Tuyết epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 8: Một Thiếu Nữ Tự Sát Không Còn Được Gọi Là Người Hồi Giáo Nữa
huyện Lam và Rüstem
Trong khi Ka đứng đợi trước hiệu sách Truyền Bá, tuyết càng rơi nhiều hơn. Ông bắt đầu thấy ngán phải chờ và rũ sạch tuyết đọng trên người, chỉ chực quay về khách sạn thì đúng lúc đó nhìn thấy một thanh niên cao lớn để râu đi dọc vỉa hè bên kia đường trong ánh đèn đường mờ ướt. Ông nhận ra tuyệt trắng đã phủ kín chiếc mũ có màu đỏ, và đi theo anh ta.
Họ đi dọc phố Kâzim Karabekir mà ứng viên thị trưởng của đảng Tổ quốc hứa là sẽ biến thành phố đi bộ theo hình mẫu của Istanbul, rẽ sang phố Faikbey, qua hai góc phố nữa rồi rẽ phải vào quảng trường trước mặt ga. Đài kỷ niệm Kâzim Karabekir đứng giữa quảng trường đã biến mất trong tuyết và nhìn trong bóng tối như hình một ốc quế khổng lồ. Ka thấy người kia đi vào ga và vội theo chân. Phòng đợi vắng ngắt. Ông nghĩ là anh ta đã lên sân ga và cũng đi ra phía ấy. Đến tận cuối sân ga ông lại thấy anh ta tận tít đằng xa và đang đi dọc theo đường ray. Vừa lúc Ka nghĩ nếu bị bắn chết ở đây thì cho đến đầu xuân chẳng ai tìm thấy xác mình, anh chàng râu ria đội mũ nọ chợt hiện ra ngay trước mặt ông.
"Không ai bám theo chúng ta cả," anh ta nói. "Nhưng nếu ông muốn thì bây giờ quay lại vẫn kịp đấy. Còn nếu muốn đi theo thì từ giờ trở đi phải ngậm mồm. Và không bao giờ được hé ra là đến đây bằng cách nào. Kết cục của kẻ phản bội là cái chết."
Cả câu cuối này cũng không làm Ka sợ, vì giọng anh ta cứ the thé đến nực cười. Họ đi dọc đường ray, qua tháp xi-lô rồi rẽ vào ngõ Thịt Hầm ngay cạnh nhà tập thể của quân đội. Cậu thanh niên giọng the thé chỉ cho Ka ngôi nhà mà ông phải đi vào và giải thích phải nhấn chuông nào. "Hãy xử sự kính cẩn trước mặt Sư phụ!"Anh ta nói. "Không được ngắt lời, và xong việc rồi thì đi luôn, không lần chần ở lại đó."
Thế là Ka biết được là Lam còn có một tên hiệu nữa trong đám đồ đệ của mình. Đằng nào thì ông vốn cũng chẳng biết gì mấy về Lam, ngoài chuyện anh ta là một tín đồ Hồi giáo chính trị nổi tiếng. Những tờ báo Thổ mà ông đọc được ở Đức nói đến việc anh ta dính dáng đến một vụ giết ngươi. Có nhiều tín đồ Hồi giáo chính trị từng giết người, nhưng không ai trong số ấy trở nên nổi tiếng cả. Lam nổi tiếng vì nghe nói đã hạ sát người dẫn chương trình đố vui của một kênh ti vi nhỏ, một gã đồng cô ăn mặc lòe loẹt chuyên kể tiếu lâm tục tĩu và luôn nhạo báng bọn "thất học". Người dẫn chương trình ấy tên là Güner Bener, mặt đầy những nốt ruồi, trong một chương trình đố vui truyền trực tiếp đã chế giễu một người khách nghèo và ngờ nghệch tham dự, và lỡ mồm nói một câu báng bổ Đấng tiên tri. Cũng chỉ có một số khán giả sùng đạo, bình thường thì luôn ngủ gật trước màn hình, nổi giận vì trò