Số lần đọc/download: 1240 / 18
Cập nhật: 2017-05-20 08:51:54 +0700
Chương 1
P
eter Mathew đứng trước quầy trả đồ đạc của tù nhân. Gã nhận cái ví đựng bốn trăm đô-la mà người ta giao trả. Gã phải có giấy tờ phóng thích để xuất trình cho nhân viên quản lý các tù nhân mới được thả. Gã mặc áo quần do bang cấp, chiếc quần jeans, áo thun trắng có sơ-mi bằng vải bông dệt chéo khoác ra ngoài, mang giày chạy bộ và tất trắng. Áo quần thật rất khác xa với áo quần mà gã đã mặc khi mới vào đây. Gã ở trong nhà tù Pélican Bay của bang bốn năm ba tháng. Gã đã ở đủ thời gian tối thiểu của bản án, mà theo bản án thì gã phải ở tù lâu hơn thế rất nhiều. Gã đã bị bắt với số lượng rất nhiều côcain, bị chính quyền bang truy tố, bị ban hội thẩm của tòa án kết tội, tống giam vào nhà tù Pélican Bay.
Mới đầu gã chỉ bán ma túy cho bạn bè, rồi sau đó không những để thỏa mãn cho thói quen không bỏ được, mà còn để phục vụ cho nhu cầu về tài chính của mình và cho gia đình. Chỉ trong vòng sáu tháng mà gã kiếm được gần một triệu đô-la trước khi bị bắt, nhưng dù có nhiều tiền như thế, gã cũng không lấp được lỗ hổng về mặt tài chính mà gã đã tạo nên một cách tùy hứng. Đó là vì gã nghiện ngập ma túy, đầu tư không thành công, buôn bán các mặt hàng thua lỗ. Gã làm môi giới thị trường chứng khoán một thời gian, gây nhiều rắc rối cho công ty, nhưng công ty không đủ chứng cứ để truy tố gã ra tòa, vì trường hợp này chỉ có nhân viên điều tra liên bang mới bắt gã, chứ không phải cảnh sát bang, mà nhân viên điều tra liên bang không có đủ chứng cớ. Gã sống một cuộc sống vượt quá đồng lương của mình, đắm mình trong những cuộc truy hoan bê tha, có nhiều khả năng sa đọa, tạo cơ hội cho những kẻ xấu đi vào con đường nghiện ngập ma túy. Cho nên cuối cùng gã chỉ còn con đường duy nhất là theo bọn buôn ma túy để có tiền sống theo nhu cầu của mình. Gã lại còn gây ra một vài chuyện gian lận nho nhỏ khác nữa, như làm quỷ phiếu giả, biển thủ tiền bạc của công ty, nhưng gã đã gặp may là không bị phát hiện. Khi gã bị bắt vì buôn bán côcain, chủ gã không truy tố gã, quan trọng gì nữa đâu mà truy tố. Gã không có tiền để trả bất cứ cái gì gã đã lấy, vả lại số tiền gã ăn cắp cũng không nhiều và gã đã tiêu hết từ lâu và không có cách gì để họ thu lại số tiền đã mất. Chủ của gã lại còn tỏ ra thương hại gã. Peter có cách làm cho mọi người có cảm tình với gã và thích gã.
Peter Morgan là hình ảnh tượng trưng cho lớp thanh niên đi vào con đường lầm lạc. Trong cuộc sống, nhiều lần gã chọn con đường sa đọa và khước từ cơ hội ngàn vàng để tu nhân. Bạn bè và những người hợp tác làm ăn với Peter thường tỏ ra thương xót cho vợ con gã, gia đình gã đã trở thành nạn nhân của chương trình điên loạn và sự phán xét sai lầm của gã. Nhưng bất cứ người nào quen biết gã, đều nói rằng tự thâm tâm Peter Morgan là người tốt. Khó mà biết cái gì đã làm cho gã mắc phải sai lầm như thế. Trên thực tế, có nhiều người đã gặp phải trường hợp như gã.
