Số lần đọc/download: 1057 / 20
Cập nhật: 2016-03-17 13:45:34 +0700
Chương 2
S
ự xuất hiện của chàng, như một cơn bão lớn, một kinh hoàng, một tai họa phủ chụp xuống đời tôi. Tôi có thể nói thật điều đó mà không e ngại bởi chàng đã dời khỏi đây. Chàng đã như một cánh chim hút mù chân trời lạ. Hay chàng đã trở về đời sống riêng của chàng, ở đó, một dĩ vãng, với một người con gái, tóc dài như tôi, mắt cũng buồn và tôi chắc người ấy phải đẹp. Nếu không thì nàng cũng phải là một cô gái đoan trang, dịu dàng, như một dải nón, mềm mại và thướt tha như nhánh sông, hay như chính một kỷ niệm xa xôi thầm lén nào... Tôi có ý nghĩ vẩn vơ như vậy bởi tôi thấy chàng tỏ vẻ tôn thờ và kính trọng người ấy lắm.
Tôi không biết tên người con gái đã có may mắn đến với chàng, trước tôi. Tôi cũng chưa bắt được chàng phải cung khai lý lịch về người đó. Tôi nghĩ sớm muộn thế nào ta cũng biết, nên tôi cũng kiềm chế được tính tò mò, nôn nả của mình. Vì sự thực hiển nhiên là tôi chưa thể nhân danh một tư cách nào cho hợp lý để chất vấn chàng. Mặc dù thái độ hấp tấp và cái bản chất tò mò của tôi rất đàn bà.
Ấy, chưa có gì vậy mà tin chàng mê tôi và ngược lại, tôi yêu chàng, đã được loan đi rất nhanh trong thế giới bưng bít của một thứ xã hội thâu hẹp này.
Ai là người đã loan tin đó, tôi không quan tâm, bằng việc con Liên ra mặt gây sự với tôi. Nói là nó đã mở cả một chiến dịch để tấn công tôi mới đúng. Với con Liên, trước đây, tuy không thân, nhưng giữa chúng tôi cũng có chút tình bạn học. Con Liên mới chỉ sinh chứng từ sau ngày tôi gặp chàng.
Nếu đàn ông có thể vì một người đàn bà mà chém giết lẫn nhau, thì đàn bà cũng có thể, hoặc, hơn thế nữa, vì một người đàn ông. Tôi nhớ có lần đã phải than thở với Thúy rằng: Tao thấy không gì nhục nhã,xấu hổ cho bằng ghen ghét, hận thù nhau chỉ vì một thằng đàn ông. Đàn ông tất nhiên là một cần thiết, nhưng cần thiết đến đâu thì cũng có giới hạn của nó. Tao nói thiệt với mày chứ, chỉ cần con Liên nói với tao một tiếng thôi, tao sẽ cắt đứt mọi liên lạc với chàng, tao sẽ nhường lại cho nó. Thúy cười, bảo: Nói như mày chẳng hóa ra cái gì cũng có thể sang nhượng một cách giản dị như vậy sao?
Dù thằng đó nó chẳng là cái chó gì hết, nhưng con Liên nó cũng tức chứ. Đứa nào không tự ái. Ví thử mày ở trường hợp nó, mày cũng lồng lộn lên chứ bộ không chắc. Mày phải nhớ là con Liên nó gặp thằng Nhiệm trước mày. Tính nó lại tự tin và kiêu căng một cách vô lối. Nên sau lần gặp chớp nhoáng đó, không biết thằng Nhiệm tán tỉnh nó những gì mà nó đã yên trí là thằng Nhiệm mê nó. Rồi chính cô ả đi khoe lung tung với bạn bè. Đùng một cái, người ta thấy thằng Nhiệm cặp kè với mày. Do đấy, nó không động nọc sao được.
