Having your book turned into a movie is like seeing your oxen turned into bouillon cubes.

John LeCarre

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Buusan Nguyen
Số chương: 31 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4503 / 104
Cập nhật: 2020-03-02 09:37:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: Lưỡi Dao Sát Nhân
ăn Bình lặng người trong sự ngạc nhiên kỳ thú. Người đàn bà - đúng hơn, thiếu nữ trạc 20 – trước mặt chàng có một vẻ đẹp khác thường, vượt qua những điều được viết trong sách và gặp trong đời. Sắc đẹp dưới thời đại nguyên tử được tính bằng con số: kích thước vòng ngực, vòng mông, vòng bụng, cặp giò thon dài, tròng mắt ướt và làn môi khêu gợi. Song nàng gầy như cây liễu, gió thổi nhẹ là ngã, ngực nàng bằng phẳng như nước hồ thu, toàn thân nàng được giấu trong cái áo choàng đăng ten màu đen tha thướt.
Thế mà nàng vẫn đẹp. Nàng đẹp hơn cả những giai nhân núi lửa mà đường cong tròn trịa có thể di sơn, đảo hải. Nhan sắc tuyệt diệu của nàng không đượm chất khiêu khích nóng bỏng. Nàng đẹp trầm mặc, đẹp cổ kính, đẹp nhẹ nhàng, cái trầm mặc nghiêng ngả của Tây Thi, cái cổ kính bâng khuâng của Ngu Cơ, cái nhẹ nhàng của Giáng Kiều trong truyện Bích câu kỳ ngộ.
Cổ nàng cao, tròn, trắng muốt như thạch cao. Miệng nàng chúm chím như đóa thược dược e lệ trong sương sớm ngày xuân. Tuy nhiên, nàng đẹp nhất đôi mắt. Tất cả tinh hoa của trời đất được thu gọn vào đôi mắt rộng, đen láy, sáng rực sau hàng mi dài, cong và láng mượt như nhung. Dường như Tạo hóa sinh nàng ra để trò chuyện bằng mắt.
Chàng ngây người ngắm nằng. Mắt nàng ngước lên trong veo và đắm đuối. Chàng có cảm giác là đôi mắt nàng đang thỏ thẻ:
- Chào anh. Em chờ anh đã lâu.
Văn Bình nghiêng mình thi lễ:
- Hân hạnh.
Bửu Tấn giới thiệu:
- Đây là cô Thùy Lan. Công tằng Tôn nữ Thùy Lan. Và đây là...
Thiếu nữ cười rộ, hàm răng đều, trắng, óng ánh:
- Bất tất bác sĩ phải nói tên! Em đã biết quý khách là ai rồi. Tên ông ấy là Văn Bình, thường được gọi là Z.28. Ông Văn Bình là một trong các điệp viên khét tiếng trên hoàn vũ.
Văn Bình hỏi, giọng sửng sổt:
- Sao cô biết tên tôi? ông Hoàng báo tin với cô là tôi đến đây, phải không?
Bửu Tấn lắc đầu:
- Cô Thùy Lan không biết ông Hoàng là ai. Vả lại, cô Thùy Lan chưa gặp ông Hoàng bao giờ.
Mắt thiếu nữ chớp nhè nhẹ:
- Em còn biết nhiều nữa về ông. Hiện ông đang nghĩ đến một người đàn bà thật đẹp trạc 30. Lòng ông không vui vì ông phải lỡ hẹn. Nếu em không lầm, ông hẹn với nàng ở Đà Lạt. Ông thú thật đi. Có phải ông đang nghĩ đến người đàn bà tên là Thúy Liễu không?
Văn Bình giật mình thon thót. Chàng tiến lại gần nàng, giọng run run vì cảm xúc:
- Vâng, tôi đang nghĩ đến nàng. Đáng lẽ, tôi gặp nàng trên Đà Lạt. Vì công việc, tôi phải tới trung tâm Z. 003. Cô tài thật. Cô đã đọc được những ý nghĩ thầm kín nhất của tôi.
Thùy Lan lắc đầu:
- Ông Văn Bình! Ông chưa thành thật với em. Tại sao ông lại cho em là ma xó?
Nghe nàng trách, chàng toát bồ hôi. Thật vậy, trong óc chàng đang rủa thầm nàng là ma xó. Bửu Tấn nắm tay chàng, giọng thân mật:
- Cô Thùy Lan có biệt tài đọc được thâm tâm mọi người. Nàng nói không bao giờ sai.
Thiếu nữ lặng lẽ cúi mặt xuống. Văn Bình nâng cằm nàng lên, trong cử chỉ âu yếm. Chàng rùng mình khi chạm vào da mặt nàng. Thường lệ, da đàn bà đẹp mát rợi khi trời nóng, và ấm áp khi trời lạnh. Da Thùy Lan lại lạnh buốt một cách khác thường. Trong truyện Liêu trai chí dị, những con hồ ly tinh giả làm đàn bà đẹp để quyến rũ văn nhân hiếu sắc cũng có làn da lạnh buốt như tảng băng.
Văn Bình nhìn Bửu Tấn thầm hỏi ý kiến, Bửu Tấn thản nhiên giải thích:
- Da nàng vẫn lạnh như vậy. Nhiệt lượng trong người nàng rất thấp.
Văn Bình đập nhẹ vào vai thiếu nữ:
- Cô Thùy Lan.
Bửu Tấn gạt đi:
- Đừng anh. Nàng ngủ rồi.
Văn Bình không tin:
- Nàng ngủ rồi?
- Phải nàng đã ngủ rồi, ngủ say rồi. Từ ngày về đây, nàng thức ngủ không chừng, có khi nàng ngủ hàng tuần lễ liền. Và có khi nàng thức hàng tuần lễ không ngủ.
- Nàng mắc bệnh ngủ phải không?
- Không. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. 30 tháng trước, do báo cáo của chính quyền sở tại, ông Hoàng khám phá ra nàng ở Phú Vang, gần thành phố Huế. Năm nay, nàng vừa chẵn 18 tuổi. Nàng sinh trưởng trong một gia đình hoàng phái, bằng chứng là nàng mang họ Công tằng Tôn nữ, tuy nhiên cha mẹ nàng rất nghèo. Ngay sau khi chào đời, nàng đã bị câm, và què! Đột nhiên, năm 15 tuổi, nàng nói được, và phát lộ thiên tài thần giao cách cảm.
