Số lần đọc/download: 1655 / 27
Cập nhật: 2015-07-18 12:58:31 +0700
Chợ Cầu Mống Làng Hương Mỹ Xóm Cổ Cò
C
ậu bé Trí đi học chữ đầu tiên ở trường xóm của ông thầy Tám Chạt. Người trong xóm không biết ông ở đâu đến, chỉ thấy ông dạy học. Nhưng ông không có nhà. Những chủ nhà có con đông rước ông về nuôi cơm và dạy cho sắp trẻ học, thì nơi đó trở thành trường của thày Tám.
Trường chỉ là bộ ván ba, tấm giữa kê lên cao,, hai tấm hai bên làm bàn ngồi. Thế là thành bàn học. Năm ba đứa trẻ i-tờ. Vài đứa biết ráp vần xuôi, thế là thành lớp học. Ông thầy không có vợ con, dạy học ăn cơm chủ nhà. Những người khác mỗi tháng đóng một lít gạo hoặc một cắc bạc. Ngoài ra, tùy lòng tốt của bà con, kẻ cho thêm bầu bí rau cải, dừa khô, trái cây….thầy vui vẻ nhận cả. Những nhà có đám giỗ đều mời thầy đến và xếp thầy ngồi vào bàn của Hương-chức, Hội-tề hoặc những bậc trưởng thượng vì người nông thôn vốn kính trọng lễ nghĩa và theo đạo thánh hiền Quân - Sư - Phụ.
Thầy yên tâm làm nghề gõ đầu trẻ, không bương chải tìm địa vị nào hơn cả. Và thầy cũng đã ngoài 50, cái tuổi xuống dốc cuộc đời.
Bài học đầu tiên cậu bé được thầy Tám phóng cho là những sổ đứng (bâtons droits). Sổ hết ba trang giấy thầy cho viết số 1. Sổ đứng như cây gậy, không có ngoéo, còn số 1 có ngoéo, khó viết hơn. Đó gọi là tập viết. Phải viết đến chừng nào thầy khen giỏi thì mới viết sang số 2. Số cuối cùng là số 10. Xong rồi tới chữ "a". Nói là tập viết, nhưng sự thực là "đồ". Đồ có nghĩa là thầy "phóng" bằng viết chì rồi học trò "đồ" lại y theo lằn viết chì. Nét bút run như con giun vậy. Các bạn có nhớ cặp giò gà không? Học trò luôn luôn được người lớn khuyến cáo là đừng ăn giò gà để "viết khỏi run tay". Hư thực thế nào, không rõ, chứ có trò nào thích gặm giò gà bao giờ. Đó là món của bợm nhậu mà.
Bắt đầu ráp vần ngược được thì Trí "chuyển trường". (Ráp vần ngược thí dụ như oa, loa, hoa, oan, hoan. loan). Trường mới của Trí là nhà thờ Thiên Chúa, ở ngay bên nhà. Ông cụ của Trí - tức là ông nội của tía Trí - đã ngoài 70. Cụ bảo: Lo phần xác phải lo phần hồn. Cụ bỏ tiền của ra lập nên một ngôi nhà thờ ngay trong đất nhà. Rồi cụ còn xây một "nền bông" (sinh phần) nền đúc cao tới ngực, bốn bên rào bằng lan can sành, chung quan nền bông trồng cây kiểng và hoa cỏ cho đẹp. Ông cụ bảo các con hãy tự lo sinh sống, còn tiền của thì ông để hết vào ngôi nhà thờ. Cụ rước dì phước về ở hẳn, để dạy đạo và chữ cho con cháu trong gia tộc và bà con lối xóm. Ai muốn học thì cứ tới, không phải đóng tiền gạo hoặc mang tặng vật gì đến cả. Lớp học này cao cấp hơn lớp của thầy Tám, nhưng nó cũng rất là phức tạp. Học trò có chừng 15 đứa, nhưng mỗi đứa một trình độ. Hai Dì phải dạy từng trò một chớ không thể dạy đồng loạt như ở trường chợ được.
Trí bắt đầu đọc chạy chữ Quốc Ngữ là ở dưới mái trường đạo này. Nhà thờ ở ngay trước cửa trường, cách không quá ba bước, nhưng đứa nào muốn đọc kinh thì đến nhà thờ chớ Dì không bảo đứa nào cả. Tuy nhiên ở trường tckhi vào học hoặc trước khi ra về, học trò phải đọc kinh Kính Mừng, Lạy Cha, Sáng Danh, Lạy Thánh Mẫu. Xong rồi xếp hàng trước mặt hai Dì cúi đầu, nói rập ràng: "Xin Dì cho các em về!" Tiên học lễ hậu học văn là thế.
Dì Tâm và dì Chín có cách dạy học trò rất đặc biệt. Trò nào ngoan thì thưởng kẹo, trò nào không thuộc bài cũng được khuyến khích bằng kẹo. Vườn ông cụ nhiều trái cây, dừa, mít, ổi, xoài, mãng cầu v.v… nên lúc nào cũng sẵn để dỗ học trò. Trí là đứa con cưng nên mới 5 tuổi đã được đi học. Buổi sáng nào đến trường, Trí cũng đi bằng xe "hai bánh" đặc biệt. Đó là người chú, con của bà nội nhỏ của Trí: chú Ba. Chú phải cõng Trí đến trường. Rồi hết giờ lại đến cõng về. Bữa nào trời mưa phải che lá chầm cho kỹ, nếu để tập vở ướt, thí Trí khóc, làm mình làm mẩy, chú bị rầy to Mãi cho đến lúc Trí rời trường nhà thờ, chú Ba mới chấm dứt vai trò làm ngựa đưa Trí tới trường.
Ông nội của Trí làm Hương Cả trong làng, nên buổi sáng nào ông cũng ghé xe máy (xe đạp) lại trước sân bóp chuông "kính coong" là Trí chạy ra leo lên xe ngồi trên đòn dông cho ông chở đến trường. Dọc đường, người dân cúi mọp:"Bẩm Cả" thì coi như Trí cũng được xá luôn với nội.
Buổi học đầu tiên, ông chở đứa cháu đến lớp 3 cho nên thầy dạy lớp này gọi là thầy Ba. Ông dắt đứa cháu đến trước mặt thầy, nói: "Cháu tôi còn khờ, có chuyện gì ghì thầy cho tôi biết, chớ đừng đánh nó!"
