Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Phần I : Đại Đội Ca Hát . Chương 1
Chắc chắn là chúng tôi đã hát rất nhiều. Dù sung sướng hay khổ sở, lúc nào chúng tôi cũng hát. Có lẽ bởi vì luôn luôn sống dưới sự đe dọa của trận mạc và chết chóc, nên chúng tôi cảm thấy ít nhất cần làm công việc duy nhất này cho thật tốt chừng nào còn sống. Dầu sao chúng tôi cũng đã đem hết sức lực và tâm hồn ra để hát. Chúng tôi thích những bài ca trang nghiêm, những bài ca ý nghĩa sâu xa chứ không phải loại bài ca bình dân tầm phào. Dĩ nhiên, đa số anh em trước kia chỉ là nông dân hoặc công nhân, nhưng chúng tôi đã cố gắng học ít nhạc đồng ca hay hay.
Tôi vẫn còn nhớ lòng tràn đầy vui sướng ra sao khi chúng tôi đứng hát bên một bờ hồ.
Chúng tôi đã thực hiện một cuộc di hành dài qua rừng cây rậm rạp đi xuống một thung lũng. Bất thình lình một cái hồ hiện ra trước mặt với những ngôi nhà trắng toát đứng lù lù trên bờ nước. Đó là một thôn làng, nơi ngày xưa một vị vua Miến Điện đã cất một lâu đài đá nghỉ mát. Các ngôi nhà, túm tụm vào nhau, tường quét vôi trắng, xây trên một cái vịnh nhỏ, một nửa chìm dưới sâu, đang soi bóng trên mặt nước. Những mái nhà chỏm tròn, những đỉnh tháp nhọn hoắt và những gác chuông lạ mắt đâm thẳng lên trời - bầu trời nhiệt đới chói chang.
Đã có bao giờ anh nhìn thấy màu trắng đục như đá mắt mèo chưa? Vâng, bầu trời Miến Điện có đúng cái loại màu trắng ấy, đó đây lại thắm hơn vì những vệt ánh sáng lấp loáng màu ngũ sắc. Nhìn những ngọn tháp đá hoa cương theo hình trôn ốc xoắn tít lên một bầu trời như thế, anh sẽ cảm thấy như thể đang sống trong mộng vậy.
Ba ngày liền đóng quân tại làng ấy, ngày nào chúng tôi cũng tập hát. Chúng tôi hát những bài đạo ca, những bài hát ngày xưa có tính cách nhớ nhà chúng tôi thích như bài Trăng Trên Lâu Đài Hoang Tàn những điệu vui vui như les Toits de Paris, và ngay cả những bài ca Ý, Đức khó thuộc. Tại đó, bên mặt hồ nên thơ ấy, đại úy vui sướng múa đũa điều khiển trong khi anh em binh sĩ chúng tôi, bị âm thanh của chính mình thốt ra lôi cuốn, say sưa hát hết bài này đến bài khác.
Một hôm để chấm dứt buổi hát chúng tôi tập ' lại bài hát của đại đội Hanyu no Yadochia thành nhiều bè, hát đi hát lại nhiều lần.Hanyu no Yado- "Trở về Mái Nhà Xưa" - là một bài hát mong nhớ, bài hát chẳng bao giờ không làm tâm hồn chúng tôi rung động. Trong lúc hát chúng tôi nghĩ đến gia đình và ao ước có thể cho gia đình nhìn thấy cảnh đẹp này, và nghe thấy tiếng chúng tôi đang hát.
Sau cùng, đại úy nói: "Được rồi, các bạn, hôm nay thế là đủ. Ngày mai, cũng vào giờ này, chúng ta sẽ tập cái gì mới. Đại đội tan hàng!" Thế rồi đại úy quay lại gọi một người trong bọn: "Ê, Mizushima, chú đã sẵn sàng phần đệm ấy chưa?"
Mizushima là một trung sĩ; người gân guốc, mảnh khảnh, tầm thước, nước da hầu như đen kịt vì ánh nắng, đôi mắt sâu hoắm, to tướng, trong vắt. Trước khi gia nhập đại đội, Mizushima không được học qua nhạc nào, nhưng có lẽ anh có tài thiên bẩm vì anh tiến bộ thật nhanh âm nhạc là đam mê duy nhất của anh; anh không nghĩ đến gì khác ngoài âm nhạc. Anh tự tay chế lấy cây thụ cầm để hòa âm theo đội đồng ca của chúng tôi, và anh chơi đàn khéo đến độ Chẳng bao lâu đã có thể đánh theo bất kỳ điệu nào chúng tôi hát.
