Không phải tự dưng kim cương có thể sáng lấp lánh.

Mary Case

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 2
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1076 / 6
Cập nhật: 2015-07-12 10:31:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ến thăm lão Chộp lần này, ngoài tôi và anh Chiến, lái xe của báo Nông nghiệp Việt Nam, còn có nhà văn Dương Tất Từ, người từng dịch hàng loạt cuốn sách nổi tiếng được bạn đọc mến mộ. Dương Tất Từ từng ở nước ngoài lâu năm, nhưng anh vẫn chu đáo, tỉ mẩn như một bà nội trợ nhà quê sành điệu. Anh chuẩn bị lỉnh kỉnh đồ ăn, thức uống cho cả đoàn ở dọc đường. Anh “thửa” riêng món quà tặng lão Chộp. Đó là hai cây giò, mấy cuốn lịch và bao nhiêu hoa quả, bánh kẹo.
Buổi sớm. Trời se lạnh. Mưa bụi bay phiêu diêu, phơ phất như sương khói. Không khí đã nhuốm hơi xuân. Nhưng với lão Chộp thì mùa xuân dường như đã đến từ rất lâu rồi. Mới cuối tháng Mười, tháng Mười Một, đã có bao nhiêu người đến “xông đất” lão. Chủ yếu là cánh phóng viên báo chí quốc tế. “Bố em dạo này đắt khách lắm – Cô con gái rượu của lão Chộp tiết lộ - Ông cụ đi suốt ngày. Mấy hôm vừa rồi, các phái đoàn Mỹ, Úc, Canađa và cả Đài Loan, Trung Quốc nữa còn về mời bố em đóng phim”. “Thế thì năm nay, không khéo ông cụ giàu lắm nhỉ!”. “Giàu cái khỉ gì. Mệt hơn trâu kéo cày - Lão Chộp cười hô hố - Thà cứ để tôi đi cày còn thoải mái hơn là bắt tôi đi đóng phim. Khổ nhất là họ cứ bắt mình phải đi hiên ngang. Thỉnh thoảng lại nhe răng ra cười, trong khi trong bụng chẳng thấy có cái gì đáng phải cười cả. Không có điều để cười mà lại cứ nhe răng ra thì khác gì con đười ươi hả bác?
Lão Chộp cười lục khục:
- Thực ra, khi đi bắt phi công Mỹ, mình có “hiên ngang”, có nghĩ ngợi quái gì đâu. Chỉ cố làm sao nhanh chóng quật ngã nó. Không quật ngã nó thì nó giết mình. Đơn giản thế thôi. Nhà văn nhà báo bố là cứ hay lằng nhằng!...
- Thế họ trả thù lao cụ mỗi buổi đóng phim bao nhiêu?
- Có tiền nong gì đâu bác. Đến bữa ăn thì họ cho mình ăn thôi. Mà thế là phải. Cũng như đi cày thuê ở quê, làm sao có tiền nong gì. Chủ nhà cho ăn bữa sáng, bữa trưa, bữa tối thì có thêm cút rượu nữa. Cơm rượu xong thì phủi đít ra về. Thế thôi mà. Chỉ có điều, thức ăn của họ chán lắm bác ạ. Toàn bánh mì với lằng nhằng những cái gì ấy. Ăn chán bỏ mẹ. Nhai cứ nhệu nhạo như bò nhai rơm. Thế mới biết làm ông Tây cũng chẳng sướng gì đâu! Còn xơi họ mới bằng được cánh thợ cày làng mình...
- Thế vừa rồi cụ chia tay ông P. Peterson thế nào?
