day lại thì đó là Chi. Chi mặt hầm hầm hỏi:
- Anh đi đâu suốt sáng hôm nay?
- Đi học chớ đi đâu. Sanh cười hề hề đáp.
- Anh nói dối. Em theo anh từ sáng đến giờ. Anh học thuộc được mấy con đường và mấy cửa hàng?
Sanh hết hồn hết vía, nhưng thoạt thấy Chi tay không, cậu mừng rỡ nói:
- Còn em, cặp đâu, cũng cúp cua chớ gì?
- Em quyết rình anh hôm nay, nên đi tay không.
À, con bé quá quắc lắm. Chưa chi mà đã theo rình mò như một bà vợ ghen. Sanh nghe êm dịu lạ trong lòng trước sự săn sóc đó.
Ăn cơm trưa xong, Chi ra lịnh:
- Ngày mai, em đưa anh đến trường, và tới giờ, em trở lại đón anh. Mà coi chừng, giữa khoảng thời gian ấy, em có thể rình gần đâu đó, đặng xem anh có bỏ lớp nửa chừng mà ra hay không.
Thật là quá lắm rồi, Sanh nghĩ, con bé nầy ló đuôi độc tài rồi đây. Mà nào có được nước mẹ gì cho cam! Mới có tám giờ tối là nó rút vô buồng ngủ với má, có muốn nói gì với nó, thật chẳng biết làm sao. Ăn ở thì phải ké né như đi làm rể, còn bây giờ thì đi học có người đưa rước như trẻ em. Ở tù lỏng không bằng! Sanh đã yêu Chi quá rồi, xa Chi là chàng sẽ héo như cây gặp hạn. Chàng giống như con chim của thầy bói, bị ghiền nhựa lắm rồi, muốn sổ lồng bay cao, mà cứ tiêng tiếc nàng tiên nâu.
Hôm sau Chi làm thật, đưa đón đàng hoàng. Sanh hỏi:
- Em không lo trễ học à?
- Em không cần, nàng đáp xẵng lè.
Bạn học để ý nhiều ngày cái trò đưa rước, nên nhạo Sanh:
- Tụi bây ơi, chị hai em bé Sanh hôm nay đưa nó đi học có cầm theo khúc bánh mì chả lụa. Mà Sanh à, chị hai mầy sợ mầy bị xe cán hay sợ mầy bị tụi tao ăn hiếp?
Sanh xấu hổ đến muốn ứa nước mắt. Nhưng khổ nhứt là phải giam hãm mình trong lớp suốt bốn tiếng đồng hồ.
Mấy cái ông giáo sư ấy mới đáng ghét làm sao! Họ nói dai nhách và buồn ngủ lạ. Sanh không muốn nghe cũng chẳng được, vì thỉnh thoảng họ gõ thước lên bảng đen rầm rầm, giựt mình rồi phải để cho lời họ vào tai.
Yêu khó lắm thay! Ngồi ngủ gục, Sanh mới phát minh ra được ý đó. Phải dè nó rắc rối khổ sở như thế nầy, chàng nào thèm làm quen với Chi làm chi.
° ° °
Bà mẹ thỉnh thoảng đưa Chi đi xem chiếu bóng, mời Sanh đi theo.
Trong bộ ba ấy, Sanh có vẻ một người anh ruột của Chi hay một người anh họ đi theo hộ tống. Con trai nó cứ ngó Chi mà trầm trồ, xem cái ông anh ấy như không. Sanh thật tức, đi với gái mà không được hãnh diện tí nào cả.
Nhưng được cái là vào rạp, bà cụ làm sao cũng sắp đặt cho Chi ngồi giữa hai người. Thật là an ủi.
Bà cụ nầy quả là tay gớm lắm chớ không vừa đâu: Bà ta rào con, mà không rào bằng vách tường, sợ Sanh nó nản chí rồi bỏ đi, mà chỉ rào bằng song ly sắt thôi. Thành ra:
"Thấy em như thấy mặt trời,
Thấy thời thấy vậy, trao lời khó trao."