đùa ấy. Chuyện cũng gần quên đi, cho đến khi Lam viết cho tất cả các tờ báo của Istanbul và dọa giết người dẫn chương trình. Báo chí Istanbul vốn quen mấy trò dọa dẫm ấy nên có lẽ cũng chẳng đăng bức thư lên, song đài truyền hình nhỏ kia, trung thành với chính sách thế tục khiêu khích của mình, đã mời Lam đến để thể hiện cho dư luận xã hội biết những tín đồ Hồi giáo chính trị vũ trang ngang ngược đến mức nào. Lam lặp lại lời đe dọa của mình và còn làm ầm ĩ hơn lên. Và sau khi một loạt đài khác phát lại chương trình này, anh ta đã trở thành hiện thân của "tín đồ Hồi giáo cuồng bạo với con dao quắm trong tay". Và khi Sở công tố tìm bắt Lam vì tội danh "dọa giết người" thì anh ta bắt đầu lẩn trốn và thành ra nổi tiếng. Gner Bener nay cũng trở thành đối tượng được dư luận quan làm hết mực, đã lên khích bác đối thủ của mình trong một buổi truyền hình bằng lời phát biểu là gã không sợ "bọn phản động điên rồ, các kẻ thù của Atatürk và nền cộng hòa". Hôm sau người ta tìm thấy hắn trong một phòng khách sạn xa xỉ ở Istanbul, bị siết cổ bởi chính chiếc cà vạt sặc sỡ in hình những trái bóng đã đeo trong chương trình hôm đó. Mặc dù đã chứng minh được rằng ngày hôm đó, vào đúng thời điểm đó đang thuyết trình ở Manisa kêu gọi ủng hộ các thiếu nữ trùm khăn, song Lam vẫn lẩn trốn và tránh mặt báo chí đang truyền tải khắp nước sự kiện này cùng danh tiếng của mình. Giờ thì Lam đã lặn biến từ lâu, vì một phần báo chí Hồi giáo cũng như ngoại đạo đều công kích anh ta bởi những nguyên cớ đại loại như anh ta đã làm cho nhóm Hồi giáo chính trị bị nhuốm màu khát máu, làm công cụ cho báo chí thế tục, ham danh tiếng và xuất hiện trên phương tiện truyền thông một cách thái quá không xứng với tín đồ Hồi giáo, hoặc thậm chí là tay sai của CIA. Ít lâu sau đó trong cộng đồng Hồi giáo chính trị lan truyền tin đồn là anh ta đang gan dạ chiến đấu chống người Serbia ở Bosnia hoặc đánh người Nga ở Grosny, nhưng cũng có người cho đó là tin bịa.
Ai quan tâm để ý đến quan điểm của Lam về đề tài này, có thể xem lý lịch tóm tắt của anh ta ở chương 35 "Tôi không làm tay sai cho ai cả", phụ đề "Ka và Lam trong buồng giam" bắt đầu từ dòng chữ "Tôi muốn tuyên bố rõ". Riêng tôi không chắc chắn, liệu tất cả những gì người hùng này nới ra có thật không. Trong hào quang quanh Lam có nhiều chuyện bịa đặt được gán cho anh và có những đồn đại đã thành huyền thoại. Sự im lặng mà sau này Lam tìm cách trốn vào đó có thể lý giải là anh ta đã thành khẩn chấp nhận phê phán của một số nhóm Hồi giáo chính trị. Không tán thành một người theo đạo Hồi mà lại xuất hiện thường xuyên trên các kênh truyền thông mang tư tưởng thế tục, phục quốc Do Thái hay tư sản. Nhưng như sau này người ta sẽ thấy, thật ra là Lam lại thích bắt quan hệ với giới truyền thông.
