Chương 2: Sống Là Sửa Soạn Cho Cái Chết
heo những ý niệm căn bản vừa dẫn, đối với người Việt Nam, sống là bảo vệ thần mạng của mình cũng như của người thân trước mọi đe dọa thường phải chịu đựng để chờ những may mắn thuận tiện nhất định phải có.
“Không ai nắm tay từ tối đến sáng”, “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” ấy là những nhìn nhận để chắc chắn rằng lúc rủi còn có lúc may lúc đau khổ còn có lúc sung sướng. Khôn thì phải biết dè sẻn ngay chính bản thân mình để chờ những may mắn sung sướng ấy.
Kẻ “mưa lúc nào biết mát mặt ngay lúc ấy” là kẻ đáng chê “Bảy mươi còn phải học bảy mươi mốt”. Tỏ rằng cái khôn ở đời là vô cùng, người già cũng vẫn còn điều gì để phải học của nhau. Cho nên trong cuộc sống người khôn phải biết tiến biết lui, biết lúc mềm, lúc cứng, biết dùng mình và để cho người ta dùng mình hay không dùng mình. Người quân tử đã đành phải trọng danh dự, nhưng không trọng một cách cứng nhắc như ở những xã hội không quen bị đô hộ. Nếu xã hội này của chúng ta lại chỉ có toàn những quân tử không thành công thì thành danh, ắt là đã có quá nhiều dịp cho người ta tự tử bằng cách rạch bụng như ở Nhật Bổn, hay làm liều cho đến hết, giống như bỏ cây chuối tươi vào lò lửa đang cháy.
Cho nên có nhiều trường hợp người ta bắt buộc phải nghĩ không sống cho những dư luận khen chê của đương thời, mà phải để chờ “cái quan luận định” nghĩa là dập nắp quan tài rồi mới biết kẻ hay người dở.
Sống không cho sự sống của bản thân mình trong hiện tại mà sống cho sự chết của bản thân mình trong tương lai; để trong tương lai ấy con cháu mình tìm ra được lẽ sống. Ấy là hình ảnh con cò xin được xáo nước trong của người quân tử Việt Nam.
Thường có những người già lão, họ không mong muốn, nhưng ví thử có bị mắt lòa chân chậm thì họ lại cho rằng như thế con cháu mới dễ làm ăn. Điều này cần phải thích: Người già qua một đời người thành công thất bại liên miên, đã có nhiều kinh nghiệm để khôn lắm, nên không chịu phí hoài vật gì, bởi nó đều là tài sản cả, và cũng không chịu làm việc gì mà không đắn đo lấy chắc được cả mười phần. Còn người trẻ, dù người có bản tính trầm tĩnh và cẩn trọng đến mấy đi nữa, sẵn sinh lực dồi dào, bao giờ cũng có phản ứng nhanh trước mọi việc, nên nhiều yểu tố không ngờ và nghĩ ra kịp đã dễ làm cho thất bại. Ngoài ra họ chỉ nhắm cái đại cương cốt yếu, còn những chi tiết lặt vặt thường bỏ qua. Người Pháp có câu danh ngôn “Si jeunesse vavait et sieillesse pouvait” (nếu tuổi trẻ mà biết và tuổi già lại có sức làm...) tỏ rằng hai tuổi ấy bổ túc được cho nhau thì còn gì hay bằng nữa. Nhưng thường người già lại không biết cách tỏ lộ sự còn có ích của mình cho đúng lúc, mà chỉ hay cậy quyền già để mắng mỏ con cái và cản trở chúng nhiều việc, có khi đúng, nhưng nhiều khi cũng quá đáng, chỉ thêm khó sự làm ăn của chúng ra. Chẳng thà người già ấy mắt lòa chân chậm đi không thấy rõ trẻ làm gì, cũng như phó mặc cho trẻ tự đảm lãnh trách nhiệm, có thất bại rồi sẽ có thành công, thì ấy là có sự làm ăn dễ dàng cho trẻ vậy.
Vấn đề này người Âu Tây ít khi đặt ra, vì họ sống theo tiểu gia đình. Các ông các bà khó tính khó nết đã đi ở riêng một nơi tha hồ mà lắm lời lắm điều với nhau, không còn lưu ý gì đến sự sống của bọn trẻ nữa. Duy chỉ xã hội ta mới có vấn đề này. Mà trong nội dung của nó, thì chính người già chấp nhận và tin tưởng rằng mình phải mắt lòa chân chậm thì con cháu mới dễ làm ăn. Ấy là cả một quan niệm sống tre già măng mọc, sống không cho mình mà cho con cháu vậy.
