Những gì làm bạn đau khổ sẽ dạy bạn nhiều điều.

Benjamin Franklin

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 815 / 2
Cập nhật: 2015-07-17 10:03:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
goại ngồi vá áo trên giường. Ngoại đã già nhưng không đeo kính bao giờ. Đôi mắt ngoại rất “tỏ”. Mị leo lên giường, ngồi bên cạnh ngoại. Giống như những lần Mị muốn nghe kể chuyện, Mị đều mở đầu bằng câu:
- Ngoại kể chuyện đi ngoại!
Ngoại hỏi, câu hỏi quen thuộc:
- Kể cái gì?
- Kể chuyện đời xưa.
- Chuyện gì mới được?
- Chuyện “Tấm Cám”, chuyện “Thằng bé Sọ dừa”, chuyện “Chú Cuội”, chuyện “Trầu Cau”, chuyện “Ăn khế trả vàng”, chuyện “Mài dao dạy vợ”…
- Để ngoại xem, chuyện gì cũng nhão như cháo rồi. Muốn nghe chuyện gì?
- Dạ chuyện gì ngoại kể con cũng thích hết. Ngoại là một kho chuyện đời xưa.
- Khéo nịnh lắm nghen! Chuyện nghe đi nghe lại nhàm lắm.
- Vậy … ngoại kể chuyện “Ông già Nô-en” đi!
- Hả???
Ngoại ngừng tay kim chỉ. Ngoại trố mắt nhìn Mị. Rồi ngoại lắc đầu nhè nhẹ. Mị hỏi:
- Sao, ngoại? Ngoại kể đi! Ngoại biết Ông già Nô-en mà!
- Ngoại biết chứ! Nhưng… ngoại đâu có biết kể cái gì về ổng.
Mị bật cười:
- Hi hi, ngoại không biết kể chuyện Ông già Nô-en.
Ngoại ngơ ngác:
- Ừ, ngoại không biết. Chuyện đời xưa của Việt Nam thì ngoại biết, chuyện của …tây thì ngoại thua.
- Vậy để con kể ngoại nghe.
- Ừ con kể đi!
Mị đằng hắng ra vẻ người lớn, rồi trịnh trọng kể:
- Ngày xưa, xưa lắm, có một ông già thật đẹp, tóc trắng, râu trắng, nét mặt vui vẻ hiền lành, thân hình to lớn, mặc bộ đồ màu đỏ, đội chiếc mũ cũng màu đỏ nhưng có viền màu trắng. Ông là người ở bên tây, nhưng ông yêu quý tất cả trẻ em trên thế giới, không phân biệt đen, trắng, giàu, nghèo. Mỗi năm, đến lễ Giáng Sinh là ông vác một cái túi thật lớn trên vai, leo lên chiếc xe do những con tuần lộc kéo đi trên tuyết, trong đêm lạnh, để đến nhà từng đứa trẻ. Ông vào nhà chúng bằng cách trèo vào ống khói lò sưởi. Trẻ em ngoan sẽ được ông cho quà. Trẻ em hư thì không được cho quà. Rồi… rồi….
Mị ngập ngừng, hết biết kể gì nữa. Nhưng ngoại thì có vẻ chú ý lắng nghe lắm. Mị tự nhiên thấy mình quan trọng hẳn lên. Mị kể tiếp:
- Rồi… rồi… à, ai có viết thư cho ông thì ông sẽ nhớ tên và hàng năm ông sẽ đến cho quà nữa… Ngoại ơi, ngoại thấy chuyện có hay không?
- Hay lắm!
- Ngoại có thích không?
- Ngoại thích lắm. Ngoại không có biết mấy chuyện bên tây.
- Vậy con sẽ kể chuyện cổ tích bên tây cho ngoại nghe há!
- Được.
- Con sẽ kể chuyện “Cô bé Lọ Lem”, chuyện “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, chuyện “Nàng công chúa ngủ trong rừng”, chuyện “Giai nhân và quái vật”,… nhiều lắm.
- Ừ.
- Nhưng bây giờ con phải đi làm chút việc của con nha ngoại!
Ngoại “ừ” rồi tiếp tục may vá.