Cũng giống như nhiều lời phong thanh đột ngột xuất hiện tại các địa phương nhỏ, tin đồn về mục đích của Lam đến Kars xuất hiện khá nhanh nhưng không thống nhất với nhau. Một số người cho rằng anh ta đến đây để "bảo vệ cơ sở và các bí mật" của một tổ chức liên minh Hồi giáo với người Kurd mà nhân viên đầu não của nó đã bị nhà nước tiêu diệt ở Diyarbakir và Razzien; nhưng thật ra tổ chức ấy làm gì có thành viên ở Kars, trừ một, hai nhân vật ngớ ngẩn vô hại. Còn những người dĩ hòa vi quý và có thiện chí thì cho rằng Lam đến Kars để hòa giải xung đột giữa hai phe Kurd theo chủ nghĩa Marx vị dân tộc và theo Hồi giáo chính trị nổ ra ở các thành phố miền Đông. Sự kèn cựa giữa hai nhóm người Kurd kể trên thoạt tiên bắt nguồn từ những câu chửi bới rát mặt và vài trận ẩu đả lẻ tẻ ngoài đường, sau đó tại nhiều thành phố còn xảy ra các vụ đâm chém. Mấy tháng gần đây cả hai phe bắt đầu hạ sát nhau bằng súng, bắt cóc hoặc tra tấn hỏi cung đối phương (với những phương pháp giống nhau: đốt chảy nhựa rồi rỏ lên da, hay bóp tinh hoàn nạn nhân). Người ta cũng rỉ tai nhau là Lam lần lượt đến các thành phố nhỏ, kiểm tra cơ sở dưới lệnh bí mật của một nhóm đàm phán nhằm chấm dứt một cuộc tranh chấp mà trong mắt nhiều người nó chỉ có lợi cho nhà nước. Còn kẻ thù của anh ta thì dĩ nhiên cho rằng, vì quá khứ mờ ám và tuổi đời còn trẻ nên Lam không thích hợp với nhiệm vụ khó khăn và đòi hỏi uy tín cao này. Các tín đồ Hồi giáo trẻ phao tin Lam đến Kars để "chấn chỉnh lại" DJ của kênh truyền hình địa phương Truyền hình biên giới Kars, một người dẫn chương trình nổi đình đám chuyên mặc đồ choáng lộn, kể toàn chuyện tiếu lâm thiếu đứng đắn và - dù chỉ bóng gió - nhạo báng đạo Hồi; khiến nhân vật ấy, một người Azerbaijan tên là Hakan Özge, trong mấy chương trình gần đây mỗi khi có dịp thích hợp là lại nhắc đến Allah và các giờ cầu nguyện. Cũng có những người tưởng tượng ra Lam là thành viên nằm vùng người Thổ trong một mạng lưới khủng bố quốc tế của phe Hồi giáo chính trị. Thậm chí đã có tin báo cho các cơ quan an ninh và mật vụ rằng mạng lưới do Ẳ Rập Saudi hỗ trợ ấy có kế hoạch gây sốc bằng cách giết một vài người trong số hàng nghìn phụ nữ từ các nước cộng hòa của Liên Xô cũ tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ làm điếm. Lam chẳng hề cố gắng bác bỏ những lời đồn đại ấy cũng không chối bỏ tin anh ta đến đây vì các thiếu nữ tự sát, thiếu nữ trùm khăn hay vì bầu cử. Do không xuất đầu lộ diện và cũng không dập tắt các tin đồn về mình, Lam tạo ra một vỏ hào quang huyền bí gây ấn tượng mạnh đến học sinh trường tôn giáo cũng như giới trẻ nói chung. Anh ta không chỉ trốn tránh cảnh sát mà còn không ló mặt ra đường để tránh phá vỡ hào quang huyền thoại nọ, và thích thú khi thấy dân tình hỏi han nhau xem mình có mặt ở thành phố hay không.
Ka nhấn vào nút chuông mà người thanh niên đội mũ đỏ chỉ cho. Lập tức ông nhận ra người đàn ông nhỏ thó mở cửa phòng và mời ông vào chính là người trước đây mộttiếng rưỡi đã bắn ông hiệu trưởngđại học sư phạm trong tiệm bánh ngọt Đời Mới. Tim Ka bắt đầu đập rộn lên.
"Xin ông thứ lỗi," người đàn ông thấp bé nói và giơ hai tay cao, để lộ lòng bàn tay, ra đấu cho Ka hiểu cũng phải làm theo như thế. "Trong hai năm vừarồi đã có ba vụ âm mưu giết Sư phụ.Tôi buộc phải khám người ông."
Với thói quen coi đó là chuyện đương nhiên từ những năm sinh viên. Ka giơ cao hai tay cho ông ta khám người. Lúc đôi tay nhỏ nhắn của ông ta thận trọng lướt trên ngực áo và llưng, Ka lo ông ta nhận ra nhịp tim đập thình thịch của mình. Rồi tim ông đập chậm lại và Ka nhận ra mình đã nhầm. Không, đây không phải là người đã bắn ông hiệu trưởng. Người đàn ông đứng tuổi thân thiện này, trông giống như giáo sư Edward G. Robinson, không đủ quyết liệt và thô bạo để bắn chết người.
