Số lần đọc/download: 7337 / 83
Cập nhật: 2015-03-15 22:28:51 +0700
Chương 1 - Ngỡ Thất Tình Hai Vĩnh Đi Giang Hồ
C
on đường đất đỏ nối liền chợ Long Kiểng với bến đò (cũng mang tên Long Kiểng) phơi mình dưới nắng mai đẹp như một dải lụa dài màu gạch cua.
Hai bên đường nhà cửa lưa thưa, các cánh đồng xen lẽ bưng rạch xanh um. Đâu đó một con cu đất đậu trên nhanh bần cất tiếng gáy dõng dạc như khuấy động bầu không khí êm ả của đồng quê. Thỉnh thoảng một chiếc thổ mộ chạy lốc cốc suốt quãng đường dài. Đến cầu Rạch Đỉa, cuộc sống có phần nhộn nhịp hơn. Từ xa, khách đã nghe tiếng “xình xịch” của nhà máy xay lúa, một làn khói đen bốc lên, lơ lửng giữa vòm trời xanh lơ. Xe qua cầu, khách liếc nhìn nhà máy rõ hơn. Nhà máy nằm sát bờ rạch ngay ngã tư sông, tàu thuyền qua lại tấp nập. Gần chục xuồng tam bản chen chúc dưới bến, kẻ vác lúa lên, người khuân gạo xuống. Dưới bóng cây bần, chị bán “sương sâm, sương xáo” cùng đám nhỏ bán bánh cam, bánh còng tranh nhau mời mọc...
Sáng nay Hai Vĩnh ăn mặc tươm tất hơn mọi ngày, chiếc áo sơ mi kaki trắng có cầu vai- kiểu mới vừa tung ra vào đầu năm 40- đặt may tại tiệm lớn ở đường Lefèbive, dân đọc là Lơ-pheo bên chợ Cầu Ông Lãnh, giúp anh có phần bảnh trai hơn. Chị bán sương xâm nheo mắt tán một câu:
- Bữa nay, thầy Hai sáng trưng hè!
Đám trẻ bán bánh đảo mặt nhìn Hai Vĩnh, trầm trồ chiếc áo mới:
- Thầy Hai có áo sơ mi “chiếng” quá!- Hai Vĩnh là một thanh niên khoảng hăm lăm, to cao, mặt vuông, trán rộng, mắt sáng, nghiêm nghị, nói năng nhỏ nhẹ...
Hai Vĩnh vuốt áo, nói cho qua chuyện:
- Có cũ có mới chớ bà con!- Anh vui vẻ pha trò: Sách có câu “Không chùi để vậy lu ly, chùi ra tỏ rạng, thua gì... chúa ôn”!
Nói xong, anh đi thẳng lên nhà máy, sợ nán lại, thiên hạ sẽ biết vì sao hôm nay anh diện như vậy. Bí mật của anh chỉ có hai người biết mà thôi, đó là anh và người anh thầm yêu trộm nhớ: cô Tư Xóm Cỏ. Mỗi tháng, cô Tư Xóm Cỏ chỉ đi chà gạo có một lần, thường là ngày mười bảy “nước nhảy khỏi bờ”. Vào những ngày mười bảy ấy, tình cảm của Hai Vĩnh cùng tràn bờ như con nước rong Rạch Đỉa.
Cuộc đời làm công tối tăm, bụi bặm của anh có được một chút ánh sáng kể từ ngày ấy. Niềm vui khó tả đó chính là mối tình đầu. Anh nhớ mãi buổi gặp gỡ đầu tiên. Cũng trên bến này, vào một ngày nước lớn ngập cầu. Nước lớn bao giờ cũng gieo vào lòng người cảm giác tươi mát dễ chịu, nước lớn che những bãi bùn dơ bẩn hôi hám, nước lớn kéo theo làn gió làm ngả nghiêng các đọt bần, thổi sạch lớp bụi dày đóng trên nóc nhà máy. Anh đang ngồi trên bến nước, rửa mặt, rửa tay, nghe nước mát thấm vào da thịt mà liên tưởng tới những lu đầy nước mưa, những bồ đầy lúa, những khạp đầy gạo với những ví đầy tiền. Bỗng một cô gái thật đẹp, không rõ từ đâu tới hiện ra, bất ngờ như trong chuyện cổ tích. Cô nàng ghim mũi tam bản ngay về phía anh. Nước da cô trắng ngần, chiếc áo bà ba hàng màu tím hoa cà càng tôn sắc mơn mởn. Hai Vĩnh nhanh tay chụp mũi tam bản ghì lại, giúp cô gái cắm sào cập bến. Chợt thấy mình nhìn lom khom một cách khiếm nhã, anh cất tiếng chào:
- Cô không phải dân Tân Quy? Chắc cô ở bên kia Rạch Ong lớn.