Bửu Tấn đắp mền len lên đùi Thùy Lan. Nàng được đặt ngồi trong cái ghế bành sắt có bánh xe. Văn Bình bâng khuâng nhìn nàng ngủ, lòng dâng lên một niềm trắc ẩn và mến thương vô tận. Mắt nàng nhắm nghiền, miệng hé mở như đứa trẻ trong giấc ngủ. Bửu Tấn vén tay áo rộng của nàng lên. Văn Bình buột miệng:
- Trời ơi!
Mộng đẹp của chàng vụt tan ra thành khói. Dưới áo choàng đen, cánh tay Thùy Lan hiện ra gày guộc, khẳng khiu như ống sậy. Bửu Tấn cười thương hại:
- Không riêng anh, ai gặp Thùy Lan đều có phản ứng luyến tiếc. Con người đẹp như hằng nga giáng thế lại tàn tật. Tuy nhiên, đó là luật thừa trừ của Tạo hóa. Những người có dị khiếu siêu hình thường rất đẹp, và đều tàn tật.
- Trên thế giới, có độ bao nhiêu người như Thùy Lan?
- Rất ít. Song hầu hết đều chết yểu, hoặc còn sống thì lúc mê, lúc tỉnh bất thường.
Bửu Tấn ấn nút trên bàn: bức tường đối diện nứt đôi, bên trong kê một cái giường rộng, Văn Bình nhận thấy trên giường có một người đàn bà Tây phương, phục sức theo lối xưa đang quay mặt ra ngoài. Bửa Tấn nói:
- Đây là bức tượng bằng sáp, không phải người thật. Nàng từ trần đã được gần nửa thế kỷ. Nhờ nàng, các nhà khoa học, và nhất là các cơ quan điệp báo, đã phăng ra sự quan trọng và cần thiết của lãnh vực siêu hình.
Nội vụ xảy ra năm 1886, nghĩa là thời kỳ anh và tôi chưa ra đời. Tên nàng là Môli (1). Nàng được sinh ra cũng như người thường. Đột nhiên, một ngày kia, toàn thân nàng run lẩy bẩy, đầu quay lia lịa như người lên đồng. Rồi trong nhiều năm liên tiếp, da thịt nàng trở nên lạnh ngắt như xác chết. Nàng phải nằm liệt giường.
Phải ghé sát tim người ta mới nghe được tiếng đập nhè nhẹ. Lạ lùng nhất là nhiều khi nàng không thở nữa, và trong 9 năm đằng đẵng, nàng không ăn.
Tưởng nghe lầm, Văn Bình hỏi lại:
- Không ăn trong 9 năm?
Bửu Tấn đáp:
- Phải. Trong 9 năm, nàng chỉ ăn bằng một người thường trong một ngày, một đêm. Không ăn mà sống, điều này hoàn toàn trái khoa học. Nhưng trường hợp cô Môli đã được nhiều nhà bác học đúng đắn xác nhận. Nàng ngủ mê mệt ngày đêm, song mỗi khi tỉnh lại nàng đã tỏ ra một thiên tài kỳ lạ. Mắt nàng tỏa ra những tia hồng ngoại khiến nàng nhìn rõ ban đêm như ban ngày. Nằm trên giường, nàng có thể đọc được sách báo đặt ở phòng bên. Nàng còn có thể mô tả không sai một chi tiết cỏn con về y phục và hoạt động của những người ở xa hàng trăm cây số. Trường hợp cô Môli hiện được R.U., C.I.A. và I.S. nghiên cứu.
- Để áp dụng vào công tác gián điệp siêu hình ư?
- Phải, Các khoa học gia gián điệp có hy vọng trong tương lai sẽ «chế tạo» được nhiều bộ óc như Thùy Lan và Môli.
- Bộ óc điện tử, hay bộ óc người?
- Bộ óc người. Chúng tôi hy vọng có thể «chế tạo» được những người như Thùy Lan và Môli. Hẳn anh đã nghe nói rằng trong cơ thẻ con người có 2 chất cương toan lạ lùng tên là DNA và RNA (2). Nhờ chất này, con mới giống cha, không giống thiên hạ, người đẻ ra người, chuột đẻ ra chuột, chứ người không đẻ ra chuột, và chuột đẻ ra người. Nếu ta lấy được chất DNA và RNA của cô Thùy Lan tiêm cho người khác, ta sẽ có một Thùy Lan khác. Anh đã thấy chưa?
Văn Bình gật đầu:
- Rồi. Bởi vậy, những người như Thùy Lan rất quý, còn quý gấp ngàn lần công thức chế bom khinh khí nữa.
Bửu Tấn nói:
- Đúng. Các cơ quan gián điệp đã phái nhân viên xục xạo khắp thế giới để tìm những người có dị khiếu siêu hình. Họ được lệnh mua bằng tiền, thật nhiều tiền, hoặc bắt cóc, ám sát, miễn sao chiếm được, còn sống hay chết. Từ nhiều năm nay, sở gián điệp nào cũng có một ban riêng, chuyên về việc theo dõi các khoa học gia ngoại quốc lỗi lạc. (3)
Đánh cắp tài liệu tối mật là hoạt động lỗi thời, giờ đây người ta đã nghĩ đến việc đánh cắp những bộ óc phi phàm. Bắt được một người như cô Thùy Lan, gián điệp địch có thể lợi hàng trăm triệu đô la.
Không đợi Văn Bình hỏi thêm, Bừu Tấn nói tiếp, thao thao bất tuyệt:
- Hàng trăm triệu đô la còn là ít. Hiện tại, cô Thùy Lan giúp ta đọc trong ý nghĩ người khác. Chẳng hạn, giải quyết những bí mật cảnh sát. Hoặc đóng góp vào các cuộc thương thuyết ngoại giao. Nhờ nàng, chúng ta có thể biết trước những điều kiện của cuộc thương thuyết. Trong tương lai, ta sẽ chế tạo nhiều Thùy Lan khác. Những người này sẽ có mặt khắp thế giới, đặc biệt tại các quốc gia hiếu chiến. Họ sẽ giữ vai trò quyết định trong công cuộc bảo vệ hòa bình, bằng cách ngăn cản chiến tranh. Trong trận đại chiến nguyên tử, phe nào tấn công bất thần là có hy vọng nắm được phần thắng. Sự tấn công bất thần này không thể xảy ra vì nhân viên của ta nhìn thấu ruột gan các lãnh tụ từ đông sang tây.