- Nửa đêm, ông ấy cho người gọi tôi qua điện thoại. Mà khổ, nhà tôi có điện thoại đâu. Ông ấy phải gọi nhờ qua con cháu ở đầu xóm. Nhà nó buôn bán nên mới sắm điện thoại. Tôi bổ xấp, bổ ngửa chạy đến. Tưởng gì, hoá ra ông Bu Sơn. Ông ấy mời tôi về Hà Nội chơi, chia tay với ông ấy. Thế là tôi với ông Sính lặn lội tàu xe lên Hà Nội. Ông Sính chắc bác biết rồi chứ? Ông ấy cùng bắt phi công Mỹ với tôi năm xưa ấy mà. Ông Bu Sơn bảo: “Lẽ ra thì em phải về làng An Đoài chào anh mới phải. Nhưng vì công việc bận quá. Anh thông cảm!”. Khổ, tôi có trách gì ông ấy đâu. Mà ông ấy tất bật, bận bịu thật. Chia tay hết đoàn này lại đến đoàn khác. Tuy thế ông ấy vẫn giành cho anh em chúng tôi suốt cả một buổi chiều. Cũng chẳng có chuyện gì mà nói. Vẫn luẩn quẩn cái chuyện ngày xưa. Ông ấy cứ hỏi tôi: “Sao hồi ấy, ông đã bắt tôi rồi, đã trói tôi rồi, sao vẫn cứ lăm lăm khẩu súng, lại còn lên đạn nữa?” Tôi bảo: “Tôi lên đạn để doạ dân làng. Họ định xé xác ông. Tôi phải đi trước, cản họ, rồi che đất đá họ ném vào ông. Tôi bảo: “Nó bây giờ là tù binh của mình rồi. Nó mà chết thì tôi chết trước rồi các ông các bà chết sau. Chính sách tù binh của Đảng ta là rất khoan hồng. Ai giết nó là tôi bắn đấy!”. Rồi tôi lên đạn roạt roạt. Lên đạn để doạ bà con, chứ súng làm quái gì có đạn. Ngay cả khẩu súng tôi mang đi bắt phi công cũng chẳng còn viên đạn nào”. Ông Bu Sơn ngạc nhiên lắm. Tôi bảo, bọn Mỹ các ông chỉ ầm ào phồng mang trợn mắt làm con ngoáo ộp ở trên giời thôi, chứ xuống dưới mặt đất thì trông thấy đàn bà con gái, các ông cũng hãi đến vãi đái...
- Thế ông Peterson về thăm cụ mấy lần?
- Ba lần! Một lần đi có quy mô, đón rước theo cấp nhà nước. Còn hai lần sau ông ấy đi riêng, đi lặng lẽ bình thường thôi. Ông ấy kết nghĩa anh em với tôi mà. Tôi biết ông ấy sắp về nước. Mà về nước là về vườn, ở nước tư bản đế quốc không khéo đói nhăn răng ấy chứ. Tôi lo cho ông ấy lắm. Tôi nhắn ông ấy: Chú rỗi thì bố trí về đây với tôi. Tốt nhất là đừng đi ô-tô. Vì đi ô-tô thì không thể ở lâu được. Chú cứ làm một cuốc xe ôm. Đi xe ôm rẻ chán. Nếu chú ngại thì tôi bảo cháu nó lên nó đón. Thằng con rể tôi làm nghề xe ôm mà. Về đây lâu lâu, tôi sẽ bày cho chú cách nấu rượu. Có nghề nấu rượu là sống được đấy. Vì bọn Tây mắt xanh mũi lõ các chú, xem ra thằng nào cũng nghiện rượu cả. Mà rượu của các chú thì chán bỏ mẹ. Đến ma nó cũng chẳng thèm uống, làm sao sánh được rượu làng tôi...”