Thầy Ba chào và nhận thằng học trò cháu cưng của ông Cả. Rủi thay bữa đó thầy đánh đứa khác nhưng ngọn roi quơ làm đổ bình mực lên bộ đồ vải xe lửa trắng của trò Trí. Trí không khóc nhưng thầy Ba nể ông Cả nên trước khi tan trường thầy dặn Trí về nhà lấy mủ đu đủ giặt thì sạch dấu mực. Thời đó vải xe lửa rất hiếm)
Trí về nhà được tía má mừng vì có thằng con đi học tới trường chợ, nên không hỏi vụ đổ mực, mà lại khen con học giỏi…
Dần dần quen với chúng bạn, Trí không đi xe với ông nữa mà đi bộ, vui hơn, vì dọc đường có nhiều trò chơi. Vào chợ lại tự do ghé quán này tiệm nọ để ngắm xem hoặc mua bánh kẹo. Trước đây học trường xóm, Trí đâu có khi nào được cầm xu tự mua lấy bánh. Bây giờ lớn rồi có nhiều quyền lợi hơn.
L’an passé, celà va sans dire
J’étais petit, mais à présent
Je sais compter, lire et écrire …
(Năm qua tôi còn bé nhưng bây giờ
Tôi biết đếm, biết đọc và biết viết….)
Sáng bữa nào mà Trí cũng để trên góc ván gõ ở nhà ngang 2 xu nguyên, hoặc một xu nguyên và 2 nửa xu. Có nghĩa là 1 xu quà sáng, 1 xu quà chiều. Gặp buổi Trí quờ không thấy xu ở góc ván thì chạy ra vường. "Thưa má con đi học!" Má gật đầu. Trí chạy vào rồi lại trở ra: "Thưa má con đi học!" Má biết ý bảo: "Xu má để dưới mí chiếu, trong giường ngủ, con vô lấy." Lần này Trí không trở ra nữa. Bữa nào không có xu lẻ, má đưa cả cho cả 1 đồng xu năm bạc trắng và dặn đem về 3 xu, thì Trí làm đúng lời mẹ dặn.
Có nhiều lần, do mấy ông bạn lớn đầu bảo, những đồng xu làm năm 1901, 1902, 1903 thì có pha vàng và dày hơn xu đúc vào các năm khác, nên Trí xé lai áo lận vào, để dành làm của hoặc dùng đánh đáo rất tốt. Vào chợ hằng ngày nên Trí có ý niệm rõ rệt về bánh trái: loại bánh bàng của chệt, ăn ngon nhưng không no, chỉ nên mua vào buổi trưa; bánh con ngựa con, 1 xu 6 chiếc, ngựa lớn có rắc đường cát 1 xu 2 chiếc. Ăn xong ghé tiệm thím Từng Khạo ực một gáo là no tới chiều về nhà ăn cơm.
Buổi sáng không cần phải suy nghĩ, Má đã chỉ định mấy món phải mua ăn cho no, "nếu không no, xót ruột không học được". Đó là bánh mặn, nhưn tôm có nước cốt dừa rắc hành, bánh cam, bánh da lợn, bánh xếp nhưn dừa xào ngọt. Đó là các thứ bánh căn bản ít khi Trí đi ra khỏi qui định của má. Nhưng cũng có khi nghe mùi mỡ chiên bánh xèo, cầm lòng không đậu, Trí nổi hứng làm một bánh trả luôn 2 xu, hết vốn cả ngày. Thế là buổi chiều, rỗng túi, miệng trơn. Nhưng không lo, có chú Vĩnh. Chú là con của ông Sáu, học cùng lớp, nhưng vai lớn nên Trí phải gọi bằng chú. Chú Vĩnh là người rất kim chỉ. Đi học sớm như đàn bà đi chợ. Vào đến sân trường thì Trí đã thấy chú ngồi ở thềm ba rồi. Thầy mở cửa lớp, chú vào trước nhất. Không ai thấy chú ăn quà ra sao, nhưng lúc nào chú cũng sẵn tiền trong túi. Chú có hai cái vỏ hộp quẹt Riêm Hai Sao của Bến Thủy hoặc Blue Blind ràng dính nhau bằng hai khoanh dây thung ruột xe đạp. Hộp trên đựng xu, hộp dưới đựng phấn viết. Vào lớp khi dùng bảng đen cá nhân có đứa không có phấn, thì hỏi "mượn" Vĩnh, có ngay. Ra chợ không có xu mua đạn bắn cu-li, hỏi Vĩnh cũng không bao giờ thiếu. Vì thế Trí không lo, cứ ăn bánh xèo tốn 2 xu, rồi mượn chú Vĩnh nửa xu mua một khúc mía xước buổi trưa cho mát bụng. Mía tây vàng rực, bán ở trước cửa tiệm thím Bầu ngay bên cạnh trường học.
Chợ Làng có hai thím Bầu. Cả hai đều bán tiệm. Thím Bầu (thúng) người tròn vo như trái bầu thúng thì bán tiệm ở ngoài đường cái, gần chùa Bà. Còn thím Bầu C. ngựa thì cao gầy (!) bán mía ở gần trường. Thím mua mía đám về chặt ra từng lóng không róc, giá nửa xu hoặc một xu,vừa túi tiền của học trò. Những lóng mía tây vàng rực rỡ, hít nước mát dạ mát lòng buổi trưa, trước khi vào lớp học. Trí cứ hỏi "vay" chú Vĩnh nửa xu là buổi chiều khỏi lo cái miệng ở không. Cho mượn nhưng bao giờ chú cũng càu nhau vài câu như Tào Tháo thử thần kinh tướng sĩ.
- Mượn mai trả à!… Thiệt không? …. Mượn, mượn hoài!
Hoặc mỗi khi về đường (nhà xa hơn 3 cây số) buồn miệng, mượn của chú nửa xu mua một cây kẹo mút (còn gọi là cà-rem) có cán tre ngậm về tới nhà mới mòn hết. Loại xu đỏ đúc vào những năm 1901-1902-1903
dày, làm đồng bảng đánh đáo bảnh lắm. Bỏ nó dưới đất lấy gót xoay xoay, cầm lên nóng hổi sáng trưng, thấy mê liền. Các bạn thất thập còn nhớ loại xu này chăng? Ngoài ra còn đồng xu lá bài có hình hai cây cờ gác tréo, không có lỗ, không biết của xứ nào, nhưng quí lắm, ít đứa có được, gọi là đồng xu “lá bài” ăn hai đồng xu thường.
