Số lần đọc/download: 2256 / 37
Cập nhật: 2015-09-09 10:15:28 +0700
Chương 2
Đ
êm đó, trong vũ trường Eldorado, Định là một nhơn viên làm tròn sứ mạng, chàng nghiêm chỉnh bằng cách tiếp tục đóng kịch si cô vũ nữ mà chàng đã bắt bồ hôm nọ để khai thác thêm cô ta.
- Lucie nè, chàng hỏi, anh chàng tóc ngắn ngồi ở bàn cạnh bàn ta khi nãy, có phải là sĩ quan hay không?
- Anh nầy lạ! Không hỏi em nầy có bồ hay không, em kia đã được ai "bao" chưa, mà cứ mê ba thằng đực rựa. Hổm nay em để ý thấy hình như là anh phục lăn bọn quan lớn và sĩ quan. Sao không tình nguyện đầu quân đi, rồi ngày kia anh cũng sẽ đại úy như ai. Tụi em mê mấy anh cấp úy lắm đấy nhé nhưng tụi em có lý mà mê họ, còn anh mà mê họ là anh gàn.
- Thấy họ đẹp trai hỏi thăm cho biết vậy thôi, chớ đực rựa sao lại mê đực rựa.
- Nè, khi nãy tụi mình trôi lại gần bà già thâu tiền, bà ấy nhìn anh chết trân đó. Em nhớ ra thì lúc mới vào đây anh đã "cua" bả. Và chắc đã được rồi hả? Coi bộ bả tức ghê lắm.
Định rất khó chịu trước những lời nầy. Chàng cứ nghe nhồn nhột sau lưng, làm như đôi mắt theo dõi của Liên là một thứ "chưởng", nghĩa là cái gì vô hình mà có sức mạnh cụ thể và hoạt động từ xa được, sức mạnh vô hình ấy nó khều chàng từ phía sau và thì thầm:
"Con người đoản hậu! Em không trách anh đâu, vì anh rất chánh đáng mà hờn em, mà khinh em. Nhưng anh có biết rằng em đau lắm hay không!"
"Em già thật đó, nhưng chính anh đã thấy rằng em đẹp, vâng em còn hơn mấy con mà anh đang si nữa, lại hơn chúng nó ở địa vị, ở tư cách."
"Anh có biết hay không rằng có nhiều thằng nó lạy em mà không được, trong đó có cả bọn trẻ tuổi như anh".
Nhưng chàng bật cười mà thấy rằng mình chủ quan quá. Chưa chắc gì Liên đã yêu chàng và điều không thể chối là nàng đã lợi dụng chàng. Ông già bị con gái lợi dụng là thường sự, xính xái được chớ như con trai mà để cho bà già lợi dụng thì có tức hộc máu hay không chớ?
Tuy nghĩ thế, chàng vẫn không hết nghe nhồn nhột sau lưng, vì sự bất chợt của Lucie nàng kể cho chàng nghe thì chắc là có thật chớ nó biết được cái gì mà bịa một câu chuyện rất ăn khớp với sự thật có thể có ấy.
- Anh cười gì?
- Anh vừa đạp lên chơn em và bị em...
- Ừ, bấm cho bồ một cái, hầu để kỷ niệm lại trên da bồ cho bồ nhớ rằng bồ đi chưa vững đó nhé.
- Móng tay em nhọn quá!
Bản nhạc đã dứt và họ về bàn.
- Anh nhìn thằng cao bồi già đằng kia, em kể câu chuyện nầy cho anh nghe, hấp dẫn mười lần hơn mấy ông quan to của anh nữa.
- Thằng nào đâu?
- Bên trái anh. Nó đáng chú của anh đấy và đáng tía của em.
- Thấy rồi, ông già mặc áo ca rô bỏ ngoài?
- Ừ. Không già bao nhiêu, mới có bốn tám thôi. Nè nó vừa bán vợ nó bốn trăm ngàn đó nghen.
- Bán vợ?
- Ừ, nhưng không có đợ con, vì con gái độc nhứt của nó vừa lấy chồng.
- Tức là bán vợ sau?
- Cố nhiên. Chớ vợ trước của nó, nếu còn sống là bà già thì bán 3 xu cũng hổng được.
- Nó làm nghề gì?
- Nữa nè! Cứ hỏi nghề nghiệp của lũ ấy mãi. Hỏi là tụi em đây mới cần hỏi, nhưng tụi em còn không thèm hỏi, bộ anh là tướng cướp sao mà!
- Các em không thích biết điều ấy?
- Thích chớ, nhưng không cần ai khảo mà tụi nó cũng xưng thì hỏi làm gì cho mệt. Tuy nhiên, tụi nó xưng mặc tụi nó, tụi nầy phải kiểm soát điều tra lại hết, vì có nhiều thằng thất nghiệp thấy mẹ mà nói phách là thầu khoán, là sĩ quan tình báo, vân vân...
- Thằng bán vợ ấy, sao lại bán vợ đi? Hẳn nàng phải đẹp mới được cao giá như vậy?
- Cố nhiên, nếu không, cho không cũng chẳng ai thèm.
- Vợ nó là gái chơi bời?
