However rare true love may be, it is less so than true friendship.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Buusan Nguyen
Số chương: 31 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4503 / 104
Cập nhật: 2020-03-02 09:37:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: Cạm Bẫy
ăn Bình vớ chai huýt-ky đầy ắp ở đầu giường, đưa lên miệng tu một hơi dài. Xong xuôi, chàng nằm dài trên nệm, mắt lim dim nửa thức nửa ngủ. Buổi trưa ở Cửu Long nóng bức lạ thường. Nếu được tự do, giờ này chàng đã lái xe ra bãi biển, tìm chỗ khuất để bơi lội với một người đàn bà đẹp. Nhưng từ lúc máy bay đến Hồng Kông, chàng đã bị một chiếc xe hơi bít bùng đón tại phi trường Kai Таk chở đến giam lỏng trong khách sạn.
Văn Bình quay mặt ra cửa sổ. Tiếng xe cộ ồn ào dưới đường vẳng lên nghe rõ mồn một. Hai người đàn ông vận âu phục xám, đội mũ phớt vành mềm, lặng lẽ ngồi chơi bài. Thoạt trông, người ta đã biết họ là nhân viên công an đặc biệt của Mỹ, căn cứ vào vóc dáng to lớn, đôi vai đồ sộ như tủ gương, nét mặt gân guốc, lì lợm, cánh tay dài như tay vượn, và nhất là túi cồm cộm dưới nách, bên trong có khẩu súng nạp đạn sẵn.
Hai nhân viên công an Mỹ theo sát chàng từng bước, từ lúc chàng trèo lên phi cơ tại trường bay quốc tế Nữu Ước. Trên máy bay, họ ngồi hai bên chàng. Suốt cuộc hành trình, họ không hề chợp mắt phút nào, và bất cứ món ăn, thức uống nào do chiêu đãi viên bưng lại đều được họ nếm trước, rồi mới đưa tận tay cho chàng.
Sự chăm nom quá chu đáo này làm chàng bực bội. Lúc phi cơ đáp xuống Ba Lê, Văn Bình nghĩ cách bỏ trốn một lát, song chàng chưa đi được ba bước hai gã khổng lồ đã tới khoác tay chàng, dẫn lại cái bàn kê khuất trong góc tiệm ăn. Máy bay tới Nhật, Văn Bình cũng không được vào thành phố. Rồi máy bay đến Hồng Kông.
Văn Bình hỏi trống không:
- Bao giờ chúng mình đi?
Một người đáp:
- Bác sĩ gắng chờ một lát. Một giờ nữa thôi.
Văn Bình sực nhớ chàng là bác sĩ U Myen người Miến Điện. Vai trò oái oăm này, chàng đã lột hết tinh thần, song chàng vẫn có cảm tưởng chưa hoàn toàn đúng sự thật. Chàng định hỏi hai gã vệ sĩ, nhưng lại nín thinh. Vì chàng biết hỏi vô ích. Hai nhân viên công an Mỹ đinh ninh chàng là nhà khoa học siêu hình U Myen.
Văn Bình đề nghị:
- Còn những một giờ nữa, tôi muốn đi thăm phố xá một chút được không? Đây là lần đầu tôi đặt chân xuống Hồng Kông. Tôi nghe nói hàng hóa ở đây rẻ lắm, chỉ bằng nửa giá tiền ở Mỹ.
Nói vậy, chàng định nhử mồi hai nhân viên mật vụ. Ham rẻ, chắc họ sẽ bằng lòng cho chàng ra đường sắm đồ. Quả nhiên, một tên ngước đầu lên giọng thân mật:
- Thú thật với bác sĩ chúng tôi cũng mới ghé Hồng Kông lần đầu. Song lệnh trên cấm ngặt lắm. Nhỡ xảy rа chuyện gì thì khốn.
