Số lần đọc/download: 3733 / 102
Cập nhật: 2015-07-19 17:27:19 +0700
Chương 1
T
ruyện này được viết để tặng một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trưởng thành sau 30-4-1975
DUYÊN ANH
… Vẫn còn nguyên băng đạn
Nằm ngang lưng quê hương
Đất đau niềm nắng hạn
Trời sầu nỗi mù sương
Bầy sư tử lãng mạn
Thắp lửa tim nhận đường
DUYÊN ANH
THƯ VÀO TRUYỆN
Em Hoàng Sơn Trường,
Anh không biết em còn sống dưới hầm đá biệt giam ở trại Đầm Đùn hay đã chết rồi. Nếu em còn sống, em đang đếm từng ngày trong bóng tối lạnh lẽo. Nếu em đã chết, xác em chôn dưới vùng đất của quê hương, chẳng ai rõ. Chắc chắn trên nấm mồ hiu quạnh của em, thiếu cái mộ bia mơ ước như em thường nói với anh, hồi chúng mình nằm chung xà lim số 7 hôi hám của C1 đề lao Gia Định. Em mơ ước gì nhỉ? Em muốn mộ bia của em khắc Búa Liềm và Còng Mỹ. Và em giải thích rằng, vì Còng Mỹ và Búa Liềm mà em chiến đấu và em hy sinh tuổi trẻ của em. Mơ ước của em thật lạ lùng. Nó cũng lạ lùng như sự dấn thân lãng mạn và cô đơn của em, của bạn bè em, của một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam tuyệt vời.
Em nhớ chứ, Trường thân mến, hôm đầu gặp gỡ, anh thử em bằng câu hỏi ngờ vực và bằng sự phán xét kẻ cả về mục đích em theo đuổi, em đã trả lời anh: « Em kính mến anh lắm. Nhưng con đường em đi em tin là chính đạo và lý tưởng. Mong anh đừng bàn tán rắc rối ». Anh phục em từ đó. Chúng ta thân nhau. Trong tù, dĩ nhiên. Em kể anh nghe cái động lực xui em chiến đấu và sự trở về đời sống thảnh thơi, im lặng của em. Thế thôi. Là đã hừng hực mặt trời tuổi trẻ. Là đã vằng vặc mặt trăng tuổi trẻ. Ở tù không hứa hẹn gần nhau lâu, anh bị chuyển xà lim, chuyển dài dài, chuyển phờ phạc. Anh phiêu lưu khắp cõi đề lao. Cuối cùng, anh gặp Ngô Tỵ tại xà lim số 3 C1. Ngô Tỵ nói về em: « Em không hề biết mặt thằng Trường khi em gia nhập tổ chức của nó. Em vẫn tưởng nó phải lớn tuổi, to con, đầy vẻ bí mật. Nằm khu A, buổi sáng, đi đổ rác, em gặp tráng sĩ chùa An Lạc, em hỏi tráng sĩ chứ « đảng trưởng » đâu, tráng sĩ kéo một thằng lùn tì, đeo kính cận ra cửa xà lim khoe em. Em bèn hỡi ơi, « đảng trưởng » của mình nhóc hơn mình ». Anh hỏi Ngô Tỵ: « Bây giờ em còn phục nó không? » Ngô Tỵ cười: « Nó hay thật, anh ạ! » Em đã quyến rũ bao nhiêu bạn bè, em đã quyến rũ anh. Em tuyệt diệu.
Anh gặp thêm Đinh Cường, Đinh Dũng, Đinh Vương, Nguyễn Khánh Long, Đặng Cơ Bản, Đặng Hữu Trí… Rồi lang thang sang khám Chí Hòa, anh gặp vô số những khuôn mặt yêu nước khiến anh lợm giọng. Và anh buồn bã là không còn được sống với các em. Những khuôn mặt yêu nước: những anh già nua thèm danh vọng trải dài đời mình qua các chế độ chưa nắm nổi một địa vị bình thường, những anh thèm thuồng quyền bính đến ngớ ngẩn tội nghiệp đã tụ tập nhau mưu đồ phục hồi dĩ vãng tanh ươn. Họ lập chính phủ, phong cho nhau làm tổng thống, thủ tướng, tổng trưởng. Một xà lim của anh có đến… ba nội các. Và ba vị thủ tướng hết chửi nhau vì quan điểm chính trị lại chửi nhau vì cơm chia không đồng đều, vì chỗ ngủ thiếu ni tấc! Anh gặp những ông quận trưởng vẽ vời chức tước tỉnh trưởng ngày mai. Anh gặp những ông chánh án, dự thẩm vẽ vời món tiền lương « ráp pen » ngày mai. Anh gặp những ông tá vẽ vời sao tướng ngày mai. Anh gặp những ông trung sĩ đang là sư đoàn trưởng hôm nay. Anh gặp những ông tư sản mại bản mơ ước