Số lần đọc/download: 651 / 2
Cập nhật: 2021-10-09 07:57:05 +0700
M
ai Sơn len lỏi hết dãy mộ này tới dãy khác không thấy mộ của Trần Quang. Thêm một giờ tìm kiếm nữa trôi qua, rồi anh cũng reo lên khi thấy tấm bia tên Trần Quang, nhưng đọc hết thì Trần Quang này quê ở Quảng Trị, bạn anh là người Lâm Đồng kia mà.
Mai Sơn thở hắt ra thật mạnh, ngẩng lên cao xanh nhìn những đám mây rách tả tơi đang lang thang không định hướng. Anh sang khu mộ bên trái định tìm tiếp thì ngẩn ra vì các dãy mộ giống nhau tựa những dãy nhà nhỏ không tên phố, không số nhà như thách đố. Anh ngếch mặt nhìn bức phù điêu như muốn hỏi: “Trần Quang nằm đâu?”. Nắng, mỏi, buồn, Mai Sơn ngồi tụt xuống dưới chân bức phù điêu như đứa trẻ ăn vạ, mắt ngó nghiêng mông lung. Bỗng mắt anh chợt gặp một vật gì đó trắng như khăn tang đang lay động bên nấm mộ cuối dãy. Mai Sơn thận trọng bước tới, há hốc mồm nhận ra một phụ nữ chừng ba mươi tuổi. Nắng trải lên bộ quần áo màu hoàng yến của chị trắng xoá, chị đang phủ phục hai tay dang rộng ôm lấy ngôi mộ.
- Xin lỗi … Hình như chị không được khỏe. Tôi có thể giúp gì không?
Người phụ nữ ngỡ ngàng quay lại lúng túng:
- Dạ… tôi không sao.
- Tôi là Mai Sơn ở Đoàn ca nhạc Quân đội - Sơn mở lời giới thiệu trước.
- Con tôi là Ngọc Thủy ở Quân y viện.
- Tôi nhân dịp chuyến lưu diễn tại thành phố Hồ Chí Minh tranh thủ lên đây tìm mộ người bạn, nhưng… không thấy – Giọng anh lo lắng.
Ngọc Thủy đang nhặt bông cỏ may tua tủa ở ống quần bỗng dừng tay ngó Mai Sơn hỏi:
- Không thấy?
- Vâng, chỉ còn khu mộ không có tên bên này. Đây là những dãy mộ liệt sĩ vô danh.
Sơn nhìn ngôi mộ bên cạnh người phụ nữ. Chị nói:
- Tôi đi tìm mộ người chồng chưa cưới… cũng như anh … không thấy. Khi tới ngôi mộ cuối cùng này không hiểu sao tôi cảm giác như chính anh ấy nằm đây níu chân tôi lại. Trên một giờ đồng hồ, tôi nằm bên anh ấy - Chị rờ tay lên thành mộ như thói quen đặt lên tay người thân, mắt buồn như khói nhang.
- Nhưng … Xin lỗi. Nếu không phải là mộ của anh ấy thì sao?
Thuỷ không trả lời thẳng vào câu hỏi:
- Trước đây tôi cũng ở một đơn vị Thanh niên xung phong phục vụ hỏa tuyến, khi miền Nam giải phóng đơn vị chúng tôi phục vụ tiếp mặt trận phía Tây Nam, tôi rất hiểu những người lính khi xa nhà cầm súng đi theo chiều dài đất nước, lăn lóc trên bờ dưới ruộng, đói ăn, thiếu ngủ trong rừng, gội nắng, tắm mưa, vẫn hát, vẫn cười, vẫn một lòng thắng giặc. Vậy mà có những chiến sĩ khi ngã xuống vẫn chưa biết đến một nụ hôn - Chị xoay xoay bó hoa trên tay, giọng run rẩy – Tôi chỉ muốn lúc này có thật nhiều cô gái nữa đến đây để mỗi liệt sĩ vô danh có một cô gái ngồi bên như thế này.
Ngọc Thủy ôm bó hoa hồng bạch lẳng lặng đặt lên mỗi ngôi mộ một bông. Mai Sơn cũng chia bó hoa bất tử tỏa ra những dãy mộ khác rồi hai người tới cắm nhang vào lư đồng phía trước tượng đài. Mai Sơn nhìn bức phù điêu ẩn hiện trong khói nhang nghi ngút hỏi Ngọc Thủy:
- Chồng chưa cưới của chị người tỉnh nào?
- Người địa phương này anh ạ.
