Thất bại lớn nhất là thất bại trong việc cố gắng.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Leo Aslan
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Gió
Upload bìa: Little rain
Số chương: 447 - chưa đầy đủ
Phí download: 18 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 51984 / 1198
Cập nhật: 2024-02-25 00:26:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 387
uổi sáng ngày khai giảng năm học mới, tôi dậy sớm hơn mọi khi. Chuông đồng hồ vừa điểm sáu giờ là không nhầy nhụa lôi thôi, tôi lao ra khỏi giường như tên bắn phi xuống dưới nhà.
- Còn sớm mà làm gì chạy dữ thế con? - Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi khi thấy thằng con mình đang hành động khác lạ với ngày thường, kể cả là trong năm học.
Tôi ngắc nga ngắc ngứ ngậm cái bàn chải đánh răng trong miệng, huơ tay múa chân với mẹ hết từ gần đến xa, chỉ trỏ một hồi thì mẹ mới hiểu ra.
- À, qua chở bé Mai phải không?
Chỉ chờ có thế, tôi búng tay cái chóc, gật đầu lia lịa với mẹ rồi đóng sập cửa phòng tắm lại. Ít phút sau, đầu tóc sáng láng áo quần bảnh bao thì tôi mới cẩn thận lấy lọ nước hoa được nhạc mẫu tặng ra mà nhẹ nhàng “tẩm ướp” cơ thể.
- Sơ mi trắng quần tây, ngon. Đồng hồ, ngon!
Trong gương là thằng tôi lúc này đang tự bình phẩm bản thân, vẫn trầm trồ ngắm nghía chiếc đồng hồ đeo tay mà Tiểu Mai đã tặng hồi dịp sinh nhật, và theo lời nàng là của nhạc phụ để lại. Thế cho nên trên người tôi lúc này toàn là của nải từ hai bậc song thân phụ mẫu và hai vị nhạc phụ nhạc mẫu. Ôi thiệt là, trọng trách trở thành con ngoan trò giỏi năm nay sẽ nặng càng thêm nặng lắm đây!
Hít dài một hơi từ hương nước hoa trên cổ tay, tôi nhắm mắt xuýt xoa:
- Thơm. Ngon!
Đâu đó xong xuôi, tôi húp một hơi hết sạch chén cháo cá ngừ nóng hổi mẹ chuẩn bị sẵn trên bàn rồi vội vàng đeo chiếc cặp chéo qua vai, phi xe ra cổng.
- Sách vở đem đủ hết chưa đó? - Mẹ tôi ở dưới nhà gọi với theo.
- Dạ rồi, thưa mẹ con đi học!
Thời tiết sáng sớm lành lạnh dễ khiến tâm trạng người ta thư thái bội phần. Đường phố hôm nay sau ba tháng hè yên ả đã đông đúc trở lại, tôi trông xung quanh mình đâu đâu cũng là các học sinh áo trắng đạp xe đi học có, mà đi bộ trên vỉa hè cũng có. Hôm nay là ngày cả nước khai giảng năm học mới, đồng nghĩa với việc các nam nữ thanh thiếu niên kết thúc kì nghỉ hè mà trở lại với những tháng ngày cắp sách đến trường. Mỗi sớm, mỗi trưa, mỗi chiều của mỗi ngày tính từ hôm nay đều sẽ là những khoảnh khắc bắt đầu giờ học của một khối lớp này hay tan trường của một khối lớp khác.
Kể cũng lạ, tôi nhớ mọi năm vào lễ khai giảng bầu trời đều có nắng, nhưng năm nay thì thay vào đó lại là những bức màn sương lãng đãng trôi lười biếng trên trời, độc một màu xám tro cũ kĩ. Nhưng bù lại đã khiến những màu áo trắng học sinh đang túa ra đường lúc này trở nên sáng rực hơn nhiều lần, càng làm bầu không khí ngày khai giảng năm học mới thêm phần khấp khởi tươi vui.