Khi đã quan niệm dứt khoát như thế, con người về già lại chính mắt được thấy con cháu làm ăn khá giả, có tương lai chắc chắn thì cái phút nhắm mắt không còn là cái phút đáng sợ, đáng buồn, hay đáng ân hận gì cả.
Người ta sắm trước cái áo quan, xây trước cái mộ phần và tính trước cái đám tang cho mình không vui cũng không buồn, tựa như người ta sửa soạn một cuộc du lịch vậy.
“Sống ở chết về”. “Cụ tôi về năm 70 tuổi” Về mà không biết là về đâu. Về trời? Về quê? Về tiên cảnh? Về với tổ tiên? Không ai nói được đích xác là sau khi chết hồn vẫn không tan biến để vẫn có thể từ cõi âm cảm thông với người còn sống ở cõi dương.
Đương sự khi gần đất xa trời chỉ có ba điều ước mong:
1) Được có ma chay chôn cất tử tế (tử đắc táng vi vinh)
2) — Có con cháu phù săng tống lão cho người ngoài khỏi chê cười là cô độc cô quả, và có đông đủ bà con họ hàng bạn bè không nỡ quên mình.
3) — Có kẻ hương khói cho khỏi phải làm những cô hồn bơ vơ lạc lõng đi cướp cháo lá đa.
Lúc nằm chờ chết, đương sự vẫn thắc mắc, không khác kẻ đánh bạc chờ phút giây mở bát, rằng liệu những ước mong ấy có thể có được không, hay trong cuộc sống mình đã gây nhiều oan nghiệt để rồi đây là lúc phải trả nợ, cho đời tha hồ mai mỉa.
“Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật” nó là kết quả của những nhân duyên đã gieo trong đời.
Người đau một giây chết một giờ là sung sướng nhất, vì sạch sẽ, con cháu không phải vất vả hầu hạ mà còn để nhiều thương nhớ cho mọi người. Người ốm quá lâu muốn chết mà không chết được thì bị thiên hạ chê cười.
Thành ra chết nhiều khi lại là một điều đáng mừng nữa. Mừng là mừng vì được cảnh thuận: vợ chết trước chồng, cha chết trước con. Còn như “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời” ấy là điều đại bất hạnh mà thiên hạ sì sào là nhà kém phúc đức.
Nhà nhiều phúc đức thì cứ trông vào một đám ma sẽ rõ: khăn trắng, khăn vàng, khăn đỏ, rồi các con, trai, gái, dâu, rể, đầy người ra. Đám tang không có vẻ gì là tang tóc hay buồn bã cả. Nhiều đám tang người ta còn cố ý làm rềnh rang cho vui nhộn, có cả đốt pháo, cả tiếng kèn, rồi ăn uống tế lễ linh đình như một cuộc vui
Sờ dĩ có chuyện ngược đời về vui mừng trong một đám tang, là vì cuộc sống của người Việt cũ khổ cực quá và có thể nhiều bất trắc quá. Không chắc mình có được toàn thây mà chết không? Không chắc con cái có ai dám ra mặt mà chôn cất mình không, và không chắc mình có được chôn cất tử tế không cho nên con cháu lo được cho cha mẹ có tang ma đứng đắn không bị thiên hạ chê cười, thì chính con cháu cũng lấy làm mừng rỡ.
Đây là một dịp hãnh diện, một dịp trả nợ miệng thiên hạ và cũng là một dịp để con cháu tỏ lòng hiếu kính đối với người đã khuất. Tang nghi dùng mầu tươi mà ít dùng màu đen buồn bã cũng là có cớ vậy. Và tiếng kèn trống (sống dầu đèn, chết kèn trống) cũng là để làm người khác chú ý đến. Còn tiếng khóc nữa, người ta mượn dịp có người chết để dùng lời kể lể cho người sống nghe với nhau, mà không phải để tỏ lòng thương người chết. Cái hiện tượng thuê người khóc gọi là khóc ma mướn có tiếng khóc kể lể mà không có giọt nước mắt nào, ấy cũng là để át bớt những giọng kể lể của người mà chèn chồng nhau cho đỡ phải nghe những lời không hay.
Đối với sự chết là cái gì quan trọng nhất chấm dứt cả cuộc đời mà người ta vẫn coi nhẹ được như thế, đủ rõ đức chịu đựng đã ăn sâu vào đến tiềm thức, để dù chịu đựng có chết thì chết ấy mới là bắt đầu trở lại một cuộc sống khác. Người ta dâng cúng người mới chết một bát cơm xoay, một quả trứng, một đôi đũa bông, ấy là tín thành dâng một biểu tượng của sự bắt đầu mở ra một cuộc sống mới, mà trứng là cái mầm, cơm tròn là thái cực, đôi đũa là lưỡng nghi.
