Số lần đọc/download: 4133 / 54
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Lời Giới Thiệu -
C
ùng với “Thủy Hử truyện” của Thi Nại Am, “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần “Nho Lâm Ngoại Sử” (Chuyện làng nho) của Ngô Kính Tử là một tác phẩm giá trị nhất của tiểu thuyết Trung Quốc. Trong bài tựa viết thời Đồng Trị, một nhà phê bình đã nói: “Tôi khuyên các bạn không nên đọc quyển tiểu thuyết này, vì đọc nó một lần các bạn sẽ cảm thấy rằng mình đã gặp những nhân vật của nó suốt ngày trong đời”. Riêng nhận xét này cũng đủ chứng minh giá trị hiện thực của nó như thế nào. Lỗ Tấn trong “Trung Quốc tiểu thuyết sử lược” khẳng định rằng “Nho Lâm Ngoại Sử” là tiểu thuyết châm biếm xã hội đầu tiên, và về mặt này, từ xưa đến nay nó vẫn vô địch.
I. Tác giả
Ngô Kính Tử (1701 - 1754) tự là Mẫn Hiên, lại có tên tự là Văn Mộc, sinh năm 1701 ở huyện Toàn Tiêu, tỉnh An Huy, phía bắc bờ sông Dương Tử. Gia đình ông mấy đời nổi danh về khoa hoạn. Trong đời cố, có bốn người đỗ tiến sĩ, sang đời ông nội, có người đỗ bảng nhỡn, tiến sĩ. Người cha làm giáo dụ ở huyện được vài năm rồi bị cách chức vì trái ý quan trên, về nhà được một năm rồi mất.
Gia đình ấy để lại cho ông một gia tài giàu có, vô số bà con, bạn bè là quan lại, tiến sĩ, cử nhân, cùng với cái mộng thi đỗ làm quan để nối nghiệp nhà. Nhưng tất cả đều tan rã mau chóng. Năm hai mươi tuổi, Kính Tử thi đỗ tú tài ở phủ, nhưng lên tỉnh thi lại hỏng. Kinh nghiệm thi cử của bản thân cùng với kinh nghiệm làm quan của cha đã làm cho chàng thanh niên chán ngán về con đường khoa hoạn. Ông lại sẵn thói phong lưu, tiêu tiền như rác, nên chẳng bao lâu, gia sản cha ông để lại đều không cánh mà bay. Bấy giờ bạn bè trở mặt, tôi tớ bỏ đi, họ hàng lảng hết, ông phải bỏ nhà lên Nam Kinh.
Cuộc đời ở Nam Kinh là cuộc đời lao động chật vật và khổ cực. Mùa đông không có lửa đốt và nhiều khi phải nhịn đói hai ba hôm liền. Nhưng chính nó đã giúp ông tiếp thu những tư tưởng dân chủ của Cố Viên Võ, Hoàng Tôn Hy, chủ trương chống khoa cử bát cổ, chống lễ giáo và học vấn nhồi sọ của Tống Nho. Nó cũng giúp cho ông thấy rõ bản chất xấu xa của tầng lớp nho sĩ đã cấu kết với ngoại tộc Mãn Thanh gây ra cái tệ quan trường làm xã hội điêu đứng và do đó, ông đã đoạn tuyệt được về tình cảm với giai cấp thống trị và thấy cái đẹp ở quần chúng, ở những người lao động bình thường bị bọn thống trị khinh miệt. Vì vậy, năm ba mươi sáu tuổi, ông được cử lên Bắc Kinh dự vào khoa thi “Bác học hồng từ”, vinh dự lớn nhất của nho sĩ Mãn Thanh, thì ông kiên quyết chối từ, dù rằng ông biết rõ con đường danh lợi đã mở ra trước mắt. Vào khoảng bốn mươi lăm tuổi, ông viết “Nho Lâm Ngoại Sử”; ngoài ra, ông còn viết “Thi thuyết”, “Mộc Sơn phòng tập”. Ông mất ở Dương Châu năm 1754
Cuộc đời của Ngô Kính Tử là cuộc đời của một thứ “ẩn
sĩ”, nhưng tác phẩm mà ông để lại cho đời sau lại là một tác phẩm chiến đấu. Tác giả đã dùng hình tượng nghệ thuật để đả phá chế độ thi cử và chế độ quan trường, và qua đề tài trung tâm ấy, tác giả đã phê phán tầng lớp trí thức phong kiến về tất cả mọi mặt: học vấn, đạo đức, tư cách để làm nổi bật những tư tưởng dân chủ. Đối với văn học “Nho Lâm Ngoại Sử” có ba ưu điểm nổi bật: nội dung hiện thực, tư tưởng dân chủ và nghệ thuật châm biếm sâu
sắc. Chính ba điều đó làm cho ngày nay đọc lại chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì nó mới mẻ lạ thường.