Văn Bình cười:
- Ồ, các ông lo xa một cách viễn vông. Tôi không tin ai biết tôi rời Mỹ về Việt Nam. Lẽ ra qua biển Thái Bình ta lại đáp máy bay sang Âu châu, qua Bắc cực, nghĩa là chọn con đường dài hơn, để đánh lạc hướng dò xét của đối phương. Tại Ba Lê, ta đã thay máy bay lần đầu. Tới Đông Kinh, thay máy bay lần thứ nhì, Và đây là lần thứ ba. Đến Sài Gòn, tôi sẽ sống quanh năm dười hầm bê tông hoặc trong khu kẽm gai, và chôn mìn, không bao giờ được tự do bách bộ ngoài phố như hàng triệu người đàn ông khác. Trở về Mỹ các ông sẽ ít có dịp trở lại thăm thành phố Hồng Kông. Hai ông bạn nghĩ sao? Chúng ta sẽ thuê tắc xi, dạo quanh một vòng, rồi đi thẳng ra trường bay Kai Tak.
Hai người công an ngồi thừ ra. Một tên chép miệng, ném đống bài ích xì xuống bàn, và nói:
- Hay là ta đi chơi một lát cho bớt nóng?
Tên kia lắc đầu:
- Không được đâu.
Văn Bình lục túi lấy kiếng đeo vào mắt. Mặc dầu râu mép đạo mạo, và nửa mái tóc bạc. Văn Bình vẫn còn giữ lại dáng điệu nhanh nhẹn và trẻ trung của người quen sống phóng khoáng. Từ cách vẫy tay đến vuốt tóc, chàng đã bắt chước giống hệt bác sĩ U Myen. Cửa phòng mở nhè nhẹ, một gã bồi mặc đồ trắng toát cúi đầu chào Văn Bình. Chàng dõng dạc ra lệnh:
- Anh mang hành lý xuống nhà, rồi kêu tắc xi.
Hai nhân viên công an chỉ đưa mắt ra hiệu cho nhau, mà không phản đối. Rồi cả ba người tiến ra thang máy. Như thường lệ, Văn Bình bị kẹt vào giữa. Hành lang trải thảm đỏ không có ai. Văn Bình ngừng lại, đốt xì-gà. Mùi xì-gà thơm hắc không làm chàng quên được hơi bạc hà êm ái và say sưa của thuốc Salem.
Nội vụ diễn ra rất nhanh. Nhanh đến nỗi Văn Bình không biết từ đâu tới. Lúc Văn Bình sửa soạn bước vào thang máy, ở sau lưng nổi lên một tiêng quát khô khan:
- Giơ tay lên kẻo chết!
Như chớp nhoáng, hai nhân viên công an đặt tay vào nách. Nhưng cả hai đều không kịp rút súng. Hai khẩu tiểu liên tối tân đã dí sát vào người. Địch gồm ba người, vẻ mặt Tây phương. Giọng nói hách dịch của gã chỉ huy tỏ ra đã lăn lộn nhiều năm trong giới du côn ở bến tàu Nữu Ước. Văn Bình quắc mắt nhìn tên đầu đảng:
- Các ông lầm rồi. Chúng tôi không phải là triệu phú mà bắt cóc chuộc tiền.
Tên chỉ huy cười khảy:
- Lầm hay không, đó là việc riêng của bọn tôi. Muốn sống, yêu cầu ông ngậm miệng lại.
Một gã nhân viên công an Mỹ phản đối:
- Đây là Hồng Kông, không phải Sicagô. Luật lệ người Anh không khoan hồng đối với kẻ dùng võ khí không có giấy phép đâu.
Một chuỗi cười khanh khách cất lên:
- Ha… ha... Phải, anh nói rất đúng. Đây là Hồng Kông, không phải Sicagô. Các anh chỉ có thể làm mưa làm gió ở Sicagô, hoặc ở Mỹ mà thôi, phải không hai ông bạn F.B.I.? (l)
Văn Bình giật mình đánh thót. Đối phương không quá tầm thường như chàng tưởng. Tuy cuộc hành trình được giữ rất kín, địch đã khám phá ra, và không cần đợi chàng đặt chân xuống Tân Sơn Nhứt, đã huy động nhân viên hành động ngay tại Hồng Kông. Chàng bỗng hối hận đã vô tình lôi kéo hai vệ sĩ F.B.I. vào ngõ cụt không lối thoát.
Văn Bình chưa định đối đáp thì tên đầu đảng đã tiếp:
- Còn ông nữa? Xin ông vui lòng bước vào thang máy xuống nhà. Mau lên chút nữa, thưa bác sĩ U Myen!
Văn Bình hỏi gặng:
- Ông là ai?