tiếp thu tài sản cũ… Tất cả đều nhận mình chống cộng sản vì tổ quốc và dân tộc… Họ ưa kể lể công lao nằm tù của họ. Nằm tù, với họ, là cái gì thiêng liêng, cái gì đầy đủ đặc quyền đặc lợi khi cộng sản tan rã. Nằm tù, với họ, là sự ngưỡng mộ của toàn dân, mặc dù họ vì vạ miệng, vì sau mèm nói láo, vì ham danh vọng nhào vô, vì tự ý dẫn xác đi trình diện xin ở tù. Các em khác hẳn họ. Các em khiêm tốn. Các em im lặng. Chiến đấu im lặng. Sa cơ thất thế im lặng. Đau khổ im lặng. Và thành công càng im lặng hơn. Mà các em đã làm gì có quyền bính? Mà các em đã hưởng thụ được gì từ quyền bính của dĩ vãng? Anh chợt nhớ một câu văn bất hủ của nhà văn Ngọc Giao trên trang đàu tiểu thuyết Nhà quê: « Con ốc nhỏ trối giạt trên bãi cát, bé nhỏ thế thôi, câm nín thế thôi, thế mà trong lòng nó chứa đựng cả sóng gió của đại trùng dương đấy, bạn ạ! » Em, các em, chính các em là những con ốc nhỏ cô đơn và vĩ đại đang trôi giạt trong lòng dân tộc. Ý nghĩa chiến đấu của em, của các em, anh thấy nó từa tựa tư tưởng của một nhân vật của nhà văn Erich Maria Remarque trong « The night in Lisbon »: khi thế giới còn những bọn dã man tàn bạo và mình còn khả năng chống lại chúng mà không dám chống thì đó là tội ác. Nhân vật này cho giấy thông hành người khác, ông ta khước từ trốn sang Mỹ, ông ta ở lại Âu Châu, gia nhập lính lê dương để chiến đấu diệt phát xít. Các em cũng khước từ tất cả để chiến đấu chống cộng sản vì, dân tộc chúng ta, dân tộc Ba Lan, Tiệp Khắc… đang đầy ngập bọn dã man tàn bạo, đang bị trùm kín bóng tối của chủ nghĩa cộng sản đốn mạt. Một bông hồng nào cho em, Trường thân mến. Anh chỉ mới mừng tuổi em hộp diêm, mùng một Tết 1976 owr đề lao Gia Định. Và em rất thông minh, nói nhỏ: « Vâng, em sẽ mãi mãi giữ lửa »!
Em thừa hiểu, tù nhân như anh em mình, cộng sản chẳng dại gì mà nhốt một chỗ lâu ngày. Họ phân tán dần dần. Sớm gần, chiều xa. Tháng 5 năm 1977, em chuyển trại, các em chuyển trại. Tháng 12 năm 1977 anh sang Chí Hòa. Tháng 11 năm 1978, anh bị đầy vào rừng già Sa Ác. Tháng 2 năm 1980, anh về Hàm Tân. Đầu năm 1981, tù nhân ở trại Nam Hà B được điều về miền Nam. Khoảng 500 người nhập trại Hàm Tân, Z30D. Anh gặp vài anh bạn cũ. Có Vũ Xuân Thông, trung tá, chỉ huy phó lữ đoàn Biệt Cách Dù 801, tài tử cao ráo, bô trai trong phim Người tình không chân dung. Bạn anh kể cho anh nghe một cuộc vùng dậy ở Nam Hà B do nhóm 28 « ông nhóc » dưới sự lãnh đạo của Lương Việt Cương đã thổi lửa vào tâm hồn mấy ngàn sĩ quan từ lâu đã cam đành. Lương Việt Cương, anh nhớ lắm chứ, mắt ốc nhồi, giáo sư toán lý hóa, còn trẻ, hồi làm sinh viên ở Đà Lạt đã chan chứa nhiệt tình, hồi ở đề lao Gia Định đã từ cachot này qua cachot khác. Anh nôn nao quá, vội hỏi: « Nhóm 28 ông nhóc có Hoàng Sơn Trường, Đinh Vượng, Ngô Tỵ, Nguyễn Khánh Long »? Có, có, có… Họ trả lời anh. Vậy là em đã bị lưu đày ra tận miền Bắc. Những địa danh nào đã in dấu chân em?
Cuối năm 1981, anh được tha. Amnesty International đã can thiệp cho anh tận tình bằng một sự trao đổi không lỗ vốn cho cộng sản. Tháng 3 năm 1983, anh vượt biên. Thuyền anh ghé Mã Lai. Ở đảo Pulau Bidong anh gặp Trần Dân Chủ và Nguyễn văn Nhiệm. Hai người này, cựu trại viên Nam Hà B, kể thêm những chi tiết hào hùng của 28 tên phản động vĩ đại. Anh liền nghĩ tới một truyện dài mang tựa đề thú vị Bầy sư tử lãng mạn.
