Love gives light even in the darkest tunnel.

Anonymous

 
 
 
 
 
Tác giả: Michael Ondaatje
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The English Patient
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 16
Cập nhật: 2023-06-17 16:09:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hầu Như Hoang Tàn
hi người đàn ông với hai bàn tay băng kín đã ở bệnh viện quân đội tại Rome hơn bốn tháng, anh tình cờ nghe chuyện về bệnh nhân bị bỏng và cô y tá, nghe tên cô. Từ cửa, anh quay lại, bước đến nhóm bác sĩ anh vừa đi ngang qua, để tìm hiểu xem cô đang ở đâu. Anh đã dưỡng bệnh ở đấy rất lâu, và họ biết anh là người hay né tránh. Nhưng bây giờ anh nói với họ, hỏi tên cô y tá, khiến họ giật mình. Suốt thời gian qua anh không nói bao giờ, chỉ ra dấu và nhăn mặt, thỉnh thoảng cười. Anh không tỏ lộ điều gì, ngay cả tên của anh, chỉ viết ra mã số của mình, cho biết anh thuộc phe Đồng Minh.
Thân thế của anh đã được kiểm lại, chứng thực trong những thông tin từ London. Anh có một chùm sẹo nhận dạng trên người. Thế nên các bác sĩ đã trở lại bên anh, gật gù chỉ những chỗ băng bó trên người anh. Một nhân vật nổi tiếng, tuy thế muốn im lặng. Một anh hùng chiến tranh.
Anh cảm thấy an toàn nhất như thế. Không tỏ lộ điều gì. Dù họ tấn công anh bằng dịu nhẹ hay lừa đảo hay những con dao. Anh chưa nói lời nào trong hơn bốn tháng. Anh là một con thú lớn trong số họ, gần như đã hoàn toàn bị hủy diệt khi anh được mang đến bệnh viện, được tiêm những liều morphine thường xuyên để tay anh bớt đau đớn. Anh hay ngồi trên một cái ghế bành trong bóng tối, ngắm nhìn dòng chuyển động của những bệnh nhân và y tá ra vào khu bệnh xá và phòng kho.
Nhưng bây giờ, đi ngang qua một nhóm bác sĩ ở hành lang, anh nghe tên người phụ nữ, và anh bước chậm lại, xoay người, đến gần họ và hỏi chính xác xem cô đang làm việc tại bệnh viện nào. Họ bảo anh trước kia nó là một tu viện nữ, bị quân Đức chiếm đóng, rồi biến thành một bệnh viện sau cuộc vây hãm của quân Đồng Minh. Trong vùng đồi phía bắc Florence. Phần lớn bệnh viện đã tan hoang vì bom. Không an toàn. Nó chỉ là một bệnh viện dã chiến. Nhưng cô y tá và người bệnh không chịu rời đi.
Tại sao các ông không bắt buộc hai người họ đi?
Cô ta quả quyết là ông ta bệnh nặng không di chuyển được. Dĩ nhiên chúng tôi có thể mang ông ta đi an toàn, nhưng thời buổi này ai có thì giờ tranh cãi. Tình trạng của cô ta cũng không khá gì.
Cô ta có bị thương không?
Không. Có lẽ hơi bị sốc bom. Đáng lẽ cô ta phải được gửi về nhà. Vấn đề là, cuộc chiến ở đây đã kết thúc. Không ai bắt ai làm được điều gì nữa. Bệnh nhân đang rời khỏi bệnh viện. Quân lính đào ngũ trước khi được gửi về nhà.
Tòa villa nào? Anh hỏi.
Tòa villa người ta đồn là có ma trong vườn. San Girolamo. Ôi dào, cô ta có bóng ma của riêng mình, một bệnh nhân bị bỏng. Có khuôn mặt đấy, nhưng không còn nhận ra được. Dây thần kinh đã chết. Anh có thể đưa cây diêm ngang qua mặt ông ta mà không thấy ông có cảm xúc nào. Khuôn mặt ngủ rồi.
Ông ta là ai? Anh hỏi.
Chúng tôi không biết tên ông ta. Ông ta không nói?
Nhóm bác sĩ cười lớn. Không phải, ông ta nói chứ, ông ta nói nhiều lắm, ông ta chỉ không biết mình là ai.
Ông ta từ đâu đến?
Người Bedouin mang ông ta đến ốc đảo Siwa. Rồi ông ta ở Pisa một thời gian, rồi… Có lẽ một người Ả Rập đang đeo thẻ bài của ông ta. Có lẽ hắn sẽ bán nó đi và một ngày nào đấy chúng ta sẽ lấy được nó, hoặc họ sẽ không bao giờ bán nó đi. Những món ấy làm bùa rất tuyệt. Tất cả phi công rớt xuống sa mạc - không ai còn thẻ bài khi trở về. Giờ đây ông ta chui rúc trong một tòa villa vùng Tuscany và cô gái không chịu rời ông ta. Từ chối thẳng thừng. Phe Đồng Minh từng chứa một trăm bệnh nhân ở đấy. Trước kia bọn Đức dùng một đạo quân khá đông để phòng thủ nó, thành trì cuối cùng của chúng. Vài phòng có vẽ tranh, mỗi phòng cảnh một mùa khác nhau. Bên ngoài tòa villa là một hẻm núi. Tất cả nằm trong vùng đồi, cách Florence khoảng hai mươi dặm. Dĩ nhiên anh sẽ cần giấy phép. Chắc chúng tôi có thể phái người lái xe đưa anh đến đấy. Ngoài ấy còn tệ lắm. Gia súc chết. Ngựa bị bắn chết, đã bị ăn một nửa. Xác người treo ngược xuống từ những cây cầu. Những thói xấu cuối cùng của chiến tranh. Không an toàn chút nào. Lính công binh chưa đến đấy dọn dẹp. Bọn Đức rút lui đến đâu là gài mìn đến đấy. Một chỗ làm bệnh viện rất tệ. Kinh khủng nhất là mùi xác chết. Chúng ta cần một trận tuyết lớn để dọn sạch sẽ đất nước này. Chúng ta cần lũ quạ.
Cám ơn.
Lần đầu tiên sau nhiều tháng trời, anh bước ra khỏi bệnh viện, vào ánh nắng, vào khoảng không gian bên ngoài, ra khỏi những phòng thắp đèn màu xanh lá cây trải ra như thủy tinh trong trí anh. Anh đứng đấy ngắm nhìn mọi vật, vẻ hối hả của mọi người. Trước hết, anh nghĩ, mình cần đôi giày đế cao su. Mình cần gelato[11].
Trên xe lửa, anh thấy khó ngủ, người lắc lư qua lại. Những người cùng toa đang hút thuốc. Thái dương anh đập vào khung cửa sổ. Ai cũng mặc quần áo màu đậm, và với tất cả những điếu thuốc đang cháy, toa xe dường như đang bốc lửa. Anh để ý mỗi lần xe lửa đi qua một nghĩa trang, hành khách chung quanh anh lại làm dấu thánh giá. Tình trạng của cô ta cũng không khá gì.
Gelato cho amiđan, anh nhớ như thế. Đi cùng một cô bé và cha của cô khi cô bị cắt amiđan. Cô bé nhìn phòng bệnh đông nghịt trẻ con và nhất quyết không chịu. Cô bé ấy, đứa trẻ dễ thích nghi và dễ thương nhất, bỗng nhiên trở nên sắt đá, quyết liệt khước từ. Sẽ không ai dứt được bất cứ vật gì ra khỏi cổ họng của cô, mặc dù lẽ thường tình trong thời ấy khuyên rằng như thế tốt hơn. Cô sẽ sống cùng với nó trong người cô, dù “nó” trông như thế nào đi nữa. Anh vẫn chưa biết amiđan là cái gì.
Điều lạ là bọn chúng không hề chạm đến đầu mình, anh nghĩ. Những lúc khốn khổ nhất là lúc anh bắt đầu tưởng tượng chúng sẽ làm gì kế tiếp, sẽ cắt cái gì kế tiếp. Những lúc ấy anh luôn nghĩ đến cái đầu của mình.
Tiếng chân chạy lăng xăng trên trần nhà như một chú chuột.
Anh đứng cuối hành lang với chiếc va li của mình. Anh đặt va li xuống, vẫy tay qua bóng tối và những vũng ánh nến chập chờn. Không có tiếng chân khi anh bước về phía nàng, không một tiếng động trên sàn nhà, và điều ấy khiến nàng ngạc nhiên, không hiểu sao nàng cảm thấy nó quen thuộc và vỗ về, rằng anh có thể đến gần sự riêng tư của nàng và bệnh nhân người Anh trong êm lặng.
Khi anh đi qua những ngọn đèn trong hành lang dài, chiếc bóng của anh hắt về phía trước. Nàng vặn bấc ngọn đèn dầu lớn lên để ánh sáng tỏa ra rộng hơn chung quanh nàng. Nàng ngồi bất động, cuốn sách đặt trên đùi, trong lúc anh đến gần nàng rồi cúi xuống bên nàng như một ông chú.
“Nói chú nghe amiđan là cái gì.” Mắt nàng nhìn anh đăm đăm.
“Chú cứ nhớ cái cảnh cháu đùng đùng ra khỏi bệnh viện, theo sau là hai người đàn ông trưởng thành.”
Nàng gật đầu.
“Bệnh nhân của cháu có ở trong ấy không? Chú vào được chứ?”
Nàng lắc đầu, lắc mãi cho đến khi anh lại nói.
“Thế thì ngày mai chú gặp ông ta vậy. Cháu chỉ cần nói cho chú biết chú phải đi đâu. Chú không cần khăn trải giường. Có nhà bếp không? Cuộc hành trình của chú đi tìm cháu lạ ghê lắm.”
Khi anh đã đi xuống hành lang, nàng trở lại cái bàn và ngồi xuống, run rẩy. Nàng cần cái bàn này, cuốn sách đang đọc dở dang này để trấn tĩnh lại. Một người đàn ông nàng quen biết đã đi xe lửa đến tận đây, đã từ làng đi bộ lên dốc bốn dặm rồi đi qua hành lang đến cái bàn này chỉ để gặp nàng. Sau vài phút, nàng bước vào phòng bệnh nhân người Anh và đứng nhìn ông. Ánh trăng vắt ngang cành lá trên tường. Đây là ánh sáng duy nhất khiến bức trompe l’oeil[12] trông như thật. Nàng có thể hái được đóa hoa kia và cài nó lên áo nàng.
Người đàn ông tên Caravaggio mở tung tất cả cửa sổ trong phòng để anh có thể nghe những tiếng động của đêm. Anh cởi quần áo, nhẹ nhàng xoa lòng bàn tay lên cổ, nằm một lúc trên cái giường không trải khăn. Tiếng cây cối, ánh trăng vỡ thành những con cá màu bạc nhảy nhót trên những chiếc lá cúc tây bên ngoài.