- Anh nầy ngây thơ! Nếu em là gái chơi bời, em đã tự bán em, chớ thằng chồng làm sao mà bán em được? Đó là góa phụ của một viên kỹ sư trẻ tuổi, hoa khôi mông đen, nhưng không phải là con nhà giàu. Ông kỹ sư ấy chết đi, không có để lại của cải gì hết, nên ẻn đang túng lắm thì cậu đô kia tới chinh phục.
- À, cậu đô tên gì?
- Thôi đi, đừng có làm bộ đi vòng quanh để biết nó làm nghề gì. Nhưng em cũng chẳng cất để dành làm của gia bảo đâu. Nó là Được, chuyên môn chạy các áp phe lớn.
Cậu đô yêu thật tình chớ không phải muốn qua đường đâu.
- Yêu thật tình mà lại đi bán người ta.
- Ấy, thật tình là thật tình theo bọn tiền bạc, nghĩa là chỉ thật tình trong lúc chúng nó đủ sức mà thôi. Cậu đô chinh phục người đẹp khá lâu...
- À, người đẹp bao nhiêu tuổi?
- Hăm bảy! À... Khá lâu và rốt cuộc được. Xem ra họ yêu thương nhau ghê lắm, vì mặc dầu họ cách biệt nhau đến hai mươi tuổi, thằng chả cũng còn khỏe mạnh và bảnh trai. Hơn thế, tiền làm áp phe không đổ mồ hôi, xót con mắt nên thằng chả xài buông tay, cô nọ thích mê bởi hồi làm vợ của ông kỹ sư, lương tháng có mười ngàn, cô ta phải sống khiêm tốn, nay được tiền xài như triệu phú thì còn đòi hỏi gì nữa.
Được một năm thì thằng chả xuống, vì dạo nầy,1 muốn làm áp phe phải có gốc chánh trị mà thằng chả không có chỗ dựa trong giới đó.
- Nhưng đâu có cần bán cục cưng, nếu áp phe xuống?
- Hễ khôn thì phải thấy là cần. Nầy nhé, hễ xuống thì không đủ sức cung phụng người đẹp nữa, mà không cung phụng người đẹp đầy đủ thì một là mọc sừng, hai là người đẹp ôm cầm sang thuyền khác. Đằng rào cũng mất cục cưng hết, thì bán mẹ nó trước có phải là lời hay không?
- Ừ, khôn thật. Nhưng bán như bán một con heo vậy à?
- Coi chừng ăn chổi chà nghen bồ! Đừng có khinh tụi phụ nữ nầy thái quá như vậy chớ.
- Xin lỗi.
- Thằng chả bán lén chớ. Nghĩa là thằng chả bí mật đề nghị vụ bán chác ấy với một ông bự, lấy trước ráo nạo tiền là bốn trăm ngàn, nhưng với điều kiện là ông bự ấy phải chinh phục nàng, hoặc làm sao được đó thì làm, thằng chả chỉ có việc là nhắm mắt lại cho mà thôi.
Khi người đẹp sang thuyền khác rồi, thằng chả lại tiếc, nhưng không biết làm sao vì không dám kiếm chuyện với ông bự.
Thằng chả chỉ ôm sầu mà hy vọng con chim nhớ tổ, thỉnh thoảng về thăm cố nhơn một lần. Nhưng con chim đã rơi vào địa đàng rồi, nó quên tổ ấm cũ, mà còn nhớ, nó cũng cố mà lờ đi, để xóa dĩ vãng, để sống có nề nếp hầu được ông bự hợp thức hóa tình duyên của họ, bởi ông bự góa vợ!
Đợi được bốn tháng, và tuyệt vọng, thằng chả đâm ra sầu tình như con trai, đêm nào cũng vào đây, không nhảy nhót gì hết, cứ uống rượu li bì, lấy tích kê để rồi yêu cầu tụi nầy nói yêu thằng chả.
Trong lúc như vậy, thằng chả lim dim đôi mắt lại rồi gọi: "Em Bích Nga, em là tất cả của đời anh, em là...". Giây lâu thằng chả mở mắt ra rồi cười xòa với tụi nầy.
- Tội nghiệp.
- Khỉ khô chớ tội nghiệp. Bà già thâu tiền, bán anh như vậy cho em, anh có tội nghiệp bả hay không?
- Bà già ấy bao nhiêu tuổi?
- Ai biết đâu, nhưng đối với tụi nầy, bả là bà già vì tụi em trẻ hơn bả nhiều, mà nhứt là vì bả làm bộ nghiêm trang thì bả giống bà già lắm.
- Sao biết người ta làm bộ.
- Chớ nghiêm trang thật sao lại có mèo?
- Bả có mèo thật à?
- Cậu đô ghen rồi đó.
- Không.
- Đừng chối vô ích. Cậu đô đã giựt nảy mình.
- Anh không dè... chỉ có thế thôi.
- Ừ, năm kia bả dan díu với một ông khách thường trực ở đây.
- Như vậy cũng không thể bảo rằng người ta làm bộ. Người nghiêm trang vẫn có quyền có mèo chớ.
- Thôi đi, hễ nghiêm trang thì phải lấy chồng đàng hoàng, còn nhảy dù như tụi nầy thì nên ba gai như tụi nầy. Thánh phải ra thánh, quỷ ra quỷ. Coi bộ anh không thích câu chuyện em kể khi nãy hả? Lucie nhắc đến vụ anh chàng bán vợ, cười và hỏi Định như vậy.