-Ừ, thì cho là như vậy thật đi. Nhưng nó phải hiểu rằng tao không thiếu gì chứ. Ngay thằng Hiển, cứ lấy thí dụ thằng Hiển thôi, cho gần, nó chạy theo tao trong khi biết bao đứa ở đây mê nó, mà tao đâu có thèm. Thực với mày là tao không một mảy may cảm động trước những cử chỉ, lời lẽ van lơn của nó.
-Đâu phải ai cũng thiếu như mày tưởng. Chính vì mày ưa suy bụng ta như vậy nên mày mới ngạc nhiên khi thấy thái độ bất thường của con Liên. Riêng tao, tao không ngạc nhiên chút nào hết. Tao còn biết rằng ở đây có rất nhiều đứa ghét mày. Nó ghét mày hoặc vì nó không được bằng mày, hoặc vì nó cho là mày làm bộ, hoặc chẳng vì gì hết. Chỉ vì mày là mày thế thôi.
Tôi không nhìn Thúy, nhếch miệng cười tỏ ý khinh thị. Thúy vẫn đều giọng: Nhân đây tao cũng báo luôn cho mày hay, để mày liệu đề phòng. Tôi giật mình, cái gì? Thúy nhìn quanh, mặt nghiêm trọng.
- Mày biết con Hải ở lớp ba không? Tôi lắc đầu. Không. Con Hải là cái con tóc ngắn Kiểu Nhật- bổn đó. Mày không biết thiệt sao? À... à... thế thì tao biết rồi. Có phải cái con mặt hiền hiền, hay cười, bạn của con Liên?
- Ồ đúng đây. Nó đấy.
- Sao? Tôi hỏi dồn.
- Thì nó ghét mày thiếu điều đổ đất chôn đi chứ còn sao nữa. Thúy ghé sát tai tôi, nói tiếp: Nó yêu thằng Hiển như điên. Mà thằng Hiển làm như lại không chịu nó. Tao cũng khồng hiểu sao thẳng đó lại chê nó.
Tôi bán tín bán nghi:
- Ai bảo mày biết điều đó? Tao thấy con Hải có vẻ đàng hoàng lắm mà.
Thúy trề môi.
- Bộ đàng hoàng thì nó không biết yêu chắc?
Tôi cười:
- Đã đành. Nó có quyền. Nhưng ý tao chỉ muốn nói, tao không tin nó mê mẩn lăng nhăng vậy. Thằng Hiển hình như cũng dạy bên lớp nó mà.
- Bởi vậy. Cô ả mới si nó. Tụi con trai nó kháo nhau, không biết có đúng không, con nhỏ nhiều lần kẹp thư trong cuốn tập làm bài, nộp cho thằng Hiển. Đâu thằng Hiển nhận thư mà không trả lời. Chúng nó cho rằng lý do là tại thằng Hiển còn đang trong thời kỳ "cay" mày.
- Mày dám chắc thế không?
Thúy giận dỗi:
- Thấy sao, tao nói vậy. Vì tao nghĩ rằng tao là bạn mày. Còn tin hay không cái đó tùy mày. Tao không là thằng Hiển, tao cũng không phải là con Hải làm sao tao biết rõ được. Muốn chắc ăn, mày cứ hỏi thử người trong cuộc.
Sợ Thúy giận, tôi vỗ vỗ vai nó:
- Hỏi là hỏi mày vậy thôi. Chứ trước đây, dù tao chưa biết tên nó, nhưng tao cũng đã nhận thấy, nó có vẻ khó chịu mỗi khi gặp mặt tao. Mấy lần ở phòng ăn, vô tình tao ngồi gần bàn nó. Lát sau, tao thấy nó đứng dậy, đi bàn khác. Tao băn khuăn mãi, không hiểu tại sao nó lại kỵ tao như vậy. Trong khi giữa tao và nó, đâu có chuyện gì. Giờ tao mới vỡ nhẽ. Dẫu sao thì tao cũng phải cám ơn mày đã cho tao biết tin này.
Để Thúy khỏi nghĩ ngợi thêm, tôi hỏi nó về Phụng. Qủa nhiên, nghe nói đến Phụng, mắt nó sáng lên. Nó bảo: Tuần rồi tao có nhận được thư hắn. Hắn hẹn thứ bảy này, đến trường đón tao đi phố.
