Tính cách không thể được hình thành trong yên bình. Chỉ có trải nghiệm mới hun đúc tâm hồn, làm rõ tầm nhìn, sản sinh ra tham vọng, và giúp đạt được thành tựu.

Helen Keller

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
i leo lên một xe buýt đường dài. Được tân trang cho hợp với thành phố, cỗ xe già nua xóc lên xóc xuống suốt mười hai giờ liền trên con đường núi bảo dưỡng cực tồi, đầy ụ đầy hồ, trước khi tới cái thị trấn này.
Xắc trên lưng, xà cột ở tay, mi đưa mắt lướt quanh khắp cái bến xe la liệt giấy gói kem que và bã mía.
Đàn ông kệ nệ túi xách đủ mọi cỡ, đàn bà, trẻ nhỏ trên tay bước xuống xe, băng qua bãi xe trong khi một đám thanh niên, chẳng xắc lẫn chẳng làn giỏ, lấy ra từ túi quần các bồ đài hạt hướng dương, lần lượt ném từng hạt vào miệng rồi tức khắc nhổ vỏ. Chúng cắn với sự lịch lãm, còn phát ra tiếng huýt gió, cái vẻ thoải mái thung dung này chính là kiểu cách sở tại. Đây là quê hương chúng, chẳng vì cớ nào mà chúng lại không sống cho thả sức tự do; gốc rễ chúng đã đời này qua đời khác cắm sâu vào mảnh đất đây rồi. Mi từ xa đền tìm gốc rễ tại chỗ của chúng là uổng công thôi. Nhưng với những người rời chốn này đi đã từ lâu thì thì cái trạm xe đường bộ này chưa hề từng tồn tại, những cái xe khách kia lại càng chưa nữa. Muốn đi đường thủy phải đáp một con thuyền đậy bằng những tấm liếp tre còn đường bộ thì phải thuê một xe cút kít. Nếu thật sự không tiền, người ta chỉ còn có thể trông vào đôi đế giầy mà thôi. Bây giờ tất cả những ai còn sống, cả từ ở bên kia Thái Bình Dương, đang thi nhau trở về, hoặc bằng xe riêng, hoặc bằng xe lớn có máy điều hòa không khí. Một số đã giàu, có những người trở lên nổi tiếng, có những người lại chẳng là cái gì nhưng tất cả đều đi đến đây vì cái lẽ tuổi đã cao của họ. Mệnh sống tới hạn rồi, ai có thể thoát được nỗi lưu luyến quê xưa? Những người chưa từng bao giờ nuôi khát vọng rời bỏ nơi này thì lại có phần tự nhiên hơn, hai tay buông thõng, lớn tiếng nói cười, chẳng mảy may ngượng nghịu. Tiếng nói họ dịu dàng, thân mật, gần như xúc động. Khi là chốn quen biết gặp nhau, học trao đổi với nhau không phải bằng những lời lẽ lễ độ trống rỗng, gật đầu hoặc bắt tay giống như ở thành phố. Lúc thì họ gọi tên nhau ra, lúc thì họ vỗ mạnh vào vai nhau, mà thường thích ôm nhau vào ngực, chuyện này không những giữa đàn bà với đàn bà mà giữa đàn ông với nhau có lẽ lại nhiều hơn. Gần bể xi măng để rửa xe, chỉ có hai người đàn bà rất trẻ. Họ ríu rít mãi, tay cầm tay. Ngôn ngữ đàn bà xứ này càng mềm mại đến nỗi mi không thể ngăn mi vội liếc họ. Nhìn từ lưng, những chiếc khăn đội đầu của họ, làm bằng thứ vải hoa văn mầu lam cùng cách buộc khăn truyền từ đời này sang đời khác, xem ra có một nét độc đáo khác thường. Mi bất giác đến gần. Chiếc khăn thắt dưới cằm, hình ba cạnh, làm nổi lên những khuôn mặt xinh xắn với các đường nét thanh tú hòa hợp với vóc dáng yêu kiều của họ. Mi đi sát bên họ. Hai bàn tay họ vẫn gắn lấy nhau, đều cùng đỏ, cùng thô như nhau với những đốt xương to. Chắc đây là những cô dâu mới cưới đến thăm nhà bạn hay trở lại nhà bố mẹ mình. Nhưng ở đây chữ "cô dây trẻ" chuyên chỉ vợ của con trai mình. Nếu dùng chữ ấy trẹo đi theo cách những người miền Bắc để chỉ bất cứ cô gái trẻ nào vừa mới lập gia đình, người ta sẽ lập tức chuốc lấy một hồi chửi rủa. Một khi đã cưới, người thiếu phụ gọi chồng là "ông lão" cũng hệt như để nói "ông lão tớ", "ông lão cậu". Ở đây thiên hạ có chữ nghĩa riêng của học, mặc dù họ tất cả đều là người Trung Quốc cháu con của Hiên Viên hoàng đế khởi nghiệp, thuộc cùng tộc và cùng văn hóa chung.
