The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9718 / 24
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 -
gậm đôi môi được tô khá đậm vào ống hút, Hương Thảo điệu hạnh hút một tí xíu sữa trong hộp sữa tươi, rồi bâng quơ nói:
− Sữa ngon thật.
Long hấp háy mắt:
− Sao ngon bằng bia được. Đúng không?
Thảo chúm chím môi:
− Chuyện này phải hỏi Hạnh Lâm mới biết. Con nhỏ ấy uống bia như uống nước. Nó chuyên môn "cưa đôi" với khách.
Thấy mặt Long xụ xuống, Tuấn liền lên tiếng:
− Có hãy nói nha. Khai xấu bạn bè là điều tụi nầy tối kỵ đấy.
Hương Thảo đỏng đảnh:
− Em cũng muốn khai tốt cho nó đó chứ, khổ nổi, con nhỏ ấy chả có gì tốt. Hạnh Lâm ham kiếm tiền đến mức quên hết bạn bè. Dạo này, nó đâu thèm nhìn em.
Tuấn tủm tỉm:
− Để anh nhìn đỡ em vậy.
− Em không có đùa đâu. Hạnh Lâm đang được một ông bố già đeo đuổi. Đêm nào bố ấy cũng tới nhà hàng Sao Đêm để tìm. Hạnh Lâm muốn làm cao nên lẩn tránh, nó sang tiếp thị ở nhà hàng khác rồi.
Long nôn nóng:
− Dựa vào đâu mà Thảo biết ông ta đeo đuổi Hạnh Lâm?
Thảo cao giọng:
− Thì ổng hỏi thăm bọn em về nhỏ Lâm. Ông ta hỏi cả địa chỉ, nhưng tụi em lơ, vờ như không biết.
Che miệng khúc khích cười, Thảo nói tiếp:
− Nhìn ổng thất vọng đến thừ người ra mà tội nghiệp.
Long mím môi:
− Ổng muốn gì ở Hạnh Lâm?
Nhún vai, Hương Thảo bảo:
− Ông già đó thích chơi búp bê chớ còn muốn gì nữa. Em mà là bồ nhỏ Lâm ấy, nhất định em không cho nó tới nhà hàng.
Tuấn hất mặt:
− Thế còn bồ em thì sao?
Xoay xoay cái ống hút, Hương Thảo chớp chớt mắt:
− Em làm gì có ai. Với lại, em khác Hạnh Lâm. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Tuấn trầm trồ:
− Chà! Chưa thấy ai tiếp thị "mình" như em. Nhưng hạ kẻ khác mà tôn mình lên là vi phạm nguyên tắc quảng cáo đấy.
Hương Thảo cong môi:
− Em chỉ nói đúng sự thật thôi.
Long đẩy ghế đứng dậy:
− Xin lỗi! Tôi có chuyện phải đi trước.
Rồi không đợi Tuấn nói thêm lời nào, Long nóng nảy nhảy lên chiếc Maz phóng một lèo tới bãi giữ xe.
Thấy Hạnh Lâm vừa ngồi dưới cây dù che nắng, vừa xếp thẻ xe, vừa dán mắt vào cuốn vở dầy cộm, lòng Long thắt lại.
Giằng cái rổ thẻ xe ra khỏi tay cô, anh bảo:
− Để cho anh. Ôm đồm làm gì cho khổ anh, hả Lâm?
Hạnh Lâm kéo cái ghế nhựa cho Long:
− Đây là công việc, không có nó thì chết, em chả thấy gì cực hết.
Long nhìn quanh:
− Chị San và Lập đâu?
− Lập đi học. Chị San mới đi với bạn.
− Anh chàng Thái à?
Hạnh Lâm gật đầu:
− Vâng. Anh ta đeo chị San cứng ngắt, làm em thấy lo cho chị ấy.
Long bật cười:
− Thế ai lo cho em?
Lâm liếc anh:
− Em không dễ dụ như chị San đâu.
− Vậy sao? Với cuộc đời em vẫn là cô bé choàng khăn đỏ, mà sói già xung quanh không chỉ có một con.
Hạnh Lâm nhíu mày:
− Anh muốn ám chỉ vấn đề gì?
Long thẳng thắn:
− Em đừng tiếp thị bia nữa.
Lâm từ tốn:
− Chúng ta đã thỏa thuận không nói tới chuyện nầy khi gặp nhau. Sao hôm nay anh lại nhắc chứ?
Long nhỏ nhẹ:
− Vì anh thấy lo cho em.
Hạnh Lâm cụt ngủn:
− Cảm ơn.
Rồi cô nói tiếp sau khi xếp quyển vở lại:
− Với em, việc đi tiếp thị bia cũng giống việc giữ xe. Chả có gì phải lo hết.
Long cáu kỉnh:
− Nhưng môi trường ở nhà hàng khác. Ở đó, toàn bộ đàn ông háo sắc.
− Ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu. Quan trọng là bản thân mình kìa.
− Anh tin em là người bản lãnh. Nhưng thiên hạ rất giỏi lọc lừa. Khi họ đã muốn, em không thoát khỏi bẫy đâu.
Hạnh Lâm chăm chú nhìn Long:
− Anh định nói họ nào?
Long im lặng. Lâm tức tối:
− Em không thích kiểu nói lấp lửng của anh vì nó làm em phải suy nghĩ, trong khi em đang cần sự bình an cho tâm hồn.
Long buột miệng.
− Lão già ấy vẫn bám theo em phải không?
Lâm tròn xoe mắt:
− Lão già nào?
Long hậm hực:
− Em vờ vịt hay thật.
Lâm khó chịu:
− Không hiểu anh muốn nói gì nữa.
Long giở giọng ghen tuông:
− Tại sao em bỏ nhà hàng Sao Đêm để sang nhà hàng khác?
Hạnh Lâm lạnh lùng:
− Công ty phân tiếp thị ở đâu, tôi đi điểm đó. Long hỏi thế là sao chứ?
Môi mím lại, Long đay nghiến:
− Chớ không phải em muốn tránh lão dê xòm ấy à?
Mắt Hạnh Lâm tối sầm:
− Long giỏi suy diễn. Ông ta không xấu như Long nghĩ đâu.
− Vây sao tối nào ông ta cũng tới nhà hàng Sao Đêm tìm em?
− Ai nói với Long như vậy?
Long kêu lên:
− Ai nói, không quan trọng. Điều quan trọng là anh không muốn em bán rẻ mình vì tiền. Đã có bao nhiêu cô gái trong trắng, lương thiện bị sa đà rồi em biết không?
