Hãy tiến lên và cứ phạm sai lầm. Phạm thật nhiều sai lầm. Bởi vì đó là nơi bạn sẽ tìm thấy thành công ở phía sau những sai lầm này.

Thomas J. Watson, Sr.

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Buusan Nguyen
Số chương: 31 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4503 / 104
Cập nhật: 2020-03-02 09:37:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tướng Cướp Đổi Mạng
ƯỚNG CƯỚP ĐỔI MẠNG” là một tập truyện ngắn gồm 5 đoản thiên trinh thám, tựa đề Tướng Cướp Đổi Mạng, Tình Câm, Người Mẹ mù lòa, Đôi mắt Quan tòa và Thám tử … Lọ Lem.
Trước sau Người Thứ Tám đã cống hiến bạn đọc sáu chục tác phẩm gián điệp, hầu hết là điệp vụ của Văn Bình Z.28. Thỉnh thoảng để thay đổi món ăn tinh thần – một món ăn có từ 20 năm mà không nhàm chán nhờ sự thương yêu của người đọc và sự ráng sức không ngừng của người viết - Người Thứ Tám cho xuất bản loại tiểu thuyết trinh thám, suspense, nửa dài nửa ngắn. Và đây tập truyện “Tưóng Cướp Đổi Mạng” một cố gắng mới của tác giả.
Đọc “Tướng Cướp Đổi Mạng” có thể nhiều bạn sẽ nhớ “Ô hô, nhà Thám tử Đại tài” in trong tác phẩm “Nhà Thám tử Cô đơn” của Người Thứ Tám (1972). Điều cần nhấn mạnh là cả nội dung lẫn hình thức hai đoản thiên khác nhau hoàn toàn tuy cùng nhắc đến hoàn cảnh éo le của một thẩm sát viên cảnh sát có lương tâm chức nghiệp. Truyện ông cò Phước trong “Ô hô, nhà Thám tử Đại tài” là truyện có thật trăm phần trăm, vậy mà khi đọc hết ta vẫn tưởng là tiểu thuyết. Ngược lại, truyện ông cò Lương dưới đây là tiểu thuyết trăm phần trăm, nhưng chắc chắn một số độc giả sẽ nghĩ là truyện thật. Ông cò Lương là người Việt, tuy nhiên ông cũng có thể là Dupont hoặc Bob. Vì thảm trạng của ông Lương cũng là thảm trạng của mọi con người.
N.T.T
Tướng cướp đổi mạng
I
Trận bão khoác cái tên rất êm và rất đẹp là Liz lại chẳng êm, chẳng đẹp tí nào. Nó kéo đến đùng đùng, những cơn gió lốc đua nhau giật phăng mái tôn trong xóm lao động, xô ngã những thân cây lớn dọc đường. Sau đó là mưa đá. Mưa lốp bốp luôn từ tối đến nửa đêm không nghỉ. Hàn thử biểu tuột nhanh như xe hơi đứt thắng đổ giốc. Đêm hè ở Saigon ít khi xuống 20 độ. Thế mà trận bão Liz đã kéo mực thủy ngân xuống con số 15.
Trời ơi, 15 độ bách phân, dưới cơn mưa tầm tã, thì mình đồng da sắt mới chịu nổi... Mặc. Thiên hạ đang yên giấc trong phòng ấm cúng với chăn đệm tỏa nhiệt thì ông Nguyễn Văn Lương phải lao đầu vào giông tố rét mướt.
Ông Lương nâng cườm tay trái lên ngang mặt. Đồng hồ dạ quang chỉ 2 giờ sáng. Ông đang núp sau một bức tường thấp, tuy ông đội mũ rộng vành, và mặc áo tơi kín, áo quần ông vẫn ướt đẫm. Thoạt đầu ông còn tìm cách che mưa, lâu dần ông ngồi yên mặc những giọt mưa lạnh buốt làm tình làm tội.
Nói đúng ra, ông cò Lương không cảm thấy lạnh. Ông cũng không nhớ đến cơn mưa như trầm như trút đang tiếp tục đổ trên xa lộ Biên Hòa, trên những ngôi nhà to nhỏ chìm khuất trong bóng đêm dầy đặc và trên cánh đồng trống bát ngát từ sau ngã tư Thủ Đức đến khu đại học âm u nữa. Mắt ông, tâm thần ông dán chặt lấy mục phiêu đen sì, sừng sửng bên trái, cách bức tường ông nấp gần trăm mét...
Mục phiêu này là sào huyệt bí mật của đảng cướp Bướm Vàng.
Đảng cướp này ra mặt ăn hàng cách đây không lâu. Chúng «đánh» toàn những nơi có máu mặt, phần nhiều là đại thương gia ở Chợ Lớn. Cứ ba, bốn tháng chúng làm một vụ. Mỗi vụ chừng 5, 10 triệu đồng. Bọn Bướm Vàng không hoạt động bừa bãi, ngu xuẩn như những toán cướp ô hợp khác, chúng lựa chọn khổ chủ thật kỹ lưỡng, kế hoạch ăn hàng được nghiên cứu tỉ mỉ và chu đáo không thua một cuộc hành quân tham mưu. Chúng đột nhập chởp nhoáng, đoạt tiền chớp nhoáng, rút lui cũng chớp nhoáng, đến khi cơ quan an ninh được trình báo và cấp tốc can thiệp thì chúng đã cao bay xa chạy.
Số khổ chủ trong vòng hai năm lên tới 6 nhà. Lần nào cũng vậy, Sở Cảnh Sát chỏ có thể can thiệp quá trễ. Lần nào cũng vậy, bọn gian chùi mép rất tài tình. Không dấu vết cỏn con được tìm thấy mặc dầu chính quyền đã huy động các chuyên viên và phương tiện cừ khôi nhất.
Sở Cảnh sát phải triệu dụng ông cò Nguyễn Văn Lương. Ông được miễn mọi công việc để dồn hết nỗ lực vào đảng cướp. Bọn gian đều đeo mặt nạ cao su và găng tay nên vấn đề nhận diện và truy dấu tay không thể đặt ra. Chúng lại câm như hến, tên chánh đảng ra lệnh cho đàn em bằng hiệu, vì thế chưa ai nghe được giọng nói của chúng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, nhiều đêm theo dõi, nghiên cứu, ông cò Lương đã phăng lần ra manh mối. Một số tép riu trong đảng bị sa lưới. Nhưng tên chủ chốt vẫn ẩn hiện như bóng ma.
Chồng hồ sơ cao gần mét rưỡi của ông cò Lương về đảng Bướm Vàng chỉ gồm rất ít dữ kiện liên quan đến tên chánh đảng. Đại khái chỉ biết hắn còn trẻ. Còn trẻ vì vóc dáng vạm vỡ, lưng thẳng, bắp thịt tay cuồn cuộn. Chứ không biết hắn bao nhiêu tuổi. Tên thật, sinh quán, họ hàng, vợ con, bạn bè, thói quen, tật xấu: không biết. Hắn không hề gặp đàn em một cách trực tiếp. Tất cả đều qua trung gian. Hắn biết tung tích, địa chỉ của đàn em, ngược lại đàn em hắn không biất mảy may về hắn.
Nhờ may mắn khác thường, ông cò Lưomg đã gài được nội tuyến trong đảng cướp. Theo mật báo, tên chánh đảng sẽ có mặt lại một cuộc họp thu hẹp của đảng Bướm Vàng trong một biệt thự lớn gần xa lộ Biên Hòa. Cuộc họp dự định diễn ra trong tuần. Không rõ ngày nào. Thành ra toán đặc cảnh dưới quyền chỉ huy của ông cò Lương phải mai phục suốt tuần. Suốt đêm. Bắt đầu từ chập choạng tối đến rạng đông. Bắt đầu từ thứ Hai. Tiếp đến thứ Ba. Thứ Tư...
Đêm nay là đêm Chủ nhật. Nghĩa là ông cò Lương đã thức trọn 6 đêm liên tiếp. Không gì khổ bằng thức đêm; phương chi ông cò Lương không còn ở tuổi xương cốt cứng cát, da thịt rắn rỏi. Ông đã quá tứ tuần. Với hơn hai chục năm phụng sự trong ngành điều tra. Đành rằng ông còn khỏe, ông còn có thể đi bộ xa, nêu cần ông dám thượng đài so găng với các võ sĩ trẻ tuổi sung sức và cho họ nếm quả đấm thần kinh quỷ khốc của một cựu vô địch quyền Anh, nhưng thức luôn 6 đêm như vậy đã làm ông mệt nhoài, đầu óc xửng vửng, tứ chi mềm nhũn. Néu không nghĩ đến thắng lợi gần kề, và nghĩ đến hạnh phúc gia đình chắc ông cò Lương đã vứt bỏ tất cả và kiếm tấm đệm êm ái nằm kéo một giấc đền bù...
Bạn đồng liêu cũng như những ai quen thân đều đồng ý ông là người có hạnh phúc gia đình đầy đủ. Hơn 30 tuổi ông mới lấy vợ. Lệ thường đàn ông lấy vợ muộn để có thời giờ tận hưởng sự đời. Đến khi «bó thân về với triều đình» thì kinh nghiệm đã quá thừa thãi. Ông cò Lương lại khác. Ông không hề biết chơi bời. Hồi ông tấp tểnh vào nghề, được học việc trong ban kiểm lục, ông thiếu gì cơ hội nếm mùi da thịt. Ông lại đạo mạo như nhà tu. Gái đã không thích, thậm chí những món mê ly thông dụng khác như uống rượu, hút thuốc và đánh bài ông cũng không thích nốt.
Không phải ngẫu nhiên ông mang tên Lương. Phụ thân ông là một cây tử vi, số ông có sao Thiên lương cư ngọ nên tên Lương được ghi vào giấy khai sinh. Người có sao Thiên lương thủ mạng, nhất là Thiên lương cư ngọ, thường ngay thẳng và liêm khiết. Tử vi rất đúng với ông vì tính tình ông luôn luôn ngay thẳng và liêm khiết, ông có hàng trăm dịp làm giầu dễ dàng vậy mà ông vẫn nghèo. Trời run rủi cho ông cưới được vợ hiền. Con nhà trâm anh, học khá, của hồi môn lại lớn. Bên vợ giành cho cặp vợ chồng một ngôi nhà có vườn gần khu nhà máy xi-măng Thủ Đức. Vợ ông sinh được một bé gái xinh xắn rồi bặt đi một thời gian. Xấp xỉ 40 bà mới mang thai. Tuy gần đến tuổi hồi xuân mang thai dễ gây hậu quả phiền phức, vợ ông lại vẫn khỏe mạnh. Trông cái bụng tròn gọn và nghe tiếng chân đạp của hài nhi, ai cũng đoán bà đẻ con trai. Con trai... con trai... ông cò Lương đang thèm một mụn con trai để nối giõi tông đường...