Ka nghe tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt và giọng một phụ nữ dịu dàng dỗ con.
"Tôi có phải bỏ giày ra không?"Ông hỏi và bắt đầu tụt giày, không đợi câu trả lời.
"Ở đây chúng ta là khách," một giọng nói cất lên, "chúng ta không nên làm phiền chủ nhà."
Ka nhận thấy còn có một người nữa trong phòng khách chật chội. Tuy hiểu ra đó là Lam, trong đầu ông vẫn thoáng chút ngờ vực vì đã chuẩn bị tinh thần cho một cảnh đón tiếp ấn tượng hơn nhiều.
Ông theo gót Lam vào một căn phòng tồi tàn có chiếc ti vi đen trắng đang bật. Một đứa bé ngậm cả nắm đấm trong mồmchăm chú lắng nghe mẹ nó vừa thay tã vừa dịu dàng nói tiếng Kurd. Nó nhìn Lam, rồi nhìn sang Ka đang đi vào phòng. Các nhà kiểu Nga cổ không có hành lang, họ đi tiếp sang phòng thứ hai.
Ka chỉ chú ý đến Lam. Ông trông thấy một cái giường phẳng phiu như trong trại lính, bộ đồ ngủ sọc xanh gấp cẩn thận nằm cạnh gối đầu, gạt tàn thuốc in chữ "Ersin Elektrik". Trên tường là quyển lịch có hình Venice, cửa sổ rộng mở hai cánh hướng ra những chấm đèn buồn bã của Kars. Lam đóng cửa sổ và quay sang Ka.
Mắt anh ta xanh một màu lam đậm, thường không có ở người Thổ. Mái tóc vàng sẫm, không râu và trẻ hơn Ka vẫn nghĩ, da trắng đến khó tin và mũi khoằm. Anh ta cực kỳ đẹp trai và có thái độ tự tin đầy truyền cảm. Cả hành vi, thái độ và vẻ ngoài của anh ta đều không có gì giống với hình ảnh các môn đồ của Sharia do báo chí thế tục vẽ ra: râu ria, quê kệch, hung hãn, một tay cầm tràng hạt cầu kinh, tay kia cầm vũ khí.
"Ông đừng vội cởi áo choàng trước khi lò sưởi làm ấm phòng... Chiếc áo đẹp quá, ông mua ở đâu vậy?"
"Ở Frankfurt."
"Frankfurt... Frankfurt," Lam nói và tư lự suy nghĩ, mắt nhìn lên trần, rồi kể là "ngày xưa" anh ta đã bị tuyên phạt chiểu theo điều 163 tội tuyên truyền ý tưởng về một quốc gia dựa trên tôn giáo, vì thế phải trốn sang Đức.
Im lặng. Ka cảm thấy nên nói gì đó để giữ phép lịch sự, và lo lắng khi không nghĩ ra chuyện gì, ông cũng cảm thấy Lam chỉ nói để trấn an chính mình.
Hồi bên Đức đi đến bất cứ thành phố nào để thăm các nhóm Hồi giáo,ở Frankfurt, Cologne giữa nhà thờ xứ và nhà ga, hay ở các quận đắt đỏ của Hamburg, cứ đi dạo một lúc tôi lại chọn ra một người Đức ở ngoài phố và tập trung vào người ấy. Quan trọng không phải tôi nghĩ gì về người này, mà tôi cố gắng tưởng tượng ra ông ta nghĩ gì về mình và nhìn bằng cặp mắt ông ta: bề ngoài của tôi, cử động của tôi, dáng đi của tôi, chuyện đời tôi, tôi từ đâu đến, đi đâu, và tôi là ai. Đó là một cảm giác kinh khủng, nhưng tôi cũng quen đi: không phải tôi bị khinh bỉ; tôi hiểu như vậy như những người anh em của mình... Nói chung không phải là người Âu khinh thường chúng ta. Chúng ta nhìn họ và tự khinh thường chính mình. Người ta không rời bỏ quê nhà theo gương Đấng tiên tri chỉ vì tránh kẻ đàn áp ở nước mình, mà còn để tìm đến những đáy sâu của tâm hồn. Rồi một ngày nào đó kiên định quay về để cứu những người không rời bỏ quê hương vì họ không dám làm điều đó, nhưng họ vẫn cùng chí hướng với mình. "Tại sao ông đến đây?"