Bố Peter chết khi gã mới ba tuổi, ông ta là con dòng cháu giống trong một gia đình danh tiếng của xã hội thượng lưu ở New York. Mấy năm sau khi ông ta mất, tài sản gia đình bắt đầu khánh kiệt, vì mẹ gã tiêu xài hoang phí của chồng để lại trước khi gã khôn lớn. Chẳng bao lâu sau khi bố mất, mẹ gã lấy một thanh niên quý tộc rất nổi tiếng. Ông ta là người thừa kế của một gia đình chủ ngân hàng giàu có. Ông ta nhiệt tình thương yêu Peter và hai người em ruột của gã, ông ta cho anh em gã học hành và thương yêu chúng, cho chúng theo học những trường tư tốt nhất cùng với hai cậu em trai cùng mẹ khác cha với Peter. Gia đình ông ta có vẻ sung túc, có nhiều tiền, nhưng mẹ gã càng ngày càng uống rượu nhiều, đến nỗi cuối cùng bà lâm bệnh phải vào bệnh viện, để Peter và hai em ruột gã sống trong cảnh côi cút. Người bố kế không nhận anh em gã làm con nuôi, nên sau khi mẹ gã chết một năm thì ông ta lấy vợ khác. Bà vợ mới này thấy chồng không có lý do gì phải gánh lấy bầy con riêng của vợ cũ, về mặt tài chính cũng như về các mặt khác. Bà ta chỉ bằng lòng để cho chồng cưu mang chăm sóc hai đứa con mà ông đã có với mẹ của Peter, mặc dù bà ta muốn ông gửi hết chúng vào trường nội trú. Nhưng bà ta không muốn làm thế với ba đứa con riêng của mẹ Peter. Bố dượng của Peter đành phải cố gắng đưa anh em Peter vào trường nội trú, rồi vào cao đẳng với số tiền trợ cấp ít ỏi và nói rằng, ông không cho chúng ở trong nhà nữa và không cho thêm tiền bạc gì nữa.
Sau đó, vào những dịp nghỉ lễ hay nghỉ hè, Peter phải ở lại trường, hay đến nghỉ ở nhà bạn bè. Gã phải trổ tài chinh phục họ, để họ mời gã về nghỉ ở nhà mình. Gã rất có tài quyến rũ người khác. Khi mẹ chết, Peter phải học cách làm đẹp lòng người để sống. Gã chỉ còn con đường ấy và nhờ phương cách ấy mà gã sống được thoải mái. Trong thời gian này, gã đã sống nhờ vào tình thương yêu, đùm bọc của bố mẹ bạn bè mình.
Khi gã ở với bạn bè trong thời gian nhà trường nghỉ lễ, thường xảy ra những chuyện không hay nho nhỏ. Tiền bạc trong nhà biến mất, vợt đánh tennis không cánh mà bay và khi gã đi rồi thì những chuyện như thế không xảy ra nữa. Áo quần gã mượn không bao giờ trả. Có một lần, cái đồng hồ vàng trong nhà tự nhiên tan thành mây khói và cô gái giúp việc khóc nức nở vì bị đuổi việc, cô ta bị kết tội ăn cắp. Nhưng sau đó chuyện vỡ, người ta biết rằng Peter đã ngủ với cô gái. Lúc ấy gã mới mười sáu tuổi, tiền bán chiếc đồng hồ vàng do gã xúi cô ta ăn cắp cho gã, đã giúp gã tiêu xài trong sáu tháng. Đời gã là một cuộc chiến đấu không ngừng để có đủ tiền chi tiêu. Gã làm bất cứ gì để có tiền dùng cho các nhu cầu trong đời sống của gã. Gã rất dễ thương, lịch sự, vui vẻ với mọi người chung quanh và khi tình hình trở nên gay cấn, lúc nào gã cũng có vẻ thơ ngây vô tội. Không thể nào tin nổi một chàng trai như gã lại có thể có hành động xấu hay phạm tội được.
Có lần vị bác sĩ tâm lý của trường cho rằng Peter có khuynh hướng trở thành tội phạm của xã hội, điều này đã khiến cho vị hiệu trưởng khó tin. Vị bác sĩ tâm lý nói rằng, trông bộ mã bên ngoài của gã hiền từ, nhưng tâm địa không tốt. Cái vẻ ngoài dễ thương của gã khiến cho mọi người nhầm lẫn. Dưới cái vỏ bên ngoài của Peter, người ta khó mà biết bản chất thật sự của gã. Nhờ thế mà gã sống được qua một cuộc đời đầy gian truân. Gã duyên dáng, thông minh, đẹp trai, đã gặp nhiều gian khổ trong cuộc sống. Gã không có ai để nương nhờ, lòng gã quá đau đớn ê chề. Bố mẹ gã chết, cha kế xa lánh gã, không cho gã đồng xu nào. Hai người em ruột của gã thì từ khi chúng bị gửi đến trường nội trú ở Bờ Đông, gã không hề được gặp, tất cả những chuyện đó đã phủ lên đời gã một màu đen bi thảm. Rồi sau đó, khi đang học đại học, gã nhận được tin cô em gái mười tám tuổi đã trầm mình tự vẫn, khiến cho linh hồn non trẻ đã bị thương tổn của gã bị thêm một vết đau nữa. Hiếm khi gã nói đến cuộc đời đầy sóng gió của mình, không bao giờ gã thổ lộ nỗi buồn phiền trong lòng với ai và lúc nào cũng tỏ ra mình là người tốt bụng, lạc quan yêu đời, khôn ngoan, cho nên mọi người ai cũng yêu mến và cư xử tốt với gã. Nhưng cuộc đời không dễ dàng gì cho gã, khi nhìn gã, không ai thấy được điều này. Không ai thấy gã tỏ ra là người đang trải qua những tháng ngày gian khổ. Những vết thương lòng ẩn sâu trong tâm khảm gã, không ai trông thấy được.