Mùa xuân năm 1975, Ngọc Thủy bị thương nằm ở trạm quân y tiền phương ở Xuân Lộc. Thỉnh thoảng vừa ngồi khâu áo cho bệnh binh Thủy vừa hát những làn điệu quan họ Bắc Ninh. Mỗi lần hát lại thấy một thanh niên bước ra khỏi lán ngồi nghe. Một buổi chiều đúng ngày sinh nhật, Thủy bỗng thấy nhớ Hà Nội, cô tới mỏm đá ngồi chờ xem hoàng hôn ở miền Đông màu gì thì người thương binh kia bỗng xuất hiện trước mặt đột ngột chìa bó hoa ra:
- Tặng Thủy nè. Hoa của cây cao su nhưng thơm lắm. Ong rừng vẫn nhào vô hút nhụy đó.
Thủy sững người ngập ngừng đỡ bó hoa, mỉm cười thay lời cám ơn rồi xích một bên chừa chỗ cho anh thương binh. Hai người mải trò chuyện quên cả hoàng hôn hôm đó màu gì. Anh tên là Lâm, sanh ở Tuyên Đức. Ba và mẹ anh là người Bắc Ninh vào Nam từ những năm 1935 rồi làm ở đồn điền cao su trên Đăk Lăk, nhưng cực quá lại chuyển đến Tùng Nghĩa trồng café thuê cho ông chủ người Pháp trên Đà Lạt. Năm 1958 mới sanh ra anh...
Hôm sau Ngọc Thủy nghe trộm ở đâu một tin nóng hổi liền kéo Lâm ra một chỗ thì thào:
- Nghe nói sắp có đánh lớn anh ạ.
- Ừa, anh cũng nghe…Vậy mà nằm bẹp dí ở đây muốn khùng lên được.
- Anh dám trốn khỏi đây không?
- Bộ em cũng khùng hơn anh hả? Trốn về, đơn vị lại đuổi trả lại đây, quê chết được.
- Anh mới khùng hơn em ấy. Trốn đi đánh giặc có gì mà "quê"? Mọi người đã đi ăn cơm chiều rồi, thương binh nặng thì đang ngủ. Bây giờ em hô một … hai … ba, là cùng chạy vào lấy ba lô rồi … cưỡi “đằng vân” đi diệt yêu quái nhé.
Cả hai nhún đầu gối khẽ đếm “một, hai, ba” rồi rón rén về lán.
Sau ngày miền Nam giải phóng, Thủy về mặt trận phía Tây, còn Lâm ở lại miền Đông.
Mùa mưa năm 1978, Thủy đang phơi quần áo thì có tiếng còi ô tô te te inh ỏi, mấy cô chiến sĩ gái ùa ra reo lên: "Thủ trưởng tới", rồi tranh nhau mở cửa xe nhao nhao hỏi: "Thủ trưởng, có gì mới không ạ?" Đến khi nghe tiếng hô như gào "nghiêm" đám con gái mới tha cho thủ trưởng tự do đi vào lán xê bộ. Thủy thấy vậy không khỏi phì cười cái cảnh thủ trưởng bị "bọn tiểu yêu" quấy nhiễu. Vậy mà trong công tác đứa nào cũng được khen là dũng cảm không kém phái mày râu. Đang định quay trở vào thì Thủy nhìn trân trân vào một thanh niên vừa chui trong xe ra, cô thất thanh gọi lạc giọng:
- Anh Lâm!
- Ủa! Thủy … Ngọc Thủy. Lâm ôm chầm lấy Thuỷ.
- Ơ ơ … Người ta nhìn thấy. Thủ trưởng ngồi trong kia kìa... Thuỷ bối rối nói.
- Bộ thủ trưởng không biết yêu sao? – Giọng Lâm tỉnh queo, anh níu tay Thủy ngồi xuống thân cây khô gần đó. – Sáng nay nghe ở đây súng đạn nổ rầm trời đất. Đánh nhau dữ vậy, em cực quá hả?
- Lại chuyện “đánh nhau”.
- Ừa há… đánh nhau hoài, giờ gặp em lại “đánh nhau”, hà hà … ghét anh lắm hả. Vậy anh đi liền nha?
Thủy bật cười theo, nói:
- Ngày xưa chắc anh cũng là quỷ loại ba, quậy tưng bừng ở trường học. Thích bỏ em đi thì cứ thử coi nào.
Họ chẳng có nhiều thời gian bên nhau: "Thủ trưởng ở đây, còn anh phải về liền... Những giây phút chúng ta gặp nhau thế này hiếm hoi quá. Em hát đi, làn điệu của tụi mình đó".