Ka im lặng. Vẻ đơn sơ và tồi tàn của căn phòng, những bức tường không quét vôi lả tả vữa rơi, ánh sáng từ bóng đèn trần trụi trên trần rọi thẳng vào mắt khiến ông chợm giọng.
"Tôi không muốn quấy quả ông với những câu hỏi về chuyện vừa xảy ra," Lam nói. "Nghe nói giáo sĩ Kasim Ensari kính mến khi thấy người lạ nào đến thăm nơi cắm trại của bộ lạc mình bên dòng Tigris cũng nói câu đầu tiên là: "Rất vui được làm quen quý vị! Và quý vị làm chỉ điểm cho ai?"
"Cho báo Cộng hòa..." Ka đáp.
"Cái đó tôi biết rồi. Nhưng tôi ngạc nhiên khi họ quan tâm tới Kars đến mức cử người về đây."
"Tôi tự nguyện xin đi." Ka nói. "Tôi cũng nghe nói đến người bạn cũ Muhtar và vợ ông ta ở đây."
"Họ đã bỏ nhau rồi, ông không biết à?" Lam nhắc, mắt chăm chú nhìn Ka.
"Tôi biết rồi." Ka nói, mặt đỏ bừng. Ông có cảm giác Lam nhận ra những gì đang làm ông xáo động, và vì vậy thấy ghét anh ta.
"Ở Sở cảnh sát người ta đã đánh Muhtar à?"
"Đúng thế."
" Hắn có đáng bị đánh không?" Lam hỏi một cách kỳ khôi.
"Không, tất nhiên không."
"Tại sao họ không đánh ông? Ông có thấy hài lòng với chính mình không?"
"Tôi không rõ tại sao họ không đánh tôi."
"Có, ông có biết, ông là một tư sản Istanbul." Lam nói."Nhìn nước da và ánh mắt là nhận ra ngay. Bọn nó nghĩ tay này nhất định có quan hệ tốt với các ông to, cẩn thận là hơn. Ngược lại thì trông biết ngay Muhtar không có những quan hệ như thế, không có quyền hành gì; bọn nó biết đấy. Muhtar thì đằng nào cũng chỉ làm chính trị để có thể đối mặt với bọn nó một cách tự tin như ông. Nhưng ngay cả khi thắng cử thì trước khi ung dung lên ghế thị trưởng hắn cũng phải chứng minh là có thể chấp nhận được những đòn của nhà nước. Vì vậy hắn vui lòng nhận đòn." Lam không đùa chút nào, mặt anh ta thậm chí còn lộ nét buồn rầu.
"Chẳng ai vui lòng nhận đòn cả," Ka nói và cảm thấy mình tầm thường và nông cạn trước mặt Lam.
Mặt Lam chuyển sang vẻ như muốn nói: bây giờ ta sang chủ đề chính. Anh nói: "Ông đã nói chuyện với gia đình các cô gái tự sát. Tại sao?"
"Vì có thể tôi sẽ viết một bài báo về chuyện đó."
"Cho báo chí phương Tây?"
"Cho báo chí phương Tây," Ka đáp, đột ngột thấy phấn chấn thắng thế. Dù ông chẳng quen ai làm báo ở Đức để đăng bài của mình. "Và cho tờ Cộng hòa ở Thổ," ông áy náy phụ thêm.
"Chừng nào ở phương Tây không quan tâm đến thì báo chí Thổ cũng chẳng để ý đến nỗi khổ ải của đồng bào mình," Lam nói. "Bọn họ làm như nói đến nghèo khổ và tự sát là chuyện lỗi thời và lạc hậu vậy. Và ông đành phải in bài ở châu Âu. Vì thế mà tôi muốn nói chuyện với ông: đừng viết về các cô gái tự sát, ở đây và ở nước ngoài đều không được. Tự sát là có tội nặng! Và căn bệnh này sẽ lan truyền ra, nếu người ta chú ý đến nó. Nhất là tin đồn cô gái tự sát gần đây nhất là người Hồi giáo phản kháng vụ trùm khăn, chuyện ấy tệ hơn cả thuốc độc."
