Số lần đọc/download: /
Cập nhật: 2024-09-01 17:36:11 +0700
Bạt
Đặng Thơ Thơ
Không gian của tập truyện Khoá Sắt, như chính tựa đề, ngột ngạt và giam hãm, tàn bạo và vô vọng. Sống trong thế giới này, các nhân vật không thể thiếu những cái khoá sắt, để tự vệ, để ngăn cách, để giam mình, giam người. Khoá Sắt là âm bản của đời sống và nhân tính. Cũng là “blueprint” bản thiết kế của thế giới mà Tru Sa đang sống. Nơi đây nhan nhản những phiên bản Meursault, những “kẻ xa lạ” với đời sống, bàng quan, vô cảm, thụ động, sống không mục đích. Con người hiện diện như kẻ qua đường; hay thờ ơ, ảo tưởng, ngủ quên (Giấc Say) hay xa lạ (“Nhà”), hay đoạn tuyệt (“Khoá Sắt”). Họ sống như cách họ băng qua đường, thí mạng, tìm đường tắt dẫn đến cái chết. Họ nhìn ngắm những tai nạn xảy đến cho người khác như xem trò giải trí. Họ vô cảm với sự bạo hành, trở thành loài kền kền tìm khuây khoả trong đời sống bằng thảm cảnh của người khác. Họ là những con người chỉ yêu chính mình, tình yêu đôi lứa chỉ là phương tiện để tạo ra một bản sao giống mình và ích kỷ như mình, để có người đóng thế và tiếp diễn vai trò của mình trong đời sống.
Đọc Tru Sa dễ mệt, vì sự lê thê, và ngợp, và dai dẳng, và phi lý của thế giới truyện. Đọc Tru Sa cũng rất dễ bị ám ảnh và khủng hoảng vì sự tàn nhẫn của đời sống, sự tra tấn tinh thần trong mỗi nhân vật, toát ra từ văn bản. Ngõ thì vắng, hàng quán thì chẳng buồn bày hàng (“Cảm Xuyên Hương”), đường phố, nhà ga, trường học, gia đình,…là nơi con người tụ họp, và cũng chính nơi đó mọi nhân tính tan rã. Con người trở thành khoá sắt của nhau, là vật cản đường nhau.
“Đặt chân vào quán tôi đã nghe thấy những câu như “Chết rồi”, “Chết con mẹ mày đi”, “Cho nó chết”, rồi cũng với cái chữ chết làm nền tảng nhưng không có câu nối trước hoặc sau. Chỉ là một chữ chết được hét đi hét lại.”
“Nhiều khi tôi thấy họ rủa kẻ chơi cùng mình chết.”…
“Chó chết! Hết mẹ nó máy.”
...
“Cầu cho bọn nó chết bớt để có máy trống.”
Những nhân vật ngay cả “chính diện” trong Khoá Sắt cũng hiện hữu dường như không mục đích, như ngẫu nhiên họ bắt gặp chính mình ở đó, trong một không gian cô độc. Phần lớn họ đều mang chứng ám ảnh bệnh lý: dị ứng với mùi người và sự nhơ bẩn; niềm ham mê điên loạn với sách vở, bóng đèn, nước hoa, thuốc ngủ; thực hành nghi lễ tẩy rửa kỳ quái, và tiêu tán cuộc đời vào những chuyến đi hoặc những hành động vô nghĩa lý…Khoá Sắt còn là thế giới ảo mà con người mở khoá bước vào rồi cài khoá lại để tự nhốt mình. Mỗi truyện trong Khoá Sắt kết thúc bằng một điều bất hạnh, huỷ hoại, tự tử, tai nạn, biến mất, hay ít nhất là lạc lõng. Đọc Khoá Sắt, cảm giác đọng lại là một thế giới trong đó con người không có chọn lựa, bất lực, mất khả năng đề kháng tinh thần. Hành động mang tính tự chủ duy nhất với xã hội và bản thân là việc tự khoá chính mình. Một đôi khi chúng ta bắt gặp những hiện hữu rất nhẹ, vượt lên được những u uất của đời sống. Hiện hữu của “Những kẻ bỏ đi, chết, chôn, và làm loạn” trong “Mây Mù”, một hiện hữu dứt khoát khi phát biểu: “Nơi đây không dành cho tôi.” – khi người em nói và xách balô rời khỏi nhà. Có những dấu hiệu đánh động lương tri con người. Bật lửa, diêm, bóng đèn, là những tín hiệu tích cực trong truyện. Wol là phần mạnh mẽ, sự an ủi và điểm tựa, mơ ước (hay ảo tưởng?). Chim sẻ xanh là niềm hy vọng của con người, sự thức tỉnh vào mỗi buổi sáng.
Cuối truyện ngắn "Khoá Sắt", tác giả đưa ra một giải pháp để vượt thoát khỏi thế giới bít bùng ngột ngạt: bằng cách biến mất.
“Khoá điện thoại mở. Vào Facebook. Tin nhắn, lời mời kết bạn dài dằng dặc. Không thấy ai ibox mời tôi đi café. Gmail nhiều thư mới. Tôi mở, vẫn không thấy thư mời mọc. Tôi bấm, rồi bấm. Tôi ngừng bấm máy. Tôi đổ mồ hôi.
“Viễn đâu rồi, mẹ ơi?” – Tôi gọi, giọng to dần dần và lạc đi dần dần.
Mẹ tôi lục tủ đĩa, dường như chưa thấy đĩa ưng ý. Một chốc, bà nói “Vẫn còn con. Con cũng là Viễn đấy thôi.”
“Em đâu rồi…”
“Mình họ Nguyễn, con ạ!”
Tivi vẫn mở. Mẹ lục đĩa, từng cái một.”
Người mẹ dửng dung trước sự mất tích của đứa con được sao? Biết đâu bà cảm thấy nhẹ nhõm vì con mình đã tìm được tự do? Viễn, tên người mất tích, mang ý nghĩa đi về một nơi xa, thoát khỏi thế giới "ký túc xá" với những luật tắc phi lý và sự bạo hành cả tinh thần lẫn thể xác. Khi nói "Mình họ Nguyễn", người mẹ muốn nói đến dân tộc Việt nói chung, những người còn ở lại trong nhà- những ngôi nhà mà “mọi ô cửa đều được khóa lại”, có “tiếng loảng xoảng của xích khóa” và “không còn chìa khóa cho nhà” nữa.
Đây là một tập truyện ngắn mà mỗi truyện là một câu hỏi về bản chất của quyền được sống, sống thế nào như một con người tự do, trong dự cảm của một thế hệ trẻ lớn lên giữa những va chạm giữa "giáo lý ổ khóa một chìa" và "một nền tảng đạo đức vì con người."
Trong một xã hội quá nhiều những âm bản của nhân tính, việc sử dụng kỹ thuật viết “âm bản” là một chọn lựa chính xác của Tru Sa.
2019