Không thể gây ra đại chiến, nhân loại chỉ còn lối thoát duy nhất: hòa bình. Muốn tiến tới hòa bình, các quốc gia phải thương thuyết với nhau. Nhờ những nhân viên như Thùy Lan và Môli, chúng ta sẽ khám phá ra dễ dàng mọi tài liệu, văn thư tối mật của đối phương. Như Tôn Tử đã nói, biết mình, biết người, thì trăm trận đánh trăm trận thắng. Nước Việt Nam nhỏ bé và yếu ớt của chúng ta sẽ trở thành cường quốc nhất nhì trên hoàn vũ.
Văn Bình hỏi:
- Công cuộc nghiên cửu ở trung tâm Z.003 đã tới đâu?
Bửu Tấn đáp:
- Tuy mới ở thời kỳ khai sơn, phá thạch, chúng tôi đã đạt được kết quả khả quan. Một số chuyên viên về siêu hình học hoạt động lâu năm ở nước ngoài đã về nước. Ngoài ra, các cơ quan tình báo bạn đã cung cấp cho ta nhiều máy móc quan trọng, như máy làm ma trơi, máy làm ma ném đá, máy chế tạo xú uế.
Im lặng một lát, Văn Bình hỏi tiếp:
- Tôi còn ở đây đến bao giờ?
Bửu Tấn đáp:
- Việc này tùy ông Hoàng. Tôi chỉ có nhiệm vạ giải thích cho anh hiểu rõ căn bản của khoa học siêu hình, và phương pháp áp dụng vào ngành gián điệp tân tiến.
Văn Bình móc túi tìm thuốc lá. Không khí dưới hầm làm cổ họng chàng khô đắng. Nhưng Bửu Tấn khoát tay:
- Chưa được. Một đốm lửa có thể gây ra hỏa hoạn. Tôi biết anh thích hút thuốc, nhất là thuốc Salem thơm vị bạc hà. Trong 5 phút nữa, anh sẽ được hút tha hồ. Nào, chúng ta ra khỏi nơi này. Anh cần hỏi thêm gì không?
Chỉ tay vào thiếu nữ ngồi gục trên ghế, hơi thở đều đặn, tỏ ra đã ngủ say, Văn Bình hỏi:
- Còn cô Thùy Lan?
Bửu Tấn nhìn nàng, giọng mơ màng:
- Nàng ngồi đây cho đến khi tỉnh dậy. Thường thường, nàng ngủ một hơi, 5, 10 ngày liên tiếp. Trong khi ngủ, nàng không ăn uống gì hết. Và khi dậy nàng chỉ uống một ly nước lạnh mà thôi. Thỉnh thoảng, nàng mới ăn, và chỉ ăn đồ nhẹ. Một bộ phận điện tử tí hon được gắn trong óc nàng. Hễ nàng thức giấc, bộ phận này sẽ truyền tin đến văn phòng điều khiển trung ương ở tầng trên. Nhân viên của tôi túc trực trong phòng suốt ngày đêm. Họ sẽ chăm nom cho nàng.
Dáng điệu buồn rầu, Văn Bình vuốt ve mái tóc óng ả của Thùy Lan. Nàng ngủ mê mệt, mặt gục xuống hai bàn tay. Tiếng ngáy của nàng êm ái, thơm tho như của mọi người con gái khỏe mạnh và đáng yêu khác. Mùi thơm đặc biệt này đã quyện thêm mùi da thịt thanh tân, khiến Văn Bình ngây ngất. Chàng buột miệng:
- Thùy Lan có chồng chưa, bác sĩ?
Bửu Tấn thở dài:
- Chưa.
Tiếng thở dài của Bửu Tấn dội sâu vào lòng Văn Bình. Đột nhiên, chàng cảm thấy cô đơn và rét lạnh hơn bao giờ hết, mặc dầu chàng được hàng tá đàn bà yêu thầm, nhớ trộm. Lần thứ nhất trong đời, chàng gặp một cô gái như Thùy Lan với vẻ đẹp cổ kính như nhánh mai gầy dưới trời đông giá lạnh. Nếu nàng không bán thân bất toại, chàng đã cúi xuống, nắm gọn bàn tay xinh xắn của nàng, và âu yếm hôn thật lâu vào môi nàng. Chàng sẽ mời nàng đi ăn và du hí suốt đêm, và chàng tin nàng ưng thuận. Từ bao năm nay, chàng chưa hề bị phụ nữ ghét bỏ.
Tạo hóa đã phú cho Văn Bình một sức hấp dẫn phi thường. Chàng được phụ nữ yêu thương mặn nồng nhờ thân hình cao lớn, đầy thớ thịt rắn rỏi như người Tây phương, mớ tóc quăn hung hung cắt ngắn phất phơ trên vừng trán rộng, khuôn mặt khả ái với cái miệng si tình và ngạo nghễ, nhất là cặp mắt lúc quyến rũ dịu dàng, khi tóe ra tia lửa pha chất thép. Đã gặp chàng không người đàn bà nào muốn xa, vì ngoài tài ăn nói lưu loát, duyên dáng, hùng biện, chàng còn có kiến thức uyên bác, và võ nghệ cao cường.
Bửu Tấn dẫn Văn Bình tới một cánh cửa sắt đồ sộ. Văn Bình chưa kịp hỏi thì tấm cửa nặng mở dạt sang bên.
Trước mặt chàng là một gian phòng trang hoàng lộng lẫy. Một người đàn ông nhỏ thó ngồi đợi chàng trong cái ghế bành rộng.
Văn Bình trố mắt nhìn. Người ấy là ông Hoàng, tổng giám đốc Mật Vụ.
*
* *
Tiếng rú hoảng hốt của Thanh Xuân làm rung chuyển căn gác ọp ẹp và tiều tụy. Trần Hinh giơ cao vỏ chai vỡ, sửa soạn giáng xuống. Trong lúc vội vàng, hắn không biết sẽ hạ ai trước.
Thanh Xuân kéo vội cái khăn trải giường cũ kỹ để che tấm thân lõa lồ, láng bóng bồ hôi. Người đàn ông buông nàng ra, và nhảy vọt xuống giường.
Lúc ấy, Trần Hinh mới nhận ra tình địch là người ngoại quốc, về sức vóc, người lạ hơn hẳn Trần Hinh. Bộ lông ngực của hắn trông đen sì và dữ tợn như lông con gấu. Cổ hắn bạnh ra, bộ mặt vũ phu, diêm hàm răng khấp khểnh và làn môi mỏng dính. Song về tài nghệ, chưa chắc ai hơn ai. Trần Hinh không đến nổi là tay tầm thường trong làng nhu đạo.