Đàn bà đi qua đời gã như lá mùa thu, còn đàn ông thì thích làm bạn với gã. Về sau, bạn bè gã nhớ rằng khi còn học đại học, gã uống rượu nhiều nhưng không bao giờ uống quá trớn, bây giờ cũng thế. Những vết thương lòng của Peter quá sâu đậm.
Peter Morgan luôn luôn biết tự chủ. Lúc nào gã cũng có chương trình hành động. Bố dượng của gã đã giữ đúng lời hứa, cho gã đi học ở Duke và ở đây gã được học bổng toàn phần để vào học trường Harvard, rồi gã lấy được bằng cử nhân Quản trị kinh doanh. Gã có đủ phương tiện để thỏa mãn các nhu cầu trong cuộc sống, có đầu óc thông minh, có diện mạo đẹp đẽ và có một vài mối liên kết giá trị mà gã đã tạo được trong thời gian theo học các trường danh tiếng. Người ta tin chắc thế nào gã cũng tiến xa trên con đường sự nghiệp. Không ai nghi ngờ việc Peter Morgan sẽ không thành công trên đường đời. Gã có tài hái ra tiền, hay có vẻ như thế và gã có nhiều kế hoạch để hành động. Khi ra trường, gã có việc làm trong một công ty môi giới chứng khoán tại Wall Street và sau hai năm làm việc ở đấy, gã bắt đầu đi con đường sai trái. Gã không làm đúng nguyên tắc, tráo trở một vài tài khoản, “mượn” tiền người ta. Tình hình trở nên nguy hiểm cho gã trong một công ty đầu tư ngân hàng, ở đây gã trở thành chàng trai vàng của Wall Street trong một thời gian ngắn. Gã có đủ phương tiện để bước đến thành công, nhưng thiếu mái ấm gia đình và không có lương tâm. Lúc nào Peter cũng có kế hoạch, có chương trình để làm sao tiến đến đích thật nhanh trong nháy mắt, nên gã phải lo cho bản thân mình, nếu được may mắn, thì may mắn cũng chỉ đến trong một thời gian ngắn ngủi thôi và bất cứ may mắn gì đến với mình, gã cũng chộp lấy ngay.
Năm hai mươi chín tuổi, gã cưới Janet, cô gái mới ra mắt xã hội thượng lưu, đẹp rực rỡ. Và cô ta hóa ra là con gái của người đứng đầu công ty gã làm việc. Họ lấy nhau hai năm, có hai đứa con gái thật kháu khỉnh. Cuộc sống của gã thật hoàn hảo, gã yêu vợ và rất mực thương con. Cuộc đời trước mắt gã rất nhiều hứa hẹn, êm đềm, nhưng không ai biết tại sao tình hình lại bắt đầu bất ổn. Gã chỉ nghĩ đến chuyện làm ra cho thật nhiều tiền, gã luôn luôn bị tiền bạc ám ảnh, gã muốn làm ra nhiều tiền bằng bất cứ cách nào. Có người cho rằng gã ăn chơi trác táng. Chuyện này đối với gã dễ dàng thôi. Gã như chuột sa vào hũ nếp, vui chơi thoải mái, trở thành tham lam và dần dà để cho cuộc đời buông xuôi, không kiềm chế được. Cuối cùng, tư tưởng muốn có nhiều tiền thật nhanh và thói quen cũ muốn lấy những gì gã muốn có, trở lại với gã. Gã bèn xén bớt tiền bạc của công ty, cấu kết với những kẻ bất lương, làm những việc mà công ty không thể viện cớ để sa thải, nhưng bố vợ của gã không thể dung tha. Peter như kẻ đang đi thật nhanh trên con đường hướng đến chỗ hiểm nghèo. Peter và bố vợ đã nhiều lần nói chuyện nghiêm túc với nhau, trong lúc họ đi trên lãnh địa của ông ta tại Connecticut và bố của Janet nghĩ rằng gã đã hiểu rõ được vấn đề. Để cho chàng rể hiểu rõ vấn đề, ông ta đã vạch ra cho gã thấy rằng ở đời không dễ gì đạt được thành công như ăn bữa trưa miễn phí hay đi trên chuyến tàu tốc hành, ông báo cho gã biết rằng, phương pháp làm ăn bất chính mà gã đang làm và nguồn gốc tiền bạc bất lương gã đang xài, thế nào có ngày gã cũng mang lấy hậu quả không hay. Hậu quả này có thể đến rất sớm. Ông giảng cho gã biết về tầm quan trọng trong sự thành thật. Và ông tin thế nào Peter cũng chú ý đến lời khuyên của ông. Ông thích gã. Thực vậy, ông đã thành công trong việc làm cho Peter cảm thấy lo lắng, bị thúc đẩy phải có trách nhiệm.