Cô gái có vẻ ngạc nhiên thích thú:
- Làm như anh biết hết con gái ở đây!
- Cô nói đúng. Bởi trong xã Tân Quy chỉ có một cái nhà máy duy nhất này- Vừa nói, Hai Vĩnh vừa bê mấy bao cà-ròn lúa lên sân nhà máy.
- Cám ơn anh- Cô gái phe phẩy chiếc nón lá khiến mớ tóc tơ rung rinh trên gương mặt trái xoan.
- Ơn nghĩa gì!... Nhưng cô chưa trả lời câu hỏi của tôi- Hai Vĩnh tiếp tục ngắm cô gái. Mồ hôi dán chặt lưng áo cho thấy đôi vai tròn, bộ ngựa nở, eo lưng thon, cặp chân dài dưới lớp lãnh đen...
Cô gái cười để lộ lúm đồng tiền:
- Anh tò mò quá!
Hai Vĩnh hơi ngượng, tìm cách nói cho xuôi:
- Những người ở xa tới đây chà gạo, tôi có thể giúp cho chà trước để về cho kịp con nước.
Cô gái nửa tin nửa ngờ:
- Bà con tới trước có chịu nhường cho những người ở xa không?
- Chịu chớ! Bà con ở đây rất có tinh thần tương trợ. Truyền thống “dân lân dân ấp” của Bình Tây Đại Nguyên soái mà cô!
Hai mắt cô gái sáng rực lên:
- Bình Tây Đại nguyên soái! Tôi tưởng chỉ có ông già mới còn nhớ chuyện đời xưa chớ!
Hai Vĩnh ngồi lên bao cà-ròn đối diện cô gái:
- Vùng này ai chẳng là con cháu nghĩa quân Trương Định? Các tên xã nói rõ điều đó: Đây là Tân Quy, bên kia là Tân Thuận... Quy, Thuận! Phải chăng đợi tới lúc Gia Long rước quân Pháp sang giết được Quản Định tại Đám là tối trời, nghĩa dân vùng này mới chịu hạ giáo đợi thời cơ? Và cái tên Long Kiểng cũng là mối nhục của bà con vùng này. Lẽ ra phải là Long Cảnh, nhưng Gia Long buộc dân kiên cữ tên con hắn là hoàng tử Cảnh...
Chợt thấy mình lạc đề, Hai Vĩnh cười bảo:
- Bây giờ xin trở lại chuyện đời nay: Cô ở bên kia sông phải không?
Cô gái gật gật:
- Đúng, tôi ở Xóm Cỏ.
- Bên đó cũng có nhà máy mà...
- Phải. Nhưng mấy ngày nay máy móc trục trặc sao đó.
Hai Vĩnh nửa đùa, nửa thật:
- Vậy thì tôi vái cho nó mỗi tháng trục trặc một lần, đúng vào lúc nước rong như hôm nay.
Đã hứa lỡ, Hai Vĩnh vô nhà máy nói khéo cho bà con nhường cô gái chà trước để về sớm. Anh tiếp tay khuân mười giạ lúa vô trong:
- Nãy giờ quên hỏi cô thứ mấy?
- Tôi thứ tư.
- Từ nay tôi xin phép gọi cô là cô Tư Xóm Cỏ...