Gã ngoại kiều lùi dần, lùi dần, trong khi Trần Hinh tiến lên, tiến lên. Cái vỏ chai nguy hiểm đang rình cơ hội thuận tiện đánh vào đầu đối phương.
Trần Hinh dồn hắn vào cái tủ đựng quần áo mốc meo và rỗng tuếch. Trong một vài giây đồng hồ ngắn ngủi nữa Trần Hinh sẽ dùng độc thủ. Đôi mắt của gã ngoại kiều mở rộng nhìn chăm chăm vào mắt Trần Hinh, hai tay hoành ra, như chờ vỏ chai giáng xuống thì hất bắn xuống đất.
Lưng gã ngoại kiều đụng vào cửa tủ. Cơ hội tốt đã tới cho Trần Hinh. Hắn sẽ giết tên đàn ông lạ mặt, rồi hậu quả ra sao cũng được. Hắn đã quên hết mọi việc, chỉ nghĩ đến việc Thanh Xuân ôm ấp một người đàn ông đáng ghét.
Trên mặt gã ngoại kiều thoáng hiện vẻ sợ hãi khác thường. Hắn biết Trần Hinh là kẻ giỏi quyền thuật nên phải thận trọng tránh né những mũi thủy tinh nhọn hoắt sắp đâm xuống tua tủa.
Trần Hinh cười lên sằng sặc. Hắn vừa chọn xong tử huyệt của địch. Sức lực hắn được dồn hết vào cánh tay phải. Bỗng nhiên Thanh Xuân kêu lên:
- Rờ nê?
Tiếng kêu thất thanh ấy làm gân tay Trần Hinh chùn lại. Và gã ngoai kiều đã lợi dụng tình thế để phản công chớp nhoáng. Nghe tiếng kêu, gã ngoại kiều nhoài lại cái bàn mộc ám khói. Trần Hinh cản lại không kịp. Cử chỉ nhanh nhẹn của gã ngoại kiều chứng tỏ một trình độ khá cao về cận vệ chiến.
Gã ngoại kiều vớ được con dao để trên bàn. Đó là một con dao nhỏ lưỡi nép trong cán, bấm nhẹ là bật ra, sáng quắc và sắc bén, kề vào đầu là tóc rụng không cần cắt. Với loại dao này, thủy quân lục chiến Mỹ hoạt động tại hậu tuyến địch đã hạ sát êm thấm hàng trăm lính Nhật trong Đại chiến Thứ hai ở Thái Bình Dương.
Nếu đó là trận đấu thông thường, Trần Hinh đã lùi lại khi thấy lưỡi dao đáng sợ. Nhưng hắn đã vượt qua mức sợ hãi thường tình, lửa căm thù đã khiến hắn liều lĩnh. Vì vậy, hắn xăm xăm tiến lên, mắt đỏ ngầu, đường gân xanh nổi ở tay, ở cổ và trên thái dương.
Thủ được võ khí phòng thân, gã ngoại kiều đã mất hẳn vẻ kinh hoàng. Hắn khom lưng, xuống tấn, lưỡi dao vờn thành hình tròn trước mặt, chờ phản ứng của Trần Hinh.
Thanh Xuân đã khoác xong cái áo ngủ rộng thùng thình. Tiến lại phía Trần Hinh, nàng van xin:
- Lạy anh, xin anh tha cho người ta.
Trần Hinh quắc mắt:
- Đứng xa ra, không tao giết liền bây giờ!
Nàng còn trù trừ, Trần Hinh đã hích cùi tay vào ngực. Bị đau điếng, nàng ôm chỗ đau, lảo đảo ngã xuống.
Gã ngoại kiều quát to:
- Hành hạ đàn bà, mày là đồ hèn.
Trần Hinh xông tới:
- Mày sẽ chết dưới tay tao.
Cái vỏ chai tạt ngang cuống họng tình địch. Tuy to lớn, gã ngoại kiều né tránh rất nhanh. Mất đà, Trần Hinh lạng sang bên. Hắn sực nhớ từ lâu không rượt lại môn võ sát lá cà. Nhưng dầu sao phong độ của hắn cũng chưa đến nỗi sút kém.
Quay người nửa vòng, Trần Hinh quật ngược vỏ chai vào mặt tình địch. Gã ngoại kiều thản nhiên hươi dao lên đỡ. Lưỡi dao bằng thép nguyên chất chạm vỏ chai, làm thủy tinh rơi vỡ từng mảng. Trần Hinh bồi thêm đòn nữa. Gã ngoại kiều cản lại, cái chai bị vỡ nát một nửa, rơi tung tóe trên nền gác.
Bồ hôi giỏ giọt trên trán Trần Hinh. Hắn biết nếu kéo dài cuộc đấu cái vỏ chai sẽ vỡ hết, và hắn sẽ bị áp đảo. Nghĩ vậy, hắn bèn đổi thế đánh. Hắn nghiến răng đâm vỏ chai vào mặt tình địch, nhưng nửa chừng hắn rút lại thật nhanh. Tưởng thật, gã ngoại kiều nâng dao lên đón, Trần Hình phóng một ngọn cước ghê gớm vào giữa bụng đối phương. Gã ngoại kiều thót bụng lại chịu đòn, song hắn chưa kịp chống lại ngọn cước phía dưới, thì Trần Hinh đã vút cái vỏ chai vào trán. Bị hai miếng đòn hiểm cùng một lúc, gã ngoại kiều đành ngã người về đằng sau.
Thế võ này là cái hớ mà Trần Hinh mong đợi. Ngã người về đằng sau, gã ngoại kiều vô tình bị mất thăng bằng, Trần Hinh đá mạnh vào mắt cá chân của đối phương là hắn lộn nhào. Cây thịt trên 80 cân gieo xuống sàn nhà đánh sầm một tiếng dữ dội. Lưỡi dao tuột khỏi tay, văng vào góc phòng.
Trần Hinh nhảy xổ lên người địch. Mặc dầu bị đè dưới, gã ngoại kiều vẫn không nao núng. Hắn tung bàn tay lông lá ra, bắt được cườm tay cầm khí giới của Trần Hinh, vặn thật mạnh. Kẻ chưa học qua nhu đạo đã gãy nát xương tay. Nhờ được huấn luyện, Trần Hinh đã biết cách phá bằng cách ném vỏ chai xuống đất.