Hạnh Lâm cứng cỏi:
− Tôi không tham tiền, cho nên tôi sẽ không sa đà. Chỉ cần trả xong món nợ của anh là tôi nghỉ ngay.
− Nhưng anh không hề bắt em trả nợ.
− Chính vì vậy tôi càng phải tự trọng. Tôi muốn được bình đẳng quan hệ.
Long khổ sở:
− Chưa bao giờ anh xem em là con nợ.
Lâm chua chát:
− Dầu sao tôi vẫn là người thiếu nợ. Nợ ơn nghĩa mới là đáng sợ.
Long thở dài:
− Anh phải làm sao để phá vỡ cái khoảng cách vô tình luôn chia cách chúng ta đây?
Hạnh Lâm nhếch môi:
− Đã là vô tình, làm sao anh phá vỡ được.
Có khách lấy xe, Long nhanh nhẹn đứng dậy nhận thẻ rồi dắt xe ra khỏi bãi. Nhìn vẻ thạo việc, không chút câu nệ của Long, Hạnh Lâm chợt chạnh lòng. Cô không sợ sa đà ở nhà hàng, mà sợ rơi vào bẫy tình "êm ả" của Long. Anh đang làm đủ mọi cách để Lâm yêu anh như anh đang yêu cô.
Thảy thẻ xe qua một hộc tủ, tiền qua một hộc tủ, Long vui vẻ:
− Người ta gọi anh là ông chủ đấy. Em thấy sao khi họ còn bảo em là bà chủ?
Thản nhiên, Lâm đáp:
− Mắt họ bị lệch trục chính.
Long chép mệing:
− Còn mồm mép em thì độc địa. Vậy sao anh lại yêu cho khổ chứ?
Hạnh Lâm chưa kịp nói trả thì nghe có tiếng gọi Long. Hai người cùng quay lại và thấy Lan Anh. Cô ta đang đủng đỉnh bước tới với hai ba gã thanh niên mặt mày bậm trợn, tướng tá dữ dằn giống dân "xã hội đen" trong phim.
Mặt Hạnh Lâm tái xanh khi thấy hai gã thanh niên bước vào bãi, rồi đưa chân đạp mạnh khiến nguyên một hàng xe ngã rạp xuống.
Long hầm hừ sấn tới:
− Tụi bây làm gì vậy?
Gã đeo bông vờ khúm núm:
− Xin lỗi cậu Út. Tại em vô ý đụng phải, để tụi em dựng xe lại ạ.
Lan Anh cười khẩy:
− Đó chỉ là vô ý, còn cố tình thì khó biết trước hậu quả lắm.
Quay sang Long, cô hất hàm:
− Về nhà. Mẹ đang chờ em để cùng tới bác Mẫn dự sinh nhật Thương Huyền kìa.
Long cộc lốc:
− Em không đi.
Lan Anh trừng mắt:
− Đừng trở chứng. Tao không đủ kiên nhẫn để năn nỉ đâu.
Long nghinh lại:
− Thì đừng năn nỉ. Đã bảo không về, tôi dứt khoát không đổi ý.
Lan Anh gằn:
− Cho mầy nói thêm lần nữa đó. Về hay không?
− Không.
Lan Anh gật gù:
− Tại mầy muốn xem kịch, vậy đừng trách chị nhé.
Lan Anh búng tay đánh tróc, hai gã thanh niên nhào tới xô mạnh Long, miệng chửi thề:
− Mẹ! Mày tới số dành... ghệ của tao. Bữa nay tao nhất định phá tanh bành bãi xe này.
Gã còn lại sấn tới ghịt tóc Hạnh Lâm giọng rít lên:
− Đồ điếm thúi! Mày qua mặt tao cặp hết thằng này đến thằng khác để moi tiền. Thật là đê tiện!
Long cố thoát khỏi bốn cánh tay lực lưỡng đang ghị chặt mình, nhưng không được. Anh hét lớn:
− Tôi sẽ về. Chị cho dẹp cái trò bỉ ổi này ngay.
Lan Anh nhếch môi hài lòng:
− Có vậy chứ. Thằng Tư, thằng Chín đưa cậu Út ra xe. Thằng Bần chạy chiếc Max về.
Hạnh Lâm bị xô chúi nhỏ vào chân tường, gượng đứng dậy, lồng ngực như muốn vỡ tung vì tức.
Lan Anh chống nạnh:
− Hừ! không biết an phận. Đũa mốc mà chòi mâm son. Giờ thì đẹp mặt chưa? Nhưng đây chỉ mới là khúc dạo đầu, hãy nhớ bài học này để sống khôn hơn nhé.
Hạnh Lâm nhìn bãi xe nghiêng ngã bằng đôi mắt ráo hoảnh rồi nhìn vẻ ngạo nghễ đáng ghét của Lan Anh. Nhất định ngày nào đó, cô sẽ trả thù.
Một bác xe ôm gần đó tới giúp Lâm dựng xe lên. May là không chiếc nào bị bể đèn, gãy chống. Hạnh Lâm cố giữ thản nhiên trước những cái nhìn thông cảm lẫn dè bĩu của những người gần đó. Dầu hiểu ở thành phố này mạnh ai nấy sống, Lâm vẫn thấy nhục nhã ê chề.
Giọng Lập hớt hải:
− Có chuyện gì vậy chị Lâm?
Không trả lời nổi, cô chỉ lắc đầu. Lập lại hỏi tới:
− Người ta nói chị bị đánh ghen.
Cô chợt bật khóc:
− Ai nói gì mặc họ. Họ có nuôi mình ngày nào đâu mà nhiều chuyện. Chị thề là không làm gì sai hết.
Lập chớp mắt, giọng nghẹn lại:
− Em tin chị. Trong nhà chỉ còn ba chị em, nhưng mọi gánh nặng đổ dồn lên vai chị.
Hạnh Lâm quẹt nước mắt:
− Chị không sao. Coi xe để chị đi làm.
− Còn sớm mà.
− Sớm cũng đi. Ở đây nặng nề quá. Nhớ kỹ lưỡng đó.
Vừa đạp xe đến nhà hàng Trùng Dương, Hạnh Lâm vừa nghĩ tới món tiền Long đưa cho cô để đền cho khách bị mất chiếc Citi. Bằng mọi giá cô phải trả cho anh sớm nhất. Ngoài ra Lâm phải tránh xa Long, nếu không, gia đình Long nhất định sẽ gây khó khăn cho chị em cô.