Trí bắt đầu thích đi bộ vì có dịp biết chuyện này chuyện nọ. Đôi khi ông Cả đi nhóm về gặp cháu ở dọc đường thì ghé xe lại để chở, nhưng Trí nói không mỏi chân. Chợ làng có nhiều cái hấp dẫn. Từ ngoài đầu ấp chân lấm bùn bước lên lộ đá là đã thấy lạ mắt rồi. Trước nhất là ông Tư Mao, người cao bụng to như Đổng Trác, nịt dây thắt lung bản to có túi gài nút bóp. Ông đứng trước cửa phố đảo bả me nghe rổn ráng, mặc kệ kẻ qua người lại nhìn ngó. Kế đó là tiệm thuốc Bắc của thầy Son với bảng hiệu chữ nho vàng ánh rất to treo trước cửa.
Thầy Son thường cỡi xe ra ấp coi mạch hốt thuốc cho bà con. Có lần Trí bịnh cũng rước thầy ra tận nhà. Thang thuốc gói bằng giấy trắng có in chữ nho đỏ buộc bằng sợi dây lác còn gạnh mấy chữ VN: “bỏ thêm 3 lát gừng sống, đổ ba chén nước, sắc còn lại 8 phân.” Trời ơi, thuốc đắng tàn nhãn, Trí không chịu uống, chú Ba phải nói gạt có bỏ kẹo bòng bong Trí mới chịu uống. Khi đi ngang tiệm, chú vẫn nhớ Trí gọi vào hỏi thăm. Trí có dịp xem tiệm của chú. Đặc biệt có lần Trí thấy một người đang xay thuốc bằng cái cối sắt hình mo nang dừa, một người đứng trên một bánh xe lăn tới lăn lui mà không té, nhờ hai tay vịn vào vách, trong lúc hai chân nhún nhảy rất nhịp nhàng.
Trí muốn xay thử. Thầy Son đỡ Trí lên, nhưng Trí không đứng được trên bánh xe. Coi vậy mà khó! Phải tập trầy mắt cá mới làm được. Cũng như cỡi xe máy coi thì dễ nhưng không biết cỡi mà nhảy lên thì ngã liền. Đứa nào biết cỡi xe đạp cũng phải lãnh mấy cái thẹo ở đầu gối.
Qua tiệm thuốc Bắc thì tới tiệm thiếc của tía thằng Hoà học chung lớp với Trí. Ông già ngồi đập, cắt, hàn đồ thiếc tối ngày. Ai có chảo bể, (hồi đó chưa có soong nhôm) đem lại cho ông hàn. Ai muốn mua lon thiếc múc nước uống cũng ghé lại đây. Ngộ nói một cắc pạc, trả 6 xu cũng pán. Há cái lề, ngộ ỉa pên tàu mới oa, pán cho pà koong dể dể để lằm quen. Ông già nói tiếng Việt khó nghe nhưng bà con vẫn hiểu và thích mua đồ của ông.
Qua khỏi tiệm thiếc thì đến tiệm thím Bầu thúng. Chú Bầu đầu trọc lóc, mặc quần xệ dưới rốn, áo luôn luôn phanh ngực, pán món gì cũng thêm cho pà koong xày. Rượu đựng trong cái tỉn da nâu để trong càn xé đậy bằng một nùi giẻ rách (không cho rượu bốc hơi, lạt). Nước mắm, dầu lửa, muối, tương, đường cát, đường sống trâu, đậu phọng, đậu nành, dây chì, dây mây… bất cứ thứ gì cũng có. Thím Bầu thì to gấp ba chú Bầu: Đôi uyên ương không xứng chút nào, không hiểu sao con cái rất đẹp. Chị Lình đẹp như tiên trong tranh, thằng Cẩu học chung lớp với Trí đầu tròn, môi son da trắng như con gái. Mấy đứa em của nó cũng vậy. Tiệm chú Bầu ủm thủm thấp trệt, nhưng nó ở ngay mối đường, như cái nò chận lạch, tôm cá đi vô hết. Năm sáu anh em thằng Cẩu đều học tiếng Việt Nam chớ không học chữ Tàu ở bến Chùa Bà của người Tàu ở ngay đó. Thím Bầu nói tiếng Việt sõi hơn chồng. Thím không ngại nói rằng ở bên Tàu gia đình thím không có cơm ăn, phải ăn khoai củ. Đến củi cũng không có, mà phải gom lá khô nấu bếp.
Nối liền với tiệm chú Bầu là một dãy phố chạy cặp con đường đá đỏ, hai bên có trồng cây sao suôn đuột, rất đều khoảng như lính trong hàng quân. Lúc gần Tết bông sao khô rụng xoay tròn trong không gian, như đàn bướm hàng vạn con bay theo chiều gió, đáp xuống bãi cỏ bên cửa hông nhà việc trước cửa Chùa Bà. Tan học chiều Trí thường đi qua bãi cỏ này, giơ tay hứng những chú bướm như những mảnh tâm hồn ta bà thế giới muốn tìm một cảnh chùa để trú ngụ.
Dãy phố này không có gì đặc biệt ngoại trừ một bà cụ tên là bà Ba Đồn chuyên môn bán thuốc rê. Bà có một người con mắt đục, mũi cao không biết tên gì, chỉ nghe thiên hạ gọi anh là thằng “Tây”. Anh Tây học lớp nhứt và nổi tiếng thông minh.
Bên cạnh nhà bà Ba, có một căn phố đóng cửa im ỉm suốt ngày, trước thềm lót một bộ ván thồ. Trí đi qua đi lại hằng ngày, chẳng thấy gì hơn là một ông lão mù và con chó Luốc. Ông lão thì ngồi tựa vách còn con Luốc thì nằm ghếch mõm lên chân trước ngó ra đường, nhưng không hề sủa người đi qua. Cứ mỗi lần nghe xe từ Giồng Luông, Giồng Miễu lên hoặc xe trên Mỏ Cày xuống thì ông lão quờ lấy chiếc nón nỉ cũ úp lên đầu và cầm chiếc hộp lon. Rồi một cách nhịp nhàng, chậm chạp, người và vật bước xuống đất. Con Luốc thuộc đường và biết ý chủ. Nó dắt chủ đi với sợi dây buộc ở cổ nó, nhưng chủ nó còn cầm thêm chiếc gậy để khua đường, đi về phía chiếc xe đò vừa đỗ ngoài bến ngay trước cửa tiệm Thím Bầu. Ông lão bắt đầu hát từ xa, trước khi đến bến xe, như để báo trước cho hành khách rằng sắp có một người cần đến lòng từ thiện của họ.