Quả thật chàng không thích. Nếu cần nghe chuyện hay thì không còn chuyện nào hay bằng chuyện con bé Lan mà chàng rất thèm biết đoạn trước, chắc là ly kỳ lắm, với lại thèm theo dõi khúc sau, chắc cũng hấp dẫn lắm.
Nhưng hiện, chàng chỉ cần điểm mặt những ông thầy ký lương tháng năm ngàn mà dám đóng đô ở đây thôi.
Lúc chàng nhận việc, thượng cấp của chàng đã chỉ thị rõ:
- Những người lâu lâu đi giải trí một lần thì đừng nói tới họ mất công. Bọn văn nghệ sĩ, ký giả cũng thế, nếu chúng nó có ăn dầm nằm dề ở những nơi đó, cũng để yên chúng nó, vì đó là những thằng ngông, ăn lương như thiếu úy mà, ăn xài như đại tướng, cái tật của chúng nó là vậy, không có gì lạ đâu.
Chỉ nên bám sát các sĩ quan, nhứt là sĩ quan cấp úy, các công chức, nhứt là các thầy ký.
Còn bọn nhà giàu, thì biết gì được về họ cũng hay, bằng không thì thôi. Anh thuộc về khu T.L. có mục đích thanh lọc hàng ngũ của các công bộc chớ không thuộc khu C.T. nên ai âm mưu đảo chánh hay gì gì, không nằm trong trách nhiệm của anh.
° ° °
Lucie đã chạy bàn, chàng cũng mặc kệ bởi Lucie hay Bích Nguyệt, hay Hoàng Yến hay gì gì, cũng chả em nào biết câu chuyện gì hay hơn câu chuyện kỳ lạ của hai chị em cô thu ngân viên.
Nhận lãnh chỗ làm nầy, chàng ngờ chỉ biết bí mật của đàn ông, của những ông mà chàng có phận sự theo dõi, không ngờ chàng lại biết rộng hơn thế nhiều, biết ngoài tầm hoạt động của chàng, mà chuyện ở ngoài vòng rào còn hay hơn ở trong nhiều lắm.
Nhưng chưa hết đâu, bởi bí mật của Lan còn hoàn toàn bí mật, chàng chỉ biết có khúc giữa, rất ngắn. Chàng nhứt định phải biết thêm, bất cứ với giá nào.
Chàng có tò mò chuyện thiên hạ đâu, nhưng đã trót biết một phần chàng rất ngứa biết thêm, đó là tánh tự nhiên của con người, ai cũng thế, chàng không xấu hổ lắm mà hiếu kỳ về đời tư của Lan mà nàng có quyền cất kỹ trong tủ sắt riêng của nàng, cho đến chị ruột của nàng cũng không chiếm được.
Định rất thích chí mà được biết một bí mật một cách độc quyền, vì ở đây, từ nhơn viên vũ trường cho đến khách hàng của họ, không ai dè Liên có chuyện gì.
Họ chỉ biết rằng, thỉnh thoảng có một ông khách si nàng, nhưng những mối tình ấy không thọ được lâu, chỉ có thế thôi, bởi nàng lương thiện và dè dặt, không lường tiền ai để gây thù hằn sau đó, không để cho họ đánh ghen. Trong khí hậu ăn chơi nầy, một nếp sống như thế, được xem là trong sạch nhứt, yên ổn nhứt, lành lặn nhứt rồi vậy.
Chàng bình thản làm việc, nhưng trái lại có một người như bị kiến cắn chân. Người ấy rất lo mình đãng trí rồi làm mất tiền bằng cách thối lộn thì nguy.
Không đãng trí sao được khi mà đáng lý gì phải nhìn những cái bông tính tiền, những tờ giấy bạc rất dễ lẫn lộn nhau, chẳng hạn như giấy 20đ, và giấy 5đ xanh, giấy 5đ đỏ với giấy l0đ... thì nàng cứ ngước mặt lên mãi để tìm kiếm chàng hào hoa phong nhã, anh ta trôi từ góc sân nầy qua góc sân khác, thỉnh thoảng mất hút trong đám đông, mà khổ nhứt là những lúc sân trống hắn biến mất luôn nơi cái bàn kê ở xó tối nào với cô vũ nữ nào không rõ.
Người đàn bà khôn ngoan và kinh nghiệm nầy đã sòng phẳng, tỏ thật cá tánh nàng với hắn là vào tuổi nàng, nàng không thể nhắm mắt yêu bừa, mà biết đắn đo cân nhắc.
Và nàng đã cân xong kẻ đã thi ơn cho nàng một cách miễn cưỡng.
Dầu sao, hắn cũng là người tốt, mặc dầu có sự miễn cưỡng nói trên. Hắn lại đẹp trai, đền ơn bằng sáng kiến của nàng, nàng không mất gì cả, nếu không có lợi.
Mối tình phù du năm ba tháng với con người dễ thương ấy, giúp nàng phủi sạch một món nợ rất to, cho nàng hưởng tình yêu tuyệt đối suốt thời gian ấy, tuyệt đối ở phía nàng thôi vì nàng không hề nuôi ảo tưởng rằng hắn yêu làng.
Cái ảo tưởng ấy, nàng quả đã có trong đêm mà hắn tán nàng lần đầu, nhưng rất thông minh, nàng đoán được rằng hắn chỉ vì một lý do bí mật nào đó thôi, chớ không phải vì tình yêu, mà cho đến cả vì muốn qua đường cho vui, xem ra hắn cũng chẳng tha thiết lắm.