Nhìn đồng hồ, thấy còn sớm, cô rẽ vào nhà trọ của Cẩm Tiên. Sáng nay, con bé ghỉ học mà cô đang có khối chuyện muốn nói cho vơi nỗi buồn.
Gọi mãi lâm mới thấy Tiên sật sừ ra mở cửa. Cô hỏi:
− Mày bệnh hả?
Cẩm Tiên uể oải:
− Xỉn từ tối đến giờ chớ bệnh gì?
Hạnh Lâm tròn mắt:
− Mày... cưa hai với khách hả?
Vỗ vỗ vào trán, Cẩm Tiên nói:
− Trăm phần trăm chớ cưa cắt gì.
Rồi cô chửi đổng:
− Mẹ nó! Kiếm ra đồng bạc thật khốn nạn, khốn khổ.
Hạnh Lâm đau đớn:
− Tại sao mầy phải làm vậy?
Giọng Cẩm Tiên đều đều:
− Mẹ tao mổ. Tao mới nhận được thư hôm qua. Thế là đánh liều. Có mấy lão xồn xồn treo giá uống hết thùng bia sẽ được thưởng 100 đô. Vậy là uống. Vừa uống, vừa ói tới mật xanh luôn.
Nước mắt Cẩm Tiên lặng lẽ rơi xuống:
− Tao vừa nhờ Mỹ Hồng gởi tiền về nhà. Tối nay, nếu có ai thưởng như thế tao sẵn sàng uống nữa.
Hạnh Lâm ngập ngừng:
− Rồi mày sẽ giải thích sao với gia đình về số tiền đó?
Tiên lắc dầu:
− Tao không biết. Hồi tối này, nhỏ Hương Thảo đi nhà hàng khác, nếu không, mọi chuyện chắc tới tai Tuấn rồi. Nó rất khoái chỏ mỏ vào đời riêng của bạn bè. Nó sẵn sàng phóng đại mọi thứ vì ghanh ghét. Mày nên đề phòng vì nó thích Long lắm.
Hạnh Lâm cười khẩy:
− Thích thì sao? Tao không thích mà còn ê chề vì gia đình Long. Ác như họ mà vẫn giàu, ông trời đúng là không có mắt.
Cẩm Tiên tò mò:
− Bà Lan Anh lại làm gì mầy à?
Hạnh Lâm ấm ức kể cho Tiên nghe chuyện vừa xảy ra. Con bé kêu lên:
− Họ đúng là ác. Nghĩ cũng tội cho Long. Anh chàng yêu mầy thật đó.
Hạnh Lâm nhếch môi. Hai chữ tình yêu sao nghe cay đắng quá. Cô ngậm ngùi nhớ lại những lúc Long ở kế bên. Anh đối với Lâm tốt thật. Không có anh, Hạnh Lâm sẽ rất buồn, nhưng cô đành chịu chia xa thôi.
Cẩm Tiên bỗng vỗ tay xuống bàn:
− Ờ, quên nữa. Có người gởi số điện thoại cho mày.
Hạnh Lâm nhíu mày:
− Ai?
Tiên cười nửa miệng:
− Một anh chứ... bề ngoài rất lịch lãm. Anh ta bảo rất muốn gặp riêng mày.
Tới bàn lục trong túi xách ra một danh thiếp, Tiên đưa cho Lâm:
− Xem thử coi có quen không?
Hạnh Lâm liếc qua tấm cạc rồi nói:
− Không hề.
− Ông ta có vẻ tha thiết muốn gặp mầy. Chắc lại là một lão "be be" rồi.
Hạnh Lâm im lặng xé đôi tấm danh thiếp. Lòng tự nhủ sẽ không bao giờ gọi đến số điện thoại này.
Cẩm Tiên giằng lấy hai mảnh giấy:
− Sao lại xé? Đưa đây cho tao. Biết đâu có lúc cần đến hạng người nầy.
Nhìn đồng hồ, Tiên ngao ngán:
− Lại tới giờ rồi à? Nhanh thật.
Lâm nói:
− Tối nay tao đến nhà hàng Sao Đêm với mầy.
Tiên hấp háy mắt:
− Bộ mầy cũng định kiếm 100 đô sao?
Hạnh Lâm xa xôi:
− Tao tìm thứ khác quý hơn 100 đô. Nhưng dầu gặp tao cũng chẳng thèm nhặt.
− Là thứ quái gì thế?
− Tao không nói được.
− Cái đó có xài được không? Nếu không, thì chẳng phải của quý đâu.
Hạnh Lâm ngập ngừng:
− Có lẽ mày đúng. Tao lẩm cẩm mất rồi.
Cẩm Tiên nói:
− Chờ tao tắm rồi mình đi.
Ngồi 1 mình, Lâm chắp hai mảnh giấy vừa xé lại, cô đọc tên, chức danh, số nhà, điện thoại một cách máy móc.
Ông ta là giám đốc nhà hàng chắc phải giàu lắm. Vậy mà lâu nay... Sự phẩn nộ khiến Lâm thấy choáng. Bỗng dưng Lâm muốn la hét hay đập phá cái gì đó cho hả dạ. Chị em cô đang rất cần tiền, nhưng không có nghĩa là phải lần theo địa chỉ trong danh thiếp để tìm gặp và cầu cạnh ông ta.
Nhớ tới những gì nghe được từ chính miệng ông ta lúc cầm ly rượu, Hạnh Lâm lại nhức nhối. Cẩm Tiên và Long gọi ông ta là già dịch, già dê đâu có sai. Hôm đó ông ta đã sàm sỡ bằng lời với cô rồi còn gì.
Cẩm Tiên từ trong bước ra, cô có vẻ tươi tỉnh hơn lúc nãy nhiều.
Hất hàm với Lâm, Tiên nói:
− Đi thôi.
Phố vừa lên đèn, nhìn cảnh những gia đình quây quần bên mâm cơm, hai cô chợt nuốt tiếng thở dài:
Cẩm Tiên chép miệng:
− Hơn ai hết, tao hiểu câu "Nghèo cũng là một thứ tội". Tội trọng nữa là khác.
Hạnh Lâm lên giọng:
− Đâu ai giàu ba họ, cũng chẳng ai khó ba đời. Sống phải hy vọng ngày mai sẽ tươi đẹp hơn, sung sướng hơn chứ.
