Số lần đọc/download: 1915 / 94
Cập nhật: 2015-11-21 06:32:31 +0700
Chương 1: Con Tầu Đến Từ Nước Mỹ
A
nh bước chầm chậm đếm từng dấu chân mình trên cát. Ngày đang tàn đi, bóng chiều làm mặt vịnh tím lại. Những con sóng âm vang liên tiếp trào lên bãi cát. Trời đất ngả nghiêng say. Anh nhìn vào khoảng không bao la giữa núi và biển hiện lên một quầng sáng lung linh. Bóng của con tàu Star Leo lừng lững giữa trời và nước.
Lời chị Thu Cúc trong điện thoại như một mệnh lệnh: Cậu là nhà Văn nhà báo, phải trực tiếp xuống tầu đón Hall và con Ngọc Lan, cậu sẽ mở mang ra khối điều mới mẻ.
Hoàng Kỳ Nam bồn chồn nhìn con tầu Star Leo rõ kiêu sang lộng lẫy. Anh biết, đây là một trong những con tàu khách hiện đại nhất thế giới mà Hall đã chọn để đưa Ngọc Lan về Việt Nam lần này- về chính cái bến cảng nơi Hoàng Kỳ Nam đang sống.
Vào giữa hè, trên bến khách du lịch từ khắp nơi hối hả đổ về. Tiếng nhạc từ công viên Hoàng Gia cuốn hút con người ta cứ lao vào vòng xoáy lốc quay cuồng của thời đại tân kỳ- thời đại mà cả nhân loại đang mê mải đắm chìm trong giàu sang và cả tai hoạ. Anh muốn quên đi những tháng ngày lam lũ đã qua, quên đi nỗi khốn cùng của một thời quá khứ. Hãy quên mọi chuyện...để được sống những giây phút thanh thản. Hãy quên...
Những con sóng liên tiếp liếm lên bãi cát lấp loá ánh lên những đốm sáng của những sinh vật biển đã chết. Chúng đã chết từ bao giờ? Những vỏ ngao, sò, ốc lẫn mai sam mai mực nằm trơ trên cát. Loài sinh vật nhỏ nhoi kia, dù sao chúng cũng đã sống trọn đời với biển. Chúng mặc cho biển vỗ về, mặc cho biển giận dữ thất thường đổi sắc thay màu theo thời gian nắng mưa giông bão...
Mải triết lý về số phận loài sinh vật biển, Hoàng kỳ Nam liên tưởng tới thân phận mình, một nhà báo, nhà văn quèn, cuối đời vẫn trắng tay, chẳng làm nên trò trống gì...
Đến giờ hẹn, Hoàng Kỳ Nam bước lên con đường bê tông vắt qua bãi cát ra cầu cảng. Chiếc cầu cảng vừa mới được khánh thành gấp rút để kịp tổ chức ngày hội du lịch đón chuyến tầu khách quốc tế đầu tiên cập cảng. Trên con tầu Star Leo lúc này hành khách từ khắp các châu lục đang háo hức xếp hàng chờ làm thủ tục đi bờ.
- Mọi thủ tục đã làm xong, mời nhà văn lên tầu! Cậu đại diện hằng hải cố tỏ ra lịch sự bắt tay nhà văn Hoàng Kỳ Nam. Cậu ta có gương mặt lành lạnh, đầy bí ẩn- sự bí ẩn cũng là do Hoàng Kỳ Nam tưởng tượng ra. Anh đoán chừng có thể cậu ta là nhân viên của phòng an ninh ngoại tuyến. Cơn gió từ biển thổi vào tạo nên cột sóng trắng loá tung lên như những chùm pháo hoa lấp lánh dưới ánh sáng của những chùm đèn cao áp trên cảng.
Cuộc gặp gỡ giữa Hoàng Kỳ Nam với Hall đã được chị Thu Cúc xếp đặt trước. Hall là cựu binh Mỹ đã từng tham chiến tại chiến trường Nam Việt Nam và bây bây giờ ông ta cũng là nhà văn cựu binh.
Chiến tranh đã qua đi bao năm, quá khứ vẫn dội về ám ảnh Hoàng Kỳ Nam. Và lúc này, bước lên con tầu Star Leo anh ngỡ mình đang đi trên một thành phố của một đất nước xa lạ nào đó chứ không phải xứ sở mìn. Trên tầu có đầy đủ nơi vui chơi giải trí sân gôn, sân tenis, bể bơi. Những hành lang dài hun hút dẫn tới các phòng khách sang trọng sáng rực sắc màu. Cậu đại diện hằng hải rỉ tai căn dặn anh trước khi bước vào hành lang phải đưa đôi bàn tay qua cái vòi hơi lúc nào cũng phun ra thứ dung dịch khử trùng. Một kiểu rửa tay hiện đại. Nam tự diễu mình. Trong chiến tranh, anh đã qua mười năm sống chui rúc trong rừng như loài chuột chũi ăn lá tàu bay lá sắn thay cơm và uống thứ nước thấm chất độc rừng Trường Sơn...
Chờ Hall và Ngọc Lan làm xong thủ tục nhập cảnh, Hoàng Kỳ Nam theo cô tiếp viên dẫn vào phòng nghỉ. Cô tiếp viên có mái tóc vàng óng mượt, ánh mắt lơ xanh với nụ cười cởi mở.
- Xin lỗi, cô là người nước nào?
- Tôi là người Nga, cô gái vui vẻ nói.
- Nước Nga thật tuyệt vời, Nam cười thân thiện nói như hát, cố thể hiện vốn kiến thức ngoại ngữ của mình, Việt Nam chúng tôi rất yêu quý nước Nga của các bạn. Hoàn cảnh nào đã đưa đẩy người đẹp có mặt trên con tầu này?
- Tôi theo ba má sang Mỹ từ khi chính quyền Xô Viết tan rã. Cô gái long lanh cặp mắt tiếp chuyện Nam.
- Ông Goorbachop đã phá tan hệ thống chủ nghĩa xã hội liên bang Xô Viết. Hoàng Kỳ Nam nói.