Tôi pha trò:
- Gọi đại nó bằng thằng cho rồi. Gớm, lại còn kiêng kỵ, bày đặt... hắn... hắn.
- Đồ khỉ già. Rồi còn mày nữa đó. Liệu hồn. Thúy cười nói, xong quay lưng đi thẳng. Tôi nhìn theo chiếc lưng cong của nó, nghĩ thầm: Tướng này là mắn con lắm. Anh nào mà vớ được thì đúng là nhà có... phước.
Tôi trở về phòng và nghĩ tới một biện pháp phải có đối với bọn con Liên. Liên học cùng lớp với tôi. Nó ngồi sau tôi hai bàn. Ngay chỗ cửa ra vào. Nó mở chiến dịch bôi nhọ, chọc tức tôi, bằng cách liên kết với tất cả bạn bè của nó, gồm luôn bọn con trai. Mỗi khi thấy tôi vào lớp, chúng xầm xì bàn tán. Những lần tôi vào lớp trễ, chính bọn con Liên khích tôi bằng những câu như:
" Người đẹp, người đẹp vô; hoặc:
" Người đẹp mà. Đi học hay không là cái quyền. Tụi mình làm sao bì được."
Đấy là ở trong lớp, còn khi gặp tôi ngoài hành lang hay trong phòng ăn, chúng chọc tôi bằng một giọng khốn nạn, khả ố hơn. Chẳng hạn, một đứa sẽ làm bộ gọi:
" Nhiệm ơi." Đứa khác đáp: " Gì vậy em." Và chúng phá lên cười. Trò nầy thường được mấy đứa con trai chủ xướng. Chúng là những đứa thường để ý hoặc công khai tán tỉnh tôi mà không được. Với tôi, tất cả những hành vi hèn hạ đó, không những không làm tôi nổi đóa mà chỉ khiến tôi khinh tởm chúng hơn, mà lối trả lời của tôi thường là cái bĩu môi, hoặc nhổ bọt, quay lưng. Tôi tưởng với thái độ khinh miệt ấy, lâu dần sẽ làm chúng chán và phải thôi, không ngờ giữa lúc tưởng nó bắt đầu nguội thì lại là lúc nó được hâm nóng hơn bao giờ hết vì Hiển.
Chuyện nào có đáng gì đâu. Cách đây khoảng bốn năm hôm chi đó, một buổi trưa trời nóng quá, tôi ngủ không được thêm nỗi buồn không biết dâng từ đâu đến, tôi đem cuốn chuyện ra dãy nhà sau ngồi đọc.
Chỗ ấy, xưa là nhà chơi, với những băng ghế dài sau biến thành nhà để xe của giáo sư và nhân viên nhà trường. Riêng tôi, tôi vẫn thích ngồi trên những bang ghế dài cũ kỹ ấy. Vì chỉ có ở vị trí đó, tôi mới có thể phóng tầm mắt nhìn ra biển những buổi trưa bọt trắng, hay ngắm dãy núi bà Hỏa những buổi chiều lãng đãng sương sa.
Tôi ngồi đó. Buổi trưa, trời xanh ngắt. Biển với những con sóng uể oải vỗ sâu vào chân cát. Tiếng dội vang nghe đều đều như một giọng nói ồ ồ, của một thanh niên đang thời kỳ vỡ tiếng. Tôi mê biển, mê buổi trưa, xanh và ồ ồ như thế. Cũng ở đó, tôi có thể nhìn thấy bãi cát chạy xuôi hút tầm mắt, về phía thành phố. Nắng soi rõ từng chiếc vỏ hến trắng xốp. Cái vàng ánh và hực hơi nóng. Tôi còn có thể nhìn thấy ngoài xa, thật xa, những chiếc thuyền buồm nhỏ, loại thuyền đánh cá của những ngư phủ chuyên lưới cá gần bờ. Vật dụng của họ giản dị lắm. Thường họ chỉ có một cái lưới nhỏ, bốn góc được cột chặt vào bốn đầu của hai cây song bắt chéo nhau. Nếu khá giả hơn, họ có một tấm lưới lớn.