Tiên cười phá lên:
− Nói vậy chớ với dòng họ, tao là thế hệ thứ ba khó rồi đấy mày. Ba mẹ tao nhất định cho tao đổi đời nên dù cực nhọc thế nào vẫn cố bám đất vườn nuôi tao ăn học. Ông bà nghe nói có ba mớ chữ nghĩa dễ kiếm sống hơn cày ruộng. Trước kia, tao cũng tưởng thế, giờ mới thấy làm bất cứ việc gì, ở đâu cũng phải nai lưng ra cày mới có cơm mà ăn.
Hạnh Lâm nói:
− Mới xỉn có 1 lần mà đã già dặn đi cả chục tuổi.
Cẩm Tiên nhún vai:
− Biết sao hơn, dù lúc nào tao cũng muốn mình vô tư như trẻ con.
Vào nhà hàng, thay đồng phục, Hạnh Lâm theo Cẩm Tiên ra ngoài. Tối thứ bảy, khách đông gấp mấy ngày thường. Lẫn trong đám nam tiếp viên của nhà hàng, hai cô nổi bật như hai bông hoa lạ giữa đám cỏ gai xơ xác.
Tay quản lý nhà hàng kéo Lâm ra:
− Tụi em tới bàn sát cửa sổ kia kìa. Họ chơi đẹp lắm. Tiền "boa" toàn là... "vé" có điều phải chịu khó "chìu" họ tí tí.
Cẩm Tiên ra vẻ bất cần đời:
− Mấy... tí cũng chìu.
Hạnh Lâm nhăn mặt khều Tiên:
− Sao lại nói vậy?
Tiên gắt lên:
− Mày đừng hỏi. Có muốn kiếm tiền thì theo tao.
Lúc Hạnh Lâm còn sững sờ vì sự thay đổi bất thường của Cẩm Tiên, con bé đã đi một mách về phía cửa sổ.
Thấy Lâm đứng ngần ngừ, tay quản lý hỏi:
− Em thì sao đây?
Lâm gượng gạo:
− Em đi tầng khác vậy?
− Anh biết em ngại. Nhưng cuộc sống này... sạch sẽ quá, khó tồn tại em ạ.
Lâm lặng thinh, cô lầm lũi leo thêm một tầng thang nữa, mắt dáo dác tìm nhưng không thấy ông ta. Giờ này vẫn còn sớm. những người như thế có thể lấy đêm làm ngày, họ chưa đến lúc này đâu. Nhưng cô mong gặp ông ta làm gì chớ?
Bưng thùng bia đi như kẻ mộng du, Hạnh Lâm bỗng nghe tiếng gọi:
− Cô bé tiếp thị ơi! Cho tôi thùng bia.
Lâm giật mình quay lại:
− Thưa, vâng ạ.
Một giọng cười mạnh mẽ, nhưng lạnh vang lên:
− Tôi có lớn tuổi như các ông bố già thích ve vãn trẻ con đâu, mà cô em "vâng dạ ".
Hạnh Lâm liếc xéo người vừa mỉa mai mình và bắt gặp một gương mặt đàn ông với đôi mắt sắc ngọt làm Lâm liên tưởng đến những mảnh thủy tinh vỡ. Đôi mắt ấy đang nhìn cô với cái nhìn sỗ sàng lẫn soi mói, làm cô phải quay đi.
Để thùng bia lên ghế, xé nắp và lấy ra năm lon đặt trước mặt hắn, Hạnh Lâm cố mỉm cười lịch sự:
− Chúc ông ngon miệng.
− Vào nhà hàng chắc phải ngon miệng, nhưng không ai trò chuyện chán lắm. Cô em ngồi đây với tôi nhé.
Thấy Hạnh Lâm ngần ngừ tìm cớ để từ chối, hắn nói tiếp:
− Phần bia còn lại, tôi sẽ mua hết.
Búng tay cái tróc, hắn gọi người phục vụ:
− Tính tiền mấy thùng bia của cô bé này vào phần tôi nhé. À! Cho thêm một phần ăn nữa.
Người phục vụ mau mắn.
− Xong ngay, thưa anh Út.
Lại Út. Tự động Lâm nhếch môi cười. Cô không có duyên với cậu Út đâu. Nhưng với gã này, để xem sao.
Tránh cái nhìn như dao cắt của hắn. Lâm với lấy lon bia, cô khui đổ vào ly. Tay cô bỗng run làm bọt trào cả xuống bàn.
Cô nghe hắn cười giễu cợt:
− Vụng về quá.
Hạnh Lâm gượng gạo:
− Xin lỗi ông. Mời ông.
Hắn cũng với lấy một lon bia, khui ra đổ vào ly, nhưng không bị tràn như Lâm. Đặt ly bia trước mặt cô, hắn nghiêng đầu:
− Mời em.
Lâm nhẹ nhàng:
− Tôi chỉ ngồi cho ông đỡ chán, chớ không uống đâu.
− Không bia thì... pép vậy.
Rồi chẳng cần biết Lâm đồng ý không, hắn lại búng tay:
− Một lon Pepsi đi, chú em.
Hạnh Lâm chớp mi:
− Ít ai uống bia một mình như ông.
− Một mình vẫn có cái thú của nó chứ. Nhưng tôi vừa chán ngồi một mình thì gặp em. May thật.
Bưng ly bia lên, hắn hỏi:
− Sinh viên đi kiếm thêm, phải không?
− Không phải. Tôi thất học.
Mắt hắn ánh lên tia tinh quái:
− Em tên gì?
Hạnh Lâm đáp cụt ngủn:
− Út!
− Mấy tuổi?
− Hai mười hai.
Hắn ngắm nghía và nói:
− Trông em chừng mười chín. Tuổi này cũng quá vị thành niên rồi. Không sao.
Hạnh Lâm thắc mắc:
− Không sao... nghĩa là sao?
− Chậc. Giao du với các em vị thành niên phiền phức lắm. Tôi nói ít, em hiểu nhiều.
Lâm dè dặt nhìn hắn:
− Tôi hiểu rồi.
Hắn lững lời:
− Hiểu thế nào?
−...
− Sao lại im lặng? Sao lại nhìn tôi nghi ngại thế kia? Mình cụng ly nào.
Lâm nghiêm nghị:
− Tôi không uống bia mà.
− Ơ. Quên nhỉ. Họ làm gì mà chưa đem Pepsi ra kìa.
Mặt đanh lại, hắn đứng dậy vừa lúc người phục vụ mang nước tới, giọng lễ phép quá đáng:
− Xin lỗi đã để cậu Út phải chờ. Tại tôi tìm cho được lon Pepsi ướp lạnh nên hơi lâu.