Thủy khe khẽ hát:
Người ơi người ở đừng về … Người ơi … Người ở … đừng về …
Người về, em vẫn í i ì í i … có… a … mấy khóc á a thầm …
- Sau này về Hà Nội, em tính làm gì?
- Em sẽ học ngành y để chữa cho anh hết bệnh sốt rét.
- Thủy à. Đây là …
- Gì vậy anh?
- Nhẫn tơ hồng … là nhẫn đính hôn. Đưa tay đây – Lâm nhẹ nhàng đeo nhẫn vào tay Thủy - Em đồng ý chứ?
- Em sẽ đợi anh! - Lấy trong túi áo mảnh giấy nhỏ, Thuỷ ngẹn ngào – Đây là địa chỉ của em ở Hà Nội. Nhưng còn anh nay đây mai đó làm sao em gặp được anh?
Lâm không nói gì lẳng lặng lấy cây viết ghi địa chỉ vào lòng bàn tay Thủy. Còi xe te te mấy tiếng gọi. Lâm đứng lên:
- Địa chỉ của ba má anh đó. Thôi, anh đi nha.
- Anh ráng giữ gìn sức khỏe nhá …
Không ngờ đó là lần gặp cuối cùng của họ với nhau.
Tới bậc tam cấp gần chân đài tưởng niệm, Mai Sơn và Ngọc Thủy dừng lại. Mai Sơn nói:
- Còn bạn của tôi... Tôi và Quang gặp nhau có hai lần, nhưng Quang đã gây ấn tượng rất sâu sắc trong tôi.
- Bạn anh ở đơn vị nào ạ?
- Công an.
Hạ tuần tháng bảy năm tám mươi, Mai Sơn cùng đơn vị đi lưu diễn một số tỉnh cao nguyên. Sau khi diễn ở Đà Lạt, đoàn đi phục vụ tại một xã ở huyện Lạc Dương. Ủy ban xã bố trí cho đoàn ở tạm dãy nhà bỏ trống sát trụ sở công an nằm ráp ranh cánh rừng, không có điện, không có đài phát thanh. Suốt mấy ngày ở đó trời mưa dầm dề không biểu diễn được buổi nào ở ngoài trời. Một buổi tối Mai Sơn đang ngồi thổi sáo thì có tiếng gõ cửa, một thanh niên chừng ba mươi tuổi ngó đầu vào.
- Tôi là Quang ở phòng bên nghe anh thổi sáo hay quá. Tôi vào được không?
- Mời vào. Mưa suốt, buồn quá.
- Đang mùa mưa mà. Có ngày mưa hai bốn trên hai bốn giờ đó anh.
- Có anh sang chơi là thú vị rồi.
- Vừa rồi anh thổi sáo bài gì đó?
- "Bèo dạt mây trôi", một làn điệu dân ca của đất kinh Bắc đấy.
- Anh chơi cho tôi nghe bài "Người ở đừng về” nha?
- Anh ở vùng sơn cước mà cũng thích quan họ Bắc Ninh à? – Mai Sơn dướn cao cặp lông mày hỏi.
- Đó là giai điệu tình yêu của tụi tôi đó.
- Á à … Bồ của anh là người miền Bắc hay hát bài ấy phải không?
- Mỗi lần nhớ cô ấy tôi lại hát, nhưng hát hoài hổng được.
Bên ngoài cửa sổ, một bàn tay đen mốc thếch đang xoa lên ô cửa kính mờ hơi nước, hiện ra khuôn mặt râu tóc rậm rì đang nâng họng súng ngang tầm mắt. Mai Sơn nhìn qua ánh đèn dầu nhíu mắt lẩm bẩm:
- Ai ngoài cửa sổ thế nhỉ?
Một tiếng nổ “đoành!" lẫn tiếng kính vỡ rơi loảng xoảng. Quang đè đầu Sơn xuống nói nhanh:
- Nằm xuống! Fulro đó. Anh không được ra ngoài - vừa bật nắp bao súng bên hông vừa lao ra cửa - Bọn phỉ khốn kiếp. Trời mưa cũng quậy!
- Anh Quang cẩn thận! - Mai Sơn nói với theo.
Quang lao hút theo tên Fulro hô: "Đứng lại!" nhắm súng vào bóng đen phía trước. Nghe tiếng hô, một số anh em trong công an xã cũng bủa ra thành thế gọng kìm bao vây tên Fulro, hắn bị Quang bắn vào chân không thoát kịp đành đứng lại đặt hai tay lên đầu, miệng nói hổn hển:
- Tôi đau quá … Đừng bắn. Tôi làm theo lệnh thôi mà. - Hắn nói lơ lớ tiếng Kinh.