Nhưng với loại lưới này, mỗi khi đánh cá nó đòi hỏi sự hiệp lực của mấy chiếc thuyền khác, mới có thể kéo từ sâu dưới mặt nước lên. Nắng chói chang và biển xanh mênh mông, đã hóa thân những ngư phủ này thành vật đen dẹp mỏng, nghiêng ngả theo nhịp sóng táp vào hai mạn thuyền. Mỗi lần lưới kéo lên, tôi không nhìn thấy gì, trừ một vài chấm trắng như bạc lấp lánh dưới ánh nắng.
Thú tiêu khiển của tôi, những lúc buồn, không có gì khác hơn là ngắm nhìn những người đánh cá ấy. Và cũng chỉ có hình ảnh những người ấy mới đủ mãnh lực triệt tiêu dần, nỗi buồn vớ vẩn của tôi. Có lẽ tại tôi thấy họ gần với tôi, hay đúng hơn, họ là hiện thân của những thiếu hụt, những ước ao thầm kín mà tôi đã bất lực không thỏa mãn cho đời mình. Tôi cho đó là bản chất tự nhiên của con người, vốn thích tự do và gần thiên nhiên. Trong cuộc sống, chúng ta, ai cũng phải tạo lấy cho mình một nghề nghiệp để tự nuôi sống. Nhưng chỉ có những người có được một nghề tự do, mới dễ giữ được tư cách và mới có nhiều hy vọng làm được những việc lớn lao. Đã đành là vẫn có những người giữ được phẩm giá, dù ở trong nghề nghiệp nào, nhưng họ thường là những người quá hiếm hoi và càng hiếm hoi hơn nữa, trong xã hội này. Tôi cũng vậy. Nếu tôi không vì miếng cơm manh áo, không vì mục đích muốn có một nghề bảo đảm hầu đỡ cho chồng con sau nầy, tôi không những thẳng thừng cự tuyệt Hiển, tôi còn làm ầm câu chuyện lên, tôi sẽ chửi thẳng vào cái mặt khả ố của hắn, mỗi khi hắn dở giọng.
Gió biển mơn trớn da thịt tôi, làm tôi cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, thư thái lâng lâng một khoái cảm dịu nhẹ. Tôi nhìn xuống cuốn truyện chưa mở, ở trên đùi. Hình như tâm trí tôi còn đang bận bụi với những chuyện gì ở đâu đâu... Những cái chưa thành hình và chưa có tên, tôi lúc đó như ở trong trạng thái của một thể đặc, chờ tan thành lỏng và có thể hơn nữa bốc thành hơi. Tôi lều bều nhẹ hẫng, trong cái không gian bằn bặt nhưng ngọt ngào ấy. Tôi muốn được ngồi mãi thế, cho đến chiều, cho đến tối...
Giữa lúc đang thiu thiu, chợp chờn muốn ngủ, bỗng tôi mơ hồ nghe thấy có tiếng bước chân ai nghiến trên nền xi măng sạt sạt. Hình như người đó đang nhắm hướng tôi đi tới, và y cố gắng bước những bước nhẹ, thật chậm. Nhưng trong cái nhẹ và chậm ấy, tôi vẫn cảm được cái gấp vội, cái lúng túng, nôn nao ở những tiếng rơi không đều... Đúng là số ăn mày. Đã ra đến đây mà còn chưa yên thân. Tôi rủa thầm trong miệng, cúi nhìn đồng hồ 1 giờ 45. Còn những hơn tiếng nữa mới tới giờ học. Tôi đứng dậy, vươn vai định về phòng ngủ. Lúc tôi day lưng lại, chân chưa kịp bước thì Hiển đã đứng sững ngay trước mặt. Vẻ mặt hắn rạng rỡ một cách khó chịu bực mình. Hắn trịnh trọng thẳng người, nghiêng đầu chào. Tôi cố lấy vẻ thản nhiên.