Nàng chỉ làm bộ lầm, làm bộ tin hắn để cột dính hắn, hầu cậy mượn cái việc ấy thôi.
Nàng quyết đền ơn, chỉ có thế thôi, mãi cho đến lúc hắn vào vũ trường, ra sân nhảy, nàng mới nghe khác, mới thấy rõ lòng mình rằng nàng đã yêu, khi nàng xốn xang nhìn hắn cười tình với cô vũ nữ, và không rời cô ta phút nào cả.
Liên ngồi đó mà thẫn thờ như một kẻ mất hồn, dưới mắt kinh ngạc của những người bồi bàn, họ tới lui quầy nàng thường lắm.
Nàng rất kinh ngạc mà thấy mình yêu. Nàng đã yêu ba lần rồi, cả ba lần đều yêu nhiều và yêu rất chơn thật.
Thuở còn là con gái thơ như Lan, nàng đã yêu người tình đầu của nàng. Rồi sau đó mấy năm nàng lấy chồng và cũng rất yêu chồng.
Trong thời kỳ góa bụa, nàng đã yêu trở lại, và đó là lần chót, rồi bị phụ, rồi vào làm ở đây, sáng con mắt ra trước một thế giới hời hợt về tình cảm, nàng chán ngấy tình yêu, và tưởng không bao giờ mình còn yêu được nữa cả.
Thế mà nay nàng lại yêu, yêu với tất cả thơ mộng của tuổi dậy thì, với tất cả đau khổ của người yêu thật sự, tất cả ghen hờn, tất cả đam mê, tóm lại, nàng YÊU.
Một tiếng, chỉ một tiếng thôi, viết hoa, là đủ nói rõ về lòng nàng hơn bất kỳ lời văn vẻ nào.
Và khi Định ra về, hồi một giờ đêm, Liên nghe như tim mình bị ai nắm mà vặn một cái. Nàng cắn môi cố nén một cái nấc, nuốt nước miếng thật mạnh để tống xuống tận đáy bao tử một cục nghẹn, rồi chớp mắt lia lịa để rải cho khô hai hột lệ ở hai khoé mắt nó rịn ra lần lần kết hợp lại thành giọt lớn mà nàng sợ nó rơi xuống ướt má phấn, hỏng hóa trang và nhứt là bị người ta cười.
Người nữ thu ngân viên nầy chịu đựng như vậy được năm đêm, không, năm thế kỷ, năm thế kỷ giày vò, và những cuối đêm về nhà trằn trọc cho tới chín mười giờ sáng mà không chợp mắt được.
Nàng đã bơ phờ hốc hác, đôi mắt trõm lơ vì thiếu ngủ, chiếc áo bắt đầu rộng ra vì sụt cân, cho đến cái đêm ấy thì thật là hết hy vọng.
Người con trai ấy không tới đây nữa, và người vũ nữ được hắn si có lẽ cũng ngạc nhiên không ít. Hắn đang thề non hẹn biển với cô ta, hứa mua nhà cho cô, hứa cả làm hôn thú nữa, rồi thình lình hắn biệt dạng thì có lạ chưa?
Lạ nhứt là đêm trước đây hắn không có dấu hiệu mệt nhọc hay đau ốm gì, cũng không có nói là đêm sau hắn có thể bận việc, mà lạ quá mức tưởng tượng là nàng chưa cho, mặc dầu nàng trổ tài để khiêu khích dữ tợn khi nàng ở trong tay hắn.
Một gã đang si, chưa được mà lại bị kích thích đến mức độ tối đa ấy, thì chết sống gì hắn cũng vào đây mỗi đêm, trừ phi hắn mắc dịch mắc gió thình lình, hoặc bị bắt thình lình vì buôn lậu hoặc giết người, hay cướp của.
Cả hai người đàn bà nầy, không ai biết rằng Định đã đi công tác nơi một hộp đêm khác mất rồi, vì ở đây hắn đã sớm xong phận sự ít lắm là trong tháng nầy, nhờ bồ của hắn. Tháng tới hoặc tháng nữa, hắn sẽ trở lại để tìm những con hạm "có thể" khác, nhưng chừng ấy thì nàng vũ nữ đã có bồ mới, không hạch sách gì hắn mà hắn phải lo, còn cô thu ngân viên thì hắn không nợ nần gì.
Liên đã quen khung cảnh đèn mờ nên nàng bền chí đưa mắt để tìm kiếm. Có những bàn xa lắm, quen mặt bao nhiêu, tìm cũng chẳng ra ai, nhưng nếu chàng có tới thì hẳn chàng có nhảy mà kẻ nào ra sân nhảy, không thể thoát khỏi sự quan sát của nàng.
Sàn ở tại trung ương của cái vũ trường rộng lớn nầy, tức là gần quầy nàng hơn những bàn xa, và khi chàng trôi lại phía quầy, chàng chỉ cách nàng có sáu bảy bước thôi.
Không, đêm nay chàng không có mặt.
° ° °
Hồi ba giờ rưỡi trưa hôm sau, Liên hồi hộp gõ cửa nhà của Định. Nàng rất kiêu hãnh, và rất sợ bị hất hủi mà phải tủi thân.