Hắn cười ngạo mạn:
- Tôi ấy à? Là ai chẳng được! Nếu bác sĩ muốn biết thêm chi tiết, tôi xin nói rõ rằng chúng tôi chờ bác sĩ và hai ông bạn quý này đã lâu.
Hai nhân viên F.B.I. nghiến răng tức giận trong khi bị đẩy vào thang máy. Hai khẩu tiểu liên đen ngòm lặng lẻ bước vào sau. Thang máy từ từ tụt xuống từng dưới. Thang máy vừa đứng lại bọn gian đã lấy áo tơi mưa phủ lên nòng súng. Giọng tên đầu đảng rít lên:
- Khỏi nói, các anh cũng biết tính mạng bác sĩ U Myen rất đắt. Đắt mà không món tiền nào mua được. Mục đích của chúng tôi chỉ là bắt cóc bác sĩ U Myen, không đá động tới các anh. Nếu các anh chống cự, miễn cưỡng chúng tôi phải lảy cò. Khi ấy, đừng bảo là ác. Bây giờ, xin mời các anh ra ngay cho. Bác sĩ U Myen sẽ đi sau cùng với tôi. Hễ các anh la lên là tôi hạ thủ.
Hai nhân viên F.B.I. riu ríu tuân lệnh. Văn Bình tình cờ đứng cạnh một tên gian cầm súng. Chàng chỉ cần hạ cánh tay xuống là loại trừ được khẩu súng nguy hiểm. Chế ngự được tên thứ nhất, thì trong ba giây đồng hồ sau chàng có thể quật ngã được tên cầm súng thứ nhì, bằng thế nhu đạo liên hoàn. Song ông Hoàng đã dặn kỹ trước khi chàng rời Sài gòn. Trong khi đội lốt U Myen, chàng phải tỏ ra không biết võ nghệ.
Cửa thang máy mở rộng. Đối diện là quầy tiếp tân của khách sạn. Gặp chàng, viên quản lý chào đón một cách đon đả. Chàng phải thanh toán tiền phòng trước khi rời khách sạn. Và chàng hy vọng hai nhân viên công an Mỹ tạo được cơ hội chuyển bại thành thắng.
Cơ hội này đã tời đột ngột. Một tên cầm súng trượt chân trên nền gạch hoa láng bóng. Nhanh như máy, cánh tay lực lưỡng của hai công an viên giáng xuống một lượt. Bị phản công bất thần địch trở tay không kịp. Khẩu tiểu liên tuột khỏi tay địch, rơi xuống đất gây tiếng động khô khan.
Thấy súng, mọi người la lên. Quang cánh khách sạn trở nên hỗn độn. Vào những phút biến loạn này, Văn Bình mới khâm phục tài năng của công an F.B.I. Một người chạy lại phía chàng dùng thân hình đồ sộ làm mộc. Người thứ hai dùng thế nhu đạo cực hiểm quật ngã tên đầu đảng đang loay hoay với khẩu súng lục chưa rút kịp khỏi thắt lưng.
Tên đầu đảng tỏ ra có sức mạnh phi thường. Bị trúng thế võ ác độc, hắn chỉ loạng choạng chứ không ngã hẳn. Và tuy bị đau điếng, hắn vẫn còn đủ sáng suốt để ra lệnh cho đàn em chạy tháo thân giữa lúc tiếng xe hơi thắng gấp bên ngoài, và tiếng giày đinh nhảy cồm cộp trên nền xi măng cứng.
Cảnh sát ập vào. Dường như địch đã quen với các lối ra vào của khách sạn, và có sẵn kế hoạch tẩu thoát, nên loáng một cái, Văn Bình không thấy họ đâu nữa. Mỗi tên chạy ra một cửa, mất hút như bóng ma. Hai công an viên F.B.I. kéo tay Văn Bình, định lẩn vào đám đông nhưng không kịp. Nhân viên cảnh sát Hồng Kông đã vây chặt lấy chàng. Một người hỏi chàng bằng gọng nhã nhặn:
- Ông bị hành hung phải không? Phiền ông cho tôi coi giấy thông hành.
Văn Bình cho tay vào túi. Hai vệ sĩ F.B.I. khoát tay ra hiệu. Người cảnh sát ra vẻ bực bội:
- Tôi hỏi căn cước người này, chưa hỏi hai ông.