Trong khi ông lăn lưng trong màn mưa giá lạnh thì ở y viện vợ ông sửa soạn trở dạ. Cấp trên cho phép ông túc trực trong nhà thương nhưng ông tình nguyện tham gia cuộc vây bắt đảng cướp vì 2 lẽ: thứ nhất, ông theo dõi nội vụ từ khi bức màn bí mật còn tối đen như đêm ba mươi Tết, giờ đây ánh sáng điều tra đã xuyên thủng, ông không thể vắng mặt trong lớp lang cuối cùng; thứ hai, ông cảm thấy lo sợ vẩn vơ, nếu đứa con sắp chào đời là con gái thì ông khó giữ được bình tĩnh... Dĩ nhiên trai hay gái đều là con, song có ở vào hoàn cảnh của ông mới thấu đáo được sự khác biệt to lớn. Ông cò Lương thuộc giòng có nhiều con gái, song thân ông chỉ sinh được mình ông là trai, số con cháu trong họ ông gần 50 người mà tỉ lệ trai chưa đầy một phần mười...
Ông theo các bạn ra xa lộ là để đánh lừa thời khắc.
Đã 2 giờ sáng.
Ông hồi hộp chờ đợi. Mưa bắt đầu nhẹ hột. Những trận gió dữ dằn cũng bắt đầu giảm bớt cường độ. Tiếng rè rè quen thuộc nổi lên trong máy liên lạc cầm tay:
- Alô... alô... ông phắc-tơ phải không? Viện Côn trùng đây... Chuẩn bị... Họ đã tới...
Ông cò Lương muốn thét lên một tiếng sung sướng. “Họ đã tới” nghĩa là bọn cướp Bướm Vàng cùng tên chánh đảng đã tiến vào sào huyệt bằng cửa sau. Nghĩa là một tuần rình rập của cảnh sát không trở thành công cốc. Nghĩa là ông cò Lương đoán đúng...
Người vừa gọi ông cò qua máy vô tuyến walkie-talkie là ông phó giám đốc. Ông phó phải có biệt nhỡn khác thường đối với ông cò mới dùng những danh từ như «ông phắc-tơ» và «Viện Côn trùng» làm mật khẩu. Anh em thân tình trong sở hay gọi ông cò Lương là “ông phắc-tơ” vì ông giống hệt một nhà côn trùng học Ba Tây tên là Al-me-đa (1), xuất thân bưu tá, phát thư cho dân chúng địa phương. Như Al-me-đa, ông cò Lương ham bắt bướm từ nhỏ. Lớn lên, bận bịu công việc, ông vẫn giành những ngày Chủ nhật và ngày lễ cho bướm. Số bướm ông phơi khô, ép thành tập gần 20 ngàn con, nghĩa là một phần tư của tổng số bướm được tìm thấy và phân loại trên trái đất.
Ông cò Lương mê bướm hơn cả mọi chuyện ở đời. Ông coi bướm là một giống vật tuyệt đẹp. Vẻ đẹp thanh khiết và cao quý. Vẻ đẹp hiền dịu và mặn mà. Thế mà bọn cướp khốn kiếp dám đội tên Bướm Vàng. Chúng làm ô danh loài bướm thần tiên. Ông cò Lương không thể khoanh tay nhìn chúng lộng hành.
Ông đáp nhanh trong máy:
- Dạ, phắc-tơ nghe rồi. Xin Viện Côn trùng cho chỉ thị.
1) Romualdo d‘Almeida, ở Encuntado, cách thủ đô Rio-de Janeiro 25 cây số, nổi danh trên toàn thế giới về công trình khảo sát loài bướm.
Viện Côn trùng là ông phó giám đốc, một viên chức mẫn cán và trong sạch. Theo kế hoạch đã định, toán đặc vụ do ông cò Lương điều khiển sẽ nương theo bóng tối đột nhập khu vườn trước khi ập vào tầng trên của biệt thự để còng tay tên chánh đảng cùng đồng bọn.
Nhưng ông phó giám đốc lại nói:
- Ông phắc-tơ về đi.
Ông cò Lương giật mình, tưởng lãng tai:
- Thưa... tôi phải về? Tại sao tôi phải về?
- Con trai. Gần 4 kí. Bà ấy đang chờ. Mẹ tròn con vuông, ông được phép nghỉ một tuần. Nghỉ một tuần, kể từ phút này...
Cơn ưu tư vừa chấm dứt. Vợ ông vừa sinh con trai. Ông mừng húm bò ra khỏi chỗ núp.
Trong chốc lát ông đến nơi đậu xe. Xa lộ Biên Hòa thẳng tắp dưới mưa. Tài xế phóng hết tốc độ song ông vẫn thấy chậm như rùa. Sau những phút nóng ruột dài vô tận ông mới được gặp mặt vợ ông. Ông ôm ghì đứa con trai yêu quý vào lòng, mắt lim dim, cánh mũi phập phồng. Vợ ông nắm tay ông, thân mật:
- Anh được nghỉ phép hả? Mai quá. Anh về nhà với con đi. Nó nằm một mình tội nghiệp.
Thật vậy, bé Hồng Điệp phải ở nhà một mình trong khi mẹ đi bệnh viện và cha vùi đầu vào công vụ. Ngôi nhà rộng thênh thang chỉ có một mình Hồng Điệp và u già. Hồng Điệp là con bướm hồng. Nó cũng mê bướm như ông...
Ông cò Lương bước vội qua giàn cây leo quen thuộc, đẩy nhẹ cửa phòng khách, sợ kinh động giấc ngủ của con. Phòng Hồng Điệp thắp ngọn đèn nhỏ màu hồng. Ông vén mùng nhìn con. Nó quay mặt về phía ông. Nỏ giống mẹ như đúc.
Tứ phía hoàn toàn yên tĩnh. Tình cờ ông ngó lên tường. Mắt ông chạm tấm lịch. Con số 7 lớn bằng hai bàn tay in chữ xanh đậm nét đập mạnh vào nhỡn tuyến.
Ông bàng hoàng buột miệng:
- Con số 7... Trời ơi!
II
7 là con số chứa nhiều ý nghĩa đối với ông Lương. Ông không thể nào quên một một trưa thứ 7, cách nay 7 tháng, nhân ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 7 của Hồng Điệp, gia đình ông ra Vũng Tàu đổi gió.
Ngày ăn mừng sinh nhật suýt nữa là ngày giỗ cùa Hồng Điệp. Vả suýt nữa ông cò Lương thành góa bụa...
Trời mới xế trưa nên bãi biển còn vắng. Bãi Sau chỉ lèo tèo mấy người ngoại quốc không sợ nắng. Nắng mỗi lúc một gắt, bé Hồng Điệp đòi nhặt vỏ sò, ông cò Lương đành phải chiều con.
Bé Hồng Điệp mặc cái may-ô mầu hồng xinh tươi. Da nó trắng như da trứng gà bóc, ông ngắm con hoài không chán. Nó đội mũ vải rộng vành, men theo những tảng đá mấp mé mặt nước, cười nói vui vẻ luôn miệng. Vợ ông cò không tắm tuy thân hình bà chưa đến nỗi bị tuổi tác làm sộc sệch. Bụng bà còn thon mỏng như con gái, không ai biết bà mang thai hơn hai tháng. Bà nằm dài trên cái khăn bông rộng nhiều mầu sặc sỡ, mắt đeo kiếng đen để che nắng.
Gia đình ông đến Cấp từ sáng sớm. Đáng lẽ ông ra xe từ nãy vì buổi tối ông có cuộc họp quan trọng hàng tháng với cấp chỉ huy ở Saigon. Ông hoãn lại một giờ theo ý muốn của bé Hồng Điệp. Con bạn thân cùng lớp của nó có một bộ vỏ sò thật đẹp. Ba thích bướm, ba cất hàng ngàn con bướm đủ giống, đủ cỡ, đủ mầu trong nhà, con không thích vỏ sò được, hả ba? Con đã lượm được khá nhiều, chỉ cần mấy cái nữa thôi... ba ơi, ba chịu khó lại chỗ con chỉ đề gỡ cái vỏ trắng xóa bám chặt vào đá... Nó đấy, ba thấy chưa? Bé Hồng Điệp líu lo như chim sơn ca. Nó năn nỉ cha nó bằng những lời lẽ dễ thương. Biết sẽ về chậm, thất lễ với thượng cấp ông cò Lương vẫn phải chiều con gái. Hồng Điệp là tất cả đời ông. Ông sẵn sàng đổi cuộc sống của ông để lấy nó. Huống hồ chỉ ở lại một giờ đồng hồ để nhặt vỏ sò trên bãi biển vắng...
Bãi biển vắng thật. Chẳng hiểu sao ông cò Lương quên bẵng điều đó. Ông quên bẵng Bãi Sau là nơi giấu nhiều bẫy ngầm. Vô ý sẩy chân xuống biển, gặp hố sâu hoặc nước xoáy là tai nạn chết người xảy ra như chơi. Nói cho đúng, ông đã cẩn thận theo dõi bé Hồng Điệp, từng giây từng phút. Ông luôn luôn canh chừng nó. Vợ ông dặn đi dặn lại:
- Cẩn thận, nghe anh!
Ông cười:
- Nó có nhảy xuống tắm mới cần cẩn thận! Không lẽ tự dưng nó bị nước cuốn.
- Đừng nói gở anh ơi. Anh nên cẩn thận vì ở đây tháng nào cũng có người chết.
- Dĩ nhiên. Không biết bơi thì la cà đến Bãi Sau làm gì. Tắm ở Bãi Trước thì chết đuối sao nổi.
- Tuần trước, một ông chủ hãng buôn không tắm mà bị chết đuối ở đây. Ông ta không phải là nạn nhân thứ nhất. Nhiều người đã bị chết đuối trước ông, một cách lãng xẹt.
- Lãng xẹt?