Tháng 10 năm 1983, anh đến Paris. Anh tìm đọc cuốn “Goulag vietnamien” xem anh tù nhân bất đắc dĩ này viết gì về đề lao Gia Định. Cha chả, một cái xó xỉnh đề lao Gia Định thì thấm thía gì với nền tù đày của cộng sản việt nam. Vậy mà người ta dám phóng lên thành thứ goulag khiến độc giả ngoại quốc cứ tưởng đó là đỉnh chót vót của thống khổ ngục tù. Tác giả nằm tù đâu có bao lâu. Ông ta chưa có kịp ghẻ mà. Phi ghẻ bất thành tù… đề lao. Ông ta viết tàm bậy, tàm bạ. Chỉ riêng hai chi tiết anh sắp kể đã đủ liệng cuốn “Goulag vietnamien” của ông ta vào thùng rác vỉa hè. Ông ta bảo cụ Cao văn Diên (phòng 7C1 mình đó, em nhớ chứ?) không phải là phản động và cụ chết ở đề lao. Láo toét, cụ là phản động nặng, bị đầy lên trại Gia Trung, Pleiku và cụ chết bệnh ở Pleiku. Ông ta bảo anh đã chết rồi! Ông ta bảo ông ta lấy được khối chữ ký tù nhân tư tưởng… Trước khi ông ta được tha để leo máy bay sang Pháp, ông ta nằm trong phòng như gà kỹ nghệ, ai mở khóa cho ông ta lang thang khắp trại lấy chữ ký, ai dám ký, ai cho phép ông ta xử dụng giấy bút? Thế mà ông ta nổi tiếng, ông ta dùng cái dĩ vãng tù đầy ân huệ của ông ta để nhảy vào công cuộc… giải thoát dân tộc! Những thứ như ông ta không thiếu gì ở Mỹ, ở Pháp, ở Úc… Anh chạnh nghĩ tới em đang nằm dưới trại Đầm Đùn, và anh bất bình. Luôn luôn, chúng ta thừa thãi bọn tiêu bạc giả. Và bọn tiêu bạc giả cậy mình vô liêm sỉ, dùng bạc giả của chúng khỏa lấp dư luận, bôi bẩn những người công chính. Còn em, còn bạn em, ai biết đến cuộc chiến đấu cô đơn của em?
Anh hiểu em. Anh hiểu em nhiều lắm. Em đi chiến đấu hôm nay như năm xửa năm xưa em xé vở gấp tàu bay đẹp phóng lên trời, gấp tàu thủy xinh thả trôi giòng nước. Em phơi phới. Em chuyền nhảy. Em làm đẹp cuộc đời và không cần cuộc đời biết đến, không bắt cuộc đời nghĩ đến. Có nhiều cuộc đời nhỏ trong một cuộc đời lớn. Cuộc đời lớn không biết đến em vì thật sự không biết hay chưa biết. Nhưng cuộc đời nhỏ, vốn dĩ nó nhỏ, bản chất nó hẹp hòi, nó biết đến em mà nó cứ giả vờ không thèm biết. Nó sợ hãi biết đến em, sợ hãi nói về em với cùng khắp cuộc đời. Nó lo ngại em nổi tiếng hơn nó, em trở thành thần tượng, em trở thành đại thụ còn nó chỉ là cỏ hèn. Nó ghen với em. Và nó tìm cách hãm hại em, cô lập em, bôi bẩn em. Nó không dám chiến đấu bằng con số không thật tròn trong hình vuông thật đẹp đâu. Nó phải bấu víu lấy cái tước vị quá khứ phù ảo và chua ôi làm lý tưởng. Những đứa ghẻ lở, hắc lào rất sợ tắm sông trần truồng. Những đứa vô tài bất tướng lại thích khoa trương, càng ghét những tài năng vàng mười. Vậy thì giữa cuộc đời nhỏ đầy rác rưởi và em đã có một phân cách. Nó chiến đấu để phục hồi dĩ vãng quyền bính cũ. Em chiến đấu để khai phóng tương lai. Nó ngoảnh lại. Em nhìn lên. Nó chiến đấu cho nó. Em chiến đấu cho mọi người. Em trực diện với nghịch cảnh. Nó nằm chiêm bao nỗi khổ. Em chiến đấu bằng nhiệt tình và lòng tự phụ của tuổi trẻ việt nam. Nó chiến đấu bằng tiền quyên góp phè phỡn. Em không cần nó biết đến em là em xứng đáng, em được quyền kiêu ngạo.