- Đúng vậy, cô gái Nga hào hứng, nói tới Goorbachop có người bảo ông ta là một nhân vật vĩ đại đã cứu một loạt các nước đông âu thoát khỏi chế độ cộng sản. Ngược lại có người lại bảo ông ta là tên tội phạm quốc tế lớn nhất hiện nay. Cô gái Nga cười cả quyết, còn ba tôi lại bảo ông Goorbachop chẳng phải anh hùng, cũng chẳng phải tên tội phạm- Chính quyền Xô Viết lúc ấy cũng giống như cái cây đã mục rữa, chỉ cần cơn gió nhẹ cũng đổ.
Cô gái Nga hào hứng kể về số phận mình, số phận dân tộc mình dửng dưng.
- Ước mơ lớn nhất của cô bây giờ là gì?
- Đối với tôi, điều quan trọng bây giờ có được việc làm trên con tầu này là niềm hạnh phúc. Ngày còn nhỏ tôi đã từng mơ ước được đi khắp thế giới. Và bây giờ thế giới đã là một nhà, ước mơ của tôi đã thành hiện thực.
- Chúc cô hạnh phúc, Nam nói, và anh chợt nhận ra cái ước mơ của một cô gái ở một đất nước Xô Viết vĩ đại cũng thật nhỏ nhoi, cô chỉ mong được tự do đi làm thuê cho thiên hạ.
Cô gái Nga tận tình hướng dẫn Nam sử dụng các thiết bị máy lạnh, cách mở tủ quần áo, mở buồng tắm hơi, cách phun dầu tắm dầu thơm vào bồn. Nam ngỡ ngàng trước đời sống xa hoa dư thừa nơi đây. Trên bàn gương có quá nhiều loại mỹ phẩm, sữa tắm, dầu gội, nước hoa với đủ loại nhãn mác nổi tiếng thế giới, Hoàng Kỳ Nam không biết mình nên dùng loại mỹ phẩm nào cho phù hợp với mình. Chiếc tủ trong buồng tắm treo đủ loại áo khoác, khăn tắm dệt bằng sợi bông trắng muốt. Nụ cười tươi rói của cô gái Nga khuất sau cánh cửa, anh ngâm mình trong bồn nước ầm thơm nức. Trước khi gặp Hall, người cựu binh Mỹ, mình lại một lần nữa phải khử trùng toàn thân. Hoàng Kỳ Nam lại tự diễu mình. Quả là thời đại vần xoay quá nhanh, quá sức tưởng tượng của Nam. Anh không ngờ tên giặc Mỹ ngày nào giờ bỗng thành bạn mình.
Từ phòng tắm bước ra, cả người anh thơm phức. Hoàng Kỳ Nam khoan khoái bước ra ban công. Chiếc điện thoại anh đang cầm trên tay bỗng rung lên hiện rõ số máy của Đại gia Đào Kinh. Giọng Đào Kinh choi chói trong máy, Hoàng Kỳ Nam tưởng tượng rõ gương mặt Đào Kinh đang háo hức: Cậu gặp được thằng cha người Mỹ và đứa con lưu lạc của cậu chưa? Báo tin để cậu biết, con Thanh Măng đã dụ được bố đẻ Trần Tăng nó về dự cuộc gặp mặt ngày mai rồi đó, lúc này cả bí thư chủ tịch tỉnh đang tiếp ông ta. Bằng mọi giá cậu phải đưa được ông khách của cậu về chỗ tớ nhá! Tớ cho nghỉ miễn phí ở Trung tâm du lịch Hoàng Thiên Long. Tớ muốn ông bạn Mỹ của cậu được biết đến Hoàng Thiên Long của tớ, biết cái đất nước hình chữ S của chúng ta bây giờ đã đi tới bến bờ nào. Mẹ kiếp, Đào Kinh cười hơ hớ, nghe nói tay này tuy là nhà văn nhưng hắn ta đang có dự án làm ăn liên doanh với mình đấy. Cậu nên nhớ, thế giới ngày nay nhiều nhà văn rất giỏi làm kinh tế, lại giàu có chứ chả như cánh nhà văn Việt Nam các cậu đã đói lại hay sĩ. Cậu làm tốt việc này tớ sẽ có thưởng. Thế nhé! Chào. Chúc thành công.
Hoàng Kỳ Nam còn đang ngỡ ngàng trước những lời của Đại gia Đào Kinh reo réo trong chiếc điện thoại cầm tay của anh thì cậu đại diện hằng hải đến nói:
- Dạ thưa, khách của ông đã làm thủ tục xong đang đợi ông ở phòng khách.
Hoàng Kỳ Nam đi theo cậu đại diện hằng hải. Vừa bước vào cửa phòng khách, anh sững người bởi vòng tay mềm mại của người con gái lao vào ôm chầm lấy anh. Cho dù đã chờ đợi giây phút này từ lâu, Hoàng Kỳ Nam vẫn thấy quá bất ngờ. Anh không tưởng tượng cô bé Ngọc Lan giờ đã là một cô gái kiều diễm, giống Thương Huyền như tạc.
- Ngày con bước chân đi, con không dám nghĩ lại có ngày con được gặp lại ba, Ngọc Lan sụt sùi xúc động.
- Thì bây giờ cha con ta đã gặp nhau, mọi chuyện sẽ tốt đẹp con à.
- Con trông ba khoẻ, mập hơn ngày xưa, Ngọc Lan đưa tay gạt nước mắt, ngước lên nhìn kỹ khuôn mặt Hoàng Kỳ Nam: Con xin giới thiệu với ba đây là ông Hall, cha đỡ đầu của đứa em con bên Mỹ. Ông Hall đây cũng đã sang Việt Nam từ thời còn chiến tranh. Và ông cũng là bạn của má con...
Người cựu binh Mỹ có đôi mắt lơ xanh nhìn Hoàng Kỳ Nam, hai cánh tay lốm đốm tàn nhang đầy lông tơ với những ngón tay to sụ nắm chặt lấy bàn tay Hoàng Kỳ Nam thân thiện. Được chứng kiến cảnh hai cha con Hoàng Kỳ Nam gặp nhau, Hall biểu lộ niềm xúc động chân thành. Hoàng Kỳ Nam bảo cậu đại diện để ông và người cựu binh Mỹ nói chuyện không cần phiên dịch. Vốn ngoại ngữ bao năm khổ luyện, Hoàng Kỳ Nam được dịp thể hiện. Anh nói rất chậm, cố phát âm cho chuẩn để tiếp chuyên Hall.