- Chào thầy. Chiều nay thầy có giờ không mà lại sớm quá vậy ạ?
- Có chứ Nữ ( Giọng hắn rung rung và rè như một sợi dây đàn sắp đứt). Không hiểu sao, gần đây trưa nào tôi cũng bị mất ngủ. Nằm nhà mãi không biết làm gì, nên mang sách vào thư viện đọc cho qua thời gian, chờ giờ dạy luôn.
- Chắc tại trời mấy hôm nay nóng quá đó thầy. Tôi nói. Hiển lắc đầu, mắt đứng trên mũi giầy.
- Không phải thế đâu Nữ. Tôi đã tìm ra nguyên nhân nhưng chưa dám chắc nơi mình nên hãy còn phân vân. Nói rồi ngước mắt nhìn thẳng vào mặt tôi. Trong hai hốc mắt sâu, quầng của Hiển, những tia lửa thèm khát đắm đuối lóe lên, hừng hực. Mặt Hiển dài đi, ngơ ngẩn. Bất giác tôi vòng tay ra sau lưng, kéo vạt áo sau, cho tấm áo cánh hở cổ hếch lên ở phía trước, chia bớt phần ở trên ngực. Tôi vờ nhìn ra mặt biển. Sóng vẫn theo nhau vào bờ. Hiển ngập ngừng. Hắn hít một hơi thở dài, trước khi nói:
- Tôi có chuyện muốn trình bày với Nữ. Nhưng đợi mãi, không có dịp nào thuận tiện. Gặp Nữ lần nào, thì câu trước, câu sau, Nữ đã bỏ đi rồi. Câu chuyện tôi sẽ nói đây, không có gì quan trọng lắm. Nhưng không biết có làm phiền Nữ chăng?
Tôi bối rối, lo lắng tuy ngoài mặt vẫn làm vẻ cứng cỏi.
- Dạ thầy quá lời, có điều chi cần chỉ dạy, xin thầy cứ nói.
Hiển cười cợt. Nữ cười mới thật là vô duyên và trơ trẽn. Tôi chắc ở trên đời không thể nào có được một nụ cười vô duyên và trơ trẽn hơn thế.
- Thầy trò gì. Tôi xin Nữ. Đừng xưng hô như vậy với tôi nữa. Chúng mình đang ở ngoài giờ học. Điều ấy đã làm tôi khổ tâm từ bao lâu nay. Tôi vẫn thầm nghĩ rằng, nếu tôi không phải là giáo sư trường, tôi sẽ sung sướng vô ngần.
Tôi biết ý Hiển muốn nói gì. Nhưng hắn đã nhằm từ căn bản. Bởi nếu hắn không là giáo sư trường này, thì có bao giờ tôi lại khổ sở mỗi khi gặp hắn và bị bắt buộc phải trả lời những câu nói lăng nhăng của hắn. Vẻ im lặng của tôi có lẽ đã làm Hiển lầm tưởng trạng thái tình cảm tôi lúc đó. Hắn tiêp:
- Tôi... Tôi xin Nữ coi tôi như một người anh. Một người anh bà con chẳng hạn. Bỏ tiếng thầy đi. Nghe nó xa cách thế nào ấy. Đấy là điều tôi đã thầm mong ước từ lâu. Và tôi nghĩ nó cũng không khó khăn gì lắm, đối với Nữ tôi thiết tha xin Nữ đừng để tôi thất vọng với ước ao nhỏ nhoi đó. Tôi không thể nhịn cười được.
Cố gắng lắm, tôi chỉ có thể giữ cho nó đừng bật ra thành tiếng. Anh này lại dở giọng tán tỉnh rồi đây. Tôi chậm rãi:
- Dạ, thưa thây, tôi đã quen mất lối xưng hô đó. Bây giờ không thể sửa lại được nữa.