Năm ba mươi mốt tuổi, Peter bước vào cuộc “vui chơi trác táng” lần đầu, gã bắt đầu nếm mùi ma túy. Gã tuyên bố không có gì tai hại trong việc này, mọi người đều xài nó, việc dùng ma túy làm cho người ta vui hơn và hưng phấn hơn. Janet rất lo lắng về chuyện đó. Năm ba mươi hai tuổi, Peter Morgan gặp đại nạn, gã không làm sao kiềm chế được thói quen dùng ma túy, mặc dù gã đã cố chống lại thói quen này. Gã bắt đầu xài tiền của vợ cho đến khi bị bố vợ ngăn chặn. Một năm sau, gã bị buộc phải thôi việc ở công ty, vợ gã dọn về nhà cha mẹ, đau đớn sững sờ trước cảnh nàng đã phải sống với Peter trong thời gian qua. Gã không lạm dụng nàng, nhưng gã luôn luôn say côcain, đời gã coi như hoàn toàn buông xuôi. Khi ấy bố nàng nhận ra gã nợ như chúa chổm, gã “bí mật” biển thủ tiền bạc của công ty, khiến họ mang vạ lây, có khả năng làm cho họ gặp nhiều rắc rối, cho nên Janet phải trả nợ của công ty cho gã. Gã bằng lòng để cho Janet bảo trợ hai con, là một gái lên hai và một lên ba. Sau đó gã mất quyền thăm viếng con vì một chuyện có dính dáng đến gã: Ba người đàn bà bị bắt với một lượng côcain lớn giấu trong chiếc du thuyền ngoài khơi East Hampton. Khi ấy các con gã đang đến thăm gã. Chị vú gọi điện thoại di động từ trên thuyền báo cho Janet biết. Janet dọa sẽ gọi cảnh sát tuần duyên đến bắt gã. Gã để cho chị vú và hai cô bé gái rời khỏi thuyền, Janet không để cho gã gặp con lại. Nhưng khi ấy gã đã gặp những chuyện rắc rối khác nữa rồi. Gã đã vay mượn một số tiền rất lớn để thỏa mãn như cầu về ma túy, gã mất hết số tiền gã đầu tư có nhiều mạo hiểm vào thị trường hàng hóa. Sau đó, dù gã chứng minh mình có khả năng tốt, hay thông minh lanh lợi bao nhiêu đi nữa, gã cũng không kiếm được việc làm. Và giống y như mẹ gã trước khi bà mất, gã sa đọa hoàn toàn. Không những gã không có tiền rồi, mà gã còn nghiện ngập ma túy.
Hai năm sau khi Janet rời khỏi gã, gã cố xin việc làm trong một công ty có vốn đầu tư mạo hiểm nổi tiếng tại San Francisco, nhưng không được. Khi ấy gã đã ở tại San Francisco rồi, gã bèn chuyên chú vào việc buôn bán côcain. Gã đã ba mươi lăm tuổi, khi bị bắt quả tang với số lượng lớn côcain đem đi bán, gã mắc nợ rất nhiều người. Số côcain gã đem đi bán là cả một gia tài kếch sù, nhưng khi bị bắt, gã mắc nợ nhiều gấp năm lần như thế và nợ của những người cực kỳ nguy hiểm. Nhiều người biết gã khi nghe tin này, nói rằng gã đã mang họa vào thân, chuyện này có khả nàng đưa gã sang thế giới bên kia. Vì khi bị bắt gã nợ rất nhiều, cho nên những kẻ buôn bán với gã có thể giết gã. Gã không trả nợ cho ai được hết, vì gã không có tiền để trả. Có nhiều trường hợp vào tù như thế này thì nợ nần hủy bỏ. Nhưng gặp những trường hợp tệ hơn, họ có thể bị giết ở trong tù. Hay nếu có người may mắn, chủ nợ sẽ bỏ qua. Peter hy vọng gã sẽ gặp được trường hợp chủ nợ cho qua.