Đích thân ông Nghi là trưởng công an xã hỏi cung. Hắn khai vì Quang đã thu phục nhiều lính Fulro trở về bản lại còn vận động bà con không vô rừng tiếp tế cho chúng nên "Tư lệnh trưởng” của hắn lệnh cho hắn đi ám sát thiếu úy Quang và treo giải thưởng: nếu giết được sẽ được đi Mỹ.
Sáng hôm sau đoàn của Mai Sơn trở lại Đà Lạt chuẩn bị phục vụ hội nghị kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ của tỉnh. Tiết mục của Mai Sơn độc tấu sáo trúc bài “Tấm áo mẹ vá năm xưa". Trước giờ biểu diễn, anh chuẩn bị nhạc cụ thì không thấy cây sáo đâu. Hoảng quá, ở trên xứ lạnh mà toát cả mồ hôi, anh bần thần đứng ngồi không yên cố nhớ xem tại sao lại như thế. Anh định tìm đoàn trưởng báo cáo và xin đổi tiết mục, đang loanh quanh sau cánh gà thì có tiếng gọi dè dặt:
- Anh Mai Sơn.
- Kìa, anh Quang. Tới xem ca nhạc à?
- Hôm qua anh để quên cái này - Quang chìa trước mặt cây sáo.
- Cây sáo trúc! - Mai Sơn thảng thốt rồi ôm chầm lấy Quang, rơi nước mắt – Anh quả là tuyệt vời, ngọn gió kỳ diệu nào đưa anh tới đây đúng lúc quá. Ở đây coi bọn mình biểu diễn luôn nhé. Mấy hôm trước mưa tầm tã chẳng diễn được đêm nào cho các bạn xem.
- Các anh đã đờn ca hàng chục bài cho tụi tôi nghe cũng đã lắm rồi. Bây giờ mình phải về liền – Quang bắt tay Sơn rồi quay đi - Đêm nay mình phải trực.
- Biết bao giờ mình lại gặp nhau nữa? Xem xong bạn phóng xe về chừng nửa giờ là về tới đơn vị thôi mà.
- Mình chạy xe tới hồ Suối Vàng thì hư phải gởi nhà dân rồi chạy bộ. Bây giờ chạy hết tốc lực cũng phải giờ rưỡi mới có mặt ở đơn vị.
Tiếp tục đi bộ sao?
- Lội bộ, chẳng cách nào hơn. Mưa lớn, xe ngựa không chạy về ngoại vi thành phố. Thôi, tạm biệt.
Đơn vị cậu gần rừng, phải đi cẩn thận nhé. Nguy hiểm lắm. Quang cũng hiểu mình đang là tầm ngắm trước họng súng của bọn Fulro. Dù nguy hiểm cũng không thể xa rời dân. Mỗi lần đến thăm hỏi dân bản, nếu thấy gia đình nào thiếu người sẽ hiểu ngay họ đã đi vào rừng tiếp tế cho Fulro. Phải có cách nói sao họ hiểu để vận động con em trở về nhà làm ăn lương thiện. Đây là cuộc chiến, nếu sợ nguy hiểm thì mình về nhà đuổi gà cho em gái còn hơn. Quang mỉm cười cảm giác tiếng hát Người ơi người ở đừng về vẳng bên tai.
Ngọc Thủy phát hiện một người đàn ông đang bước lên từng bậc thang một cách nặng nhọc nhưng không nghỉ nửa chừng. Người này chắc từng là cán bộ, nhưng nét mặt khô khan quá. Tới nơi, ông ngồi tựa vào cái lư đồng lấy thuốc ra hút.
Chào chú ạ - Thủy và Sơn cùng bước tới chào
- Ủa!Chào anh chị. Hà hà … Lần này lên đây tôi không trơ trọi đơn độc nữa rồi - Chẳng cần hai người có hiểu hay không, ông nhìn khói thuốc với giọng tâm trạng - Tôi chọn ngày thường lên đây để tránh đông người. Cứ mỗi lần lên thăm cậu ấy là lòng tôi tan nát như mất một đứa con.
- Khi mất một người tri ân lòng ai cũng vậy đó bác - Sơn nói.
- Cũng có sự mất mát không gì đắp đổi được, chú ạ - Thủy thở dài.
Sơn chợt nhíu mày nhìn kỹ ông già.
- Chú ạ. Cháu thấy chú quen quá.