Con Chi nó giống mẹ nó như cùng một lò mà ra, thật là rau nào sâu nấy. Khi nào thấy Sanh buồn chán lắm thì tối tối, lúc Sanh ngồi mơ mộng trước tập bài, nó ra mà nói vài câu chuyện. Nhưng chắc nó có dặn trước với bà cụ sao không rõ, mà y như là lần nào mới nói vài lời là bà cụ đã gọi giựt ngược:
- Chi à, khuya rồi, đừng có làm rộn anh con, để nó học nó thi cho đậu.
Chết chưa, bà cụ bắt mình phải thi đậu năm nay. Có học mẹ gì đâu mà đậu.
Nhưng hai tiếng "anh con" ấy nó êm đẹp làm sao, nghe làm sao như là...
Sanh viết thơ về mấy lần, tỏ thiệt nỗi khổ của mình cho cha mẹ nghe, yêu cầu ông bà lên coi mắt Chi cho cậu. Nhưng ông bà cứ giả câm giả điếc, không thèm đáp thơ, chỉ gởi tiền thôi, mà gởi vừa đủ tiền cơm và xe pháo.
Thiệt là hết hy vọng. O con Chi không được, mà quyết cưới nó cũng chẳng xong.
° ° °
Trong bữa ăn, bà cụ ưa nói chuyện đời, đủ thứ chuyện để dạy con.
Một hôm bà cụ cho hay:
- Con à, con Thơm, con của ông Ích Thành ấy, nó đã lấy chồng. Mà sao lạ quá, nó tú tài mà lấy thằng chồng chưa đậu trung học đệ nhứt cấp.
Điều nầy thì Sanh không đồng ý với bà cụ chút nào. Người ta yêu nhau vì tâm hồn giống nhau chớ nào vì bằng cấp tương đương?
Bà cụ tiếp, lần nầy nói với Sanh:
- Dì thì dì chỉ gả Chi cho đứa nào học giỏi ít lắm là bằng nó thôi.
Sanh cười ngất mà phê bình:
- Như vậy em Chi con sẽ đắt chồng lắm, vì học sanh lớp đệ ngũ thì thiếu gì, tàu mà chở cũng chẳng hết.
- Ai nói với con là nó học đệ ngũ?
- Dạ, em Chi con nói chớ ai.
Bà cụ mỉm cười vói tay ra sau, kéo một hộc tủ và lấy trong đó ra một tấm giấy.
- Đây, giấy chứng chỉ đậu trung học đệ nhứt cấp Pháp, nó xin để bổ túc hồ sơ thi vào đệ tam Gia-Long đây.
Sanh tiếp giấy đọc, thì quả như vậy. Thì ra Chi nó không cúp cua thật, nó đang bãi trường, và hổm nay nó đi là đi chơi đó thôi.
Sanh suy nghĩ về chỗ nầy dữ lắm. Quan niệm của chàng rõ rệt: yêu nhau về tâm hồn. Đành vậy. Nhưng mà cũng khó chịu về cái chỗ chinh lịch bằng cấp và không bằng cấp nầy nữa.
Phải chi cậu rủi ro thi rớt, nhưng vẫn hiểu biết mọi việc thì còn đương đầu với Chi được. Cái nầy, cậu đã nhảy lu bù lớp, không có học qua đệ tứ lần nào thì những cái biết của Chi cố nhiên là cậu không thông. Cậu nhảy lên cho mau đến đệ nhị để thi rớt tú tài cho oai và để... xin việc khác đó thôi, thì.....
Độ rày Sanh đã tìm ra được mưu cao giúp chàng thoát khỏi nanh vuốt của các giáo sư, khỏi phải nghe lời giảng của họ.