Thắng xe cái kít trước ngôi nhà với cánh cổng màu đen quen thuộc, tôi đưa tay nhìn đồng hồ. Vừa đúng sáu giờ hai mươi, thế là có thể ung dung… đợi Tiểu Mai rồi. Gì chứ chị em nào lại chả muốn sửa soạn cho bản thân trở nên xinh xắn vào ngày đặc biệt hôm nay, thế cho nên tôi biết ý chịu khó đứng bên ngoài chờ nàng chứ chẳng mở cổng vô nhà làm gì, mặc dù tôi cũng có cho riêng mình một chiếc chìa khóa nhà Tiểu Mai. Mất công thấy tôi đợi thì nàng lại ngại, lại lo mà bỏ qua một vài công đoạn làm đẹp gì mất. Mà tôi thì luôn muốn đại mỹ nhân của mình phải tuyệt đỉnh xinh đẹp, cho nên đợi dăm ba mười lăm phút có đáng là gì.
Cứ thế tôi ngồi luôn trên xe, nhấn nhá tận hưởng tiết trời lành lạnh buổi sớm, hương hoa sữa cuối hè đầu thu nhẹ thoảng qua mát rượi.
Mãi đến sáu giờ ba mươi lăm, điện thoại của tôi mới rung lên. Không cần nhìn cũng biết là Tiểu Mai gọi, tôi ấn nút nghe liền:
- A nô, sáng sớm gọi anh có gì không em?
- Ủa sao giờ anh chưa tới nữa? Trễ học mất! - Nàng thắc mắc.
Nhưng tôi thì cứ từ tốn hỏi lại:
- Xong rồi đó hả?
- Xong cái gì cơ?
- Thì sửa soạn làm đẹp đó. Chớ anh thì đứng trước nhà em từ nãy giờ rồi!
- Trời, nãy giờ sao không vô nhà. Em đợi anh từ sáu giờ hai mươi!
- Hả? - Tôi ngớ người tính hỏi tiếp thì nàng đã dập máy.
Và ít giây sau đã nghe tiếng người bước ra, lục tục mở cổng trong, khóa cổng trong. Rồi bước đến cổng ngoài, mở cổng ngoài.
- Tới sớm sao không vô nhà, cũng không gọi em! - Nàng quay lưng lại phía tôi, tra tay khóa cổng ngoài.
- Ủa, tức là em xong xuôi từ lúc anh mới tới hả? Anh tới cũng là sáu giờ hai mươi! - Tôi cười khổ.
Nhưng khi nàng xoay người lại thì tôi chuyển sang cười đần, hai mắt mờ đi như man dại. Quả không ngoài dự đoán, trước mắt tôi là cô tiểu thư lúc này đang thanh nhã thục nữ trong tà áo dài trắng muốt bằng chất liệu vải phi bóng (hình như vậy), ôm trọn vóc dáng mảnh mai, nhìn cứ như đang toát ra một khí chất phiêu bồng thoát tục. Phần cổ cao tôn lên nét đẹp áo dài truyền thống, mà gần kề bên đó nơi vốn gài hàng nút chéo giờ được thay bằng hai thanh kim loại mảnh màu bạch kim đính song song trên nền áo.
Phải nói đây là chiếc áo dài tinh tế mà cũng sang trọng nhất tôi từng được thấy.
Tiểu Mai biết ý, nàng để tôi thẫn thờ mất một lúc rồi mới cười bảo:
- Anh nhìn đủ chưa? Tới trường thôi!
- Em… ủa may áo dài ở đâu mà đẹp quá vậy? - Quả thật trong ấn tượng hơn hai năm trời nhìn các bạn học nữ mặc áo dài, tôi chưa có lần nào bị ngây ngất như vậy. Vẫn biết người đẹp mặc gì cũng đẹp, nhưng nếu ở tình huống lúc này thì phải gọi là phụ nữ luôn giữ cho mình những bộ cánh mà chỉ đẹp riêng cho họ, như một thứ lợi khí thần binh để “tàn sát” cõi lòng phái mạnh.
Và đằng này, Tiểu Mai có đến cả kho vũ khí.
- À, áo dài năm nay là mẹ em tự may đó. Mỗi ngày một bộ, nhìn cũng hao hao nhau cả thôi! - Nàng mỉm cười hãnh diện, bất giác đưa tay vuốt nhẹ tà áo.
Tôi há hốc mồm:
- Cái gì, vậy là một tuần bảy bộ á?
- Không, sáu thôi chứ. Chủ nhật nghỉ mà, anh! - Nàng tủm tỉm đập vai tôi.