Nhưng nàng thầm cảm ơn người chủ nhà biết bao, khi được đón tiếp nồng hậu như thường. Nàng nói ngay, khi ngồi lại, giọng nghẹn ngào:
- Em không nuốt lời hứa, nhưng sở dĩ mãi cho đến hôm nay em mới thăm là vì sao, chắc anh đã biết. Có lẽ anh còn hờn em về sự gần như là quyết tâm liều mạng của em đêm nào anh cũng không hề ghé lại quầy em.
Em... chờ... anh bớt hờn... thử xem sao.
Định cười hiền lành mà rằng:
- Không, kể ra thì hôm ấy tôi có tức thật đó, nhưng tôi không hờn cô đâu. Trái lại tôi còn cảm ơn cô về bài học. Không, tôi không có mỉa mai đâu, cô đừng có khó chịu.
- Xin anh thương xót.
- Tôi đã thương xót, nhưng là thương xót con bé, và có lẽ chỉ vì cầm lòng không đậu khi nhìn thấy đôi mắt van lơn cầu khẩn của nó nên tôi mới không tống cổ nó ra khỏi nhà, lúc ấy. Và bao nhiêu đó là đủ rồi.
- Không, em không dám xin gì thêm. Em chỉ mong anh thương xót mà đừng mỉa mai. Quả em bướng thật đó, nhưng anh cũng nên hiểu cho là em đang quýnh lên. Em hay tin dữ được một tuần lễ và suốt tuần ấy em chạy ngược chạy xuôi để tìm thầy, kiếm tiền mướn nhà, nhưng chỉ thành công được ở việc thứ nhứt mà nước thì đã tới trôn, để cho thiên hạ thấy bụng của nó đội áo thì còn gì!
Em lặp lại là em không xin xỏ gì thêm, chỉ đến để giữ lời cam kết thôi.
- Tôi rất mừng tiếp một người khách, một người bạn, tôi không đòi cô giữ lời hứa bởi cô hứa, mà tôi có nhận đâu. Vậy ta không nợ nần gì nhau. Vậy là xong.
Liên ngồi thẫn thờ một hồi trong im lặng, rơm rớm lệ mà rằng:
- Nhưng em thấy là em còn mắc nợ anh. Anh không yêu em đó là quyền của anh. Em buồn, em đau, nhưng em sẽ can đảm quên. Chỉ có món nợ là dầu sao em cũng phải cố trả. Em xin đưa ra một đề nghị thứ nhì, coi anh nghĩ sao.
Con Lan nó cứ nhắc nhở anh mãi, nghe giọng nó, em tế nhận được rằng nó rất cảm tình với anh. Nó nói sẽ đi thăm anh, mà sở dĩ nó chưa đi, vì nó chưa được hồng hào lắm. Nó không thích để anh thấy nó kém đẹp.
Nếu anh thích nó, em sẽ cho không nó cho anh. Không, anh đừng ngộ nhận và em cần nói mau rằng không phải em định gả một đứa em gái hư cho anh đâu. Em cho không, nghĩa là để tới lui với anh tự do, em nhắm mắt cho như vậy, tới ngày nào anh chán nó thì thôi.
Định cười ha hả rất dài:
- Chớ trước đây, cô không để nó tự do? Nếu cô không nhắm mắt, vì bất cẩn, nó đã chẳng như vậy. Giờ cô nhắm mắt vì cố ý thì có thiện chí (thiện chí đối với tôi) thật đó, nhưng món quà không quý như là cô đã giữ nó trong tủ sắt, như mẹ của những đứa khuê môn bất xuất. Hóa ra thiện chí của cô, không được tôi thưởng thức lắm đâu.
Liên đứng lên:
- Em đã cố gắng, nhưng không vừa lòng anh được. Em sẽ nghĩ cách đền ơn anh chớ biết sao giờ. Thôi em xin phép.
Định cũng đứng lên tiễn khách và nói:
- Ta không nợ nần gì nhau, xin cô chớ nặng lòng vì một điều mà tôi cho là đã dứt khoát rồi.
Tối hôm ấy lúc sửa soạn ra đi, chàng định đi vài vòng, vì các vũ trường chưa có khách sớm quá như vậy, thì cô bé Lan bước vào.
Chàng thừ người ra mà nhìn cô ta quên cả chào khách, vì nó đẹp đến đỗi chàng quên mất con bịnh mà chàng cũng đã cho là đẹp. Lan hôm ấy với Lan hôm nay khác nhau một trời một vực.
- À Lan, ngồi chơi!
Một hồi lâu lắm, chàng mới nói được câu đó.
- Em có làm trở ngại công việc của anh không?
- Không, anh chỉ đi chơi thôi.
- Em cũng chỉ đến thăm anh vài phút chớ không có việc gì.
- Hình như là Lan chưa muốn đến?
- Đúng như vậy. Nhưng sao anh biết? À, thôi, em đã hiểu rồi.
- Chưa muốn đến mà lại đến, là vì bị áp lực?
- Hừ...! Em hiểu có sai đâu! Rất đáng tiếc! Nhưng thôi...! Vâng, quả đúng như anh đoán.
- Gì mà rất đáng tiếc... rồi lại "Nhưng thôi...".
- Chị ba làm áp lực khiến anh khinh chị ba rồi khinh luôn em. Đáng tiếc là ở chỗ đó. Còn "Nhưng thôi..." là em nhẫn nại chịu số phận chớ biết sao.