Chàng mua những chuyện trinh thám và võ hiệp vào lớp mà đọc. Xem chuyện đến lúc gay cấn, mê man, thì giáo sư có đập gãy thước vào bảng đen, chàng cũng khỏi giựt mình ngó lên. Ờ, đến cái lúc mà chàng thanh niên anh dũng đi cứu giai nhân tuyệt sắc, bị chúa đảng Huỳnh Ngưu bắt cóc, thanh niên rơi vào hầm bí mật trong đó có một con trăn khổng lồ, thì đố mà trời đánh cậu, cậu có hay thì thôi...
Một hôm, cậu đang mải miết theo dõi cuộc săn đuổi cướp bằng xe díp thì ông giáo sư Việt ngữ kêu:
- Anh Sanh, cành dao là cành gì?
Sanh cứ gầm đầu mà đọc. Bạn hữu hai bên thúc cùi chõ vào chàng, chàng mắng bậy vài tiếng rồi tiếp tục đọc. Ngoài sau có anh phải lấy thước đâm vào lưng cậu, cậu mới giựt mình và nghe kêu tên mình.
Lẽ cố nhiên là Sanh không biết cành dao là cành gì.
- Đâu, anh đọc lại hết câu thơ ấy nghe coi? Giáo sư bảo.
Trời đất quỉ thần ơi, biết câu thơ nào mà đọc bây giờ.
Giáo sư mỉm cười, bảo Sanh ngồi xuống rồi tự đọc lấy:
"Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao"
- Cành Dao nói chữ nho làm sao? Giáo sư hỏi.
Chị Thanh đáp:
- Dao chi!
Nghe đến tiếng Dao Chi, Sanh lại giựt nẩy mình. Chàng ngước lên ngó dáo dác, không thấy Dao Chi đâu cả. Chàng hỏi lại bạn mới rõ đầu đuôi. Thì ra Dao Chi là cành cây dao, hay hơn Kim Chi là cành bằng vàng. Phải, Chi nói đúng. Dao Chi thì mới lạ hơn Kim Chi, đã có hằng ngàn cô gái tên là Kim Chi rồi, tên ấy thường quá.
Trưa hôm ấy về nhà, Sanh ngâm thơ lớn lên:
"Một vùng như thể cây Quỳnh, cây Dao".
Cốt ý cho Chi biết ta đây cũng hiểu nổi Dao Chi là cái gì, chớ không phải chỉ có ai kia hiểu mà thôi đâu.
Chi mỉm cười hỏi:
- Đố anh câu thơ đó ở đâu.
Mẻ, bị nó "côn" rồi đây. Khổ thân chưa? Bày đặt làm bảnh, bây giờ phải trơ ra, có phải xấu hổ không?
Để khỏa lấp, Sanh thở dài:
- Học chán quá. Giá trị con người ở tâm hồn, ở tư tưởng chớ có phải ở ba cái sách vở kia đâu. Người đời thật vô lý hết sức.
Chi cãi:
- Anh làm công dân, đến lúc nước nhà đứng trước một ngã ba số mạng, anh lấy tâm hồn anh ra mà lập thái độ được à?
- À, cái đó thì phải biết rõ lịch sử, ông giáo nói như vậy. Nhưng lịch sử, anh đọc ba ngày là thông, mình lại phải học nào là toán, nào là lý hóa cho điên cái đầu.
- Học toán có ích cho việc ở đời lắm chớ.
- Em buôn bán, em làm sổ kế toán bằng hình học à? Hay bằng đại số học?
- Học toán không phải để làm toán, mà để gây cho mình tinh thần toán pháp.
- Tinh thần toán pháp là như thế nào? Bày đặt hoài.
- Tinh thần toán pháp là tinh thần không chịu nhận cái gì liền, cái ấy phải được chứng minh ta mới nhận. Thí dụ anh nói "một trong hai khối có để vi trùng cúm trong bom nguyên tử". Đó là anh nghe người ta đồn rồi nhận liền. Nếu anh chịu suy luận chắc anh nói khác.
- Ạ, ạ, suy luận làm sao? Hà hà, rắc rối lắm.
- Nè, nếu anh có tinh thần toán pháp, anh dè dặt suy xét điều đó rồi mới nhận.