Rời phòng ngoại, Mị chạy đến bên bàn học, giở nắp hộc bàn lên và len lén soạn lại những món quà mà Mị đã gói bằng những tờ giấy hoa thật rực rỡ. Đó là quà của “Ông già Nô-en” dành cho mọi người trong nhà. Ông già Nô-en chẳng ai khác hơn là Mị. Năm nào Mị cũng làm Ông già Nô-en cho quà từng người trong nhà. Từ bà ngoại, ba, má, các anh chị em…. Ai cũng biết Mị là “Ông già Nô-en”. Thế nhưng, như một quy ước từ lâu nay, đêm Giáng Sinh mọi người đi ngủ với lòng hồi hộp để sáng mai thức dậy đi tìm quà do “Ông già Nô-en” tặng cho mình. Và cô bé Mị rất hân hoan với cái thông lệ đó mỗi năm.
Đây này, quà cho ba: một cái bình pha trà; quà cho má: một bộ kim đan, quà cho anh Minh: một bộ dây đàn, quà cho chị Thúy: một quyển tập chép thơ, quà cho bé Tí: một con búp bê nhỏ nhắn. Rồi Mị cũng có một món quà tự tặng cho mình nữa chứ! Đó là một hộp bút chì màu thật xinh để Mị vẽ. Mị cầm đến gói quà cho ngoại: Mị đã gói những trái xí muội bằng giấy bóng kính đủ màu, Mị nghĩ ngoại thích ăn xí muội, ngoại sẽ hài lòng. Ngoại sẽ nhâm nhi xí muội sau mỗi bữa ăn, chị em Mị cũng sẽ có cơ hội được “ăn ké”.
Mùa đông ở Sài Gòn không có tuyết, cũng không lạnh. “Ông già Nô-en” không có quần áo đỏ, mũ đỏ, không có xe tuyết được kéo bằng những chú tuần lộc, không có ống khói lò sưởi để trèo. Khi mọi người trong nhà đã ngủ say, “Ông già Nô-en” rón rén đi bỏ quà ở chân giường từng người, rồi với vẻ mặt sung sướng, “Ông Già Nô-en” lại rón rén đi về chỗ của mình.
Sáng hôm sau, vẫn như thông lệ, mọi người tìm thấy quà của mình, vui vẻ tháo giấy hoa, trầm trồ khen ngợi, rồi cám ơn “Ông già Nô-en”. Mị vào phòng của ngoại, thấy món quà cũng đã được tháo giấy. Ngoại mỉm cười với Mị. Mị hỏi:
- Ngoại, ngoại có thích món quà này không?
- Ngoại thích lắm. Cám ơn “Bé Già Nô-en”.
Mị ré lên cười:
- Không chịu đâu! Sao ngoại ghẹo con là “bé già”?
- Vậy thì cám ơn “Ông già Nô-en” Mị nghen!
Hai bà cháu trêu đùa với nhau một hồi. Rồi ngoại nói:
- Mị cho ngoại xin tờ giấy để ngoại viết thư.
- Ngoại viết thư cho ai?
- Đừng có hỏi.
Mị chạy đi lấy tờ giấy, và đem đến cho ngoại cùng với một cây bút.
- Ngoại viết thư cho bà dì hả ngoại? Hay cho ông cậu?
Ngoại tần ngần:
- Đừng có hỏi mà! Rồi từ từ con cũng sẽ biết thôi!
- Vậy hả ngoại? Ngoại viết xong, đưa cho con, con đi học sẽ bỏ thư giùm cho ngoại.
- Con ngoan lắm!
Rồi ngoại kéo Mị vào lòng, ôm chặt lấy Mị và hôn lên má Mị. Mị kêu lên:
- Á! Ngoại…. hôi mùi dầu quá đi!
- Không chịu mùi dầu hả?
- Không chịu. Con sợ mùi dầu lắm ngoại ơi!
- Ngoại biết, ngoại biết... Xin lỗi, xin lỗi…Thôi không ôm nữa.
Hai bà cháu lại cười đùa. Mị trêu ngoại, lấy tay bịt chặt mũi, trợn mắt, la lớn:
- Hôi mùi dầu quá! Hôi mùi dầu quá đi!!!
Rồi Mị bỏ chạy.
Chai Dầu Cho Bà Ngoại Chai Dầu Cho Bà Ngoại - Nguyễn Thị Mỹ Thanh