Ông lão đi theo con Luốc ra đến xe, đưa chiếc hộp lên rà theo thành xe, vừa đi vừa hát. Lão nói thơ Vân Tiên, kể sự tích đứa con đi lính bên Âu châu:
“...Con đi đã bặt tin sương
Nào hay con đã sa trường mạng vong…
Rồi lão than thở số kiếp của lão:
…Làm nqười ai có muốn đui
Phải sao chịu vậy chẳng vui trong lòng.
Mỗi lần xu rơi vào hộp nghe lỏng tỏng, lão ngưng đế cảm ơn rồi lại hát tiếp.
Âu châu là xứ của người
Mà con qua đó xương phơi bấy chầy
Ở nhà tựa cửa tháng ngày
Trông con như thể trông mây trên trời.
Trí nghe nhiều lần nên thuộc gần hết bài thơ. Có lần lão rớt gậy, con Luốc cứ đứng lại sủa hoài. Trí thấy vậy chạy lại lượm chiếc gậy đưa cho lão. Trí thấy mắt lão sâu tun hút không có tròng. Lão đi vòng quanh chiếc xe, hát hết bài thì xe cũng vừa bóp kèn, lão tránh ra cho xe chạy. Dốc cầu cao lắm. Đứng ở cuối dốc nhìn lên, nó như con sấu nằm bốn chân huênh ra hai bên, lưng nó sùi vẩy, đầu nó ngẩng lên mà chiếc xe chỉ là con nhái trườn lên lưng nó. Bỗng đít xe sùi khói rồi dừng lại và ngừng hẳn. Người lơ xe ở sau nhanh nhẹn nhảy xuống xách hai gộc cây vuông chèn bánh xe và nói: “Mời bà con chịu khó xuống xe, để ông chủ phát máy rồi sẽ lên.” Khách thấy xe chết máy thì hoảng sợ, xuống ngay.
Người lơ xe lại nói: “Mời bà con mỗi người tiếp một tay!” Anh ta ngoắc hai bên phố. Bọn Trí sẵn lòng hào hiệp, ùa tới đẩy. Chiếc xe lại bò dần lên dốc và phì máy. Người lơ xe vò đầu đám con nít như một sự cảm ơn. Khách lại bước lên. Xe chạy lên cầu. Những tấm ván long đinh khua rầm rầm. Trí ngó theo. Chiếc xe xa dần rồi khuất hẳn, để lại phía sau một làn hương thơm phức. Biết bao giờ Trí mới được đi xe hơi?
Trí và đám bạn bước theo những bậc thạch lót bằng đá xanh đi xuống sườn dốc. Đã từng chạy đua lên xuống với chúng bạn nên Trí đếm được 19 nấc tất cả. Thế mới biết cái dốc cầu cao, cho nên gọi chợ là Chợ Cầu Mổng, nghĩa là cái chợ có mống cầu cao, hình như là mống cầu cao nhất tỉnh.
Ngay bên sườn dốc bên trái là chành lúa. Trước cửa có một sân gạch tàu. Chiều chiều mấy ông chệt già, đầu hói, bụng phệ, ngồi lọt thỏm trong lòng những chiếc ghế mây sâu hõm, ung dung hút ống điếu bình, nhả khói phun mây như bát tiên đánh phép trong truyện Phong Thần. Đây là cái túi của nqười Tàu thu hút từng đồng xu, hột lúa của nông dân trong vùng. Nhưng người Việt Nam không hề nghĩ tới việc bị người Tàu lột da một cách êm ái, không thấy đau. Hệ thống thương mại hoàn toàn nằm trong tay người Tàu. Các chú chệt già làm chủ ngành lúa. Chú Ao chú hiệu Vạn Thương, tiệm tạp hoá lớn nhất vùng. Chú Đặng chủ tiệm tạp hoá kiêm tiệm thuốc Bắc. Chú Liếp, tiệm xe đạp; chú Son, chú Tín, tiệm thuốc Bắc; chú Lục, chú Vấp mua heo và chủ tiệm nước; chú Bầu tiệm tạp hoá; chú Hul, chú Gìn mua bán lúa,… toàn là “chú”. Người Việt chỉ có vài ba tiệm nhỏ như một loại cỏ mọc trong xó hè. Tiệm tạp hoá của Chín Cận không có bảng hiệu, không tranh nổi với tiệm Vạn Thương của chú Ao. Bị đá thốc trên đất liền, phải xuống sông kiếm gỡ, người Việt lập đò đưa lèo tèo hai ngày một chuyến đi Bến Tre, lượm xu lẻ với tiếng tù và rền rĩ đau thương. Chỉ có ông Hội đồng Nhơn là người độc nhất chống chọi lại với bọn Chệt chủ chành lúa. Ông có mấy chiếc ghe chài chở lúa lên bán ở Chợ Lớn. Sở dĩ mống cầu phải cao như vậy là để cho ghe chài của ông qua lại, nếu cầu thấp ghe qua không lọt. Nhưng ông làm sao tranh lại với bọn tài phiệt Chợ Lớn, mà tay chân của nó là các “chú” ở Cầu Mống và ở khắp các chợ làng, chợ quận, chợ tỉnh.
Nhà ông Hội Đồng ở cạnh trường học. Đất chợ là đất của ông hiến cho làng. Cơ ngơi đồ sộ của ông gồm hai ngôi nhà nền đúc, một ngôi nhà sàn, một khu kim tĩnh. Ông Hội Đồng được liệt kê trong số những nhà giàu xưa lớn nhất Nam kỳ. Xem thế thì thấy chợ Cầu Mống là một địa phương sầm uất dường nào! Dưới thuyền trên chợ, bên đường lộ cái liên tỉnh, lại còn có con rạch Tân Hương, con rạch chảy cắt ngang đoạn giữa cù lao Minh, như một sợi thắt lưng bạc buộc ngang lưng một mỹ nhân. Dòng nước của nó tươi mát, làm xanh tươi hai làng Hương Mỹ và Minh Đức giáp ranh nhau. Hương Mỹ có chợ Cầu Mống, Minh Đức có chợ Tân Hương được nối liền bởi con rạch này. Nó có hai vàm lớn: Phía Tân Hương có vàm Tân Hương ngó ra sông Cái Hàm Luông, còn vàm Mương Choại đổ ra sông Cổ Chiên. Hàm Luông và cổ Chiên là hai nhánh lớn của sông Cửu Long. Vì thế ghe thương hồ các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tân An, Sa Đéc… đều đến chợ Cầu Mống, Tân Hương bằng đường thuỷ. Do đó bến chợ cũng tấp nập thuyền bè như trên lộ nườm nượp xe cộ, bụi bốc phủ trắng nhũng hàng me hai bên đường suốt năm.