Anh suy xét bằng cách suy luận nầy: "Có thể nào như vậy được hay không?" Rồi anh lại dùng cái biết về lý hóa mà giải đáp. Biết rằng bom nguyên tử tiết ra một sức nóng ghê hồn, không có sanh vật nào chịu nổi cả, thì anh sẽ kết luận rằng để vi trùng trong bom nguyên tử hẳn là không được.
Sanh ngẩn người ra. Té ra sự học có ích một cách
thực tế như vậy à?
Bắt đầu từ hôm cãi nhau ấy, Sanh đâm đầu vào việc học như đã đâm đầu vào tình yêu.
Lạ quá! Học không phải là việc khó khăn khổ sở như chàng ngỡ từ thuở giờ. Lời giảng của giáo sư hết nghe buồn ngủ nữa, và chàng thâu thập các hiểu biết dễ dàng.
Chỉ phiền là nhiều môn không theo được, vì đã bỏ đoạn đầu. Các môn ấy như sợi dây xích sắt, phải dính liền với nhau mới được.
Bấy giờ Chi đã tựu trường, theo Đê-tam ở Gia-Long. Lòng tự ái của Sanh trốn đâu mất cả. Chàng hết che giấu cái dốt của mình như xưa và tự nhiên hỏi bài Chi, những bài về các năm trước, để hiểu bài năm nay.
Sanh thông minh lạ kỳ! Học xong tam-cá-nguyệt đầu, là đã theo kịp tốp thứ nhứt gồm năm anh tài có tiếng trong lớp.
Tuy vậy, chàng vẫn không chỉnh mảng, không dễ ngươi, cứ làm việc bất kể giờ khuya khoắt.
Bà cụ lo cho hai cô cậu rất chu đáo. Khuya nào cũng có phần ăn lại sức cả. Sanh thật đủ điều kiện nỗ lực.
Hễ tối lại thì, nửa tiếng đồng hồ sau bữa ăn, cô cậu ngồi đối diện trước bàn. Thật là:
"Sáng đèn để ghế hai hàng,
"Bên anh học toán, bên nàng học văn."
Học một hơi mệt, Sanh ngửng mặt lên ngâm câu ca dao nhại ấy, rồi cả hai nhìn nhau mà cười.
Bà cụ thật bất nhơn. Trước kia giữ con như giữ hột xoàn, tám giờ là bắt cô ấy vô buồng trong.
Bây giờ cô cậu bận học, cụ ta lại cho hai đứa ở ngoài nầy một mình tới khuya lơ khuya lắc.
Bà cụ lại dám cho Sanh đưa Chi đi xem chiếu bóng mà không có bà theo. Ý ạ, bà cụ tính quá sức, biết rằng cô cậu đã thuần rồi đây.
Nhiều đêm, Chi lại đứng sát cạnh Sanh, mà chàng nghe không sao cả. Hay nói cho đúng ra, chàng vẫn nghe một rung động dễ chịu, nhưng rung động ấy không gợi tà tâm như trước nữa, mỗi lần gần sát Chi.
Bây giờ chàng đã yêu vẻ đẹp của sự học, và tuy không quên vẻ đẹp con người, chàng vẫn thấy còn có thể say mê một cách trong lành hai cái đẹp ấy thôi, chớ không mê sắc u muội được như ngày nào.
Lắm đêm, chàng nắm tay bạn, Chi không nói gì, chàng đâm liều hôn lên đó, Chi cũng vẫn không phản đối.
Thế mà chàng thôi, dừng lại được nơi đó, không đòi hỏi gì thêm cả,
Khi mà trí óc con người mệt nhoài vì làm việc, con người thôi nghĩ quấy, và thân thể càng bị cái mệt kia đè bẹp đi xuống. Thảng vật chất đôi khi có nổi loạn, cũng bị đàn áp ngay, vì tinh thần bây giờ chẳng những đã không xui dại nó nữa mà còn la rầy nó, vì tinh thần ấy đã gột sạch hắc ám và hóa ra trong lành rồi.