TIỀM THỨC CHỊU ĐỰNG
Ta thấy đức chịu đựng của người Việt Nam như vậy đã không phải chỉ là cái gì miễn cưỡng, không hơn được thì đành chịu, rồi trong lúc chịu đựng thì than thân trách phận. Nó cũng không phải thứ chủ nghĩa khắc kỷ tự đầy ải mình, tự hành hạ thân xác mình, cho tinh thần thấy thỏa mãn là mình hơn chúng. Cũng không phải một cách tu ép xác để dùng những khổ cực vật chất như một sự chuộc lại những tội lỗi nào từ kiếp trước.
Phân tích kỹ ra để tìm hiểu, thì đức chịu đựng này đã thành bản chất của người Việt Nam. Tỉ như cái cây mọc trong khe đá, nó cằn cỗi khẳng khiu, nhưng vẫn vươn tìm trong điều kiện ấy, cái gì để mà sống. Và hễ sống thì sống dai lắm. Tỉ như con rùa sống trong kẹt đá, vỏ nó dầy hơn lên để chịu mọi sức đè ép của các tảng đá, chịu mọi va chạm, mọi rơi té từ trên cao xuống.
Đã gọi là bản chất thì không còn có chuyện muốn hay không muốn, thú hay không thú, và con người khỉ sống theo bản chất của mình thì không có đặt vấn đề vui hay buồn, oán hay hận. Y như trường hợp con tằm phải nhả tơ và chui vào tổ kén để mà thoát xác, hay như con dã tràng cứ phải se cát suốt đời vậy.
Riêng con người sống chịu đựng theo bản chất đã không cần lý luận đến giá trị luân lý hay triết học nào của sự chịu đựng ấy.
Vợ chàng Trương khi chồng đi lính, tối đến ở nhà một mình bầy cho con chơi với bóng mình, và bảo con đấy là cha con đã quanh quẩn với mẹ. Khi chồng về, đứa bé không nhận cha, nói là cha thực không biết nói và chỉ tối đến mới về, khiến chồng ngờ và ghen. Vợ chàng Trương đã tự tử để tỏ nỗi oan của mình. Dân chúng thờ người đàn bà trong miếu gọỉ là miếu vợ chàng Trương và nhà vua sắc phong là Thánh Mẫu Nam Xương.
Câu chuyện ấy đã xen vào tiềm thức của nhân dân, như chuyện nàng Tô thị trông chồng mòn mỏi đến hóa thành đá ôm con, Hay như chuyện bà Thị Kính, khi làm gái chồng ngờ thất tiết, lúc làm trai gái đổ oan tình.
Hầu như tất cả các truyện cổ, truyền khẩu hay thành văn, đều có chứa đựng hình ảnh những nhân vật nhẫn nại và chịu đựng các thiếu thốn, khổ cực, cam go, cả bất công, vô lý, cả tàn nhẫn, ác độc mà chỉ phản ứng lại bằng một thái độ rất thản nhiên. Truyện con Tấm con Cám và truyện Thạch sanh thực đã có tác dụng truyền đức chịu đựng vào mạch máu của người Việt.
Tất cả cái đẹp và lý thú trong cuộc đời của con Tấm không phải ở lúc nó hoàn sinh làm hoàng hậu. Mà người ta chỉ nhớ đến những nỗi gian lao của nó và những tình tiết của dì ghẻ nó giết nó; mà nó vẫn vươn lên tìm cái sống. Cũng như trường hợp Thạch Sanh, người ta không còn gì để thú khi nghe Thạch Sanh cưới công chúa và làm vua, mà người ta chỉ nhớ đến những lúc Thạch Sanh bị Lý Thông đầy vào chỗ chết mà rồi vẫn chịu đựng để tìm ra sự sống. Cái tiếng đàn oán hận réo rắt đến tai công chúa và vang ra khắp nơi, đã không phải từ tâm hồn Thạch Sanh tạo nên, mà đặc biệt là từ cái vật vô tri ấy mà bật lên tự nhiên. Tỏ rằng những oan khổ cực nhục đã đến độ thấm vào mọi vật vô tri, mà chính con người chịu đựng thì đã thản nhiên như không vậy.
Các đương sự có biết người ta đã xử ác với mình chăng? Nếu không biết thì sự chịu đựng chẳng giá trị gì, vì chỉ là vô ý thức như gỗ đá. Nhưng thực ra là có biết mà chỉ giữ mình sống theo lẽ phải và chỉ tự vệ mà thôi.