Khi Peter vào tù, gã không gặp được con đã hai năm và có lẽ gã không thể gặp lại chúng được. Gã ra tòa với vẻ mặt bình tĩnh và khi đứng trước vành móng ngựa, gã có vẻ thông minh, tỏ ra ăn năn hối hận. Luật sư của gã cố xin cho gã được án treo, nhưng chánh án không chịu. Ông ta đã gặp những người như Peter rồi, mặc dù không nhiều, nhưng ông tin chắc rằng gã đã có nhiều cơ hội để tu nhân mà không làm. Ông ta đọc rất kỹ hồ sơ của gã, ông thấy rằng gã có nhiều điều không đáng tin. Bề ngoài và hành động của gã rất trái ngược nhau. Chánh án không chấp nhận những lời ăn năn hối cải mà Peter đã nói trước tòa. Gã nói thì hay, vẻ mặt tội nghiệp, nhưng không thành thật. Gã dễ thương thật đấy, nhưng hành động của gã thì khủng khiếp. Khi ban hội thẩm kết luận gã có tội, chánh án kết án gã bảy năm tù giam, gửi đến nhà tù Pilican Bay, tại Crescent City. Nhà tù này nghiêm ngặt nhất gồm có ba ngàn ba trăm tù trọng tội, thuộc hệ thông nhà tù California, nằm ở phía Nam San Francisco xa ba trăm bảy mươi dặm, cách biên giới bang Oregon mười một dặm. Bản án này có vẻ nghiêm khắc, nhưng quá thích đáng cho Peter, vì ở đâu cũng không xứng với tội của gã.
Ngày Peter được phóng thích, tính thời gian gã ở trong tù là đúng bốn năm ba tháng. Gã đã bỏ được ma túy, lo làm công việc của mình. Gã làm trong văn phòng của người quản ngục, phần lớn thời gian đều ngồi trước máy tính và suốt bốn năm không hề vi phạm kỷ luật của nhà tù. Người quản ngục mà gã làm việc cho ông ta tin rằng gã đã thành thật ăn năn hối cải. Mọi người biết gã đều tin rằng gã không có ý định đi vào con đường lưu manh nữa. Gã đã học được bài học về hành động này rồi. Gã còn nói với ban quản lý tù nhân được phong thích - nhưng còn bị giám sát một thời gian - rằng mục tiêu trước mắt của gã là được gặp lại các con và một ngày nào đấy gã sẽ trở thành người cha tốt. Peter nói như thể là thời gian vừa qua chỉ là sự trở ngại kỹ thuật nhỏ trên màn hình tivi và gã có vẻ tin như thế. Nên gã định từ nay về sau, sẽ giữ cho màn hình trong sáng rõ đẹp, không có gì trở ngại nữa. Và mọi người đều tin gã.
Gã được phóng thích nhờ chế độ giảm án. Gã phải ở tại Bắc California một năm, dưới sự giám sắt của nhân viên quản lý tù nhân bị quản chế tại San Francisco. Gã định sống trong nhà tạm trú dành cho người mới ra tù cho đến khi tìm được việc làm và gã nói với ban giám sát rằng gã không chọn lựa trong khi tìm việc. Gã sẽ làm bất cứ việc gì tìm được cho đến khi cuộc sống ổn định và nếu cần, gã cũng làm cả công việc bằng chân tay, miễn đấy là công việc lương thiện. Mọi người đều nghĩ rằng, thế nào Peter Morgan cũng tìm được việc làm. Gã đã mắc phải sai lầm lớn, nhưng sau bốn năm sống trong nhà lao Pelican Bay, gã vẫn còn là một anh chàng dễ thương, thông minh. Những người thương gã, kể cả ông quản ngục, đều hy vọng rằng với một ít may mắn, gã sẽ tìm ra việc làm tốt cho mình, và xây dựng cuộc sống lương thiện. Gã có đủ thứ để thực hiện được việc này. Bây giờ gã chỉ cần gặp được cơ hội may mắn nữa thôi. Và mọi người đều hy vọng khi ra tù, gã sẽ kiếm được việc làm tốt. Người ta luôn luôn thích Peter và mong gã gặp được nhiều may mắn, tốt lành. Chính ông quản ngục ra bắt tay từ biệt gã. Peter đã làm việc riêng cho ông suôt bốn năm trời.