Trong truyện dài Sỏi đá ngậm ngùi anh đã viết rằng nỗi thống khổ là văn phạm của đời sống, sự cô đơn là ánh sáng soi rõ đất trời. Em, các em, chiến đấu trong thống khổ và cô đơn, trong im lặng và thầm kín. Các em đang làm tác phẩm lớn cho đời sống, đang cố gắng để lại những dấu ấn vàng son trên sinh đạo mà các em đã một lần vượt qua. Anh, các anh, những nhà văn, nhà thơ, những nghệ sĩ sáng tạo cũng mang nỗi thống khổ và cô đơn như các em. Các anh đã, đang và còn làm tác phẩm cho đời sống. Phải nói một cách khẳng định rằng, chỉ có nghệ sĩ sáng tạo mới biết làm đẹp đời sống, chỉ có nhà văn, nhà thơ mới đủ tài năng và thẩm quyền làm đẹp đời sống của những ai làm đẹp đời sống. Chúng ta đau khổ, chúng ta cô đơn, chúng ta im lặng chịu đựng. Bởi vì chúng ta làm việc để làm việc, chúng ta không làm việc để phô trương. Hình như chúng ta vẫn chưa yên thân. Chúng ta vẫn bị cái thứ cuộc đời nhỏ rình rập nghi ngờ. Thứ cuộc đời nhỏ gồm một lũ thích ngồi trong xó tối giả giọng chó sủa gây khó chịu cho người đi ngoài ánh sáng. Thứ cuộc đời gồm một lũ chẳng thích làm gì mà chỉ sợ người khác làm hơn mình. Cái thứ ấy, trong Thuyền nhân, anh viết: “Bao giờ biết nổi giận? Bao giờ trời gầm thét? Bấy giờ, vòng tròn bao la sẽ là cõi mịt mù và con thuyền vượt biên ngoi ngóp trong cái cõi mịt mù khốn cùng đó. Và con người lại càng hiểu giá trị làm người của mình không bằng tấm mảng mục. Con người sẽ sợ hãi, sợ chết. Con người sẽ khóc lóc, than van. Con người sẽ biến mất những ích kỷ hèn mọn, những ghen tuông đê tiện, những phán xét ngu muội. Con người, bấy giờ, bỗng thèm sống và tự hứa với chính mình, nếu sống sót sẽ cố sống ra vẻ một con người. Những kẻ thích thị phi người khác, thích nghị luận những lầm lỗi mơ hồ của người khác, thích phán xét người khác bằng những điều đồn đại, vu khống, thích nằm chiêm bao nỗi khổ, chằng khi nào được vinh dự chìm đắm giữa mù khơi, ngoi ngóp trong nỗi sợ. Những kẻ ấy, những kẻ giả hình ấy, chỉ cần một phút chênh vênh trên đường chết, năm phút nhức nhối tinh thần, mười phút quặn đau thể xác là gục xuống cúi lạy cái quyền uy có thể ban phát cho chúng kiếp sống cỏ dại. Chúng sẽ khả ố, bỉ ổi gấp triệu triêu lỗi lầm của những người bị chúng phán xét oan ức. Bất hạnh cho bọn giả hình, Thượng Đế đã không bố thí cho chúng một miếng ân sủng nhỏ về nỗi cô đơn và niềm thống khổ. Do đó, một đời tẻ nhạt chúng đeo đuổi, chúng chỉ loay hoay trong cái vòng tròn nhỏ bé đánh đai bởi những ý nghĩ bẩn thỉu của kèn cựa, tranh giành, vu khống, chụp mũ, nói xấu, bôi bẩn và nhục mạ người vắng mặt. Chúng ngu dốt, không biết định nghĩa hai tiếng cao thượng. Chúng hèn nhát, không dám đối mặt người công chính. Chúng lầm lũi như bọ hung. Chúng chẳng thể hiểu thế nào là tồn tại, là sự phục sinh của nỗi chết. Việc làm của người công chính, ý nghĩa tốt đẹp của người công chính để lại cho đời sống sẽ phục sinh cái chết của người công chính. Tác phẩm để đời của nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ… phục sinh cái chết của họ và cho phép họ tồn tại vĩnh cửu. Bọ hung không để lại cho đời sống cái gì. Chúng chỉ để lại vết tích ô nhục trong gia phả của chúng cho con cháu chúng tưởng niệm xót xa. Người công chính đã được tuyên dương xứng đáng trong Thánh Kinh. Chúa đã dành cho họ phần thưởng trên Thiên Đàng. Dưới cõi thế, họ vẫn can đảm sống, vẫn làm đẹp đời mình, đời người khác. Vì, họ biết, đời sống chỉ có một số bọ hung, một số Lý Thông gian ác. Còn rất đông Thạch Sanh và công chúa cổ tích”.
Trường, em hiểu tại sao Lý Thông cứ muốn Thạch Sanh nằm mãi dưới hang không? À, Thạch Sanh lên đời thì Lý Thông xuống lỗ. Thạch Sanh có cây đàn muôn điệu. Lý Thông chỉ có cái đàn miệng với bài duy nhất “Người đi đường và con chó”. Vậy nó không biết đến em, nó rình rập em, nó nghi ngờ em vì nó sợ nó là lãnh tụ giả mà em là lãnh tụ thật. Nó muốn độc tôn. Nó muốn chỉ có nó quốc ngoại. Nó không muốn có ai quốc nội. Anh viết về các em, anh nhận các em là lãnh tụ cao quý, anh minh, vĩ đại của anh, nó sẽ chán lắm, cái cuộc đời nhỏ ấy mà, nó sẽ hăm he anh, nó sẽ lập tòa án (!) xử anh, nó sẽ ghi tên vào sổ đen! Ồ, chấp chi. Anh già rồi. Năm mươi tuổi rồi. Mệt rồi. Thừa thãi danh tiếng rồi. Anh không cần ai khen anh, cũng chẳng sợ ai chửi anh. Với đất nước, anh đã có 50 tác phẩm văn chương và hơn 200 số báo Tuổi Ngọc. Với đất nước, bọn đi đường và con chó không có gì. Không có gì cả. Với cong sản, anh đã đi vào “văn học sử” của họ bằng những pho sách “Những tên biệt kích trong mặt trận tư tưởng, văn hòa miền Nam”, “Văn nghệ Sài gòn dưới thời Mỹ Ngụy”, “Vụ án hồ Con Rùa”… vân vân và hàng trăm bài viết đào cha bới ông anh ở báo Hà nội, báo Sài gòn; hàng trăm bài nói nguyền rủa anh trên vô tuyến truyền thanh, truyền hình; hàng trăm buổi học tập mạt sát anh ở đại học, trung học, tiểu học, ở quận, phường, xã, ấp. Anh sừng sững cả trên “Xã luận” của báo Nhan Dân. Đến nay anh vẫn là đối tượng, vẫn còn là bia hứng tên thù cộng sản. Với cộng sản, bọn đi đường và con chó không đáng được đề cập, dù nửa chữ, nửa lời! Cuộc đời lớn còn rất đông Thạch Sanh và công chúa cổ tích. Riêng anh, còn độc giả của anh. Độc giả trong nước thương anh hơn xưa. Độc giả Hà nội say mê tiểu thuyết của anh như độc giả Sài gòn. Người ta lén lút đọc anh, chuyền tay nhau đọc anh. Độc giả ngoài nước mong đợi tiểu thuyết mới của anh, tuổi trẻ việt nam ở Âu châu còn thèm nghe điệu kèn harmonica của Chương còm, thèm xem tài bắn súng cao su của Dzũng Đakao, thèm hoan hô đường bóng của Bồn lừa… Anh có thể kết luận: bọn đi đường và con chó chỉ đủ khả năng giết chó mà không thể hãm hại được chúng ta. Vì, không có khí giới nào giết nổi tài năng đích thực và những tâm hồn ngọc. Và anh vẫn còn nơi nương tựa vững chắc. Là cuộc đời lớn bao la, rộng mở, công bình, hào sảng.