Khi ấy, hai người chỉ còn tay không. Trần Hinh chẹn cổ gã ngoại kiều, miệng rít lên, căm hờn:
- Đồ bẩn thỉu, tao sẽ móc mắt mày trước khi giết.
Gã ngoại kiều vừa gỡ, vừa phân trần:
- Anh thật lạ lùng! Tôi làm gì anh đâu?
Trần Hinh nghiến răng:
- Mày bậy bạ với vợ tao mà còn bảo là chưa đáng tội chết ư?
Trên mặt tím bầm của gã ngoại kiều hiện ra vẻ sửng sốt. Phản ứng ấy không lọt khỏi sự nhận xét của Trần Hinh. Vì thế hắn nới lỏng vòng tay quanh cuống họng. Gã ngoại kiều thở dài chua chát:
- Nào tôi đâu biết nàng là vợ anh. Thấy ảnh anh trên bàn, tôi hỏi ai, nàng lại bảo anh là nhân tình hờ, không phải chồng. Nếu biết nàng có chồng, tôi chẳng khi nào dám tới. Người đàn ông nào cũng tìm vui với phụ nữ. Tôi bỏ tiền ra, và vợ anh đã bằng lòng. Đó không phải lỗi ở tôi.
Lời thanh minh của gã ngoại kiều làm Trần Hinh tỉnh mộng. Hắn quay lại phía Thanh Xuân đang ngồi bóp trán dười chân giường:
- Thanh Xuân? Hắn nói đúng không?
Nàng nghẹn ngào:
- Đúng.
Trần Hinh buông thả gã ngoại kiều. Rồi hắn ngồi phịch xuống ghế, tay bưng mặt. Gã ngoại kiều rón rén mặc quần áo. Xong xui, hắn đến bên mình Trần Hinh, giọng thân mật:
- Tôi thành thật xin lỗi anh.
Trấn Hinh đứng phắt dậy gầm lên:
- Có cút đi không?
Gã ngoại kiều mở cửa chạy vội ra. Tiếng giày đinh của hắn đập côm cộp trên bực thang xiêu vẹo. Ngẩng đầu lên, Trần Hinh thấy Thanh Xuân nhìn hắn, dáng điệu đau khổ:
- Anh ơi?
Trần Hinh gắt:
- Thôi, anh với em làm gì cho ngượng miệng. Tội không ngờ cô đốn mạt như vậy.
Thanh Xuân thở dài sườn sượt:
- Em không bao giờ muốn thế. Đó là hoàn cảnh bắt buộc. Em chỉ mong anh hiểu cho em.
- Cô còn đòi hỏi gì nữa? Giữa cô với tôi hết rồi.
- Thật ra, em chẳng dám đòi hỏi gì. Anh đuổi em, em cũng không dám cải. Duy em chỉ nhắc anh một điều: anh mất việc đã lâu, và đây không phải lần đầu em dấn thân vào nghề nhơ nhớp. Nếu không thì lấy đâu ra tiền thuê phòng, tiền ăn, tiền mua sắm, tiền hút cho anh? Lẽ nào anh không biết. Anh biết, song vì không có tiền anh đành nén lòng ghen. Đến bây giờ...
Thanh Xuân khóc nức nở. Nàng đã nói đúng nổi lòng của Trần Hinh. Thật thế, hắn còn lạ gì Thanh Xuân là gái nhảy về chiều, khách khứa ít ỏi, không kiêm thêm nghề khác không sao sống nổi. Tuy nhiên, hắn vẫn ngậm miệng. Hắn tự cảm thấy hèn hạ và ích kỷ khi nghe Thanh Xuân nói.
Lau nước mắt, nàng nói tiếp:
- Anh ghen nữa đi, em không giận anh đâu. Trái lại, em còn sung sướng nữa. Anh ghen em, đánh em, em mới có thể biết rõ anh còn yêu em. Phải không Rờ-nê?
Trần Hinh nhắm mắt, để khỏi nhìn cảnh giường chiếu hỗn độn. Điếu thuốc thơm của gã ngoại kiều tắt nửa chừng còn nằm trơ trên cái đĩa sứ đựng tàn sứt mẻ. Tuần trước, lang thang ngoài phố về, thấy mẩu thuốc trên bàn, hắn đã vồ lấy hút lấy hút để, không cần hỏi thuốc của ai.
Giờ đây, điếu thuốc Camel thân mến biến thành cái gai nhọn đâm vào mắt hắn. Hắn vồ lấy điếu thuốc, ném xuống đất, dẫm lên cho nát bét. Mắt hắn long lên sòng sọc:
- Cô hẹn hắn khi nào?
Nàng đáp qua nước mắt:
- Đêm... qua.
- Phòng ngủ của tôi, không phải là ổ điếm.
- Trước kia... nhiều lần rồi, song anh lặng thinh, nên em tưởng anh bằng lòng. Khốn nạn... vì chúng ta quá nghèo, miễn cưỡng em phải... Nếu anh có tiền, không cần nhiều, chỉ tạm đủ sống, em sẽ bỏ hết.
- Hừ, trước khi đi, tôi đã nói với cô là sắp có tiền. Cô lại hẹn tôi về sớm, vào Chợ Lớn ăn mì. Cô thích làm nghề bẩn thỉu, chẳng phải vì cô hy sinh cho tôi.
- Oan em lắm. Cách đây hai tuần, anh cũng hứa là có tiền, có thật nhiều tiền. Báo hại em nằm đợi anh một ngày, không lên vũ trường. Rốt cuộc, không có tiền ăn cơm. Hồi sáng, em sợ anh hứa phiệu như lần trước.
Lời nói của cô gái nhảy về già làm gã giang hồ tê tái. Cách đây hai tuần, Trần Hinh chắc mẩm có tiền, vì một người ban cũ từ Lào sang, hứa thuê hắn bảo tiêu hàng lậu ở vùng biên giới. Người bạn hứa trả trước 30.000 đồng, mỗi chuyến tùy hàng ít hay nhiều hắn sẽ được lãnh 50.000 đồng nữa. Nắm được lời cam kết của bạn, Trần Hinh đã lên mặt với Thanh Xuân, bắt nàng ở lì trong phòng, đợi hắn mang tiền, mang thức ăn nguội về. Nàng chờ mỏi mắt không thấy bánh mì, xúc xích, rượu chát và thuốc lá Mỹ. Vì người bạn Lào đã bị bắt.