Kể cũng kỳ lạ một đội quân tại một nơi xa xôi như Miến Điện lại mang theo các nhạc cụ. Thế nhưng, chúng tôi đã có những thứ ấy - đủ mọi loại. Nếu những nhạc cụ khác nhau ấy mà được anh em binh sĩ chúng tôi gom góp cả lại thì anh sẽ có một lô nhạc khí thật thú vị. Dù anh em chúng tôi đi tới đâu, vừa khi có thì giờ rảnh rỗi, là một người trong bọn sẽ chế ngay một nhạc cụ để dùng. Trong bọn chúng tôi cũng có những người thợ có thể chế biến thật tài tình những nhạc cụ tốt bằng vật liệu tầm thường nhất. Nhạc cụ gió gồm đủ thứ, từ một cây sậy đơn giản hoặc một ống tre với những lỗ tròn khoét ở trên mặt tới cái kèn trận làm bằng những bộ phận máy móc đã hỏng. Còn như những nhạc cụ gõ, tôi nhìn thấy những cái trống con bằng da mèo hoặc da chó căng trên các khung gỗ, và ngay cả cái trống lớn làm bằng thùng ét săng, một đầu bịt kín bằng một thứ da thú -anh em cho tôi biết đó là da hổ. Dù sao, cái trống ấy cũng là niềm tự hào của đại đội, và khi đánh lên thì ngân vang khủng khiếp. Một vài đơn vị lại có cả đàn violon, đàn guitare mặc dù khó mà tưởng tượng những thứ ấy đã được làm ra như thế nào.
Trong đại đội chúng tôi nhạc cụ được dùng nhiều nhất là một thứ đàn thụ cầm, bắt chước loại thụ cầm người Miến Điện thường sử dụng. Thân đàn làm bằng một ống tre dày lắp vào một ống tre khác uốn cong và gò chặt bằng những sợi dây đồng, thép, nhôm hoặc đuranhôm. Những sợi dây bằng da thì được dùng cho những nốt nhạc thấp hơn. Sau một thời gian làm việc thật cực nhọc, chúng tôi đã có thể sản xuất một lô nhạc cụ rập theo loại thụ cầm lạ kỳ này.
Trung sĩ Mizushima sử dụng loại đàn này rất thành thạo. Anh soạn đủ thứ nhạc dành cho loại đàn này. Khi anh chơi, âm thanh phát ra nghe nửa giống dương cầm nửa giống tỳ bà Nhật Bản hòa với nhau và lửng lơ trong không gian. Mới thoạt nhìn, anh là một hình ảnh ngộ nghĩnh một người lính, da xạm nắng, đầu đội mũ tác chiến hai tay ôm nhạc cụ mỏng manh và biểu diễn như thể đang ở trong cơn thần trí hôn mê.
Khi được hỏi về phần nhạc đệm anh soạn cho bài Hanyu no Yado, Mizushima tức khắc trỗi lên liền. Bài anh chơi nghe du dương và thú vị đến độ hình như chẳng khác gì một bản độc tấu. Những người lính khác xúm quanh lắng nghe, tay khoanh và mắt nhắm lại.
Không khí nặng nề, thơm tho và rất im lặng. Tiếng đàn thụ cầm lướt qua mặt hồ, rồi từ ven rừng cây bên bờ hồ đối diện dội lại và lan trên mặt nước. Đó là một khu rừng gỗ tếch to lớn. Anh có thể nhìn thấy nhỮng con khỉ nhởn nhơ ở đó và nghe thấy đủ loại chim đấu giọng thi nhau hót.
Vào đúng lúc ấy một con công từ nơi nào đó không biết vỗ cánh sà xuống, múa mấy đường ngay trước mặt chúng tôi, rồi lại bay đi. Cánh đập phành phạch trong không khí và lúc bay đi bóng nó lướt trên mặt hồ.
Thật là một kỷ niệm vô cùng thú vị.
***