Một vệ sĩ F.B.I. đáp:
- Ông không có quyền xét giấy tờ của chúng tôi.
Người cảnh sát trố mắt, nửa sửng sốt, nửa tức giận:
- Các ông là ai?
Văn Bình nín thinh. Một người đàn ông bận sơ mi ngắn tay màu xanh, mỗi vai lủng lẳng một cái máy ảnh, rẽ đám đông tiến vào, bị cảnh sát chận lại. Hắn gạt ra, tiến về phía Văn Bình, nghiêng mình chào:
- Tôi là phóng viên báo chí. Hân hạnh được chào bác sĩ U Myen.
Hai vệ sĩ F.B.I. giật mình ớn lạnh. Gã phóng viên quay lại cười mỉm:
- Các ông đừng sợ. Tôi có may mắn đứng trên gác khi bọn gian chĩa súng bắt các ông nên đã nghe được hết. Hơn thế nữa, tôi còn chụp được một cuốn phim.
Người vệ sĩ F. В. I. đưa tay phản đối:
- Yêu cầu ông trả lại cuốn phim ấy. Nếu không…
Nhà phóng viên vẫn tươi cười:
- Ông lầm rồi. Đây là Hồng Kông, không phải đất Mỹ. Tại Mỹ, các ông có quyền hành to lớn, nhưng ở đây, các ông chỉ là du khách thông thường.
Người vệ sĩ đổi sang giọng thuyết phục:
- Chúng tôi đang thừa hành một công vụ quan trọng.
Nhà phóng viên nhún vai:
- Tôi cũng vậy. Nếu công vụ của hai ông là bảo vệ bác sĩ U Myen thì công vụ của tôi là tìm ra tin tức sốt dẻo và lý thú để cống hiến cho hàng triệu độc giả trên thế giới. Nội đêm nay, báo chí khắp năm châu sẽ được hân hạnh in hình bác sĩ U Myen bị bọn gian bắt cóc.
Người vệ sĩ quay sang phía viên chỉ huy cảnh sát:
- Xin tự giới thiệu, tôi là nhân viên đặc biệt F. B. I.. Nhân danh F. B. I. tôi yêu cầu ông tiêu hủy cuốn phim nhựa ấy.
Viên cảnh sát Hồng Kông lắc đầu:
- Nếu ở xứ ông, báo chí được hoàn toàn tự do, thì ở đây báo chí của chúng tôi cũng tự do không kém. Ông bảo làm gì tôi cũng làm được, nhưng xin đừng động tới báo chí.
Người vệ sĩ F.B.I. gắt:
- Trời, tôi không ngờ các ông bất lực đến thế!
Giọng viên chỉ huy cảnh sát trở nên khó chịu:
- Yêu cầu ông giữ miệng. Và để chửng tỏ bất lực hay không, tôi xin mời các ông về Sở.
Người vệ sĩ, giọng kinh ngạc:
- Về Sở? Về sở cảnh sát làm gì? Các ông không biết chúng tôi sắp lên máy bay hay sao?
- Việc ấy, chỉ các ông biết, chúng tôi biết sao được. Vả lại, các ông đáp máy bay hay không là việc riêng, không dính dáng đến chúng tôi. Sở dĩ tôi mời các ông về Ty là để kiểm soát giấy tờ. Nếu giấy tờ hợp pháp, các ông được trả tự do tức khắc. Nhược bằng...
- Không lẽ các ông lại tống giam nhân viên đặc. vụ F.B.I.?
- Cũng còn tùy. Nếu là nhân viên F. B. I. giả mạo thì tống giam còn nhẹ. Còn bị đưa ra tòa, rồi bị đuổi ra khỏi biên giới Hồng Kông nữa.
- Chúng tôi là nhân viên F. B, I. thực thụ.
- Khi nào về Sở hẵng hay.
Văn Bình lặng lẻ theo toán gười ra xe. Chàng không ngờ công việc của chàng lại bị vướng mắc một cách tai hại. Điều cần yếu cho sự thành công là giữ bí mật, bí mật chừng nào, hay chừng ấy. Đành rằng không phải vì chàng mà địch khám phá ra, song nếu chàng không bắt hai vệ sĩ F.B I. đưa đi dạo thì đã không xảy ra vụ bắt cóc, và vụ đấu khẩu mất thì giờ và khá bất lợi với cảnh sát Hồng Kông. Nội đêm nay, thế giới sẽ biết tường tận về chuyến đi của bác sĩ U Myen. Như vậy, kế hoạch của ông Hoàng sẽ bị đảo lộn hoàn toàn.