- Nhớ cho tôi biết tin tức. - Ông quản ngục nói, nhìn gã với ánh mắt nồng ấm. Cách đây hai năm, ông ta có mời Betet về nhà để ăn Giáng sinh với vợ con, Peter đã tỏ ra mình là con người rất tuyệt vời. Bốn cậu con trai còn tuổi vị thành niên của ông quản ngục rất thích gã, vì gã bảnh trai, nhiệt tình, vui vẻ và rất tốt. Mọi người, cả già lẫn trẻ, đều cho gã có phong cách dễ thương. Thậm chí gã còn gợi ý cho một trong mấy chàng trai nộp đơn xin học bổng để vào học ở Harvard. Chàng trai được học bổng vào mùa xuân năm đó. Ông quản ngục cảm thấy như thể mình mang ơn Peter, còn Peter thì thật lòng thích ông ta và gia đình ông, gã cảm ơn lòng tốt mà gia đình ông đã đối xử với gã.
- Năm sau tôi sẽ ở tại San Francisco - Peter vui vẻ đáp - Tôi hy vọng họ sẽ cho phép tôi về miền Đông để thăm các con gái tôi. - Suốt sáu năm rồi gã không thấy mặt con và trong bốn năm qua gã không có tấm ảnh nào của chúng. Bây giờ Isabelle và Heather đã tám và chín tuổi, nhưng trong óc Peter, gã vẫn thấy chúng còn nhỏ xíu, Janet đã cấm không cho gã tiếp xúc với chúng từ lâu, bố mẹ nàng cũng đồng ý với quyết định này của nàng. Bố dượng của gã, người đã trả tiền học cho gã trước đây, chết lâu rồi. Người em trai của gã đã biến mất nhiều năm. Peter Morgan hiện không có ai hết, không có gì hết. Gã có bốn trăm đô-la trong ví, có người nhân viên giám sát ở San Francisco và chiếc giường trong nhà trọ dành cho người mới ra tù ở khu Mission, khu vực phần lớn cư dân đều có gốc Tây Ban Nha và là một vùng xưa có thời rất đẹp, nhưng bây giờ có vài nơi đã xuống cấp trầm trọng. Nơi Peter sẽ đến ở thuộc vùng bị xuống cấp trầm trọng ấy. Số tiền gã có sẽ không kéo dài được lâu, từ bốn năm nay gã không hề được hớt tóc cho ra hồn. Những người duy nhất còn lại ngoài đời mà gã quen biết, là một ít người gã đã tiếp xúc trước đây trong lĩnh vực có vốn đầu tư mạo hiểm và kỹ nghệ cao ở Silicon Valley và những cái tên của giới buôn bán ma túy mà gã đã từng hợp tác. Gã quyết định sẽ không tiếp xúc với họ nữa. Gã không muốn đi vào con đường ấy nữa. Gã sẽ gọi cho một vài người khi đến thành phố, nhưng gã nghĩ rằng gã có thể đi rửa bát đĩa hay bơm xăng. Tuy nhiên, gã tin chắc là không đến nỗi nào như thế. Dù sao thì gã cũng có bằng MBA(1) ở Harvard, và trước đó đã từng học ở Duke. Nếu không suôn sẻ, gã sẽ tìm gặp một số bạn học cũ, có lẽ họ không biết gã đi ở tù. Nhưng gã không tin là công việc sẽ dễ dàng như thế. Gã đã ba mươi chín tuổi và dù có giải thích như thế nào đi nữa, thì thời gian bốn năm qua sẽ là một quãng trống trong lý lịch của gã. Trước mắt gã, con đường quá gian khổ, khó khăn. Nhưng gã khỏe mạnh, hết nghiện ma túy, thông minh và bề ngoài vẫn còn rất duyên dáng. Cuối cùng thế nào mọi việc cũng sẽ tốt đẹp cho gã. Gã tin như thế và ông quản ngục cũng tin vậy.
[1]Cử nhân Quản trị kinh doanh.
- Hãy gọi cho chúng tôi. - Ông quản ngục lại dặn. Đây là lần đầu tiên ông gắn bó mật thiết với một tội phạm đã làm việc cho ông. Nhưng những người mà ông đã làm việc với họ ở Pelican Bay rất khác xa với Peter Morgan.