Ánh trăng phủ trên người anh như làn da, như dòng nước. Một giờ sau, anh ở trên mái tòa villa. Trên đỉnh mái, anh nhận ra những phần bị pháo kích dọc theo dốc mái, hai mẫu vườn bị phá hủy và những vườn cây ăn trái bên cạnh tòa villa. Anh ngắm nơi chốn họ đang ở trong nước Ý.
Buổi sáng họ ngập ngừng nói chuyện bên cạnh bồn nước phun.
“Giờ đây cháu ở Ý, cháu nên tìm hiểu thêm về Verdi[13].”
“Gì cơ?” Nàng ngước nhìn lên trong lúc giặt chăn gối ở bồn nước phun.
Anh nhắc cho nàng nhớ. “Có lần cháu bảo cháu yêu ông ta.” Hana xấu hổ cúi đầu.
Caravaggio đi dạo vòng quanh, ngắm tòa nhà lần đầu tiên, chăm chú nhìn qua hàng hiên đến khu vườn.
“Đúng thế, trước kia cháu yêu ông ta. Cháu thường làm chúng tôi phát điên lên vì tin tức mới của cháu về Giuseppe. Cháu hay nói: một người đàn ông tuyệt vời! Tuyệt nhất về mọi mặt. Chúng tôi phải đồng ý với cháu, cô bé kiêu ngạo mười-sáu-tuổi.”
“Không biết cô ta ra sao rồi.” Nàng trải tấm khăn đã giặt xong lên gờ của bồn nước phun.
“Trước đây cháu là người có một quyết tâm nguy hiểm.”
Nàng bước trên những miếng đá lát, giữa khe đá cỏ mọc đầy. Anh ngắm đôi chân mang vớ đen của nàng, chiếc áo đầm mỏng màu nâu. Nàng ngả người qua lan can.
“Cháu phải thừa nhận rằng, cháu nghĩ cháu đã đến đây vì Verdi. Một điều gì đấy sâu trong tâm trí cháu bắt cháu làm thế. Lúc ấy dĩ nhiên chú đã bỏ đi và cha cháu đã gia nhập cuộc chiến… Chú xem mấy con ưng kìa. Sáng nào bọn nó cũng đến. Mọi thứ khác ở đây đều bị tàn phá, vỡ vụn. Vòi nước duy nhất còn dùng được là vòi phun nước này. Khi bỏ đi, quân Đồng Minh đã gỡ hết ống nước. Họ nghĩ rằng nếu họ làm thế họ sẽ buộc được cháu rời đi.”
“Đáng lẽ cháu nên đi. Họ vẫn còn phải dọn dẹp vùng này. Chỗ nào cũng có bom chưa nổ.”
Nàng đến bên anh và áp những ngón tay lên môi anh.
“Cháu mừng được gặp chú, chú Caravaggio. Không ai khác nữa. Xin chú đừng nói rằng chú đến đây để tìm cách thuyết phục cháu rời đi.”
“Chú muốn tìm một quán rượu nhỏ có máy hát Wurlitzer[14] và uống rượu mà không sợ một quả bom khốn kiếp nào đó sẽ nổ. Nghe Frank Sinatra hát. Mình phải kiếm chút nhạc”, anh nói. “Tốt cho bệnh nhân của cháu.”
“Ông ấy vẫn còn ở châu Phi.”
Anh chăm chú nhìn nàng, đợi nàng nói thêm, nhưng không còn điều gì nữa để nói về bệnh nhân người Anh. Anh lẩm bẩm, “Một số người Anh yêu châu Phi. Một phần bộ óc của họ giống hệt sa mạc. Thế nên ở đấy họ không phải là kẻ lạ”.
Anh thấy nàng khẽ gật đầu. Khuôn mặt gầy, tóc cắt ngắn, không có tấm mặt nạ và vẻ bí ẩn của mái tóc dài. Ít nhất nàng có vẻ trầm tĩnh trong vũ trụ của riêng nàng. Bồn nước phun róc rách phía sau, những con chim ưng, khu vườn hoang tàn của tòa villa.
Có lẽ đây là cách để ra khỏi cuộc chiến, anh nghĩ. Một người đàn ông bị bỏng để chăm sóc, vài tấm khăn để giặt trong bồn nước phun, một căn phòng được vẽ cảnh trí như một khu vườn. Như thể tất cả mọi thứ còn lại là một mảnh của quá khứ, lâu lắm trước khi Verdi hoặc dòng họ Medici ngẫm nghĩ chuyện ban công hoặc cửa sổ, ban đêm giơ cao ngọn nến trước mặt một kiến trúc sư được mời đến - kiến trúc sư giỏi nhất của thế kỷ XV - và yêu cầu một thứ khác, vừa ý hơn, để đóng khung cảnh vật này.
“Nếu chú ở lại thì mình cần thêm thức ăn”, nàng nói. “Cháu có trồng một ít rau, mình có một bao đậu, nhưng mình cần vài con gà.” Nàng nhìn Caravaggio, biết kỹ xảo của anh trong quá khứ, không hẳn nói ra lời.
“Chú không dám nữa”, anh nói.
“Thế thì cháu đi với chú”, Hana đề nghị. “Mình làm chung. Chú có thể dạy cho cháu cách ăn trộm, làm thử cho cháu xem.”
“Cháu không hiểu. Chú không dám nữa.” “Tại sao?”
“Chú từng bị bắt. Suýt nữa là bọn chúng chặt mất hai bàn tay khốn kiếp của chú.”
Ban đêm, đôi khi lúc bệnh nhân người Anh ngủ, hoặc thậm chí sau khi nàng đọc sách một mình bên ngoài cánh cửa phòng của ông một lát, nàng đi tìm Caravaggio. Anh sẽ ở trong vườn, nằm dài trên gờ đá của bồn phun nước nhìn sao trời, hoặc nàng sẽ gặp anh ở một hàng hiên thấp hơn. Anh không thích ở trong nhà ban đêm khi tiết trời đang chớm hè. Hầu như đêm nào anh cũng ở trên mái nhà, cạnh ống khói vỡ, nhưng anh lặng lẽ chuồi xuống khi anh nhìn thấy dáng nàng băng qua hàng hiên tìm anh. Nàng sẽ tìm thấy anh gần pho tượng cụt đầu của một ông bá tước, cần cổ cụt của ông ta là chỗ một con mèo quanh đấy thích ngồi, nghiêm trang và háo hức khi có người xuất hiện. Anh khiến nàng luôn cảm thấy rằng nàng là người tìm ra anh, người đàn ông biết rõ bóng tối, khi say rượu thường tuyên bố rằng mình được một gia đình chim cú nuôi lớn.
Hai người ở trên một mũi đất, Florence và những ánh đèn của nó phía xa xa. Đôi khi nàng thấy anh như phát cuồng, hoặc anh quá bình tĩnh. Trong ánh sáng ban ngày nàng để ý rõ hơn cách anh di chuyển, để ý hai cánh tay cứng đơ trên hai bàn tay băng kín, cách anh xoay cả người thay vì chỉ xoay cổ thôi khi nàng chỉ một vật xa phía trên đồi. Nhưng nàng không nói gì với anh về những điều này.
“Bệnh nhân của cháu nghĩ rằng xương con công xay nhuyễn là một thứ thuốc chữa lành vết thương rất hay.”
Anh nhìn lên bầu trời đêm. “Ừ.”
“Lúc ấy có phải chú là điệp viên không?” “Không hẳn thế.”
Anh cảm thấy dễ chịu hơn, có thể ẩn tránh nàng hơn trong khu vườn tối, một ánh đèn dầu lung linh rọi xuống từ phòng người bệnh. “Đôi khi bọn chú được phái đi ăn trộm. Chú là người Ý, cũng là tên trộm. Họ không ngờ họ may mắn đến thế, họ tranh nhau dùng chú. Bọn chú có khoảng bốn, năm người. Chú làm ngon lành trong một thời gian. Rồi chú tình cờ bị chụp hình. Cháu tưởng tượng nổi không?
Chú đang mặc áo đuôi tôm, một bộ đồ vía, để lọt vào buổi họp mặt, một buổi liên hoan, để ăn trộm vài thứ giấy tờ. Thật ra chú vẫn là một tên trộm. Không phải nhà ái quốc vĩ đại. Không phải người anh hùng tuyệt vời. Họ chỉ hợp thức hóa kỹ xảo của chú. Nhưng có một phụ nữ mang máy ảnh, đang chụp hình mấy sĩ quan Đức, và chú bị chụp hình lúc đang băng qua phòng khiêu vũ. Giữa một bước đi, tiếng màn trập của máy ảnh làm đầu chú quay ngoắt về phía tiếng động.
Thế là bỗng nhiên mọi việc trong tương lai trở thành nguy hiểm. Tình nhân của một ông tướng nào đấy.
Tất cả hình chụp trong chiến tranh được chính thức rửa trong những phòng rửa hình của chính phủ, qua kiểm duyệt của Gestapo, vì thế chú đây, rõ ràng không nằm trong bất kỳ danh sách nào, sẽ bị một người công chức xếp vào hồ sơ khi cuốn phim đến phòng rửa hình ở Milan. Điều ấy có nghĩa là chú phải tìm cách ăn trộm lại cuốn phim.”
Nàng vào xem chừng bệnh nhân người Anh, thân thể đang ngủ của ông có lẽ đang ở xa mãi tận trong sa mạc, đang được một người đàn ông chữa lành, người ấy liên tục nhúng ngón tay mình vào cái chén do hai lòng bàn chân chụm lại, nghiêng về phía trước, đắp lớp bột nhão thẫm màu lên khuôn mặt bị bỏng. Nàng hình dung sức nặng của bàn tay ấy trên đôi má mình.
Nàng đi xuống hành lang và trèo vào cái võng của nàng, đu nó một lần khi nàng rời mặt đất.
Những khoảnh khắc trước giấc ngủ là lúc nàng cảm thấy sống động nhất, nhảy vọt qua những mảnh vụn của ngày, mang mỗi khoảnh khắc theo nàng vào giường như một đứa trẻ mang sách học và bút chì. Một ngày dường như không theo thứ tự nào cho đến lúc này, đối với nàng như một cuốn sổ cái, thân thể nàng ngập tràn những câu chuyện và tình huống. Caravaggio đã cho nàng một điều gì đấy chẳng hạn. Động cơ thúc đẩy anh, một tấn kịch, một hình ảnh bị đánh cắp.
