Số lần đọc/download: 1174 / 20
Cập nhật: 2015-07-02 16:12:48 +0700
Giới Thiệu
S
cott Fitzgerald chết bất thình lình sau một cơn đau tim (ngày 21 tháng 12 năm 1940), tức một ngày sau khi ông viết xong đoạn đầu trong chương Sáu của cuốn truyện “Nhà tài phiệt cuối cùng”. Văn bản được in sau đây nguyên là bản nháp của cuốn truyện sau khi đã được tác giả sửa chữa nhiều lần. Tuy nhiên, đây vẫn là một cuốn truyện đã được hoàn tất. Bên lề mỗi đoạn, Fitzgerald đều có chua thêm lời bình phẩm biểu lộ sự chưa thỏa mãn hoặc những điều ông muốn sửa chữa sau này khi duyệt xét lại. Ý định của ông là làm sao để cuốn truyện trở nên xúc tích và được xây dựng tỉ mỉ giống như tác phẩm “Gatsby đại nhân” (The Great Gatsby) và rõ ràng là ông còn muốn cho những cảnh mô tả trong tác phẩm trở nên sắc bén, linh động hơn, bằng cách cắt xén, tô điểm thêm. Lúc đầu ông định viết tác phẩm này trong vòng sáu chục ngàn chữ, nhưng cuối cùng trước khi ông chết, cuốn sách đã lên tới bảy chục ngàn, mặc dầu ông cho rằng mới viết được có hơn nửa câu chuyện. Vào lúc khởi thảo ông đã trù tính viết mười ngàn chữ để còn cắt xén, gọt dũa đi nữa là vừa. Nhưng rõ ràng sau này, tác phẩm đã vượt quá sáu ngàn chữ. Đề tài ở đây xúc tích hơn nhiều so với đề tài của cuốn “Gatsby đại nhân”. Nói về những phim trường ở Hollywood, ông cần phải trình bày nhiều chuyện hơn là khi viết về đời sống nhàn hạ của những nhân vật ở Long Islands trong tác phẩm Gatsby đại nhân. Nhiều khía cạnh cần được khai triển nhiều hơn.
Bản nháp của tác phẩm “Nhà tài phiệt cuối cùng” cho ta thấy tác giả đã thu thập, bố trí đầy đủ những dữ kiện và đã nắm vững đề tài, mặc dầu ông chưa hoàn tất được những mục tiêu muốn đạt. Tác phẩm này cũng cho ta thấy nhân vật Stahr trong truyện đã nổi bật lên một cách rõ ràng xác thực với đầy đủ sức mạnh và các đặc tính. Nhà sản xuất điện ảnh ở Hollywood này, với những nỗi khốn khổ cũng như danh vọng tuyệt đỉnh, nhất định là một khuôn mặt chính mà Fitzgerald đã tạo ra sau những suy tư lâu dài và cảm thông sâu xa. Những ghi chú của ông trong bản thảo về nhân vật Stahr chứng tỏ ông đã để ra ít nhất là trên ba, bốn năm trời nghiền ngẫm, sống chung với người trong truyện cũng như điểm xuyết đầy đủ những cá tính và theo dõi mọi hoạt động liên hệ tới nghề nghiệp của nhân vật đó. Amory Blaine và Antony Patch (trong tác phẩm Thiên đàng phía này - This Side of Paradise) là những nhân vật được dựng lên trong những dự phóng lãng mạn của tác giả; Gatsby và Dick Diver (trong tác phẩm Đêm tĩnh mịch - Tender is the night) là những nhân vật được dựng lên một cách khách quan, nhưng chưa có sự thông cảm sâu xa. Nhưng Monroc Stahr mới đích thực là nhân vật được tạo ra sau sự suy tính khôn ngoan tỉ mỉ. Nhờ sự khôn ngoan đó, nhân vật này đã được tác giả đặt vào vị trí đúng của nó trong bối cảnh đời sống.
“Nhà tài phiệt cuối cùng” vì thế chính là tác phẩm vững vàng nhất của Fitzgerald vào lúc ông đã trưởng thành trong văn nghiệp. Những tác phẩm trước, Fitzgerald nói nhiều đến vấn đề nghề nghiệp và sinh kế. Những nhân vật trong các truyện này là những người mới vào đời, những sinh viên với thói quen vung vít của tuổi hai mươi. Sức sống của những nhân vật này bùng lên mãnh liệt trong những dạ hội liên hoan để rồi chia tay rời rạc và chờ cơ hội khác của cuộc sống. Trong tác phẩm “Nhà tài phiệt cuối cùng”, sự tụ hội không còn quan trọng và chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên. Monroe Stahr, không giống bất cứ nhân vật nào khác của Fitzgerald, đã bị lôi cuốn vào một nền kỹ nghệ mới mà chính ông từng là người tiền phong sáng lập. Vận mạng của ông đã được gắn liền với những thăng trầm của nền kỹ nghệ này. Đó chính là kỹ nghệ điện ảnh ở Hoa Kỳ, đã được tác giả quan sát, phân tách tỉ mỉ, và bi đát hóa dưới một ngòi bút sắc bén, một sự phối hợp hoàn hảo mà người ta không thể tìm thấy trong các tác phàm trước của ông. “Nhà tài phiệt cuối cùng” là cuốn truyện hay nhất nói về Hollywood và đưa chúng ta vào những sinh hoạt của thế giới điện ảnh.
Trong phần còn lại của bản thảo dở dang, chắc hẳn tác giả còn muốn khai triển thêm những khía cạnh sinh hoạt của thế giới điện ảnh này.
Sau khi đọc “Nhà tài phiệt cuối cùng”, nên đọc hai cuốn “Gatsby đại nhân” và “Đêm tĩnh mịch” để thấy rõ những điều quan trọng tác giả muốn thực hiện trong tác phẩm “Nhà tài phiệt cuối cùng”. Những ý tưởng hình thành của đề tài trong “Đêm tĩnh mịch” đã đến với tác giả trong lúc đang viết, vì vậy các bộ phận nhiều khi không ăn khớp với nhau. Trong tác phẩm này, ngòi bút của tác giả đã trở thành bàn tay khéo léo để dồn tất cả tình tiết vào một mục tiêu đơn thuần rõ rệt. Trong khi xem lại những bản nháp và các ghi chú của tác giả về tác phẩm này, ta càng tin tưởng rằng Fitzgerald phải được coi là nhà văn lớn nhất Hoa Kỳ trong thời đại của ông T.S. Eliot cho rằng kể từ sau Henry James, Fitzgerald là người đã bước một bước quan trọng nhất trong văn học Hoa Kỳ. Và dĩ nhiên “Nhà tài phiệt cuối cùng” là một tác phẩm quan trọng tạo ra bước tiến đó.
Edmund Wilson