Nhà tù Pelican Bay được xây dựng với mức an ninh tối đa để giam giữ những tội nhân nặng nhất, những tù nhân này trước kia được đưa đi giam ở San Quentin. Hầu hết đàn ông đều bị nhốt riêng. Nhà tù được cơ giới hóa rất cao và trang bị toàn máy tính, máy móc rất hiện đại, cho phép họ giam giữ những thành phần nguy hiểm nhất trong vùng, ông quản ngục nhận thấy ngay Peter không thuộc thành phần này. Gã chỉ có tội buôn bán một lượng lớn ma túy và có liên quan đến tiền bạc, nên phải bị tống giam vào nhà tù có an ninh nghiêm ngặt này. Nếu lời buộc tội ít nghiêm khắc hơn, chắc gã sẽ chỉ bị giam trong những nhà tù ít nghiêm ngặt hơn. Gã không có mưu đồ trốn thoát, không có tiền sử bạo động và trong thời gian ở đây, gã không dính dáng đến bất cứ vụ gì không hay xảy ra. Gã là con người văn minh điển hình nhất. Vài người đã nói chuyện với gã trong những năm qua đều kính trọng gã và gã đã giữ mình tránh xa những chuyện lộn xộn có thể xảy ra. Mối liên hệ mật thiết của gã với ông quản ngục đã làm cho gã thành người bất khả xâm phạm, tạo cho gã con đường an toàn. Gã không chơi với các nhóm băng đảng, không cấu kết với các nhóm chủ trương bạo động, hay gần gũi với các thành phần chống đối. Gã chăm lo công việc của mình. Và sau hơn bốn năm, gã rời nhà tù Pelican Bay tương đối bình an vô sự. Trong tù, gã chỉ biết cúi đầu, làm việc cho hết giờ. Gã đã đọc nhiều tài liệu về pháp lý và tài chính, dành rất nhiều thì giờ trong thư viện và làm việc không biết mệt mỏi cho ông quản ngục.
Ông quản ngục viết thư giới thiệu gã với ban quản lý tù mới được thả với lời lẽ rất tốt. Trường hợp của gã chỉ là sa chân lỡ bước vào con đường sai lầm và bây giờ gã cần có cơ hội để đi theo con đường chân chính. Ông quản ngục tin chắc gã sẽ theo con đường đúng đắn. Ông chờ mong nhận được tin tốt lành của Peter trong tương lai. Với tuổi ba mươi chín, có quá trình học hành tốt, Peter vẫn còn trước mắt tương lai xán lạn. Hy vọng những lỗi lầm gã đã mắc phải sẽ là bài học quý giá để gã tu thân sửa tính trên đường đời. Bất cứ người nào biết gã cũng đều tin rằng Peter sẽ là người trung thực và đứng đắn.
Khi gã đang bắt tay từ biệt ông quản ngục, thì có người phóng viên báo chí và nhiếp ảnh gia của tờ báo địa phương trong chiếc xe tải bước ra, họ đi đến bàn làm việc nơi Peter vừa lấy cái ví của mình. Khi ấy một tù nhân khác đang ký vào hồ sơ phóng thích, hắn và Peter nhìn nhau và gật đầu chào. Peter biết hắn là ai - mọi người điều biết. Họ thỉnh thoảng gặp nhau trong phòng tập thể dục và trong hành lang. Trong hai năm qua, hắn thường đến văn phòng làm việc của quản ngục. Hắn đã cố minh oan cho mình nhiều năm nhưng không thành công, nổi tiếng là luật sư không chính thức trong tù và rất có lương tri. Hắn tên là Carlton Waters, bốn mươi mốt tuổi, đã ở trong tù hai mươi bốn năm vì tội giết người. Thực vậy, hắn đã trưởng thành ở trong tù.
Carlton Waters bị kết tội giết hai vợ chồng người hạng xóm và cố giết luôn cả hai đứa con họ nhưng không thành công. Khi ấy hắn mới mười bảy tuổi và tên đồng bọn với hắn trong vụ giết người này là một cựu tù hai mươi sáu tuổi, tên này kết bạn với hắn. Hai tên xông vào nhà nạn nhân, cướp hai trăm đô-la. Tên đồng bọn với Waters bị tử hình trước đó nhiều năm, còn Waters thì luôn mồm nói rằng hắn không giết người. Hắn chỉ có mặt ở đấy thôi, hắn không bao giờ thay đổi lời khai trong chuyện này. Hắn luôn mồm nói mình vô tội, đã đến nhà nạn nhân mà không biết ý đồ gì của bạn hắn. Chuyện xảy ra quá nhanh và quá tàn bạo, các đứa con nạn nhân còn quá nhỏ nên không chứng thực được chuyện hắn khai. Các đứa con còn nhỏ, chúng không sợ bị nhận diện, nên chỉ đánh đập rất tàn bạo rồi tha mạng cho các bé. Cả hai tên đều say, Waters khai rằng hắn xây xẩm, mờ mắt trong khi án mạng xảy ra, nên không nhớ gì hết.