- Xin hân hạnh được giới thiệu, tôi là Hoàng Kỳ Nam… Người cựu binh vừa lắng nghe vừa bật nút chai whisky rót vào cốc mời Hoàng Kỳ Nam.
- Chúc sức khoẻ ông Nam, tôi là Hall, chúng ta cùng nâng cốc mừng cuộc gặp mặt này. Hall trịnh trọng, tôi được biết về ông qua Ngọc Lan, chúng ta đều là nhà văn, là hai người lính ở hai bờ chiến tuyến năm nào. Quả là thời cuộc đã đổi thay vô cùng lớn lao, chúng ta gặp được nhau là điều kỳ diệu. Ông có nghĩ thế không?...
- Đúng thế, cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay mang í nghĩa của cả thời đại, Hoàng Kỳ Nam nhìn Hall, đó là điềm lành, là niềm vui ông Hall ạ, nó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử hai nước Việt Nam và Mỹ.
Người cựu binh Mỹ lại hào hứng bắt tay Hoàng Kỳ Nam lần nữa. Cậu đại diện hàng hải ngồi lặng lắng nghe mà không nói lời nào.
- Tôi đã mong chờ giây phút này từ lâu lắm rồi ông Nam, Hall nói, từ ngày tôi trở lại Việt Nam lần đầu đưa Ngọc Lan sang Mỹ cho hai chị em nó được gần nhau. Rất may có bà Thu Cúc giúp đỡ. Qua bà Thu Cúc và con Ngọc Lan, tôi mới biết ông lại chính là tác giả của cuốn tiểu thuyết “Rừng Chết” mà tôi đã được đọc qua bản dịch của người bạn tôi. Mục đích chuyến sang Việt Nam lấn này, bằng mọi cách phải để Con Ngọc Lan gặp được ông. Hall xúc động nói.
Hoàng Kỳ Nam quyết định chưa nói rõ để Hall biết sự thật Nam không phải là cha đẻ của Ngọc Lan.
- Cám ơn tấm lòng nhiệt thành của ông Hall, Nam nói, tôi rất vui chúng ta lại được gặp nhau, ông đã mang đến cho tôi một tình cảm vô cùng quý giá. Ngọc Lan luôn là nỗi mong chờ bấy lâu của tôi.
- Nó là một cô gái xinh đẹp, Hall nói, ông có thấy nó giống Thương Huyền của ông xưa?
- Nó thì xinh đẹp, còn Thương Huyền, mẹ nó đã thân tàn ma dại rồi thưa ông Hall. Hoàng Kỳ Nam xúc động nói rõ sự thật nghiệt ngã. Ông Hall không thể hiểu được nỗi bất hạnh của Thương Huyền đâu. Nỗi đau lớn nhất của người mẹ đã không giữ nổi chính đứa con mình đẻ ra. Ngọc Lan, con không thể hiểu nổi, mẹ con đã phát điên khi con sang Mỹ.
- Ba, ngày ấy con còn nhỏ, giờ con biết lỗi của con rồi. Ngọc Lan sụt sùi khóc.
- Tôi thực sự không ngờ bệnh tình Thương Huyền lại trầm trọng đến thế. Hall thanh minh. Chuyện đó ta sẽ bàn sau, chúng ta hãy cùng nâng cốc mừng ngày vui hôm nay, cầu mong cho Thương Huyền mau khỏi bệnh...
Cậu đại diện hằng hải ý tứ lảng ra hành lang. Cô gái Nga bê vào đĩa hoa qủa đã được chế tác gọt tỉa rất công phu thành những hình hoa lá rất đẹp mắt mời mọi người bằng nụ cươì rất duyên. Câu chuyện giữa Hall và Ngọc Lan với Hoàng Kỳ Nam phải bỏ dở vì đã đến giờ tầu đón khách vào bờ. Theo kế hoạch đã tính trước, Hoàng Kỳ Nam sẽ đưa Ngọc Lan và người cựu binh Mỹ đi thăm thành phố. Ngày mai sẽ có cuộc gặp mặt đồng hương với đoàn cán bộ xã Chiến Thắng tại trung tâm du lịch Hoàng Thiên Long do đại gia Đào Kinh lo liệu. Cuộc gặp mặt đồng hương ngày mai mục đích vận động bà con quyên góp kinh phí để tổ chức cho buổi lễ đón nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang xã Chiến Thắng sao cho thật hoành tráng. Tối qua, Hoàng Kỳ Nam đã nhận được điện của mẹ Yến Quyên báo trước trong đoàn cán bộ xã ngày mai do Tuyết dẫn đầu. Từ ngày Hoàng Kỳ Nam và Tuyết ly hôn, Tuyết vẫn giữ chức chủ tịch xã. Cuộc gặp mặt sáng mai còn có cả nhân vật đặc biệt quan trọng, đó là Trần Tăng, một cán bộ cao cấp nhà nước từ Thủ Đô cũng sẽ về dự.
Vừa lên khỏi cầu tàu, Hoàng Kỳ Nam đã nhận ra cha con Đào Kinh và Đào Thanh Măng đang đứng đợi. Măng lộng lẫy bộ váy dài mầu mận chín, nàng nở nụ cười rõ tươi nắm chặt tay Nam. Đào Kinh trịnh trọng bắt tay Hall nồng hậu như một chính khách:
- Xin mời ngài lên xe.
Cậu đại diện hằng hải làm xong phận sự cáo từ ra về. Chiếc xe con mầu đen bóng lao vút vào trung tâm thành phố. Ngồi trong xe, Thanh Măng cười hơn hớn nhìn Nam:
- Chắc anh Nam thấy bất ngờ đúng không? Bố Đào Kinh đã điện cho em ra đón anh đấy. Giọng Măng véo von. Anh có nghĩ cuộc hội ngộ này mà có cả bố Trần Tăng em nữa thì thật tuyệt vời đúng không? Bố Trần Tăng đang mắc họp quốc hội nhưng em đã thuyết phục được cụ nhận lời cùng em xuống đây. Đào Thanh Măng nói và chủ động nắm cổ tay Ngọc Lan. Chuyện của Ngọc Lan, cô đã được nghe kể nhiều lần rồi, hấp dẫn và ly kỳ như chuyện tình báo í.