Đúng là phú quý sinh lễ nghĩa, nhà giàu lắm tiện nghi. Tôi nghĩ đến mình có bốn cái sơ mi trắng, ba cái quần tây đen đã tưởng là nhiều lắm rồi, vì từ nhỏ tới lớn tôi sau giờ học toàn lê la đi đá banh với đánh lộn, một tuần bảy ngày đã có bốn ngày trở về nhà là quần áo lấm lem bùn đất. Thế cho nên mẹ tôi bất đắc dĩ mới phòng xa mua thêm vài bộ cho ông nhõi con hiếu động nhà mình, vậy mà không dè so với Tiểu Mai lại chỉ bằng phân nửa.
- Èo, vậy giặt mệt chết! - Tôi thè lưỡi nói.
- Có máy giặt, giặt tay sơ qua một lần là được. Giờ đi được chưa nè? - Nàng cho cặp vào trước giỏ xe tôi.
- Khoan, còn… chỗ gần vai em đó, sao có hai cây gì như cây sắt vậy?
Biết tôi đang hỏi đến hai thanh kim loại mảnh được đính lên áo, Tiểu Mai khúc khích:
- Cây sắt gì chứ, bạch kim đó. Vì vậy nên hôm nay em mới mang theo cái này nè!
Nói rồi Tiểu Mai lấy ra như khoe với tôi một chiếc kẹp mảnh màu trắng, thoạt nhìn hơi giản dị vì chỉ thuôn dài, hơi cong. Và nàng đeo lên tóc mái tém qua một bên, theo hướng bất song song với hai thanh bạch kim trên áo.
- Ồ, lần đầu thấy em kẹp mái nha. Đẹp á! - Tôi trầm trồ, rồi thắc mắc thêm. - Nhưng sao không đeo nó cùng chiều với hai cây trên áo, mà lại hướng về nhau vậy?
- Gọi là điểm bất thuận trong thời trang với trang trí nội thất đó chàng! - Tiểu Mai giải thích.
- Là sao?
- Là… ưm…, anh để ý các bìa tạp chí nội thất ấy, có phải họ dù sắp xếp gối giường rất ngay thẳng, nhưng chăn mền thì lại để cho xộc xệch như có ai vừa sử dụng không? Làm như vậy sẽ tạo ra một điểm khó chịu cho người nhìn, khiến họ hơi đâm ra tiếc cho sự hoàn hảo kiểu giá mà A nằm như vầy thì tổng thể B đã đẹp, mà không biết là như vậy điểm bất hợp lí sẽ làm cho điểm hợp lí càng trở nên hợp lí hơn. Trong trang phục thì tức là đẹp hơn. Đại khái như thế!
Tôi nghe đến đâu gật đầu đến đấy, trước giờ tuyệt nhiên không có đến một điểm nghi ngờ về kiến thức của Tiểu Mai. Thế cho nên nghe nãy giờ như vịt nghe sấm, mặc dù không hiểu cái chi nhưng tôi vẫn biết nàng đang nói đúng, đơn giản vì sự thật lúc này là nhìn Tiểu Mai kẹp mái tóc như thế này tôi lại thấy áo dài nàng đẹp hơn. Nhưng khi nhìn áo dài nàng đẹp, thì tôi lại đâm ra thấy mái tóc của nàng lại càng đẹp thêm mấy phần.
Trầm trồ cho là phải, tôi làm điệu bộ cung kính mời chào:
- Thôi mời người đẹp lên xe, chúng ta tới trường. Chỉ còn hơn năm phút nữa thôi!
- Tốt, lịch trình hôm nay thế nào vậy? - Tiểu Mai vén tà áo ngồi lên sau xe, cũng nháy mắt đùa theo.
Tôi nhấn bàn đạp khởi hành, vừa chạy vừa thao thao bất tuyệt:
- Đầu tiên là bây giờ vô lớp chắc vừa kịp giờ là bảy giờ kém mười lăm, sau đó tổ trực nhật sẽ xếp ghế chào cờ!
- Khai giảng chứ!
- Ừ, là đúng bảy giờ sẽ khai giảng trong bốn mươi lăm phút. Coi như xong tiết đầu!
- Sau tiết đầu là đến tiết gì anh nhỉ?
- Chào cờ, Lí, Văn, Anh, Sinh. Em biết rồi còn hỏi!
- Thiếu một môn rồi!