"Nhưng đó là sự thật." Ka nói. "Truớc khi tự sát cô ta đã rửa ráy đúng nghi thức và cầu nguyện. Bây giờ tất cả các cô gái trùm khăn đều ngưỡng mộ cô ta vì lẽ đó."
"Một thiếu nữ tự sát khôngcòn được gọi là người Hồi giáo nữa!" Lam cự lại. "Cũng không thể nói là cô ta ủng hộ trùm khăn.Nếu ông quảng bá sự dối trá ấy thì sẽ phát sinh tin đồn rằng nhóm cô gái đấu tranh cho khăn trùm đầu bị nhụt chí bởi những kẻ phản bội trong hàng ngũ mình - đó là những phần tử thảm hại đội tóc giả, bởi cảnh sát và áp lực của bố mẹ. Ông tới đây để có được điều ấy hay sao? Đừng gợi ý cho ai tự sát nữa! Các cô gái trong xung đột giữa tình yêu đối với Thượng đế, gia đình và nhà trường đã trở nên bất hạnh và cô đơn đến nỗi tất cả sắp noi theo vị nữ thánh tự sát kia rồi đấy."
"Ông phó thống sứ cũng nói với tôi là không nên nhấn mạnh các vụ tự sát ở Kars."
"Ông có chuyện gì mà phải đến nói chuyện với phó thống sứ?
"Tôi cũng nói chuyện với cảnh sát để họ đừng quấy tôi suốt ngày."
"Bọn nó sẽ vui mừng đọc tin 'Các thiếu nữ trùm khăn bị đuổi khỏi trường đại học đang theo nhau tự sát!"
"Tôi viết như tôi nghĩ," Ka trả lời.
"Những ám chỉ trong lời ông nói ra không chỉ đụng đến phó thống sứ, mà đến cả tôi nữa. Ngoài ra ông cũng khiêu khích tôi khi nói là cả thống sứ ngoại đạo lẫn tín đồ Hồi giáo đều không muốn ông viết về các thiếu nữ tự sát."
"Đúng."
"Mấy cô gái ấy không tự sát vì không được đến trường, mà vì chuyện yêu đương. Nếu ông miêu tả một cô gái trùm khăn mà lại đi tự sát vì một lý do vớ vẩn như thất tình thì những học sinh Hồi giáo của trường tôn giáo sẽ tức giận ông. Kars chỉ là một làng nhỏ."
"Tất cả những chuyện đó tôi muốn đem hỏi các cô gái đấu tranh đòi trùm khăn."
"Thế là tốt Lam nói.Nhưng hãy thử hỏi xemhọ có muốn báo chí Đức viết về chuyện những người sợ hậu quả đấu tranh mà tự sát để chết trong tội lỗi không?"
"Tôi sẽ hỏi họ," Ka ngoan cố đáp.
"Tôi gọi ông đến để nói một chuyện khác nữa." Lam nói."Ông hiệu trưởng đại học sư phạm vừa bị bắn trước mắt ông. Đó là hậu quả của sự uất hận do áp lực của nhà nước gây ra đối với các cô gái trùm khăn theo đạo Hồi. Nhưng trong trường hợp này tất nhiên đó là một sự khiêu khích của nhà nước. Ban đầu họ sử dụng ông hiệu trưởng tội nghiệp làm công cụ đàn áp, rồi sai một thằng điên giết ông ta để buộc tội cho người Hồi giáo."
"Anh phản đối hành động này hay chính anh gây ra vụ đó?" Ka hỏi với giọng sắc sảo của một phóng viên.
"Tôi không đến Kars vì lý do chính trị," Lam trả lời. "Tôi đến Kars để ngăn cản dịch tự sát."