Lòng Trần Hinh rạt rào tình thương vô hạn. Hắn định ôm lấy nàng, hôn lung tung vào tấm thân nhầy nhụa. Tuy nhiên, hắn lại đứng sững. Tờ giấy bạc hai trăm nhàu nát nằm tênh hênh trên cái bàn ám khói và cáu đất. Đó là món tiền hưởng lạc của gã ngoại kiều lạ mặt. Trời ơi, nàng phải bán mình để lấy 200, số tiền tầm thường mà Trần Hinh vừa tung cho trẻ con hàng xóm nhặt chia nhau ăn mực nướng!
Bàn tay Trần Hinh run lên. Tờ 200 đen đủi như cái tát trời giáng vào đôi má hóp của Trần Hinh. Hắn vụt đứng dậy, như ngồi trên lò so. Thanh Xuân gọi giật:
- Rờ nê, anh đi đâu?
Chẳng nói nửa lời, hắn quày quả ra cửa. Nàng túm lấy áo hắn, giọng van vỉ:
- Đừng bỏ em tội nghiệp, Rờ nê.
Bàn tay trái của Thanh Xuân đặt lên khung cửa. Trần Hinh dập cửa thật mạnh: 5 ngón tay mảnh dẻ bị tím bầm. Song nàng không biết đau. Trong óc nàng, một ý nghĩ choán hết: phải làm cách nào giữ Trần Hinh lại.
Nàng bá lấy cổ hắn, định hôn. Hắn gạt nàng ra. Nàng ngã lăn chiêng trên nền gạch ướt át. Trần Hinh nhổ bẹt bãi nước bọt, đoạn bước rảo xuống cầu thang, mặc nàng rên rỉ một cách thảm thiết.
Bên ngoài, trời nắng như thiêu như đốt.
*
* *
Trần Hinh mở choàng mắt. Bóng tối đã bao phủ bờ sông Sàigòn. Con sông Đồng Nai uốn một vệt dài lấp lánh, dưới nền trời nhung đen láng mượt gắn hàng trăm hột kim cương óng ánh và đỏm dáng.
Đầu Trần Hinh nhức như búa bổ. Trước mắt hắn khách sạn Majestic biến thành một ngọn đèn khổng lồ lắc lư trước gió. Hắn sực nhớ là đã uống nhiều rượu mạnh. Sau khi rời căn gác ọp ẹp đường Trần Hưng Đạo, hắn chui vào một tiệm rượu gần bến xe buýt, cạn hết ly này đến ly khác, đến khi miệng cháy bỏng, thân thể ngất ngư mới thất thểu trèo lên xích lô. Qua tiệm Thái Thạch, hắn nhảy xuống, mua một chai chianti, thứ rượu vang dễ say của Ý, cặp vào nách với miếng dăm-bông lớn, rồi ra bờ sông hóng mát. Hơi men làm hắn nóng ran mặc dầu gió chiều thổi vù vù, một số người phải mặc áo len.
Trong chớp mắt, hắn uống hết chai chianti. Vứt vỏ chai xuống nệm cỏ, rồi dựa lưng vào cây dừa, nhìn ra sông, ngủ thiếp lúc nào không biết. Giấc ngủ say sưa làm hắn quên được sự thật đau lòng.
Bờ sông vắng lặng như trong ngày đông giá rét. Trần Hinh có cảm tưởng là nước sông đặc sệt lại, và quyện vào nhau không chảy nữa. Xa xa, lóe lại ánh đèn của bến đò Thủ Thiêm. Một ánh đèn vừa lóe sáng trong cuộc đời tăm tối và đau thương của hắn.
Hai cây kim đồng hồ ở cổ tay chỉ đúng 7 giờ. Hắn mới mua đồng hồ tại chợ Bến Thành. Từ một năm nay, hắn không được đeo đồng hồ. Hắn coi giờ bằng cách nhìn bóng nắng, hoặc nghe còi hụ 12 giờ trưa, và tiếng xướng ngôn mỗi giờ trong đài bá âm được phòng bên vặn ong ỏng. Cái đồng hồ mới mua bắt hắn nghĩ đến công việc sắp làm.
Hắn xốc cổ áo sơ mi nhàu nát, đá vỏ chai chianti xuống nước kêu bõm, bật lửa hút thuốc lá, miệng lẩm bẩm:
- Ừ, thì làm, sợ gì!
Bách bộ đến đại lộ Nguyễn Huệ, Trần Hinh gặp tắc xi. Hắn vẫy lại, dặn lái vào Chợ Lớn.
Ngồi trên xe, ruột gan Trần Hinh nóng sôi một cách khác thường. Con đường từ bờ sông vào Chợ Lớn bị kẹt xe nên chạy được một quãng, tài xế lại tắt máy đậu lại. Trần Hinh giục:
- Mau lên, kẻo tôi lỡ hẹn.
Người tài xế đạp lút ga, chiếc xe con cóc vọt mạnh lên phía trước. Nhưng Trần Hinh vẫn thấy quá chậm. Một phút sau, hắn lại gắt:
- Sao anh không chạy nhanh thêm nữa?
Người tài xế dán mắt vào con đường sáng loáng ánh đèn, không đáp. Trần Hinh càu nhàu:
- Anh điếc hả?
Lúc ấy, người tài xế mới chậm rãi trả lời:
- Trần Hinh, anh lầm rồi. Tôi không điếc đâu. Họa là anh mù thôi.
Người tài xế nói bằng tiếng Việt lơ lớ. Thoạt nghe, ai cũng biết tài xế là người phương Tây học tiếng Việt nhiều năm song chưa nắm được bí quyết về sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Trần Hinh choáng váng như bị đánh vào đầu.
Thì ra tài xế là người ngoại quốc mặc quân phục đại úy Mỹ mà hắn tiếp xúc hồi trưa trong tiệm ăn trên đại lộ Đồng Khánh. Trần Hinh cố giữ vẻ mặt thản nhiên, chào đon đả:
- Ồ, té ra anh!
Tôkarin cười ngặt nghẽo:
- Mãi bây giờ anh mới nhận ra ư?