Vừa nói, anh ta vừa khui lon, rót ra ly, trịnh trọng mời Lâm.
Thường ngày, anh ta hay bắt nạt Lâm và Cẩm Tiên, hôm nay lại xum xoe trông thật dễ ghét.
Nhìn theo dáng đi... "nịnh thần" của gã, Lâm buột miệng:
− Ông có uy thế ghê. Đúng là thượng đế.
− Sao em lại nói thế?
Hạnh Lâm ấm ức:
− Tôi vẫn bị anh ta bắt chẹt đủ điều. Tối nào tôi vào nhóm bạn cũng phải nộp cho anh ta một số tiền tạm gọi là tiền hoa hồng hay trà lá gì cũng vậy.
Hắn trợn đôi mắt lạnh buốt lên:
− Có chuyện đó nữa à?
− Đó là chuyện thường. Quản lý nhà hàng thì dễ lằm, nhưng anh ta thì nạnh họe đủ điều, mãi tới khi chúng tôi nộp tiền mới chịu thôi.
− Sao em không than phiền với quản lý Nhất?
Hạnh Lâm hạ giọng.
− Tụi tôi đâu dám. Đã nhờ vào nhà hàng để kiếm cơm, than phiền lỡ bị đuổi đi thì phải hại mình không?
Hắn khui lon bia khác:
− Họ không đuổi bọn em đâu.
− Tôi không chủ quan như ông được. Nhiều quán đâu nhận tụi tôi vào.
− Vậy là họ dại. Tội vạ gì không nhận một đội ngũ nữ trẻ, đẹp, xinh xắn có ăn học vào trò chuyện với khách mà không phải trả lương chứ. Bọn em chỉ làm tăng doanh thu của nhà hàng thôi.
Hạnh Lâm sửng sốt:
− Sao ông biết?
Rót nước ngọt vào ly cho Lâm, hắn nheo mắt:
− Chuyện nhỏ.
Hạnh Lâm nói:
− Vậy mà lâu nay bọn tôi cứ nơm nớp lo sợ. Người như anh ta thượng đội hạ đạp thật dễ ghét.
Hắn gằn giọng:
− Anh ta vừa nghèo vừa hèn hạ. Nghèo không phải là tội, nhưng chính vì nó mà người ta phạm tội. Nếu em thích, tôi sẽ cho hắn biến khỏi đây.
Lâm hơi khựng lại, cô gạt ngang:
− Thôi, đừng. Làm thế ác lắm.
− Khi bắt nạt, thậm chí gần như trấn lột các cô, anh ta có nhân đạo không?
Hạnh Lâm uống chút nước ngọt, mắt kín đáo quan sát gã đàn ông trước mặt. Hắn ta là hạng người nào nhỉ? Nếu đánh giá qua bộ quần áo jean bạc phếch, trông hắn y như một tay anh chị với một chút ngang tàng, bụi bụi, mái tóc cắt ngắn, để lộ gương mặt góc cạnh, cái cằm vuông, cái mũi thẳng và cái nhìn luôn khiến kẻ khác phải dè chừng của hắn làm Lâm liên tưỏng tới một con sói đang rình mồi.
Lâm phải cảnh giác cao độ với gã đàn ông này mới được. Vì theo Long, cô chỉ là một cô bé choàng khăn đỏ. Gắp vào chén Lâm một miếng cua chiên bột, hắn cười mà nghe như ra lệnh:
− Ăn đi chứ! Đừng nói với tôi, em cử đồ biển nghen.
Hạnh Lâm ngọ ngoạy trên ghế. Thái độ bối rối của cô không thoát khỏi đôi mắt ranh ma của hắn. Môi mỉm cười, hắn hỏi:
− Tôi có gì không ổn sao?
Lâm chối phắt:
− Đâu có.
Đôi mắt hắn nheo lại:
− Vậy thì em không ổn rồi.
Lâm lặng đi:
− Lần đầu tiên tôi được đàng hoàng ngồi như thượng đế trong nhà hàng nên hơi khớp.
Hắn hững hờ:
− Đừng đặt nặng vấn đề lần đầu, lần cuối, em sẽ thoải mái hơn. Thế nếu không tiếp thị bia thì em làm gì?
Hạnh Lâm vẽ những vòng tròn vô nghĩa:
− Tôi phụ bà chị giữ xe cho siêu thị gần nhà. Đó cũng là một việc lương thiện nhưng không phải một nghề.
− Theo em, thế nào là một nghề?
Lâm lắc đầu thật nhanh:
− Tôi không biết.
Hắn dài giọng:
− À! Tôi quên nên mới hỏi người... thất học một câu có hơi cao.
Hạnh Lâm im lặng. Cô bồn chồn nhìn quanh và thấy ông ta bước đến bàn mình.
Ông ta vừa bắt tay gã đàn ông, vừa đon đả chào hỏi:
− Khoẻ không cậu Út Phú.
Hờ hững bắt tay lại, Phú trả lời nhát gừng:
− Vẫn bình thường.
Thấy ông ta ngần ngữ định ngồi xuống, Phú khoát tay:
− Xin lỗi. Tôi không thích bàn công chuyện khi đang ăn.
− Tôi biết. Tôu muốn gặp riêng Hạnh Lâm chừng dăm ba phút.
Liếc Lâm bằng đôi mắt sắc lạnh, Phú nói:
− Cô ấy không phải tên đó. Ông lầm rồi.
Nhìn thẳng vào mặt ông ta, Lâm khô khan:
− Tôi không muốn thấy ông.
Nói dứt lời, cô tự khui cho mình lon bia và ngửa mặt lên uống một hơi dài.
Hành động đột ngột của cô làm cho Phú thích thú. Hắn ta khen:
− Khá lắm. Có bạn nhậu cỡ cô em thật tuyệt. Nào! Mình cụng lon.
Hạnh Lâm uống nốt phần bia còn lại rồi tiếp tục khui lon nữa. Lần này, cô từ tốn uống từng ngụm nhỏ. Mặt căng lên, người nóng bừng, Lâm mím môi.
− Tôi muốn say.
− Chuyện nhỏ.
Ông ta thở dài rồi gục đầu bước đi. Lâm uống hết lon bia thứ hai, đầu cô cũng gục xuống.
Phú nhướng mày, giọng giễu cợt:
− Ông ta đang đau khổ... sao em không nhận em là Hạnh Lâm cho ổng đỡ héo sầu nhỉ?