Mỗi lần bà cụ nói gì, bà đều nhập chung Sanh và Chi lại. Bà nói: "Hai đứa bây" hoặc "hai con".
Sanh nghe thích như hai đứa đã là vợ chồng với nhau rồi, đã thân nhau lâu rồi, không còn bị sự cách biệt xúi thèm khát gì nữa cả.
Tuy nhiên, cũng có lần Sanh suýt phạm tôi. May nhờ có nàng tiên cứu cho, chớ không thì không hiểu tình bạn giữa Sanh Chi sẽ ra sao.
Số là bà cụ thấy Sanh đã thuần rồi, nên thỉnh thoảng dám đi vắng. Có khi đi vắng cả một ngày đêm.
Hôm ấy, bà đi đâu không rõ mà mãi đến ba ngày ba đêm chưa về. Chắc Chi biết thời gian vắng mặt của bà nhưng nàng dại gì mà cho Sanh rõ.
Đêm đầu, không xảy ra chuyện gì lạ ngoài vài câu chuyện thân mật, và một cái vuốt nhẹ của Sanh lên mái tóc bạn.
Đêm sau, Sanh băn khoăn tự hỏi: "Quái, sao bà cụ lại không về?" Chàng khó chịu cho sự vắng mặt ấy lắm, vì tà tâm của chàng lại lố dạng, và đang lấp ló đâu đó.
Nên hay không? Chàng tự hỏi, rồi xấu hổ với mình quá, chàng cắm đầu vào sách. Dầu sao chàng cũng là một người trai trẻ mà thể chất đầy dẫy sinh lực, một thứ sinh lực phải kềm cương cho chắc, không thôi thì hỏng to.
Không nên! Chàng tự đáp. Nhưng lại tự bàn thầm: "Quái, ai lại có con gái mà dám bỏ nó ở nhà một mình với trai và đi vắng ban đêm? Hay là bà cụ mến mình quá rồi, không cần gìn giữ con nữa. Hoặc giả bà ta cố ý vắng mặt để khuyến khích mình cũng nên?
"Nhưng chậc! Biết đâu rằng không phải vậy và mình đoán sai?"
Tà tâm một khi không đến thì thôi, mà hễ đến thì khó đuổi lắm. Nên chi Sanh bị nó ám ảnh mãi, không học hành gì được cả.
Chàng xét nét Chi thì thấy nàng không sợ hãi, tự nhiên như thường, và cũng không lả lơi hơn trước. Chàng đâm sợ cái vẻ bình thản của con người tốt đó, tốt đến không thèm biết có tà tâm bao quanh mình. Chàng lại đâm mắc cỡ trước cái nghiêm trang của con người mà chàng để tà tâm của chàng xâm phạm đến một cách âm thầm.
Rốt cuộc chàng không dám. Nhưng suốt đêm không nhắm mắt được. Và ngày mai lại thì ăn năn quá lẽ, thấy sao mình đã ngu quá, bỏ trôi dịp may hiếm có.
Chàng sợ bà cụ tối nay về. Nhưng tối bà cụ không về. Trái lại chàng lại đâm lo. Sợ bà ta về, mà bà ta không về, lại đâm lo vì không biết đêm nay sẽ ra sao. Liều và toại nguyện, hay liều rồi chết?
Đêm nay, chàng nhìn Chi bằng đôi mắt khác thường, khi thì như van lơn cầu khẩn, khi thì dữ tợn lạ lùng, luôn luôn thì mang nặng ẩn khí đói khát và đẫm ý chí liều mạng.
Cầm tay Chi, chàng không cầm nhẹ nhàng âu yếm như trước, mà tàn bạo nắm lấy nó, như con thú hóa điên.
Chi bỗng hiểu. Nhưng nàng không tỏ vẻ sợ sệt chút nào. Nàng ôn tồn nói:
- Em thú thật với anh rằng em yêu anh. Nên lỡ với anh rồi, em cũng sẽ không hối hận gì cả. Nhưng mà xấu hổ quá anh à. Nếu chỉ xấu hổ với người khác thì còn có ngày quên được. Đằng nầy lại xấu hổ với mình cả đời, thì chịu sao kham.