Xe cảnh sát leo lên một ngọn đồi gió mát lộng. Lát sau, tài xế lái vào một tòa nhà lớn, quét vôi trắng xóa. Một vệ sĩ F.B.I rút thẻ công vụ đưa cho nhân viên cảnh sát hộ tống:
- Giấy tờ của tôi đây. Yêu cầu các ông kiểm soát ngay, vì máy bay sắp cất cánh.
10 phút sau, ba người được tới giáp mặt viên trưởng tỵ, một người Anh trạc bốn mươi, trán hói đeo kiếng hai tròng, vẻ mặt đạo mạo. Vừa thấy hai vệ sĩ F.B.I. viên trưởng ty nhấc kiếng, hai má đỏ lên trong giận dữ:
- Tại sao các ông dùng thông hành giả?
Một vệ sĩ đáp, giọng sửng sốt:
- Có lẽ ông lầm rồi. Chúng tôi đích thật là nhân viên đặc vụ F.B.I. Nếu không, mời ông tiếp xúc với lãnh sự quán Mỹ.
- Tôi đã gọi điện thoại cho ông lãnh sự Mỹ.
- Ông còn đợi gì mà chưa trả tự do cho chúng tôi?
- Ông ấy đi Nhật vắng. Tuy nhiên, tôi biết chắc chắn các ông dùng giấy thông hành giả. Nhân viên F.B.I. thực thụ không bao giờ dùng thông hành giả. Cố nhiên tên tuổi, nghề nghiệp, quốc tịch có thể giả, nhưng giấy thông hành bao giờ cũng thật. Cho nên, bất đắc dĩ tôi phải giữ các ông lại.
- Ông không có quyền.
- Nếu các ông còn nghi ngờ quyền hành của chúng tôi thì hãy tìm cách thoát thân. Không ai ra khỏi tòa nhà này mà không bị bắt lại. Nhân viên của tôi bắn súng rất giỏi. Năm nào họ cũng đoạt giải quán quân về tác xạ. Tôi không muốn ra lệnh cho nhân viên bắn các ông.
Văn Bình xen vào giọng ôn hòa:
- Chúng tôi phải đợi đến khi nào?
Viên trưởng ty chậm rãi lau kiếng:
- Tôi sẽ đánh điện hỏi về vụ này sớm nhất đến mai mới có giải đáp. Phiền các ông ở lại đây đêm nay. Mặc dầu nhà giam không lấy gì làm rộng, chúng tôi cũng cố gắng để làm các ông vừa lòng.
Một vệ sĩ F.B.I. hăm dọa:
- Vụ này rất quan trọng. Nếu ống giữ chúng tôi lại đây nhiều hậu quả bất lợi có thể xảy ra. Và tôi e rằng ông sẽ gánh chịu những hậu quả bắt lợi ấy.
Viên trưởng ty cười gằn:
- Cám ơn ông đã khuyên bảo tôi. Song, hậu quả bất lợi ấy cũng có thể xảy ra cho các ông nếu đó là thông hành giả.
Nỏi đoạn, người ấy đứng phắt dậy, cửa phòng mở ra. Viên trưởng ty hất hàm ra lệnh:
- Dẫn ba người này vào nhà giam số 1.
Hai người lính đeo súng tiến vào. Chẳng nói chẳng rằng, Văn Bình đi xuống nhà giam. Kể ra, đây không phải lần đầu chàng ở tù. Hàng chục lần, Văn Bình đã bị nhốt trong những căn buồng tối om, chật chội và hôi hám. Được giam trong ty cảnh sát Hồng Kông cũng như lạc vào thiên thai nếu so sánh với những sà lim mà chàng đã nếm mùi ở Nga Xô, Đông Âu, Trung Hoa lục địa và Bắc Việt.
Chàng liếc nhìn hai nhân viên F. B I.. Cả hai đều bừng bừng sát khí, tưởng họ có thể ăn tươi nuốt sống bất cứ ai dám trêu ngươi, cảm thấy thú vị, Văn Bình nhếch mép cười một mình.