II. Hiện thực tính của tác phẩm
Như Lỗ Tấn nhận định, “sự thực là lẽ sống của văn châm biếm ”Nho Lâm Ngoại Sử" sở dĩ thành tác phẩm châm biếm vĩ đại trong văn học, chính vì nó bám chắc lấy sự thực của xã hội đương thời.
Xã hội được miêu tả lại trong tác phẩm là xã hội đời Thanh ở giữa thế kỉ XVIII. Người Mãn Thanh xâm chiếm Trung Quốc từ 1644. Muốn củng cố sự thống trị, nhà Thanh ra sức thống trị về mặt tinh thần. Một mặt, chúng gây ra những vụ “văn tự ngục” để giết những người viết những điều chống lại nhà cầm quyền. Một mặt, chúng dùng hình thức thi bát cổ để lung lạc trí thức. Bát cổ hay kinh nghĩa là một lối văn có tám vế. Người viết chỉ có thể trích dẫn ở “Ngũ Kinh”, “Tứ Thư”, không được nói gì đến hiện tại. Mưu mô của nhà Thanh đã thành công to lớn. Tất cả bọn nho sĩ đều rơi vào bạm bẫy: ai không làm văn bát cổ thì không phải nhà nho.
Để tránh “ngục văn tự”, Ngô Kính Tử phải đặt câu chuyện vào đời Minh, nhưng tất cả mọi sự việc, nhân vật đều là những sự việc và những nhân vật của đời Thanh. Gia đình họ Đỗ ở Thiên trường là gia đình tác giả, những nhân vật như Ngu Dục Đức, Mã Thuần Thượng, Trì Hành Sơn v.v... đều dựa vào những người bạn của tác giả. Đỗ Thiếu Khanh, anh chàng phá gia chi tử chính là bản thân Ngô Kính Tử. Đối với thời đại tác giả sống, phương pháp thể hiện này là một phương pháp mới mẻ và táo bạo. Tác giả không lấy đề tài trong lịch sử quá khứ, trong truyền thuyết; những nhân vật không phải những vị anh hùng với những tình tiết quái dị. Trái lại, ở đây là cuộc sống bình thường vẫn diễn ra hằng ngày. Đúng như Lỗ Tấn nói: “Những sự việc miêu tả trong sách đều là những sự việc thông thường, ai cũng thấy cả, thường không ai cho là lạ, nên cũng không buồn để ý đến nó. Nhưng ngay bản thân nó đã vô lý, buồn cười, đáng ghét, thậm chí đáng ghê tởm... Bây giờ tác giả nói đến thì mọi người thấy ngay ý nghĩa quan trọng của nó”.
Như mọi người đều thấy, tác giả đã nêu bật một cách rất sinh động và hiện thực, thực chất của chế độ thi cử và chế độ quan trường. Ngay từ hồi thứ nhất, Vương Miện, nhân vật lý tưởng của tác giả, đã nói lên câu nói quán triệt tất cả tác phẩm “Văn nhân thời đại này nguy rồi!”. Và tác giả cũng không hề giấu giếm chủ ý của mình là dùng tác phẩm nghệ thuật để chứng minh cái tai họa mà chế độ khoa cử đã đưa đến cho tầng lớp nho sĩ của thời đại.
Tác giả đã nêu rõ nó chỉ là một thứ trò hề, không dựa vào một tiêu chuẩn gì hợp lý mà hoàn toàn dựa vào chủ quan của người chấm thi. Chu Tiến chấm thi, thấy Phạm Tiến thi đã hai mươi lần vẫn không đỗ nên “thương hại” muốn “thưởng cho cái chí của anh ta”. Chính vì vậy, y chịu khó đọc bài văn của Phạm Tiến đến ba lần và đến lần thứ ba thì thấy “mỗi chữ là một hạt ngọc”. Cũng vì thi cử chẳng qua là một thứ trò hề, cho nên các quan chấm thi chỉ nghĩ đến việc làm sao cho vừa lòng quan thầy. Phạm Tiến muốn hoãn kỳ treo bảng vì chưa tìm được bài của Tuân Mai để cho y đỗ như ý muốn của Chu Tiến. Trường thi là một nơi gian dối, một người đi thi thay người khác như Khuông Siêu Nhân kiếm được hàng trăm lạng. Không những thi cử chẳng có giá trị gì, mà ngay cả những người thi đỗ cũng chẳng có kiến thức gì. Trì Hành Sơn nói: “Bây giờ bọn đọc sách chẳng qua chỉ biết thi cử... Còn như việc lễ nghi âm nhạc, binh pháp, nông nghiệp thì tuyệt nhiên không sờ đến”. Phạm Tiến làm quan chấm thi nhưng vẫn không biết Tô Đông Pha nhà văn hào lớn bậc nhất đời Tống là ai; Thang tri huyện cũng đi chấm thi nhưng vẫn không biết Lưu Cơ, người đã giúp Chu Nguyên Chương đánh đuổi quân Nguyên là ai. Trong con mắt của tác giả, học vấn và khoa cử là hai điều hoàn toàn đối lập.