Anh rời buổi liên hoan bằng xe hơi. Chiếc xe lăn bánh lạo xạo trên lối đi cong cong trải sỏi dẫn ra ngoài tòa villa, tiếng máy xe rù rù, tĩnh lặng như mực trong đêm hè. Suốt buổi tối còn lại trong cuộc họp mặt ở villa Cosima anh đã nhìn người chụp hình, xoay người đi mỗi khi cô ta giơ máy ảnh về hướng anh để chụp. Bây giờ, anh có thể tránh nó vì anh đã biết sự hiện hữu của nó. Anh tiến vào tầm đối thoại của cô ta, tên cô ta là Anna, người tình của một sĩ quan sẽ qua đêm ở tòa villa rồi sáng mai đi lên hướng bắc xuyên qua vùng Tuscany. Cái chết của người phụ nữ ấy, hoặc sự mất tích đột ngột của cô ta, sẽ chỉ khêu gợi ngờ vực. Thời bấy giờ, chuyện gì bất thường cũng bị điều tra.
Bốn giờ sau, anh mang vớ chạy trên cỏ, ánh trăng vẽ chiếc bóng của anh cuộn mình nép bên dưới. Anh ngừng lại ở lối đi trải sỏi và từ từ đi trên sỏi. Anh ngước nhìn lên villa Cosima, những cửa sổ như những vầng trăng hình vuông. Một cung điện của những người đàn-bà-thời-chiến.
Một ánh đèn pha xe hơi - như phun ra từ một ống nước - rọi sáng căn phòng có anh bên trong, và một lần nữa anh ngưng lại giữa một bước đi, thấy đôi mắt của người phụ nữ chụp hình nhìn anh, một người đàn ông chuyển động trên thân thể cô ta, những ngón tay của hắn lùa trong mái tóc vàng của cô. Anh biết cô ta đã nhìn thấy người đàn ông cô chụp hình trước đấy trong buổi liên hoan đông người, mặc dù bây giờ anh trần truồng, vì anh tình cờ đứng cùng một kiểu, người xoay ngang, kinh ngạc vì ánh đèn phô bày thân thể anh trong bóng tối. Ánh đèn xe quét vào một góc phòng và biến mất.
Rồi bóng tối. Anh không biết có nên di chuyển hay không, cô ta có thì thầm với người đàn ông đang làm tình với cô về nhân vật khác trong phòng hay không. Một tên trộm trần truồng. Một sát thủ trần truồng. Anh có nên đi - hai bàn tay giơ ra sẵn sàng bẻ cổ - về phía cặp nam nữ trên giường?
Anh nghe tiếng làm tình tiếp tục, nghe sự im lặng của người phụ nữ - không có tiếng thì thầm - nghe cô ta đang nghĩ, đôi mắt cô hướng về phía anh trong bóng tối. Đúng ra phải là đang nghĩ ngợi. Óc Caravaggio cân nhắc điểm này, thêm một từ để gợi ý rằng thu thập một ý nghĩ cũng giống như loay hoay với cái xe đạp ráp dở dang. Từ ngữ là chuyện rắc rối, một người bạn của anh đã bảo anh như thế, chúng rắc rối hơn đàn vĩ cầm nhiều. Trong trí, anh nhớ lại mái tóc vàng của người phụ nữ, cài một dải lụa đen.
Anh nghe tiếng chiếc xe quẹo cua và đợi lúc ánh sáng lại đến. Khuôn mặt nổi lên trong bóng tối vẫn như một mũi tên nhắm về phía anh. Luồng sáng chuyển từ mặt cô ta xuống thân hình của ông tướng, rơi trên mặt thảm, rồi lướt qua người Caravaggio một lần nữa. Anh không còn nhìn thấy cô ta. Anh lúc lắc đầu, rồi làm điệu bộ cắt cổ họng. Cái máy ảnh ở trong tay anh để cô ta hiểu. Rồi anh lại ở trong bóng tối. Giờ đây anh nghe tiếng rên lạc thú của cô ta hướng về người tình của cô, và anh biết đấy là sự thỏa thuận của cô với anh. Không một lời, không chút mỉa mai, chỉ là một giao ước với anh, ký hiệu của cảm thông, vì thế anh biết bây giờ anh có thể an toàn đi ra ban công và biến vào màn đêm.
Tìm ra phòng của cô ta thì khó hơn. Anh đã vào tòa villa và âm thầm đi qua những bức bích họa thuộc thế kỷ XVII soi lờ mờ dọc theo những dãy hành lang. Đâu đây có những phòng ngủ như những cái túi đen trong bộ quần áo vàng. Cách duy nhất để anh có thể vượt qua bọn lính gác là tỏ ra vô hại. Anh cởi hết quần áo và bỏ chúng lại trong một bồn hoa.
Anh thong dong đi lên thang lầu đến tầng hai, nơi có bọn lính gác, cúi người để nhạo sự riêng tư nào đó, thế nên mặt anh gần như ngang hông anh, gợi ý cho bọn lính gác rằng anh có một lời mời cho buổi tối ấy, al fresco[15], có phải không nhỉ? Hay là quyến rũ kiểu a cappella[16]?
Một hành lang dài trên tầng ba. Một tên lính gác cạnh thang lầu và một tên cuối hành lang cách đấy hai mươi mét, quá xa. Thế nên bây giờ Caravaggio phải trình diễn dáng đi điệu bộ một quãng dài, trong khi hai tên lính canh ở hai đầu hành lang ngắm nghía với vẻ khinh bỉ và sự ngờ vực lặng lẽ, dáng đi mông-và-dương-vật, tạm dừng ở một đoạn tranh tường để chăm chú nhìn hình vẽ một con lừa trong vườn cây. Anh tựa đầu vào tường, gần như thiếp ngủ, rồi lại đi, lảo đảo rồi lập tức thẳng người dậy trong dáng quân hành. Bàn tay trái lạc lõng của anh vẫy lên trần nhà vẽ những thiên thần bé con cũng trần truồng như anh, cái vẫy chào của một tên trộm, bản luân vũ ngắn ngủi trong lúc cảnh vẽ trên tường hỗn độn trôi qua, lâu đài, giáo đường màu đen trắng, những vị thánh lơ lửng trên cao, trong ngày thứ Ba này của cuộc chiến, để cứu vãn lớp ngụy trang và mạng sống của mình. Caravaggio vui say đi tìm tấm hình của chính mình.
Anh vỗ ngực trần của mình, như thể tìm tấm giấy phép, chụp dương vật của mình và giả vờ dùng nó làm chìa khóa vào căn phòng đang được canh gác. Cười lớn, anh lảo đảo lùi lại, bực mình vì thất bại thảm hại của mình, rồi vừa hát âm ư vừa lẻn vào căn phòng bên cạnh.
Anh mở cửa sổ và bước ra ban công. Một đêm tối và đẹp. Rồi anh leo ra ngoài ban công và đu người xuống ban công tầng dưới. Chỉ bây giờ anh mới có thể vào phòng của Anna và ông tướng của cô. Không có gì khác hơn mùi nước hoa quanh họ. Bàn chân không dấu vết. Không hình bóng. Câu chuyện anh đã kể cho đứa con của người nào đấy nhiều năm trước về một người đi tìm chiếc bóng của mình - như anh đang tìm hình ảnh của mình trên một mẩu phim.
Trong phòng, anh lập tức nhận ra chuyện tình dục đang bắt đầu. Hai bàn tay anh lần trong mớ quần áo bị ném lên lưng ghế hoặc thả xuống sàn nhà của cô ta. Anh nằm xuống và lăn trên thảm để lần tìm bất cứ vật gì cứng như một cái máy ảnh, sờ chạm lớp da của căn phòng. Trong im lặng anh lăn người theo hình cánh quạt, không tìm ra vật gì. Thậm chí không có cả một hạt ánh sáng.
Anh đứng dậy và chầm chậm đưa hai cánh tay ra, đụng vào một bộ ngực bằng cẩm thạch. Bàn tay anh lần theo một bàn tay đá - giờ đây anh đã hiểu cách người phụ nữ suy nghĩ - cái máy ảnh mắc ở bàn tay bằng sợi dây đeo của nó. Rồi anh nghe tiếng xe, và đúng lúc anh xoay người, anh bị người phụ nữ nhìn thấy trong tia sáng bất ngờ của đèn xe.
Caravaggio ngắm Hana, đang ngồi đối diện anh, nhìn vào mắt anh, cố đọc được anh, cố đoán dòng suy nghĩ của anh như cách vợ anh thường làm. Anh ngắm nàng đánh hơi anh, tìm dấu vết. Anh vùi dấu vết xuống và nhìn lại nàng, biết rằng đôi mắt anh không tì vết, trong trẻo như bất kỳ dòng sông nào, một phong cảnh không chê trách được. Anh biết người ta lạc lối trong đôi mắt ấy, và anh có thể ẩn náu rất tài tình. Nhưng cô gái ngắm anh với vẻ giễu cợt, nghiêng đầu dò hỏi, như một con chó khi nghe tiếng nói trong giọng hoặc âm vực không phải của loài người. Nàng ngồi đối diện anh trước những bức tường tối, đỏ như máu, màu anh không thích, và với mái tóc đen cùng dáng vẻ ấy, thanh mảnh, làn da nâu màu trái olive vì ánh nắng của xứ sở này, nàng gợi anh nhớ đến vợ anh.
Dạo này anh không nghĩ đến vợ, mặc dù anh biết mình vẫn có thể hình dung tất cả cử động của nàng, diễn tả bất cứ khía cạnh nào của nàng, sức nặng của cổ tay nàng trên trái tim anh trong đêm.
Anh ngồi, hai bàn tay dưới mặt bàn, ngắm cô gái ăn. Anh vẫn thích ăn một mình hơn, dù anh luôn ngồi cùng với Hana trong bữa ăn. Sự hợm hĩnh, anh nghĩ. Sự hợm hĩnh của con người. Qua một khung cửa sổ, nàng đã nhìn thấy anh ăn bốc khi anh ngồi trên một trong ba mươi sáu bậc thang bên giáo đường nhỏ, không dao không nĩa, như anh đang học cách ăn của người phương Đông. Trong bộ râu lởm chởm ngả màu muối tiêu, trong cái áo khoác tối màu của anh, rốt cuộc nàng đã nhìn thấy con người Ý trong anh. Càng lúc nàng càng để ý thấy điều này nhiều hơn.
Anh ngắm hình dáng sẫm màu của nàng nổi trên những bức tường nâu đỏ, làn da của nàng, mái tóc sậm màu cắt ngắn. Trước chiến tranh anh đã biết nàng và cha nàng ở Toronto. Lúc ấy anh là một tên trộm, một người đàn ông có vợ, len lỏi qua thế giới anh lựa chọn với một sự tự tin lười lĩnh, sắc sảo khi lừa bọn nhà giàu, hoặc lấy lòng người vợ Giannetta hoặc với cô bé này, con gái của bạn anh.
Nhưng bây giờ, hầu như không còn thế giới chung quanh họ nữa, và họ buộc phải thu về chính mình. Trong những ngày này, nơi thị trấn vùng đồi gần Florence, ở trong nhà qua những ngày mưa, mơ màng trong chiếc ghế bành êm ái duy nhất trong nhà bếp hoặc trên giường hoặc trên mái nhà, anh không có âm mưu nào để tiến hành, chỉ chăm chú đến Hana. Và nàng dường như đã trói mình vào người đàn ông sắp chết trên lầu.