Anh sẽ tiêu pha không tiếc gì chữ nghĩa vàng son để bọc lấy những tấm lòng thơm ngát của các em, của những người tuổi trẻ việt nam chiến đấu trong thống khổ và cô đơn. Bầy sư tử lãng mạn ở quê nhà, hãy yên tâm sống và yên tâm chết. Lịch sử sẽ thay đổi. Phải thay đổi. Đó là chân lý. Và chân lý ấy phóng lên bầu trời quê hương ngút ngàn thù hận bằng cung cách sống, chết dưới hầm đá trại Đầm Đùn. Sống làm thăng hoa yêu thương, rực rỡ tình người. Chết làm phục sinh tự do, dân chủ và nở rộ hoa nhân ái trên còng tư bản, trong ngục vô sản. Cung cách sống chết khai sinh một kỷ nguyên mới của những người tiểu tư sản lãng mạn, hào sảng và ước mơ…
Thế nhé, em yêu dấu!
1
Một buổi sáng không giống những buổi sáng khác, ở trại Nam Hà B. Tù nhân đã xếp hàng đông đủ, từng đội, từng đội. Họ ngồi im lặng giữa sân tập họp, chờ đợi tiếng kẻng, chờ đợi điệu kèn xuất quân, chờ đợi hồi chuông cáo phó: thời gian cơ hồ ngừng lại. Và không gian giăng mắc sương mù. Tiếng kẻng có là cái gì đâu! Thoạt đầu, âm điệu oan nghiệt của nó mở lối cho con người đi vào thù hận. Rồi đến răn đe, dọa nạt, nhắc nhở con người hình phạt của thù hận. Con người, vốn khinh thường tiếng kẻng khi chưa gặp nó, chưa nghe nó trên sầu đạo hệ lụy, đã choáng váng, lợm giọng, buồn ói bởi âm điệu chát chúa, hụt hẫng của nó. Tiếng kẻng tù. Nó gợi tưởng muôn vàn bất hạnh, tăm tối và thê lương trong thương xót của những người xa xăm, bên ngoài hàng rào kẽm gai tập trung, bên ngoài tường cao cổng kín nhà tù. Nó gợi tưởng muôn vàn cay đắng, rã rượi và vô đơn trong nhớ nhung của những người đêm đem trở giấc lưu đầy gửi hồn mình về gia đình êm ấm. Rồi nó cũng biến thành cái gì tẻ nhạt, đều đều như củ khoai lót lòng bữa sáng, bát sắn lưng dạ bữa chiều, như chân lý của chủ nghĩa, như hạnh phúc của nhân loại, như niềm trắc ẩn của thế giới, như giọt nước mắt của cá sấu, như tất cả nhỏ mọn tanh ươn của đời sống thường hằng. Hơn mọi tiếng kẻng tù từ khai thiên lập địa, tiếng kẻng tù của thời đại chúng ta, tiếng kẻng tù cộng sản, tiếng kẻng tù của hòa bình hòa giải dân tộc còn được phổ thêm thứ âm điệu ma quái làm mê hoặc loài người, làm ngờ vực tù nhân với tù nhân, làm sáng danh cai ngục. Khi những tên đồ tể thọc dao vào cổ tù nhân, nó cười ngất hả hê nhìn máu chảy và nó bảo nó giáo dục tù nhân tư tưởng. Thì loài người bảo cõi tập trung khổ sai lao động của đồ tể là trai học tập cải tạo! Khi những tên đồ tể ném cho tù nhân những trang giấy, khích lệ phê bình và tự phê bình để tiến bộ, ban cho tù nhân này chút ân huệ và bắt phải nhận, đồng thời, trừng phạt nhiều tù nhân khác để tạo dựng ngộ nhận, chia rẽ. Thì tù nhân quên mất thủ đoạn của đồ tể, xúm lại gấu ó nhau, hành hạ nhau, nói xấu nhau. Và đồ tể hãnh diện buông lời đạo đức: các anh không thương nhau, còn ai thương các anh! Tiếng kẻng tù, ở trong đó hết.