Trong khi phân tích thực chất của chế độ khoa cử, tác giả đã miêu tả một cách hết sức cụ thể cái tấn bi hài kịch mà nó gây nên ở trong xã hội. Vì đó là con đường tiến thân duy nhất của các nhà nho, cho nên tất cả tầng lớp trí thức đều xô nhau theo con đường ấy. Đại bộ phận suốt đời thất bại, thi hỏng. Bấy giờ họ đành phải sống cuộc đời nghèo khổ cực nhục như Nghê Sương Phong vì đói khổ quá mà phải bán tất cả sáu đứa con của mình. Có một số người lận đận nơi trường ốc hàng chục năm trời mới thành đạt. Trong những hồi đầu ta gặp hai nạn nhân của chế độ khoa cử là Chu Tiến và Phạm Tiến. Ta gặp ông già Chu Tiến thi mãi đến sáu mươi tuổi vẫn hỏng, bị Mai Cửu chế nhạo, Vương Huệ coi thường, mất chức dạy học, phải giữ sổ cho nhà buôn. Con người này vì uất ức quá nên nhìn thấy cái bàn ở trường thi thì “nước mắt giàn giụa, thở dài một cái, đập đầu vào bàn, nằm duỗi thẳng cẳng, bất tỉnh nhân sự”. Quả thực giấc mộng công danh hành hạ con người đến thế là cùng. Ta lại gặp ông già Phạm Tiến ngoài năm mươi tuổi bị lão hàng thịt mắng như tát nước vào mặt, đói quá phải đem con gà độc nhất ra chợ bán. Tác giả trình bày sâu sắc cái cảnh Chu Tiến vì thi hỏng mà chết ngất ở trường thi, cũng như cái cảnh Phạm Tiến thi đỗ mừng quá hóa điên, nên lại càng làm nổi bật sự truỵ lạc về tinh thần của tầng lớp nho sĩ.
Tác giả lại còn cắt nghĩa một cách đúng đắn sự sa đọa về nhân cách của bọn nhà nho đạt vận: Đó là vì họ đã thoát ly hoàn toàn khỏi nhân dân mà bước sang giai cấp thống trị và càng trèo lên cao trong bậc thang xã hội thì nhân cách của họ càng biến đi, để lộ nguyên hình bọn sâu mọt của xã hội. Ở đây sự phân tích những thủ đoạn mà xã hội phong kiến đã dùng để đầu độc trí thức quả thực là chua chát. Con người thi đỗ biến thành một vị thần. Anh tú tài “ngây” Chu Tiến được người ta dựng bàn thờ thờ sống và con người “môi trề ra ngoài (Phạm Tiến) bỗng chốc biến thành Văn khúc tinh. Người ta đua nhau đến biếu bạc vàng, nhà cửa. Kết quả của sự mua chuộc này là người nho sĩ bán rẻ tất cả nhân cách của mình để thành một hạng người hèn hạ. Quá trình biến chất của người trí thức trong xã hội phong kiến biểu hiện rất cụ thể qua nhân vật Khuông Siêu Nhân. Khi ta gặp Khuông, thì Khuông là một chàng bói sáng nghèo khổ, có hiếu, một người đầy những ý nghĩa cao thượng: ”những người giàu là những đứa con bất hiếu, nhưng một người nghèo như ta thì dù muốn có hiếu cũng không làm sao được. Thực là bất công. Cuộc đời hàn vi của Khuông thực là cảm động, Khuông lao động vất vả, yêu quý cha mẹ, ham học. Nhưng từ khi thi đỗ, bản chất của Khuông dần dần thay đổi; Khuông chạy theo Phan Tam, nhúng tay vào những việc bất chính để kiếm tiền, bỏ vợ cũ lấy vợ mới con quan, nghe tin vợ chết không chịu về, ngồi đâu cũng khoe khoang chức tước, tài năng của mình một cách trơ trẽn. Khuông biến thành hạng người vô liêm sỉ, nhưng vẫn luôn luôn tự lừa dối mình bằng những danh từ đạo đức.
Mặc dù khoa cử làm cho tầng lớp trí thức bị điêu đứng nhưng nó vẫn có những con người sùng bái nó một cách tuyệt đối. Với Cao Hàn Lâm và Lỗ Biên Tu thì đó là cách đánh giá duy nhất về con người: “Nếu ông ta có học, thì ông ta đã thi đỗ rồi”. Với Lỗ Tiêu Thư thì không lấy được người chồng cử nhân, tiến sĩ tức là “hỏng cả cuộc đời”. Hạng người mê muội này nhan nhản trong xã hội phong kiến. Tiêu biểu nhất cho hạng này là Mã Thuần Thượng. Với Mã Thuần Thượng nó là tất cả: “Nếu cha mẹ có mang bệnh, nằm trên giường không có ăn mà nghe anh ngâm văn bát cổ thì trong lòng cũng nở dạ vui mừng...” “Khổng Phu Tử sống lại bây giờ thì nhất định ngài cũng phải làm văn chương theo cử nghiệp”. Tất cả tầng lớp nho sĩ chỉ nghĩ đến một điều: phải ra làm quan. Động cơ làm quan chỉ là một động cơ hèn hạ. Tang Đồ nói với Thiếu Khanh: “... Rồi nếu thi đỗ, tôi sẽ được làm tri huyện. Thế rồi tôi sẽ đi giày, ngồi trên công đường, đánh người ta”.