Cửa nhà giam đóng sập lại. Tiếng khóa rỏn rẻng, tiếng giày còm cộp nổi lên im dần. Dưới ánh điện vàng ệch từ trên cao chiếu xuống, Văn Bình nhận ra một cái giường sắt khẳng khiu. Chàng ngả lưng xuống, nhắm nghiền mắt. Hai vệ sĩ F.B.I. ngó chàng một cách sửng sốt và lạ lùng. Như thường lệ, chàng chỉ tập trung tư tưởng trong một phút đồng hồ là giấc ngủ nhẹ nhàng kéo tới.
Rồi Văn Bình ngủ thiếp.
*
* *
Tiếng máy đánh chữ I.B.M. bằng điện chạy lào rào như mưa rơi xuống máng kẽm bỗng ngừng bặt. Nguyên Hương vừa để ý tới chồng báo và bản tin tức mà người tùy phải mang vào đặt ở bàn bên.
Trong phòng làm việc, chỉ còn lại mình nàng. Thật ra, nàng là nữ nhân viên duy nhất trong văn phòng đặc biệt của ông tổng giám đốc sở Mật Vụ. Lẽ ra, cũng như mọi người, Nguyên Hương được nghỉ để về căn gác xinh xắn từ 6 giờ chiều. nhưng ông Hoàng đã giữ lại. Đối với nàng thì làm đêm là chuyện thường. Có tháng, nàng phải thức đêm, theo dõi các biến chuyển từng giờ từng phút trong văn phòng đặc biệt tới 10 ngày. Song không bao giờ nàng ca thán có lẽ vì nàng yêu nghề, và tận tụy với nghề. Nhưng cũng vì nàng coi ông Hoàng như cha đẻ, nàng không muốn người thủ lãnh già nua và khả kính ấy phải cặm cụi dưới ngọn đèn đêm một mình.
Một linh giác khác thường bắt Nguyên Hương lục chồng báo ra xem. Nàng đứng dậy, mái tóc dài lòa xòa trên làn da trắng muốt và mịn màng. Nàng vẫn cân đối, quyến rũ như thường lệ. Mặc dầu nàng ăn nhiều đồ ngọt, vòng eo của nàng vẫn không nở thêm phân nào, trái lại, nàng càng thon hơn và thoạt ngắm nàng ai có khiếu thẩm mỹ cũng phải trầm trồ khen ngợi sự tương phản tuyệt trần giữa cái bụng thót lại với bộ ngực đa tình nhô ra phía trước, như muốn phá toang làn áo vân mỏng. Đột nhiên, một tấm ảnh lớn hiện ra trước mắt. Đó là một trong nhiều tấm ảnh gửi đi khắp thế giới bằng vô tuyến của một hãng thông tấn quốc tế. Nàng bàng hoàng trong giây phút.
Từ máy anh-tét-phôn trên bàn vẳng ra âm thanh dè dè, tiếp theo là tiếng nói của ông Hoàng. Nguyên Hương ôm lấy chồng báo, tiến lại cửa sắt, ngăn đôi văn phòng đặc biệt với phòng giấy bí mật và kiên cố của ông tổng giám đốc Mật vụ. Như mọi ngày, ông Hoàng ngồi thu hình trong ghế bành to lớn, sau cái bàn hình bán nguyệt đồ sộ, lút ngập hồ sơ và máy điện thoại đủ màu. Ông Hoàng ngẩng đầu lên. Nguyên Hương nói, giọng lộ vẻ cảm động:
- Thưa, trong bản phúc trình tin tức và hình ảnh có nói tới Z.28
Hình như ông Hoàng xem lời nói của nàng chẳng là gì nữa. Mặt ông vẫn bình thản như không khi bật lửa châm điếu xì-gà Ha van quen thuộc. Phản ứng của ông là nhấc kiếng cận thị khỏi mắt, rồi lặng lẽ lấy miếng da trừu lau nhè nhẹ. Lau xong, ông đeo kiếng lên, giọng hiền từ:
- Cô đã làm xong bản báo cáo về hoạt động của địch ở Sàigòn chưa?
Nguyên Hương đã kinh ngạc lại kinh ngạc thêm:
- Thưa, còn phải đợi Văn Bình hoàn thành công tác này mới kết luận được.