Ngay cả mi, mi không biết rõ tại sao mi lại đến đây. Tình cờ trên xe lửa mi đã nghe thấy một người nào đó nói đến một nơi gọi là Linh Sơn, Núi Hồn. Người ấy ngồi trước mi, tách trà của hắn đặt cạnh tách trà của mi và con tàu rung lắc làm cho nắp tách của hai người va vào nhau lanh canh. Chuyện có lẽ sẽ chỉ dừng ở đấy nếu chúng tiếp tục va lanh canh hay một lúc sau đó dừng lại, nhưng sự tình cờ là lúc hai cái nắp chạm vào nhau kêu lanh canh thì cùng lúc với hắn, mi có ý dịch chúng đi, mà vào chính cái thời điểm ấy, chúng im bặt. Nhưng hai người vừa mới quay mắt đi, chúng lại va nhau kêu. Hai người cùng chìa tay ra, chúng lại im. Không nói năng gì, hắn và mi cười. Lúc ấy hai người bên chỉ xê một chút cái nắp lại bập chuyện. Mi hỏi hắn đi đâu.
- Đi Linh Sơn.
- Cái gì chứ?
- Linh Sơn, Linh trong linh hồn, sơn trong sơn thủy, Núi Hồn.
Mi là người đã đi từ bắc chí nam, khắp Trung Quốc, đã đến nhiều núi non nổi tiếng vậy mà mi chưa bao giờ nghe nói đến cái chỗ này.
Người bạn ở trước mặt mi khẽ nhắm mắt lại, hắn dưỡng thần. Bị một nỗi tò mò khó hiểu khuấy động, mi muốn thấy trong kiến thức về các danh lam thắng cảnh của mi đang có một chỗ thiếu hụt nào. Trong cơn hợm, mi không thể chịu được rằng còn có một nơi mi chưa bao giờ nghe nói đến. Mi bèn hỏi Linh Sơn ở đâu.
- Ở nguồn sông Vưu, hắn mở mắt ra trả lời.
Con sông Vưu ở đâu, mi chẳng hay nhưng mi không dám hỏi. Mi đành gật gù, cái điều có thể hiểu ra thành hai cách: "À vâng, cảm ơn" hay "À đúng, tôi biết". Lòng hiếu thắng của mi được thỏa mãn nhưng tò mò của mi thì chắc chắn là không. Một lát sau, cuối cùng mi hỏi hắn đi đến đó như thế nào và có thể vào trong núi đó bằng lối nào.
- Có thể đi xe khách tới thị trấn nho nhỏ Ô Y rồi ngược sông Vưu bằng thuyền.
- Ở đó có gì nhỉ? Ta có thể xem phong cảnh, đến miếu? Di tích? Làm ra vẻ thờ ơ mi hỏi.