Chính vì vậy, sự phê phán thực chất thối nát của chế độ khoa cử đưa thẳng đến sự phơi bày bộ mặt thực của chế độ quan lại phong kiến. Ở đây sự công kích thực là triệt để. Việc châm biếm, tố cáo một vài cảnh thối nát trong quan trường là một việc thường thấy trong văn học, nhưng việc đào sâu đến tận gốc rễ, phủ nhận nó một cách toàn bộ là việc rất ít có. Ngay từ hồi đầu, trước khi nhắm mắt, bà mẹ của Vương Miện đã nói: “Làm quan không phải là việc làm cho cha ông vinh hiển. Ta thấy những kẻ làm quan đều không được cái gì hay..., Con ơi, nên nghe lời mẹ, sau này lo cưới vợ, đẻ con, giữ mồ mả cho mẹ chứ đừng ra làm quan! Có thế mẹ chết mới nhắm mắt”. Vương Miện là một nhân vật có thực, nhưng trong các sách không hề nói đến việc Vương Miện và mẹ Vương Miện phê bình thi cử và quan trường. Ở đây, tác giả đã biến họ thành những hình tượng nghệ thuật để nói lên sự khinh bỉ của mình đối với mưu mô nô dịch trí thức của bọn vua chúa Mãn Thanh.
Khi trình bày thực chất thối nát của bọn quan lại phong kiến, tác giả không chỉ trình bày hiện tượng mà còn đi sâu hơn tìm ra nguyên nhân. Sự thực, thì làm quan chỉ là một cái nghề kiếm ăn không liên quan gì đến nhân nghĩa, đạo đức. Khi nhận định về người cha của Đỗ Thiếu Khanh, Cao Hàn Lâm nói: “Ông cha của Thiếu Khanh, đỗ tiến sĩ, làm quan đến Thái thú nhưng cũng là một anh ngốc. Lúc làm quan không biết kính trọng quan trên, chỉ cốt làm sao cho vừa lòng dân, cả ngày cứ ngồi mà lo ”hiếu đễ" với “nông tang”. Những cái đó đều là đầu đề để làm văn làm bài. Ông ta tưởng đâu là sự thực". Sự thực, làm quan chỉ là một cái nghề cốt làm sao kiếm được nhiều tiền.
Nghiêm Trí Trung nói: “Như Thang phụ mẫu làm thì chỉ có tám ngàn. Ngày trước, Phạm phụ mẫu làm thì có đến vạn. Nó có những cái lắt léo phải cần những người thành thạo như chúng tôi”. Vương Huệ có thể xem là một thứ quan “thành thạo” vì những cái “lắt léo” của nghề này. Vừa được bổ làm Thái thú Nam Xương, Vương Huệ đã hỏi xem ở đây có những sản vật gì, hay kiện nhau vì những việc gì và đem áp dụng ngay phương châm:
“Ba năm tri phủ thanh liêm,
Mười vạn lạng bạc số tiền cũng to”.
