Số lần đọc/download: 5667 / 217
Cập nhật: 2017-10-22 18:29:07 +0700
Chương 1
N
ăm lên bảy tuổi tôi được giáo dục khá cẩn thận về vị trí mà tôi đang chiếm một khoảng tí teo giữa cuộc đời mênh mông này. Tôi phải nhớ rằng thành phần gia đình tôi bần nông. Dĩ nhiên bần nông là gì, nó khác địa chủ, phú nông ở chỗ nào thì tôi không biết. Đầu óc trẻ con của tôi làm sao hiểu được những quy định thiêng liêng ấy.
Khi lật tập hồ sơ mỏng teo, có lẽ cũng đơn sơ như tâm hồn tôi, cô giáo dạy vỡ lòng của tôi, xinh đẹp như tiên sa, lẩm bẩm: “thành phần cơ bản”. “Được”. Rồi cô trịnh trọng tuyên bố: “Kể từ hôm nay em có nghĩa vụ phải làm sáng danh cha anh mình”. “Làm sáng danh cha anh mình”. Nghe mù mờ và hấp dẫn quá. Bởi vì ít nhất có một đứa trong lớp “không được làm sáng danh cha anh mình”.
Con bé có cái tên rất thành thị: Quý Anh. Nó kém tôi một tuổi, là đứa duy nhất trong lớp có lý lịch phức tạp như lời người lớn vẫn nói. Ngày ngày nó đi học cùng với chúng tôi nhưng bao giờ cũng sau một đoạn:
– Mày là con địa chủ bóc lột!
Văng vẳng bên tai Quý Anh suốt thời cấp một là những lời trêu chọc như vậy. Dường như ý thức được số phận của mình, nó luôn luôn sợ hãi xung quanh. Chiếc mũ rơm bao giờ cũng che sụp gần hết mặt. Vào lớp nó ngồi khép nép ở bàn cuối.
Khi cô giáo của chúng tôi giảng bài “Đôi bạn” thì Quý Anh trở thành tên tội phạm thực sự. Đoạn con hươu được con rùa mách, đá lão địa chủ ngã nhào, một đứa ngồi giữa lớp hét toáng lên: “Bố con Quý Anh đấy! Chết cha bọn địa chủ đi”. Cả lớp cười khoái chí trong khi Quý Anh gằm mặt xuống bàn. Nó không khóc nhưng gương mặt đờ đẫn tới mức chính cô giáo phải chữa lại: “Không phải bố Quý Anh đâu. Chỉ là một thằng bạn của bố em ấy thôi”.
Tan học, đám trẻ con chúng tôi ùa nhau chạy trên đê Chùa, Quý Anh tụt lại, lủi thủi như con chó con bị đàn ruồng bỏ. Nó tưởng thế là thoát, nào ngờ hôm đó chúng tôi quyết định “đấu” con bé thay bố nó.
Mặt tái mét, Quý Anh bị xô đi đẩy lại, đứng vào giữa vòng tròn. Thoạt đầu một đứa con gái trong đám bần nông cầm roi quất vào người Quý Anh:
– Tại sao mày bóc lột nhân dân?
Quý Anh ôm chặt chiếc cặp sách, mắt trống rỗng nhìn đám đông. Một hòn đất nát bay thẳng vào mặt con bé: “Khai mau!”. Lại một hòn nữa rồi cả trận mưa đất trút lên toàn thân Quý Anh. Nó vội ngồi ngụp xuống, đưa tay gỡ đất và xoa lên vết thương. Không hé nửa lời.
– Thôi tha cho nó, hôm sau lại đấu tiếp.
Hôm sau, tháng sau và suốt một thời trẻ con, chúng tôi không ngớt hành hạ Quý Anh. Có hôm mặt nó tím bầm. Cũng có bận nó khóc, còn đa phần nó đều gắng chịu đựng, một sự chịu đựng mà ngay cả lúc lớn tôi vẫn không sao giải thích được.
Bố Quý Anh là lão địa chủ nòi. Trước kia lão gian ác có hạng. Sau cải cách ruộng đất, gia sản của lão bị xé nát và vợ chồng lão phải dựng lều ra ở rìa làng. Chẳng biết ngày xưa lão lý trưởng ấy ăn gan uống máu ra sao, nhưng khi tôi lớn lên chỉ thấy lão cặm cụi cùng vợ con cày xới mảnh vườn tí tẹo. Ra đồng, lão lý trưởng xưa kia cũng đứng riêng một chỗ. Gặp từ đứa trẻ lên sáu, nhất nhất lão đều lên tiếng chào trước.
Một hôm tôi bảo với bố tôi:
– Ông Hứa ngày xưa ác bá ra sao, mà ngày nay ông hiền thế.
Bố tôi trợn mắt:
– Mày sắp quên mối thù rồi đấy. Chẳng qua thời nay là thời của Bần-cố nông thì lão phải chịu đấy con ạ. Mẹ tiên sư, giá lúc nó xua tuần đến đốt nhà ông nội mà mày được chứng kiến nhỉ!
– Lão Hứa xua hả bố?