Anh bước tới gương mà xem lại mặt của anh kia. Mắt anh không có vẻ mắt của người học trò nữa rồi. Nếu em lại hiến thân cho một người mà tình yêu nhường bước cho thú tánh thì em sẽ mắc cỡ với em đến biết bao giờ.
Còn anh, anh cũng sẽ xấu hổ mà bỏ học cũng nên.
Sanh giựt mình, xin bạn tha lỗi cho.
° ° °
Hết lục-cá-nguyệt đầu là Sanh giỏi nhứt lớp. Chi nhìn bạn mỉm cười ra vẻ bằng lòng lắm. Có lẽ nàng tự bảo thầm: "Con người nầy bây giờ đã ra con người rồi đây; và đó là công trình của mẹ con ta!"
Gần cuối năm bà cụ như nhớ sực lại, rồi sợ hãi hỏi:
- Thế nào Sanh, con. Con liệu năm nay đậu hay không?
- Thưa dì, có hy vọng lắm.
- Con phải đậu mới được.
Bà cụ nói dễ nghe dữ chưa. Tại sao phải đậu mới được. Ta đây không thèm đậu thì ai làm gì ta. Mà bà cụ có trách nhiệm gì mà làm bộ lo lắng đến thế?
Mùa thi.
Hai mẹ con cô Chi, lạ thay, lại là người sợ Sanh rớt. Vai chánh trong cuộc, đã say mê sự học, thì vẫn còn say mê nhưng không màng đến cuộc thi lắm. Chàng đã cố gắng, đã hiểu biết, không đủ hay sao?
Nhưng mà Sanh vẫn đậu bài viết.
Hú vía, bà cụ và Chi bấy giờ mới thở ra một cái khì.
Chi theo bạn vào xem cuộc thi vấn đáp, không sót bữa nào.
Hôm ấy trời mưa tầm tã, bà cụ đang ngồi ngoáy trầu bỗng nghe tiếng cửa xe hơi mở, đóng, ngoài đường, rồi Chi la lên:
- Má ơi, anh Sanh con đậu rồi!
Chi la lúc còn ngoài sân, la to cho đến chị bếp ngoài sau cũng nghe và chạy ra.
Bà cụ nhảy xuống khỏi ván, bỏ guốc chạy chơn không đua với chị bếp để ra ngoài hàng hiên.
- Đâu, nó đâu, bà cụ hỏi.
Sanh ngoài mưa bước vào nói:
- Dì và Chi đã giúp con đậu rồi đó dì. Giọng Sanh run run, và một chút xíu lệ trôi theo nước mưa rơi xuống gạch.
Thôi, sướng nhé! Bây giờ thì yêu được rồi đa! Nhưng Sanh lại không nghĩ thế. Thì đành là chàng vẫn yêu Chi, nhưng yêu suông như suốt năm nay cũng chẳng có sao kia mà.
Bà cụ hối thúc Sang đánh điện về Bặc-liêu. Bức điện tín ấy Sanh viết như vầy;
"Thi đậu. Ba má lên, số 879, đường Bùi Chu"
Nhưng hôm sau, chàng nhận được điện tín hồi đáp như vầy:
"Ngày mai lên. Đón ba má ở khách sạn Nam-Tân hồi chín giờ"
Mặc dầu thất vọng, nhưng thôi cũng được. Chắc cha mẹ chàng sợ làm rộn người ta, ở khách sạn cho tiện. Rồi ổng bả sẽ đi thăm nhà trọ để coi mắt dâu, muộn gì.
Sáng hôm sau, Sanh ra đón cha mẹ. Mừng; khen ngợi; thưởng tiền; và đưa nhau vô Chợ-lớn ăn cao lầu.
Sanh khẩn khoản yêu cầu ông Hội đồng đi lại thăm nơi chàng ăn cơm tháng để cám ơn người ta.