- Thì rõ là chuyện tình báo đấy thôi, Hoàng Kỳ Nam nói, chiến tranh, chuyện gì mà chẳng xảy ra. Ngọc Lan à, đây là cô Măng, bạn cùng làng với ba đó. Con còn nhớ bác Đào Vương không?
- Con nhớ, bác Vương là bạn chiến đấu của ba đúng không? con đã gặp bác ấy hai lần trong bữa liên hoan mừng chiến thắng ở nhà ngoại con và một lần ở trên rừng.
- Đúng vậy, bác Vương ấy chính là anh ruột của cô Măng đây. Hoàng Kỳ Nam ngập ngừng không dám nói ra sự thực Đào Vương lại chính là bố đẻ của Ngọc Lan.
- Thôi, xin mời nhà văn cùng ngài khách quý lên xe về khách sạn nghỉ đã, Đào Kinh nói và nghé tai Hoàng Kỳ Nam hỏi nhỏ không để cho Ngọc Lan nghe thấy.
- Thằng này nó có biết tiếng Việt không đấy?
- Không đâu, Hoàng Kỳ Nam nói, ông có thích chửi ông ta, để tôi dịch?
- Cái cậu này rõ là... cậu phải giới thiệu tớ với ông ta sao cho thật oách vào đấy.
- Không cần phải giới thiệu nhiều đâu bố ạ, Đào Thanh Măng nói, bố cứ dẫn ông ta đi thăm tất cả các công trình đầu tư của bố và của con là đựơc. Trăm nghe không bằng mắt thấy.
- Tất nhiên là thế rồi, Đào Kinh hào hứng, nhưng dù sao cậu Hoàng Kỳ Nam phải giới thiệu tường tận cả vị thế và tiềm lực hiện nay của chúng ta nữa chứ. Lực đã mạnh, thế lại chắc, ví dụ như danh tiếng bố đẻ Trần Tăng con chẳng hạn...
Từ lúc lên xe, Hall ngồi lặng ngắm nhìn thành phố. Tới trung tâm bưu điện, Hall ngạc nhiên thấy cảnh người xe ùn ùn đổ dồn vào môt khu phố đông nghẹt.
- Nay là đêm Nôen, thưa ông Hall, mọi người đi lễ nhà thờ đấy. Nghe Hoàng Kỳ Nam giải thích, gương mặt Hall chợt sáng lên. Hall yêu cầu muốn được đến thăm nhà thờ.
- Nhà thờ thành phố này đã đổ từ tám hoánh còn có gì mà thăm với nom. Đào Kinh nói. Về Hoàng Thiên Long uống rượu chả sướng.
Hall không vui khi nghe Đào Kinh nói, Măng nháy mắt với Đào Kinh phải chiều Hall. Đào Kinh cho xe đỗ lại dưới chân dốc núi Đạo để mọi người lên nhà thờ.
- Thôi được, mọi chuyện do cậu quyết định, hai bố con tớ về trước. Khi nào về, cậu a lô để tớ đến đón. Đào Kinh nói, đưa tay vẫy chào mọi người rồi cho xe lao về trung tâm du lịch Hoàng Thiên Long.
Nam dẫn Hall và Ngọc Lan hòa vào dòng người đổ về khu phố nhà thờ. Mấy đứa trẻ lang thang ăn xin nhũng nhẳng bám theo sau Hall xin tiền. Hoàng Kỳ Nam móc ví cho mỗi đứa một nghìn đồng chúng mới chịu buông tha.
- Tại sao ông lại bỏ mẹ con Ngọc Lan? Hall bất ngờ hỏi, Thương Huyền là người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời nhất mà tôi được gặp.
- Tôi vẫn yêu cô ấy, Hoàng Kỳ Nam nói, âu cũng do hoàn cảnh chiến tranh mỗi người một phương. Thưa ông Hall, chuyện của chúng tôi, Ngọc Lan rõ hơn cả. Ngọc Lan ơi, con có hiểu cho hoàn cảnh của ba?
- Bao nhiêu năm nay, con cũng chỉ mong có được ngày gặp lại ba má.
Người cựu binh Mỹ lại xúc động. Tới cửa nhà thờ, Nam kéo Hall đứng tách khỏi đám đông đang chen lấn xô đẩy. Trong sân nhà thờ, một dàn nhạc công vận đồng phục trắng tinh đang phồng má thổi kèn đồng cho các cô gái đồng trinh xếp thành từng hàng hát thánh ca. Tiếng hát ngân lên vang vọng cả khoảng trời đêm. Ngôi nhà thờ lớn lộng lẫy đã bị bom đánh sập mái từ thời chiến tranh giờ chỉ còn trơ lại đơn độc mỗi cái tháp chuông lừng lững giữa bầu trời cao vời vợi. Dù nhà thờ chỉ còn mỗi cái tháp chuông trơ trụi nhưng dân xứ đạo ở đây vẫn gửi gắm đức tin vào chúa, năm nào cũng tổ chức lễ giáng sinh cầu chúa ban phước lành cho dân xứ đạo được sống an bình tốt đời đẹp đạo. Hall đứng ngẩn ngơ nghe thánh ca, mắt ông ta nhìn lên khoảng không mênh mông trên ngọn tháp nhà thờ. Ngọn tháp chuông sừng sững chọc thẳng vào trời đêm. Phía sau ngọn tháp là cả toà nhà đã sập mái, cón trơ ra những bức tường tróc lở mốc meo theo thời gian.
- Tại sao ngôi nhà thờ này không có mái? Hall hỏi hồn nhiên.
- Một quả bom, ông hiểu không? (Nam định nói “bom Mỹ” nhưng sợ Hall chạnh lòng) Một quả bom đã nổ tung trên mái nhà thờ từ hồi chiến tranh, thưa ông Hall. Đến chúa cũng đành ngậm ngùi nhìn các con chiên tử nạn trong cái đêm kinh hoàng ấy. Chiến tranh đã qua bao năm, dân xứ đạo ở đây vẫn chưa xây dựng lại được ngôi nhà thờ này.