- Hử, thiếu gì?
- Giải lao giữa buổi, cũng tính mười lăm phút chứ bộ. Anh thích nhất môn đó còn gì!
- Ồ ha. Đúng, đúng!
Rồi cả hai cùng bật cười. Thật là, sao tôi với nàng ngày càng hợp tính quá vậy chứ. Đúng câu trời sinh một cặp mất rồi.
oOo
Khi hai đứa đến nơi là cũng vừa lúc chuông reo báo hiệu đã đến lúc sinh hoạt mười lăm phút đầu giờ. Nhưng tôi với Tiểu Mai thì cũng vẫn cứ bình chân như vại, thong thả cùng nhau dắt xe vô bãi gửi. Bởi năm nay 12A1 bọn tôi được học ở dãy truyền thống, đây đã thành thông lệ ưu tiên. Nói sơ qua thì từ 12A1 đến 12A12 sẽ được sắp xếp ở các phòng học nằm tại sân A, cũng là sân chính dùng để chào cờ, phòng ban giám hiệu, phòng thí nghiệm, phòng tin học, sân khấu trường, kèm dãy phòng truyền thống cho học sinh. Sở dĩ tôi gọi đây là thông lệ ưu tiên vì phòng học ở sân A sẽ rộng hơn, cửa sổ cũng gồm hai ô to hơn so với các dãy ở sân B lẫn sân C.
Mà chúng tôi thì cũng không xa lạ gì lắm dãy phòng sân A, do năm lớp 10 học buổi chiều cũng đã từng được học ở đây, chỉ năm 11 học buổi sáng là không kèn cựa được với các anh chị 12 lớp trên nên mới ngoan ngoãn chịu học dãy B. Còn năm nay, bọn 12 tụi tôi đã là học sinh cuối cấp, cũng tức là sống lâu lên lão làng ở trường rồi, có gì ưu tiên sẽ được hốt hết.
Thế cho nên lí do tôi và Tiểu Mai đang thong thả không vội là do thứ nhất, dãy phòng truyền thống sân A chỉ cách bãi gửi xe không xa. Thứ hai, hôm nay tổ 1 sẽ phụ trách xếp ghế, mà Tiểu Mai tổ 3, tôi ở tổ 4 nên không liên quan.
Trên đường từ lúc gửi xe đến khi bước tới sân A, tôi nhẩm tính thiên hạ nhìn Tiểu Mai thì nhiều, nhưng nhìn tôi… tuyệt nhiên chẳng có bao nhiêu. Có chăng chỉ là các bạn học cùng lứa, các đàn em vừa mới nhập trường đang ngẩn ngơ vì sắc đẹp của người con gái, rồi mới liếc qua tự hỏi cái thằng ất ơ đang đi cạnh bên nàng là thằng may phước trời đánh thánh đâm nào. Tôi biết thế, nên tôi mặc kệ.
Cái này gọi là phúc báo ba đời bản thân nên hưởng, thiên hạ kệ họ cứ biết mình ta.
Hai đứa bước vào dãy truyền thống, không hẹn mà cùng đưa mắt vào phòng học đã từng là của 10A1 buổi chiều ở tấng trệt, mà lúc này đang là của 12A7 buổi sáng. Rồi mới lên cầu thang đi hai vòng, rẽ trái đến tận cuối hành lang, nơi những tán lá me tây phủ xanh cả ban công.
Vừa mới vô lớp, đập vào mắt đã là cảnh tượng hỗn loạn của các thành viên A1 nhìn mãi thành quen. Là những Khả Vy, nhỏ Phương, chị đại Yên ù đang nói chuyện với thành viên mới Ái Khanh. Là những bạn học đang tụm năm tụm ba tán chuyện, đứa thì thắc mắc không biết năm nay giáo viên nào sẽ chủ nhiệm, đứa lầm rầm cầu khấn cho trúng thầy dễ tính cô hiền lành. Riêng bọn bàn tròn đang đứng cả lên ghế, ngóc đầu nghểnh cổ nhìn ra khuôn viên hai bên lớp.
- Ối chà chà, đẹp gái quá mày ơi!
- Tao đang khen cảnh đẹp, mày thiệt là cục súc quá đi!
- Tránh ra, tao giành chỗ này rồi!