- Vâng... không tắm mà bị chết đuối là lãng xẹt... Ông ta đang đứng trên tảng đá, bị trượt chân té xuống nước. Chỉ có thế thôi. Nước ở đó chỉ lên đến đầu gối Ông ta lập tức bị nước cuốn ra khỏi bờ. Ông ta kêu cứu nhưng không ai đến kịp. Hôm ấy bãi biển quá vắng. Đến khi người ta từ quán ăn bên trên chạy xuống thì nạn nhân đã chìm lỉm. Gần chục tay bơi giỏi cộng với hai chiếc ca-nô сấр cứu mở cuộc tìm kiếm suốt ngày mà không thấy gì hết. Nạn nhân đã bị sóng ngầm сuốn kéo ra khơi. Dân chài ở đây nói rằng dọc bờ biển có 4, 5 chỗ sóng ngầm rớt xuống là chết. Chết mất xác. Trừ phi bơi thật giỏi, hoặc được cứu kịp thời... Nè anh, em nóng ruột quá anh ơi... chúng mình về đi...
- Chắc cái thai nó hành em... Đích thị là con trai. Sau này nó nghịch phải biết.
- Không phải cái thai. Sự nóng ruột của em hơi lạ. Em vừa có linh tính...
Vợ ông cò Lương không nói hết câu. Đang nằm nghiêng nhìn ra khơi bà đột nhiên vùng dậy gọi thất thanh:
- Hồng Điệp, Hồng Điệp đâu rồi?
Vợ ông cò Lương đã nhìn thấy tai nạn trước khi nó xảy ra. Bé Hồng Điệp đang chới với trên mặt nước sủi bọt đục ngầu. Tại sao nó té, không ai rõ. Những tiếng «ba ơi» tuyệt vọng không át được tiếng rền của sóng. Bầu không khí yên lặng gần như bất động bỗng lay chuyển dữ dội, những đợt sóng cao ngất nổi lên cách bờ một trăm mét rồi cuồn cuộn chạy vào.
Ông cò Lương choáng váng, lưỡi và tay chân cứng lại. Ông vốn điềm tĩnh, hơn một lần trước cảnh hiểm nghèo, tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng ông vẫn thản nhiên như không. Lần này, ông không còn là ông nữa. Ông muốn kêu con mà tiếng kêu của ông bị khô cứng thành cục trong cổ họng. Ông muốn phóng nhanh như hỏa tiển về phía bé Hồng Điệp song khoảng cách mươi mười lăm mét khi ấy lại xa lắc, xa lơ, xa đến nỗi ông cò có cảm tưởng ông đi suốt đời cũng không thể đến nơi.
Sau cùng ông vẫn rút được hai chân khỏi phiến đá. Ông chỉ chạy được một bước thì ngã sóng soài. Trán ông bị đập vào mỏm đá nhọn, máu tuôn xối xả. Ông bị xửng vửng, không sao ngồi dậy được nữa. Ông nghe loáng thoáng bên tai tiếng kêu của bé Hồng Điệp và tiếng kêu của vợ ông. Hai tiếng kêu quyện chặt vào nhau như muốn xé toang nhĩ tai ông và bầu không khí xế trưa trên bãi biển Vũng Tàu...
Vợ ông đã nhìn thấy ông ngã vùi. Bà biết ông cò Lương không thể tiếp tục cứu bé Hồng Điệp được nữa. Chỉ còn lại mình bà. Trên bãi biển lơ thơ vài cặp nam nữ tắm nắng. Bà không biết cách cứu người sắp chết đuối.
Vậy mà bà nhảy ùm xuống biển...
Bé Hồng Điệp bị ngập nước đến ngực. Hai cánh tay trần trắng trẻo, mũm mĩm của nó ngoắt vẫy rối rít. Nước ngập đến cổ. Rồi ập vào cái miệng ưa làm nũng mẹ của nó. Nó ho sặc sụa. Nhưng nó vẫn nổi. Tình trạng mẹ nó còn bi thảm hơn nhiều. Bà vừa lăn xuống nước thì chìm luôn...
Ông cò Lương chứng kiến rõ ràng những gì đang xảy ra cho vợ và con ông. Ông nhìn thấy mà không thể hành động. Thân thể ông bất động như tượng đá. Cho dẫu ông phục hồi được sự dẻo dai thường ngày cũng vô ích. Vì ông bị bong gân chân cả hai mắt cá đều bị thương cùng một lúc. Định mạng éo le thật!
Khi bé Hồng Điệp sắp chìm hẳn và bị nước cuốn ra xa thì một thanh niên vạm vỡ từ trên cao nhào xuống. Thanh niên còn mặc nguyên quần tây ống rộng lòa xòa và đeo kiếng mát. Y đang ngồi hút thuốc lá một minh trên bờ thì thấy hai mẹ con bé Hồng Điệp gặp nạn. Trong lúc tuột xuống biển, y bị thương nơi vai, máu ướt đỏ áo sơ-mi trắng. Nhưng y không lưu ý tới. Y chuồi nhanh ra xa, bé Hồng Điệp chỉ còn nửa bàn tay ngo nguẩy trên mặt nước bập bềnh.
Y tỏ ra thành thạo về môn cứu người chết đuối. Trong loáng mắt, y nắm được tay Hồng Điệp, ôm xốc lên vai. Y chuyền nó cho một người đàn ông vừa từ trên bờ xuống phụ giúp. Việc cứu bà vợ của ông cò Lương có vẻ khó khăn hơn nhiều. Thanh niên phải hụp lặn nhiều lần mới tìm thấy. Khi bà được vớt lên thì thân thể đã lạnh, bụng phình nước. Thanh niên áp dụng phương pháp hô hấp nhân tạo trước con mắt thán phục của công chúng.
Lâu lắm, nạn nhân vẫn trơ như khúc gỗ. Ông cò Lương mếu máo:
- Tội nghiệp, vợ tôi không thở nữa rồi...
Thanh niên ngẩng đầu:
- Ông yên tâm. Bà nhà sẽ sống lại.
Y nói đúng. Ngực bà phồng lên xẹp xuống nhè nhẹ. Khi xe Hồng thập tự rú còi đến Bãi Sau thì hai mẹ con đã hoàn toàn bình phục. Ông cò Lương mải quấn quýt bên vợ và con, quên phứt ân nhân. Ông hốt hoảng vịn vai một người bạn lê chân lại phiến đá gần đấy, ân nhân của ông đang xách cái tủi vải đựng đồ tắm, sửa soạn lên xe hơi.
Xe hơi của y là chiếc 2 ngựa cũ kỹ, sộc sệch, sườn tôn lở sơn, méo mó gần hết. Y trèo lèn xe, sắp nổ máy thì ông cò Lương hớt hơ hớt hải đến bên.
- Ông ơi, ông ơi!
Thanh niên giật mình:
- Ông gọi tôi?
Ông cò Lương nói:
- Vâng... ông là ân nhân của gia đình tôi. Ông đã cứu sống ba người. Phải, cứu sống bốn người...
- Có hai thôi.
- Vợ tôi mang thai được hai tháng rưỡi. Vợ tôi, con gái Hồng Điệp của tôi, và cái bào thai. Vị chi là ba. Nếu họ chết đuối hôm nay chắc chắn tôi sẽ nhảy luôn xuống biển. Ơn của ông, tôi...
- Ơn với huệ gì...
- Ông là người can đảm tôi chưa từng thấy.
- Ha ba... Tôi rút rát lắm. Chẳng hiểu sao hôm nay tôi lại nổi hứng lao đầu xuống biển. Thôi, chào ông nhé, tôi đi đâỵ.
- Phiền ông nán lại một lát.
Thanh niên nhăn mặt:
- Nán lại, nán lại, ông muốn gì?
Giọng nói của y khô khan, hầu như bực bội. Lông mày у ríu lại, đầy vẻ dữ tợn. Giây phút ấy ông cò Lương mới có dịp quan sát kỹ mặt y. Khổ mặt xương xương, nước da xanh tái này thường biểu hiện cho một nội tâm khép kín, lạnh lùng như nước đá. Lăn lộn nhiều năm trong nghề, ông cò Lương không thể xét lầm. Thanh niên vừa cứu sống gia đình ông thnộc loại sắt đá và tàn nhẫn. Tại sao у lại cứu sống gia đình ông?
Chỉ một tích-tắc đồng hồ sau, ông cò Lương hối hận tràn trề. Bộ áo chùng có làm ông thầy tu được đâu, ông chợt nghĩ. Những năm sống trà trộn với tội phạm khiến ông méo mó nghề nghiệp cũng nên. Tướng mạo của gã thanh niên không mấy hào hoa, biết đâu у mang trong lồng ngực trái tim của bậc đại thánh...
Ông cò Lương dịu dàng, tha thiết:
- Tôi là Nguyễn Văn Lương, thẩm sát viên Công an. Nhà riêng của tôi ở... Yêu cầu ông cho biết quý danh để gia đình tôi đến tận nơi cảm tạ...
Thanh niên quay sang bên, lúi húi tra chìa khóa công-tắc. Động cơ nổ ròn, y đeo cặp kiếng mát lớn như kiếng tài-xế xe đua trên vòng chảo, giọng ồm ồm:
- Khỏi cần.
Thanh niên đạp mạnh ga xăng. Chiếc xe hai ngựa mỏng mảnh lại khỏe đáo để. Nó chồm lên giốc, bụi đỏ bắn tung tóe. Mũi miệng ông cò Lương bị bụi đỏ xâm chiếm. Ông ôm ngực ho sặc sụa. Xe cua gã thanh niên khuất ở khúc rẽ ông mới nhún vai:
- Hơi lạ... Người đâu mà tốt thế... Làm ơn xong lặng lẽ bỏ đi, không muốn ai biết tên... Riêng mình, cái ơn cứu tử ấy mình sẽ không quên, không bao giờ quên.
III
Không quên... Đêm nay, bổng dưng ông thèm hơi men tuy ông ghét rượu, ông vốn sợ chất cay hơn cả người đau bao tử sợ thức ăn dính mỡ. Vợ ông mới sinh quý tử, ông phải uống rượu mừng mời được. Ông sẽ mời bạn bè thân sơ trong Sở đến dự thật đông. Mừng con trai mới là một lý do. Anh em vòi nhậu nhẹt vì ông được ân thưởng Bảo quốc huân chương, sau nhiều năm phục vụ gương mẫu và đắc lực. Có con trai, có Bảo quóc huân chương, lại được thăng chức... trời ơi... ý nguyện của đời ông đã thành đạt. Ông sẽ được cất nhắc làm phó giám đốc. Rồi giám đốc. Rồi... Ngày về hưu, ông sẽ là viên chức cao cấp nhất của ngành cảnh sát...