Đoạn truyện lúc Thạch Sanh xuống hang tìm công chúa thật đã nói rõ cả một tư tưởng triết lý chịu đựng.
Sáng mai truyền bảo chư quân
Chỉnh tề khí giới theo mình ra đi
Thông thời ngựa cỡi tàn che
Tiền hô hậu thét bốn bề đã vang
Sanh thời chẳng ngựa chẳng yên
Mình trần trùng trục đi tiên dẫn đàng
Động sơn phút đã gần hang
Sanh Thông bèn mới tỏ tường bảo nhau
Rằng hang nó ở còn sâu
Việc làm cẩn mật để hầu lo toan
Lấy dây chàng mới làm thang
Dặn Thông, Sanh mới xuống hang phen này
Bảo rằng thấy động đầu dây
Thì anh rút thẳng đưa rầy nàng lên
Dây kia lại bỏ xuống liền
Để tôi lại buộc tôi lên chớ chầy
Thông nghe nói bảo dòng dây
Sanh vừa xuống đến nàng rầy vừa ra
Hỏi rằng chàng ở đâu ta
Nhân sao mà xuống đáy hòa việc chi
Sanh rằng vâng lịnh triềunghi
Xuống đây rước lấy nàng thì lên dương
Công chúa mới nói cùng chàng
Mà anh cứu được vận nàng lôi lên
Thời xin kết nghĩa hợp duyên
Phượng loan êm gối đính nguyền cù sơn
Sanh rằng có việc triều ban
Lý Thông vâng lệnh thiên nhan đưa về
Vả tôi là nghĩa bạn bè
Nếu mà thế vậy lỗi thề đệ huynh.
Hình ảnh Thạch Sanh mình trần trùng trục, với một búa, sống trái người ra với cuộc sống đảo điên gặp việc phải thì làm, mặc kết quả cho ai hưởng vinh hoa phú quý, phần mình có đúng nghĩa mới màng, đó là hình ảnh của người anh hùng vẫn nằm sẵn trong tiềm thức của người Việt Nam.
Không phải đây là thứ anh hùng ngu dốt ù lì như cục đá, mặc cho ai muốn lăn đi đâu thì lăn. Đây là thứ anh hùng ghét tà yêu chính, thấy ma quái hại người và định hại mình thì trừ giệt để tự cứu và cứu người, mà thấy việc phải thì đem thân đến giúp không nề hà gian nguy khổ cực.
Trong cuộc sống xã hội cũng vậy. Những con người Việt Nam quen chịu mọi thiếu thốn khổ cực từ tấm bé, có thể nói là đã được chính liều thuốc kháng trùng cho mọi loại trùng độc thiếu thốn khổ cực không còn tác hại đến sinh mạng mình nữa. Người ngoài trông thấy thì lắc đầu le lưỡi: như vậy mà sao chịu đựng nổi! Nhưng chính đương sự thì chẳng hề cảm thấy mình khổ cực gì cả, mà chỉ thấy mình thoải mái trong tâm hồn.
Chính đấy là cái tư tưởng về sự sống thật cao mà cũng thật là bình thản. Tư tưởng không phải của riêng một cá nhân nào mà là của toàn cả xã hội đã được đúc kết nên nhờ hoàn cảnh địa dư khí hậu và lịch sử.
Người đàn bà làm dâu, người con chồng dưới bàn tay bà dì ghẻ, người đàn em trong làng dưới quyền các cường hào ác bá, người dân nô lệ trong cảnh “gửi con cho bác quạ già, biết là bác quạ thương là chẳng thương” tóm lại tất cả những người ở trong thế bị áp bức, đều tự nhiên có phản ứng trải người ra để chịu đựng.
Nụ cười chấp nhận hận thù để trả oán là nụ cười đặc biệt của người Nhật, vẻ thản nhiên chịu đựng thiệt thòi để liệu sau thì lại là phong độ riêng của người Việt Nam.
Sự chịu đựng này đã không phải chỉ là tiêu cực thụ động. Nó rất tích cực, nhất là khi con người chủ động hành vi của mình. Phương pháp tranh đấu bất bạo động của thánh Gandhi là một bằng chứng cụ thể. Và cụ thể cho thật dễ nhận ra nữa là cử chỉ anh hùng của vị bồ tát Thích Quảng Đức ngồi yên cho lửa cháy mà làm xúc động cả thế giới.
Truyền Thống Dân Tộc Truyền Thống Dân Tộc - Lê Văn Siêu Truyền Thống Dân Tộc