Hall thở dốc, kéo tay Nam và Ngọc Lan lách ra khỏi đám đông. Lũ trẻ lang thang bụi đời lại lếch thếch bám theo Hall xin tiền. Hall không ngần ngại móc túi lấy ra những đồng tiền lẻ ông ta đổi từ khi làm thủ tục đi bờ chia hết cho lũ trẻ.
Về tới trung tâm du lịch Hoàng Thiên Long, Kinh đã chuẩn bị sẵn bữa tiệc đêm thịnh soạn chiêu đãi khách.
- Từ chiều vận động nhiều chắc ăn ngon miệng, Kinh nói và tự giới thiệu các món ăn trên bàn. Xin mời mọi người cứ tự nhiên, tôi là tôi chỉ thích mỗi món cháo hoa.
Măng múc cho bố nuôi muôi cháo còn nóng rẫy thơm phức, miệng cười xuýt xoa:
- Anh Nam biết không, món cháo củ cải mặn này bố em bị dì Mai Tầu đầu độc nên bây giờ nghiện đấy.
- Cậu Nam đừng có tin, Đào Kinh cười chống chế, nó chưa ở với người ta ngày nào đã nói giọng dì ghẻ con chồng rồi.
- Con nói sai sao, Măng cong cớn, từ ngày bố bỏ mẹ con ở làng Đoài đi theo dì Mai Tầu, con thấy bố bị Tầu hoá trăm phần trăm.
- Con nói thế là không công bằng, Đào Kinh cũng cười, cả tỉnh này, cả nước này, rồi đến cả thế giới này sẽ Tầu hoá chứ đâu phải mình bố.
Ngọc Lan dịch cho Hall nghe câu nói của Đào Kinh, Hall bỗng nhìn Kinh bằng ánh mắt khâm phục:
- Ông đây nói đúng, hàng hoá Trung Quốc đã tràn ngập cả sang Mỹ. Chúng ta không thể đánh giá thấp người Tầu. Sự thâm sâu có sẵn trong máu của người Tầu nên thời đại nào cũng xuất hiện những nhân vật kỳ tài như Tần Thuỷ Hoàng, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân... Hall bỗng cao hứng cạn hết ly rượu trên tay say sưa: Sự vĩ đại thường đi đôi với tội ác. Vạn Lý Trường Thành chồng chất máu xương thần dân Trung Quốc. Hít Le lẫy lừng tên tuổi bằng chủ nghĩa phát xít giết người. Con người sẽ còn phải chịu khốn khổ bởi bao nhiêu thứ chủ nghĩa, đảng phái, tôn giáo. Ta chưa bàn tới chuyện đúng sai chính tà, nhưng xét tới cùng, tất cả các nhà độc tài trên thế giới này đều nổi tiếng bằng máu xương công sức và nỗi khốn cùng của đồng loại. Có một điều kỳ lạ loài người vẫn u mê ngu muội tôn sùng tới mức cuồng tín những nhà chình trị độc tài với những mỹ từ cao sang khiến bất kể kẻ nào muốn chống đối đều kinh hãi.
- Ông Hall nói quá hay. Đào Kinh nâng cốc rượu nhìn Hall, tôi nghe cháu Ngọc Lan nói những quan điểm tiến bộ của ông mà thấy mở mang đầu óc. Nhà văn nhà báo Hoàng Kỳ Nam của chúng tôi đây còn phải học hỏi nhiều.
Đào Kinh tán dăm ba câu lấy lòng Hall rồi bàn tới chuyện đầu tư liên doanh.
- Các ông cứ tự nhiên bàn chuyện làm ăn, Hoàng Kỳ Nam nói, hai cha con tôi xin phép về phòng riêng.
- Không đươc, Đào Kinh vung tay cả quyết, Ngọc Lan phải ở đây phiên dịch cho tớ. Thời gian còn dài, hai cha con cậu sẽ tha hồ tâm sự.
- Thôi đươc, con hãy giúp ông Đào Kinh, ba về phòng trước. Nam gật đầu chào Hall rồi đứng dậy về phòng.
Măng quay sang ôm Ngọc Lan vào lòng thân thiện:
- Cháu cô càng uống trông càng xinh, Măng lịch sự đứng dậy xin phép Hall và bố Kinh về phòng mình. Măng bước nhanh theo Nam trên hành lang. Măng ríu rít kiêu hãnh dẫn Nam dạo quanh trung tâm Hoàng Thiên Long để anh thưởng thức ngắm nhìn phong cảnh hữu tình và những công trình kiến trúc xây dựng nơi đây. Khu Hoàng Thiên Long về đêm rực rỡ sắc màu như trên thiên đình nơi Ngọc Hoàng trị vì. Hoàng Thiên Long là một thế giới vui chơi độc đáo, tân kỳ và hiện đại nhất khu vực. Những con đường nhựa bóng loáng chạy vòng xoáy ốc lên các đồi cây xanh nối nhau tầng tầng lớp dẫn vào các điểm vui chơi giải trí: Nhà Biểu diễn cá heo mái cầu vồng mầu xanh nước biển lừng lững một khoảng trời thành phố. Từ rạp xiếc, vườn thú, công viên nước, khu khách sạn cao cấp đều được thiết kế rất hợp theo địa hình phong thuỷ nơi đây.
Đi loanh quanh một lát, Măng lại dẫn Nam ra bãi tắm ngắm biển.
- Biển thí mãi mãi đẹp mê hồn, còn con người thì mỗi ngày một già đi, Măng nói, em sống mãi ở thủ đô ngột ngạt, giờ đứng trước biển mới thấy mình thanh thản. Măng hít sâu làn gió mát, nắm cổ tay Nam kéo anh cùng ngồi xuỗng chiếc ghế đá có mái che bằng lá cọ xoè ra như chiếc ô lớn. Bất ngờ Măng hỏi: Anh vẫn ở căn tâp thể khu năm tầng sao?
- Còn biết đi đâu?
- Em hỏi thật anh, lý do gì anh ly hôn với chị Tuyết? Một nữ chủ tịch xã tiêu biểu xinh như mộng. Ngày còn ở quê đi học, em cứ nghĩ anh Vương nhà em yêu được chị Tuyết. Thế mà đùng một cái, anh lại là người chiến thắng. Rồi đến nay anh lại đang tâm bỏ người ta. Còn anh Vương nhà em thì bây giờ...