Lâm nhếch môi:
− Tên ông ta đặt cho tôi, nhưng tôi muốn bỏ nó.
− Cái tên đẹp đấy chứ. Em có thích tôi đặt cho em cái tên khác không?
− Không. Với tôi, một cái tên là đủ rồi.
Phú hỏi:
− Sao chua chát thế?
Không trả lời, Hạnh Lâm lại uống nữa. Đầu bắt đầu lâng lâng, cô thấy vảng vất khó chịu đến mức buồn nôn.
Loạng choạng đứng dậy, Hạnh Lâm nói:
− Xin lỗi. Tôi vào toa-lét.
Phú đứng lên theo:
− Cần tôi đỡ không?
− Ồ! Không. Tôi chưa say mà.
Đưa tay chặn ngang ngực, Hạnh Lâm chạy vội vào toa-lét. Tới trong, cô ói thốc tháo mọi thứ trong bụng ra.
Người chếch choáng, nhẹ tênh, cô vục nước vào mặt cho tỉnh rồi trở ra ngoài, thấy ông ta chàng ràng ngay lối đi như đợi cô.
Không tự chủ được, Lâm lớn tiếng:
− Tôi không muốn gặp ông. Đừng quấy rầy tôi.
Nghe cô hét, Phú lừ đừ bước đi:
− Phiền phức quá ông Phát ạ. Cô bé ta nói thế rồi, còn gì nữa mà vương vấn mãi.
Hạnh Lâm ngồi gục xuống bàn, giọng Phú vang lên như xoáy vào tai cô:
− Uống thêm sẽ thấy nhẹ nhõm, cô nhóc ạ.
Lâm lắc đầu:
− Không. Phải tỉnh táo để về tới nhà chứ. Cám ơn ông đã mua bia và đã giải vây cho tôi.
− Nhất định không uống nữa sao?
Đứng dậy, Lâm xua tay:
− Bye nghen.
Nhìn theo dáng Hạnh Lâm, Phú lắc đầu khui bia tiếp. Anh chẳng lạ gì những cô gái kiểu này, nhưng cô nàng này trông có vẻ lạ. Ôi! Mà nghĩ ngợi làm chi? Ả nào chả muốn tạo ấn tượng cho đàn ông chứ. Nhưng không biết cô nàng đã bỏ bùa mê thuốc lú gì mà lão Phát trông xấc bấc sang bang, tối tăm mặt mày thế kia.
Đảo đôi mắt sắc lạnh tìm kiếm, Phú thấy ông Phát ngồi một mình ở góc phòng với chai rượu Tây còn đầy.
Chà! Đầu hai thứ tóc mà còn thất tình một ả đáng tuổi con cháu. Đáng thương hay đáng trách nhỉ? Đốt cho mình điếu thuốc. Phú ung dung bước đến kéo ghế ngồi đối diện.
Phà khói mịt mù, Phú châm biếm:
− Sao thế... bác giai? Bị em nó chê quá "đát" rồi hả?
Nhìn Phú bằng cái nhìn khó chịu, ông Phát tợp hết phần rượu trong ly rồi rót thêm vào. Rượu tràn ra bàn, nhưng ông vẫn không hay. Phú đành giữ chay rượu lại, ông mới giật mình giả lả:
− Tôi bê bối thật.
Mặt hất lên khinh khỉnh, Phú hỏi:
− Giờ ông mới thấy điều đó à? Chỉ tội bà thím tôi không giữ được chân ông.
Ông Phát nói:
− Với gia đình, tôi vẫn tròn bổn phận mà.
− Vậy sao? Hừ! Nếu ông biết điều thì đâu tới những chỗ này.
Ông Phát văng tục:
− Thế thì cậu còn làm ăn đếch gì nữa. Này nhé! Chớ có mó tay vào Hạnh Lâm đấy.
Phú xoa cằm:
− Ông định độc quyền con bé à? Coi bộ khó đó. Ông không đủ đô đâu.
Ông Phát gân cổ lên, mặt đỏ bừng:
− Mày nói bậy. Hạnh Lâm đáng con tao.
Phú cười khẩy:
− Làm như ông đạo đức lắm không bằng. Con bé giúp việc nhà, ông còn chẳng tha nữa là...
Ông Phát ấp úng:
− Tại đêm đó tôi say.
Phú châm chọc:
− Ông có bao giờ tỉnh đâu.
Ông Phát hạ thấp giọng:
− Cậu đã... đã ngủ với Hạnh Lâm à?
Nhìn dáng điệu khổ sở của ông Phát, Phú bật cười:
− Chưa. Mà làm gì ông cuống lên thế? Không sợ tôi mách thím Hà đã gặp ông ở đây à?
− Cậu đâu tệ dữ vậy.
Phú nhún vai:
− Ông lầm rồi. Trong gia đình, tôi là người tệ nhật đó.
− Khác với nhiều người, tôi luôn nghĩ tốt về cậu.
Với vẻ khinh bỉ, không hề dấu diếm Phú bảo:
− Tôi không cần biết ông nghĩ về tôi thế nào. Nhưng nếu tôi nghe Hoàng Điệp phàn nàn tí ti nào về ông, ông không yên với tôi đâu.
Ông Phát lại nốc cạn ly rượu, mặt gầm xuống bàn với vẻ cam chịu:
− Tôi xin cậu đừng làm điều gì hại Hạnh Lâm. Nó là con nhà đàng hoàng.
Phú lững lờ:
− Tôi chưa hại ai bao giờ. Nhưng nếu giữa tôi và cô ta có những mối quan hệ, thì đó là chuyện riêng, chả dính líu tới ông.
Dứt lời, Phú đứng dậy trở về bàn mình.
Kéo gã quản lý vừa đi ngang, anh hất mặt về phía ông Phát:
− Ông ta thường đến đây lắm à?
Nhất gật đầu:
− Thường. Ổng khoái giỡn với mấy em tiếp thị bia lắm. Cậu quen à?
Không trả lời Nhất, Phú lại hỏi:
− Nghe đâu lão đang điêu đứng vì một con bé choai choai phải không?
− Chắc vậy. Tôi thấy ổng hỏi thăm địa chỉ của một đứa, nhưng tụi nó không chỉ. Có chi không cậu?
Phú gật đầu, giọng nghiêm khắc:
− Có. Nhưng không phải chuyện của ông ta. Tôi lưu ý anh về đám tiếp viên. Cấm bắt nạt họ, nhận tiền của các cô bé tiếp thị bia.