- Xin lỗi anh, trời tối quá tôi không thấy gì. Lúc nãy, vẫy tắc xi, tôi đứng ở chỗ tối dưới lùm cây to, anh lại đội mũ cát kết tùm hụp trên đầu, che kín gần hết mặt. Nếu anh không lên tiếng, có lẽ khi trả tiền, hoặc chạy qua chỗ có nhiều đèn điện, may ra tôi mới nhận diện được anh. Anh hẹn tôi tới 9 giờ mới gặp lại kia mà?
- Phải, tôi hẹn anh 9 giờ. Sở dĩ tôi đến bây giờ để xem thái độ anh ra sao. Đã 7 giờ 15 phút. Sắp tới giờ anh hành động rồi.
Trần Hinh sửng sốt:
- Tại sao anh biết 7 rưỡi gã bồi về nhà?
Tôkarin nhún vai, ra vẻ khỉnh miệt:
- Sao lại không? Cái gì tôi cũng biết. Tôi còn biết trưa nay anh xung đột với một gã ngoại kiều trong phòng anh nữa.
- Thôi, tôi hiểu rồi. Anh bén gót tôi từ trưa đến giờ.
- Anh muốn đoán ra sao, tùy ý. Tôi chỉ cần anh làm đúng lời tôi dặn. Và anh đừng quên con mắt của thượng cấp luôn luôn ở bên anh.
Trần Hinh nín thinh. Xe tắc xi phóng như tên bắn qua ngã tư giữa lúc đèn hiệu chuyển sang màu đỏ. Ba phút sau xe đậu lại. Tôkarin nói:
- Anh sửa soạn thì vừa.
Trần Hinh lạnh người khi thấy cánh cửa tiệm ăn bên hữu mở rộng, rồi gã bồi hồi trưa hiện ra. Tôkarin nói:
- Anh phải theo hắn ngay.
Trần Hinh thót xuống đường. Trước khi bước vào đường Tản Đà, hắn hỏi:
- Anh đợi tôi không?
Tôkarin đáp:
- Chưa định.
Tắc xi rồ máy chạy thẳng. Buổi tối đường Tản Đà đông người qua lại, phần đông là thực khách. Ánh đèn vàng gợi cảm của tiệm ăn Cầu Vồng hắt qua làn thép mắt cáo ra đường nhựa. Gã bồi cắm cúi đi trước Trần Hình độ năm thước. Trần Hinh mừng rơn vì gã bồi bước rảo, không ngoảnh lại.
Trần Hinh mân mê cán dao trơn tru trong túi. Tôkarin quả đã oái oăm khi ra lệnh cho hắn hạ sát một người vô tội. Oái oăm hơn nữa là con đường Tản Đà vừa ngắn, lại vừa sáng, Trần Hinh bắt buộc phải ra tay giữa đường phố.
Tình thương người hồi trưa không còn nữa. Cảnh đầu gối tay ấp giữa Thanh Xuân với người đàn ông lạ làm nhạt mòn tình cảm. Hắn không sợ giết người nữa. Nếu phải giết thêm, hắn cũng không chối từ.
Gã bồi quặt vào hẻm. Trần Hinh tiến sát sau lưng. Ở quãng này, đường phố tối om. Trần Hinh đặt bàn tay lên vai gã bồi. Gã bồi đứng khựng và quay đầu lại. Nhận ra Trần Hinh, hắn nhoẻn miệng cười, hoàn hồn:
- À, ông? Ông đến chơi với các cháu phải không?
Trần Hinh không rụt rè nữa. Nếu chần chờ hắn sẽ mất cơ hội hạ thủ. Hắn bèn bấm vèo nút tròn trên chuôi dao. Lưỡi dao sát nhân nhảy ra, thấp thoáng trong bóng tối. Gã bồi chưa kịp kêu lên, mũi dao nhọn hoắt đã phập vào cuống họng.
Trần Hinh lách sang bên cho máu khỏi bắn tung tóe vào áo sơ mi. Gã bồi loạng choạng, rồi ngã quỵ xuống. Trần Hinh ấn cho lưỡi dao ngập sâu hơn. Rồi hắn rút mạnh ra. Máu tuôn òng ộc như mưa trên máng xối. Bình tĩnh, hắn lau lưỡi dao vào quần nạn nhân.
Chung quanh, Trần Hinh không gặp một ai. Mọi người chỉ tập trung ở đầu hẻm, nơi đậu xe bán giải khát và mì cháo. Giữa hẻm, trời tối om, cửa đóng im ỉm. Trần Hinh có cái may mắn là hạ sát gã bồi ở giữa hẻm.
Hắn loay hoay châm điếu thuốc cuối cùng bị nhàu nát. Lửa bật lên, hắn chưa kịp hút thì có tiếng reo:
- Ô kìa bác!
Trần Hinh cảm thấy tay chân cứng lại. Biết vậy, hắn không rềnh rang với điếu thuốc phải gió này nữa. Hắn không thể nào lầm được. Đó là tiếng kêu của thằng bé bốn tuổi mũm mĩm, con của gã bồi xấu số. Xác cha nó nằm khuất trong xó tối cách ba bốn thước, song nó đi qua nó chẳng biết gì hết, trái lại còn tỏ vẻ mừng rỡ. Trần Hinh cười gượng:
- Chào cháu. Cháu đi đâu đấy?
Thằng bé đon đả:
- Thưa bác, cháu ra ngoài ngõ đón ba. Ba hứa mang về cho cháu cái bong bóng màu vàng.
Trần Hinh định tảng lờ và rút êm ra ngoài đường, song đứa con gái 5 tuổi mà hắn gặp hồi trưa đã gắt em nó:
- Đã bảo là ba sắp về rồi... Mày có thói là gặp người lạ nào cũng trò chuyện. Ba biết mày sẽ bị đòn.
Đứa bé đáp, ngây thơ:
- Em biết là ba không đánh em đâu.
Chị nó cúng vào đầu nó một cái nhẹ:
- Mày chịu đi hay không?
Đứa bé phản đối:
- Để em chào bác đã chứ! Chị này chóng quên thật! Bác mới cho tiền hồi trưa mà chị không chịu cám ơn.
Đứa con gái vùng vằng, nắm lấy tay em trai. Thằng bé nghịch ngợm giật ra, rồi chạy biến vào bóng tối, có lẽ định chơi ú tim. Nhưng chỉ mấy giây đồng hồ sau, thằng bé kêu lên thất thanh:
- Trời ơi!