- Ở đấy mọi cái đều ở dạng sơ khai.
- Có rừng nguyên sinh?
- Hẳn đi rồi, nhưng không chỉ có thế thôi đâu.
- Cả người rừng nữa? mi pha trò nói.
Hắn cười, không chút giễu cợt, điều đó làm cho mi càng bị kích thích. Mi phải biết người bạn ngồi trước mặt kia là ai.
- Anh nghiên cứu sinh thái à? Anh là nhà sinh vật học chăng? Nhà cổ nhân học? Nhà khảo cổ học?
- Tôi quan tâm nhiều hơn đến người sống, hắn lắc đầu nói sau mỗi gợi ý của mi.
- Anh điều tra về phong tục dân gian? Anh là nhà xã hội học? Chuyên gia văn nghệ dân gian? Nhà dân tộc học? Hay là nhà báo vậy? Nhà phiêu lưu?
- Là tất cả những cái đó nhưng mà nghiệp dư.
Cả hai đều cười.
- Đều là những món chơi đầu hạng cả.
Hai người đều cười, thành thật hơn. Hắn châm một điếu thuốc và mở máy nổ, kể mọi thứ tuyệt vời về Linh Sơn. Rồi theo đề nghị của mi, hắn xé bao thuốc rỗng vẽ ra một bản đồ chỉ con đường để đi tới đó.
Ở miền Bắc lúc này đã đậm thu. Ở đây, cái nóng hè vẫn chưa hề suy yếu. Trước khi biến mất vào sau núi, mặt trời còn giữ nguyên sức mạnh và khi đó nó nện vào thân xác, mồ hồi liền chạy dọc lưng. Mi ra khỏi bến xe đường dài, quan sát chung quanh. Trước mặt chỉ có một quán trọ nhỏ hai tầng, kiểu cổ, quầy hàng bằng gỗ. Các ván gỗ kêu cọt kẹt khi người ta đi ở trên gác nhưng cái đáng sợ nhất là gối và chiếu đen nhờn. Muốn tắm rửa phải chờ đêm tối để cởi quần và hắt nước vào người với một chậu thau trong mảnh sân hẹp ẩm ướt. Đây là một chặng dừng chân cho những người ở nông thôn ra buôn bán và làm thủ công.
Trước đêm tối, trời còn sớm, mi có thừa thời gian tìm một khách sạn sạch hơn. Mi lang thang trong phố, túi xắc ở lưng, mong phát hiện ra trong thị trấn này một dấu hiệu, một biểu hiện, cho dù chỉ là một cái tên gồm có hai chữ Linh Sơn để chứng tỏ mi đã không lầm, mi đã làm chuyến đi này không uổng. Mi đã nhìn khắp nhưng chẳng tìm thấy dấu vết nào. Trong những người cùng xuống xe với mi, không ai có vẻ đi du lịch. Thì cả đến mi nữa, dĩ nhiên, nhưng không ai lại ăn mặc như mi: một đôi giầy đi núi nhẹ mà bền, một túi đeo lưng. Những người qua lại trong phố này ăn mặc như mi. Dĩ nhiên đây không phải loại địa điểm du lịch nổi tiếng, nơi mà những cặp vợ chồng mới cưới và những người về hưu đến đó, nơi mà mọi cái đều được làm ra vì du lịch, nơi mà đâu đâu cũng có xe khách đỗ, nơi mà người ta có thể mua bản đồ du lịch tại mọi góc phố đầu đường, tại các cửa hàng bày những mũ mỏ vịt, áo ba lỗ, áo dệt chui cổ, khăn tay mang tên địa điểm với các khách sạn mà người nước ngoài đến đó trả bằng ngoại tệ, với các trung tâm đón tiếp hay nghỉ ngơi mà người ta chỉ có thể vào nếu có thư giới thiệu, không hề bỏ quên các khách sạn tư be bé giành khách lẫn nhau, tất cả chúng đều mang cái tên linh thiêng kia làm biển hiệu. Mi không đến loại địa điểm này để giải khuây theo