- Anh Vương nhà cô thích tất cả đám con gái làng Đoài. Từ cái Muôi, cái Muỗng cái Thìa con bà Cháo, cho đến đám cái Tươi, cái Thảo, cái Hoà bên xóm Đình, anh cô đều đã rủ rê tán tỉnh hết lượt. Còn anh, đúng là đã cưới Tuyết, xét trên mọi phương diện, Tuyết đều hoàn hảo, nhưng anh phải thú nhận, mình chưa bao giờ yêu Tuyết. Chuyện tình cảm thật khó lý giải. Tại sao yêu, tại sao ghét? Cũng như em, tại sao em lại đẩy chồng con em vào Sài Gòn, còn mình thui thủi ở ngoài này?
- Anh nói đúng, chuyện tình cảm chẳng ai tính toán được. Có phải đó là duyên phận. Thằng con trai em nó bảo phương án tốt nhất bố mẹ không ra toà ly hôn thì nên để mỗi người sống một nơi. Cả hai đứa con em, chúng đều không chịu nổi bố mẹ. Chúng bảo em là người đàn bà quá nhiều tham vọng, còn bố chúng lại là người đàn ông nhu nhược. Em không tham vọng sao bố con chúng có được cơ ngơi bề thế như ngày nay. Em không tham vọng sao đối phó được với những thủ đoạn lọc lừa của những siêu cao thủ trong cái thành phố Sài Gòn đầy sôi động hiện nay. Em không tham vọng làm sao cả hai ông bố, Trần Tăng và Đào Kinh của em có được cái vương quốc Hoàng Thiên Long lộng lẫy này. Còn cả anh nữa, anh cũng là người đàn ông đầy tham vọng đấy thôi. Em tham vọng tiền tài, còn anh tham vọng ái tình. Anh đã có Tuyết rồi, có hẳn một cô chủ tịch ẵm trong lòng lại còn đa mang cái cô Thương Huyền cách xa ngàn dặm. Em nghe anh Vương nói cái cô Thương Huyền của anh đẹp như nàng Kiều. Em nhìn con Ngọc Lan là em tin mẹ nó đẹp đến nhường nào. Cái tên Thương Huyền nghe cũng thật đễ Thương. Gái tham tài trai tham sắc, em biết anh đam mê cái cô Thương Huyền cũng là lẽ thường tình của cánh mày râu các anh, nhưng rốt cục tới cuối đời anh vẫn trắng tay, trắng tay cả về tình và tiền, tối đến vẫn một mình trong căn hộ tập thể lem nhem như quán trọ. Bố Đào Kinh em bảo ở thành phố này anh vẫn chưa có người đàn bà nào ngoài cái bóng hồng nhan trong kia. Làm sao anh phải khổ vậy. Em nghe bố Kinh nói mà thấy thương cho anh. Em nói thật đấy. Hồi còn ở quê em cũng mang lòng yêu anh, ngưỡng mộ anh, nhưng lại mặc cảm thân phận hèn mọn của mình nên không dám. Và em cũng thừa biết chẳng bao giờ anh lại yêu đứa con gái hèn kém như em.
- Bây giờ em đã là nữ doanh nhân thành Đạt. Nam nắm bàn tay Măng an ủi, anh về làng nghe họ bảo em là người đàn bà giàu nhất nước Nam ta.
- Anh có dám bỏ cái cơ quan “thùng rỗng kêu to’’ để về Hà Nội với em không? Em sẽ cho anh tất cả tình và tiền em có. Em sẽ sang tên anh ngôi biệt thự Tây Hồ, để thằng chồng và thằng con của bố Trần Tăng em khỏi nhòm ngó. Chúng nó cứ phải sống mãi trong cảnh giàu sang nhung lụa mà cái tình bạc phếch như thính như mũi chó Béc, chỉ cần nghe phong thanh em ly hôn là chúng lao vào cắn xé. Em thực sự buồn chán vôi. Đến đứa con mình đẻ ra chúng cũng coi thường. Cuộc đời thật đen bạc. Măng bỗng ôm choàng lấy Nam nức nở, Anh Nam, em yêu anh, thú thực em đang cần anh. Em đã phải tính toán mãi với hai ông bố Đào Kinh và Trần Tăng của em mới thiết kế được cuộc hội ngộ này đấy.
Nam thấy ngạt thở bởi vòng tay xiết chặt với cơ thể nóng bừng run rẩy của Măng. Nam bỗng thương hại cô bạn gái cùng thời chân đất mắt toét làng Đoài xưa. Măng đâu hiểu trong đầu Nam không bao giờ nghĩ Măng lại có thể là người tình của mình. Nam đang khó nói ra sự thực con Ngọc Lan lại chính là cháu gái của Măng. Đào Vương chính là bố đẻ của Ngọc Lan. Trong lúc Măng đang cô đơn, Nam không nỡ để Măng buồn tủi. Nam vuốt nhẹ mai tóc Măng an ủi:
- Cô phải nghĩ cho hai đứa con cô, đừng buông thả thế, anh không thể...
- Em mà buông thả với anh sao? Măng đẩy Nam khỏi vòng tay mình vẻ dận dỗi, em thực sự thương anh, đàn ông đến với em chả thiếu nhưng toàn loại hám tiền vờ vịt chẳng thằng nào thực tình. Anh đã nói thế, em hiểu anh vẫn còn mơ tới bóng dáng người đẹp Thương Huyền trong kia. Em nghe nói con Ngọc Lan lần này về nước sẽ đưa mẹ nó sang Mỹ đúng không? Anh nên để cho ngưới ta đi thì hơn. Hay anh định cùng con ngọc Lan sang Mỹ?
- Anh mà sang Mỹ được sao? Đến như Thương Huyến có cả hai đứa con bên ấy mà cô ấy cũng đâu muốn đi Mỹ. Hall, bạn cô ấy lần này sang đây cũng vì chuyên đó. Tay Hall xem ra cũng rất có tình với Thương Huyền.
- Anh có ghen không?
- Cô không hiểu được Thương Huyền đâu. Thương Huyền không yêu Hall, họ có mối quan hệ đặc biệt từ hồi chiến tranh...
Khi Nam và Măng từ bãi tắm về đã thấy Hall và Ngọc Lan ngồi đợi ở phòng khách. Hall có vẻ khác thường. Hall đã uống qúa nhiều, mặt đỏ gay.