Tại sao hôm nay, những người đã mòn vẹt thể xác, đã tê cứng tâm hồn vì tiếng kẻng tù sau nhiều năm cam đành, lại chờ đợi nó? Người ngoài cuộc, và ngay cả người việt nam không bị tù đày, thường phán xét tù nhân việt nam bằng những đôi mắt cận thị. Đã không có một thỏa hiệp, một quy chế nào cho cải tạo viên. Ở các nước xã hội chủ nghĩa không có nhà tù! Sĩ quan của chúng ta không được đối xử như tù binh. Bởi vì, họ không hề bị bắt ở chiến trường. Họ bị đẩy vào chiến tranh để làm lợi cho Mỹ và làm giầu cho bọn tướng lãnh ngu xuẩn, bọn tư sản mại bản tham lam, bọn thư lại tham nhũng. Cộng sản thôn tính miền Nam, họ phải giã từ vũ khí sau khi bọn tướng lãnh, bọn đại tá sừng sỏ đã đào ngũ chạy trốn. Và họ bị dồn vào con đường cụt của anh hùng thất thế. Ngó trước. Tiếng súng đã ngưng. Ngó sau. Tiếng súng đã ngưng. Ngó phải. Tiếng súng đã ngưng. Ngó trái. Tiếng súng đã ngưng. Bốn bề hiu hắt vắng lặng. Mà khí thế ban đầu của kẻ thù hừng hực. Nhân gian lơ láo. Đồng minh dọa dẫm biển máu, biển máu, biển máu! Người đi cải tạo tuyệt vọng. Ngày về, ở miền Nam, đã xa. Ngày về ở miền Bắc còn xa hơn. Với nghệ thuật đầy đọa thể xác và thu nhỏ cái dạ dầy lại, kẻ thù đã biến họ thành những người mệt mỏi thường xuyên, sợ hãi lao động, sợ hãi tù đày và chỉ thèm ăn, thèm ngủ. Báo chí ngoại quốc hèn nhát không dám đòi “cải thiện chế độ lao tù” và mù lòa không biết những biệt giam hôm nay rùng rợn nghìn lần chuồng cọp Côn Sơn. Đừng thiển cận so sánh cải tạo viên với tù binh cộng sản. Ngày xưa, họ bị chúng ta bắt, họ được hưởng quy chế tù binh xác định rõ rệt quyền lợi và bổn phận trong những thỏa hiệp quốc tế. Họ dám yêu sách, dám chống đối vì chúng ta nhân đạo, vì họ tin tưởng đồng chí của họ đang chiến đấu, vì họ có hậu thuẫn của báo chí Mỹ và chính phủ Mỹ! Chúng ta không có gì. Không có gì cả. Ngoài những tin đồn tự an ủi mình và lừa dối người khác. Ngoài ngọn cờ Nhân Quyền tung bay trong một ngày nắng hiếm hoi của mùa đong ảm đạm. Ngoài Hội Ân Xá Quốc Tế chỉ đủ khả năng cứu giúp những tù nhân tư tưởng, trí thức, nhà văn, nhà thơ, nhà báo. Cho nên, cải tạo viên cam đành và đau lòng chờ đợi sự khoan hồng của kẻ thù! Và, sáng nay, họ chờ đợi tiếng kẻng báo giờ lao động, chớ đợi một cái gì sắp xảy ra mà họ được loan báo từ đêm qua.
Kẻng tù đã khua vang. Một hồi ba tiếng. Mỗi tiếng kẻng là mỗi tiếng đập mạnh của từng trái tim lâu ngày chưa được đập mạnh, hồi hộp, mơ ước. Cửa điếm gác sát cổng trại đã mở. Người công an trực trại đang dở từng trang sổ công tác. Vệ binh, súng AK đeo vai xếp hàng ngoài cổng. Quản giáo, súng lục đứng bên trong chờ dẫn đội ra hiện trường lao động. Tù nhân im lặng. Tuyệt đối im lặng. Hàng nghìn con mắt hướng về chỗ ngồi của đội mới gồm hai mươi lăm người tuổi trè vừa được điều từ Sài gòn ra đây. Họ bị kết tội chống phá cách mạng, bị xếp vào thành phần không thể cải tạo ngắn hạn. Có nghĩa là họ bị cải tạo trường kỳ. Năm người lớn nhất: trên ba mươi. Những người khác: chưa quá hai mươi lăm. Họ không tỏ ra vẻ sợ hãi, lo lắng. Cũng không tỏ ra kiêu căng, bất cần. Họ mỉm cười với những người nhìn họ.
Công an trực trại bắt đầu làm việc:
- Đội 7!
Đội trưởng đội 7 ngồi nguyên tại chỗ. Anh không đứng lên, bỏ mũ, báo cáo quân số lao động như sáng hôm qua. Công an trực trại hô lần nữa:
- Đội 7, báo cáo quân số lao động. Điếc hả?
Đội 7 bất động. Cán bộ trực trại lờ đi, tiếp tục làm việc.
- Đội 2!
Đội 2 không nhúc nhích. Cán bộ trực trại nổi giận:
- Hôm nay các anh chống đối lao động hả?