Để làm một ông phủ “thanh liêm”, Vương Huệ “xét xem cái gì có lợi mà còn giấu giếm, vơ vét tất cả về mình”. Y biến công đường thành một nơi chỉ nghe “tiếng cân, tiếng bàn toán và tiếng roi”. “Tất cả phủ đều sợ ông phủ như cọp, lúc nằm chiêm bao cũng vẫn còn sợ”. Nhưng y vẫn không vì thế mà bị khiển trách. Trái lại, “quan trên có nghe đến thì cho Vương là người có năng lực nhất ở Giang Tây. Làm được ba năm, ở đâu cũng khen ngợi”. Bọn quan lại phong kiến là cái ung nhọt của nhân dân. Chúng chỉ muốn lấy tiền, lại đồng thời được quan trên khen ngợi. Chính vì vậy tri huyện Thang đã gông chết ông già hồi giáo, làm cho nhân dân nổi giận, bãi thị, vây thành đòi giết chết người chủ mưu. Đến khi quan trên xét thì tri huyện Thang chẳng bị trừng phạt gì; trái lại, nhân dân lại bị xử phạt nặng nề. Tác giả lại còn phân tích tỉ mỉ tại sao “ông quan làm nhà tan cửa nát” như vậy. Đó là vì xung quanh họ là những bọn xu nịnh hèn hạ chỉ tìm cách dựa vào uy thế của họ để bóc lột nhân dân. Nghiêm Trí Trung và Trương Tĩnh Trai, hai hình ảnh cụ thể của bọn nho sĩ đã biến thành cường hào ở nông thôn. Chúng dựa vào thế lực của quan để cướp đoạt ruộng vườn, đánh người gãy đùi, cướp lợn, đòi tiền, đòi gia tài, lừa lọc mọi người. Gặp ai làm quan hay sẽ làm quan thì chúng xu nịnh, tâng bốc, chỉ muốn bày mưu tính kế đàn áp nhân dân; trái lại, gặp nhân dân thì chúng hống hách, cướp giật, không có điều gì không làm. Không những thế, nha môn của bọn phủ huyện đầy dẫy những bọn thừa kiện, lính hầu, sai nhân v. v... mà thực chất chỉ là một bọn ăn cướp. Có kẻ ăn cướp trắng trợn như Phan Tam. Y là một thứ côn đồ chỉ lo gá bạc, bắt cóc phụ nữ, cho vay nặng lãi, hối lộ quan trường, dìm việc giết người. Có kẻ chỉ lo hăm dọa để kiếm tiền như tên sai nhân đã dọa Cừ Dật Phu tư thông với giặc để nuốt trôi chín mươi lạng bạc của Mã Thuần Thượng. Lại có kẻ tìm mọi cách luồn lọt như tên thư biện nói với Bão Văn Khanh: “Có một việc chỉ mong cụ lớn cho một chữ ”chuẩn" là ông có thể kiếm hai trăm lạng bạc. Lại có một việc đang đưa lên huyện xét, chỉ mong cụ lớn bác đi là ông có thể kiếm ba trăm lạng. Ông Bão: ông làm ơn nói hộ tôi một lời với cụ lớn".
Đối lập lại hình ảnh của bọn nho sĩ mất nhân cách, tác giả đã nêu lên hình ảnh cảm động của những con người bình thường. Tác giả không giấu giếm thiện cảm của mình đối với họ. Câu chuyện mở đầu bằng anh chăn trâu Vương Miện và kết thúc bằng Quý Hà Niên viết thuê, Vương Thái bán giấy vụn, Cái Khoan bán nước chè, Kinh Nguyên thợ may. Bà mẹ Vương Miện, người cha Khuông Siêu Nhân là những nông dân nghèo nhưng biết dặn con đừng ra làm quan. Tác giả thấy ở người hát tuồng Bão Văn Khanh một người “chính nhân quân tử”, tác giả tìm thấy cái chân thật ở trong tình cảm, trong cách cư xử của hai thương nhân nghèo là cụ Ngưu và cụ Bốc. Tác giả đưa họ vào lịch sử làng nho và xem họ là những nhà nho chân chính. Cái nhìn ấy là một cái nhìn hiện thực ít thấy trong văn học.
III. Tư tưởng dân chủ
Ngô Kính Tử trình bày được một bức tranh hiện thực về xã hội đời Thanh không phải là một việc ngẫu nhiên. Đó là vì tác giả đã tiếp thu được những tư tưởng của Hoàng Tôn Hy và Cố Viên Võ. Hai người này là hai học giả lớn của đời Minh đã từng tham dự cuộc kháng chiến chống ngoại tộc Mãn Thanh. Sau khi thất bại, họ rút lui về ở ẩn, mạt sát bọn trí thức đầu hàng Mãn Thanh, nêu lên chủ trương học phải chú trọng thực tiễn và do đó, chống lại Tống nho từ căn bản. Qua thực tiễn của bản thân, họ thấy rõ rằng sự thống trị của chế độ phong kiến là tàn ác và họ có những tư tưởng dân chủ rõ rệt, Vương Thuyền Sơn còn nêu ra kết luận chia đều ruộng đất. Các học giả tiến bộ này chủ trương soạn sách để bảo tồn ý thức dân tộc và cảnh tỉnh nhân dân. Họ đã thoát ly khỏi lập trường của giai cấp họ mà đứng sang lập trường của quần chúng và được nhân dân yêu quý. Ngô Kính Tử đã tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ cho nên tác phẩm của ông có một giá trị tư tưởng rõ rệt, ta có thể thấy ở đó mầm mống của tư tưởng dân chủ. Nhưng một mặt khác, vì xã hội Trung Quốc vẫn ở trong tình trạng phong kiến không chuyển nhanh thành xã hội tư bản, cho nên tư tưởng phong kiến vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến những người tiến bộ nhất. Họ không thể đề xướng ra được học thuyết duy vật như các học giả tư sản Âu châu mà phải quay trở lại dùng biện pháp của những nhà tư tưởng Trung Quốc từ xưa. Họ chủ trương xây dựng lại đạo đức cũ, lễ nhạc cũ và hi vọng dùng nó để cải tạo xã hội. Cố nhiên cái gọi là đạo đức cũ, lễ giáo cũ chính là những tư tưởng mới, dân chủ, nhưng họ phải khoác cho nó một bộ áo của người xưa. Điều đó đã hạn chế rất nhiều tác dụng của họ. Đó là tấn bi kịch chung của Cố Viên Võ, Hoàng Tôn Hy, Vương Thuyền Sơn và cũng là tấn bi kịch của Ngô Kính Tử.