– Chứ còn ai vào đấy. Thằng Tư Vê đeo kiếm dài chấm đất lúc nào chẳng cặp kè với lão Hứa, ai dám ho he. Gớm, nó chả hiền sớm cho đấy.
Và để tôi ghi mối thù vào xương tuỷ, mỗi ngày bố tôi lại kể cho tôi nghe một chuyện thời xưa, về sự tàn ác của lão Hứa. Mỗi ngày một chuyện, lời kể của ông tuyệt vời như kể chuyện cổ tích, khiến tâm hồn tôi thấy đẫm những hồi ức kinh hoàng không bao giờ còn hong khô được nữa.
* * *
Sau trọn mười năm, kể từ ngày tôi khóc thầm ra đi, tôi lại trở về cái nơi còn ghi dấu mãi tuổi thơ cay đắng của tôi. Bố tôi già đi ghê gớm. Tóc ông bạc như cước, xơ xác trên vầng trán bị thời gian đào rãnh lô xô. Em út tôi lớn phổng lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Mười năm trước, chính nó từng họa theo lời bố tôi để thét lên: “Anh hèn hạ lắm! Anh cút đi cho bớt tai tiếng”. Lúc đó nó mới 12 tuổi, nổi tiếng là đứa bé có bản lĩnh. Nó giống bố tôi như đúc cả về hình thức lẫn tính cách. Giờ đây em tôi, con bé chỉ thích đeo kiếm đóng vai nữ tướng hồi bé, vồ lấy tôi khóc nức nở. Nó khóc thổn thức, ai oán đến nỗi tôi phải ngồi thụp xuống gạt nước mắt. Đến lượt mẹ tôi, bà chỉ dám khóc thầm sau tấm màn che gió. Lâu lâu bà mới cất tiếng:
– Đưa anh đi rửa ráy, con!
Đấy là bà bảo em tôi. Ôi trái tim người mẹ, bao giờ cũng có chỗ cho ta, sau khi mệt mỏi về trú ngụ. Bố tôi thì khác, ông xúc động theo kiểu của người cha. Ông ngồi ở bàn, vầng trán vằng vặc như chính người đang toan tính tiếp con đường công nghiệp mà người mơ cho tôi, bị đứt đoạn mười năm. Cặp mắt người vốn nổi tiếng một vùng vì độ thấu xa, không mảy may biểu lộ người mừng hay coi đó chỉ là chuyện trẻ con.
Tôi đến ngồi ghé trên chiếc tràng kỷ nhẵn bóng, đối diện với bố tôi:
– Mười năm anh đi những đâu?
– Thưa thầy con đi gần hết cái đất nước này.
– Anh thấy nó rộng hay hẹp?
– …
– Chưa vượt biên chứ?
Tôi vẫn im lặng, bắt gặp cái nhìn chia sẻ từ sau cánh cửa của em tôi. Tiếng bố tôi vẫn đều đều:
– Mười năm anh học được cái gì mang về?
– Con học được nhiều thứ. Nhưng cái quí nhất là cuộc đời con phải biết tự định đoạt lấy mình.
– Nghe nam nhi đấy! Giỏi!
Tiếng “giỏi” mà bố tôi buông ra cũng giống như dấu chấm hết một đoạn văn hay nhưng với ông không lọt được lỗ tai.
Tiếng “giỏi” ấy còn có nghĩa: “Được, để xem”. Hết chuyện. Tôi uể oải đứng dậy theo em gái tôi ra phía bể nước. Nó cầm chiếc khăn mặt chờ sẵn ở cửa, cầm tay tôi kéo như chạy.
– Anh chấp bố làm gì! Càng lớn em càng thương bố. Cuộc đời cũ vầy vật bố đến mức bố không thể quên được nó.
Đứng xem tôi hành hạ chiếc khăn mặt, nó tỉ tê:
– Anh về mà xem làng xóm, thay đổi khủng khiếp. Lớp người tuổi bố chết gần hết rồi. Vẫn hẹn nhau xuống mồ nữa cơ.
– Những ai mà chết gần hết?
– Ngoài bố ra còn ba vị nữa đang thập thò miệng lỗ. Cho các vị đi hết đi để đến lượt anh em mình làm chủ thế giới. Đến khổ với các vị.
– Vẫn thù nhau à?
– Thù càng ác liệt. Ngày mai anh sang chơi ông Mịch mà xem. Tuy tím tái hết chân tay đấy nhưng vẫn hỏi luôn mồm thằng ấy, thẳng nọ có vác mặt đến không thì lót lá dắt ra ngõ hộ.
Nước mát làm đầu óc tôi bớt nặng nề. Nhưng càng tỉnh táo tôi càng như bị ném vào tình thế phải che chắn tứ bề. Sẽ ứng xử ra sao cho ba vuông bảy tròn giữa những con người cứng đờ vì thiên kiến. Cuộc đời chiến sĩ chỉ dạy tôi điều đơn giản, nếu kẻ thù ở hướng nào thì phải quay súng về hướng ấy. Còn nếu nó ở bốn phía thì chính mình phải nổ tung! Trong trường hợp này, quá lắm tôi cũng chỉ đến mức – như mười năm trước – gào to lên lời nguyền rủa độc địa cho cái mảnh đất đầy thù hận này chìm lãng đi.