Cũng không trách được, học ở dãy truyền thống sẽ có một lợi điểm to lớn là cảnh đẹp. Bên trái là ban công xanh ươm nhìn ra sân A, đứng tại đây coi như chiếm luôn dàn ghế hạng nhất xem được toàn cảnh sân khấu của trường Phan Bội Châu. Bên phải là hai ô cửa sổ to gấp ba bình thường nhìn ra sân B, nơi những rặng tre trúc cùng hàng me tây tọa lạc trên thảm cỏ xanh mơn mởn, cảm giác chỉ cần với tay ra là chạm được cây lá đang rủ rỉ chìa vào.
- Ô, thánh sao giờ này mới tới? - Dũng xoắn kêu lớn khi thấy tôi.
- Nó còn phải làm nghĩa vụ đưa rước, mày hỏi ngu quá vậy! - Luân khùng cười hí hửng ra vẻ hiểu biết.
- Trời ơi thiệt tình, sao lúc nào nhìn Trúc Mai cũng thấy đẹp nhất lớp mình vậy ta? Không, nhất trường luôn. Quá trời quá đất luôn! - Thằng Xung ôm lấy khung cửa sổ hét to, buông lời khen bạt mạng chả thèm quan tâm đến ánh nhìn rực lửa của các chị em phái nữ còn lại trong lớp.
Tôi gật đầu cười với Tiểu Mai ra hiệu thôi mạnh ai nấy về chỗ nhe, nàng cũng đồng tình rồi thì mới tiến lại gần trung tâm huyên náo nhất lớp là tụi bạn chí thân của mình.
- Ủa, thằng Chiến với thằng Quý đâu? - Tôi nhét cặp vào hộc bàn, thắc mắc hỏi.
- Hê hê, tụi nó tổ 1, đi bưng ghế rồi! - Tuấn rách vọt miệng đáp.
- Năm nay không biết ai chủ nhiệm đây ta? - Thằng Xung nhíu mày nghĩ ngợi, nhưng giống là đang hỏi bâng quơ hơn.
- Ai cũng được, làm như mày biết thì xin đổi được không bằng! - Khang mập hất hàm.
Đấu láo thêm một hồi nữa, mãi đến khi chuông reo thông báo đến giờ chào cờ, mà hôm nay sẽ được dùng làm lễ khai giảng thì cả lớp mới theo lời hiệu triệu của Khang lớp trưởng lục tục ra khỏi phòng, đi xuống sân lễ.
Từng dòng học sinh từ khắp nơi đổ dồn về sân A khiến bầu không khí náo nhiệt hẳn lên, khắp nơi tràn ngập tiếng cười nói xôn xao. Và hôm nay lại càng đông hơn bình thường khi mà khối lớp 10 học buổi chiều cũng được gọi lên để dự lễ khai giảng cùng, chỉ khác so với các tiền bối buổi sáng phải ở lại học thì khối 10 được về nghỉ, chiều mới đến lớp học.
Bọn tôi cùng nhau tiến về khu lớp mình là ở hàng đầu, bên tay phải sân khấu hướng nhìn lên, xung quanh hai bên lối đi là những hàng ghế nhựa xanh đỏ được xếp đều tăm tắp. Bên trên sân khấu là bục nói, sau lưng là bức màn xanh có treo những bảng chữ bằng xốp màu mang thông điệp chào mừng lễ khai giảng năm học mới 2007 - 2008. Và tọa lạc ở giữa là cột cờ tổ quốc mà chốc nữa sẽ được hai học sinh tiêu biểu của năm, một nam một nữ phụ trách kéo lên.
Bỗng dưng nghe đâu đó tiếng có người gọi, tôi quay lại nhìn quanh quất thì thấy bé Trân đang hớt hả chạy tới.
- Anh Nam! Chị Mai!
- Con nhỏ này, mặc áo dài mà chạy kiểu gì vậy? - Tôi cười cười.
- Kệ em! - Trân bĩu môi rồi chìa tay ra. - Của em đâu?
Tôi chưng hửng:
- Xin cái gì? Đói bụng à?
- Không, quà mừng!
- Vụ gì, có phải sinh nhật em đâu?
Tiểu Mai tủm tỉm, nàng tự lúc nào đã mang theo một chiếc hộp nhỏ màu đen cột nơ trắng, và trao vào tay bé Trân:
- Nè, của em. Năm mới lớp mới, học vui ha!