đoàn theo đội trên một con đường núi với những con người xem xét nhau, xô đẩy nhau, chen lấn nhau và quăng vỏ dưa, chai nước ngọt, vỏ đồ hộp, giấy bẩn, đầu mẩu thuốc lá xuống đất. Ở đây rồi cũng thế, một ngày nào đó nó sẽ giống y như thế. Mi đã ngỡ đến đây trước khi người ta cất lên các gian hàng, ki ốt, sần trời, tháp xinh đẹp, đã ngỡ chen chúc trước mộ bia của một ai đó nổi tiếng hay trước máy ảnh của một nhà báo. Trong thâm tâm, mi vui nhưng vẫn nuôi một vài ngờ vực. Trong cái phố này, không một dấu hiệu nào để hút để cuốn khách du lịch, mi đã bị chơi khăm rồi sao? Mi đã tin vào một đường đi vẽ nguệch ngoạc trên bao thuốc lá giấu trong áo của mi, tin vào kẻ đồng hành mi gặp tình cờ trên xe lửa. Chẳng cái gì chứng tỏ rằng hắn đã nói thật. Mi chưa đọc những ký sự đích thực về du lịch; ngay cả các sách lớn nói về các địa điểm du lịch mới in gần đây cũng không có đề mục của cái tên này. Dĩ nhiên người ta dễ dàng tìm thấy những địa điểm có tên Linh Đài, Linh Khâu, Linh Nham và thậm chí cả Linh Sơn nếu lật giở tập bản đồ Trung Quốc các tỉnh. Mi cũng nên biết rằng địa điểm Linh Sơn đã được ghi trong vô số các sách vở, văn bản lịch sử cổ xưa, từ tác phẩm bói toán và ma thuật cổ đại Sơn Hải Kinh, đến bộ sách lâu đời về địa lý nhan đề Thủy Kinh Chú. Chính ở nơi này đức Phật đã giáo hóa cho đấng tổ sư thứ nhất chí tôn Ma ha ca diếp. Mi không ngốc nghếch, mi phải nhờ đến trí thông minh của mi, trước hết hãy tìm cái thị trấn nho nhỏ với tên gọi Ô Y ghi trên gói thuốc lá và con đường dẫn vào Linh Sơn, Núi Hồn đã.
Quay lại bến xe đường dài mi vào phòng chờ, nơi náo nhiệt nhất của cái thành phố nhỏ miền núi này, vào giờ này nó hoàn toàn trống không. Các quầy bán vé và ký gửi hành lý bị một tấm ván bịt kín. Mi gõ, không kết quả. Mi chỉ còn việc ngẩng đầu đếm tên các ga đều đẹp như nhau nối hàng trên cửa quầy: Trương Xá, Sa Phố, Thủy nê xưởng, Lò cũ, Ngựa vàng, Đại Niên, Chướng thủy, Long loan, Đào hoa vực... nhưng chẳng cái nào ứng với cái nơi mi kiếm. Thị trấn này tuy nhỏ, các ga cuối cùng và xe khách lại rất nhiều. Chỉ trong một ngày mà có tới năm sáu xe khách, nhưng địa điểm Xưởng xi măng thì chắc chắn không phải là để du lịch. Tuyến ít khách nhất chỉ có một xe phục vụ mỗi ngày. Chắc phải là nơi hẻo lánh nhất nhưng Ô Y lại chính là ở cùng tuyến đường. Nó không lôi cuốn chú ý, giống như tất cả các tên địa phương khác, không có chút linh khí nào. Nhưng mi, tựa như cuối cùng đã tìm thấy đầu của một cuộn chỉ rối mà mi đã hết hy vọng gỡ, nếu mi không sướng điên lên thì ít nhất cũng đã yên tâm. Có lẽ mi phải mua vé trước lúc xe chạy một giờ. Kinh nghiệm bảo mi rằng trên các tuyến đường núi chỉ một chuyến xe phục vụ mỗi ngày này, cần phải vật lộn để lên được xe, nếu không chuẩn bị xông pha, mi sẽ phải xếp hàng rất sớm.