Rồi té nhào trên mặt đất. Trần Hinh chạy vội lại. Đứa bé vừa vấp lên thi thể nóng hổi của cha nó. Nằm dài trên đất, nó la ầm lên. Trần Hinh không còn thời giờ suy nghĩ nữa. Đã tới nước này hắn không thể nào lùi. Dầu muốn hay không, hai đứa trẻ dại dột kia đã dấn thân vào chỗ chết. Chúng đã gặp Trần Hinh bên cạnh xác cha. Lát nữa, chúng sẽ khai hết với cảnh sát. Và sớm muộn, Trần Hinh sẽ sa lưới nhà chức trách.
Chi bằng hắn ra tay trước. Hắn đã can tội giết người, bây giờ giết nữa cũng chẳng sao. Trong đời, hắn không thích hạ sát trẻ con nhưng đây là trường hợp một mất, một còn Trần Hinh ngập ngừng một giây đồng hồ, trước khi tóm cổ áo của đứa con gái.
Nó thét lên:
- Thả tôi, thả tôi ra! Kìa, cái ông này. Làng xóm ơi, cứu tôi với!
Con bé này mai sau sẽ thành mụ đàn bà điêu ngoa, Trần Hinh tự an ủi như vậy. Hắn không cho đứa gái kêu cứu lần thứ hai nữa, Bàn tay kếch xù của hắn đã siết quanh cổ. Dưới đất, em trai nó lồm cồm dậy. Trần Hinh lôi thằng bé về phía mình, và giáng sống bàn tay xuống. Tội nghiệp cho đứa trẻ thơ ngây: bàn tay sát nhân rơi đúng thái dương. Thằng bé 4 tuổi vỡ óc, chết liền không kịp kêu đau. Mấy cái kẹo xanh đỏ gói bằng giấy bóng cất trong túi để lát nữa biếu cha bị bắn trên đất. Một chiếc giép cao su trắng, quai xanh, của nó bay vèo xuống rãnh ngập nước và rác rưởi, kêu bõm một tiếng.
Trần Hinh xiết chặt thêm nữa: đứa bé gái dãy dụa một cách tuyệt vọng trong vòng tay cứng như thép, chỉ phát ra tiếng ú ớ nho nhỏ. Mặt đứa bé tím bầm, toàn thân nó mềm nhũn như bún. Nó thở hắt ra rồi tắt hơi trong im lặng.
Trần Hình xô đứa bé ngã xuống. Trong vòng hai phút ngắn ngủi, thời gian dân nhậu uống xong ly la-ve, hắn đã hạ sát ba người. Hắn hạ sát một cách bình thản như dân nhậu bưng ly la-ve lên miệng.
Trần Hinh bước vội ra đầu hẻm. Ánh đèn nê- ông sáng quắc của xe mì, và nước mía chiếu vào khuôn mặt nhợt nhạt của hắn. Môi hắn rung rung những gì không rõ. Hắn đứng lại, để khỏi tạo ra ngờ vực.
Một người đàn bà dán cặp mắt vào áo sơ mi vàng lợt của Trần Hinh. Cúi xuống, hắn tái mặt thêm nữa. Vết máu loang lổ ở ngực. Vừa khi ấy, trong hẻm vẳng ra tiếng rú thất thanh:
- Trời ơi, người chết.
Toàn thể đều nhốn nháo. Thừa dịp lộn xộn, Trần Hinh lẻn ra đường. Tiếng chén bát chạm nhau trong tiệm ăn nổi vang trên đường Tản Đà. Tôkarin dặn hắn phải nhìn tứ phía trước khi gọi tắc xi. Vì vậy, Trần Hinh đi từ từ lại tiệm ăn thượng lưu Cầu Vồng.
Tắc xi đậu ngay giữa đường. Như người điên, Trần Hinh nhảy lên. Hắn có cảm gíac là hồn ma oan khuất đang rượt sau lưng. Tắc xi phóng một mạch về Sàigòn.
-------------------------
Chú thích:
(1) Tức là Mollie Fancher. Y sĩ riêng của nàng tên là Samuel Eleet Speir, theo doi tình trạng của nàng trong nhiều năm, đã chứng nhận những việc kể trên là đúng.
Để phối kiểm lại chắc chắn, một ngày kia bác sĩ Speir đột ngột đến nhà riêng của Môli, và trao cho nàng một bức thư gắn si kỹ lưởng, mà ông mới nhận được hồi sáng, chưa đọc. Nàng không cần bóc thơ mà vẫn đọc vanh vách từ đầu đến cuối. Bác sĩ Speir so với bức thư thì không sai một chữ. Nhiều bác sĩ khác đã tới thí nghiệm với Môli, như bác sĩ Robert Orminston, chuyên viên hữu danh về thần kinh học, bác sĩ Williard Parker, và nhà văn hữu danh Parkhurst. Ngày 3-2-1916, sau nửa thế kỷ nằm liệt giường, cô Môli mời tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đến dự cuộc tiếp tân sinh nhật. Ông Wilson từ khước. 8 ngày sau, cô Môli từ giả cõi đời.
(2) Tác giả xin lỗi bạn đọc vì không thể đi sâu vào các chi tiết chuyên môn thuần túy. Theo bác sĩ McConnell, chất RNA (ribonucleic acid) gây ra hiện tượng di truyền. Chất RNA do DNA (deoxyribonucleic acid) mà ra. Bác sĩ McConnell phát minh ra thuyết «Tâm lý học về ảnh hưởng» (Psychology of Influence) có thể hoàn toàn thay đổi bộ óc con người trong vòng một thời gian ngắn, biến người ngu thành khôn, biến người thường thành người có dị khiếu siêu hình như Môli. Bác sĩ Allan L. Jacobson đã thí nghiệm khả quan với giống chuột. Phòng thí nghiệm Abbett (Hoa Kỳ) cho biết là cnộc thí nghiệm DNA-RNA có nhiều triển vọng.
(3) Trước khi Đại chiến Thứ hai chấm dứt, Hoa Kỳ lập ra phái bộ bí mật Alsos có nhiệm vụ đưa các khoa học gia Đức, sang Mỹ. Chiến dịch Overcast đẫ đưa 3.000 khoa học gia Đức sang Mỹ. Trong thời gian gần đây, Ai Cập đã tái diễn kế hoạch này, hầu thúc đẩy công cuộc chế tạo hỏa tiễn.
Z.28 Gián Điệp Siêu Hình Z.28 Gián Điệp Siêu Hình - Người Thứ Tám Z.28 Gián Điệp Siêu Hình