Nhà văn Dương Tất Từ tròn mắt nhìn lão Chộp. Đối với anh, ông lão dường như có một cái gì rất kỳ bí. Anh lại hỏi ông cụ chuyện bắt viên phi công Mỹ Peter Peterson. Và lão Chộp lại rủ rỉ kể lại câu chuyện mà tôi đã tường thuật khá kỹ cho bạn đọc nghe từ mấy năm trước. So với những lần gặp ấy, tôi thấy lão gày hơn, xanh xao hơn. Căn nhà lão cũng tềnh toàng, xơ xác. Tài sản duy nhất trong nhà lão có thể bán được chỉ có mỗi con lợn xề gày nhẳng chừng hơn sáu chục ký. Còn bao nhiêu gà vịt, ngan ngỗng, lão đã bán hết để đổ vào tiền thuốc. Cứ như lời lão thì lão vừa qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Ngay sau khi chia tay với “thằng em” Đại sứ Mỹ, lão bị tụt huyết áp, phải vào nằm bệnh viện Bạch Mai. Lão đinh ninh lần này thì lão đi hẳn. Bởi thế, lão cứ nằng nặc xin về quê để chết ở quê. Ai ngờ khi về đến làng, ngửi mùi đất làng, hít thở ngọn gió đồng quê, lão lại tỉnh như sáo tắm. “Tôi không thể sống được ở thành phố bác ạ. Chật chội, ngột ngạt lắm. Nếu cứ ở phố, không khéo tôi chết từ lâu rồi!” Lão Chộp vui vẻ nói vậy khi thung thăng dẫn nhà văn Dương Tất Từ và tôi đi thăm cánh đồng Mả Giai. Cánh đồng năm xưa lão đã từng lùng sục suốt đêm để săn viên phi công Mỹ P. Peterson. Cây quéo xưa đã chết. Người ta đã xây ở đấy một cái điếm canh đồng. Cả cánh đồng bát ngát nhìn đến ngút tầm mắt chỉ thấy xanh ngắt một màu tỏi non. Cứ theo lời lão thì quê lão đang chuyển đổi cây trồng. Gia đình lão cũng có một sào rưỡi tỏi. Cả nhà bây giờ chỉ còn biết trông vào hơn sào tỏi ấy và thằng con rể lái xe ôm. Mấy đứa con gái lão thì nheo nhóc con mọn nên cũng chẳng làm lụng được gì. Thằng con trai cả lão kiếm ăn ở phương xa, nghe nói nó vào Sài Gòn làm cửu vạn. Chẳng biết nó có kiếm được đồng nào không, nhưng mấy năm trời chẳng thấy gửi xu nào về nhà. Còn thằng con út thì lão đang cho lên tỉnh học Tiếng Anh cấp tốc.
- Có phải cái cậu cụ xin vào làm ở Đại sứ quán Mỹ không?
- Ừ, chính nó đấy - Lão Chộp cười - Nó tên là Thắng. Nguyễn Viết Thắng. Tên là Thắng nhưng làm cái quái gì cũng bại. Thằng này vụng thối vụng dòi. Trong lũ con nhà tôi, nó là thằng đoảng nhất. Bác cứ trông nó đấy. Người thì loẻo khoẻo loèo khoèo. Năm ngoái trầy trật mãi mới tốt nghiệp phổ thông. Thi đại học lại trượt. Tôi bảo ông Bu Sơn: “Thôi, tôi cứ gửi nó cho chú. Nó dốt lắm, chỉ đi làm cho Mỹ là hợp. Chú xem rồi giúp đỡ cháu, đào tạo cháu. Rồi sau này thạo việc rồi, chú về vườn, thì để nó thay chú luôn, rồi chú làm cố vấn cho nó. Chú cháu thì dễ hiểu nhau”.
Lão Chộp ngất ngưởng nói vậy. Ai ngờ ngài Đại sứ Mỹ lại đồng ý. Ngài mời bố con lão lên Đại sứ quán. Nhưng đến khi thử việc, mới hay “thằng cháu” lại chẳng làm được việc gì. Ngay cả cái việc đơn giản nhất là làm văn thư, nhận thư từ, chuyển cho các phòng ban trong đại sứ quán, cu cậu cũng không thể đảm đương được vì một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết. “Tôi rất buồn vì không thể thực hiện được điều mong muốn của ông anh tôi. Cháu nó chẳng làm được việc gì ở đây cả - Đại sứ Peter Peterson tâm sự với chị Phan Thanh Hảo, phóng viên báo Giáo dục & thời đại – Bây giờ thì tôi phải trở về Mỹ rồi, mà ông anh tôi thì mỗi ngày một già yếu. Không biết vài năm nữa, khi tôi có dịp trở lại Việt Nam, ông cụ có còn sống được đến ngày đó không. Tôi thực sự lo lắng cho sức khoẻ của ông ấy!”
“Ôi dào, lão ấy đãi bôi đấy! - Ông lão gác nghĩa địa ngay cổng đồng Mả Giai bình luận – Anh em cái cóc khô gì. Tôi chả bao giờ tin cái thứ tình cảm đầu lưỡi. Chú có đồng ý với tôi không nào? Đã là anh em, nếu quý nhau thật thì phải đỡ đần nhau một cách cụ thể những khi khó khăn chứ. Nếu không giúp được cái cần câu thì cũng phải cho nhau con cá. Đằng này, tôi chỉ thấy “anh em” lão nói chuyện suông bằng nước dãi...”