Nhất giẫy nẫy:
− Làm gì có chuyện đó.
Phú lừ mắt:
− Có hay không tôi biết mà. Đã nhận bao nhiêu, lo trả lại người ta đi.
Nhất bẻ những ngón tay:
− Dạ. Cậu Út bỏ qua cho, tôi sẽ bảo lại bọn chúng.
Phú lầm lũi khui bia, biết anh không muốn nói nữa, Nhất vội vàng biến.
Điện thoại di động reo lên lúc Phú đang uống dỡ, làm anh cau mày. Nhìn số điện thoại hiện ra, anh bấm nút tắt rồi uống tiếp. Cậu Út đã nhậu thì đừng ai quấy rầy, dù đó là hoa hậu.
Mười một giờ, Phú rời bàn, chệnh choạng bước ra khỏi nhà hàng. Anh không say, nhưng hơi sật sừ một chút. Gió từ bờ sông thổi vào mát lạnh, khiến Phú thấy khoan khoái. Anh vươn vai bước về bãi đậu xe. Trán cau lại, Phú nhận ra cô nàng Út đang gập người ói vào bồn hoa trồng sát rào. Bộ dạng này chắc nàng ta say "quất cần câu" rồi. Vậy mà lúc nãy vờ vịt không uống.
Đến kế bên, Phú đỡ Hạnh Lâm lên. Cô ta chúi vào ngực anh, giọng lạc đi:
− Về. Đưa tôi về nhà.
Phú giữ cô trong tay:
− Nhà cô ở đâu?
Hạnh Lâm lè nhè:
− Ở cầu thang... cái thang... để bắc lên hỏi ông trời ấy. Nếu được lên trời, tôi sẽ hỏi ổng sao tôi khổ thế này? Sao lúc nào tôi cũng cần tiền? Mà tiền đâu để tôi trả nợ đây chứ?
Phú nhếch mép:
− Đi với tôi hết đêm nay, em sẽ có một món kha khá.
Tựa hẳn vào Phú, Lâm hỏi:
− Món gì kha khá vậy?
− Thì cái món chúng ta muốn ấy. Đi nhé.
Hạnh Lâm nhắm híp mắt lại, cô ậm ừ trong mồm và mặc cho Phú dìu mình ra chiếc xe du lịch đậu gần đó.
Phú đóng cửa xe, mảnh trăng non trên trời chìm trong mây khi anh ta khởi động máy.
Điện thoại vang lên từng hồi làm Phú tỉnh ngủ. Anh lười biếng đưa tay lên đầu tủ kê kế bên giường, lấy ống nghe.
Giọng Lan Anh vang lên nhão nhét:
− Vẫn chưa thức dậy hả ông tướng? Đang một mình hay với ai vậy?
Nghe cô ta hỏi, Phú giật mình mở mắt nhìn sang bên cạnh, đúng lúc Hạnh Lâm nhổm dậy.
Cô la lên thất thanh:
− Sao tôi ở đây?
Kéo vội cái mền che ngang người, giọng Lâm run rẩy:
− Trời ơi! Chuyện gì vậy?
Phú vội gác máy và tỉnh táo đáp:
− Tối qua tôi đưa em về. Em đã quá say. Em không nhớ sao?
Hạnh Lâm bấu chặt cái mền và thấy đất như đang sụp lở dưới chân. Ôm mặt, cô bật khóc vì quá kinh hãi.
Lẽ nào đêm qua cô đã... với gã đàn ông xa lạ này? Nếu đúng vậy, Lâm khác nào cô gái ăn sương. Lẽ nào cô đánh mất sự trong trắng của mình rồi?
Lúc Hạnh Lâm còn đang trong nỗi hoảng loạn, kinh hoàng thì Phú bình thản như không. Anh ta tự nhiên mặc quần áo, khiến Lâm phải quay đi và tê tái nhận ra thực tế hết sức phủ phàng.
Hạnh Lâm vật vã như người động kinh.
− Ôi! Không. Không thể nào. Tại sao ông lại làm thế? Ông phải trả giá việc làm của mình.
Phú trơ tráo:
− Giá nào tôi cũng trả. Nhưng em đừng ăn vạ, mặc quần áo vào đi.
Dứt lời, anh ta bỏ vào toa-lét. Còn lại một mình ngồi trên giường, cô ê chề nhục nhã đến mức muốn chết ngay cho xong.
Lập cập bước xuống đất, Hạnh Lâm vừa khóc vừa mặc quần áo. Cảm giác nhơ nhớp về sự chung chạ tội lỗi khiến cô ghê tởm bản thân.
Tại sao hết chuyện xui xẻo này đến chuyện xui xẻo nọ rơi vào cô vậy? Long nói đúng. Cô chỉ là con bé quàng khăn đỏ, con bé đã bị sói già nuốt chửng rồi còn gì.
Nghe tiếng chân đi, Hạnh Lâm vội vã cài nhanh cái nút áo cuối cùng, rồi gầm mặt xuống, đầu mụ mẫm trống rỗng. Lâm chẳng còn sức lực cũng như tâm trí để ứng phó với tai họa vừa giáng xuống.
Thảy xuống giường một cọc giấy năm chục ngàn khá dầy, Phú hất hàm:
− Bao nhiêu đây là hào phóng lắm rồi. Cầm về mà trả nợ.
Người nóng ran lên vì bị xúc phạm, Hạnh Lâm lắp bắp:
− Ông là phường khốn nạn, đểu giã. Tôi có bán thân đâu mà nhận tiền của ông.
Giọng Phú khinh khỉnh:
− Định ăn vạ sao? Muốn bao nhiêu? Nói phắt ra cho rồi.
Dang tay tát cho Phú một cái thật mạnh, Hạnh Lâm rít lên:
− Tôi muốn giết ông. Muốn giết ông...
Chưa kịp tát cái nữa, Hạnh Lâm đã bị Phú khóa tay lại. Anh ta trừng mắt nhìn cô bằng cái nhìn sắc như mảnh vỡ của thủy tinh, miệng nhếch lên cay độc:
− Hồi tối em dịu dàng, dễ yêu lắm kia mà.
Hạnh Lâm căm hận:
− Đúng là vô liêm sĩ. Tôi thù ông.
Phú buông Hạnh Lâm ra, và mở cửa phòng, lấy xấp tiền anh nhét vào tay Lâm. Cô hất tung lên, rồi chạy vù ra ngoài.