Bỗng nhiên anh ta chộp lấy vai Ka kéo lại gần mình và hôn lên hai má ông: "ông là một thầy tu hiện đại hiến dâng năm tháng đời mình cho sự nghiệp thi ca. Ông không phải là công cụ của bọn muốn làm hại những người Hồi giáo bị áp bức. Giống như tôi đã tin ông, ông đã tin tôi mà đến đây. Để tỏ lòng biết ơn, tôi kể cho ông nghe một câu chuyện luân lý." Anh nhìn Ka, nửa như diễn kịch, nửa nghiêm túc. "Tôi kể được chứ?"
"Anh kể đi!"
"Ngày rất xa xưa, ở đất Iran có một người hùng không ai sánh nổi, một chiến binh ngoan cường. Ai cũng biết và mến ông ta. Chúng ta cứ gọi là Rüstem, như những người mến mộ ông ta vẫn gọi. Một hôm Rüstem đi săn bị lạc, khi ngủ lại mất luôn con ngựa. Trong khi đi tìm ngựa, ông lạc tới Turan, đất của kẻ thù.Do đã nghe danh tiếng từ lâu, người ta nhận ra ông và đối xử tử tế. Vua Turan đón tiếp ông như thượng khách và sai mở tiệc. Sau bữa tiệc, khi Rstem lui về phòng thì con gái nhà vua bước vào và thổ lộ tình yêu. Cô nói muốn có con cùng ông. Bằng sắc đẹp và giọng nói, cô đã mê hoặc ông và họ ngủ với nhau. Sáng hôm sau Rüstem để lại cho đứa trẻ sẽ ra đời một chiếc vòng tay làm dấu hiệu rồi quay về nhà. Đứa trẻ sinh ra được người ta gọi tên là Suhrab, ta cũng gọi tên nó như vậy. Nhiều năm sau chàng trai trẻ được mẹ cho biết cha mình là Rüstem huyền thoại, bèn nói: "Con sẽ tới Iran hạ bệ bạo chúa Keykavus và đưa cha con lên ngôi thay.Rồi con sẽ quay lại Turan và hạ bệ Efrasiyab - bạo chúa của Turan - không khác gì Keykavus - và lên trị vì đất này! Lúc đó cha con và con sẽ trị vì Turan và Iran, nghĩa là cả thế giới, trong công lý!" Đó là những lời trong sáng và thiện tâm của Suhrab, không hiểu nổi là kẻ thù của mình còn gian giảo và mưu mô hơn nhiều. Mặc dù đoán rõ ý đồ của Suhrab, Efrasiyab vẫn cho quân hỗ trợ chàng để đánh Iran, nhưng cử thủ hạ của mình theo chân để Suhrab không nhận ra mặt cha. Nhờ những mưu sâu kế hiểm, trò đùa khốn nạn của số phận và những ngẫu nhiên bí ẩn, với sự bày đặt của Allah tối cao, Suhrab và Rüstem chạm trán nhau ngoài chiến trường.
Phía sau hai người là quân đội của họ. Hai người không nhận ra nhau, vì họ có giáp che kín người. Rüstem thì luôn luôn giấu mặt để tránh thu hút quân địch về mình, còn Suhrab với trái tim non trẻ thì không bao giờ thèm để ý đến đối thủ nào trước mặt, vì trong đầu chàng chỉ quay cuồng ý chí duy nhất là đưa cha lên ngôi vua ở Iran. Và thế là hai đấng anh hùng hào kiệt tuốt gươm xông lên trước ánh mắt theo dõi của quân hành sau lưng." Lam im lặng. Không nhìn vào mắt Ka. Rồi anh kể tiếp như một đứa trẻ: "Tôi đã đọc truyện này cả trăm lần, nhưng cứ đến đoạn ấy thì tim tôi bắt đầu run rẩy. Tôi không rõ tại sao, nhưng tôi luôn luôn thấy mình là Suhrab, người đang chuẩn bị giết cha. Có ai lại muốn giết cha mình? Tâm hồn nào chịu nổi nỗi đau của lỗi lầm này, gánh nặng của tội hình này? Và điều đó lại xảy ra với Suhrab có trái tim non trẻ! Vậy thì cách tốt nhất là hãy để chàng ra tay mà không nhận ra cha mình.