Tư tưởng dân chủ của Ngô Kính Tử thấy rất rõ qua những nhân vật tích cực của tác giả.
Lý tưởng của tác giả là lý tưởng của Vương Miện, Đỗ Thiếu Khanh. Tác giả gọi Vương Miện là “con người lỗi lạc”. Nhưng thực ra, Vương Miện chẳng làm việc gì phi thường. Vương Miện chỉ là một người chăn trâu, lao động. Điều làm cho Vương Miện lỗi lạc ở chỗ Vương nhất định không chịu hợp tác với chính quyền phong kiến, nhất định không chịu giao du với quan lại phong kiến, thà chịu chết trong núi chứ không ra làm quan. Đề cao một nhân vật như thế ngay trong lúc bọn Mãn Thanh đang ra sức khủng bố, mua chuộc trí thức, phải là một hành động có ý thức và can đảm. Tác giả gọi Đỗ Thiếu Khanh là “con người hào kiệt”. Nhưng thực ra, Thiếu Khanh chẳng làm việc gì oanh liệt. Theo tác giả, Thiếu Khanh là một người hào kiệt chỉ vì ông ta chống lại tất cả lễ nghi, đạo đức, lối sống phong kiến. Bấy giờ là lúc mọi người chạy theo thi cử, tiền tài; trái lại, Thiếu Khanh coi tiền như rác, khinh thường thi cử, coi công danh như đất, không thích giao du với bọn quan lại, cáo ốm không chịu ra làm quan. Bấy giờ mọi người đang sùng bái học thuyết của Chu Hy thế mà Thiếu Khanh lại dám viết một quyển “Thi Thuyết” để giải thích Kinh thi theo tinh thần dân chủ. Bấy giờ đàn bà bị giam hãm trong bốn bức tường, trái lại Thiếu Khanh lại dắt vợ ngao du ngắm xem phong cảnh. Nói chung Thiếu Khanh là cái gai cho trật tự phong kiến. Mọi việc làm của ông đều có chủ trương và đối lập lại lý luận phong kiến. Phong kiến chủ trương đa thê thì Thiếu Khanh chủ trương một vợ một chồng, phong kiến sùng bái thuật phong thủy thì Thiếu Khanh muốn chém cổ bọn thầy địa lý v.v... Con người mà bọn phong kiến mạt sát không tiếc lời gọi là “phá gia”, “ngông nghênh”, “ăn mày” lại được tác giả xem là “hào kiệt”.
Thực ra, con người này chẳng phải ai xa lạ mà chính là bản thân tác giả. Cũng như Thiếu Khanh, Ngô Kính Tử là con một nhà “đại gia”, đã tiêu hết cơ nghiệp trong việc mở rộng sự giao du với bạn hữu, rồi lên Nam Kinh sống cuộc đời nghèo khổ. Cũng như Thiếu Khanh, Kính Tử đã viết “Thi Thuyết”, đã cáo ốm không chịu làm quan, có một người cha bị cách chức và một người con lỗi lạc (con Kính Tử là Ngô Lương, một nhà toán học lớn của Trung Quốc). Qua nhân vật Thiếu Khanh, tác giả đã nói lên những tư tưởng và những tình cảm của mình và hình tượng này đặc biệt thành công đến nỗi nó sống mãi trong óc người đọc.
Tư tưởng dân chủ của tác giả cũng thấy rõ trong thái độ của tác giả đối với phụ nữ. Nhân vật Thẩm Quỳnh Chi là một hình ảnh đẹp. Cha nàng gả nàng cho tên phú thương Tống Vi Phú để làm vợ, nhưng sau mới biết y chỉ định lấy làm thiếp. Quan lại ăn tiền của Tống Vi Phú nên bác đơn kiện của cha nàng. Thẩm Quỳnh Chi bèn bỏ trốn lên Nam Kinh, làm thơ, thêu thùa để sống. Một mình đương đầu với mọi thành kiến, chống lại mọi thế lực và cuối cùng, giành được quyền tự do về mình, Thẩm Quỳnh Chi chính là người con gái đẹp đẽ của nhân dân, xứng đáng với lời khen của Thiếu Khanh: “Bọn buôn muối kia giàu có và lắm uy thế, sống xa hoa đến nỗi bọn sĩ đại phu gặp chúng thì mất hồn bở vía. Nàng là một người con gái nhỏ mà xem chúng như cỏ rác, thực là đáng phục”.