Tất cả hạnh phúc của ông tùy thuộc vào buổi trưa thứ 7 cách nay 7 tháng nhân ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 7 của bé Hồng Điệp. Nghĩa là tùy thuộc vào chàng trai bí mật không tên. Y là ai? Y ở đâu? Ông cò Lương mất bao công phu hỏi han, tìm kiếm mà ân nhân vẫn chỉ là cây kim đáy biển. Thiếu ân nhân, bữa tiệc mừng sẽ không lý thú, không vui tươi nữa.
Ông lẩm bẩm:
- Lạy Trời… ước gì…
Ông ao ước được gặp lại ân nhân. Gặp lại để nâng chén rượu mừng… Giấc mơ tái ngộ hoan lạc của ông cò Lương bị đứt quãng vì chuông điện thoại reo. Giọng nói quen thuộc của ông phó giám đốc:
- Anh phắc-tơ? Bao giờ mới chịu cho uống rượu đây?
Ông phó là bạn tốt, trong giờ làm việc thường gọi bằng ông, khi nói chuyện riêng thì dùng tiếng anh gần gũi. «Anh phắc-tơ», danh từ này có nghĩa là ông phó nói chuyện riêng. Ông phó cũng là kẻ thù của Lưu Linh, ông phó đòi rượu thì từ khước không dễ.
Ông cò Lương bèn vâng một tiếng lớn. Nhân tiện ông hỏi thăm về cuộc hành quân vây bắt đảng cướp Bướm Vàng. Ông phó chép miệng:
- Hắn vù mất rồi. Tiếc ôi là tiếc, nếu anh còn ở đó thì hắn trốn không nổi. Vì anh thuộc lòng từng gốc cây, từng bụi rậm. Nhưng cũng chẳng sao. Sớm muộn hắn cũng sa lưới. Mọi ngõ ngách lớn nhỏ, ngang dọc, trong đường kính 3 cây số đã bị chặn bít. Mình đang tiến hành cuộc lục soát. Có cả bên quân đội phụ giúp. Trừ phi hắn hóa thành con muỗi mới có hy vọng thoát thân.
- Hắn trốn bằng lối nào?
- Bằng cửa hông, và vượt qua bức tường thấp nơi anh thường núp. Tên chánh đảng nuôi chó săn, anh em mình bò đến gần thì đám bẹt-giê báo động. Ba, bốn con gì đó. Loại bẹt-giê này nhỏ, thân lẳn, cẳng thấp, trông như chó Phú Quốc, mà thính hơi và khôn đặc biệt. Chúng chỉ sủa gâu gâu mấy tiếng ngắn rồi phủ phục trên mặt đất chờ cắn trộm. Trong khi ấy bọn cướp ở trên lầu bố trí phá vòng vây. Phân nửa số nhân viên của ta bị bẹt-giê ngoạm cổ bị thương nằm la liệt. Tôi tràn vào đến chân cầu thang thì bọn cướp từ lầu nhất bắn xuống xối xả.
Bên mình đông hơn, lại được trang bị súng tốt, đạn dược đầy đủ, do đó bọn cướp phải tháo chạy mà không đầu hàng. Ta hô chúng đứng lại nhiều lần, chúng không tuân lệnh, miễn cưỡng tôi phải rа lệnh cho xạ thủ bắn hạ.
5 tên trúng đạn chết ngay tại trận. Tên thứ 6, cận vệ thân tín của tên chánh đảng, bị 3 phát xuyên ngực, сhở về bệnh viện ngắc ngoải giờ lâu mới tắt thở. Trước khi chết, tên này đã khai một vài chi tiết quan trọng về tên chánh đảng. Căn cứ vào khẩu cung, và kết quả phân chất những giọt máu của tên chánh đảng rơi rớt trên ghế, ta đã phăng ra hình dạng và căn cước của hắn. Sau đó, ta đã chụp được dấu tay. Và những dấu tay này cộng với những chi tiết vừa kể đã giúp ta phăng ra tên tuổi, gốc gác của tên chánh đảng...
- Hắn cũng bị thương?
- Phải. Bị thương nặng ở cánh tay. Dường như hắn còn một viên đạn chui qua bắp vế. Hắn di chuyển rất khó khăn, mệt nhọc, nên tôi mới kết luận là hắn còn lảng vảng trong khu vực, chưa đi đâu xa. Máu từ vết thương của hắn đem phân chất cấp thời trong phòng thí nghiệm lưu động của Sở cho thấy hắn thuộc típ người lạnh lùng, tàn bạo, coi cái chết như trò chơi, thân thể hắn lại mảnh mai, xanh xao vì số lượng hồng huyết cầu quá ít ỏi. Đem so với hồ sơ lưu trữ trong Ban Căn cước thì đúng ngắc. Tên hắn là Đại Nhân, Đỗ Đại Nhân. Hừ, đại nhân là người quân tử, hắn lại chẳng quân tử một li ông cụ nào... Hắn mồ côi cả cha lẫn mẹ từ tấm bé, cha mẹ hắn thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi, hắn là con nhà giầu đàng hoàng, nếu các ông chú và bà thím không giở trò lưu manh cướp đoạt của chìm của nổi do cha mẹ hắn để lại thì hắn đã được ăn học đến nơi đến chốn, và không lao đầu vào tội ác...
- Đại Nhân là chánh đảng Bướm Vàng?
- Đích thị. Hắn lập ra đảng cướp, đàn em được chọn lọc và huấn luyện kỹ càng. Kế hoạch ăn hàng đều do Đại Nhân bố trí. Hắn khôn thật là khôn, mỗi lần xuất quân đều dặn đò đàn em cẩn thận từng li từng tí. Tuyệt đối không được giết người. Vì sát nhân tất giả tử. Nhất là không được giết nhân viên công lực. Đại Nhân nói rằng ăn cướp chỉ bị ngồi tù, lâu hay mau thì cũng được trả tự do. Chứ hễ giết người là nằm nhà đá suốt đời, mãn kiếp, hoặc đút đầu vào máy chém...
- Ông phó cho phép tôi tham dự cuộc lùng bắt đêm nay nhé!
- Phép với tắc gì. Chúng mình là bạn. Vả lại, tôi kêu cho anh không phải với tư cách phó giám đốc. Anh cứ chuẩn bị rượu và đồ nhắm di...
Ông cò Lương buông máy, bâng khuâng. Chẳng hiểu sao khi ấy ông lại muốn lùi về quá khứ. Ông lấy cuốn an-bom cất trong ngăn kéo ra ngắm lại những bức ảnh đầy kỷ niệm đẹp. Cuộc hôn lễ của hai người... Tuần trăng mật nồng cháy ở Vùng Tàu... Những bức ảnh mầu rực rỡ của bé Hồng Điệp nằm ngoan ngoãn trong cái nôi mây xinh xắn, chập chửng bước trên sân cỏ xanh mướt sau nhà bên giàn hoa thiên lý thơm ngạt ngào. Những cuộc đổi gió cuối tuần ở Vũng Tàu...
Vũng Tàu... lại Vũng Tàu... Bất giác ông nhớ đến bé Hồng Điệp, và vợ ông bụng mang dạ chửa đang vùng vẫy một cách tuyệt vọng trên mặt biển đục ngầu...
Ông lắc đầu nhiều lần song dĩ vãng cứ bám cứng lấy màn ảnh của trí nhớ. Ông gấp cuốn an-bom, bước vào phòng bé Hồng Điệp. Nó vẫn ngủ say. Miệng nó nở nụ cười thơ ngây. Ông cò Lương xiết bàn tay bé nhỏ, mềm yếu của con. Ông nắm quá chặt nên nó vùng dậy. Nó nhìn ông ngơ ngác. Nhận ra ông, nó kêu sung sướng:
- Ba, ba.
Ông ôm chặt con vào lòng.
Vừa khi ấy có tiếng chuông.
Không phải chuông điện thoại.
Mà là chuông cửa. Nhà ông nằm giữa khu vườn rộng, cửa cổng luôn luôn khép hờ, không khóa, một tấm bảng nhỏ sơn trắng, chữ đỏ treo ngay trước mắt khách “xin mời khách đi thẳng vào trong, bấm chuông ở mái hiên, nơi có mũi tên chỉ”.
Reng… reng…
IV
Reng… reng…
Hai tiếng reng reng ngắn. Rồi im. Rồi nửa phút sau lại reng reng liên tiếp. Đúng ba lần như thế.
Ông cò Lương khua chân tìm giép. Ông chưa ngủ. Thần trí ông còn đầy ấp những sự vẩn vơ song mí mắt ông nặng chĩu, tay chân ông mỏi rừ. Ông ngồi nghỉ trên giường, chưa xuống vội. Reng reng... reng reng... Kỳ quặc... ai đến tìm mình vào giờ này? Ông tự hỏi. Và ông tự trả lời ngay «chắc là mấy ông mãnh trong Sở». Họ lục lọi trong vùng, tiện chân tạt qua nhà ông, kiếm hớp rượu hoặc một cái gì đỡ đói lòng. Tuy nghèo ông rất tốt. Không những tốt với bạn thân, bạn đồng liêu, ông còn tốt với tất cả. Anh em cùng Sở đến nhà ông đều được tiếp rước hậu hĩ. Đàn gà vịt của ông được nuôi béo ngậy để bán lấy tiền gia tăng ngân quỹ gia đinh vì lương tháng một thẩm sát viên công an thanh liêm chỉ đủ ăn trong một, hai tuần lễ. Vậy mà ông luôn luôn mổ thịt thết bạn. Không khéo họ nghe nói ông mới thả cá chép trong ao họ mò đến xin cũng nên... Hừ... thiếu gì lúc, lại gõ cửa ban đêm...
Ông mở đèn phòng khách. Tiếng reng reng ngưng bặt. Anh đèn sáng vừa cho khách thấy là ông đang ở nhà. Khách lên tiếng:
- Tôi đây.
Một giọng hơi lạ. Vùng ông sống rất an ninh, chưa hề xảy ra cướp bóc. Vả lại, ông cũng chẳng có tiền bạc dư dật, hoặc vàng bạc, kim cương để quân gian chiếu cố. Tuy vậy, ông vẫn chưa mở cửa.
- Tôi là ai?
Từ hàng hiên rộng bên ngoài vẳng vào tiếng đàn ông:
- Tôi đây mà... “ông phắc-tơ”...
Phải là nhân viên trong Ban Điều tra như ông mới biết được hỗn danh «ông phắc-tơ». Ông bèn nhấc cái trốt sắt rồi mở khóa...
Gió ngoài vườn ùa vào. Khách là một thanh niên chưa đến ba mươi, khổ mặt xương xương, nước da xanh tái mặc dầu thân hình vạm vỡ, bờ vai dày cộm. Ông cò Lương lùi lại, nhìn khách bằng thái độ ngờ ngợ.
Khách tiến vào xa-lông. Ông cò Lương hỏi:
- Ông cần tôi?
Khách gật đầu:
- Vâng.
- E ông lầm. Tôi chưa được hân hạnh biết ông.
- Không lầm đâu. Chúng mình đã gặp nhau. Một lần. Cách đây không lâu. Chỉ gặp mỗi một lần nhưng phải nhớ mãi.
Giọng khách khàn khàn, chắc nịch, có vẻ ngạo nghễ. Khách chỉ cánh cửa:
- Đóng lại, ông ơi. Tôi đinh ninh ông nhớ. Тhì ra ông quên. Phú quý thường làm con người chóng quên. Ông ơi, ông nhìn tôi lần nữa đi. Nào... ông đã nhận ra tôi chưa?
Ông cò Lương bật ra tiếng ồ kinh ngạc, nửa mừng nửa sợ. Ông đã nhận ra người lạ. Lối nói và lối cười (bất cần thiên hạ) ấy ông đã nghe một lần song đã khắc sâu vào tâm não.
Ông reo vui và chìa tay:
- À, ông... ông bạn ân nhân ở Vũng Tàu.
Khách cười:
- Đúng. Chúng mình đã được quen nhau 7 tháng trước ở bãi biển Vũng Tàu.
Ông cò Lương có cảm giác như bị nhiều mũi kim nhọn đâm vào lồng ngực. Trái tim đập thình thịch, ông quan sát khách từ đầu xuống chân. Tóc khách rối bù, dính đất bùn, chứng tỏ khách té ngã trong mưa. Quần áo khách ướt nhèm cũng dính đất bùn bẩn thỉu. Nhưng điều làm ông cò Lương lo lắng không yên là những vết máu trên mình khách. Máu trên vai, trên cẳng tay. Máu trên bắp đùi. Máu loang lổ khắp nơi.
Ông cò Lương hỏi, rụt rè:
- Ông bị thương?
Khách cười nhạt:
- Không lẽ những vết đỏ trên áo tôi là mực.
- Ông bị nạn xe hơi?
- Hừ... tôi lái xe rất giỏi. Chiếc 2 ngựa cà tàng của tôi đã được bán rẻ cho tiệm đồng nát. Từ mấy tháng nay tôi không dùng xe riêng nữa... Tôi có ý nghĩ là ông đang bối rối. Sự thực đang hiện ra rõ ràng trước mắt ông, song ông cố tình lẩn trốn.
- Tội nghiệp... ông bị đạn.
- Vâng... bị nhiều phát đạn cùng một lúc. Họ nã tiểu liên vào tôi. Hai ba sạt- giơ bắn liên tục. Họ bắn cà-mèng, nếu họ giỏi hơn một chút, tôi đã gục chết. Nhưng ông ơi, xương vai tôi bị gẫy. Viên thứ nhì chui qua bắp vế. Tôi mất máu khá nhiều...
- Ông đừng ngại, tôi có sẵn xe. Tôi chở ông đi nhà thương ngay.
- Cảm ơn. Ông dư biết tôi không thể đi nhà thương. Mặc dầu vai tôi cần được bó bột. Ông vòng vo Tam quốc làm gì nữa. Tôi làm nghề gì, ông đã rõ. Tại sao tôi trúng đạn, ông đã rõ. Tên tôi là gì, ông đã rõ... Tôi muốn tự ông nói ra...
- Ông là Đỗ Đại Nhân.
- Đúng. Tên cúng cơm là Đỗ Đại Nhân. Còn tên giả thì hàng chục, đến tôi cũng không nhớ hết. Tôi là chánh đảng Bướm Vàng... Chánh đảng Bướm Vàng với kẻ nhảy xuống biển cứu con ông, vợ ông tại Bãi Sau chỉ là một. Ông đã nghe rõ chưa?
Tôi là tướng cướp Đỗ Đại Nhân. Toàn thể nhân viên an ninh đang rượt bắt tôi...
Ông cò Lương lặng người trong giây lát. Rồi ông lấy tay dụi mắt như vẫn chưа tin những việc đang xảy ra là sự thật, sự thật trăm phần trăm:
- Ông Đại Nhân, chắc ông chưa biết tên tôi và nghề nghiệp của tôi... Vì tôi nghĩ rằng...
- Ông lại lẫn trốn sự thật nữa rồi. Dầu sao tôi cũng là kẻ có học thức. Tôi là tên tướng cướp đầu tiên đậu Tú Tài và có hai chứng chỉ đại học. Tôi ham đọc sách, ham tìm tòi... Tôi rất chín chắn, bất cứ việc gì cũng suy tính trước. Ông đừng tưởng tôi mù tịt về ông. Phải... khi tôi lao đầu xuống biển thì tôi mù tịt thật. Nhưng sau đó, ông đã tự xưng tên họ. Ông lại đưa tấm thiếp của ông cho tôi, kèm theo lời mời mọc tha thiết. Tôi xin nhắc lại lời mời hôm ấy: «tôi là Nguyễn Văn Lương, thẩm sát viên Công an. Nhà riêng của tôi ở... Yêu cầu ông cho biết quý danh để gia đình tôi đến tận nơi cảm tạ.»
Tự dưng ông cò Lương nổi giận đùng đùng. Mặt đỏ gay, ông mở cửa:
- Phiền ông đi ngay.
Đại Nhân nhún vai, nét mặt không thay đổi:
- Ông nhất quyết đuổi tôi?
- Phải, ông nên rời khỏi nhà này trước khi tôi đổi ý kiến. Dầu sao tôi cũng là thẩm sát viên Công An.
Không đáp, tướng cướp Đỗ Đại Nhân từ từ bước ra cửa. Trên nắp tủ buýp-phê đựng ly tách kê sát tường bên trái được đặt một bức hình mầu mới chụp. Bức hình toàn gia ông cò Lương. Bé Hồng Điệp ngồi giữa, trong vòng tay âu yếm của cha và mẹ. Miệng nó cười rí rỏm đáng yêu. Mắt nó mở rộng, hồn nhiên và khả ái.
Tướng cướp Đại Nhân đứng lại:
- Đẹp quá, giống quá!
Ông cò Lương giật bắn châu thân như vừa chạm dòng điện:
- Anh nói cái gì đẹp, cái gì giống?
Vô tình ông gọi Đại Nhân bằng anh. Tiếng anh còn ngại ngùng, chưa bộc lộ thân mật, song đã báo hiệu sự gần gũi. Đại Nhân tiến sát tủ buýp-phê, ngón tay trỏ dí vào bức ảnh:
- Cặp mắt và lông mi. Đẹp thật. Giốug thật. Tôi chưa từng thấy mắt và mi ai như vậy.
Tên tướng cướp nói đúng, vợ ông cò Lương có cặp mắt và vành mi mĩ tú và quý phái khác thường. Xuống đến bé Hồng Điệp, cặp mắt và vành mi giống mẹ như đúc cùng khuôn, tuy nhiên ai cũng có cảm tưởng là nó mĩ tú và quý phái hơn. Hồi bé Hồng Điệp lên 5, vợ chồng ông Lương vào Chợ Lớn cân thuốc Bắc tình cờ gặp một ông thầy tướng Tàu nổi danh. Ông thầy tấm tắc khen ngợi cặp mắt và vành mi của bé. Theo lời ông thầy, bé Hồng Điệp sẽ được hưởng phú quý trọn đời. Mi của bé là mi ngọa-tằm, nghĩa là mi hình con tằm đang ngủ, yêu kiều mà đoan chính. Mắt của bé mới kỳ diệu. Đẹp nhất đối với phụ nữ là mắt phượng, mắt của bé là mắt phượng, và là loại mắt phượng số một.
Có 4 kiểu mắt phượng: đơn phượng, minh phượng, thoại phượng và thùy phượng. Mắt thoại phượng, mắt con chim phượng đang thức đẹp vô kể, song mắt thùy phượng, mắt con chim phượng đang ngủ còn đẹp gấp nhiều lần. Cặp mắt thùy phượng của bé Hồng Điệp là niềm an ủi bất tận cho ông cô Lương. Đó là phần thưởng của một đời công chức mẫn cán, tận tụy và tuyệt đối trong sạch...
Đạt Nhân đi ra đến ngưỡng cửa.
Gương mặt sám ngoẹt thiểu não của bé Hồng Điệp buổi trưa ấy trên bãi biển vụt hiện trong trí ông cò Lương. Cặp mắt thùy phượng độc nhất vô nhị kia đã khép cứng. Chậm vài ba phút nữa là nó khép cứng ngàn thu, không bao giờ mở nữa. Không bao giờ ông còn nhìn thấy cặp mắt gồm tròng đen và tròng trắng phân minh, đen thì đen láy, trắng thì trắng dịu, không khô cũng không ướt, luôn luôn hiền hòa, luôn luôn tha thiết... Đại Nhân đã cứu bé Hồng Điệp kịp thời. Đại Nhân còn kịp thời áp dụng phương pháp hô hấp nhân tạo. Nếu Đại Nhân vắng mặt hôm ấy chắc chắn không còn có hôm nay...
Tướng cướp Đại Nhân đặt bàn tay vào nắm cửa. Hắn xây lưng về phía ông. Ông thấy rõ những vết máu loang lổ trên vai và ống chân. Ông thấy rõ bả vai đứt lìa. Ông thấy rõ hắn bước khập khiễng. Muốn gì thì muốn, hắn đang cần được săn sóc. Lau rửa, sát trùng vết thương. Băng bó. Chích thuốc khỏe...
Hoảng hốt ông kêu tên hắn. Kêu lớn. Kêu hai ba lần liên tiếp. Như thể ông sợ Đại Nhân điếc tai hoặc nghe tiếng nhưng đi thẳng một mạch để tỏ sự giận hờn, bất mãn.
Giọng Đại Nhân dịu dàng:
- Anh Lương, auh cũng còn nhớ buổi trưa định mạng nữa ư?
Ông cò Lương không trả lời thẳng vào cân hỏi của tên tướng cướp:
- Mời anh vào phòng trong. Tôi sẽ rịt thuốc cho anh.
- Nghĩa là anh không nhất quyết đuổi tôi nữa?
Ông cò Lương lẳng lặng khóa cửa. Ông móc thêm sợi dây xích giữa 2 cánh cửa. Sợi dây xích này là dụng cụ an toàn cần thiết, khi cửa mở hé quân gian từ ngoài xô vào thì bị cản lại. Đại Nhân nhếch mép cười trước cử chỉ của ông cò Lương. Đến phút nàу hắn đã thắng...
Hắn muốn bắt chuyện với ông nhưng ông cố tình né tránh. Ông lấy thuốc lá cho hắn hút. Ông rót rượu, bưng lại trước mặt hắn. Rồi ông loay hoay với cái hộp đựng dụng cụ у khoa cứu cấp. Ông cắt ống sơ-mi để lộ vết thương trên vai, cặm cụi pha thuốc tím, dúng bông chùi rửa. Viên đạn không chạm xương, cũng không làm đứt mạch máu, nó chỉ khoét một lỗ tròn xuyên thủng bắp tay rồi chạy ra ngoài. Vết thương dưới đùi cũng vậy. Đại Nhân có thể được bình phục sau một tuần lễ.
Ông cò Lương đốt rề-sô, luộc ống chích. Đại Nhân ngoan ngoãn chìa mông cho ông tiêm thuốc trụ sinh. Đột ngột, ông nói:
- Anh không sợ ư?
Hắn hơi ngạc nhiên:
- Sợ gì?
- Sợ thuốc. Sợ tôi...
-Không bao giờ... Tôi biết anh là người quân tử. Vả lại, dầu muốn dầu không tôi vẫn phải ghé nhà anh. Ngôi nhà trên xa lộ là sào huyệt kín đáo nhất của tôi. Tôi chỉ tụ họp đàn em tại đó những khi cần bàn bạc quan trọng. Đề phòng cảnh sát, tôi luôn luôn mở bắt luồng sóng an ninh. Tôi không dè lần này cảnh sát dùng một tần số đặc biệt, đến khi các anh bò vào gần đến sân tôi mới phăng ra thì đã muộn… Tôi đã nghe lỏm được cuộc đàm thoại của anh với viên phó giám đốc. Vì vậy tôi biết hỗn danh anh là «phắc-tơ». Thú thật, tôi không muốn phiền anh. Vạn bất đắc dĩ tôi mới phải đến đây...
- Nhắc lại để anh nhớ, tôi là thẩm sát viên cảnh sát... tôi có bổn phận...
- Nhớ rồi. Khắp vùng đều có nút chặn, tôi ghé nhà anh với hai mục đích: thứ nhất băng bó vết thương, thứ hai, ẩn náu một thời gian ngắn, chắc chỉ đến trưa mai lực lượng bao vây rút lui; lúc ấy tôi sẽ ra đi. Anh thường ân hận chưa có cơ hội đền đáp cái ơn cứu mạng. Tôi đã cứu con gái anh, vợ anh, đứa con nằm trong bụng vợ anb, và cả anh nữa... Tôi đã cứu 4 mạng, tôi đã cứu toàn thể gia đình. Tôi chỉ xin anh nhắm mắt làm ngơ đêm nay... Chỉ xin anh thế thôi... Trưa mai, anh sẽ hết ân hận, tôi sẽ không quấy rầy anh từ rày về sau nữa…
- Đề nghị với anh… anh nên ra hàng. Tôi sẽ làm tờ trình tốt lên cấp trên, và tôi tin tòa án sẽ khoan hồng tối đa. Tội cướp của anh nặng nhất là 5 đến 10 năm tù. Tôi hy vọng bản báo cáo của tôi sẽ làm bản án giảm xuống phân nửa. Trong thời gian thọ hình, anh ráng sửa đổi hạnh kiểm, tôi đảm bảo anh sẽ chỉ ngồi tù 2 hoặc 3 năm là được phóng thích. Đại Nhân... anh nên nghe tôi… đây là dịp may hãn hữu để anh qnay lại con đường lương thiện, con đường hối cải nghiêm chỉnh...
- Hết rồi, anh ạ.
- Té ra anh vẫn cho nghề cướp bóc là đúng!
- Không phải. Anh hiểu sai ý tôi. Tôi nói «hết rồi» vì dẫu anh làm tờ trình tốt, dẫu tôi muốn hối cải, tòa án cũng không thể xử phạt 5, 10 năm tù...
- Trời ơi, anh đã...
- Vâng, tôi đã giết người.
- Nếu thế, thái độ của tôi phải thay đổi. Tôi không thể chấp nhận một kẻ sát nhân.
Đại Nhân dụi điếu thuốc mới hút, giọng khinh mạn:
- Đúng. Là ông cò anh không thể chấp nhận một kẻ sát nhân.
Ông cò Lương gằn giọng:
- Tôi không thích lối nói châm biếm. Anh ra khỏi nhà tôi lập tức, bằng không...
- Hồi nãy, anh đã đuổi tôi rồi mời tôi ở lại.
- Hồi nãy khác, giờ khác.
- Về phần tôi cũng vậy, hồi nãy khác, giờ khác. Hồi nãy, tôi đi ngay, giờ tôi ở lại.
- Tôi sẽ giải giao anh cho cảnh sát.
- Chẳng sao, anh cứ làm phận sự của anh. Để anh bắt tôi dễ dàng hơn, tôi xin nộp anh khẩu súng. Từ 2 năm nay nó là bùa hộ mạng của tôi. Giờ nó không còn linh ứng nữa.
Tướng cướp Đỗ Đại Nhân luồn tay vào trong áo, rút khẩu súng trái khế đeo giấu dưới nách. Dáng diệu chậm rải, hắn gạt cối đạn tròn ra ngoài, giốc đẩy từng viên đạn một xuống bàn. Cả thảy có 6 viên đạn đồng bóng loáng. Mỗi viên đạn kêu một tiếng cộp khô khan. Xong xuôi hắn rướn mình, ném khẩu súng vô dụng vào góc phòng.
Hắn lấy tay che miệng ngáp:
- Buồn ngủ quá. Mấy đêm nay chưa chợp được mắt. Anh cho phép tôi vào phòng ngủ, ngả mình một lát nhé.
Ông cò Lương đập nắm tay vago góc bàn, giọng rắn rỏi:
- Không, anh chưa đi ngủ được, anh phải thức để trả lời tôi. Anh giết người hồi nào? Tại sao người ta nói là anh rất khôn ngoan, không khi nào phạm tội sát nhân!
- Kể về khôn ngoan, tôi đáng là «số dách». Nhưng anh ơi... nhân vô thập toàn, trong một tích-tắc đồng hồ mất bình tĩnh tôi đã nổ súng. Tôi không hy vọng được tòa án thông cảm vì nạn nhân của tôi là sĩ quan cảnh sát. Y chặn tôi lại đòi xuất trình giấy tờ. Tôi rút thẻ kiểm tra ra, y đọc lướt qua rồi nhìn mặt tôi. Dường như y ngờ ngợ. Trước đó một tuần tôi «ăn hàng» một nghiệp chủ ở đường Phùng Hưng, và hớ hênh để lại dấu vết. Tôi tưởng viên sĩ quan cảnh sát đã nhận ra tôi. Và tôi bóp cò. Khẩu súng giấu trong túi quần khạc 2 phát. Nạn nhân chết ngay tại chỗ. Tôi bỏ trốn ra Cấp.
- Đồ sát nhân tàn bạo!
- Việc tôi giết người không liên quan gì đến món nợ tinh thần giữa anh và tôi. Trước khi gặp anh ở Vũng Tàu tôi đã giết người. Phải, khi ấy tôi đang trốn chui trốn nhủi. Mặc dầu bị truy nã ráo riết tôi vẫn cứu con gái anh. Vai tôi, cánh tay tôi bị trẹo và trớt một mảng lớn vì chạm đá nhọn. Nè, tôi hỏi thật anh, nếu khi ấy anh biết tôi là «đồ sát nhân tàn bạo» anh có bằng lòng cho tôi cứu bé Hồng Điệp hay không? Hay anh mặc kệ cho con gái anh chết chìm? Và khi nó được vớt lên, anh có sợ mang ơn «đồ sát nhân tàn bạo» mà liệng nó xuống nước hay không?
Ông cò Lương nín lặng, mặt gục trong lòng bàn tay, cố tránh cái nhìn thách đố của tên tướng cướp sành tâm lý. Đại Nhân lại ngáp:
- Xin lỗi anh. Tôi phải đi ngủ. Mai sáng mình thảo luận tiếp.
Hắn vui vẻ huýt sáo miệng trong khi ruột gan ông cò Lương rối beng. Ông nghe tiếng hắn cởi giày vứt bừa xuống nền nhà. Tiếng khối thịt nằm trên nệm làm lò so kêu cót két. Cái giường Hồng Kông gắn lò so này là kỷ vật do bên ngoại để lại. Vợ chồng ông vẫn nằm trên giường ấy. Tên cướp không thèm xin phép ông, hắn thản nhiên nằm đại trên mặt nệm trắng toát. Máu trong huyết quản ông cò Lương nóng bỏng. Ông nhìn bức hình mầu toàn gia trên tủ. Niềm tức giận trong lòng ông lắng xuống.
Một lần nữa ông thở đài. Trong phòng chánh đảng cướp Bướm Vàng ngáy о о...
Ông cò Lương rướn cổ nghe ngóng. Kha nhà của ông ở lùi trong xa, tiếng xe cộ lưu thông trên xa lộ không thể vọng tới. Vậy mà có tiếng máy nổ rừ rừ. Tiếng xe hơi chạy qua nhà ông, đậu lại trước cổng, rồi từ từ lái vào vườn.
Pin, pin...
Ông cò Lương bặm môi suy nghĩ. Lại ai nữa đây? Đồng lõa của tên tướng cướp? Không, nếu là bọn cướp thì chúng đâu dám nghênh ngang ngồi xe hơi đến nhà ông. Dọc đường, cách một quãng ngắn là có trạm gác và nút chặn. Ông cò Lương buột miệng «khổ quá, khổ quá...»
Ông vừa đóan được khách là ai. Khách phải là nhân viên công lực. Là đồng nghiệp của ông. Họ đến để bắt Đại Nhân.
Ông bước nhanh ra cửa.
Pin, pin...
Pin, pin...
V
Từ nơi ông ngồi ra cửa phòng khách chưa đầy 10 mét mà ông đi hoài, đi mãi chưa tới. Ông có cảm tưởng như nó dài hàng cây số. Ông chưa lên tiếng vội. Tiếng kèn xe đã ngưng. Ông cò Lương núp sau cửa sổ liếc ra vườn. Có tiếng chân người rồi tiếng nói rổn rẻn:
- Lương ơi, cậu còn thức không?
Ông cò Lương nhận ra ngay giọng nói của Phạm Quân làm cùng Sở, cùng ban từ hơn 10 năm nay. Phạm Quân suýt soát tuổi ông, y có một đống con, trai gái đủ cả. Y phải lo lắng nhiều cho gia đình nên y già trước tuổi. Tuy vậy, tinh thần y còn rất trẻ. Miệng y cười vui suốt ngày. Y là bạn thân của ông cò Lương, hai người gọi nhau bằng tiếng cậu trẻ trung.
Ông cò Lương đáp nhỏ:
- Còn. Cậu ghé tôi có chuyện gì thế?
Trái với thường lệ vồn vã, ông cò không mời bạn vào xa-lông mặc dầu mưa chỉ mới ngớt hột chứ chưa tạnh hẳn. Gió đồng khuya đã lạnh, sương đêm còn lạnh hơn, ông cò Lương vẫn để Phạm Quân đứng như trời trồng dưới hàng ba. Chiếc xe díp cảnh sát tắt máy bên thân cây đồ sộ. Phạm Quân phì phèo thuốc lá, mặc áo tơi rộng và đội mũ ni-lông sụp xuống mí mắt. Phía sau Phạm Quân có 2 nhân viên an ninh mặc thường phục cao lớn, tay cầm súng lục. Thấy ông cò Lương, họ nhanh nhẹn cất súng vào vỏ.
Phạm Quân trèo lên bậc cấp, nhấc mũ khỏi đầu rồi giẫy mạnh cho rũ hết nước:
- Mình vào nhà được chứ?
Ông cò Lương sực nhớ ra thái độ khiếm nhã khác thường của mình, ông lách sang bên:
- Dĩ nhiên là được.
Phạm Quân xoa hai bàn tay vào nhau:
- Gớm..., mưa hoài mưa mãi, sốt cả ruột. Nếu trời tốt đêm qua thì hắn đã bị tóm.
Ông cò Lương đã biễt «hắn» là ai. Ông cố hy vọng «hắn» là một người nào khác. Ông lặp lại:
- Hắn, hắn nào?
- Tên chánh đảng Bướm Vàng. Đỗ Đại Nhân. Mình bao vây cẩn mật mà hắn vẫn chui qua mắt lưới. Tôi thoáng thấy hắn vượt tường biệt thự ông Phòng. Tòa nhà xây toàn bằng đá ong và gạch nung không tô của ông tổng giám đốc ngân hàng cách đây 200 mét ấy mà... Cậu biết chứ?
- Biết. Lão Phòng già khằn, hai chân đi không vững còn đa mang cô vợ trẻ bằng tuổi con lão. Lão ấy cùng họ Phạm với cậu!
Phạm Quân cười ròn, nhe hàm răng vàng cáu chất nicôtin thuốc lá. Cũng họ Phạm, nghĩa là Phạm Phòng. Một chứng bệnh của đàn ông có máu hoa nguyệt.
- Chẳng biết cậu và tôi ai mới cùng họ với lão Phạm Phòng... Hà, hà, tôi bám gót tên chánh đảng nhưng trong loáng mắt hắn biến mất. Gần nửa giờ lục lọi ngoài vườn, trong nhà, không thấy tăm hơi hắn. Sau cùng, nhờ bẹt-giê ngửi quần áo của bắn và tìm đường tôi mới phăng ra hắn đã thoát khỏi biệt thự và ẩn núp trong khu này. Dường như nó trốn sau vườn nhà anh.
- Tại sao câu biết?
- Bẹt-giê. Tôi chở theo con Tutu. Nó đang nằm trên xe. Để tôi giắt nó vào đây!
Ông cò Lương sợ muốn đứng tim. Ban Điều tra của ông có một đàn chó săn thật đắc lực. Toàn là quân khuyển được nuôi nấng đúng phương pháp và được huấn luyện kỹ thuật đánh hơi. Con Tutu được coi là con bẹt-giê khôn nhất, mũi nó thính nhít. Nó ít sủa, có khi cả ngày không gâu một tiếng.
Vì vậy nó nằm trên xe díp mà ông cò Lương không nghe tiếng nó. Nếu nó vào nhà, sự hiện diện của Đại Nhân sẽ bị khám phá tức khắc. Ông bèn xua tay:
- Ông phó vừa điện thoại cho tôi. Tôi đã kiểm soát quanh nhà. Hắn không mò vào đây được đâu.
Phạm Quân chắt lưỡi:
- Dùng con Tutu chắc ăn hơn. Mắt người làm sao nhìn xuyên được bóng đêm. Lại còn vấn đề đánh hơi nữa.
- Khỏi cần.
Sự từ chối của ông cò Lương làm Phạm Quân ngạc nhiên. Tưởng bạn chưa hiểu rõ, y tiếp:
- Cậu đừng sợ phiền hà. Anh em cả mà. Thằng chánh đảng giết người không gớm tay. Hắn đang bị dồn vào mạt lộ. Nếu hắn ở đây, bắt được bé Hồng Điệp làm con tin thì khổ.
Mặt lạnh như tiền, ông cò Lương tiễn bạn ra cửa. Phạm Quân tỏ vẻ băn khoăn:
- Cậu mệt?
Ông cò Lương nhún vai:
- Rất mệt.
Phạm Quân lùi một bước, trợn tròn mắt như thể người đứng trước mặt không phải là ông cò Lương, con người nổi tiếng lịch thiệp. Ông cò Lương buông tiếng «chào cậu» rồi ra dấu khép cửa. Phạm Quân đành ngoắt hai thuộc viên trèo lên xe díp.
Chờ tiếng máy xe chìm hẳn trong khoảng xa, ông cò Lương mới trở vào phòng. Tướng cướp Đại Nhân ngồi chĩnh chện trong ghế không biết từ bao giờ. Hắn hắng giọng:
- Nếu anh không tận tình che chở tôi đã bị bắt.
Ông cò Lương chống nạnh, giọng bực bội:
- Ai bảo với anh là tôi tận tình che chở?
- Anh cò Lương ơi, lương lâm anh đang bị giằng xé mạnh mẽ... Một mặt anh không cho công an dẫn chó bẹt-giê vào, sợ người ta thộp cổ tôi. Mặt khác, anh lại không muốn coi đó là hành động che chở tận tình. Dầu muốn dầu không anh vừa đồng lõa với tôi...
Ông cò Lương lớn tiếng:
- Anh ngậm miệng lại ngay. Anh còn tiếp tục nhai nhải nữa tôi sẽ vả gẫy răng.
Đại Nhân cười mũi:
- Tưởng gì... chứ vả gẫy răng một kẻ bị thương ở vai và chân, một kẻ không có phương tiện tự vệ... là việc quá dễ dàng, quá tầm thường, một việc không quân tử chút nào. Cho dẫu anh vả gẫy hai hàm răng tôi thì sự thật vẫn là sự thật, anh không thể thay đổi được nó.
Đúng... đúng... ông cò Lương muốn thét vỡ lồng ngực. Tên tướng cướp nói đúng. Sự thật vẫn là sự thật, ông không thể thay đổi được nó. Sự thật này là: ông phải trả ơn.
Đại Nhân nhìn đồng hồ tay:
- Gần sáng rồi, anh ơi! Giá anh cho ăn lót dạ thì tốt biết mấy.
Chẳng nói chẳng rằng ông cò Lương nhóm bếp dầu hôi. Đàn gà Mỹ của ông cục tác mỗi ngày, nên mỗi ngày ông đều có trứng. Trong tủ lạnh có một rổ trứng đầy. Ông cò Lương chiên 4 quả lập-là vàng rộm. Ông rắc muối tiêu rồi bưng lại nóng hổi cho Đại Nhân. Ông khui hộp bánh mặn được vợ ông mua giành ăn mừng ngày đầy tháng đứa con vừa sinh. Ông pha cà-phê thật khéo, mùi thơm ngào ngạt khắp nhà.
Đại Nhân gợi chuyện:
- Nhà này do anh làm chủ?
Ông cò Lương đẩy cái lọc cà-phê về phía tên chánh đảng:
- Mời anh.
- Ơ kìa, tôi hỏi sao anh không đáp?
- Giữa tôi và anh chúng mình chẳng còn gì để nói với nhau nữa. Anh ăn sáng cho chắc bụng. Rồi chúng mình chia tay.
- Như tôi đã nói, đến trưa hoặc chiều nay, các nút chặn được nhổ bỏ tôi mới có thể ra di.
- Anh phải đi ngay sau bữa điểm tâm.
- Anh cò Lương, anh định bắt tôi ư?
- Tôi không còn con đường nào khác. Mời anh dùng cà-phê kẻo nguội. Sau những phút rụt rè, băn khoăn, tôi đã lấy quyết định dứt khoát: anh phải ra tòa.
Tướng cướp Đại Nhân ngó ông cò Lương bằng con mắt ngơ ngác. Giọng ông cò Lương rắn rỏi, dõng dạc, chứng tỏ ông nói là làm. Tại sao ông thay đổi thái độ, hắn cố tìm hiểu. Ông cò cầm ống điện thoại. Hắn ngăn lại:
- Anh kêu cho ai?
- Về Sở.
- Để công an đến bắt tôi.
- Phải.
- Anh thừa đoán biết được bản án của tòa. Tôi không tin là tòa quân sự khoan hồng đối với tôi. Họ sẽ tuyên phạt tối đa. Nghĩa là án tử hình, Nghĩa là sẽ lên máy chém.