Cầu Mống Tân Hương không phải là địa thế Rồng Chầu Hổ Phục như Lam Sơn, Bạch Đằng nhưng nó là một núm vú căng tròn sữa ngọt nuôi dân và là quê hương của một vị tướng lãnh mà lịch sử còn ghi danh: Thống tướng Lê Văn Tỵ.
Trước cửa tiệm Vạn Thương là bến chợ. Nơi đây, Trí qua lại hằng ngày và đọc trên mui ghe thương hồ các số 7, số 5, số 1, số 3, số 4… (số 1 Gia Định, số 2 Châu Đốc, Số 3 Hà Tiên, số 4 Mỹ Tho, số 5 Trà Vinh, số 6 Sa Đéc, số 7 Bến Tre v.v…). Lòng mơ ước được đi xa cũng mơ màng bay theo tiếng tù và mỗi khi đò tách bến. Chiếc cầu nước trước cửa tiệm Vạn Thương cũng thân mến với hai bàn chân của cậu học sinh như lớp học của cậu vậy. Từ cuối ấp đi vào đây, nhằm ngày mưa đường lầy lội, đôi khi “chụp ếch” bùn đất lấm tới đầu, phải ghé vào đây gột rửa trước khi đến trường. Buổi trưa gặp lúc nước ròng, bến chợ lòi bãi thì đó là bãi bạc bãi vàng của lũ con nít chợ và học trò. Chúng xúm lại tìm lượm vật nọ vật kia. Có đứa lượm được cả xu năm cắc bạc là chuyện thường. Có lần Trí định mua một ngòi viết lá tre nhưng trời cho lượm ở đó, nên dư được nửa xu, mua một khúc mía.
Đây là bãi rác ngầm, cuộc đất đãi người, không kể quen hay lạ. Rửa chân, rửa mặt, chải tóc ở đây xong, bước lên tiệm mua hàng
Rửa chân cho sạch nước phèn,
Bước lên thềm gạch dầu hèn cũng sang.
Trong tiệm có vô số món hấp dẫn, nhưng thu hút mạnh nhất là những viên đạn đá đủ màu, 1 xu bốn hòn, để bắn cu-li ăn đạn, ngòi viết, viết chì đầu đỏ đầu xanh, giấy màu, vở đờ-voa (devoirs) gạch sẵn. Trời ơi viết tập vở cũ hoài chán quá, trông cho tới trang cuối để mua vở mới. Muốn xé vài trang xếp chim, xếp tàu mà thầy nghiêm lắm, thầy xét có dấu xé là bê sưng tay, nên phải kiên nhẫn viết đến trang cuối. Được tập vở mới, đề tên rnới khoái làm sao!
Ecole de CẦU MÔNG
Cours… ENFANTIN
Cahier de DEVOIRS
appartenant à l’élève BÙI QUANG TRÍ
No- Matricule 1904
Année scolaire 1936-37
Vở mới lằn nhỏ rứt, gạch lề màu đỏ, giấy thơm phức. Bài đầu tiên phải gắng lấy được 8 điếm trở lên cho đáng tập vở mới.
Vì học trò đông, ba lớp không đủ, ông Hội đồng cho tiền cất thêm 1 lớp Enfantin do cô giáo Ngân dạy.
Cô là người ở đâu tới, không phải người trong làng. Cô chưa có gia đình nhưng không biết ở trọ nhà ai.
Thời bấy giờ đàn bà con gái mới bắt đầu lai rai mặc đồ mết (mode) che dù cán cụt còn bao nhiêu thì mặc đồ bà ba, che dù cán ngoéo, chỉ có cô giáo mặc đồ mết trắng, áo trắng quần trắng, chân đi giày cao gót, trời nắng lại che dù cán cụt, đôi khi thấy cô dồi phấn, đánh má hồng. Đó là một điều mới lạ ở chợ làng. Chỉ khi nào lên chợ quận chợ tinh mới trông thấy. Thanh niên trai tráng ở làng đâu dám tò vè. Chi có các cậu công tử nhà giàu và có đọc tiểu thuyết thì mới dám đối đáp với cổ.
Mỗi lần cô đi ngang qua phố, người ta trầm trồ: “con nhà ai mà sang trọng và học giỏi vậy?” Đó là một chuyện lạ. Còn một chuyện lạ nữa là đôi guốc gù của bà Bảy góp chợ. Guốc thường thì có quai ngang để xỏ chân vô. Còn guốc gù không có quai mà chỉ có cục gù. Muốn mang, người ta kẹp nó vào giữa hai ngón chân cái và chân trỏ, thế là lê đi. Như vậy bất tiện vì dễ sút hơn guốc quai, nhưng đó là một lối diện sang. Nội chợ này chỉ có bà Bảy Góp là người độc nhất mang guốc gù thôi. Cũng như xẩm bó chân, chi có một. Năm khi mười hoạ thì người ta mới thấy bà xẩm này ra khỏi nhà. Bà ta đi lẩm đẩm như con nít mới tập đi, nếu ai đụng nhẹ thì chắc là bà ta ngã ngay.
Từ căng-tin lên trường phải qua con đường đá đỏ nhuyễn nhừ xuyên qua khu nhà của ông Hội đồng. Hai bên đường trồng me rất thẳng hàng. Những gốc me tơ trái sai oằn, bóng cây mát rợi. Gió thổi qua, ngó lên me chín khua lộp bộp thật vui tai. Nhìn xuống trái rụng đầy đường. Đám học trò đua nhau, giở nón ra lượm đầy ấp ăn thua. Vừa đi vừa lột vỏ nuốt trộng rồi ghé vào đình xin nước uống. Trời ơi, lu nước mưa của ông Từ để dưới gốc cây mãng cầu ta lá rụng trong lu mục hết, chỉ còn gân lá, lăng quãng lội hằng đàn, chiếc gáo làm bàng lon sữa bò, sét vàng nghinh, cầm cái cán tre thọc vào, múc một gáo ực ực trong lúc trống trường đã gần dứt hồi thứ ba, đưa cho thằng khác, đứa làm vài ngụm rồi quăng chiếc gáo ù té chạy vào sân trường vừa đúng lúc cửa lớp vừa mở. Ngồi học một chút có thằng đã lom khom lên khoanh tay run run: “Xin phép thầy cho em ra ngo…ài….” Chưa nói hết tiếng đã ngồi bẹp xuống sạp. Thầy cho xét tủ, bắt gặp những chiếc nón còn đầy me chín.