- Không, anh không có khinh Lan.
- Anh không khinh ra mặt, chớ dầu sao, trong thâm tâm, anh cũng không coi trọng Lan được. Anh không sao quên được rằng Lan là em của một người đàn bà đã "cua" anh, rồi cua không được, định gán em gái cho anh?
- Không, cô Liên chỉ muốn đền ơn thôi, không có hậu ý nào khác.
- Dầu sao, cũng không đạo đức lắm, mà còn hơi vô luân nữa, mặc dầu cái chuyện hai chị em cùng là nhơn tình của một người, chuyện ấy chưa xảy ra.
Định hơi ngạc nhiên mà nghe Lan suy luận già giặn như người lớn.
Lan cười nói:
- "Rất tiếc" khi nãy, Lan cắt nghĩa chưa hết đâu. Nếu không có chuyện chị em xía vô, thì có lẽ giờ em đã bắt anh đưa đi chơi. Trời nóng nực thế nầy mà ngồi đây nói chuyện thật là dại. Nhưng chắc anh đã hết hứng rồi.
Định không xác nhận, nhưng quả đúng là chàng đã hết hứng. Cô gái nói luôn mồm và tiếp:
- Cái lối đền ơn ấy, em cũng có nghĩ đến và nếu không có chị xía vào, chắc em đã đền ơn anh được. Giờ đây, anh đã trót biết quá nhiều, chắc anh đã ghê tởm?
- Không.
- Giả dối với nhau làm gì? Anh đã biết hết bí mật của gia đạo em rồi, em phải thành thật với anh và anh không cần lịch sự.
- Chưa, anh chưa biết hết về bí mật gia đình em. Có một bí mật lớn lắm, làm anh thắc mắc lắm.
- Về gì?
- Tại sao em lại bảo vệ cho cái thằng làm em đã mang thai, bảo vệ nó bằng cách nín đi?
Lan làm thinh rất lâu rồi trách:
- Anh tàn nhẫn lắm!
- Sao lại tàn nhẫn?
- Em ở vào cái thế không còn giấu được anh gì cả. Đã mang nặng ơn anh, đền đáp không được, anh lại biết quá nhiều rồi, em là kẻ không biết điều mới giả dối với anh. Anh biết thế mà anh lại còn hỏi một điều mà em muốn giấu, tức là bắt em công khai một chuyện không đẹp đẽ gì cho em hết.
- Chuyện ấy anh đã biết rồi, thì đâu có thể nói là anh tò mò...
- Không, anh lầm, không phải là chuyện chửa hoang đâu vì chuyện ấy dĩ nhiên là anh biết rồi. Nhưng có ba bảy đường chửa hoang, xấu hay không xấu là do cái người làm cho mình "chửa hoang", và do mình ưng thuận hay không. Nếu em bị một anh cùi cưỡng hiếp thì không xấu. Nếu em yêu một người anh họ đi nữa thì cũng chỉ xấu có chừng mực thôi. Nhưng nếu... À thôi. Em phải lương thiện mới được. Anh đã biết chín phần mười, còn giấu anh làm gì cái phần mười còn xót lại đối với một con người ơn đã trót biết quá nhiều.
Em nói điều nầy, anh tin hay không tin mặc anh, là em còn là gái tân, đêm đó. Anh mới có hăm mấy tuổi, chắc anh không xa bọn nầy lắm đâu. Tụi em coi vậy mà còn rất nhiều đứa chưa hư.
Em không rõ mấy ông ra lịnh cấm nhảy Tuýt, họ có đi coi nhảy đầm lần nào chưa, chớ thật ra nhảy Tuýt ít khiêu khích hơn nhảy những bản cổ điển nhiều lắm, như Tango chẳng hạn.
Tụi nầy có ôm nhau đâu, mà lũ con trai chúng nó cũng chẳng thèm ngó bọn con gái ưỡn ẹo thế nào, bởi thằng nào cũng nhảy cả chớ không có thằng nào ngồi coi. Em quả quyết rằng điệu Tuýt là một bước rất lành mạnh, và nhiều nhà khoa học đã viết sách rằng nó có lợi là giúp bọn trẻ tuổi của thế hệ hậu chiến trút bớt mặc cảm và sinh lực quá dồi dào nhờ khoa dinh dưỡng tâm thần, nhờ thuốc men tiến bộ.
Quả con gái đời bây giờ hư rất sớm, nhưng vì các nguyên nhơn khác, chớ nhứt định điệu Tuýt không có tội gì cả.
"Em còn trong sạch anh à! Nhưng không ngây thơ đâu, vì đã có rất nhiều sách phổ thông sinh lý kia mà! Lại có lu bù tiểu thuyết luân lý răn con gái, nên coi chừng mưu trá của nam phái. Thế nghĩa là em không bị gạt gẫm."
"Bởi vậy em không nói rằng người ta đã phá hoại đời em, mà em chia trách nhiệm với người ta, cái phần em chia xớt ấy em gánh chiu, không tự bào chữa bằng luận điệu nào hết".