Trong bữa ăn anh ngồi đối diện cô gái và ngắm nàng ăn.
Nửa năm trước, qua cửa sổ cuối dãy hành lang dài trong bệnh viện Santa Chiara ở Pisa, Hana có thể nhìn thấy một con sư tử trắng. Nó đứng một mình trên đỉnh ổ châu mai, cùng màu cẩm thạch trắng với Duomo[17] và Camposanto[18], mặc dù vẻ thô thiển và hình dáng ngây ngô của nó dường như thuộc về một thời đại khác. Như món quà tặng của quá khứ phải được nhận lãnh. Dầu vậy, nàng thích nó nhất trong số những vật chung quanh bệnh viện. Lúc nửa đêm nàng sẽ nhìn qua cửa sổ và biết rằng nó đứng trong vùng bóng tối lúc đèn tắt vào giờ giới nghiêm, rằng giống như nàng, nó sẽ hiện ra vào ca sáng. Nàng sẽ ngước nhìn lên lúc năm giờ hoặc năm rưỡi, rồi lúc sáu giờ, để thấy hình dáng nó dần dần trở nên chi tiết hơn. Nó là tên lính canh mỗi đêm của nàng trong lúc nàng di chuyển giữa những bệnh nhân. Ngay trong giai đoạn bị pháo kích, quân đội vẫn để mặc nó ở đấy, quan tâm nhiều hơn đến những phần khác của khu nhà tuyệt đẹp này - với lý lẽ điên rồ của ngọn tháp nghiêng như một người bị sốc bom đạn.
Những tòa nhà bệnh viện của họ nằm trong khu đất của một tu viện cổ. Đám cây cảnh được những nhà tu quá cẩn thận tỉa xén hàng ngàn năm không còn khép mình trong những dạng thú vật dễ nhận diện, và ban ngày các y tá đẩy xe đưa bệnh nhân qua lại giữa những hình dáng đã mất. Dường như chỉ có đá trắng là vĩnh cửu.
Các y tá cũng bị sốc vì những người chết chung quanh họ. Hoặc vì một vật nhỏ như lá thư. Họ sẽ mang một cánh tay bị cắt lìa đi trong hành lang, hoặc lau máu không hề ngưng chảy, như thể vết thương là một miệng giếng, và họ bắt đầu không tin bất cứ điều gì, không kỳ vọng bất cứ điều gì. Họ vỡ ra theo cách một người đàn ông gỡ mìn vỡ ra vào giây phút chỗ anh ta bùng nổ. Cảm giác đó Hana cũng từng trải qua trong bệnh viện Santa Chiara khi một viên chức đi xuống khoảng trống giữa một trăm giường bệnh và đưa cho nàng lá thư báo tử của cha nàng.
Một con sư tử trắng.
Một thời gian sau nàng gặp bệnh nhân người Anh - người trông như một con thú bị bỏng, đen đúa và cứng đơ, đối với nàng như một hồ nước. Nhiều tháng sau, ông là bệnh nhân cuối cùng của nàng ở villa San Girolamo, cuộc chiến của họ đã chấm dứt, cả hai từ chối không theo những người khác trở về nơi an toàn trong những bệnh viện ở Pisa. Tất cả hải cảng, như Sorrento và Marina di Pisa, bây giờ tràn ngập lính Bắc Mỹ và lính Anh đang đợi trở về nước. Nhưng nàng giặt bộ đồng phục của mình, gấp nó lại và trao cho những cô y tá đang rời đi. Người ta bảo nàng ở nơi khác cuộc chiến chưa kết thúc. Cuộc chiến đã chấm dứt. Cuộc chiến này đã chấm dứt. Cuộc chiến ở đây. Người ta nói làm như thế cũng giống như đào ngũ. Không phải là đào ngũ. Tôi sẽ ở lại đây. Người ta cảnh cáo nàng về những trái mìn chưa được thu dọn, tình trạng thiếu nước và thức ăn. Nàng lên lầu, đến bên người đàn ông bị bỏng, bệnh nhân người Anh, và bảo ông nàng cũng ở lại.
Ông không nói gì, thậm chí không thể quay đầu về phía nàng, nhưng những ngón tay ông luồn vào trong bàn tay trắng trẻo của nàng, và khi nàng cúi xuống bên ông, ông lùa những ngón tay đen đúa vào tóc nàng và cảm nhận mớ tóc mát lạnh giữa những kẽ tay ông.
Cô bao nhiêu tuổi? Hai mươi.
Ông nói có một ông quận công khi sắp chết muốn được mang lên nửa chừng ngọn tháp ở Pisa để khi chết ông có thể nhìn thấy tầm xa trung bình.
Một người bạn của cha tôi muốn chết trong lúc khiêu vũ kiểu Thượng Hải. Tôi không biết đấy là cái gì. Ông ấy cũng mới nghe đến nó thôi.
Cha cô làm nghề gì?
Ông ấy… ông ấy ở trong cuộc chiến. Cô cũng ở trong cuộc chiến.
Nàng không biết gì về ông. Thậm chí sau khoảng một tháng chăm sóc cho ông và chia cho ông những mũi morphine. Thoạt tiên có một nỗi e thẹn trong cả hai người, càng rõ rệt hơn vì bây giờ chỉ còn hai người trong nhà. Thế rồi họ đột nhiên vượt qua nỗi e thẹn ấy. Những bệnh nhân và bác sĩ và y tá và dụng cụ và khăn trải và khăn lau - tất cả đã trở lại xuống đồi vào Florence rồi đến Pisa. Nàng đã để dành thuốc codeine cũng như morphine. Nàng nhìn những chuyến đi, đoàn xe tải nối đuôi nhau. Tạm biệt. Từ cửa sổ phòng ông nàng vẫy tay, khép lại cánh cửa chớp.
Phía sau tòa villa là bức tường đá cao hơn căn nhà. Phía tây của tòa nhà là một khu vườn dài có tường và mái che, và cách đấy hai mươi dặm là thành phố Florence trải ra như tấm thảm, thường biến mất trong màn sương mù của thung lũng. Nghe đồn một ông tướng ở tòa villa Medici cổ xưa bên cạnh đã từng ăn một con chim sơn ca.
Villa San Girolamo, được xây để bảo vệ những người trong nhà tránh ma quỷ, trông như một pháo đài bị vây hãm, chân tay của hầu hết các pho tượng đã bị nổ văng đi trong những ngày pháo kích đầu tiên. Dường như không có bao nhiêu cách biệt giữa căn nhà và cảnh vật, giữa kiến trúc hư hại và những tàn tích trên mặt đất bị pháo kích và thiêu đốt. Đối với Hana, những khu vườn hoang cũng như những căn phòng phía xa. Nàng trồng trọt trong khoảng đất bên rìa những khu vườn, vẫn biết có những trái mìn chưa nổ trong đất. Trong khoảng đất thịt bên cạnh nhà, nàng bắt đầu làm vườn với sự cuồng nhiệt chỉ một người lớn lên ở thành thị mới có được. Dù cho mặt đất bị thiêu cháy, dù cho thiếu nước. Một ngày kia sẽ có lùm cây chanh, những căn phòng sáng màu lá xanh.
Caravaggio vào bếp và thấy Hana đang ngồi khom người xuống bàn. Anh không thể nhìn thấy khuôn mặt nàng hoặc hai cánh tay nàng xếp lại dưới thân mình, chỉ thấy tấm lưng và hai vai trần.
Nàng không bất động hoặc đang ngủ. Với mỗi nhịp thổn thức đầu nàng rung rung trên bàn.
Caravaggio đứng đấy. Người ta mất nhiều năng lượng khi khóc hơn là khi làm những việc khác. Chưa đến bình minh. Khuôn mặt nàng nổi lên trên mặt bàn gỗ thẫm màu.
“Hana”, anh nói, và nàng yên lại như thể nàng có thể ngụy trang bằng yên lặng.
“Hana.”
Nàng bắt đầu rên lên để âm thanh ấy trở thành rào cản giữa họ, dòng sông không ai có thể vượt qua để đến bên nàng.
Thoạt tiên anh không biết có nên chạm vào tấm thân trần của nàng hay không, nói “Hana” rồi đặt bàn tay băng kín của anh lên vai nàng. Nàng vẫn run rẩy. Nỗi buồn sâu đậm nhất, anh nghĩ. Nơi cách duy nhất để tồn tại là đào xới lên tất cả.
Nàng nhổm dậy, vẫn cúi đầu, rồi đứng lên tựa người vào anh như thể đang tự kéo mình khỏi sức hút của cái bàn.
“Đừng đụng vào cháu nếu chú định tìm cách làm tình với cháu.”
Làn da nàng trắng xanh sau lớp váy, y phục duy nhất nàng mặc trong nhà bếp này, như thể nàng đã ngủ dậy, khoác quần áo qua loa rồi ra đây, không khí mát mẻ từ những ngọn đồi vào qua cánh cửa bếp và choàng lên người nàng.
Khuôn mặt nàng đỏ và ướt. “Hana.”
“Chú có hiểu không?”
“Tại sao cháu mến mộ ông ấy quá thế?” “Cháu yêu ông ấy.”
“Cháu không yêu ông ấy, cháu mến mộ ông ấy.” “Chú đi đi, Caravaggio. Cháu xin chú.”
“Vì một lý do nào đấy cháu đã tự buộc mình vào một xác chết.”
“Ông ấy là một vị thánh. Cháu nghĩ thế. Một vị thánh tuyệt vọng. Có những vị thánh tuyệt vọng không nhỉ? Ước vọng của chúng ta là bảo vệ họ.”
“Ông ấy thậm chí cũng không cần biết!” “Cháu có thể yêu ông ấy.”
“Một cô gái hai mươi tuổi ném mình ra khỏi thế giới để yêu một bóng ma!”
Caravaggio ngưng lại một thoáng. “Cháu phải bảo vệ chính mình chống lại nỗi buồn. Nỗi buồn rất gần với sự căm ghét. Để chú nói cho cháu nghe điều này. Đây là điều chú học được. Nếu cháu uống thuốc độc của người khác - nghĩ rằng có thể chữa lành họ bằng cách chia bớt thuốc độc - thay vì chữa được cho họ cháu sẽ chất chứa nó trong người cháu. Những người đàn ông trong sa mạc, họ khôn ngoan hơn cháu. Họ cho rằng ông ta có thể là hữu dụng. Vì thế họ cứu ông ta, nhưng khi ông ta không còn hữu dụng nữa, họ rời bỏ ông ta.”
“Để cho cháu yên.”