Lúc này mi có thời gian trước mặt, nhưng cái túi du lịch bắt đầu đè nặng lên vai mi. Mi lượn phố, những xe cam nhông chở gỗ đi sạt vào mi, còi rú. Mi để ý thấy trên con đường hẹp đi ngang qua thị trấn, các xe cam nhông đủ mọi kích cỡ không ngừng rú còi. Trên các xe khách, người bán vé thò tay qua cửa sổ đập không ngừng vào thành xe, làm tăng thêm cái ầm ĩ bao trùm trong phố. Đó là cách duy nhấy để cho người đi đường tránh ra.
Những ngôi nhà cũ kỹ ở mỗi bên phố bày ra mặt tiền bằng gỗ mọi thứ. Người ta buôn bán ở tầng trệt, còn ở trên gác người ta phơi áo quần: từ tã lót trẻ em đến nịt vú, từ quần đùi vá đến khăn trải giường in hoa, bay phấp phới trong bụi và tiếng xe cộ, giống như từng ấy cờ xí của các nước trên toàn thế giới. Ở đầu đường, trên các cột mốc xi măng, ngang tầm mắt, mọi kiểu áp phích quảng cáo được trương lên. Một trong số đó, khoe sản phẩm chống hôi nách đặc biệt khiến mi phải chú ý. Không phải vì mi mắc các bệnh này mà vì bị cách viết độc đáo của nó lôi cuốn. Sau thuật ngữ "hồ xú" đến câu giải thích ở giữa ngoặc:
(Hồ xú (còn gọi là Mùi hôi của tiên) là một bệnh khó chịu sản sinh ra một mùi thối khẳn. Vì nó, nhiều người đã phải hoãn hôn nhân hay gặp các sự khó khăn trong kết bạn. Các thanh nhiên nam nữ bị cản trở trong tìm việc làm hay nhập ngũ, họ thường đã đau khổ ghê gớm vì bệnh này mà không giải tỏa được các day dứt của mình. Bây giờ nhờ một sản phẩm tổng hợp mới, người ta có thể diệt được cái mùi hôi này hoàn toàn. Hiệu nghiệm 97,5%. Vì niềm vui của các bạn ở trong đời và vì hạnh phúc tương lai của các bạn, xin hãy đến chữa trị ở tiệm chúng tôi...)
Rồi mi đến một cầu đá. Không mùi hôi nách. Một làn gió mát thổi nhè nhẹ, làm tươi tỉnh và thú vị. Cây cầu đá bắc ngang qua một con sông rộng. Tuy mặt cầu rải nhựa, người ta vẫn lờ mờ phân biệt ra những con sư tử chạm khắc trên những cột khoét rãnh. Chắc hẳn đã phải rất lâu đời. Dựa vao lan can đá gia cố thêm bê tông, mi ngắm nhìn hai phần của tiểu trấn nối lại bằng cây cầu. Ở mỗi bên, mái ngói đen không đếm xuể xếp thành hàng chèn nhau trải dài hết tầm mắt. Giữa các quả núi, một thung lũng mở ra, các thửa ruộng vàng rực có khảm những búi tre xanh. Nước con sông một màu lam thuần khiết trôi êm ả giữa hai bãi cát. Khi đến các chân cầu bằng đá tạc chia tách nó, nước sông trở nên sâu thẳm và chuyển sang màu xanh thẳm. Vừa qua khỏi vòm cầu, nó phát ra một tiếng gầm và sóng bạc đầu hình thành trên các con lốc dữ dội của nó. Nước đã để lại dấu tích của nhiều mức khác nhau trên con dê đá cao hơn mười mét. Mức mới nhất, mầu vàng xám nhờ nhờ, có từ vụ lụt mùa hè vừa rồi. Sông Vưu đây chăng? Nó lấy nguồn từ Linh Sơn ư?
