Số lần đọc/download: 1204 / 4
Cập nhật: 2015-07-12 11:46:16 +0700
Chương 2
B
ây giờ thì cái chợ huyền thoại ấy đã ở trước mắt tôi. Giữa trung tâm khu vực được gọi là chợ tình, một tháp chuông nhà thờ mờ ảo trong sương khói. Bãi đá bóng bỏ hoang. Cột gôn xiêu vẹo, buộc ngơ ngác mấy con ngựa thồ, ngổn ngang những bãi phân ngựa. Nước đọng từng vũng, chỗ đen thẫm, chỗ nâu xỉn, ri rỉ chảy ra rãnh thoát nước ven đường, thoang thoảng mùi xú uế. Quanh bãi, la liệt những chậu than hồng. Các cô gái tới tấp quạt ngô nướng. Xuôi xuống phố, con đường nhựa chạy qua chợ Sa Pa, hai bên đường là những nhà hai tầng, ba tầng, tầng mặt đường bày la liệt những hàng tạp hoá. Rồi đồ nhựa, vải vóc, túi thổ cẩm. Chẳng còn thiếu thứ gì. Nó cũng tíu tít, tấp nập như một cái chợ dưới xuôi.
Vào những ngày thứ bảy, khách đến đông nghịt. Những ngôi nhà bên đường phải dẹp bớt chỗ ngủ làm phòng trọ. Các khách sạn phải đăng ký trước ba bốn ngày mới có chỗ nghỉ. Cả đường phố ồn ào. Người nọ chen người kia, lần lượt đi lên lại đi xuống, đi xuống lại đi lên, tay cầm bắp ngô nướng, vừa đi vừa nhai nhóp nhép, rồi lại hỏi: “Chợ tình ở đâu?”. “Chợ tình ở đâu nhỉ?”. Cột đèn cao áp toả sáng rực xuống mái phố, đường phố, thỉnh thoảng lại mờ ảo hẳn đi vì một đám mây trắng bay qua. Người miền núi, những chủ nhân thực sự của chợ tình thì không biết chợ tình. Họ xúng xính trong những bộ váy áo sặc sỡ nhất. Nhiều cô gái tay còn đẫm màu xanh sẫm do nhúng quá lâu trong những thùng nhuộm quần áo. Bên bãi đá, các chàng trai mang khèn Mèo ra thổi. Vừa thổi vừa nhảy lò cò. Tiếng khèn e é như tiếng gà trống choai đang tập gáy. Có lẽ cuộc hát đã bắt đầu chăng? Tôi vội rẽ đám đông, lách vào. Té ra mấy chàng đang quảng cáo khèn và hướng dẫn luôn cách thổi cho khách. Mấy cô gái mũ đỏ, bầu má cũng đỏ au như trái táo mèo chìa cái vòng bạc ra trước mặt tôi.
- Mình không đeo được vòng bạc đâu. Chỉ thích nghe hát thôi.
- Không có biết hát đâu à! Cái này nó biết hát đấy, nhưng phải trả tiền cho nó!
- Đừng nói thế, các anh ấy lại coi thường người dân tộc mình mà!
Rồi lại đùn đẩy nhau, chúi vào lưng nhau. Một cô ngượng nghịu hát, tiếng rất nhỏ, chỉ thấy i i i như tiếng dế kêu.
Trên đỉnh dốc, ngang bãi đá có tiếng hát khá nồng nhiệt. Đấy mới đúng là cuộc hát. Một dạng hát đối đáp. Nhưng không phải người. Đó là những cái cassette Trung Quốc. Chàng trai bật băng. Cô gái cũng bật băng đáp lại. Túi nào cũng lủng củng những cuốn băng ghi sẵn câu hát. Người mới qua tưởng là cuộc đấu đài. Chàng trai H'mông cười ngượng nghịu:
- Mình phải nhờ cái mồm sắt này nó hát hộ thôi. Hát bằng mồm mệt lắm. ồ, mà cái mồm sắt này nó cũng mệt rồi. Nó đói rồi. Nó đòi ăn pin đấy. Phải cho nó ăn pin thôi!
Chả lẽ cái chợ tình huyền thoại, làm xao động bao trái tim con người chỉ có thế thôi ư? Tôi ngờ ngợ như mình đi nhầm. Hình như không phải cái chợ này rồi. Tôi quay lại hỏi chàng trai H'mông đang ngồi xổm trên dốc đá, lúi húi cho cái mồm sắt ăn pin:
- Ở đây còn có cái chợ nào nữa không?
- Cán bộ ở đâu đến đấy? - Anh chàng nhìn tôi ngơ ngác - Ở cả vùng này chỉ có mỗi cái chợ này thôi!
Đến khi tôi hỏi về cái chợ huyền thoại, ngôi đền thiêng của những người yêu cũ, thì anh chàng ớ ra:
- Ồ, cái đó thì mình không biết đâu. Cán bộ hỏi người già. Người già biết đấy.
Nhưng rồi người già cũng chịu. Bà Giàng Thào Mi, người bán thuốc Bắc trong chợ Sa Pa cười trơ cả lợi:
- Mấy người Kinh buồn cười lắm lố. Toàn hỏi mình như cán bộ hỏi thôi. Đồng bào mình không biết chuyện đó đâu. Chợ này họp quanh năm mà. Chỉ tối thứ Bảy, ngày Chủ nhật, trai gái mới gặp nhau, hát giao duyên. Ai yêu nhau thì thành vợ thành chồng. Nó là cái chợ văn hoá mà. ở đây, đồng bào mình vẫn gọi là chợ văn hoá. Các cán bộ ở đây cũng gọi là chợ văn hoá. Thế mà có bao ông giám đốc, mang theo các cô thư ký ở Hà Nội xuống đây, cứ hỏi mình chợ tình. Không có chợ tình, thì họ tự mở chợ tình với nhau ở trong các chuồng chim, chuồng thỏ kia kìa...
Nói rồi, Giàng Thào Mi cười hi hí, chỉ lên các triền đồi. ở đó thấp thoáng những ngôi nhà trọ chìm trong cây lá, dành cho khách vãng lai...
- Đấy, chợ tình của người Kinh đấy. Còn đồng bào mình khổ lắm. Suốt ngày đầu tắt mặt tối kiếm tiền nuôi con. Đồng bào mình không biết cái chuyện đó đâu hờ...
1997