- Có phải ông và cô con gái ông Kinh đây là người tình của nhau không? Hall nói, tay vung lên, cao giọng, khi nào Thương Huyền khỏi bệnh, tất cả chúng ta sẽ về thăm cái làng Đoài quê ông một chuyến. Tôi nói điều này mọi người có tin không, hồi chiến tranh chính tôi là người lái máy bay trực tiếp rải chất độc xuống các cánh rừng khu năm đấy. Hall bỗng ho sụ sụ mấy tiếng rồi hạ giọng, tuổi trẻ thật ngông cuồng. Giá chúng ta ngày ấy đụng nhau, chắc chắn phải cùng nổ phát súng căm thù vào đầu nhau đúng không? Súng đã nổ, không biết điều gì sẽ xảy ra? Có thể một trong hai chúng ta đã phải chết ngỏm rồi. Đúng thế! Phải chết. Chính chúng ta mới là kẻ đáng phải chết! Chúa đã lầm lẫn ha...ha... Và chúa cũng đã lầm lẫn để cuộc đời xô đẩy Thương Huyền tới con đường cùng quẫn. Chúa đã nhận ra lỗi lầm nên Chúa đã ban tặng cho chúng ta cùng gặp một người phụ nữ tuyệt vời như Thương Huyền. Nhưng chúng ta đã làm được gì cho nàng? Chính chúng ta lại là những người có tội. Đời đời con cháu chúng ta sau này sẽ thấy rõ sự xuẩn ngốc của chúng ta, chúng sẽ nguyền rủa chúng ta. Cũng may là thế giới này còn có được người phụ nữ tuyệt vời như Thương Huyền, nàng đã sinh được cho chúng ta con Ngọc Lan đây, ông thấy chưa, nó đẹp như một thiên thần, nó giống Thương Huyền mẹ nó như đúc. Các người có biết không, tôi với Thương Huyền ngày xưa đã nhiều lần bay tít lên bầu trời cao, tôi bay để cho Thương Huyền hát lên những bài hát rất hay. Lời bài hát kêu gọi những chiến binh cộng sản như ông Nam quay về với chính nghĩa quốc gia ha ha... Thật nực cười, bây giợ ngẫm lại mới thấy nực cười cho cái mỹ từ “Chính nghĩa quốc gia”ngày ấy nghe rõ hay ho.
- Ba Nam ơi, ông Hall say rồi, Ngọc Lan nói nhỏ với Nam, ba đưa ông Hal về phòng Nghỉ đi.
- Con cứ để ông Hall dốc hết nỗi lòng, Hoàng Kỳ Nam nói, ông Hall giờ đã là nhà văn của nước Mỹ, phải đi nửa vòng trái đất tới được nơi ông ta đã một thời chiến đấu vì một cuộc chiến tranh vô nghĩa để đến bây giờ mới bừng tỉnh và ân hận. Nam quay sang nói với Măng, hai cô cháu đi nghỉ trước đi, để anh tiếp chuyện với Hall.
Măng và Ngọc Lan về phòng nghỉ, Hoàng Kỳ Nam nhìn gương mặt Hall phấn khích. Nam nắm chặt bàn tay Hall:
- Cám ơn lời nói chân tình của ông. Cuộc gặp mặt giữa hai chúng ta hôm nay đã mang lại cho tôi nhiều điều mới mẻ. Tổng thống Mỹ Bút sắp sang thăm Việt Nam nay mai, hy vong mối quan hệ hai nước trong tương lai sẽ ngày càng tốt đẹp. Ông cho phép tôi hỏi, hồi chiến tranh, ông có quen đại tá Đỗ Hiền, chỉ huy trưởng trung tâm tâm lí chiến phi trường Đà Nẵng không?
Hall sững người, nắm tay Hoàng Kỳ Nam:
- Ông Đỗ Hiền, đại tá Đỗ Hiền a? Chính ông ấy là chỗ quen biết thân tình với tôi từ hồi còn ở phi trường Đà Nẵng đấy.
- Đỗ Hiền chính là cậu tôi. Cậu tức là em trai của mẹ tôi ông hiểu không? Nam giải thích, ông cậu tôi di cư vào Nam theo chính quyền Sài Gòn từ năm năm tư, tới năm bảy lăm chạy sang Mỹ, sắp tới ông cậu tôi cũng sẽ cho cả gia đình về Việt Nam, về làng Đoài. Và xin thưa với ông Hall, nếu ngày xưa ông đã là cộng sự của Thương Huyền, hẳn ông biết sự kiện bài báo “Cuộc gặp gỡ bất ngờ” đăng trên tờ Tin Sáng của Thương Huyền?
Hall như bừng tỉnh nhìn Hoàng Kỳ Nam ngỡ ngàng:
- Sự kiện bài báo của Thương Huyền ngày ấy viết về đại tá Đỗ Hiền, trưởng trung tâm tâm lý chiến phi trường gặp người anh rể trong nhà ngục. Câu chuyện ly kỳ cả thế giới đều biết.
- Ông có biết người anh rể của đại tá Đỗ Hiền là ai không? Chính là bố Hoàng Kỳ Trung của tôi đấy thưa ông Hall.
- Ôi quả là câu chuyện thần kỳ, Hall lai một lần nữa sững sờ nắm tay Nam xúc động.
- Chiến tranh chẳng có chuyện gì không xảy ra. Bố tôi giờ là thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam đã hưu rồi, đang ở làng Đoài với mẹ tôi. Thưa với ông Hall, ngày mai mẹ tôi cũng ra đây với đoàn cán bộ xã. Tôi đang tưởng tượng ra cảnh nay mai bố tôi đường đường là một thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam sẽ đón người em vợ là kẻ đã phản bội tổ quốc trở về ra sao đây? Chuyện này thật thú vị thưa ông Hall. Riêng chuyện này chúng ta có thể viết cả cuốn tiểu thuyết.
- Đúng thế, thưa ông Nam, chiến tranh đã cắn xé gia đình ông làm hai nửa. Cuối cùng chúa cũng đã nhận ra lỗi lầm, Hall reo lên, Nếu chiến tranh còn kéo dài đến hôm nay thì chuyện gì sẽ xảy ra?