Ông Hoàng mỉm cười:
- Thôi, ta không có thời giờ chờ đợi nữa. Cô ráng nội ngày mai viết cho xong. Trong tuần này, sẽ có cuộc họp quan trọng giữa các tổ chức điệp báo đồng minh. Các cơ quan bạn rất khâm phục thành tích của ta trong việc loại trừ đạo quân thứ năm của địch. Tôi muốn họ được thừa hưởng kinh nghiệm quý báu của Văn Bình trong vụ này.
- Giả sử Văn Bình không làm xong việc?
Tươi cười, ông Hoàng hỏi ngược lại:
- Vì nguyên nhân nào, cô lại nghi ngờ khả năng của Văn Bình?
- Thưa, không phải thế. Sở dĩ tôi lo ngại, vì tin tức Hồng Kông cho biết Văn Bình và hai vệ sĩ F.B.I. bị bắt cóc hụt và bị giam tại ty cảnh sát.
- Thế à?
Ông Hoàng chỉ thốt ra hai tiếng ngắn ngủi, rồi vớ lấy chồng báo, và tin tức. Trong bảng tổng kết tin tức trong ngày do Nha Chuyên môn soạn thảo, một biến cố được đưa lên hàng đầu: tai nạn xảy ra cho nhà bác học U Myen và hai vệ sĩ trên đường từ Mỹ về Sàigòn. Tấm hình Văn Bình bị bắt trong khách sạn, đưa lên xe hơi cảnh sát, tuy gửi bằng vô tuyến, vẫn rõ ràng từng nét. Trong ảnh, Văn Bình già hẳn, với mớ tóc chải ép, bộ râu lún phún, và cặp kiếng mát che lấp nửa khuôn mặt.
Ồng Hoàng hỏi Nguyên Hương:
- Nhân viên ta trong lãnh sự quán Hồng Kông đánh điện về chưa?
Nguyên Hương đáp:
- Thưa, đệ tam vụ Hoàng Dung gửi điện riêng về hồi chiều (2). Tòa lãnh sự cũng điện thẳng về bộ ngoại giao. Tuân lệnh ông, tôi đã giao hết cho Lê Diệp để giải quyết.
- Bên bộ Ngoại giao, họ nghĩ thế nào?
- Thưa, ông bộ trưởng đi công cán ở nước ngoài mai mới về. Nhưng theo chỗ tôi biết, Bộ đã yêu cầu cảnh sát Hồng Kông thả bác sĩ U Myen. À quên, thả Văn Bình.
- Thôi được. Tôi chỉ cần biết có thế. Công việc tới đây có thể được tạm giải quyết.
- Thưa...
- Cô còn muốn hỏi gì nữa?
- Thưa... mặc dầu theo dõi hồ sơ vụ này tôi vẫn không hiểu gì hết. Văn Bình còn bị giam ở Hồng Kông, chưa rõ khi nào được tha, và ông cũng chưa phúc đáp cho đệ tam tham vụ Hoàng Dung, tại sao công việc lại được coi là tạm xong?
- Cô không hiểu là phải. Phàm trong nghề này, ít ai tự hào hiểu được hết, kể cả người trong cuộc. Sở dĩ công việc của Văn Bình được coi là tạm xong, vì biến cố ở Hồng Kông đã xảy ra đúng với dự tính của ta.
Nguyên Hương nín thở nghe ông Hoàng nói. Phía sau làn khói xì-gà xanh um, nét mặt ông tổng giám đốc bỗng nhuộm một màu bí mật kỳ lạ. Ông Hoàng đã khét tiếng khắp năm châu về những mưu thần chước quỷ. Càng ở gần ông bao nhiêu, Nguyên Hương cảng thấy tài ba của ông cao siêu hơn lời đồn đãi bấy nhiêu. Là điệp viên thượng thặng, Văn Bình nhiều khi phải sửng sốt trước nghệ thuật điều khiển thiên biến vạn hóa của ông Hoàng. Gạt tàn xì gà vào đĩa, ông Hoàng đổi giọng nhỏ nhẹ:
- Bây giờ cô bắt đầu hiểu rồi chứ?
- Thưa đã.
- Liệu có còn đủ sức thức suốt đêm nay không?