Khi nàng chỉ có một mình, nàng sẽ ngồi, nhận thức được mối dây thần kinh ở cổ chân nàng, ẩm ướt vì lớp cỏ cao trong vườn cây ăn trái. Nàng lột vỏ một trái mận nàng tìm được trong vườn và mang theo trong túi áo đầm bằng vải đậm màu của nàng. Khi nàng một mình, nàng thử tưởng tượng xem ai sẽ đến theo con đường cổ xưa dưới tàng lá xanh của mười tám cây bách.
Khi ông người Anh thức, nàng cúi xuống người ông và đặt một phần ba trái mận vào miệng ông. Miệng ông há ra giữ lấy nó như giữ nước, quai hàm không cử động. Ông có vẻ như sắp khóc vì lạc thú này. Nàng có thể cảm thấy ông đang nuốt trái mận xuống.
Ông giơ tay lên chùi những giọt mận cuối cùng trên môi lưỡi ông không liếm đến, rồi đặt ngón tay vào miệng mút. Để tôi kể cho cô nghe về mận, ông nói. Lúc tôi còn bé…
Sau những đêm đầu tiên, sau khi hầu hết giường đã bị dùng làm củi đốt cho đỡ lạnh, nàng đã lấy cái võng của một người đàn ông đã chết và bắt đầu sử dụng nó. Nàng sẽ đóng cọc vào bất cứ vách tường nào nàng muốn, bất cứ phòng nào nàng muốn thức dậy trong ấy, lơ lửng trên tất cả sự bẩn thỉu và thuốc nổ và nước trên sàn nhà, lũ chuột cống bắt đầu xuất hiện, xuống từ tầng ba. Mỗi đêm nàng leo vào chiếc bóng mờ màu khaki của cái võng nàng đã lấy của một người lính đã chết, một người chết trong sự chăm sóc của nàng.
Đôi giày tennis và cái võng. Đấy là những gì nàng lấy của người khác trong cuộc chiến này. Nàng sẽ thức giấc dưới vạt trăng lướt qua trên trần nhà, quấn mình trong cái áo sơ mi cũ nàng mặc khi ngủ, chiếc áo đầm của nàng treo trên cái đinh cạnh cửa. Bây giờ trời ấm hơn, nàng có thể ngủ như thế này. Trước kia, trời lạnh, họ phải đốt đồ vật.
Cái võng và đôi giày của nàng và áo đầm của nàng. Nàng yên ổn trong thế giới thu nhỏ nàng đã tạo dựng; hai người đàn ông dường như là hai tinh cầu xa xôi, mỗi người ở trong một vầng ký ức và cô đơn của riêng họ. Caravaggio, người bạn thích giao du của cha nàng ở Canada, ngày ấy có khả năng đứng yên mà vẫn gây sóng gió trong đoàn phụ nữ anh dường như đã cống hiến cuộc đời cho. Bây giờ anh nằm trong bóng tối của mình. Anh đã từng là một tên trộm không chịu làm việc với đàn ông, vì anh không tin cậy họ, anh nói chuyện với đàn ông nhưng thích nói chuyện với phụ nữ hơn, và khi anh bắt đầu nói chuyện với phụ nữ anh sẽ bị vướng vào lưới tình rất nhanh. Khi nàng lẻn về nhà buổi sáng sớm, nàng sẽ gặp anh nằm ngủ trên ghế bành của cha nàng, mệt nhoài vì những vụ trộm trong nghề nghiệp cũng như riêng tư.
Nàng nghĩ về Caravaggio - có những người mà bạn phải ôm chặt lấy, bằng cách này hay cách khác, phải cắn vào sớ thịt, để giữ tỉnh táo khi bên họ. Bạn phải túm tóc họ, nắm chặt nó như người sắp chết đuối để họ kéo bạn vào giữa họ. Nếu không, khi họ bước thong dong trên đường về phía bạn, gần như sắp vẫy tay, họ sẽ vọt qua tường rồi biến mất trong nhiều tháng. Lúc anh là ông chú, anh là người hay biến mất.
Caravaggio sẽ khiến bạn xao lòng chỉ đơn giản bằng cách ôm choàng bạn vào trong hai cánh tay, đôi cánh của anh. Với anh, bạn sẽ luôn có cảm giác được che chở. Nhưng bây giờ anh nằm trong bóng tối, cũng như nàng, ở một góc xa nào đấy của căn nhà. Caravaggio ở đấy. Và ông người Anh ở đấy.
Suốt cuộc chiến, với những bệnh nhân trong tình trạng tệ nhất, nàng tồn tại được bằng cách ẩn giấu một sự lạnh lùng trong vai trò y tá của nàng. Mình sẽ vượt qua. Mình sẽ không sụp đổ vì chuyện này. Đây là những câu được chôn kín trong suốt cuộc chiến của nàng, qua những thị trấn họ âm thầm đến và xuyên qua, Urbino, Anghiari, Monterchi, cho đến khi họ vào Florence, rồi đi xa hơn, và cuối cùng đến một đại dương khác gần Pisa.
Nàng đã nhìn thấy bệnh nhân người Anh trong bệnh viện Pisa lần đầu tiên. Một người đàn ông không có khuôn mặt. Một cái hồ màu gỗ mun. Tất cả mọi thứ để nhận diện đã bị hủy hoại trong một đám cháy. Nhiều phần thân thể và khuôn mặt bị bỏng của ông đã được phun acid tannic, chất acid cứng lại thành lớp vỏ bảo vệ làn da lột của ông. Quanh mắt ông phủ một lớp thuốc tím dày. Không còn gì trên cơ thể ông còn lành lặn.
Đôi khi nàng gom nhiều tấm chăn, nằm bên dưới chúng, thích sức nặng của chúng hơn là hơi ấm chúng mang lại. Khi ánh trăng lướt trên trần nhà, nó đánh thức nàng, và nàng nằm trên võng, tâm trí lan man. Nàng khám phá ra rằng nghỉ ngơi thay vì ngủ là một trạng thái thật sự dễ chịu. Nếu nàng là một người viết, nàng sẽ gom bút chì và sổ tay và con mèo ưa thích rồi viết trên giường. Kẻ lạ cũng như người tình sẽ không bao giờ qua được cánh cửa khóa.
Nghỉ ngơi là nhận lấy tất cả sắc thái của thế giới, không phán đoán. Tắm ở biển, làm tình với một người lính chẳng hề biết tên bạn. Niềm dịu dàng đối với những thứ không biết và không tên, cũng là niềm dịu dàng với bản thân.
Hai chân nàng cử động dưới sức nặng của những tấm chăn quân đội. Nàng bơi trong lớp len như bệnh nhân người Anh chuyển động trong lá nhau bằng vải của ông.
Điều nàng thiếu thốn ở đây là buổi hoàng hôn thong thả, tiếng những cây cối quen thuộc. Suốt thời niên thiếu ở Toronto nàng đã học cách đọc một đêm hè. Đấy là nơi nàng có thể là chính mình, nằm trên giường, nửa mê nửa tỉnh bước ra cầu thang cứu hỏa với con mèo ôm trong tay.
Trong thời thơ ấu, Caravaggio là lớp học của nàng. Anh đã dạy nàng nhào lộn. Giờ đây, hai tay luôn đút túi, anh chỉ ra dấu bằng vai. Ai biết được cuộc chiến đã buộc anh phải sống ở xứ sở nào. Nàng được huấn luyện ở bệnh viện Đại học Nữ rồi được gửi ra ngoại quốc trong cuộc tấn công Sicily. Đấy là năm 1943. Sư đoàn Bộ binh Thứ nhất của Canada tiến lên phía bắc Ý, những thân thể bị tàn phá được gửi về các bệnh viện dã chiến như bùn đất người đào hầm chuyền ngược lại trong bóng tối. Sau trận chiến Arezzo, khi đợt quân đầu tiên lùi lại, thương binh của trận chiến bao quanh nàng ngày đêm. Sau ba ngày liền không nghỉ, cuối cùng nàng nằm xuống trên sàn nhà cạnh một tấm nệm có người nằm chết và ngủ mười hai tiếng, nhắm mắt với mọi sự trên thế gian.
Khi nàng tỉnh giấc, nàng lấy một cây kéo trong cái tô sứ, khom người và cắt tóc mình, không cần biết chiều dài hay dáng vẻ, chỉ cắt nó đi - trong trí nàng vẫn còn nỗi khó chịu vì mái tóc trong những ngày trước đây - khi nàng cúi xuống và tóc nàng chạm vào máu trong một vết thương. Sẽ không còn thứ gì nối liền hoặc ràng buộc nàng với cái chết. Nàng nắm những sợi tóc còn lại để chắc chắn không còn lọn tóc dài nào, rồi một lần nữa quay lại đối diện những căn phòng ngập người bị thương.
Nàng không bao giờ soi gương nữa. Khi cuộc chiến khốc liệt hơn, nàng nhận được tin về những người nàng từng biết, rằng họ đã chết ra sao. Nàng sợ một ngày kia nàng sẽ lau máu trên mặt một bệnh nhân và nhận ra đó là cha nàng hoặc một người từng trao thức ăn cho nàng qua một quầy hàng ở đại lộ Danforth. Nàng trở nên gay gắt với chính mình, với bệnh nhân. Lẽ phải là điều duy nhất có thể cứu họ, và lẽ phải không còn nữa. Hàn thử biểu máu chuyển lên hướng bắc của xứ sở. Giờ đây Toronto là cái gì và ở đâu trong trí nàng? Đây là một tấn kịch opera bất trắc. Con người trở nên chai đá với những người chung quanh họ - quân lính, bác sĩ, y tá, thường dân. Hana cúi gần hơn những vết thương nàng chăm sóc, miệng nàng thì thào với những người lính.
Ai nàng cũng gọi là “Bạn”, và cười bài hát có câu:
Mỗi lần tôi tình cờ gặp Franklin D. Ông luôn nói “Chào Bạn” với tôi[19].
Nàng lau những cánh tay không ngừng chảy máu. Nàng lấy ra nhiều miểng đạn đến nỗi nàng cảm thấy nàng đã vận chuyển cả tấn kim loại ra ngoài thân thể khổng lồ của con người nàng chăm sóc trong lúc đoàn quân đi về phía bắc. Một đêm, khi một trong những bệnh nhân chết đi, nàng bất chấp tất cả luật lệ, lấy đôi giày tennis anh ta đem theo trong ba lô mang vào chân mình. Nó hơi lớn đối với nàng nhưng nàng thấy dễ chịu.