Trong khi tôi nghĩ như vậy, hai chiến binh kiêu hùng giáp chiến. Nhưng sau hàng giờ vẫn bất phân thắng bại. Kiệt sức và đầy thương tích, họ lui về. Đêm đầu tiên sau trận đánh, tôi không ngừng lo lắng cho người cha không kém gì cho Suhrab; và khi đọc tiếp, tôi vẫn hồi hộp như lần đầu. Tôi tưởng tượng ra một cách lạc quan cảnh hai cha con không chiến thắng nổi nhau nên họ cùng tìm ra một giải pháp hòa bình.
Ngày thứ hai. Quân hai bên lại đứng đối mặt nhau, cha và con trong bộ giáp kín người lại xông vào đánh nhau không chùn tay. Sau cuộc tỉ thí kéo dài, hôm đó may mắn đã mỉm cười với Suhrab. Có thể coi đó là may mắn? Chàng xô Rüstem ngã khỏi yên ngựa và đứng chặn trên người ông. Suhrab rút dao găm toan kết liễu đời cha mình thì một người chạy đến nói: "Ở Iran không có lệ cắt đầu một người hùng trong trận đầu. Đừng giết ông ta, vì đó là hành động man rợ." Và Suhrab không giết cha mình.
Lần nào đọc đoạn này tôi cũng rất băn khoăn. Lòng tôi tràn ngập tình yêu dành cho Suhrab. Ý nghĩa của số phận mà Allah đã định trước cho cha và con là gì? Ngày thứ ba, trái với mong đợi khắc khoải của tôi, trận đấu bất ngờ kết thúc. Rüstem quật Suhrab ngã ngựa, xỉa lưỡi kiếm vào ngực và giết chết chàng. Chuyện xảy ra nhanh gọn khiến người ta choáng váng. Rồi Rüstem nhìn thấy vòng tay và nhận ra đã giết chính con mình, ông quỳ sụp xuống, ôm cái xác đẫm máu của con trai và khóc.
Lần nào đến đoạn này tôi cũng khóc. Vì chia sẻ nỗi đau của Rüstem thì ít mà vì tôi ngộ ra ý nghĩa cái chết của Suhrab thì nhiều Chính tình yêu của Suhrab với cha mình đã đẩy anh đến chỗ bị cha giết chết. Ở đây lòng khâm phục của tôi đối với tình yêu của Suhrab dành cho cha được thế chỗ bởi một tình cảm sâu hơn và chín hơn dành cho nỗi đau trang trọng của Rüstem, người phải cố gắng tuân thủ các nguyên tắc và lời nguyền. Trong diễn biến của câu chuyện này, tình yêu và cảm phục của tôi đã chuyển từ Suhrab nổi loạn luôn đi con đường riêng sang Rüstem mạnh mẽ và đầy trách nhiệm."
Trong khi Lam im lặng một lát, Ka ghen tị với anh ta vì đã kể được một câu chuyện với sức cảm hóa đến như vậy.
"Nhưng tôi không kể cho ông nghe chuyện này để cho ông thấy tôi dựa vào đó chiêm nghiệm đời mình ra sao, mà để nói rằng nó đã bị quên mất rồi," Lam tiếp. "Câu chuyện tối thiểu một nghìn năm tuổi này in trong quyển Sách về Các Vua của Firdevsi. Ngày xưa đã có thời hàng triệu người từ Tebriz đến Istanbul, từ Bosnia đến Trabzon thuộc lòng nó và suy từ đó ra ý nghĩa của đời mình, giống như người phương Tây hôm nay suy ngẫm từ chuyện "dipe giết cha hay Macbeth khát khao đi tìmquyền lực và cái chết ra sao. Nhưng hôm nay người Thổ chúng ta vì quá chuộng phương Tây mà lãng quên câu chuyện này. Truyện cổ bị xóa khỏi sách giáo khoa. Hiện giờ ta không thể mua cuốn Sách về Các Vua ở bất cứ hiệu sách Istanbul nào. Tại sao?"
Họ im lặng hồi lâu.
Lam nói: "Chắc ông đang nghĩ: chẳng lẽ có thể vì vẻ đẹp của câu chuyện mà giết một người hay sao? Đúng không?"
"Tôi không rõ."
"Thế thì ông nghĩ kỹ lại đi," Lam nói và rời khỏi phòng.
Tuyết Tuyết - Orhan Pamuk Tuyết