Trước cổng trường có tấm bảng gỗ mang dòng chữ đen to: “École de Cầu Mống” đã sập xuống nhưng không ai dựng lên. Hai cánh cổng sút ra xệ xuống cũng không ai ráp lại. Xe ông Đốc trên Quận xuống xét trường cứ chạy thẳng vào sân êm ru. Trước cổng là con rạch Tân Hương chảy ngang. Ở mé rạch có mấy cây gáo cao vút. Bông gáo tròn như trái cam con màu vàng, nhụy trắng. Mấy đứa con gái lượm từng nhụy bỏ trong lòng bàn tay đem vô hàng ba trường lấy tóc xỏ thành những sợi dây chuỗi đeo vào cổ coi rất đẹp. Còn những trái chín thì bọn con trai lượm lên lau vào quần rồi cạp ăn ngọt ngọt chua chua, không ngon nhưng bỏ thì uổng, nhai cho đỡ buồn miệng.
Vào buổi trưa nhiều đứa cởi quần áo nhảy xuống sông tắm, có đứa dám bơi qua bên kia sông. Khoảng đất trống giữa những gốc gáo dùng làm “bãi bắn” cho các “pháo thủ” xạ kích hằng ngày.
Cứ hễ tới giờ chơi là hằng chục “pháo thủ” chạy ra vén quần lên chong những cây “cà nông tí hon” bắn xuống sông, đạn rơi như mưa. Có đứa lại rắn mắt, nhỏng “nòng súng” lên cho “đạn” đi vòng cầu rồi kêu bạn mình chui qua giữa tiếng cười thích thú của những đứa khác.
Cái trò bắn pháo này diễn ra hằng ngày, ngay trước mặt kẻ qua người lại trên bờ dưới sông, không có che đậy gì hết. Đã bảo nhứt quỉ nhì ma, thứ ba học trò mà! Học trò có bộ giò ăn cướp, nói vậy cũng không phải là quá đáng.
Vào lúc “pháo” bắn xối xả thường là ghe rỗi hay về tới chợ. Ghe rỗi là ghe đi lấy cá biển ở đáy hàng khơi về bán cho kịp buổi chợ sáng. Ghe nhỏ mình thon, mỗi bên gắn ba chèo, người rạp xuống, tay chèo miệng hô hò khoan để chèo cho ăn rập, ghe phóng như tên bắn. Khi lướt qua hàng gáo tua tủa những họng pháo thì họ biết là đã tới chợ, bèn buông chèo quệt mồ hôi rồi bưng những thúng cá lẹp, cá hố, cá khoai, cá lù đù, cá rựa nhảy lên bờ. Rồi trong lúc khách đua nhau giành giật hàng tươi thì họ ngả lưng vào gốc sao, thềm chợ mà thở như trâu cắt cổ.
Nhung có lẽ người mục kích những màn bắn pháo thường xuyên nhất là ông Chín Chầu. Vì nhà ông ở ngay đó, dưới một gốc gáo cuối hàng. Đúng ra nhà ông là một cái mui ghe cũ, ông đem về dùng làm nơi trú ẩn, gọi là “cái thum”. Ông giống như nhân vật của một tiểu thuyết nào, hay như nhà hiền triết ngày xưa sống trong chiếc thùng rượu mục. Đám học trò không biết ông là người ở đâu tới đã đành, mà cả chợ cũng không ai biết và cũng không tìm biết. Chi nghe tên ông là Chín Chầu, một con người tưởng chỉ có trong cổ tích chớ không thể nào có thật ớ ngoài đời. Vậy mà có! Tấm lưng trần rnốc cời của ông cho biết ông khônq hề biết đến cái áo. Hơn nữa chiếc quần ngắn tả tơi của ông chỉ là một tấm bố tời buộc ngang lưng bằng một sợi dây thô để lòi ra cặp chân ống sậy đen như hai que củi cháy sắp gãy gập đến nơi.
Người ta đồn rằng ông Chín là con nhà giàu, nhưng vì ông phung phí tiền bạc quá trớn nên cha mẹ rầy, ông hờn giận bỏ nhà đi, không trở về. Thân mẫu tìm được, cho người tới năn nỉ rước về, ông nhất định không, bèn cho mang thực phẩm và quần áo tới ông cũng từ chối. Giá mà cất được một ngôi nhà ở đây cho ông, cha mẹ ông cũng thừa sức làm, nhưng ông Chín nhất định sống một cuộc đời “tự đày đoạ thân mình”, từ chối mọi sự giúp đỡ. Ông sống bằng những cọng rau cải héo, những con cá con tép rơi rớt lại chợ, không hề xin xỏ của ai mà cũng không lấy của ai bất cứ món gì. Ông được tiếng là người đàng hoàng của chợ này.
Đám học trò nhìn ông như một “kỳ quan” với những cặp mắt lạnh lùng, không chọc ghẹo cũng không chế giễu ông. Chúng để cho ông yên ổn sống cuộc sống với những ý nghĩ của ông. Đôi khi có đứa nhặt được một cái hộp lon, hay một mảnh giẻ rách, đen ném vào thum cho ông. Để trả ơn, ông nhặt những trái gáo chín rửa sạch xếp trên rễ cây để chúng lượm lấy ăn. Đôi khi có dư thời giờ, chúng ngồi xem ông nấu thức ăn trong một cái mẻ ơ đặt trên ba hòn đá. Một con cá khoai ươn, một tí muối, vài ba cọng ngò úa và một trái gáo. Thế là thành canh chua. Cứ thế, cứ thế, ngày này qua ngày khác, cuộc sống của ông Chín không có gì thay đổi, trong lúc cái thum của ông được đắp thêm bằng những cái mo và những mảnh đệm. Tấm lưng của ông càng ngày càng cụp xuống, người ông càng ngày càng rạc đi. Học trò học xong lớp Élémentaire thi đậu tiểu học, lên trường quận, học trò lớp chót lên lớp nhì, và con nít bên ngoài vào lớp chót. Cũng những ông thầy đó, những bàn ghế và bài vở đó, có những đứa đã học đỗ bằng thành chung về thăm lại thầy cũ trường xưa nhưng ông Chín vẫn còn ở trong cái thum dưới gốc gáo với những chiếc rễ mọc nhô ra mé sông xa hơn và bò ra phủ kín mặt đường.