Nguyên Hương trố mắt:
- Thưa, tôi thức như thế này là thường. Vả lại, theo thời khóa biểu chỉ còn đêm nay là сó nhiều công việc. Ông đã hẹn ngày mai tôi được nghỉ. Dầu không chợp mắt đêm nay cũng chẳng sao vì tối mai tôi đã có mặt ngoài Cấp. Tôi đã gọi giây nói ra Cấp lấy phòng trước.
Ông Hoàng thở dài:
- Nếu cô mệt quá, cần nghỉ lại sức thì thôi, tôi không ép.
Nguyên Hương ra dáng không hiểu, hỏi gặng:
- Thưa, mệt thì có mệt, nhưng đối với tôi công việc bao giờ cũng quan trọng hơn thú tiêu khiển. Nếu ông cần, tôi xin ở lại.
- Sự hiện diện của cô trong những ngày sắp tới rất cần thiết. Tuần sau, tôi rời Sàigòn đi ngoại quốc. Tôi muốn thanh toán hết việc lòng dòng trước khi lên phi cơ.
Đột nhiên, ông Hoàng quên bẵng đang yêu cầu Nguyên Hương hoãn nghỉ dưỡng sức để ở lại văn phòng làm việc, ông mở tập hồ sơ trên bàn rồi hỏi, giọng lơ đãng:
- Cô còn nhớ Z.53 không?
Nguyên Hương giật mình:
- Thưa, nhớ. Z.53 là một trong các điệp viên nằm lì của ta. Mặc dầu người ấy vẫn ăn lương, tôi chưa hề nhận được báo cáo công tác.
Ông Hoàng cúi nhìn đồng hồ tay:
- Mới 11 giờ rưỡi, còn sớm chán. Mỗi đêm đúng 12 giờ Z.53 liên lạc với ta bằng điện đài. Lát nữa, cô nhờ nha Chuyên môn đánh đi trên luồng sóng 60 thước một bức điện thường. Trong bức điện chỉ đề hai câu thơ lục bát của Nguyễn Du trong Kiều như sau:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
Hai câu thơ này là khẩu hiệu tiếp xúc. Nhận được, Z.53 sẽ tới chỗ hẹn một giờ sau, nghĩa là đúng một giờ sáng.
- Thưa địa điểm tiếp xúc ở đâu?
Cô lấy xe hơi riêng của Sở chờ sẵn trước rạp hát Kim Chung, ở đại lộ Hồng Thập Tự. Người ấy đã thuộc lòng số xe của chiếc trắc-xông này. Hể cô thấy một người đàn bà mặc đồ đầm trắng, đi bộ trên lề, từ ngã tư đèn đỏ tới thì mở cửa xe. Nàng sẽ hỏi cô: Xin lỗi, có phải cô đăng báo bán cái xe 15 mã lực nầy không? Cô trả lời: Vâng, tôi muốn bán với giá năm chục ngàn. Tiện thể, mời cô đi thử một vòng. Xong xuôi, cô lái xe đưa người đàn bà ấy về ngay đây. Theo nguyên tắc tôi không nói rõ nàng là ai. Song để cô khỏi băn khoăn, tôi xin giải thích rằng thiếu phụ mang bí danh là Z.53 mà cô sắp gặp chính là nhân vật quan trọng trong ván cờ quyết liệt giữa tôi với gián điệp R.U. ở Sàigòn.
NGƯỜI THỨ TÁM
(Xin đọc tiếp quyển Hạ)
--------------------------
Chú thích:
(1) F.B.I. là Federal Bureau of Investigations, công аn Liên bang Mỹ. Cơ quan này thuộc bộ Tư Pháp, và chỉ hoạt động trên lãnh thổ Mỹ, kể cả nhiệm vụ phản gián. Trong thời Đại chiến Thứ hai, F.B.I kiêm luôn hoạt động do thám ở nước ngoài, nhưng hiện nay hoạt động này đã chuyển qua C.I.A.
(2) Về nhân vật “đệ tam tham vụ Hoàng Dung”, tác giả đã nhắc tới trong “Bí mật Hồng Kông”- đã xuất bản.
Z.28 Gián Điệp Siêu Hình Z.28 Gián Điệp Siêu Hình - Người Thứ Tám Z.28 Gián Điệp Siêu Hình