Mặt trời sắp lặn. Hình bán cầu của nó giống như một nắp vung màu da cam. Nó còn sáng nhưng không chói nữa. Mi đưa tầm mắt đến nơi hai sườn thung lũng gặp nhau, ở chỗ ấy, các đỉnh cây cao quấn quýt trong sương mù và mây. Bức tranh huyền ảo một màu đen rất sống động này đang từ bên dưới gặm nhấm dần dần vầng mặt trời lấp lánh có vẻ như đang quay. Rồi càng nhuộm đỏ, mặt trời đang lặn càng dịu đi. Nó phóng những ánh sáng vàng rượi hòa lẫn vào nhau trong nhưng con sóng lô xô và những cụm nước tung toé. Quả cầu đỏ tía càng toát ra nhiều thanh thản yên tĩnh hơn nữa, nhưng xuống đến giữa lũng, nó lại mang một sức quyến rũ nào đó ở trong vẻ trang trọng của mình. Thế rồi có những âm thanh. Mi nghe thấy ở trong đó, khó nắm bắt, bắt đầu là vang ngân lên trong tim mi, lan tỏa dần, hơi run rẩy chút ít, như nhón trên đầu ngón chân, tuột bung ra và biến mất vào cảnh quan đen ngòm của núi, rót đầy các vùng trời sương mù hoàng hôn. Gió chiều rít bên tai mi như âm thanh không ngừng của còi xe hơi. Lúc qua cầu mi phát hiện ra ở đầu cầu một tấm bảng mới khắc những chữ bôi đỏ cho nổi lên: Cầu Vĩnh Ninh, xây dựng trong năm thứ ba thời Khai Nguyên nhà Tống, trùng tu năm 1962. Đặt bảng năm 1983. Đấy, một dấu hiệu thông báo ngành du lịch đã tới.
Ở đầu cầu có hai dãy quán ăn. Mi ăn ở dãy bên trái một bát óc đậu, loại óc đậu mềm và ngon tuyệt, chế gia vị khéo, thứ này người ta bán ở khắp phố to ngõ ngõ hẹp nhưng một thời gian đã biến mất, song bây giờ được làm lại nhờ một mật pháp gia truyền. Rồi ở dãy bên phải, mi ăn hai cái bảnh Khao pỉnh có vừng với hành vừa ra lò, nóng hổi, thơm phức; cuối cùng, mi còn ăn ở bên nào mi cũng không nhớ nữa - những viên bi ron ron bằng thứ nếp lên men, chỉ nhỉnh hơn những hạt ngọc chút đỉnh, vừa đủ ngọt. Dĩ nhiên mi không câu nệ như Tiên sinh Hai Mã du lịch ở Tây Hồ nhưng mi thấy khá ngon miệng. Vừa nhấm nháp các món ăn của tổ tiên, mi vừa nghe chuyện trò của khách và chủ hiệu thuộc rõ nơi này. Mi đã muốn lại cùng hòa chuyện, nói cái tiếng dịu nhẹ mang giọng quê mùa của họ. Mi đã sống lâu ngày ở thành phố, mi có nhu cầu gìn giữ ở trong mi một cảm giác về quê hương, mi muốn có quê hương, nó cho mi chút ít an ủi, để mi có thể quay lai thời ấu thơ, tìm lại thấy những kỉ niệm đã mất của mi.