Người đội trưởng mới nhất đứng lên. Tù nhân hướng hết về phía anh ta. Cao quá thước rưỡi, trán cao, mắt ốc nhồi, nước da xám đen, người đội trưởng mới đứng nghiêm, giọng nói dõng dạc và lễ độ:
- Báo cáo cán bộ không có ai chống đối lao động cả. Chúng tôi sẽ hồ hởi phấn khởi đi lao động ngay, sau khi cán bộ giải quyết xong vấn đề giam nhốt ba anh em của chúng tôi dưới hầm biệt giam mà không có quyết định. Chính sách của nhà nước luôn luôn sáng tỏ, chúng tôi yêu cầu cán bộ làm sáng tỏ chính sách.
Cán bộ trực trại ra khỏi điếm gác. Y đứng ngay ở thềm lát gạch, mặt vênh váo:
- Thi hành mệnh lệnh trước, khiếu nại sau.
Người đội trưởng vẫn đứng nghiêm:
- Làm sáng tỏ chính sách của nhà nước là vấn đề quan trọng.
Cán bộ trực trại xỉa xói:
- Anh học nội quy chưa?
Người đội trưởng đáp:
- Rồi.
Và anh ta đọc:
- Điều thứ ba mươi sáu: trại viên được phép nêu thắc mắc lên ban giám thị. Nếu ban giám thị không giải quyết ổn thỏa, thắc mắc sẽ chuyển lên lãnh đạo cấp trên.
- Làm gì có điều ấy, bố láo!
- Có. Ở nội quy đề lao Gia Định
- Nội quy trại này không có.
- Nhưng trại nào cũng thê, kỷ luật trại viên phải đọc Quyết định. Không đọc Quyết định của ban giám thị là cán bộ trả thù riêng tư, sai chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước.
Cán bộ trực trại quét mắt khắp sân trại. Y hằm hè:
- Các anh nhất định chống lao động hả? Chống đối lao động là vi phạm nội quy. Nội quy là pháp chế của nhà nước. Chông nội quy là chống nhà nước.
Người đội trưởng nói:
- Cán bộ đừng nâng cao quan điểm, đừng chụp mũ bừa bãi. Tôi thành thật cho cán bộ biết, chúng tôi đã nằm tù nhiều nơi rồi, nơi này là cùng đường, là chỗ chết của chúng tôi.
Anh quay nhìn các đàn anh sĩ quan:
- Sống tự do ở cái chế độ cộng sản là điều sỉ nhục thì chết ở nhà tù là một niềm hãnh diện. Tôi tuyên bố chống đối chế độ, một mình tôi đòi hỏi được xử bắn ngay.
Hai mươi bốn người tuổi trẻ của đội mới nhất loạt đứng lên:
- Bắn luôn cả chúng tôi!
Một người cảm khái:
- Sống đã là chết hèn thì chết là sống hùng!
Tự nhiên, tù nhân vụt dậy như biển đang phẳng lặng cuồn cuộn sóng lớn trong giông bão. Cán bộ trực trại và bọn quản giáo bỏ chạy ra ngoài cổng. Ổ khóa bóp lại. Vệ binh bên ngoài lên đạn AK. Những họng súng chĩa vào. Ba phát đạn bắn chỉ thiên báo động. Mặt trời le lói chút nắng sớm. Sương mù dần tan loãng. Thiếu một lá cờ. Nếu có lá cờ treo lên. Thì đã chiếm hoàn toàn tự do, dù tự do một phút, một giờ, một ngày. Hai mươi lăm người tuổi trẻ thành thần tượng của hàng ngàn tù nhân. Tuổi trẻ đã bắn thẳng vào kẻ thù những phát đạn tuyệt diệu của nhiệt tình và lòng tự phụ. Những phát đạn ấy cũng đã làm sống lại hào khí cũ những cuộc đời cam đành. Người ta vỗ tay. Người ta reo vui. Người ta hỏi han nhau. Người ta chia sẻ tâm sự. Rồi người ta trở về đội ngũ, hết sức trật tự, hết sức im lặng như chuẩn bị cuộc chiến mới. Chúng ta chưa thua. Chúng ta không hề thua. Chúng ta vừa khởi sự cuộc chiến của chúng ta, cuộc chiến của những trái tim trong thống khổ và cô đơn, hào hùng và lãng mạn.
Người đội trưởng mới khoanh tay trước ngực, giữa đám đông:
- Xin cám ơn các anh!
Những lời đồng nhất:
- Các anh phải cám ơn các chú. Các chú đã giúp các anh ngẩng mặt lên.
Người đội trưởng mới khẽ lắc đầu:
- Các anh quá khen.