Một chuyện bất ngờ giúp Hai Vĩnh biết thêm cô gái mới quen. Trong khi tính sổ với cô chủ nhà máy trên gác, anh nghe dưới nhà có tiếng huyên náo khác thường. Anh vội vàng chạy xuống. Dân chúng đang bu quanh một góc sân. Vẹt đám người ra, anh thấy gã chạy máy nằm sãi trên đống trấu, hai tay hai chân quơ lịa mà chưa ngồi dậy được. Anh chạy tới kéo hắn đứng lên. Vừa phủi trấu trên mặt, gã điểm mặt cô gái: “Đàn bà con gái gì mà hung dữ quá trời!”.
Hai Vĩnh ngơ ngác quay lại:
- Chuyện gì vậy cô Tư?
Cô Tư vẫn thản nhiên cột túm các cà-ròn gạo:
- Anh nên hỏi nó- Cô hất hàm về phía gã chạy máy.
- Chuyện gì vậy Tám?
Gã chạy máy sượng sùng đi xuống bến rửa mặt rửa tay, một lúc lâu mới nói nhỏ vừa đủ cho một mình Hai Vĩnh nghe:
- Thấy con nhỏ đẹp, mình tính chọc ghẹo chơi. Mình không có văn nói nên mới giả bộ đóng thùng lại trong khi gạo đang chạy. Cô tay chạy lên gác kiểm tra, cự nự: “Gạo còn sao đóng máy?”. Cô ta đã bực mà mình lại đùa dai: “Ừa, đóng máy vậy đó, có sao không?”. Chưa dứt tiếng thì “bực” một cú đá như trời giáng khiến mình té văng mấy thước. Nếu không có đống trấu này thì không vẹo cổ cũng gãy tay! Gớm, đàn bà con gái gì mà hung dữ quá trời!
Tuy hắn nói nhỏ, đám đông cũng đoán được, xì xầm với nhau. Có tiếng cười khúc khích:
- Một lần cho tởn tới già!
- Cho bỏ tánh be he!
- Nhè con gái có nghề mà ló mòi.
Sau vụ đó, Hai Vĩnh mới biết cô Tư Xóm Cỏ là con gái của ông Tám Mạnh, thầy nghề võ nổi tiếng không những của xã Chánh Hưng mà cả thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, cả Mười tám thôn vườn trầu cũng biết danh ông. Ông Tám Mạnh không giàu, nhưng rất có thế lực vì môn đệ làm việc trong nhiều sở, có người làm trong ngành tòa án. Làng lính cò bót đều nể mặt.
Sau ngày ấy, cứ vào những ngày nước rong là Hai Vĩnh ăn mặc tươm tất, ngóng chờ cô Tư Xóm Cỏ. Anh thường lên gác, hướng về phía vàm Rạch Đỉa để tìm trong bức tranh thiên nhiên sông nước trời mây một điểm sáng: chiếc áo màu hoa cà. Từ xa anh đã nghe tiếng hò chơi vơi trên con rạch:
“Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”...
Mỗi lần nghe hò, Hai Vĩnh đều đăm chiêu tư lự: “Con rạch Ong lớn này chẳng khác con sông Nhà Bè, nó cũng chia hai, bên kia là Chánh Hưng, tổng Tân Phong Hạ, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, còn bên này là Tân Quy, tổng Bình Trị Hạ, huyện Nhà Bè, tỉnh Gia Định. Nhưng con rạch Ong lớn không chia cắt đôi lứa vì mỗi tháng cô Tư đều sang đây chà gạo. Trở ngại không do sông rạch chia cắt mà “do lòng người ngại núi e sông”. Hai Vĩnh biết thân phận mình là con nhà nghèo, làm thuê ở mướn không đủ ăn, lại còn cha mẹ và một bầy em ở chợ Long Kiểng, làm sao dám mơ tới chuyện làm rể ông Tám Mạnh! Dù biết chỉ là ảo vọng, anh vẫn trông những ngày nước rong, vẫn ngóng chiếc áo bà ba màu hoa cà, vẫn lắng nghe tiếng hòa ngọt ngào trên sông nước.