Định phải tin rằng cô gái nầy thành thật. Chàng bỗng nghe mình có rất nhiều cảm tình với một người trẻ tuổi mà ngay thẳng và can đảm đến thế, bởi chàng biết hằng lố con gái coi bộ đoan trang ghê lắm, thế mà nói láo chịu không nổi về chuyện yêu đương của chúng nó, đứa thì cho rằng mình bị cưỡng hiếp, đứa lại bảo mình bị áp lực nầy, hăm dọa nọ, hoàn cảnh kia.
- Rồi sao nữa?
Lan cười bẽn lẽn rồi bắt đầu kể.
° ° °
Ông Mạnh đang ngồi ăn cơm với bà ở hiệu ăn riêng của khách sạn thì thằng nhỏ của lữ quán hớt hơ hớt hải chạy vào.
Nó gập người lại mà chào ông, nói một tràng dài những gì không rõ, đoạn chìa ra bức điện tín mà người của nhà bưu điện mang đến khách sạn.
Ông Mạnh mở điện tín ra đọc rồi chau mày:
- Gì đó? Bà lo lắng hỏi.
- Thằng Nghiệp nó gọi tôi về nước.
Nói rồi ông trao điện tín cho bà. Điện tín chữ đánh máy chớ không phải viết tay, thảo bằng Anh ngữ mà bà không đọc được. Nhưng bà nhận ra tên của Nghiệp dưới bức điện văn.
Nghiệp là người đại quyền thứ nhì của ông Mạnh, người thứ nhứt là một ông cao niên tên là Thức.
Bà Mạnh ngạc nhiên hỏi:
- Ắt hẳn phải có chuyện nghiêm trọng, nhưng nếu thế thì sao ông Thức không đánh điện, mà lại Nghiệp.
- Tôi cũng chẳng biết sao, mà cũng không đoán gì được. Có lẽ ông Thức đau ốm gì và nằm nhà thương chăng? Hoặc ông ấy bị bắt?
- Ông ấy bị bắt? Vậy ông không nên về.
Ông Mạnh cười hề hề:
- Tôi về không sao, nên nó mới gọi về.
Ông Mạnh là doanh thương rất lớn, buôn đủ thứ cả, và cũng là một tay gian thương khét tiếng, nên ông mới có ý nghĩ rằng người đại quyền của ông ở nước nhà bị bắt.
- Khổ quá, một lần đi, một lần khó, mà chưa làm gì được hết thì...
Hai vợ chồng ông Mạnh sang Nhựt được một tháng rồi, ông thì để làm gì, chỉ có trời mà biết, còn bà thì chỉ để mong cái sóng mũi cho nó cao thêm với lại nhờ khoa sắc diện thủ thuật Nhựt Bổn cải thiện vài khuyết điểm khác như là sửa da nhăn, da cổ ấy, chớ da mặt thì Saigon vẫn làm được.
Nhưng họ bận thăm viếng các thắng cảnh nên chi bốn hôm nữa bà mới bắt đầu đi nằm nhà thương riêng của một vị danh y kia.
- Hay là bà cứ ở lại, để tôi về bên ấy xem sao, rồi tôi trở qua.
- À, hay là như vậy? Ý của ông hay lắm đó.
Bà Mạnh ơ hờ, đâu có biết rằng bức điện tín ấy là âm mưu của chồng bà. Ông Mạnh muốn về với cô nhơn tình của ông để tự do yêu đương ít lắm cũng được một tháng.
Ông không thể yêu cầu ông Thức là người đứng đắn, làm cái công việc không phải đạo như vậy, nên điện văn mới ký tên Nghiệp.
Thế là sáng hôm sau, ông Mạnh bay về Saigon.
Công việc đầu tiên của ông là đi rút ở ngân hàng ra một số tiền khá to là một trăm ngàn bạc, mà ông hứa biếu Loan, nhơn tình của ông, nàng không hề chịu nhận ngân phiếu, vì không muốn ai tìm bằng chứng nào cả, nếu về sau rủi ro điều gì, với lại nàng cũng không muốn các ông kiểm ngân phiếu nhìn nàng bằng đôi mắt hóm hỉnh và tinh quái của họ.
Để khỏi nặng túi, ông Mạnh đòi toàn giấy năm trăm, một trăm ngàn bạc mà chỉ có hai chục ghim thôi.
Đoạn ông gọi tắc-xi dông lại đường Gia Long, lối trước hiệu phở 79 mà Loan có một căn nhà riêng do ông mua tặng.
Bấy giờ là bốn giờ chiều.
Ông Mạnh sung sướng hơn bao giờ cả. Cứ theo lời bác sĩ, thì bà phải nằm nhà thương ít lắm là một tháng.
Từ thuở giờ, ông đến với Loan thật là khó khăn và thất thường, vì các bà hễ chồng họ mà có nhiều tiền quá rồi, họ kiểm soát tiền bạc không được nữa thì họ xoay chiến lược kiểm soát thời dụng biểu của các ông. Các ông hóa thành một thứ tù nhơn cấm cố, hóa thành những đứa con ngoan ngoãn đi phải thưa, về phải trình, thỉnh thoảng tìm dịp nhảy dù được thì như là đi chữa lửa, còn về thì về như nghe vợ chuyển bụng.
Có một lần, ông tìm được một mẹo để ở lại với Loan suốt hai tiếng đồng hồ.
Ông đưa tiền cho Nghiệp tổ chức một bữa tiệc linh đình tại nhà hắn, có mời nhiều yếu nhơn trong thương giới, đủ cặp cả ông lẫn bà.