Khuôn mặt nàng gầy hơn, rắn rỏi hơn, khuôn mặt sau này Caravaggio sẽ gặp. Nàng gầy ốm, phần nhiều là vì mệt mỏi. Lúc nào nàng cũng đói, và nhận ra rằng nàng mệt mỏi đến phát cáu nếu nàng cho bệnh nhân ăn mà bệnh nhân ấy không ăn được hoặc không muốn ăn. Nàng nhìn bánh mì vỡ vụn, súp nguội dần, những món nàng thèm được nuốt chửng. Nàng không muốn thức gì lạ, chỉ là bánh mì, thịt. Một trong những thị trấn có khu làm bánh mì gắn liền với bệnh viện, và trong lúc rảnh rỗi nàng đi qua lại giữa những lò bánh, hít thở đám bụi và lời hứa hẹn thức ăn. Sau đó, khi họ ở phía đông của Rome, có người tặng nàng một đóa hoa hướng dương.
Nàng thấy lạ khi ngủ trong thánh đường, hoặc tu viện, hoặc bất cứ nơi nào người bị thương trú lại, vẫn di chuyển lên phía bắc. Nàng gỡ lá cờ nhỏ bằng bìa cứng ra khỏi chân giường khi có ai chết, để những người hộ lý liếc nhìn từ xa cũng biết. Rồi nàng sẽ rời tòa nhà bằng đá dày và bước ra ngoài, vào mùa xuân hoặc đông hoặc hè, những tiết mùa dường như đã cổ lỗ, ngồi như những ông già suốt cuộc chiến.
Nàng sẽ bước ra ngoài bất kể thời tiết. Nàng muốn khí trời không có mùi con người, muốn ánh trăng cho dù nó đến cùng mưa bão.
Chào Bạn, tạm biệt Bạn. Sự chăm sóc thật ngắn ngủi. Hợp đồng chỉ có hạn đến cái chết. Không có điều gì trong linh hồn hoặc quá khứ của nàng dạy cho nàng biết làm y tá là như thế nào. Nhưng cắt đi mái tóc của nàng là một hợp đồng, và nó có hiệu lực cho đến khi họ đóng quân ở villa San Girolamo ở phía bắc Florence. Ở đấy có bốn y tá khác, hai bác sĩ, một trăm bệnh nhân. Cuộc chiến ở Ý đã di chuyển xa hơn lên phía bắc và họ là những người ở lại.
Thế rồi, trong cuộc ăn mừng một chiến thắng địa phương nào đấy, vẫn nhuốm vẻ u buồn trong thị trấn vùng đồi này, nàng nói nàng sẽ không về lại Florence hoặc Rome hoặc bệnh viện nào khác, cuộc chiến của nàng đã kết thúc. Nàng sẽ ở lại với một người bị bỏng họ gọi là “bệnh nhân người Anh”, bây giờ nàng nhận ra họ không nên di chuyển ông vì chân tay ông quá yếu. Nàng sẽ đắp cây cà dược lên mắt ông, rửa nước muối cho những vết sẹo và những vết bỏng nặng. Người ta bảo nàng bệnh viện không an toàn - tu viện nữ từng là phòng tuyến của quân Đức trong nhiều tháng, mục tiêu để quân Đồng Minh bắn đạn pháo và pháo sáng. Người ta sẽ không để lại thứ gì cho nàng, bọn cướp sẽ không để nàng yên. Nàng vẫn không chịu đi, cởi bộ đồng phục y tá, lấy cái áo đầm màu nâu in hoa nàng đem theo bao nhiêu tháng trường, mặc chiếc áo ấy và mang đôi giày tennis. Nàng rời bỏ cuộc chiến. Nàng đã chuyển dịch tới lui theo ý họ. Nàng sẽ ngồi trong tòa villa này với ông người Anh cho đến khi những bà sơ đòi lại chỗ. Ông có một điều gì đấy nàng muốn hiểu rõ, hòa nhập vào, ẩn mình bên trong, nơi nàng có thể chối bỏ vai trò một người trưởng thành. Có một điệu luân vũ nho nhỏ trong cách ông nói với nàng và cách ông suy nghĩ. Nàng muốn cứu ông, người đàn ông không tên, gần như không có khuôn mặt, một trong khoảng hai trăm người được giao cho nàng chăm sóc trong cuộc bắc tiến.
Trong cái áo đầm in hoa, nàng rời buổi liên hoan. Nàng vào căn phòng nàng ở chung với những y tá khác và ngồi xuống. Trong lúc nàng ngồi đấy, một vật lấp lánh chiếu vào mắt nàng, và nàng nhìn thấy một cái gương tròn nhỏ. Nàng chậm chạp đứng dậy và đến bên cái gương. Nó bé xíu, dù vậy dường như là một vật xa xỉ. Nàng đã không chịu soi gương hơn một năm, chỉ thỉnh thoảng nhìn bóng mình trên tường. Chiếc gương chỉ soi được một bên má nàng, nàng phải đưa nó ra xa một tầm tay, bàn tay nàng run run. Nàng ngắm chân dung nhỏ bé của mình tựa như lồng trong một cây trâm cột tóc. Nàng đấy. Ngoài cửa sổ là tiếng bệnh nhân, ngồi trong ghế của họ, được mang ra sưởi nắng, reo cười cùng nhân viên bệnh viện. Trong nhà chỉ còn những người bệnh nặng. Nàng mỉm cười với ý nghĩ đó. Chào Bạn, nàng nói. Nàng chăm chú nhìn dáng vẻ của mình, cố tự nhận diện.
Giữa Hana và Caravaggio là bóng tối khi họ đi dạo trong vườn. Giờ đây anh bắt đầu nói bằng giọng kéo dài chậm rãi quen thuộc.
“Đấy là một buổi liên hoan sinh nhật của ai đó vào đêm khuya trên đại lộ Danforth. Tiệm ăn Loài Bò Sát Đêm. Cháu có nhớ không, Hana? Mỗi người phải đứng lên ca một bài. Cha cháu, chú, Giannetta, bạn bè, rồi cháu nói cháu cũng muốn hát - lần đầu tiên. Lúc ấy cháu còn đi học, cháu học được bài hát ấy trong lớp Pháp ngữ.
Cháu trịnh trọng đứng trên băng ghế rồi bước một bước lên cái bàn gỗ, giữa những cái đĩa và những ngọn nến đang cháy.
‘Alonson fon![20]’
Cháu hát to lên, tay trái của cháu đặt lên trái tim mình.
Alonson fon! Có đến nửa số người ở đấy chẳng biết cháu đang hát cái quái gì, và có lẽ cháu không biết chính xác ý nghĩa lời hát, nhưng cháu biết bài hát nói về cái gì.
Làn gió nhẹ từ cửa sổ lay động váy đầm của cháu, khiến nó suýt chạm vào một ngọn nến, trong quán hai cổ chân cháu dường như màu trắng trong. Mắt cha cháu ngước nhìn cháu, kỳ diệu trong ngôn ngữ mới này, lòng nhiệt tâm tuôn ra thật rõ ràng, toàn bích, không ngần ngại, những ngọn nến chao đi, tưởng như chạm vào áo đầm của cháu. Cuối bài hát, chúng tôi đứng lên, cháu bước xuống bàn vào vòng tay của cha cháu.”
“Cháu sẽ tháo lớp băng bọc tay chú. Cháu là y tá, chú biết đấy.”
“Chú thấy lớp băng dễ chịu. Như lớp găng tay.” “Chuyện này xảy ra như thế nào.”
“Chú bị bắt khi đang nhảy xuống từ cửa sổ phòng của một phụ nữ. Người phụ nữ chú kể cho cháu nghe, người chụp hình chú. Không phải là lỗi của cô ta.”
Nàng ghì chặt cánh tay anh, nắn bóp bắp thịt. “Để cháu làm.” Nàng kéo hai bàn tay băng bó của anh ra khỏi túi áo khoác anh đang mặc. Nàng đã từng nhìn thấy chúng, màu xám trong ánh sáng ban ngày, nhưng trong ánh sáng này chúng gần như rực lên.
Khi nàng nới lỏng lớp băng, anh bước lùi lại, lớp băng trắng tuôn ra từ hai cánh tay như thể anh là nhà ảo thuật, cho đến khi anh không còn mảnh băng nào nữa. Nàng bước về phía ông chú thời thơ ấu, thấy mắt anh hy vọng gặp mắt nàng để hoãn lại điều này, vì thế nàng chỉ nhìn mắt anh thôi.
Hai tay anh chụm lại như một cái chén bằng da thịt người. Nàng với tay nắm lấy chúng khi mặt nàng ngước lên má anh, rồi dụi vào cổ anh. Tay anh trong tay nàng có vẻ chắc chắn, đã lành hẳn.
“Thú thực với cháu là chú phải thương lượng để chúng thôi cắt xẻo chú.”
“Chú làm thế nào?”
“Tất cả tài năng chú có trước kia.”
“Ồ, cháu nhớ rồi. Đừng, chú đừng cử động. Chú đừng dang ra.”
“Kết thúc của một cuộc chiến quả là khoảng thời gian lạ lùng.”
“Vâng. Một giai đoạn điều chỉnh.” “Đúng.”
Anh giơ hai tay lên như để hứng lấy vầng trăng thượng tuần.
“Chúng cắt cả hai ngón tay cái, Hana ạ. Xem này.”
Anh giơ hai bàn tay ra trước mặt nàng. Cho nàng thấy trực tiếp điều nàng đã thoáng nhìn thấy. Anh ngửa một bàn tay lên như chứng tỏ đây không phải là trò bịp, rằng chỗ nhìn giống như một cái mang cá là nơi ngón tay cái đã bị cắt đi. Anh đưa bàn tay đến áo nàng.
Nàng cảm thấy lớp vải ở khoảng dưới vai nàng bị nâng lên khi anh dùng hai ngón tay nhấc và kéo nhẹ nó về phía anh.
“Chú sờ vải như thế này đây.”
“Khi còn nhỏ cháu vẫn nghĩ chú như là Scarlet Pimpernel[21], và cháu đã nằm mơ được bước lên những mái nhà ban đêm cùng với chú. Chú về nhà với những món ăn nguội trong túi áo, hộp bút chì, bản nhạc từ một cây đàn dương cầm trong khu Forest Hill[22] cho cháu.”
Nàng nói với bóng tối của khuôn mặt anh, một bóng lá lướt ngang miệng anh như lớp ren của một người phụ nữ giàu có. “Chú thích đàn bà, phải không? Chú đã thích họ.”
“Chú thích họ. Tại sao cháu dùng thì quá khứ?”
“Chuyện ấy bây giờ dường như không quan trọng, vì cuộc chiến và những thứ đại loại như thế.”
Anh gật đầu và bóng lá trượt khỏi anh.
“Chú vẫn thường như những nghệ sĩ chỉ vẽ về đêm, một ngọn đèn sáng duy nhất trên con đường nhà họ. Như những người bắt giun buộc lon cà phê cũ vào cổ chân, ánh đèn trên mũ hắt xuống mặt cỏ. Khắp các công viên thành phố.
Chú dẫn cháu đến chỗ ấy, quán cà phê chỗ họ bán giun. Chú nói chỗ ấy giống như thị trường chứng khoán, giá giun lên xuống liên tục, năm xu, mười xu. Người ta bị phá sản hoặc làm giàu. Chú nhớ không?”