Ông Thạch nạt đùa:
- Họ nấu cơm tháng ăn tiền, chớ bộ nấu giùm không sao mà phải cám ơn. Bày đặt hoài! Hai năm nay mầy không có về Bặc-liêu lần nào hết, bây giờ phải thu xếp về ngay.
Sanh tiu nghỉu, cầu cứu với bà Hội đồng. Chàng hỏi:
- Chớ ba với má không được thơ của con nói về vụ đó sao?
- Được chớ sao không, mà mầy phải biết tánh ba mầy. Việc vợ con của mầy là do ổng chọn, chớ mầy chọn ổng nào có chịu, ổng theo xưa mà!
Sanh chết điếng người. Như vậy chàng sẽ phải yêu Chi ngoài vòng lễ giáo à? Nếu không thì chàng sẽ khổ, mà nếu được thì tội nghiệp cho mẹ con Chi lắm!
Ông Hội đồng Thạch lại ra lịnh:
- Bây giờ mầy ở đây luôn, không về nhà đó nữa, rồi mai đi thăm bác phán Đậu, rồi về Bặc-liêu.
Ứ hự! Người chàng muốn ổng bả đi thăm, ổng bả lại nằng nằng quyết một không thèm đi, lại bắt đi thăm lão phán Đậu.
Lão phán đáng ghét ấy hơi gàn gàn, có mấy đứa con rắn mắt chịu không nổi. Chàng nhớ cách đây mười hai năm, lão phán có đưa gia quyến tản cư về ở đậu nhà chàng. Bọn đó có gì đáng đi thăm đâu.
Nhưng chàng vẫn nghe lời cha mẹ. Và ngày hôm sau họ đến thăm lão phán gàn.
Lão ta mừng rỡ, khen ngợi Sanh thông minh, đẹp trai, đủ thứ việc.
Xong đâu đó, lão kêu vợ con ra mừng khách. Khi cửa buồng mở toác ra, Sanh chết sững như bị trời trồng.
Phán Đậu cười ha hả giới thiệu:
- Nhà tôi! Con gái tôi!
Rồi cả năm người đều cười xòa, trừ Sanh ra. Thì ra, bà chủ nấu cơm tháng là vợ phán Đậu và Chi là con của lão ta.
Thì ra, họ toa rập với nhau mà diễn lại tấn kịch Lưu-Bình, Dương-Lễ mà chàng không dè.
Đầu năm ngoái, đôi bạn già đã bàn soạn với nhau rất lâu để tìm mưa kế.
Ông Thạch dám xài tiền, dám bỏ ra năm mươi ngàn để sang một căn phố riêng cho bà Đậu thi hành quỷ kế của chồng bà.
Còn ông phán vì quá thương bạn, quá nhớ ơn xưa nên mới dám hy sinh để cứu vớt đứa cháu hư hỏng.
Hy sinh? Phải, đây là một cuộc hy sinh lớn, vì nếu Chi yếu đuối, thì nàng sẽ không giữ mình trong sạch được.
Mà nào phải hy sinh một cô tỳ thiếp như người xưa đâu, mà hy sinh một cô con gái thơ ngây mà đáng giá.
Bỗng nhiên, Sanh hết nghe mình ghét ông phán Đậu nữa. Trong chốc lát, lão ta hết gàn ngay, và có vẻ ông nhạc gia thật bảnh.
Đây chỉ là bổn cũ soạn lại thôi chớ không phải sáng kiến gì mới lạ. Nhưng Sanh vẫn mắc điếm như thường. Cuộc mắc điếm mới lợi làm sao!
Bấy giờ chàng thấy chơn trời chàng mở rộng ra, và chắc chắn được vợ hiền.
Phải, ông Thạch đã thề thốt hết lời với ông Đậu là hai người sẽ làm suôi với nhau, một khi mưu kế họ thành công.
Chú thích
1 Câu chuyện xảy ra trước phong trào lành mạnh hóa xã hội