Thái độ của tác giả đối với thực chất giả dối của luân lý Tống Nho biểu lộ rõ rệt tinh thần dân chủ. Tác giả đối lập cái hiếu giả dối của bọn quan lại với lòng hiếu chân thành của nhân dân: Tuân Mai nghe tin mẹ chết vội vàng bảo người nhà giấu bặt điều ấy đi vì sợ lỡ dịp làm quan. Nhưng đến khi thấy đành phải về nhà chịu tang thì lại tổ chức táng lễ linh đình để được tiếng là hiếu. Trái lại, Quách hiếu tử trèo non lặn suối để tìm cha là xuất phát từ tình cảm tự nhiên chứ chẳng phải để mong được người ta khen là hiếu. Tác giả vạch rõ thực chất tàn bạo của chữ “trinh” phong kiến. Con rể của Vương Ngọc Huy chết, con gái Vương Ngọc Huy muốn tuẫn tiết theo chồng. Cả nhà can ngăn, riêng Ngọc Huy lại khuyến khích con: “Con ơi, con đã muốn thế thì sử sách sẽ ghi tên con”. Người con gái nhịn đói chết, Ngọc Huy “ngẩng đầu lên trời cười mà rằng: Chết thế là giỏi! Chết thế là giỏi! Và cười vang, bước từng bước dài ra khỏi phòng”. Chỉ trong mấy chữ, tất cả cái dã man của một thứ luân lý trái với tự nhiên được phơi bày rõ rệt, nó làm người cha biến thành một kẻ giết con, táng tận lương tâm.
Thái độ của tác giả đối với nhà vua là thái độ phủ nhận. Trang Thượng Chí được triệu vào cung gặp mặt vua. Vua hỏi cách trị dân, Trang quỳ xuống định trả lời thì thấy “trên đầu nhức nhối” bèn thoái thác đi về. Về nhà bỏ mũ ra, thấy “trong mũ có một con rết!”. Vương Huệ theo Ninh Vương chống lại triều đình; Ninh Vương bị thua, Vương Huệ bỏ trốn. Cừ thái thú nghe cháu nội nói có gặp Vương Huệ liền trách cháu: “Tuy ông ta phạm tội đối với triều đình, nhưng là chỗ bạn cũ của ta. Sao lại không lấy số tiền đã thu được mà đưa cho ông ta?” Đến khi người cháu trả lời đã cho Vương Huệ tất cả số tiền thì Cừ thái thú mừng rỡ: “Mày thực là con của thầy mày!”.
Xét về mặt đả phá trật tự và đạo đức phong kiến, “Nho Lâm Ngoại Sử”, chứa đựng những yếu tố tiến bộ rất rõ rệt. Nhưng vì hoàn cảnh lịch sử hạn chế, nên tác giả lại đưa ra một giải pháp bảo thủ. Tác giả không thể nghĩ đến việc thay thế xã hội cũ bằng một xã hội mới, mà chỉ nghĩ đến việc quay lưng với nó, đi ở ẩn, đi tu. Tác giả tưởng đâu rằng phục hồi được lễ nhạc cũ là phục hồi được nhân nghĩa, làm cho xã hội được thái bình. Vì vậy, tác giả cố ý tập hợp các nhà nho ở hồi 37 làm lễ tế ở đền Thái Bá. Nhưng lý luận viển vông này đã bị thực tế đập tan. Lễ nhạc cổ vừa mới phục hồi thì đám nho sĩ đã tan tác mỗi người một phương và đền Thái Bá rêu phong cỏ mọc.