“Nhớ.”
“Trời đang trở lạnh, chú đi về với cháu nhé.”
“Những tên móc túi lỗi lạc, bẩm sinh đã có ngón tay thứ hai và thứ ba dài gần như nhau. Họ không cần thò tay quá sâu vào túi. Khoảng cách chỉ hơn một phân mà thật xa vời!”
Họ đi dưới hàng cây về phía căn nhà. “Ai đã làm chú như thế?”
“Chúng tìm ra một người phụ nữ để làm chuyện ấy. Chúng nghĩ như thế sẽ gọn gàng hơn. Chúng đưa một y tá của chúng vào. Hai cổ tay chú bị còng vào chân bàn. Khi chúng cắt đi hai ngón cái, hai tay chú tuột ra khỏi còng không cần chút sức lực. Như ước nguyện trong cơn mơ. Nhưng gã đàn ông gọi cô ta vào, hắn thật sự có quyền - hắn là đầu sỏ. Ranuccio Tommasoni. Cô ta là người vô tội, không biết gì về chú, tên tuổi hoặc quốc tịch hoặc chú có thể đã từng làm gì.”
Khi họ vào trong nhà, bệnh nhân người Anh đang la hét. Hana buông Caravaggio và anh nhìn nàng chạy lên thang lầu, đôi giày tennis của nàng ẩn hiện trong lúc nàng lên cao và xoay vòng theo lan can.
Tiếng hét tràn ngập hành lang. Caravaggio vào bếp, bẻ một khúc bánh mì rồi theo Hana lên lầu. Khi anh đến gần căn phòng, tiếng hét trở nên cuống quýt hơn. Lúc anh bước vào căn phòng ngủ, ông người Anh đang nhìn chằm chằm một con chó - đầu nó ngửa ra sau như kinh ngạc vì tiếng hét. Hana nhìn sang Caravaggio và nhoẻn cười.
“Đã bao nhiêu năm cháu không thấy con chó nào. Suốt cuộc chiến cháu không thấy một con chó nào.”
Nàng cúi người ôm con vật, ngửi lông nó và mùi cỏ trên đồi trong ấy. Nàng hướng con chó về phía Caravaggio, anh đang giơ phần đuôi bánh mì cho nó. Lúc ấy ông người Anh trông thấy Caravaggio và há hốc miệng. Chắc hẳn đối với ông dường như con chó - giờ đây khuất sau lưng Hana -đã biến thành một người đàn ông. Caravaggio ôm con chó trong hai cánh tay và rời phòng.
Tôi nghĩ, bệnh nhân người Anh nói, rằng phòng này phải là phòng của Poliziano[23]. Tòa villa chúng ta đang ở hẳn phải là của ông ấy. Nước quả thật chảy ra từ trong bức tường kia, từ vòi phun nước cổ xưa ấy. Đây là một căn phòng nổi tiếng. Tất cả bọn họ đã gặp gỡ ở đây.
Nó đã là bệnh viện, nàng bình thản nói. Trước đấy lâu lắm nó là một tu viện nữ. Rồi quân lính chiếm lấy nó.
Tôi nghĩ đây là villa Bruscoli. Poliziano - một người tài ba được Lorenzo[24] bảo trợ. Tôi đang nói đến năm 1483. Ở Florence, trong nhà thờ Santa Trinità, cô có thể thấy tranh họa dòng họ Medici với Poliziano ở cận cảnh, mặc một cái áo choàng đỏ. Một người lỗi lạc, ghê gớm. Một thiên tài phấn đấu để lọt vào giới thượng lưu.
Đã quá nửa đêm lâu rồi, và một lần nữa ông rất tỉnh ngủ.
Được rồi, kể cho tôi nghe đi, nàng nghĩ, hãy mang tôi đến một nơi nào khác. Tâm trí nàng vẫn còn nghĩ đến hai bàn tay của Caravaggio, giờ này có lẽ anh đang cho con chó hoang ăn một món lấy từ nhà bếp của villa Bruscoli, nếu quả thật đấy là cái tên của tòa villa.
Đấy là một cuộc đời đẫm máu. Dao găm và chính trị và mũ cao ba tầng và vớ dài độn và tóc giả. Tóc giả bằng lụa! Dĩ nhiên Savonarola[25] đến sau, nhưng không muộn lắm, rồi trận Lửa Thiêu Phù Hoa[26] của ông. Poliziano dịch Homer. Ông viết một bài thơ rất hay về Simonetta Vespucci, cô có biết bà ta không?
Không, Hana vừa cười vừa nói.
Khắp Florence có tranh họa bà ta. Chết vì bệnh lao phổi năm hai mươi ba tuổi. Ông khiến bà nổi tiếng với bài thơ Le Stanze per la Giostra[27], rồi Botticelli[28] vẽ những cảnh trong ấy.
Leonardo[29] vẽ những cảnh trong ấy. Mỗi ngày Poliziano giảng dạy hai giờ bằng tiếng Latin vào buổi sáng, hai giờ bằng tiếng Hy Lạp vào buổi chiều. Ông có một người bạn tên là Pico della Mirandola, một người giao thiệp rộng, tính tình phóng túng, đột nhiên thay đổi và đi theo Savonarola.
Đấy là tên gọi thân mật của tôi lúc tôi còn bé. Pico. Vâng, tôi nghĩ rất nhiều chuyện đã xảy ra ở đây. Bồn nước phun trong tường này. Pico và Lorenzo và Poliziano và chàng trai trẻ Michelangelo. Một tay họ nắm thế giới cũ, tay kia nắm thế giới mới. Thư viện săn tìm cho được bốn cuốn sách cuối cùng của Cicero[30]. Họ nhập cảng một con hươu cao cổ, một con tê giác, một con chim dodo. Toscanelli[31] vẽ bản đồ thế giới dựa trên thư từ với những thương nhân. Họ ngồi trong phòng này với bức tượng bán thân của Plato và tranh cãi cả đêm.
Rồi tiếng thét của Savonarola đến từ đường phố: “Sám hối đi! Hồng thủy sắp đến rồi!”. Và tất cả bị cuốn đi - quyền tự do chọn lựa, khát vọng vẻ thanh lịch, danh tiếng, quyền được sùng bái Plato cũng như sùng bái Chúa Jesus. Giờ đây trận lửa thiêu đến - tóc giả, sách, da thú, bản đồ bị thiêu hủy. Hơn bốn trăm năm sau, họ mở những ngôi mộ. Xương của Pico còn. Xương của Poliziano đã tan thành tro bụi.
Hana lắng nghe trong lúc ông người Anh lật trang cuốn sách cũ của ông, đọc tài liệu từ những cuốn sách khác dán vào - về những tấm bản đồ quan trọng mất đi trong ngọn lửa, tượng Plato bị thiêu hủy, đá cẩm thạch của tượng bị bong từng lớp vì sức nóng, những vết nứt cắt ngang tri thức như những tiếng vang rền qua thung lũng trong lúc Poliziano đứng trên những ngọn đồi cỏ cảm nhận tương lai. Pico ở đâu đấy dưới kia, trong hầm mộ màu xám của mình, nhìn mọi chuyện bằng con mắt thứ ba của cứu rỗi.
Anh đổ chút nước vào một cái tô cho con chó. Một con chó lai tạp, già hơn cuộc chiến.
Anh ngồi xuống với bình rượu các tu sĩ ở tu viện đã cho Hana. Đây là nhà của Hana và anh cử động cẩn thận, không sắp xếp lại thứ gì. Anh để ý sự tao nhã của nàng trong những đóa hoa dại nho nhỏ, chút quà nàng trao tặng chính mình. Ngay trong khu vườn um tùm anh cũng bắt gặp một khoảnh đất khoảng ba tấc vuông, trong ấy cỏ được cắt tỉa bằng cây kéo y tá của nàng. Nếu anh trẻ hơn chắc anh sẽ phải lòng những điều này.
Anh không còn trẻ nữa. Nàng nhìn thấy anh như thế nào? Với những vết thương, người thiếu thăng bằng, những lọn tóc ngả xám sau gáy. Anh chưa bao giờ hình dung mình là người có ý thức về tuổi tác và sự khôn ngoan. Họ đều đã già đi, nhưng anh vẫn chưa cảm thấy anh có được sự khôn ngoan đi cùng với tuổi tác.
Anh cúi người nhìn con chó uống nước, không kịp giữ thăng bằng, nắm chặt cái bàn, làm đổ bình rượu.
Tên anh là David Caravaggio, đúng không?
Chúng đã còng anh vào mấy cái chân to của một cái bàn gỗ sồi. Có một lần anh ôm cái bàn đứng dậy, bàn tay trái của anh chảy máu ròng ròng, rồi ngã xuống khi cố mang cái bàn chạy qua cánh cửa mỏng. Người phụ nữ ngừng tay, bỏ con dao xuống, không chịu làm tiếp. Ngăn kéo bàn tuột ra, rớt trên ngực anh cùng tất cả mọi vật bên trong, và anh nghĩ không chừng có một khẩu súng anh có thể dùng. Rồi Ranuccio Tommasoni cầm con dao cạo lên và đến bên anh. Caravaggio, đúng không? Hắn vẫn chưa chắc chắn.
Trong khi anh nằm dưới gầm bàn, máu từ hai bàn tay chảy xuống mặt anh, anh bỗng trở nên sáng suốt và tuột cái còng ra khỏi chân bàn, ném cái ghế đi để nhấn chìm cơn đau rồi nghiêng sang trái để bước ra khỏi cái còng kia. Giờ đây chỗ nào cũng có máu. Hai tay anh đã thành vô dụng. Nhiều tháng sau đó anh thấy mình chỉ nhìn ngón tay cái của người khác, như thể chuyện xảy ra đã biến đổi anh bằng cách làm nảy sinh ghen tỵ. Nhưng sự kiện ấy đã làm anh già đi, như thể trong đêm anh bị khóa vào cái bàn, chúng đã đổ một dung dịch vào người anh và làm anh trì trệ.
Anh choáng váng đứng dậy cạnh con chó, phía trên mặt bàn ướt đẫm rượu vang đỏ. Hai tên lính gác, người phụ nữ, Tommasoni, những cái điện thoại reo, reo mãi, ngắt ngang Tommasoni, hắn đặt con dao cạo xuống, mỉa mai nói nhỏ Xin lỗi và nhấc điện thoại bằng bàn tay dính máu, lắng nghe. Anh nghĩ anh đã không nói điều gì quan trọng với chúng. Nhưng chúng đã để cho anh đi, thế nên không chừng anh đã lầm.