Đối với ng­ười dân quê, những tình cảm suông dù nồng nàn, thắm thiết đến mấy cũng vẫn chỉ là chuyện “đãi bôi”. Như­ng tôi nghĩ ngài Đại sứ Mỹ cũng chẳng có lỗi. Lỗi tại họ không hiểu nhau thôi. Vâng, tôi nghĩ là chẳng bao giờ họ có thể hiểu nhau được. Cho dù trước đây họ là kẻ thù, hay bây giờ là anh em kết nghĩa thắm thiết thì họ cũng sẽ chẳng bao giờ có thể hoà nhập được với nhau. Nếu lão Chộp hiểu người Mỹ, thì chắc chẳng bao giờ lão lại xin cho thằng con trai vừa hết lớp 12 vào làm việc ở Đại sứ quán Mỹ. Và nếu ngài Thượng Nghị sĩ Mỹ Peter Peterson hiểu lão Chộp thì chắc ngài cũng sẽ chẳng bao giờ tặng lão Chộp những chai rượu Tây rất đắt tiền, để rồi sau đó lão lại đổ hết đi, chỉ mang về mỗi cái vỏ chai, trong khi chỉ cần số tiền mua rượu ấy cũng đã đủ giúp lão Chộp đổi đời rồi. Nhưng điều ấy thì ngài không thể biết được, cũng như lão Chộp, lão cũng sẽ chẳng bao giờ hiểu được thằng em kết nghĩa của lão. Bởi đó là sự khác biệt của hai nền văn minh.
- Ông Peterson bây giờ là Chủ tịch Hội Thương mại Mỹ Việt rồi đấy, cụ biết chưa?
Tôi thông báo cho lão Chộp một cái tin chẳng lấy gì làm mới mẻ. Không ngờ lão mừng rỡ:
- Thế tức là ông ấy không phải về vườn hả - Lão Chộp nhìn tôi đầy vẻ hồi hộp. Và khi biết đấy là chức vụ mới của ngài Thượng nghị sĩ Mỹ Peter Peterson, thì lão không giấu được nỗi vui:
- Thôi thế thì tôi cũng mừng cho chú ấy. Tôi cứ tưởng chú ấy về hưu, mà lại về hưu ở nước đế quốc tư bản, không có nghề làm thêm thì đói dã họng.
- Ông ấy làm sao mà đói được - Tôi nói cho lão Chộp yên tâm - Nước mình vừa mới ký hiệp định Thương mại với Mỹ. Cụ nghĩ như thế nào về chuyện này?
- Tôi biết rồi. Đài báo ta cũng đã nói cả, nên ở làng này, ai cũng biết chuyện ấy. Tôi mừng lắm chứ sao. Đây này, cả cánh đồng tỏi này chúng tôi giồng để xuất cho Mỹ đấy. Rồi còn nhiều giống cây quả khác nữa. Mặc dù thế, tôi biết nước mình nếu có giàu thì cũng giàu lên ở đâu đó thôi, chứ nông dân thì làm sao khá được nhờ mấy cây hành, cây tỏi, hay đậu đay, chiếu cói này. Nông dân thời nào cũng khổ bác ạ, không ngóc đầu lên được đâu, làm sao mà giàu được hả bác. Nghèo nhưng yên hàn là tốt rồi. Tôi chỉ mong mình ký hiệp định với Mỹ, với Trung Quốc, với cả Lào và Căm Pu Chia nữa. Như thế nghĩa là mình sẽ là bạn làm ăn với tất cả các nước, phải không bác. Làm ăn với ai cũng được, miễn là đừng để xảy ra chiến tranh. Tôi thì đã già rồi. Còn bọn trẻ thì để yên cho chúng làm ăn. Đừng bắt chúng phải chết trận. Thời buổi bây giờ, cứ được yên hàn làm ăn là sung sướng nhất! Có phải thế không bác?
Tết con ngựa 2002
Lão Chộp Và Ngài Peter Peterson Cuộc Chia Tay Tháng Bảy Lão Chộp Và Ngài Peter Peterson Cuộc Chia Tay Tháng Bảy - Trần Đăng Khoa