Hiển thất vọng một cách thảm não. Mặt hắn méo đi, môi mím lại. Hai hàng lông mày chụm gần. Mắt hắn nhìn tôi một cách khổ sở, gần như vang lơn, cầu khẩn. Trước hình ảnh ấy, tôi cảm thấy không đành. Trong một thoát nhanh, lòng trắc ẩn bùng dậy. Tôi thương hại hắn. Thương hại như thương hại một kẻ khốn cùng, một tên ăn mày, một kẻ sa cơ lỡ vận. Tôi buột miệng nói, không bằng ý thức, vì khi lời nói bay ra, lúc ấy, tôi mới biết và hiểu rằng tôi đã nói gì. Tôi bảo:
- Xin thầy cho từ từ. Mai mốt, biết đâu khi ra trường rồi, tôi chẳng đổi được cách xưng hô ngày nay. Dẫu sao tôi cũng xin cảm ơn lòng tốt mà thầy đã dành cho riêng tôi.
Mặt Hiển vụt tươi sáng. Hai bàn tay hắn xòe ra nắm vào một cách vô cớ.
- Tôi... Tôi mới chính là người phải cảm ơn Nữ. Cám ơn Nữ trước. Và chuyện chính mà tôi muốn nói với Nữ ở đây là... là điều mà... tôi...thấy hình như Nữ có vẻ không ưa tôi. Tôi không hiểu mình có làm điều gì thất thố, khiến Nữ phải phiền lòng? Hay Nữ không ưa một điểm nào đó, ở con người tôi? Tôi vốn là kẻ bản chất biết phục thiện, nếu Nữ cho tôi biết được thì tôi xin sửa chữa ngay và xin ghi ơn Nữ rất nhiều.
Thật khôi hài. Tôi nghĩ. Điều tôi mong thấy ở ông là ông đừng đá động gì tới tôi hết. Hãy để cho tôi yên. Tôi chỉ không ưa ông mỗi một điều đó. Nhưng chính đó lại là điều ông đang đem đến cho tôi đây. Ông biết không! Tôi thở ra, tiếc cho cơ hội nghìn vàng, có thể yêu cầu Hiển đừng bao giờ tìm cách lại gần tôi. Giữa lúc tôi còn đang loay hoay tìm lời thì Hiển lại bồi thêm, chắc hắn tưởng tôi cảm động vì những lời nói " chí tình" của hắn.
- Tôi cũng xin nói luôn để Nữ hay rằng, một lời nói của Nữ, có thể khiến tôi quanh buồn hay vui, thất vọng hay tin tưởng. Có những buổi không có giờ dạy, nhưng tôi mượn cớ lại thư viện đọc sách để có dịp nhìn thấy Nữ. Dẫu tôi biết chắc rằng Nữ không hề để ý tới điều đó. Nếu Nữ cho rằng đó là hành động của một đứa con nít thì tôi chỉ con nít từ khi tôi gặp Nữ. Và dĩ nhiên tôi chỉ con nít trước Nữ mà thôi.
Tôi choáng váng trước những cố tình ngỏ ý của Hiển. Tôi bứt rứt, hoảng hốt nhìn. Biển vẫn ì uồm sóng như giọng một thanh niên đang trong thời kỳ vỡ tiếng. Nắng trưa vẫn hừng hực. Tất cả như cùng co rút lại, chao đi cùng với cơn bấn loạn tinh thần của tôi. Tôi loay hoay tính kế thoát thân. Nếu bây giờ mà mình co chân chạy, thế nào hắn cũng túm lại và câu chuyện sẽ vì thế ầm lên. Lúc ấy, mình sẽ còn mặt mũi nào nhìn ai nữa, dù mình là nạn nhân. Trong bất cứ trường hợp nào, người đàn bà cũng là kẻ thua thiệt nhất. Nhưng nếu cứ đứng ì ở đây thì cũng chết. Với một kẻ đã si mê đến độ ngu muội như Hiển thì ai cấm được hắn bầy tỏ tình yêu. Và chưa biết chừng có thể hắn sẽ quỳ xuống, hắn sẽ khóc... Rồi tôi sẽ phải xử trí ra sao? Không thể để như thế được. Chỉ còn có mỗi một cách là lựa lời nói khéo léo với hắn, xoa dịu phần nào tự ái cũng như khát vọng đang ngùn ngụt cháy bùng trong hắn. Rồi sau đó sẽ tìm cách rút êm. Chỉ còn một cách đó. Tôi nói to trong óc.