Ông chánh án không tin lời hắn khai và mặc dù tuổi hắn còn nhỏ nhưng ông vẫn kết tội hắn như người lớn và sau đó hắn kháng án nhưng không thành công. Hắn sống phần lớn cuộc đời trong tù, mới đầu ở tại nhà tù San Quentin, rồi sau chuyển đến Pelican Bay. Hắn cố học đại học ở trong tù và theo học ở trường luật được nửa chừng. Hắn viết một số bài về hệ thống pháp lý, đề nghị tu chính pháp luật và mở rộng quan hệ với báo chí trong nhiều năm qua. Hắn viết bài chống đối chính quyền vì đã bỏ tù hắn vô tội, cho nên Waters đã trở thành tù nhân có tiếng tăm. Hắn làm chủ bút tờ báo trong tù và biết hết về mọi người trong tù. Người ta tìm đến hắn để xin ý kiến và hắn được mọi người trong tù kính nể. Hắn không có cái vẻ hào nhoáng quý tộc của Morgan, mà hắn trông thô ráp, khỏe mạnh. Hắn chăm lo rèn luyện thân thể. Mặc dù khi còn nhỏ hắn nông nổi, gây nên nhiều chuyện xấu, nhưng suốt hai thập niên qua ở trong tù hắn là tù nhân gương mẫu. Hắn khỏe mạnh, trông có vẻ đáng sợ, nhưng hồ sơ trong tù của hắn trong sạch, tiếng tăm của hắn không bằng vàng thì cũng bằng đồng. Chính Waters đã thông báo cho báo chí biết việc hắn được phóng thích và hắn rất sung sướng khi thấy các phóng viên đến đây.
Waters và Morgan không hợp tác với nhau, nhưng hai người thường kín đáo nể phục nhau. Có những lúc, trong khi Waters đợi để gặp ông quản ngục, Peter có nói chuyện với hắn, hai người thỉnh thoảng bàn đến những vấn đề về pháp lý. Peter đã đọc nhiều bài của hắn viết đăng trên tờ báo trong tù và báo địa phương. Gã thấy hắn khó mà gây được ấn tượng mạnh cho gã, dù hắn có tội hay vô tội. Hắn có đầu óc sáng suốt và làm việc cật lực để hoàn thành mục tiêu hắn đề ra, mặc dù hắn đã lớn lên trong tù với hoàn cảnh rất khó khăn.
Khi Peter đi qua cổng nhà tù, lòng cảm thấy hân hoan đến ngộp thở, gã quay đầu nhìn lại, thấy Carlton Waters đang bắt tay ông quản ngục, trong lúc đó người nhiếp ảnh của tờ báo địa phương chụp ảnh hắn. Peter biết hắn sẽ đến ở tại nhà tạm trú ở Modesto. Gia đình hắn vẫn còn sống ở đấy.
Peter dừng lại một lát, nhắm mắt, lẩm nhẩm trong miệng - Cám ơn Chúa! - Rồi mở mắt nhìn lên trời. Gã cảm thấy ngày hôm ấy như đang mở rộng cửa để đón nhận gã vào đời. Gã đưa tay chùi mắt để không ai thấy nước mắt đang trào ra trên mắt gã. Rồi gã gật đầu chào người gác cổng và đi bộ về phía trạm xe buýt. Gã biết bến xe nằm ở đâu, gã muốn đi nhanh đến đấy. Gã chỉ đi bộ mười phút là đến bến xe và khi gã vẫy tay đón xe buýt, bước lên xe, Carlton Waters đang đứng trước nhà tù để chụp tấm hình cuối cùng. Hắn lại nói với người phóng viên lần nữa là hắn vô tội. Dù hắn có tội hay không thì hắn đã tạo nên được câu chuyện rất hay, đã trở thành người được kính trọng trong tù suốt hai mươi bốn năm qua và đã hưởng được thành quả do lời tuyên bố hắn vô tội mang đến. Từ nhiều năm rồi, hắn thường nói đến kế hoạch viết sách. Hai người mà hắn được xem như đã giết họ và hai đứa bé đã sống mồ côi do hắn gây nên trước đó hai mươi bốn năm, đã hoàn toàn bị lãng quên. Họ đã bị những bài báo của hắn viết và những lời thanh minh hay ho của hắn đẩy vào bóng tối. Khi Peter Morgan bước xuống trạm xe buýt cuối cùng và mua vé xe đi San Francisco, thì Waters vừa trả lời phỏng vấn xong, cuối cùng hắn đã được tự do.