Thế rồi anh đi dọc theo Via di Santo Spirito đến một địa điểm anh giấu kín trong óc. Đi qua giáo đường Brunelleschi về hướng thư viện của Học viện Đức quốc, nơi anh biết một người sẽ chăm lo cho anh. Bỗng nhiên anh nhận ra đây là lý do chúng để cho anh đi. Để anh tự do đi sẽ lừa được anh và khiến anh để lộ người liên lạc này. Anh vòng sang một con đường nhỏ, không nhìn lại, không hề nhìn lại. Anh muốn có một ngọn lửa trên đường để anh cầm máu vết thương, hong vết thương trên khói từ vạc hắc ín để khói đen bao phủ hai tay anh. Anh đang ở trên cầu Santa Trinità. Không có ai trên đường, không xe cộ qua lại, điều ấy khiến anh ngạc nhiên. Anh ngồi trên thành cầu trơn láng, rồi nằm xuống. Không một tiếng động. Trước đấy, lúc anh bước đi, hai tay trong túi áo ướt, có nhiều xe tăng và xe jeep chạy loạn xạ.
Trong khi anh nằm đấy, cây cầu bị gài mìn bùng nổ, anh bị hất tung lên cao rồi rớt xuống như thể ngày tận thế đang xảy ra. Anh mở mắt và bên cạnh anh là một cái đầu khổng lồ. Anh hít vào và ngực anh ngập đầy nước. Anh đang ở dưới nước. Một cái đầu có râu bên cạnh anh trong vùng nước cạn của sông Arno. Anh với tay về hướng cái đầu nhưng thậm chí không đẩy nổi nó. Ánh sáng đang đổ xuống dòng sông. Anh bơi lên mặt nước, nhiều khoảng sông đang bốc cháy.
Khi anh kể câu chuyện với Hana tối hôm ấy, nàng nói, “Họ ngưng tra tấn chú vì quân Đồng Minh đang đến. Quân Đức đang rút khỏi thành phố, nổ sập các cây cầu trong lúc bỏ đi”.
“Chú không biết. Có lẽ chú đã nói hết cho chúng nghe. Cái đầu đó của ai nhỉ? Điện thoại gọi đến phòng ấy liên tục. Sẽ có một khoảng im lặng, và tên đó lùi ra xa chú, và tất cả bọn chúng sẽ nhìn hắn nhận điện thoại, lắng nghe sự im lặng của giọng nói kia, giọng nói bọn chú không thể nghe thấy. Giọng của ai thế? Đầu của ai đây?”
“Bọn chúng đang rút lui, David.”
Nàng mở cuốn Người Mohican cuối cùng đến trang trống cuối cuốn sách và bắt đầu viết vào đấy.
Có một người đàn ông tên là Caravaggio, bạn của cha tôi. Tôi vẫn luôn yêu mến ông. Ông lớn tuổi hơn tôi, tôi nghĩ khoảng bốn mươi lăm. Ông đang ở trong một thời kỳ tăm tối, thiếu tự tin. Vì một lý do nào đấy tôi được người bạn này của cha tôi chăm sóc.
Nàng gấp sách lại rồi bước vào thư viện và giấu nó trên một trong những dãy kệ cao.
Ông người Anh đang ngủ, thở bằng miệng như mọi khi, dù ngủ hay thức. Nàng rời ghế đứng dậy, nhẹ nhàng rút ngọn nến đang cháy ra khỏi hai tay ông. Nàng bước đến cửa sổ, thổi tắt ngọn nến ở đấy, để khói bay ra ngoài phòng. Nàng không thích ông nằm đấy với ngọn nến trong tay, mô phỏng dáng người chết, không để ý đến lớp sáp đang chảy xuống cổ tay. Như thể ông đang tự chuẩn bị, như thể ông muốn lẻn vào cái chết của chính mình bằng cách mô phỏng sắc thái và ánh sáng của nó.
Nàng đứng bên cửa sổ, những ngón tay nàng siết và giật tóc trên đầu mình. Trong bóng tối, trong bất kỳ ánh sáng nào sau hoàng hôn, bạn có thể cắt một mạch máu và máu sẽ có màu đen.
Nàng cần ra khỏi phòng. Bỗng dưng nàng cảm thấy tù túng, không mệt. Nàng sải bước trong hành lang, nhảy xuống những bậc thang, ra hàng hiên của tòa villa, rồi nhìn lên, như thể cố gắng nhìn rõ hình dáng cô gái nàng vừa bỏ lại. Nàng vào lại trong tòa nhà. Đẩy cánh cửa cứng vồng lên vì ướt, nàng vào thư viện và tháo những tấm ván niêm trên hai cánh cửa kiểu Pháp phía cuối phòng, mở cửa ra, để không khí ban đêm lọt vào phòng. Nàng không biết Caravaggio đang ở đâu. Dạo này anh ra ngoài hầu như mỗi đêm, thường trở về trước bình minh vài giờ. Dù sao chăng nữa, không thấy bóng dáng anh đâu.
Nàng nắm tấm vải màu xám phủ trên cây đàn dương cầm và vừa bước về một góc phòng vừa kéo nó theo, một tấm khăn liệm, một tấm lưới cá.
Không có ánh sáng. Nàng nghe một tiếng sấm rền xa xa.
Nàng đang đứng trước cây đàn dương cầm. Không nhìn xuống, nàng hạ thấp hai tay và bắt đầu chơi đàn, chỉ những hợp âm, rút gọn giai điệu chỉ còn khung nhạc. Nàng ngưng lại sau mỗi hợp âm, như đang rút tay ra khỏi nước để xem mình đã bắt được gì, rồi tiếp tục, đặt xuống những âm chính của điệu nhạc. Những ngón tay nàng chậm lại hơn nữa. Mắt nàng đang nhìn xuống khi hai người đàn ông len vào qua cánh cửa kiểu Pháp, đặt súng của họ xuống cuối cây đàn dương cầm rồi đứng trước mặt nàng. Âm điệu của những hợp âm vẫn còn trong không gian của căn phòng đã biến đổi.
Hai cánh tay nàng buông thõng, một bàn chân trần trên bàn đạp bass, tiếp tục bài nhạc mẹ nàng đã dạy cho, bài nhạc nàng luyện tập trên bất cứ mặt phẳng nào, bàn ăn, bức tường khi nàng đi lên lầu, giường của nàng trước khi ngủ. Họ không có đàn dương cầm. Nàng thường đến trung tâm cộng đồng mỗi sáng thứ Bảy và chơi đàn ở đấy, nhưng cả tuần nàng luyện tập ở bất cứ chỗ nào, học những nốt nhạc mẹ nàng vẽ bằng phấn trên bàn ăn rồi sau đó chùi đi. Đây là lần đầu tiên nàng dùng cây đàn của tòa villa, mặc dù nàng đã ở đấy ba tháng, ngày đầu tiên nàng đến, mắt nàng đã nhận ra hình dáng của nó qua hai cánh cửa kiểu Pháp. Ở Canada, đàn dương cầm cần nước. Bạn mở lưng đàn, để một ly nước đầy ở đấy, một tháng sau ly nước sẽ cạn. Cha nàng kể cho nàng nghe về những người lùn chỉ uống nước tại đàn dương cầm, không bao giờ uống trong quán. Nàng chưa bao giờ tin chuyện ấy, nhưng lúc đầu nàng nghĩ có lẽ lũ chuột đã uống nước.
Một lằn chớp lóe ngang thung lũng, cơn bão đã kéo dài suốt đêm, và nàng thấy một trong hai người đàn ông là người Sikh. Giờ đây nàng ngưng chơi đàn, mỉm cười, hơi ngạc nhiên, dù sao cũng an lòng, vầng sáng phía sau họ quá ngắn ngủi đến nỗi nàng chỉ thoáng nhìn thấy tấm khăn xếp của anh và hai cây súng ướt sáng bóng. Nắp đàn đã bị tháo ra để dùng làm bàn bệnh viện nhiều tháng trước, vì thế súng của họ nằm ở phía sau rãnh phím đàn. Bệnh nhân người Anh có thể nhận diện hai cây súng. Khỉ thật. Chung quanh nàng toàn là đàn ông ngoại quốc. Không có người Ý thuần chủng nào. Một chuyện lãng mạn ở tòa villa. Poliziano sẽ nghĩ thế nào đây về hoạt cảnh thời 1945 này, hai người đàn ông và một người đàn bà đối diện nhau qua cây đàn dương cầm và cuộc chiến gần kết thúc và hai cây súng ướt sáng bóng mỗi khi ánh chớp len mình vào phòng tràn ngập mọi vật với màu sắc và bóng tối như bây giờ mỗi nửa phút sấm rền khắp thung lũng và điệu nhạc đối, những hợp âm nhấn xuống, Khi tôi đưa người yêu đi uống trà…
Các anh có biết lời hát không?
Họ không cử động. Nàng bỏ những hợp âm và thả những ngón tay mình vào những biến âm phức tạp, rơi vào đoạn nhạc trước đó nàng ghìm giữ, đoạn jazz bật mở những nốt nhạc và góc cạnh của hạt dẻ là điệu nhạc.
Khi tôi đưa người yêu đi uống trà
Tất cả lũ con trai ghen với tôi,
Vì thế tôi không bao giờ mang nàng đến chỗ bè bạn hay tụ tập
Khi tôi đưa người yêu đi uống trà
Áo quần họ ướt trong lúc họ ngắm nàng mỗi khi ánh chớp vào giữa họ trong phòng, hai bàn tay nàng bây giờ chơi đàn theo sấm chớp, đối chọi với sấm chớp, tiếng đàn lấp đầy bóng tối giữa những lằn chớp. Khuôn mặt nàng chăm chú đến nỗi họ biết họ vô hình đối với nàng, với trí óc nàng đang gắng nhớ lại bàn tay mẹ nàng xé giấy báo, thấm ướt nó dưới bồn nước trong bếp rồi dùng nó để lau đi những nốt nhạc vẽ trên bàn, những phím đàn như trò chơi nhảy lò cò. Sau đó nàng đến lớp học hàng tuần ở trung tâm cộng đồng, nàng chơi đàn ở đấy, nếu nàng ngồi chân nàng vẫn chưa với đến bàn đạp, vì thế nàng thích đứng hơn, đôi dép mùa hè của nàng trên bàn đạp bên trái, cái máy nhịp kêu tích tắc.
Nàng không muốn ngừng lại. Từ bỏ lời một bài hát cũ. Nàng nhìn thấy những chỗ họ đến, chỗ đám bạn bè không bao giờ đến, mọc đầy cây dong. Nàng ngước nhìn lên và gật đầu với họ, xác nhận rằng bây giờ nàng sẽ ngưng.
Caravaggio không thấy cảnh này. Khi anh trở về anh thấy Hana và hai người lính thuộc một đơn vị công binh trong nhà bếp, đang làm bánh sandwich.
Bệnh Nhân Người Anh Bệnh Nhân Người Anh - Michael Ondaatje Bệnh Nhân Người Anh