Tôi cắn môi một cái thật mạnh để tinh thần tỉnh táo, bình tĩnh trở lại. Tôi bảo hắn:
- Thầy dạy quá lời. Chính ở đây, tôi thấy thầy là một trong những giáo sư đàng hoàng nhất. Thâm tâm, tôi vôi vẫn kính trọng và nể vì thầy như kính trọng nể vì một người cha, một người anh tinh thần, người đã dạy dỗ chỉ bảo tôi như dạy dỗ chỉ bảo con, em trong nhà.
- Cám ơn Nữ. Nhưng chính vì Nữ mãi nhìn tôi bằng con mắt của học sinh nhìn ông thầy, nên tôi mới đau khổ. Và tôi đã nói với Nữ, tôi chỉ tha thiết xin Nữ một điều là Nữ hãy coi tôi như một người anh... Một người anh bà con...
Đến đây thì tôi không nhẫn nhịn được nữa. Thái độ ngoan cố, dằng dai của Hiển làm tôi vừa sốt ruột vừa bứt rứt. Sức chịu đựng của ai thì cũng có chừng thôi chứ. Già néo đứt dây. Nó là một định luật rồi. Tôi tảng lờ như không nghe thấy lời Hiển. Tôi giơ tay coi đồng hồ, định bụng sẽ nói: Gần đến giờ vào học rồi, xin phép thầy cho tôi về phòng sửa soạn.
- Nữ... Nữ ơi... Tôi... Tôi... yêu Nữ...
Không biết gì nữa, tôi kinh hoàng nhắm nghiền hai mắt và ù té chạy, vừa hay lúc Hiển ngã nhào tới, choàng tay ôm tôi.
Tuy chạy kịp, nhưng tôi có cảm giác như những ngón tay của Hiền đã chạm vào vai vào lưng tôi. Những ngón tay bấu sâu vào lưng tôi. Những ngón tay bấu sâu vào da thịt tôi, như những mũi dùi sắt nung nóng. Tôi chạy. Tôi chạy, trong nỗi kinh hoàng ghê khiếp cùng cực. Miệng tôi há ra tưởng có thể hét vỡ cuống họng, nhưng không một tiếng nào thoát ra... Trước mặt tôi cảnh vật quay tít với một tốc độ tối đa, khiến tất cả hòa tan trong nhau và chỉ còn một màu trắng bệch. Chạy và chạy.
Tôi không biết tôi chạy qua những nơi nào và tiếng chân nện thình thình bên tai tôi, tôi cũng không phân biệt được là của tôi hay của Hiển. Tôi chỉ biết rõ ràng là tiếng chân đó, nó bám sát, nó đeo dính, ngay sau lưng tôi. Nó dội vào tai tôi, nó làm nghẹn hơi thở tôi. Nó chặn đứng cả mạch máu trong người tôi. Toàn thân tôi nổi đầy gai ốc. Hai bên má và nhất là dọc xương sống tôi, lạnh buốt. Cái lạnh lẽo khủng khiếp của một lưỡi thép sắc liếc qua liếc lại trên da thịt tôi trần truồng, cuối cùng tôi cũng không hiểu bằng cách nào và có thực không, chiếc cầu thang dẫn lên phòng tôi hiện ra, chặn ngang mặt. Tôi chưa kịp định thần thì một bàn tay, của ai đó, đã đưa ra chận ngang ngực tôi. Tới lúc đó tôi mới bật được tiếng hét thất thanh và ngã vật xuống như một chiếc bị nước, đứt dây từ trên cao..