Cuối cùng mi tìm được một khách sạn ở phía bên này cầu, trong một phố cổ lát đá. Sàn gỗ lau rửa được coi là sạch. Trong gian phòng đơn mà mi thuê, kê một tấm ván, trải chiếu trúc và chiếc chăn vải bông xám mà người ta không rõ do bẩn hay vốn dĩ cái mầu gốc gác của nó. Mi lùa nó xuống dưới chiếu, gạt chiếc gối nhờn mỡ ra. May sao trời nóng, chiếu chăn thành vô ích. Lúc này, mi thấy cần phải đặt cái xắc lưng đã trở thành rất nặng xuống, rũ gột đi hết mọi bụi bặm, mồ hôi đang dính bết người mi. Mi cởi trần nằm ở giường, chân giạng. Trong gian phòng bên, người ta gọi hỏi nhau. Người ta đánh bài. Mi nghe rõ tiếng quân bài quật xuống bàn. Chỉ một tấm ván chia cách mi và họ, qua các khe hở của tấm thảm tường rách, mi có thể lờ mờ nhìn thấy vài gã trai tráng mình trần trụi lụi. Mi không đến nỗi mệt quá để ngủ đi ngay nên mi đã gõ vào vách ngăn. Một tiếng quát cất lên ở bên. Không phải với mi mà với họ với nhau. Có người được kẻ thua, kẻ thua chậm trả nợ. Trong khách sạn này, người ta chơi bạc công khai mặc dù yết thị của cảnh sát huyện treo trong phòng quy định cấm cờ bạc và mại dâm. Mi thật bụng muốn đi xem cái quy tắc này có được tuân thủ không. Mi mặc quần áo, ra hành lang rồi gõ vào cánh cửa hé mở của gian phòng. Tiếng ồn ào tiếp tục, chẳng ai bận tâm đến mi. Mi đường hoàng bước vào, đẩy cửa ra. Bốn gã trai ngồi quanh một chiếc giường kê giữa phòng quay lại để nhìn mi. Họ không ngạc nhiên chút nào, chính mi mới ngạc nhiên nhất. Bốn bộ mặt kỳ quái với những mẩu giấy dán trên lông mày, trên môi, trên mũi và má. Họ nom vừa dễ sợ vừa hề. Nhưng họ không cười, mà cam chịu nhìn ngó mi. Mi đã quấy rầy họ, rõ ràng họ tức.
- À, các anh chơi bài... Mi chỉ còn cách xin lỗi.
Và họ tiếp tục trang bài. Những quân bài rất dài, với những hình vẽ đỏ đen như trong mạt chược. Chúng cũng có thiên môn, địa ngục. Người thua bị người được phạt bằng cách dán một mảnh giấy báo vào một nơi đã định. Đó chỉ là một trò đùa ác, một cách giải tỏa các dồn nén, hay một dấu hiệu mà người chơi bạc đặt ra cho phép kẻ được người thua thanh toán với nhau, người ở bên ngoài không thể nào biết được.
Mi đi lùi ra, trở lại phòng. Mi lại nằm dài lên giường ngắm các vết chi chít trên trần, quanh bóng đèn điện, thật ra đó là những con muỗi không thể đếm xuể chờ tắt ánh sáng đến đốt mi. Mi vội buông màn xuống. Đính chặt vào vần bằng một que tre uốn tròn, vài màn phủ một không gian hình trụ. Đã lâu mi không ngủ dưới loại màn này và mi đã quá xa cái tuổi đắm chìm trong mơ tưởng, hai con mắt mở to gắn chằm chằm vào đỉnh màn. Hôm nay mi không biết dục lực nào đã khiến cho mi hoạt động ngày mai, mi, kẻ đã học biết hết những gì cần học thì mi còn đi tìm kiếm cái gì nữa đây chứ? Đã đến tuổi chín chắn, lẽ nào mi còn không sống yên ổn, tà tà thi hành nhiệm vụ của mi ở một nhiệm sở chẳng quá thấp chẳng quá cao, đóng vai trò người chồng và ông bố, lập một tổ êm ấm cho mi, giữ ở ngân hàng chút tiền nó sẽ tích lũy theo năm tháng và sẽ để lại cho mi chút ít di sản sau khi trừ đi các chi phí dưỡng lão chăng?
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn