Some books are to be tasted, others to be swallowed, and some few to be chewed and digested.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Buusan Nguyen
Số chương: 31 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4503 / 104
Cập nhật: 2020-03-02 09:37:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9: Ba Phát Súng Lục
ê Diệp đoán không sai. Ông Hoàng tiếp chàng bằng vẻ mặt lầm lì. Ông tổng giám đốc Mật vụ ít khi tức giận ra mặt, song theo kinh nghiệm Lê Diệp đã biết sự lầm lì của ông Hoàng là biến thể của bực bội ghê gớm. Không cần đợi chàng ngồi, ông Hoàng hất hàm:
- Anh nhận được phúc trình về vụ đại lộ Nguyễn Huệ chưa?
Lê Diệp đáp:
- Thưa, đủ rồi. Vụ vây bắt Lê Ái và đồng bọn không phải ta làm mà là do Công an.
- Tại sao họ phăng ra?
- Thưa, đêm qua đoàn xe tuần cảnh của công an ghi được luồng điện từ nhà Lê Ái phát đi. Hắn đánh điện cho đồng lõa ngoài khơi Vũng Tàu, có lẽ là trên tàu ngầm.
- Còn có lẽ gì nữa. Lê Ái là gián điệp R.U. hoạt động từ lâu ở Sàigòn. Hắn đánh điện cho tàu ngầm, việc này chứng tỏ rằng hắn dính líu tới vụ bắt cóc Văn Bình và Rôdin. Tại sao nhận được tin ấy anh không báo cáo ngay cho tôi?
- Thưa, ông đã ra lệnh không ai được đánh thức.
Ông Hoàng lặng lẽ ngắm làn khỏi xì-gà xanh um cuộn tròn bay bổng lên trần nhà. Lê Diệp nói đúng. Sau khi Văn Bình rời biệt thự đường Phan Đình Phùng, ông Hoàng đã nói với Lê Diệp là công việc tạm xong, và ông sẽ về ngủ một giấc thỏa thuê sau nhiều đêm thức trắng. Ông không ngờ trong thời gian ngắn ấy nhiều việc hệ trọng đã xảy ra. Dầu sao ông cũng chỉ là con người, như mọi con người khác cần ăn, cần ngủ, cần giữ gìn sức khỏe. Ông đã ăn ngày một bữa hàng tháng trời đằng đẵng, quá bận đến nỗi không có thời giờ ngồi xuống mâm cơm thanh đạm. Mỗi khi có việc sôi nổi, ông bỏ ngủ một vài tuần lễ là thường. Sức khỏe của ông đã kém xưa nhiều lắm. Ông không sợ chết, nhưng chỉ sợ chết trước khi chưa làm xong nhiệm vụ.
Ông hỏi Lê Diệp, giọng đều đều:
- Công an bị thiệt hại gì không?
Lê Diệp đáp:
- Thưa có. Họ ập vào phòng Lê Ái giữa lúc hắn ở nhà với một người Âu lạ mặt. Người Âu này đội lốt đai úy Mỹ. Một nhân viên công an bị bắn chết, ba người khác bị thương nặng. Người ta thấy hắn chạy vào kho chứa hàng, rồi biến mất. Cuộc lùng kiếm đang tiếp tục. Tuy nhiên, theo ý tôi, bọn Lê Ái đã chạy thoát.
Ông Hoàng thở ra:
- May quá. Nếu không thì hỏng hết.
Giọng ông tổng giám đốc trở nên mơ màng:
- Tôi cần hỏi anh điều này nữa: bên công an họ biết mình theo dõi vụ Lê Ái không?
Lê Diệp đáp:
- Thưa, bên ấy không biết mảy may về việc Văn Bình trá hình làm U Myen. Họ cũng chưa thể khám phá ra là Lê Ái liên quan tới vụ bắt cóc U Myen. Nhưng tôi sợ trong một vài ngày nữa, hoặc từ giờ đến tối, họ sẽ nắm được đầu mối.
Ông Hoàng nói:
- Tôi lo ngại vì thế. Công an là cơ quan công khai, công khai từ trụ sở, nhân viên, tới nhân vật điều khiển, sở Mật vụ của ta lại hoàn toàn bí mật. Trong ngân sách quốc gia, không có khoản chi nào giành cho sở Mật vụ, và lục hết các sở không có hồ sơ chính thức nào nói tới tôi và các anh. Tình trạng kín đáo này có lợi mà cũng có hại. Lợi là hoạt động được bí mật và hữu hiệu. Nhưng lại bất lợi mỗi khi bị lôi ra ánh sáng. Nếu bên Công an phăng ra vụ này, kế hoạch của tôi sẽ thành dã tràng xe cát. Anh có thể đoán được kết quả của vụ U Myen trong trường hợp Văn Bình thành công không? Một kết quả không thể nào tưởng tượng.
Nói đoạn, ông Hoàng đứng dậy, bách bộ trong phòng. Vầng trán rộng của ông nhăn lại, Lê Diệp biết ông đang suy nghĩ. Mấy phút sau, ông quay lại:
- Ông bộ trưởng gọi giây nói cho tôi thì bảo tôi đi vắng, nghe chưa?
- Thưa, đi đâu ạ?
- Không, tôi chẳng đi đâu hết. Tôi sẽ ở luôn đây tới khi xong việc. Sở dĩ tôi nhờ anh nói đi vắng vì tôi sợ ông bộ trưởng căn vặn lôi thôi về vụ U Myen. À, ai chỉ huy vụ vây bắt Lê Ái?
- Thưa, viên trưởng ban Phản gián.
- Ta có nhân viên trong Phản gián không?
- Thưa có.
- Thế thì được. Anh ra lệnh cho họ thủ tiêu các báo cáo liên quan tới vụ Lê Ái. Anh nhớ chưa? Phải lấy cắp kỳ hết, hoặc làm cách nào cho công việc điều tra chậm lại. Ngoài ra, tôi còn nhờ anh một việc nữa. Anh biết mặt viên trưởng ban Phản gián chứ?
- Thưa, hắn là bạn tôi.
- Bạn hả? Như vậy càng tốt. Tôi định rút hắn vào bí mật độ một tuần lễ. Nếu không được một tuần, thì hai, ba ngày cũng được. Tôi tin là trong vòng hai, ba ngày, địch sẽ đưa Văn Bình ra khỏi nước. Bên phòng Nguyên Hương có một thứ thuốc mới, do Tây Đức chế tạo. Uống thuốc này vào thì ngủ một giấc dài từ 72 đến 96 tiếng đồng hồ. Anh chỉ cần bỏ mọt viên thuốc nhỏ bằng hạt kê vào rượu huýt-ky là xong. Chẳng có mùi vị gì hết.
Lê Diệp đứng lên:
- Thưa, tôi xin đi liền.
Chuông điện thoại thánh thót reo lên như điệu nhạc. Ông Hoàng cầm lấy ống nghe. Nhưng một giây đồng hồ sau ông nhăn mặt.
- Vâng, tôi đây. Không dám, chào ông bộ trưởng.
Sắp bước ra ngoài, Lê Diệp quay ngoắt lại, bộ điệu chết đứng như Từ Hải. Ông Hoàng quả có tài tiên đoán như thần. Phiền một nỗi là ông Hoàng nghe đúng điện đàm của ông bộ trưởng.
Tiếng ông bộ trưởng oang oang, Lê Diệp nghe rõ mồn một.
- Khổ quá, ông biết từ mấy ngày nav xảy ra những việc gì không? Bác sĩ U Myen bị địch phục kích gần Tân Sơn Nhất, sau khi ra khỏi sân bay. Nhân viên của ông làm gì trong khi ấy? Nhân viên của ông làm gì để U Myen rời biệt thự đường Phan Đình Phùng đến nỗi bị địch bắt?
Ông Hoàng đáp:
- Thưa ông bộ trưởng, việc đã lỡ rồi, cuống quít và hoảng hốt cũng vô ích. Xin ông thư cho mấy ngày nữa.
- Đâu đã hết, ông Hoàng! Còn vụ Lê Ai, ông biết chưa?
- Vụ Lê Ái nào, ông bộ trưởng?
- Lại còn vụ nào nữa? Người ta thường khen ông Hoàng là nhà lãnh tụ gián điệp số một ở Đông Nam Á, mà hỡi ôi, tay sai của địch đặt điện đài ngay trên đường Nguyễn Huệ, giữa trung tâm thủ đô, mà ông chẳng biết gì hết.
- Thế à, tôi xin lỗi ông bộ trường.
- Xin nói cho ông biết là Công an đã lưu tâm đến việc ấy. Mai kia, hội đồng nội các nhóm họp, tôi sẽ không đủ sức bênh vực cho ông nữa. Ông biết chưa?
- Biết rồi.
Ông bộ trưởng gắt um:
- Hừ, tôi đinh ninh là gọi điện thoại cho ông, ông sẽ giật mình lo ngại, ngờ đâu ông chẳng giật mình, chẳng lo ngại gì hết. Hay là... hay là, ông định hại tôi phải không ông Hoàng?
- Tôi đâu dám.
- Hừ, tôi sợ ông lắm. Nếu đúng ông bố trí những vụ rắc rối bể đầu này, phiền ông xác nhận cho tôi rõ. Từ đêm qua đến giờ tôi không ngủ được một phút nào. Thật không ông Hoàng? Nếu thật tôi sẽ can thiệp với Công an, dặn họ đừng điều tra, đừng hành động thêm nữa.
- Thưa ông bộ trưởng...
- Tôi biết mà, tôi biết mà... Trước khi gọi giây nói, tôi đã biết ông sẽ trả lời không biết, cũng như hàng chục lần đã qua. Nhưng lần này thì khác. Nội vụ xảy ra giữa Sàigòn, báo chí làm rầm lên, dư luận có thể nghi ngờ tôi và ông bất lực.
- Vậy tôi xin phép ông cho được nộp đơn từ chức.
- Từ chức? Từ chức? Trừ phi ông điên, hay tôi điên, hay mọi ngưòi đều điên mói xảy ra việc ông từ chức. Ông từ chức thì ai thay thế. Tình hình an ninh nước ta sẽ ra sao?
- Ông bộ trưởng nói vậy tức là đã tín nhiệm tôi rồi.
- Cố nhiên. Từ bao năm nay, khi nào tôi cũng tín nhiệm tài năng và đức độ của ông.
- Cách đây hai phút, ông bộ trưởng vừa không tín nhiệm.
- Không phải thế. Sở dĩ tôi gọi điện thoại cho ông vì Công an vừa làm tờ trình hỏa tốc lên tôi để xin quyết định.
- Ông quyết định ra sao?
- Tôi còn hỏi ý kiến ông.
- Ông bộ trưởng đừng nói gì hết. À, thưa ông, khi nào hội đồng nội các nhóm họp?
- Cuối tuần này.
- Ồ, còn sớm chán. Tôi đoán chắc với ông bộ trưởng là mọi việc sẽ hoàn tất trước giờ ông nhóm họp.
- Thôi, tôi hết lòng tin tưởng vào ông.
- Tôi có việc muốn phiền ông bộ trưởng một chút.
- Chuyện tiền phải không? Hiện sở Mật vụ cần bao nhiêu? Ông biết ngân sách năm nay bị bóp nhỏ lại không?
- Tôi không cần nhiều đâu. Chỉ độ 10 triệu.
- Trời ơi!
Không cần có con mắt thông thiên. Lê Diệp đã nhìn thấy ở đầu giây, trong căn phòng điều hòa khí hậu, một người đàn ông hói trán trạc ngũ tuần, bệ vệ trong bộ quần áo cắt ôm đôi vai tròn và dày, thốt ra một tiếng thất vọng, và giơ ống điện thoại lên, như muốn kéo đứt giây, ném xuống đất để khỏi phải trả lời câu hỏi thúc bách của ông tổng giám đốc Mật vụ.
Tiếng ông bộ trưởng nhỏ hẳn:
- Khổ quá, chắc ông không lạ nỗi khó khăn của tôi. Mỗi lần ông cần tiền tôi phải chạy đôn, chạy đáo mới tìm ra. Bây giờ cần 10 triệu một lúc thì tôi xin chịu.
Ông Hoàng cười tủm tỉm trong điện thoại:
- Ngược lại, xin ông bộ trưởng đừng quên. Sở tôi chỉ được đài thọ một số tiền tượng trưng. Nhiều lần kiểm soát sổ chi tiêu của sở Mật Vụ, hẳn ông bộ trưởng thừa rõ hàng năm tôi sử dụng một số tiền khổng lồ, nhiều gấp trăm ngân khoản giành cho Bộ nữa. Những món tiền ấy, tôi phải xoay xở, không dám nhờ tới Bộ. Năm ngoái, Sở tôi bắt được tài liệu mật của phe Cộng đem bán cho C.I A được trên hai chục triệu đồng. Chính ông bộ trưởng yêu cầu tôi cho Bộ vay tạm. Hiện giờ tôi cần lắm. Và tôi chỉ đòi lại một nửa thôi. Với 10 triệu này, tôi có thể thu lời ít nhất gấp 10 lần.
- Ông cho tôi một ngày để suy nghĩ?
- Ồ, nếu ông bộ trưởng quá bận việc, hoặc quỹ của Bộ hết sạch thì thôi. Tôi vay của tư nhân vậy.
Nghe ông Hoàng nói, Lê Diệp phì cười. Đó là cách dọa khéo của ông Hoàng. Lệ thường, muốn có tiền trả lương cho hàng ngàn điệp viên ở rải rác khắp trên thế giới, ông Hoàng chỉ cần sai chụp một số tài liệu trong két sắt của sử quán Nga Xô, hoặc bắt cóc một nhà khoa học, hoặc đánh cắp họa đồ của một thứ khí giới mới rồi nhượng lại cho các sở do thám Tây phương giàu sụ. Tiêu pha xong, còn dư bao nhiêu, ông Hoàng biếu cho các công trình ích quốc, lợi dân trong nước.
Giọng ông bộ trưởng có vẻ cầu khẩn:
- Không, không, tôi cố thu xếp cho ông có đủ 10 triệu. Khi nào ông cần?
- Nếu không có gì trở ngại, xin ông bộ trưởng gửi cho nội ngày nay.
Dĩ nhiẻn ông bộ trưởng sẽ chẳng thấy gì trở ngại. Sự ưng thuận của ông được đánh dấu bằng tiếng thở dài sườn sượt. Ông Hoàng vẫn có cái thói quen cần tiền gấp rút, và hễ cần là phải có.
Quay lại thấy Lê Diệp trầm ngâm bên cánh cửa sắt, ông Hoàng lên tiếng:
- Katy về chưa?
Lê Diệp đáp:
- Thưa rồi.
- Phiền anh đưa nàng vào trong này cho tôi dặn dò. Nội ngày mai, tôi sẽ phái Katy đi Mạc Tư Khoa. Anh liên lạc với Nha Chuyên môn, bảo họ làm giấy tờ đầy đủ. Chiều nay, anh ra Giao thông Ngân hàng lãnh 10 triệu bạc của ông bộ trưởng, rồi sau đó tới sở Hối đoái yêu cầu đổi mỹ kim, gửi cho hãng buôn của ta ở Bá Linh. Ít lâu nữa, Kaly và Văn Bình phải cần tới món tiền ấy.
Lê Diệp cúi đầu chào ông Hoàng. Có lẽ bận nghĩ tới một công việc lớn lao khác, nên ông tổng giám đốc không để ý đến bộ mặt nhăn nhó của chàng khi chàng cáo từ mà không được ông Hoàng đáp lại. Trong khi ấy, ông Hoàng đã đốt xong điếư xì gà Ha van.
Cuộn băng nhựa chạy từ từ trên máy ghi âm tối tân hiệu Sony của Nhật. Đối diện máy có hai người, Tôkarin và Ngọc Tú.
Nghe được một quãng, Ngọc Tú tắt máy rồi quay lộn lại. Nàng tắt nghe lại nhiều lần. Tôkarin uống hết ly huýt ky này đến ly huýt ky khác, mắt hau háu dán vào làn áo mỏng dính và căng cứng trước ngực nàng.
Liếc thấy gã đàn ông muốn ăn tươi, nuốt sống mình trong cơn thèm khát tột độ, Ngọc Tú đỏ ửng hai má. Nàng cúi đầu xuống cuộn băng nhựa. Tôkarin hỏi:
- Nghe được gì không?
- Tiếng nói lí nhí, em không phân biệt được. Em chỉ nghe mang máng mấy tiếng BB 25 mà thôi. Lạ quá, U Myen cứ lặp lại 2 chữ BB 25, làm em không hiểu gì. À hay là một loại phi cơ mới?
Tôkarin phì cười:
- Cô tưởng BB 25 gần giống B-26, một loại máy bay lớn chứ gì!
Giọng Ngọc Tú trở nên e thẹn:
- Đại tá riễu cợt em mãi!
Tôkarin đặt tay lên bờ vai tròn, trắng, mơn mởn như da trái đào tươi Vân Nam của Ngọc Tú, miệng phê bình:
- Cô đẹp quá!
Nàng ngửa cổ lên, lộ cái ức trắng ngần:
- Từ nãy đến giờ, đại tá khen em đẹp đúng 10 lần rồi.
- Ồ, anh còn biết nói gì với em nữa!
Lần đầu Tôkarin gọi Ngọc Tú bằng em. Luôn luôn cọ sát với thần chết. Tôkarin đã quen với lối tỏ tình hấp tấp và sống sượng. Trong đời, hắn thường thành công, vì dầu sao hắn là người có địa vị trong ngành mật vụ Xô Viết, đáng làm các cô gái đa tình mơ ước, mặt khác, hắn lại có thân hình cân đối, cao lớn, diện mạo khả ái, chẳng khác diễn viên màn ảnh.
Hắn biết Ngọc Tú không dám cự tuyệt. Ngay từ khi gặp hắn, nàng đã đối xử với cảm tình nồng nhiệt. Vẫn biết nội quy nghề nghiệp không cho phép điệp viên quyến luyến đàn bà đẹp trong thời gian công tác, hắn vẫn cảm thấy Ngọc Tú là của báu độc nhất, vô nhị, không thưởng thức sẽ tiếc nuối suốt đời.
Từ đôi vai tròn, tay Tôkarin tuột dần xuống ngực nàng. Ngọc Tú rùng mình thật mạnh. Tôkarin cúi đầu hôn vào môi nàng. Nàng chết lặng giây phút, sau đó ôm ghì viên sĩ quan Xô Viết đẹp trai và cường tráng. Có lẽ thiếu phụ nào cũng sa ngã dễ dàng như nàng.
Sực nhớ chuyện gì, nàng xô Tôkarin ra, dáng điệu hoảng hốt:
- Đừng anh!
Tôkarin hôn vào mắt nàng:
- Anh yêu em lắm. Em về Mạc tư Khoa với anh nhá.
Nỏi xong, Tôkarin cảm thấy hối hận. Hom ai hết, hắn biết không thể mang nàng về Liên Xô. Thượng cấp đã cấm hắn lấy vợ người Nga để có đủ tự do và sức khỏe làm tròn những việc hiểm nghèo, lẽ nào lại cho phép hắn đưa một thiếu phụ ngoại quốc về Mạc Tư Khoa.
Ngọc Tú sửa lại mái tóc bị Tôkarin làm rối:
- Đừng anh! Còn nhiều thời giờ, anh vội vàng làm gì. Lê Ái và chị Kiều Diễm đang đợi ở phòng bên.
Nghe Ngọc Tú nhắc đến Lê Ái, Tôkarin đâm ra bực mình. Hắn nói:
- Lê Ái là thuộc viên của anh. Hắn làm gì có quyền xen vào đời tư của em, nhất là vào đời tư của anh, nghĩa là thượng cấp của hắn.
- Anh không hiểu. Kiều Diễm là bạn thân lâu năm của em, nên nhiều lần đã ngỏ ý với Lê Ái kết nạp em vào tổ chức. Lần nào cũng vậy, Lê Ái cũng tìm cớ thoái thác.
- Vì sao, em biết không?
- Em biết lắm. Nhưng thôi, nói ra không tiện. Anh tha lỗi cho em.
- Em cứ nói ra.
Ngọc Tú lắc đầu:
- Em đã xin lỗi anh rồi. Câu chuyện phiền lòng quá, em không thể thuật lại.
Tôkarin gắt:
- Em vừa gia nhập vào một tổ chức có hệ thống kỷ luật hết sức nghiêm ngặt. Nếu em không nói, nhân danh cấp trên anh ra lệnh cho em phải nói.
Ngọc Tú thở dài:
- Anh ra lệnh, em xin tuân theo. Song, ngược lại, em yêu cầu anh một điều, anh chấp thuận em mới nói, bằng không thì thôi, em nhất định ngậm miệng.
- Điều kiện ra sao?
- Anh không được nổi tức với người khác.
Tôkarin mỉm cười:
- Chà, em lắm chuyện quá!
- Không phải em lắm chuyện, sự thật là thế. Lê Ái không muốn kết nạp em, sợ bại lộ một bí mật giữa hắn với em. Chắc anh biết hắn sắp thành hôn với Kiều Diễm. Mặt hoa da phấn như Kiều Diễm mà nhận lời làm vợ Lê Ái, xấu xí, cục mịch, vụng về, kể cũng lạ. Thật ra, chẳng có gì lạ. Lê Ái có rất nhiều tiền. Có tiền, mua tiên cũng được, huống hồ Kiều Diễm là đàn bà như mọi đàn bà yếu đuối khác, và hơn thế, lại ở vào hoàn cảnh thiếu thốn. Kiều Diễm lấy hắn mặc dầu không yêu.
- Từ nãy tới giờ, em chỉ nói tới thiên hạ. Anh muốn nghe nói về em.
- Vì Kiều Diễm, em biết Lê Ái. Do sự quen thuộc này hắn lợi dụng em, nói đúng hơn, ức hiếp em. Hắn bắt em thỏa mãn đòi hỏi xác thịt, nếu không sẽ làm hại gia đình.
- Gia đình em ở ngoài Bắc kia mà?
- Vì thế hắn có thể hăm dọa em. Hắn vẫn liên lạc mật thiết với ngoài Bắc. - Hắn nói láo.
- Không, hắn nói thật. Để chứng tỏ em biết là thật, hắn dặn em viết thư về Hà Nội và đưa hắn gửi. Đúng nửa tháng sau, em nhận được thư trả lời, cũng do hắn đưa tận tay. Chữ viết trong thư đúng là chữ của cha em. Lê Ái không muốn kết nạp em, vì nếu em trở thành nhân viên của tổ chức, hắn hết phương hăm dọa và cưỡng bức.
Tôkarin nghiến răng:
- Anh hiểu rồi. Thằng khốn nạn...
Ngọc Tú đưa ngón tay lên môi:
- Suyt. Hắn nghe được thì khốn.
Tôkarin rít lên:
- Hắn là tay sai của anh, việc gì mà sợ.
- Dĩ nhiên, anh không sợ. Còn em, em có nhiều lý do để sợ. Không lẽ anh ở suốt ngày đêm ở đây để che chở cho em. Lúc anh vắng nhà, Lâ Ái chỉ cần nhấc bàn tay lên là em mất mạng.
- Anh đã nói là em đừng sợ... Rồi em coi, anh sẽ cho hắn bài học đích đáng.
- Lúc nãy, anh đã hứa với em rồi. Anh đã hứa không tức giận và gây sự. Anh quên rồi sao?
- Anh không quên. Nhưng với tư cách đại diện cho tổ chức ở đây, anh có trách nhiệm trừng trị nhân viên nào làm hư hỏng nền móng của tổ chức.
Ngọc Tú ngồi yên trong ghế, cặp mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không. Tòa nhà rộng bát ngát này, nàng mới tới lần đầu, và nàng có cảm tưởng bị giam giữ ở đây mãi. Đứng ngoài trông vào, khách qua đường đinh ninh đây là một ngôi nhà cất dở vì chủ nhân thiếu tiền, với tường gạch đỏ phủ rêu xanh, với cỏ gấu mọc cao gần đầu người.
Lên cầu thang, nàng rùng mình khi thấy một người lùn đứng gác. Loại ngưởi lùn một thước ấy, nàng chỉ gặp trong rạp xiếc. Bộ ria của hắn đen sì vểnh thành chữ V trên mặt to chữ điền, tương phản với thân hình cụt thun lủn và dày cộm. Nhưng cái làm nàng ngạc nhiên hơn là đàn chó bẹt-giê, cao lớn, bằng hai người gác, điệu nhảy, điệu nằm, mềm mại, nhanh nhẹn, tỏ ra được huấn luyện công phu.
Trụ sở của Tôkarin đóng trên tầng nhì. Trong mỗi phòng, đồ đạc vẻn vẹn cái bàn kèm hai cái ghế, và cái giường sắt hoen rỉ.
Bẹt giê sủa gâu gâu. Tôkarin đứng dậy. Ngọc Tú níu tay áo sơ mi hắn, giọng van lơn:
- Em xin anh, anh đừng làm gì Lê Ái!
Tôkarin đẩy nàng ra, quắc mắt:
- Hừ, không ngờ em còn cảm tình với hắn?
- Không phải. Chưa bao giờ em có cảm tình, song em còn gia đình...
Tôkarin gỡ bàn tay của Ngọc Tú, soa nhẹ lên mái tóc óng ả của nàng:
- Anh sẽ chiều theo ý muốn của em. Đợi anh trong phòng này nhé. Nếu em buồn ngủ cứ nằm trước, anh sẽ tới sau. Đừng ra cửa, lũ bẹt giê dữ lắm.
- Em có ý nghĩ rằng đàn chó bẹt giê là cai tù.
- Ý nghĩ của em rất đúng. Đàn chó này được huấn luyện thuần thục về môn canh gác trại giam.
- Té ra nhà này là trại giam, và em là tội nhân của anh.
- Đúng hơn em là thượng khách của anh. Sở dĩ anh phải bố trí cẩn thận vì trụ sở nay rất quan trọng, bị khám phá thì hỏng hết. Duy những ai sửa soạn rời Việt Nam mới được đưa tới đây.
Tôkarin huýt lên tiếng sáo. Con bẹt giê có bộ lông nâu, và cái lưng dài, tròn lẳn như lưng hổ, nhảy vọt vào. Thấy Tôkarin, con chó ngoan ngoãn nằm phục xuống. Tôkarin vuốt đầu nó, ra lệnh:
- Mày coi nhà cho giỏi nghe!
Nói đoạn, Tôkarin ra ngoài. Ngồi một mình trong phòng với con bẹt giê kếch sù, Ngọc Tú đâm ra lo sợ. Nàng gục đầu vào cánh tay, cố ngủ thiếp đi. Bên ngoài, đêm tối đổ xuống khu vườn vắng vẻ và rùng rợn.
Một con bẹt giê khác nằm án ngữ cánh cửa sang phòng bên. Tôkarin đá vào lưng. Nó gầm gừ rồi lăn qua bên. Trong phòng, Lê Ái ngồi thu hình trên ghế, như muốn làm cho nhỏ lại. Từ khi về tòa nhà hoang sơ và mênh mông này, Lê Ái mất hẳn tinh thần. Gã lùn gác cửa dẫn Kiều Diễm sang phòng khác không thèm hỏi hắn một tiếng. Hắn muốn băng ra hành lang để trò chuyện, phàn nàn với Tôkarin, nhưng mỗi lần hắn tới ngưỡng cửa, con bẹt-giê quái ác lại sủa lên một tiếng hăm dọa.
Thoáng thấy bóng Tôkarin, hắn mừng như bắt được của:
- Kiều Diễm đâu hả anh? Khổ quá, con bẹt- giê quanh quẩn bên chân tôi hoài.
Tôkarin chìa thuốc lá mời hắn:
- Nàng mệt trong người nên đã ngủ say.
Lê Ái nắm tay Tôkarin:
- Phiền anh dẫn tôi lên thăm nàng.
Tôkarin gạt phắt:
- Không được. Tôi có chuyện cần nói với anh, chuyện Ngọc Tú.
- Trời, anh mang Ngọc Tú về đây rồi ư!
Tôkarin gật đầu lạnh lùng:
- Phải.
Lê Ái thở dài:
- Chết rồi.
Tôkarin giận tím mặt, song vẫn thản nhiên hút thuốc lá. Hắn muốn tát bốp vào má Lê Ái, tuy nhiên, sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, thu thập được nhiều kinh nghiệm xử thế, hắn chỉ tấn công bằng nụ cười:
- Ngọc Tú sẽ được kết nạp vào Tổ chức.
Lê Ái trố mắt:
- Về đời tư, nàng có nhiều điểm nghi ngờ. Nhiều lần, tôi báo cáo về Hà Nội, và Hà Nội đã bác bỏ. Vả lại, Trung ương cho tôi quyền thu nhận nhân viên mới. Đàn bà thường làm hỏng việc lớn. Đàn bà đẹp như nàng càng dễ làm hỏng việc lớn.
- Đó là ý kiến riêng của anh. Ý kiẽn tôi lại khác.
- Tôi là nhân viên thường trực ở đây. Tôi xin tận tâm giúp đỡ anh, song ngược lại, tôi hy vọng anh không can thiệp vào nội bộ của tôi.
- Bây giờ tôi mới biết rõ anh. Tuy vậy, cũng chưa muộn đâu, Lê Ái ạ.
- Đối với tôi, có thể đã muộn. Vì tên tôi, chân dung tôi đã bị đăng trên báo. Tôi không thể hoạt động ở đây được nữa. Tôi xin được đi Liên Xô.
Tôkarin đút tay túi quần, khiến Lê Ái chột dạ. Cử chỉ nhanh nhẹn, hắn cũng đút tay túi quần. Tới phút này, hắn mới nhận chân được giá trị của cuộc sống tự do. Hắn xấu trai, không được đàn bà đoái hoài, lại học hành dốt nát, hạnh kiểm bê tha, nên từ nhỏ đến lớn hắn chỉ loanh quanh với những vụ làm ăn bất chính. Dầu nghèo túng lương tâm hắn cũng thanh thản, đằng này hắn có nhiều tiền, lại mất tự do.
Hồi mài dung quần trên ghế nhà trường, Lê Ái đã có tư tưởng khuynh tả. Song hắn không thể ngờ là từ tư tưởng khuynh tả đến hoạt động gián điêp cho R.U cộng sản chỉ là đoạn đường ngắn ngủi. Hắn nhận lời phụng sự R.U vì tư tưởng, nhưng cũng vì tiền. Từ nay trở đi, thế là hết.
Tôkarin dằn từng tiếng:
- Anh muốn đi Liên Xô ư? Tôi e không thể làm vừa lòng anh.
Lê Ái trố mắt:
- Anh vừa hứa với tôi. Trong khế ước, trung ương hứa đảm bảo an ninh cho tôi, trong trường hợp bại lộ. Sở dĩ địch phăng ra tôi vì tôi phải đánh giùm anh hai bức mật điện quá dài. Nếu anh thận trọng hơn nữa, tôi đâu đến nỗi.
Tôkatin cười gằn:
- Lạ thật, tới phút này anh vẫn chưa chịu mở mắt? Tôi cố tình hớ hênh để đo lường phản ứng của địch.
- Ồ, tôi cứ tưởng...
Lê Ái rút ra khẩu súng lục mạ kền sáng loáng. Tôkarin định đối phó, song không kịp nữa. Lê Ái nhún vai, dáng tự đắc:
- Anh đừng vội khinh tôi. Tôi không quá đần độn như anh tưởng.
Da mặt Tôkarin hơi tái, rồi hồng hào trở lại. Hắn hối hận đã khinh địch khiến Lê Ái có thể rút súng. Bèn nói:
- Lê Ái? Dọa nạt cấp trên, anh đã phạm vào kỷ luât thép của tổ chức.
Lê Ái phá lên cười ngạo mạn:
- Tôi chán ngấy trò chơi nguy hiểm này rồi. Bây giờ, tôi mới biết dại. Nhưng dầu sao cũng chưa muộn. Tôi không muốn giết anh, tuy anh muốn giết tôi. Tôi chỉ muốn thoát thân khỏi nơi này mà thôi.
- Thoát thân? Anh nói dễ nghe nhỉ? Đàn chó bẹt giê của tôi có thể cắn anh tan xác trong mấy phút.
- Muốn cắn nát người tôi, chúng phải phá cửa vào. Không may cho anh, tự anh đã đóng cửa lại. Với khẩu súng trong tay, núp sau cửa sổ, tôi có thể hạ được đàn bẹt giê của anh. Song, tôi xin nhắc lại, tôi không muốn giết anh, mà chỉ muốn điều đình.
- Điều kiện?
- Anh ra lệnh cho người gác dẫn Kiều Diễm và Ngọc Tú tới đây. Rồi chúng tôi tạm trói anh lại.
- Hừ, anh làm tôi như con nít.
- Nếu không, phiền anh đưa chúng tôi ra cổng. Sau khi chúng tôi lên xe, anh muốn làm gì tùy ý.
- Giả sử tôi từ chối.
- Giản dị lắm. Tôi chỉ cần lấy cái máy thâu phát thanh của anh, vặn luồng sóng của công an mật vụ, và liên lạc với họ.
- Trời! Anh dám phản ư?
- Dĩ nhiên. Anh định hại tôi. Miễn cưỡng tôi phải đối phó lại một cách cứng rắn. Công an phản gián đang lùng bắt tôi, song tôi sẽ thoát nạn, nếu bắt anh nộp cho họ. Tôi dẫu quan trọng, song không quan trọng bằng anh. Anh còn lạ gì thủ tục điều đình trong nghề gián điệp. Người ta sẽ cấp cho tôi một thông hành giả và tấm chi phiếu. Tôi sẽ đáp chuyến máy bay đầu tiên ra ngoại quốc với Kiều Diễm.
- Giấc mộng của anh đẹp quá! Nhưng anh quên rằng Kiều Diễm chưa hề yêu anh.
- Hừ, con quỷ cái Ngọc Tú lại hót lại với anh.
- Phụ nữ ghét anh, khinh anh là đúng. Anh dùng toàn danh từ ghê tởm. Anh chỉ muốn dùng Ngọc Tú làm đồ chơi riêng nên không kết nạp nàng vào tổ chức.