Hai mươi tám người, hai mươi tám vì sao mới mọc trên bầu trời việt nam, từ Phú Khánh miền Trung mới bị đầy ra Nam Hà miền Bắc sau những năm quằn quại ở sở Công An, đề lao Gia Định, khám lớn Chí Hòa, Kontum, Lao Bảo… Họ đi với hồ sơ cá nhân của họ trong tay những kẻ còng họ dẫn độ lưu đày. Họ tới Nam Hà, ở riêng một nhà thuộc trại B, bị cô lập hoàn toàn. Tù nhân mới nhập trại đều bị cô lập. Vừa ăn xong một bữa cơm tù Đầm Đùn, ba người trong bọn họ bị công an chấp pháp xích chân lại, nhốt dưới hầm đá biệt giam tối tăm, lạnh lẽo. Để dằn mặt cả bọn bất trị, những con ngựa chứng trong xã hội chủ nghĩa, những con cua chỉ thích bò ngang mà không thèm tiến nhanh tiến thăng theo chế độ. Họ bàn tán, hoạch định đường lối giải thoát bạn của họ. Ngày thứ sáu, họ được ra khỏi nhà. Họ đã phân tán mỏng tới gặp các đội trưởng cũ và các tù nhân sĩ quan. Họ chỉ xin tù nhân khước từ lao động buổi sáng hôm sau và ngồi im để tự do hành động, tự họ chịu hết trách nhiệm. Nhiều ý kiến tiêu cực và tích cực được nêu ra. Cuối cùng, nhờ sự quả cảm của tuổi trẻ, họ đã lay động nổi cái bóng tối cam đành phủ kín lên thân phận tù nhân vô vọng, họ đã thắp lên một ngọn lửa tim soi sáng cuộc chiến đấu mới, họ đã tạo niềm hy vọng ở bên kia biên giới tuyệt vọng.
Một tù nhân hét lớn:
- Các chú không cô đơn. Có anh trong các chú.
Nhiều người khác hô vang:
- Có anh. Có tất cả. Chúng ta là một. Sống, chết chỉ nên có một định nghĩa.
Sân tù ồn ào, sôi nổi. Trật tự là cái gì? Im lặng là cái gì? Hãy để đất lệch. Hãy làm trời nghiêng. Hãy biển động… Chúng ta lấy khí thế. Nào hát đi! Cờ bay, cờ bay huy hoàng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu… Nhạc chính huấn rền vang một vùng trời miền Bắc. Ai về Đồng Tháp, hỏi thăm cây cỏ lá hoa. Quân cọng tàn phá… Mấy năm rồi mới được hát, mới dám hát. Nhạc của ta hay quá. Hát vỡ tung lồng phổi đi nào, anh em! Giặc cọng từ Bắc vô Nam, bàn tay nhúng máu anh em… Hãy hôm nay của lịch sử trang mới. Không ngày mai của vọng về di tản thụ hưởng, của những thằng tướng hèn bán rượu bệ rạc, của những thằng tá đào ngũ đội lốt thi sĩ nham nhở tặng hoa cho gái đẹp dự thi. Hãy đau khổ để khôn lớn. Không sung sướng để ngu muội. Hãy định nghĩa sự sống bằng cách chết. Hỡi kẻ thù, chúng tao là sĩ quan quân lực việt nam cọng hòa, chúng tao là lính chiến, chúng tao có tổ quốc và chúng tao yêu tổ quốc của chúng tao, chúng tao có phẩm cách và danh dự làm người, chúng tao không biết đầu hàng, chúng tao vẫn chiến đấu. Bây giờ chúng tao thực sự biết chiến đấu. Không cần Mỹ phản phúc, không vì huy chương, không vì lon lá, không vì ai cả. Mà chính vì dân tộc, tổ quốc và hạnh phúc của con cháu chúng tao.
Người đội trưởng của đội hai tám vì sao vỗ tay:
- Xin các anh im lặng, tuyệt đối im lặng.
Tiếng hỏi:
- Tại sao phải im lặng nhỉ?
Người đội trưởng đáp:
- Vì cộng sản chỉ sợ im lặng. Nó không thể đo nổi niềm im lặng của biển cả. Nó không thể biết chúng ta sẽ còn làm gì. Để nó biết tức là biểu lộ thái độ, tức là giương nanh vuốt. Nó sẽ dẹp tan chúng ta. Chưa đến lúc giương nanh vuốt. Có một thời lên tiếng và một thời im lặng như có một thời chiến tranh và một thời hòa bình, một thời thù hận và một thời thương yêu, một thời đau khổ và một thời hạnh phúc, một thời tù ngục và vĩnh cửu tự do… Sức mạnh không cần tiêu pha một lượt, các anh phải nuôi dưỡng sức mạnh cho mai này. Việc nhỏ mọn hôm nay, xin phép các anh để chúng em gánh vác.
Vậy thì tất cả lại im lặng. Người đội trưởng mắt ốc nhồi mỉm cười sung sướng. Bên ngoài cổng và chung quanh trại, vệ binh súng gắn lưỡi lê canh phòng cuộc nổi dậy của tù binh. Người ta khuân ra cả đại liên bố trí ở con đường duy nhất dẫn ra ngoài thị trấn. Trong khi, loa phóng thanh của trại ra rả giọng người cán bộ giáo dục: “Yêu cầu toàn thể trại viên tôn trọng nội quy. Các trại viên phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, phải tích cực lao động và tỏ rõ thiện chí cải tạo thì mới tiến bộ để sớm hưởng sự khoan hồng của đảng, nhà nước và nhân dân trở về xum họp gia đình.” Mặc kệ máy phóng thanh nhai sự khoan hồng như trâu bò nhai cỏ, như chó đói gặm xương khô, tù nhân ngồi im lặng. Mỗi người có một suy nghĩ. Nắng đã lên cao và sương mù tan biến.