Tôi theo em gái ra thăm khu nghĩa địa. Quê tôi vẫn có thói quen chỉ tin vào người chết! Khu nghĩa địa của làng tôi lúc đầu chỉ có độc chiếc mả ngựa. Một vị tướng, không rõ từ thời nào, đã an táng con chiến mã của mình khi con ngựa đầy chiến tích ấy đến làng tôi thì gục xuống chết. Khi tôi lớn lên người ta vẫn gọi khu đất hoang ấy là “gò con ngựa”, mặc dù chính thức là nơi yên nghỉ của những người đã hưởng tuổi Trời. Giờ đây bãi nghĩa địa bị chia cắt làm ngôi mộ của họ xem ra cũng hiền lành. Nhấp nhô hàng trăm lô đất sàn sàn như nhau, cỏ mọc xanh rì. Làng tôi gọi đấy là khu bình dân. Sau hàng rào quét sơn trắng nổi lên đám mộ được xây cất công phu thò ra thụt vào, chạy song song nhau. Rồi lại một đám khác, lù lù mấy nấm đất cao ngang đầu, trên nóc đều có cây thiên tuế uốn éo một cách dị dạng. Tách biệt với khu bình dân và khu phú quí lại có một khu khác thập thò vài chục mô đất sè sè, nom hiu quạnh như lũ mộ vô chủ, cả năm may lắm được một lần hương khói vào dịp Thanh Minh.
Em gái tôi trở thành người hướng dẫn đắc lực:
– Đám trắng toát kia là của mấy ông phó Cả, phó Hai, phó Ba. Lần này thì chắc không bị đào nữa.
– Sao? Ai đào?
– Người ta đồn các ông phó mang theo vàng xuống âm phủ nên dân đào vàng bán xới họ đào.
– Còn đám kia?
– Đám ấy của cha ông phó Hộ. Thật là lúc chết vẫn muốn lù lù trước thiên hạ.
– Cuối cùng cũng chỉ là nấm đất với một dúm xương tàn. – Tôi nói bâng quơ như một ý tưởng đến bất chợt.
– Đúng! – Em tôi đồng tính – Giá lúc sống các vị biết cho điều ấy nhỉ.
Ngừng một lát, em tôi tiếp:
– Trông thì gia phong thế thôi – là em bảo cái đám mộ kia kìa. Chứ lúc hấp hối các vị mới lộ chân tướng thật, nghĩ mà rùng mình.
– Có chuyện gì thế?
– Khi cụ Hộ – bố của các ông phó – hấp hối, cụ mới đưa ra bảng phân vai. Đứa trước đây là cháu bây giờ thành con. Đứa trước đây là em thì bây giờ lên chú… đến nỗi đám con cháu thảm hại ấy như lạc vào mê cung ngôi bậc. Hoá ra thời mấy chục năm trước, khi các ông Phó đi lính đồn trú cho Pháp thì cụ Hộ ngủ cả với mấy cô con dâu. Bà nào có mang liền lên bốt ở với chồng vài tháng…
– Chết tiệt!!! – Tôi muốn gào thật to vào bầu trời thẳm sâu, tôi muốn gào xuống tận âm ty địa ngục cho quỷ thần nghe thấy, biết rằng chẳng để làm gì.
– Thôi anh ạ! Cuối cùng họ chỉ còn lại trước cuộc đời bằng độc một mô đất. Cứ chia đều cho mỗi vị một nén.
Tôi làm theo lời em gái tôi, lòng không chút cảm xúc. Những nấm đất! Những nấm đất vô tri, lạnh lẽo. Các vị sống thế nào thì chết cũng thế ấy! – Tôi nguyền thầm.
Chợt tôi phát hiện có một mô đất bẹp dí ở rìa khu bình dân, sát mép nước. Tuồng như nó cố tình lút xuống để người sống khỏi ngứa mắt. Thấy tôi ngẩn ngơ nghi hoặc, em gái tôi vội nói:
– Lão Hứa đấy. Lão chết hồi năm kia sau 7-8 năm ỉa đái ra quần. Làng không cho lão vào nghĩa địa nên lão đành tạm ở đấy. Hồi đưa tang lão, thối khắp làng đến nỗi ruồi xanh đuổi theo quan tài đông hơn ong vỡ tổ. Mấy ngày sau tháng khí còn chưa hết khiến mấy chục con chó hoá dại một lúc rồi theo lão cả. Chỉ tội cho chị Qu…u.. ý Anh và cái Quý Hương…
“Quý Anh!” – Ký ức tôi bật chồm dậy như con ngựa chứng chưa thuần. Phút chốc những kỷ niệm mặn chát một thời của tôi vụt hiện lên, tươi rói như vết thương đang ứa máu.
– Cô ta bây giờ thế nào? – Giọng tôi như vọng về từ một thế giới khác.
– Chị ấy vẫn chờ anh. Cả làng bảo chị ấy mắc nghiệp chướng do lão Hứa gây ra. Nhưng chỉ mình em biết chị ấy chờ anh.