Tòa sẽ kết án tùy theo tội trạng... Biết đâu anh chỉ bị phạt khổ sai hữu hạn.
- Tôi đã bắn chết một sĩ quan cảnh sát. Tôi lại còn bắn chết mấy tên em út hèn nhát trước khi trốn khỏi sào huyệt. Tử hình là cái chắc. Tôi khẩn khoản kêu gọi lương tâm anh...
- Mời anh.
- Mời cái gì? Tôi còn logng dạ nào uống cà-phê và ăn trứng của anh nữa! Tôi đã xét lầm. Anh không phải là người quân tử. Anh là con người vong ân bội nghĩa. Chết đi, tôi sẽ hóa thành thần trùng, ngày đêm ám ảnh anh, quấy phá anh. Tôi sẽ làm anh hối hận đến bỏ ăn, mất ngủ. Tôi sẽ làm anh chết dần, chết mòn...
Ông cò Lương bâng khuâng nhìn bức hình mầu trên buýp-phê:
- Anh đã cứu sống con tôi, vợ tôi, anh có quyền đòi đổi mạng. Lương tâm thẩm sát viên công an không cho phép tôi đồng lõa với tội ác, che chở cho anh. Song lương tâm người cha, lương tâm người chồng, lương tâm con người bắt buộc tôi phải chấp nhận phương thức đổi mạng. Mạng tôi đây, anh tướng cướp Đại Nhân, anh muốn làm gì tùy ý.
- Anh nói gì, thú thật tôi không hiểu.
- Giản dị lắm, tôi xin đặt mạng sống của tôi trong sự sử dụng của anh. Anh cứ giết tôi đi...
Tướng cướp Đại Nhân ngập ngừng đứng dậy. Ông cò Lương lấy khẩu súng lục trong hộc bàn, đưa cho hắn:
- Súng đây. Tôi đề nghị đổi mạng. Mời anh lảy cò. Tôi sẽ không tìm cách tránh đạn hoặc kháng cự.
Ông cò Lương xây lưng về phía tên chánh đảng. Ông điềm tĩnh chờ đợi cái chết. Đại Nhân mân mê cái nòng thuôn tròn óng ánh sắc thép, dáng dấp băn khoăn. Bỗng có tiếng kêu:
- Ba, ba, ba dậy sớm vậy ba?
Bé Hồng Biệp từ phòng ngủ chạy ra. Ông cò Lương bàng hoàng giang cánh tay đón con. Nó xà vào lòng ông, hôn lấy hôn để. Rồi nó nghễn cổ hỏi:
- Ba có khách hả ba?
- Ừ, con ngủ nữa đi. Còn sớm lắm. Để ba tiếp khách.
- Khách của ba sao lại cầm súng?
Khi ấy miệng súng đang chĩa về phía hai cha con. Khi ấy ông cò mới cảm thấy sự dại dột của mình. Mạng ông, ông không cần, nhưng còn bé Hồng Điệp... Nhưng tướng cướp Đại Nhân đã liệng khẩu súng xuống ghế ха-lông, nói giọng đay nghiến:
- Anh Lương ơi, anh đừng hòng... Tôi đã hạ sát mấy mạng người, có hạ sát thêm nữa cũng chẳng đi tới đâu. Súng nổ, lực lượng an ninh ập vào đây, tôi không có hy vọng trốn thoát. Bắt bé Hồng Điệp làm con tin cũng không có hy vọng trốn thoát. Chi bằng ở lại. Anh giao mạng sống của anh cho tôi, thì tôi cũng giao mạng sống của tôi cho anh. Anh nợ tôi, anh phải trả...
Ông cò Lương ngồi im như pho tưọng. Bé Hồng Điệp nép trong tay bố, không cười nói nhí nhảnh nữa.
Đại Nhân dằn từng tiếng:
- Trước mặt con gái anh, anh nghĩ sao?
Ông cò Lương cũng dằn từng tiếng:
- Trước mặt lương tâm, tôi phải nộp anh cho tòa án.
Nói đoạn, ông quay số điện thoại.
VI
Tin chánh đảng Bướm Vàng bị thộp cổ được đăng lớn trên trang nhất các tờ báo ở Saigon. Chỉ riêng cái tên của tướng cướp xuất quỷ nhập thần Đỗ Đại Nhân đủ lôi cuốn hàng triệu độc giả, phương chi còn có huyền thoại giựt gân về ông cò Lương nữa. Bởi vậy, các phóng viên đua nhau đi tìm ông cò. Để khám phá sự thật. Để xin ông cò giải thích về những lời đồn đại.
Nhưng ông đã biến mất.
Đêm ấy trên chiếc xe cây công an đến nhà ông cò Lương bắt tên tướng cướp đã có mặt một phóng viên lành nghề. Sau này, người ta biện minh đó là sự hiện diện tình cờ. Tình cờ một phóng viên đánh hơi thấy cuộc hành quân bắt cướp. Tình cờ phóng viên này đi theo. Người ta cố ý quên rằng phóng viên này thuộc phái nữ. Phóng viên phái nữ thường đắc lực hơn phóng viên phái nam. Huống hồ nàng có sắc đẹp cực kỳ hấp dẫn. Thêm vào đó là một kỹ thuật lấy tin cực kỳ sắc bén. Trong lúc tên tướng cướp bị còng tay, điệu ra xe, nàng nhận thấy 2 chi tiết ý nghĩa: thứ nhất, ông Lương có vẻ mật buồn thiu như đưa đám, ai chào hỏi ông cũng không đáp; mắt ông luôn luôn nhìn vào khoảng không, ông ngồi đó mà hồn ông đi đâu vắng; thứ hai, tướng cướp Đại Nhân được băng bó đàng hoàng, quần áo thẳng nếp. thơm tho, mặc dầu hắn trốn chạy dưới mưa suốt một giờ đồng hồ. Nàng hỏi hắn lấy đồ mới ở đâu, hắn đáp thõng «hỏi ông cò». Nàng quay ra phía ông cò thì ông vẫn đắm mình trong sự xa xăm kỳ lạ…
Ngày hôm sau, tất cả phóng viên thủ đô đều túc trực tại nhà ông cò. Ông đã bí mật dọn đi từ sáng tinh sương. Vợ ông cũng rời khỏi nhà hộ sinh. Đi đâu, chỉ có Trời biết.
Tuy nhiên, dư luận cũng biết được nội dung của những bức thư ông cò gửi lên thượng cấp. Ông xin được không nhận Bảo quốc huân chương, viện cớ không xứng đáng. Ông xin được từ nhiệm. Đơn từ nhiệm không được chấp thuận. Thượng cấp chỉ chấp thuận cho ông được nghĩ dưỡng bệnh dài hạn.
Tướng cướp Đại Nhân thú nhận mọi tội lỗi và bị đưa ra xét xử sau đó mấy tuần lễ. Trong thời gian bị giam cứu, hắn được gia đình gửi quà bánh, tiền bạc luôn luôn. Hắn không còn cha mẹ, anh chị em, «gia đình» hắn thật ra là ông cò Lương, ông cò lại chạy đôn chạy đáo nhờ vị luật sư hùng biện nhất để biện hộ cho hắn.
Tội trạng của chánh đảng Bướm Vàng đã rành rành. Bản án mọi người chờ đợi được tuyên phán: tử hình. Ông cò Lương đã bán hết bộ bướm khô ông sưu tập từ nhiều năm qua lấy tiền thăm nuôi và đài thọ bút phí của trạng sư. Ngày tòa xử, ông không dám bén mảng đến pháp đình vì sợ nhà báo gặp mặt. Ông chỉ lảng vảng ở xa, trà trộn trong đám đông nhìn trộm tướng cướp Đại Nhân bị còng chung với một nhân viên an ninh trèo lên xe bít bùng chở về khám Chí Hòa...
Báo chí quên dần tên chánh đảng. Quên dần ông cò Lương.
Cho đến ngày tử tội Đỗ Đại Nhân thọ hình.
Tối hôm trước, ông cò Lương được tin đơn xin ân xá của tử tội bị bác bỏ. Thế là hết. Hy vọng mong manh cuối cùng tan biến. Ông thức suốt đêm, lâm râm cầu nguyện. Và chờ điện thoại. Gần sáng, Phạm Quân, bạn thân của ông gọi tới. Ông cuống quýt:
- Xong chưa?
- Rồi.
- Hắn trối lại gì không?
- Không.
Đến phút đền tội, tướng cướp Đại Nhân còn giữ thái độ phớt tỉnh lạ lùng. Chính sự điềm đạm này làm ông cò Lương đau khổ. Ông muốn hắn mắng chửi ông tàn tệ. Hoặc thông cảm, tha thứ cho ông. Đằng này hắn ngậm miệng.
Ông hỏi Phạm Quân:
- Tôi được phép chứ?
«Được phép» nghĩa là được phép đứng ra lo liệu cho tử tội được mồ yên, mả đẹp chu đáo. Dĩ nhiên, thượng cấp không thể từ khước lời yêu cầu ấy.
Ông cò Lương là thân nhân duy nhất của tử tội, lặng lẽ theo sau chiếc xe ngựa phủ đen trắng từ khám ra nghĩa trang. Sáng hôm ấy, trời mưa lớn. Mưa lớn cũng như đêm ông đối diện tên tướng cướp trong tòa nhà vắng ở xa lộ. Ông cò Lương cải trang thật khéo, áo dài ta, khăn đóng, kiếng đen. Không dè nhà báo rình sẵn trên con đường nhỏ lồi lõm. Kính trọng sự đau khổ của ông, họ đợi hạ huyệt, lấp đất xong xuôi mới xáp lại phỏng vấn.
Các phóng viên sững sờ khi giáp mặt ông. Họ sửng sờ vì ông thay đổi quá nhiều. Tóc ông bạc phơ, da ông răn reo như ông già lục tuần. Ông nhìn họ, không nói nửa lời. Và các phóng viên rủ nhau đóng máy ảnh, cất giấy bút vào túi. Họ tránh sang bên cho ông cò Lương rời nghĩa trang.
Từ đó không ai nghe nói đến ông thẩm sát viên Nguyễn Văn Lương nữa.
Z.28 Gián Điệp Siêu Hình Z.28 Gián Điệp Siêu Hình - Người Thứ Tám Z.28 Gián Điệp Siêu Hình