Cổng nhà vẫn còn khóa, Hạnh Lâm gục đầu vào cánh cửa trước sự bối rối của Phú. Anh vừa mở cổng, vừa nói:
− Đi ăn sáng với tôi.
Hạnh Lâm mím môi lặng thinh. Ngoắc chiếc xích lô vừa trờ tới, cô leo lên ngồi như cái xác không hồn.
Cố nhớ nhưng cô vẫn chưa hình dung được chuyện gì đã xảy ra tối qua.
Sau khi rời khỏi bàn của gã đàn ông tên Út, cô đã đi tìm Cẩm Tiên đúng lúc con bé ói mửa lung tung. Những gã đàn ông trong bàn buộc Tiên uống hết bia mới trả tiền, khỗ nổi con bé đã say khướt, nằm gục ra bàn. Vậy là Lâm đành uống thế. Cô uống như máy đến lúc không còn chịu nổi đành trốn ra ngoài.
Lúc đang gập mình ói, Lâm mơ màng nghe như có tiếng của Long. Anh dìu cô vào xe taxi thì phải. Người chợt nóng ran, Hạnh Lâm mang máng nhớ tới vòng tay rắn chắc, những cái vuốt ve... Cô nhớ mình đã cự tuyệt, nhưng Long vẫn lì lợm. Cô nhớ những cảm giác đau đớn lẫn mê đắm anh mang tới cho mình. Rồi tất cả mất hút trong khoảng không tối thăm thẳm của đêm đen.
Cô đã manh nha nhớ, nhưng khủng khiếp thay người đàn ông đó không phải là Long. Gã tên Út đã nhặt cô về qua đêm như nhặt một cô gái ăn sương.
Hạnh Lâm cố không bật khóc khi từ "gái ăn sương" vừa lướt qua trong đầu. Tự cô làm hỏng cuộc đời mình, giờ biết trách ai đây? Hồi tối, nếu không là Út cũng là một tên đốn mạt khác. Cô đã sẩy chân chớ không phải Hương Thảo hay Cẩm Tiên. Vậy mà trước đây, Hạnh Lâm luôn tự cao với cái gọi là bản lĩnh, bây giờ cô ôm hận vì chính thái độ cao ngạo của mình.
Xe dừng trước cư xá, cô gằm mặt đi thật nhanh vào hốc cầu thang tăm tối dành riêng cho chị em mình. Lấy cái xô, cô đi xách nước về tắm, rồi leo lên giường nằm trùm chăn kín mít với đầu óc trống rỗng.
Lâm nằm lâu lắm mới nghe tiếng Hạnh San vang lên:
− Trời ơi! Em đi đâu suốt đêm vậy? Sao lại nằm đắp mền? Em bị gì vậy?
Tự dưng nước mắt ứa ra, Lâm tấm tức khóc. Trong nhà, Lâm được xem là đầu tàu nên thấy cô khóc, San hoảng hồn:
− Sao lại khóc?
Không trả lời chị, Lâm tiếp tục để nước mắt ràn rụa. San ngập ngừng: − Em... em... không sao chứ?
−...
Hạnh San thở dài:
− Lại buồn Long nên bỏ nhà cả đêm chớ gì? Hồi sáng anh chàng tới rất sớm, nhưng bị Lập đuổi về. Mai chị sẽ đưa tiền cho em trả hắn, sau đó không quan hệ nữa.
Đang khốn đốn vì bản thân, Lâm cũng nín khóc, hỏi tới:
− Tiền ở đâu chị có?
Hạnh San nhìn ra hành lang:
− Anh Thái cho mượn.
Lâm gạt ngang:
− Chị không được nhận. Mang ơn một người đàn ông khổ lắm.
− Nhưng ảnh giúp vô điều kiện mà.
Lâm cười đau đớn:
− Hãy nhìn gương em đây nè. Long có đòi điều kiện đâu? Dầu sao em cũng mắc nợ Long về mọi mặt, bây giờ chị nhận tiền của người khác để trả Long, đâm ra cả hai đều mắc nợ à?
Hạnh San nghiêm lạnh:
− Chị không muốn em dây dưa với Long nữa. Phiền phức lắm.
Lâm đáp lại:
− Em cũng chẳng muốn chị lệ thuộc vào Thái. Những gã đàn ông có tiền, không ai tốt đâu.
San kêu lên:
− Sao em nói như đinh đóng cột vậy? Bộ em hiểu hết đàn ông à?
Lâm im lặng, sự việc xảy ra đêm qua lại dày vò cô. So với Hạnh San, ít nhiều gì Lâm cũng hiểu đàn ông hơn.
Quay mặt vào vách, Lâm tránh câu trả lời:
− Tóm lại, món nợ với Long, chị để mặc em.
− Nhưng chính chị gây ra chuyện đó mà.
Lâm gắt gỏng:
− Đừng lẩm cẩm nữa. Chuyện mất xe là ngoài ý muốn, còn chuyện để người khác ràng buộc là do ý chị. Đúng không?
San ấp úng:
− Chị thấy mình phải có trách nhiệm. Thú thật, đêm nào em cũng đi tới khuya, chị không yên tâm. Lỡ xảy ra chuyện gì thì sao?
Hạnh Lâm nhói đau trong ngực, cô buột miệng:
− Chị lo muộn quá rồi.
Thấy San trố mắt nhìn mình, Lâm nói trớ đi:
− Em đã đủ chai lì để đối phó với đời rồi. Người lại, em thấy lo cho chị. Thái là Việt kiều về nước làm ăn. Ai biết anh ta như thế nào. Lỡ gặp "Việt kiều hồi hộp" thì coi như xong.
Giọng San cả quyết:
− Chị tin anh Thái là người tốt.
− Tốt vẫn chưa đủ.
− Theo em, phải yêu người thế nào?
Hạnh Lâm kéo mền che mặt:
− Em không biết. Chị để em yên. Em buồn ngủ lắm rồi.
San vẫn chưa chịu đi:
− Quên nữa. Anh Thái nói...
Lâm bịt tai:
− Để em ngủ. Em xin chị đó.
Nhắm mắt, Lâm nghe tiếng đóng cửa, tiếng bước chân San xa dần. Gầm cầu thang tối chợt tối hơn, ngột ngạt hơn.
Hạnh Lâm như đang rơi xuống tận cùng của vực thẳm.
Dưới Ngàn Thông Dưới Ngàn Thông - Trần Thị Bảo Châu