- Anh bị cô ả nhồi sọ nên mất hết lương tri. Những lời Ngọc Tú nói đều sai trăm phần trăm. Tôi không ngờ Mạc Tư Khoa phái tới đây một thanh niên dại gái như anh. Buổi đầu gặp anh, tôi đã bắt đầu lo ngại. Té ra đúng. Trông cặp mắt hau háu của anh dán vào vị hôn thê của tôi, tôi linh tính chuyện chẳng lành. Và chuyện ấy đã xảy ra. Nhưng thôi, tôi không muốn phí thời giờ với anh nữa. Anh gọi Kiều Diễm và Ngọc Tú sang đây.
Lúc ấy, Tôkarin không lo cho tính mạng hắn bằng tính mạng của Ngọc Tú. Hắn có ấn tượng đẫm máu rằng Lê Ái sẽ giết nàng. Xấu trai, luôn luôn bị đàn bà hất hủi. Lê Ái là một bệnh nhân tâm lý, sẵn sàng giết đàn bà đẹp để báo thù.
Tôkarin nói:
- Khẩu súng của anh kè kè bên hông, tôi không thể ra lệnh cho người gác.
Lê Ái đáp:
- Chẳng có gì phiền phức. Anh ra cửa sổ, gọi thằng lùn tới và dặn bắn. Hễ anh có cử chỉ nào khả nghi buộc lòng tôi phải lảy cò.
Tôkarin tiến lại cánh cửa sổ duy nhất mở ra vườn, Hắn gọi lớn:
- Senkô?
Senkô là tên lùn gác cửa. Mặc dầu chỉ cao thước mốt, Sênkô đã làm Lê Ái nể nang, với dáng đi nhanh nhẹn như mèo vờn chuột, cặp mắt sáng quắc, bàn tay to tướng, lông lá, và sần sùi như đã quen việc siết cổ nạn nhân tắt thở.
Lê Ái nhắc Tôkarin bằng giọng đủ nghe:
- Anh ra lệnh cho Senkô đưa hai người đàn bà vào đây.
Tôkarin làm đúng theo lời yêu cầu của Lê Ái. Hắn cố rình Lê Ái sơ hở để phản công, song đối phương tỏ ra khôn ngoan, không tới gần, ngón tay luôn luôn đặt lên cò súng, sẵn sàng nhả đạn.
Trong đời điệp viên, Tôkarin đã nhiều lần lâm vào tình trạng hiểm nghèo, nên tuy bị áp đảo, hắn vẫn giữ vẻ thản nhiên, vẻ thản nhiên đầy tin tưởng và nham hiểm. Lê Ái hất hàm:
- Phiền anh quay mặt vào tường.
Tôkarin chép miệng:
- Ồ, với mấy viên kẹo chì ấy anh còn mặc cảm tự ti nữa ư?
- Nếu là người khác, có lẽ tôi không cần thận trọng. Nhưng anh là nhân viên ưu tú R.U., nên buộc lòng tôi phải bố trí chu dáo. Senkô đưa hai người đàn bà vào phòng sẽ không nhìn thấy anh, và từ giờ tới khi tôi chế ngự Senkô, yêu cầu anh đứng yên.
Senkô không phải tay vừa. Chỉ cần anh hớ hênh trong nháy mắt là hắn hạ thủ anh như bỡn.
- Cám ơn anh.
Tiếng chân người nổi lên ngoài bành lang. Tiếng nói của Senkô:
- Thưa đại tá, ttôi đã dẫn họ tới.
Lê Ái lừ mắt ra hiệu. Tôkarin đáp:
- Mở cửa đưa họ vào.
Lê Ái đứng khuất sau cái thống bằng sứ Giang Tây cao lút đầu người. Cửa mở toang, hai người đàn bà bước vào. Senkô theo sau, trên miệng phì phèo điếu xì gà dài ngoằng. Tôkarin quay lại, thét lên.
Đoàng! Phát súng của Lê Ái trúng bắp tay Senkô. Tên lùn ôm vết thương ngã ngồi. Lê Ái quát:
- Tôkarin đứng yên, kẻo mất mạng!
Lỡ trớn, Tôkarin không thể quay mặt vào tường được nữa. Lê Ái còn cách hắn ba thước. Miệng súng bốc khỏi nghi ngút của Lê Ái chĩa về phía Tôkarin. Viên trung tá Hồng quân cảm thấy Lê Ái đã quyểt định giết hắn, và trừ phi có phép màu nhiệm, cuộc đời của hắn có thể được coi như sắp kết thúc một cách thảm thê và nhục nhã.
Mắt Tôkarin hoa lên. Hắn chẳng thấy gì nữa. Thì vừa khi ấy một việc lạ lùng xảy ra.
Hai tiếng súng vang lên chát chúa.
Z.28 Gián Điệp Siêu Hình Z.28 Gián Điệp Siêu Hình - Người Thứ Tám Z.28 Gián Điệp Siêu Hình