Lớp của Trí quá đông, sổ gọi tên gạch sẵn 50 hàng, nhưng thầy phải thêm chừng mười tên “ngoại càn khôn”. Có những đứa bắt buộc phải “trùng tên” đứa khác. Trí ngồi đầu bàn gần cửa sổ, có thể nhìn ra thấy Cầu Mống. Mỗi lần thấy chiếc xe Citroen trắng 2 chỗ ngồi của ông Đốc bò qua cầu thì Trí thưa cho thầy hay. Để thầy ra dấu cho mấy “con quỉ ngoại càn khôn” nhảy cửa sổ ra ngoài sau, đợi xe ông Đốc đi hãy trở vô học. Nhưng cũng có khi Trí không thấy, mà ông Đốc lại bất ngờ bước vô lớp. Vì cổng trường không có cánh cửa.
Trong trường hợp này thì những con quỉ không phóng cửa sổ được mà phải ngồi chịu trận. Nếu ông Đốc gọi tên để xét bài thì trong ba tên A, chỉ có một tên đứng lên trả lời, còn hai tên A kia cứ ngồi im chờ qua truông. Ông Đốc chỉ hỏi vài câu rồi sang lớp khác chớ đâu có ở lâu và cũng đâu có biết thầy đánh bùa. Nhờ lối đó mà những tên ngoại càn khôn vẫn học được suốt năm và lên lớp như thường. Những kẻ đã từng học trường (Cầu Mống) không bao giờ quên các thầy của mình. Thầy Ba đánh học trò bàng con roi mây ngắn. Thầy Nhì dùng thước khẻ tay, gọi là cái bê. Mỗi sáng thầy đều xét tay. Tay đứa nào dơ, ăn khẻ. Còn thầy Nhứt thì không dùng roi, bê, chỉ dùng tay véo vai, xách tai, hoặc vỗ một bạt tai thấy hai ông trời. Thầy nào đánh đòn nhiều, học trò càng giỏi, thi đậu đông.
Ở trước hàng ba trường có đặt một cái trống chầu, không biết dùng từ thời nào, nay đã thủng. Mỗi sáng có ba hồi trống dự bị. Đám học trò còn quen thói giang hồ thả rêu trước các tiệm để ăn kẹo ngó thì hãy lo rảo bước dần. Kế đó là ba tiếng thúc giục. Đứa nào còn ở xa thì phải chạy bạt mạng. Sau đó là hồi trống dài, lại ba dùi. Ít nhất phải có mặt ở sân trường để vào lớp. Mồ hôi mồ hám lã ra, thở muốn hụt hơi, cũng phải có mặt. Thầy kêu tên mà không đáp “Présent” (có mặt) bị ghi sổ absent (vắng mặt) là giấy chạy về nhà “nguy hiểm” lắm!
Ngồi vào bàn xong, thầy đến, cả lớp đứng dậy, thầy có cho phép ngồi mới ngồi. Ra đường gặp thầy phải giỡ nón cúi đầu. Đợi thầy đi qua mới ngước lên và đội nón. Gặp chức việc và người già cũng phải làm như thế! Đứa nào không theo điều lệnh đó trong bài Politesse (Học Lễ Phép) có đứa khác bẩm lại thầy là bị phạt, hoặc quì gối dưới gạch, hoặc đứng xây mặt vô tường, hoặc ăn ba bốn roi mây, tùy lỗi nặng nhẹ. (Ngày nay ta thấy học trò đối với thầy và người lớn, sự kính trọng hầu như không còn nữa. Ai cũng như ai! Miễn đóng tiền học đủ thì thôi!).
Nhà Trí ở tận cuối ấp, tên là xóm cổ Cò. Đó là cái tên dân gian do địa dư hình thể của vùng đất, chớ trên bản đồ thì không tìm thấy. Các bạn từng nhìn thấy con cò đứng trên đồng ruộng. Hlnh cái cổ nó ra làm sao thì con đường lộ đất của vùng này làm vậy. Do đó có tên là xóm cổ Cò. Đây là xóm giáp ranh giữa hai làng Hương Mỹ và Minh Đức. Đầu xóm có cây me sanh đôi trước cửa nhà ông cụ của Trí, còn cuối xóm thì có cây sộp cổ thụ nơi đây có một ngôi miễu cũ. Một bữa chủ nhật, Trí làm một cuộc phiêu lưu ký bèn ra đây hái trái kim quít để lấy mủ dán travail manuel (thủ công). Các bạn hẳn còn nhớ cái bài học này vào thời kỳ học trường làng chứ? Đó là việc cắt giấy màu dán hình miếng chả, hình chữ nhật hoặc các hình khác trong hình học. Cần phải có hồ hoặc mủ cây để dán. Do đó Trí cần mủ kim quít. Cây kim quít có gai người ta thường dùng làm hàng rào trước ngõ. Trái nó chín đỏ, ăn ngọt ngọt the the, còn trái xanh thì mủ dán rất dính. Nhưng nghe đồn miễu cây sộp có ma nên Trí hơi ngán, bèn ghé nhà anh em thằng Tư Cồ và thàng Kiệu rủ chúng nó đi cho có bạn. Hai đứa này ở làng Minh Đức nhưng lại học trường Cầu Mống vì ba nó làm ruộng trong làng Hương Mỹ. Cây sộp lớn đến mức Trí chưa bao giờ thấy một cây nào lớn đến thế. Tàn nó che mát một khúc đường. Đất ở đây lạnh ngắt vì không có ánh nắng. Người ta đồn ở đây có ma, đàn bà đi chợ gặp luôn. Nhiều người quăng rổ chạy bò càng. Khi thì đụng một con tinh cái trần truồng móc chân trên nhánh cây tóc xoã chấm đất. Lúc lại thấy bốn con quỉ đực khiêng một chảo lửa chạy lủi vào sau miều, rồi từng cục lửa bay ra lăn lăn trên mặt đường. Do đó đàn bà thì ít ai dám đi chợ khuya còn những người đi qua đây vào ban ngày cũng phải đi nhanh và không dám nhìn vào trong miễu.