IV. Nghệ thuật
Nho Lâm Ngoại Sử đã sử dụng một nghệ thuật châm biếm, về căn bản giống phương pháp hiện thực phê phán của Âu châu ở thế kỉ XIX. Tác giả đã nhìn thẳng vào hiện thực xã hội và miêu tả nó một cách hết sức sinh động. Đoạn tả Mã Thuần Thượng thăm Tây Hồ chẳng hạn, là một đoạn nổi tiếng vì nếu không quen biết với cảnh Tây Hồ thì không thể nào miêu tả nó một cách hiện thực như vậy. Tác giả đã để lại một bức tranh sinh động của một xã hội chạy theo công danh, với một bọn trí thức mất hết nhân cách, quan lại hà hiếp nhân dân, sai nha tống tiền, bọn thương nhân giàu có làm vua làm chúa. Nhưng tác giả không dừng ở hiện tượng mà đi sâu vào bản chất cho nên sự phê phán bắt người ta suy nghĩ. Việc Phạm Tiến đỗ cử nhân đã từng được xem là một kiểu mẫu của nghệ thuật châm biếm: Phạm Tiến là một anh học trò nghèo suốt đời lận đận nơi trường ốc, chịu trăm nghìn tủi nhục, khổ cực. Vì vậy, khi được tin thi đỗ thì phát điên, hết khóc lại cười, người ta phải tát cho một cái mới tỉnh. Từ đó cuộc đời thay đổi một cách đột ngột: ruộng đất, nhà cửa, bạc vàng, kẻ hầu người hạ chẳng thiếu thứ gì. Nó làm cho bà mẹ của Phạm Tiến sửng sốt mà chết. Và Phạm Tiến tuy xác vẫn còn đấy, nhưng thực ra cũng là một người đã chết vì y đã mất hết cả chí khí, nhân cách. Ở dưới cái vẻ hài kịch của những hiện tượng trình bày, là cái tính chất bi kịch nằm trong lòng cuộc sống. Sự phê phán vì vậy không phải là sự phê phán một vài cá nhân mà là sự phê phán những hạng người trong xã hội. Đặc biệt tác giả đã nêu lên được cái xu thế chạy theo khoa cử thành một áp lực xã hội. Cả một xã hội bị nó đầu độc, bắt đầu từ đứa con của Lỗ tiểu thư, mới lên bốn tuổi đã phải học văn bát cổ cho đến nửa đêm. Nó bắt Chu Tiến đập đầu mà khóc, bắt Phạm Tiến hóa điên, bắt Mai Cửu phải nhận mình làm học trò Chu Tiến. nhiều khi sự châm biếm thực là kín đáo. Mã Thuần Thượng là một người tin vào giá trị của khoa cử một cách tuyệt đối và chân thành. Mã chỉ nghĩ đến một việc: làm người tuyên truyền không công cho chế độ khoa cử. Mã đã thuyết phục được Cừ Dật Phu, Khuông Siêu Nhân. Nhưng tác giả lại còn tinh vi ở chỗ nêu bật tính ngây thơ, dễ tin của Mã Thuần Thượng. Tên sai nhân chỉ cần dọa Mã mấy câu là cướp được chín mươi lạng bạc của Mã, và Hồng Hám Tiên chỉ cần đưa cho Mã vài cục than là suýt biến Mã thành tay sai của một tên lưu manh. May sao, Mã thấy được rằng mình bị Hồng Hám Tiên lợi dụng. Nhưng đến chết, Mã cũng không thể ngờ rằng mình đã bị chế độ khoa cử lợi dụng biến thành một thứ Hồng Hám Tiên để lừa dối mọi người.
Vì không nhằm viết lịch sử của một vài nhân vật mà viết lịch sử của tầng lớp nho sĩ, cho nên kết cấu của “Nho Lâm Ngoại Sử” cũng khác kết cấu của các quyển tiểu thuyết khác. Kết cấu không tập trung xung quanh một vài nhân vật chính mà trình bày một cái toàn cảnh của xã hội, tập trung xung quanh một chủ đề rõ rệt. Mục đích của tác giả không phải là nói lên một biến cố của xã hội hay kể lại cuộc đời của một nhân vật mà là nêu lên một vấn đề xã hội. Điều này vẫn không làm giảm giá trị của tác phẩm; trái lại vì đề tài rộng rãi, nhân vật nhiều, không thể làm khác được. Không những thế, nó đã giúp tác giả xây dựng được những nhân vật điển hình bất hủ như Đỗ Thiếu Khanh, Mã Thuần Thượng, Nghiêm Trí Trung, Khuông Siêu Nhân v.v... vẫn thường được nhắc đến trong văn học.
Cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả cũng rất đặc sắc. Đó là những ngôn ngữ của sử gia, chữ nào cũng bao hàm tính chất phê phán, cân nhắc. Câu văn xem bên ngoài khá đơn giản, không có trang sức rườm rà nhưng đọc kĩ thì rất là tinh tế. Trước đây, đó là câu văn của Tư Mã Thiên và sau này, đó là câu văn của Lỗ Tấn. Lối văn đơn giản, mỗi chữ, mỗi ý, lời ít ý nhiều xưa nay vẫn là lối văn khó dịch nhất vì nó quá kín đáo và tế nhị. Vì vậy, chúng tôi có chú thích về một số danh từ ở Việt Nam không quen dùng và thêm một ít nhận xét khi gặp những đoạn văn quá tế nhị sợ không lột được cái dụng ý sâu xa của tác giả. Trong lúc dịch, chúng tôi cố hết sức theo sát nguyên văn với tham vọng diễn đạt trung thành những ý nghĩ của tác giả. Song khả năng có hạn, chúng tôi chưa dám tin là đã lột được hết cái hay của nguyên tác và không khỏi phạm nhiều khuyết điểm.
Chúng tôi hi vọng giới thiệu được phần nào một nhà văn Vĩ đại và một kiệt tác cổ điển của một nền văn học phong phú như văn học Trung Hoa. Trong việc dịch và giới thiệu, chúng tôi đã được sự chỉ giáo của cụ Bùi Kỷ và sự giúp đỡ của các bạn trong Nhà xuất bản. Chúng tôi xin thành thực cảm ơn.
PHAN VÕ và NHỮ THÀNH