- Hì hì, em cảm ơn chị. Yêu chị nhất á! - Bé Trân mừng rỡ nhảy lên ôm lấy Tiểu Mai rồi lại chạy một mạch về lớp.
Thấy tôi ngơ ngác chả hiểu gì, nàng mới giải thích:
- Thông lệ đó mà, tiền bối sẽ tặng hậu bối quà năm học mới. Anh không biết nên không sao đâu!
- Có nữa hả trời? - Tôi cười khổ. - Ủa mà, anh thấy Trân cũng có áo dài giống em? Tức là...?!
Nàng mỉm cười gật đầu thay cho lời giải thích rồi về chỗ ngồi. Lúc này bất chợt tôi nghe tay áo giật giật, hóa ra là thằng Quý:
- Ê nhỏ Trân xinh quá mạng luôn mậy. Có hốt không?
- Lựu đạn, mày nói cái tào lao gì vậy! - Tôi sầm sộ nạt.
- Ờ, không hốt để tao! - Thằng này cười hí hí rồi lỉnh tót ra xa.
Ít phút sau, toàn thể học sinh dần vào chỗ, tôi nhìn bên tay trái là dãy ghế của ban giám hiệu và toàn thể các thầy cô lúc này cũng đã yên vị. Bầu không khí náo nhiệt giảm dần, nhường chỗ cho một MC là con nhỏ bí thư nào đó bên 12A3 lên dẫn chương trình.
Và cũng như mọi năm, mở đầu luôn là những tiết mục văn nghệ của ban chấp hành Đoàn trường đã được chuẩn bị suốt tuần vừa qua. Sau đó, thầy Vinh hiệu trưởng bước lên sân khấu chỗ bục nói, cử hành nghi thức chào cờ. Rồi chả hiểu tại sao mà thằng Luân khùng lại là một trong hai học sinh tiêu biểu của năm, như đã biết trước mà đủng đỉnh đi vòng lên sân khấu, cùng với Dạ Minh Châu trở thành hai người kéo cờ lên cao trong tiếng hát quốc ca.
Kế đó, tiền nhiệm tổ trưởng bộ môn Vật Lí là thầy Hữu Phước dẫn đoàn tiến về sân khấu làm lễ rước đuốc khai giảng chào mừng năm học mới 2007 - 2008, theo sau là các học sinh đại diện mỗi lớp, trong đó tôi thấy có Khả Vy. Khi ngọn lửa được thắp lên thì cũng là lúc hai chùm bong bóng ngũ sắc hai bên cánh gà được cắt dây, bay lên trong ánh nhìn của toàn thể học sinh trường Phan Bội Châu lúc này.
- Và chào mừng các tân học sinh khối 10, chào mừng toàn thể các em học sinh khối 11 và 12. Chào mừng năm học mới, xin chúc toàn thể cán bộ giáo viên cùng các em học sinh dạy tốt học tốt!
Bài diễn văn sang sảng, khỏe mạnh của thầy hiệu trưởng kết thúc trong những tràng pháo tay vang dội từ bên dưới sân khấu. Sau đó hồi trống trường chỉ cất lên vào những dịp đặc biệt, dài ba tiếng cũng báo hiệu chấm dứt lễ khai giảng, mở đầu cho buổi sáng của ngày học đầu tiên.
Chắc không riêng gì tôi lúc này mà các bạn học sinh đồng lứa đều có cùng một cảm giác bồi hồi, nôn nao đến khó tả. Vậy là năm học mới đã bắt đầu, cũng là năm cuối cùng bọn 12 chúng tôi còn được ngồi trên ghế nhà trường.
Bất giác đưa mắt nhìn sang Tiểu Mai, tôi cũng gặp nàng đang mỉm cười nhìn tôi.
Buổi khai giảng dưới bầu trời mờ sương lãng đãng hôm nay, vì nét cười này mà ánh lên một tia nắng.
Bắt đầu rồi, năm cuối cấp trong đời học sinh của tôi.
Hết chương 387
Yêu Nhầm Chị Hai Được Nhầm Em Gái Yêu Nhầm Chị Hai Được Nhầm Em Gái - Leo Aslan Yêu Nhầm Chị Hai Được Nhầm Em Gái