Thằng Tư Cồ lớn hơn Trí 2 tuổi, lại nữa nó ở gần miễu, đi qua đi lại luôn nên nó không sợ. Thấy Trí có vẻ sợ sệt, nó bảo:
- Đó là người ta đặt chuyện để hù mấy bà đi cấy đi chợ ngang qua miễu thôi chớ ma quỉ ở đâu! Mầy không tin, tao dắt mầy vô miễu cho coi có cái gì trong đó.
Tuy có hướng đạo dẫn đường nhưng Trí cũng nơm nớp lo sợ. Khi gần tới cây sộp thì Trí thụt lại, đi chậm hơn và đủn thằng Tư đi trước.
Thằng Tư Cồ chẳng tỏ vẻ sợ sệt chút nào lại còn lớn lối thách đố. Đi tới ngang cây sộp, nó dừng lại kêu to: “Ma ơi ma! ra đây đánh lộn với tao nè! Ma, ma!” Tiếng “ma” vang đi vọng lại làm cho Trí giựt mình sụt lùi lại. Thàng Tư Cồ nắm tay Trí lôi tới ngang gốc sộp rồi kéo tuột vào miễu. Trí cố vùng ra mà không thoát, nên đành phải ngó những gì ở ngay trước mặt. Đã nhiều lần Trí ra nhà Ngoại, phải đi ngang qua đây, nhưng không lần nào như lần này, Trí sợ nhưng vẫn phải ngó.
Cái miễu đứng nép vào thân cây sộp để khỏi đổ. Nóc lá dột nát, bên trong mấy tờ giấy đỏ có chữ nho đã phai màu, rách nát. Cái lư hương ngã ngang, tro đố đầy bàn. Chung quanh miễu thì ngổn ngang những ông lò ông táo bể nát sắp rã thành đất.
- Ma nè, ma nè! - Bỗng thàng Tư Cồ xô Trí vào gốc cây rồi chạy trở ra. Vừa chạy vừa la to - Thằng Trí đó, bắt nó Ma ơi!
Lần này thì Trí không sợ nữa. Cái gì mình không hiểu rõ mình mới sợ chớ khi đã nhìn tận mắt rồi thì không có cái gì là đáng sợ. Cây sộp to lớn nhưng nó vẫn là cái cây. Cái miểu tuy linh thiêng nhưng mình có động tới nó đâu mà nó hại mình! Còn ma, ma ở đâu? Sao không thấy con tinh cái bỏ tóc xoã hay mấy con quỉ khiêng chảo lửa tới?
Thằng Tư Cồ cười ha hả làm Trí quay lại. Nó lôi tay Trí trở ra đường và nói:
- Mầy thấy ma chưa? Hì hì… Mới đầu tao nghe đồn tao cũng sợ như mầy bây giờ vậy, nhưng ba tao cứ biểu tao đi mua rượu, phải đi ngang qua đây hoài. Rồi tao hết sợ. Tao không thấy ma quỉ gì hết. Đó, mày có thấy con ma nào không?
Tư Cồ là đứa rắn mắt nhất trường. Nó dám bơi qua sông, dám chuyền cây còng leo lên múa võ trên nóc trường. Và cũng chính nó bày đặt các vụ phá đám con gái. Trời mưa học trò dồn vào hàng ba. Thì đó là cơ hội tốt cho thằng Tư Cồ bày ra những trò chơi. Nó kêu mấy đứa con trai vịn vai nhau thành hàng do nó dẫn đầu làm xe lửa. Nó đút hai ngón tay vô miệng oéc lên một tiếng vang vầy rồi miệng kêu xình xịch, bắt đầu cho xe lửa chạy. Mấy đứa con gái, con Lự con nhà giàu, tóc kẹp dài, luôn luôn mặc đồ trắng, con Phường mũm mĩm mặc đồ trang đầm láng mướt, con Xinh mặc áo hường quần đen, ba đứa đẹp nhất trường, thường đánh đũa ở cuối hàng ba, thấy xe lửa của ông Tư Cồ phát máy là phải liệu mà tránh mau mau, không kịp thì sẽ bị xe lửa cán. Ông Tư Cồ còn đủ hai con mắt chớ không mù như lão ăn xin, nhưng chiếc xe lửa cứ nhè vào mấy đứa con gái mà đâm và té đè lên chúng. Con Lự là con cưng của thầy, nó thưa thầy, Tư Cồ bị ăn roi mây mấy lần, nhưng nó vẫn không bỏ cái xe lửa. Hễ trời mưa là có ông Tư Cồ lái xe lửa chạy rầm rầm.
Nó là một trong mấy “con quỉ ngoại càn khôn” vừa kể ở trên. Nó to con lại lờ khờ trong lớp học, nên thầy xếp nó ngồi tận bàn chót và trong xó hóc để ông Đốc không chú ý và gần cửa sổ dễ vọt. Mỗi lần vọt, trở lại nó càng tỏ vẻ thích thú và mong bị thầy cho “ở nhà” luôn.
Nó lờ khờ trong lớp bao nhiêu thì ra khỏi lớp nó càng thông minh hoạt bát bấy nhiêu. Để bù lại cái công Tư Cồ dẫn mình đi hái trái kim quít, và cho coi tường tận cái miễu cây sộp không có ma, Trí cho Tư Cồ mượn cuốn Mille mots (một ngàn chữ) Trí mới vừa mua giá 10 xu. Vừa đi, Trí vừa đọc trước cho Tư Cồ nghe:
- Mère mẹ, père cha, peau da, chair thịt, canard vịt, coq gà, maison nhà, porte cửa, feu lửa, charbon than, foie gan, intestin ruột, souris chuột, renard chồn, ilot cồn, rivage bãi…
Tư Cồ phục lăn, nhưng đến đây thì anh ta cười lăn ra. bảo:
- Đâu, mầy đọc lại coi!
Trí đọc:
- Rivage, bãi…
- Không, chữ trước kìa.
- Ilot, cồn.
- I…lô-cồn! Há há há! "Lô cồn lô cồn!" Tiếng Tây ngộ quá ta!
Trí ngớ ra không biết con quỉ Tư Cồ cười gì!….