- Không chừng ta từng nhậu với nhau ở đâu rồi – Ông ngước nhìn Mai Sơn. - Á à… Anh mang lon trung tá văn công, nói giọng Bắc thì không quen nhau rồi.
- Cháu đã từng lên Lâm Đồng biểu diễn ở một số huyện vùng sâu đấy.
- Vậy có lần nào tới huyện Lạc Dương không?
- Chính xác là hạ tuần tháng Bảy năm tám mươi. Chúng cháu nghỉ tại trụ sở công an xã.
Ông già reo lên:
- Chu cha… Tôi là Nghi trưởng công an xã đây.
- Mới mấy năm mà thấy chú khác quá. Phải rồi, chính chú là người đã hỏi cung tên Fulro bị anh Quang bắn què chân trong đêm mưa ấy. Chú, còn chị này, tên là Ngọc Thủy...
Sơn nói chưa hết câu thì bất ngờ ông Nghi mừng rỡ reo lên:
- Ngọc Thuỷ- Vợ chưa cưới của cậu Quang hả. Quang vẫn thường kể về cô Ngọc Thuỷ hát quan họ Bắc Ninh...
Mai Sơn và Ngọc Thuỷ cùng sửng sốt. Không lẽ, Lâm và Quang, chỉ là một người sao? Sức mạnh thần bí, linh thiêng nào đã đưa chân Mai Sơn và Ngọc Thuỷ tới đây?
Ông Nghi cất tiếng chậm rãi:
- Vậy là cậu Quang đã cho chúng ta có duyên gặp nhau tại đây rồi. Người trẻ chết là thiêng lắm. Hèn chi, sáng nay cái chân đau khớp của tôi nó nhức lắm mà tôi vẫn quyết đi, thế là gặp được cả hai người.
- Nhưng chúng cháu không tìm được mộ của anh ấy.
Ông già trầm ngâm: Mãi sau mới tìm ra mộ của Quang, phòng thương binh xã hội chưa kịp làm bia. Sơn ạ, đoàn của anh chuyển đi buổi sáng thì ngay đêm đó…
Đêm đó, đến giờ trực không thấy Quang về ông Nghi đã phải trực thay, ông cho rằng Quang bỏ trực đêm để đi chơi. Nhưng mấy ngày sau vẫn không thấy Quang về đơn vị. Ông lại đoán anh trốn ra Hà Nội thăm người yêu, vì trước đó anh xin nghỉ phép nhưng ông không cho vì đơn vị đang thiếu người. Chừng hơn mười ngày sau cũng không thấy Quang về. Ông liền dẫn một số chiến sĩ đón lõng một tên Fulro ở cửa rừng, bắt về hỏi cung thì được biết: Ngay đêm ấy, bọn chúng lén về xã chờ gia đình Tơ Nhang ngủ để trộm heo, gà, lương thực. Nhưng mới đi khỏi xã thì đụng phải Quang, anh chặn chúng lại liền bị chúng dùng gậy gộc tấn công... Một mình đối chọi với cả toán Fulrô. Tên phỉ này lúc đó nghe tiếng súng bỏ chạy không tham gia giết Quang nên không biết xác anh ở đâu. Ông Nghi phối hợp với xã bên truy tìm mộ của Quang gần một tháng trời mới thấy. Xác anh được một già làng thay bộ đồ dân tộc rồi bọc anh trong tấm nylon kín đáo đem chôn, hàng ngày lén thắp nhang như phong tục người Kinh.
- Thưa chú. Tại sao thời gian ở quân đội anh ấy tên Lâm, khi sang ngành công an lại tên là Quang ạ - Thủy thắc mắc.
- Tên thật cậu ấy là Trần Quang Lâm, thời sinh viên tham gia phong trào xuống đường đấu tranh chống khủng bố của Nguyễn Văn Thiệu nên đã lấy tên là Quang. Khi từ quân ngũ về công tác tại địa phương nên anh em vẫn quen gọi tên Quang.
Ông Nghi đưa hai người đến ngôi mộ của Trần Quang Lâm, chính là ngôi mộ mà Thủy đã dừng chân ngồi khi sáng. Khói nhang nghi ngút giăng giăng như tấm voan mỏng quện tiếng thông reo mang theo tâm linh khấn nguyện trong tiếng mõ cầu kinh của ngôi chùa nào đó như tưởng niệm những liệt sĩ yên nghỉ nơi này. Tượng đài soi bóng trên hồ nước in đậm màu trời xanh ngắt như chứng minh rằng sẽ tồn tại mãi với thời gian.