Lúc khách mới cầm đũa lên để tấn công bốn món ăn chơi cổ điển thì bỗng có một thầy ký ở bộ Kinh tế mà các ông nhà giàu khác đều biết mặt và chứng nhận, chạy sồng sộc vào nhà rồi vừa thở, vừa nhìn ông Mạnh mà rằng:
- Tôi xin lỗi quí vị, thưa ông, ông Tổng trưởng cho tôi mời ông đến tức thì để hỏi ông về vụ chuyển ngân gì đó tôi cũng chẳng biết.
Lần nầy ông cho tái bản lại cái mẹo ấy với khổ lớn hơn, đại qui mô hơn, chớ chẳng có gì lạ.
Ngồi trên tắc-xi, nhà tỷ phú nầy hình dung ba mươi ngày diễm ảo của ông với người đẹp bên cạnh ông luôn luôn, ở nhà nàng hay nơi các hiệu ăn, các chỗ giải trí.
Mai nầy ông về nhà, lấy xe đem lại đây và ông với Loan mặc sức mà đi chơi. Có thể hai người sẽ đi Dalat một tuần, đi tắm biển một tuần.
Cửa nhà Loan đóng, nhưng ông Mạnh vặn thử hột xoài thì mới hay là cửa chỉ khép kín mà thôi.
Nhà vắng hoe. Có lẽ chị ở đã được Loan sai đi mua mì hay mua cháo gì không rõ, vì giờ nầy Loan ngủ thức dậy, thường thích ăn cái gì dằn bụng.
Buồng trong của nhà có gắn máy lạnh nên được xây vách tường ngăn cách hẳn với buồng ngoài với hành lang đưa ra sau bếp, cửa buồng ngủ nầy là cửa kiếng đục, nên ông đã vào tới đó rồi mà Loan vẫn không nghe không thấy.
Ông vừa mở cửa vừa gọi:
- Loan ơi, anh về đây Loan à.
Thình lình, ông nghe nền gạch dưới chơn ông như sụp xuống y như trong các phim trinh thám hai xu, với những căn nhà bí mật đầy dẫy cạm bẫy.
Tiếng cười dòn và trong trẻo của Loan vang lên và cùng lúc ấy, ông thấy một anh con trai trẻ đẹp đang cùng với Loan nô đùa trên giường, cả hai đứa đều ăn mặc như ông A Dam và bà Ê Va.
Ông Mạnh lảo đảo suýt ngã, nhưng ông cố tự trấn tĩnh, vội lùi ra ngay, khép cửa lại rồi co giò tẩu thoát.
Ra tới đường, ông bỗng nghe lạnh vì mồ hôi ông đã ra dầm dề mà ông lại gặp phải một luồng gió.
Cơn lạnh nầy, giúp ông tỉnh táo lại phần nào, và ông thất thểu bước trên vỉa hè, rất giống một con hình nộm được tay phù thủy giỏi nào dán bùa vào cho nó, nó đi đứng cử động được, nhưng không biết nó đi đâu. Ông đi cầu bơ cầu bất như vậy cho tới chín giờ đêm thì nghe đói và chợt thấy trước mặt ông một hiệu cơm Tây cá kèo.
Ông ngồi lại nơi bàn ngoài hiên ăn bậy dĩa gà nấu đậu, nhưng uống thật nhiều rượu, trước khi ăn và sau đó, ông vẫn tiếp tục uống.
Hiệu ăn đóng cửa hồi mười giờ. Họ đuổi khéo ông bằng cách rút nhẹ tấm náp bàn. Say mèm, ông vẫn hiểu, trả tiền rồi lại đứng lên đi ngã xiêu, ngã tó, vẫn cứ không biết đi đâu.
° ° °
Cũng cứ hồi bốn giờ chiều, vào giữa lúc mà nhà tỷ phú Mạnh suýt ngất đi, thì Lan đang ngồi để không làm gì cả, tại nhà nàng tức nhà của Liên, hay nói cho đúng ra là đang ngồi ngáp vặt.
Trời còn nắng quá, đi chơi không được, xi-nê thì không còn phim mới cho nàng xem, còn sách vở thì buồn ngủ quá.
Liên ngủ vừa thức dậy và đang tắm ngoài sau.
Bỗng Lan reo lên:
- A, bầu Tèo, bầu Tèo đi đâu đó?
- Đi tìm cậu đây.
Bầu Tèo là tục danh của Mỹ, một đứa bạn gái của Lan, cô bạn nầy mới vào đảng, còn khờ lắm nên bị các nàng gọi như vậy.
- Tìm để làm gì?
- Tối nay, đằng nhà thằng Dũng có surpsise party hồi 9 giờ.
- Nhà nó? Cậu muốn nói nhà của ông bô, bà bô nó?
- Chớ nó mà còn nhà nào nữa.
- Ổng với bả cho phép à?
- Đâu có. Ông bả xuất ngoại cả tháng nay.
- Tuyệt!
- Ta sẽ hoàn toàn tự do.
Cùng vào lúc ấy có hàng chục cô gái và cậu trai đồng lứa với Mỹ và Lan chạy khắp thành phố bằng đủ các phương tiện xê dịch để báo cái tin quan trọng nầy.
--------------------------------
1 Xin nhớ là câu chuyện nầy xảy ra năm 1960.