- Cha, vậy là sáng mai con sẽ được gặp bà nội? Ngọc Lan bước vào cửa reo lên khi đã nghe rõ câu chuyện của Nam và Hall.
- Ngọc Lan, con chưa ngủ sao, sáng mai con sẽ được gặp bà nội. Hoàng Kỳ Nam cố tỏ ra tự nhiên nói với Ngọc Lan.
Suốt đêm Hoàng Kỳ Nam nghĩ về Thương Huyền, gần sáng mới thiếp đi. Có tiếng gõ cửa, Nam bừng tỉnh. Đại gia Đào Kinh xuất hiện với gương mặt rạng rỡ:
- Mời nhà văn nhà báo dậy ăn sáng, tớ đã bố trí đúng chín giờ, đoàn khách ở quê sẽ đến nơi, ta chỉ làm trong vòng một tiéng, mười giờ, nếu ông khách người Mỹ của cậu đồng ý, chúng ta sẽ đi Hà Nội, con Măng sẽ lo đón tiếp cậu chu đáo. Khi nào về, còn thời gian, tớ mời đoàn ra cửa khẩu quốc tế thăm công trình tớ đang đầu tư xây dựng. Trong tương lai, tớ muốn hợp tác làm ăn với những người bạn Mỹ. Cậu nên nhớ nước Mỹ vẫn luôn là thần tượng của cả nhân loại...
Nam còn đang loay hoay với chiếc bàn cạo râu trong phòng tắm, Hall bước vào nói đồng ý đi cả hai tuyến Hà Nội và cửa khẩu quốc tế biên giới Việt Trung. Hall còn gợi ý với Hoàng Kỳ Nam cố thu xếp cùng với ông ta vào Đà Nẵng thuyết phục Thương Huyền sang Mỹ chữa bệnh. Bệnh tình của Thương Huyền cần phải được chữa trị ngay, để lâu sẽ nguy hiểm. Nhìn nét mặt Hall đầy căng thẳng, Nam biết từ khi đi thăm ngôi nhà thờ đổ về, Hall như vỡ ra điều gì đó. Bất ngờ Hall lại hỏi Nam:
- Ông có thực sự còn yêu Thương Huyền không?
Hoàng Kỳ Nam không thể giải thích để Han hiểu được tình cảm của mình với Thương Huyền.
- Chuyện của tôi và Thương Huyền không chỉ đơn thuần là tình yêu, thưa ông Hall. Nam nói, và nếu tôi không lầm, cả ông cũng rất yêu Thương Huyền đúng không?
- Một người đàn bà đẹp như Thương Huyền, đàn ông khó giữ mình. Hall thành thực, tôi đam mê cô ấy ông Nam ạ. Tôi đam mê nhưng vẫn hiểu rằng mình không có quyền được yêu cô ấy. Ông không hiểu được đâu, mỗi lần tôi đưa cô ấy bay lên trời cao, nghe cô ấy hát, đêm đến tôi lại mất ngủ. Trong chiến tranh, lính lái chúng tôi ai cũng mắc chứng bệnh mất ngủ. Có đêm tôi đã tưởng tượng mình biến thành những con sâu, những con sâu gặm nhấm lá rừng, ông có hiểu không? Và mỗi lần tôi cất cánh từ phi trường Đà Nẵng bay lên cánh rừng xanh bạt ngàn từ Khâm Đức vào Trà My để rải thứ chất độc giết người ấy, thứ chất độc ấy giết hết cả những con sâu cái kiến... Thật lạ lùng, con người ta cũng thật lạ lùng, vừa phi thường vừa tầm thường phải không ông. Tôi cứ nghĩ đến một ngày nào đó có thể loài người cũng sẽ biến hoá thành sâu bọ hết, những loài sâu bọ gặm nhấm lá rừng...
- Ông thực sự muốn đưa Thương Huyền Sang Mỹ sao? Nam bất ngờ hỏi.
- Điều này vô cùng quan trọng, Hall nói, hai chúng ta đều yêu thươngý cô ấy, cô ấy phải được chữa khỏi bệnh ông Nam ạ.
- Thưa ông Hall, Nam nói- tới bây giờ chúng ta cần thành thầt nói về quá khứ, cho dù một quá khứ đầy tội lỗi, một quá khứ đau buồn. Căn bệnh của Thương Huyền là do thời đại tạo nên. Thật khủng khiếp khi con người ta mất lòng tin! Ông hiểu íý tôi nói không? Thương Huyền là nạn nhân của chiến tranh-cuộc chiến chiến tranh đẫm máu mà người Mỹ các ông đã gây nên.
- Cả ông cả tôi, và cả trái đất này đều là nạn nhân của chiến tranh. Hall cao gịong- Con người ta ai cũng có một thời ngây thơ khờ dại. Có những dại khờ rất đáng yêu, lại có những dại khờ gây nên tội lỗi. Và có cả những dại khờ, những sai lầm chỉ của một người, nhưng đã làm suy vong cả một dân tộc. Và ngược lại, một dân tộc mắc sai lầm sẽ giết chết đi cả những thiên tài, giết chết đi cả những anh hùng hào kiệt.
- Ông có quan điểm gì khi hai nước Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ? Hall hỏi.
- Đó là cái phúc của chúng ta. Nam nói, ông không thể hiểu thấu những gì đất nước chúng tôi đã trải qua. Cái giá quá đắt con người phải trả vì những tư tưởng ngông cuồng và cả sự ngu dốt nữa.
- Ông nói đúng, không dễ gì cả tôi và ông lại có được ngày này. Không dễ gì chúng ta lai có được cái bắt tay cởi mở thân tình như lúc này.
- Thưa ông Hall, nói tới chuyện bắt tay hữu hảo thì cách đây gần nửa thế kỷ ông nội tôi cũng đã từng biết làm ăn buôn bán với cả người Pháp, người Nhật và người tầu.
- Thế mới biết cái quý giá và khát khao nhất của loài người vẫn là tự do và hoà bình. Han hưng phấn xiết chặt tay Hoàng Kỳ Nam.
Nam không ngờ cuộc gặp gỡ với Hall và Ngọc Lan đã mở ra bao điều mới mẻ để anh quyết định những việc hệ trọng sau này.