I would never read a book if it were possible for me to talk half an hour with the man who wrote it.

Woodrow Wilson

 
 
 
 
 
Tác giả: Huyền Chip
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 39 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 866 / 25
Cập nhật: 2017-09-25 04:20:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Iii. Trung Đông - Chương 75-76
5. Biểu tình ở Palestine
Khi trở về Israel, tôi về qua đường Jerusalem. Lúc đến gần Đông Jerusalem, bất chợt mọi người trong xe nháo nhác hết cả lên. Vốn tiếng Ả rập ít ỏi của tôi chỉ đủ để tôi hiểu rằng chúng tôi phải đi bộ một đoạn, lên lại xe bus ở đâu đó phía trước để đi tiếp về Jerusalem. Ra khỏi xe, tôi mới phát hiện ra đường phố đang đông nghẹt người. Một cột khói bốc lên nghi ngút ở giữa. Tiếng còi xe cảnh sát át cả tiếng hò hét. Tiếng ai đó loáng thoáng: “Biểu tình. IDF” (IDF là viết tắt của Israel Defence Force – Lực lượng Quốc phòng Israel). “Biểu tình”, tôi nghĩ thầm trong đầu, “lên xe bus về thì bao giờ mới có dịp chứng kiến tận mắt một sự kiện như thế này”. Tôi quyết định ở lại, một quyết định bồng bột mà chỉ chút xíu nữa, tôi sẽ thậm chí còn không có cơ hội để mà hối hận.
Tôi hòa vào dòng người đang xô đẩy nhau đi về phía đầu con đường, phía trước bức tường rào ngăn cách Palestine và Israel. Bức tường được sơn kín với hình ảnh các nhà lãnh đạo cách mạng Palestine. Tôi nhận ra trong số đó là gương mặt của Marwan Barghouti với hai tay trói chặt, cạnh đó là dòng chữ: “Free Barghouti”. Hàng chục thanh niên Palestine với banner, biểu ngữ cổ động đang mặt đối mặt với hàng lính Israel đang đứng ở đó. Mặt ai cũng trẻ măng. Cậu bé mà biểu ngữ có dòng chữ: “Even love is forbidden across the wall” (Ngay cả tình thương cũng bị ngăn cấm bởi bức tường) mới chỉ khoảng mười bốn, mười lăm tuổi. Hai cô gái cầm một cái banner dài bằng tiếng Ả rập mới chỉ khoảng mười bảy, mười tám tuổi. Những người còn lại chắc cũng mới chỉ ngoài hai mươi, trên tay cầm những câu đại loại như: “Tự do là nhân quyền”, “Trả lại Jerusalem cho Palestine”, “Facebook Status: Palestine is Free. 483 131 526 like”. Ai nấy đều đeo trên người một chiếc khăn rằn ri, biểu tượng của cuộc đấu tranh vì tự do mà mọi người đã thấy đi cùng áo bà ba trong cuộc cách mạng ở Việt Nam, ở Nam Mỹ và gần đây là ở Ai Cập.
Ban đầu mọi người chỉ đứng biểu tình một cách im lặng. Những người lính Israel trang bị mũ bảo hiểm, khiêng chắn, súng trường kiên nhẫn đứng chờ. Họ cũng trẻ măng. Học xong cấp ba thanh niên Israel nhập ngũ luôn nên chỉ mười tám, mười chín tuổi. Bên cạnh đó là một hàng phóng viên với máy ảnh, máy quay sẵn sàng bấm máy nếu như có bất kỳ động tĩnh gì. Tôi không biết họ có được những người biểu tình liên hệ trước không, hay đây là thời điểm nhạy cảm nên họ luôn túc trực sẵn ở địa điểm này. Thấy tôi vật lộn với chiếc máy ảnh mới mua của mình, một anh chàng đứng cạnh đó quay sang giúp. Anh đeo trên người thẻ màu vàng của một tờ báo địa phương, ghi tên anh là Sameer. Anh hỏi tôi:
“Mới vào nghề hả em?”.
“Dạ. Hôm nay nhiều phóng viên anh nhỉ?”.
“Ừ. Biểu tình nào cũng nhiều. Ở Palestine nhiều nhà báo mà. Nhiều nhưng vẫn chưa đủ”.
“Anh có được thông báo trước không?”.
“Trên Facebook ai chẳng biết”.
Bất chợt ai đó hét lên: “To Jerusalem we go” (Hãy cùng tiến về Jerusalem) và đám đông lập tức hòa vào. Ban đầu khoảng chục người, rồi cả trăm người. Mọi người bắt đầu chuyển sang những khẩu hiệu dài hơn bằng tiếng Ả rập. Một số người tiến sát đến những người lính Israel, sỉ vả gay gắt. Quân lính Israel vẫn đứng im không có phản ứng gì, ngoại trừ một vài anh chàng đỏ mặt, lúng túng quay đi. Mấy xe Jeep màu xanh quân đội, cắm cờ Israel đang từ từ tiến tới. Số người biểu tình đã lên đến con số vài ngàn, lính Israel cũng phải lên đến cả trăm. Họ tản ra khắp nơi: ngoài đường, trong hẻm, trên mái nhà, cả những điểm rất kín mà phải Sameer chỉ ra tôi mới nhìn thấy được. Đường phố ban đầu còn có xe qua lại, giờ tuyệt nhiên không còn bóng xe.
Người Palestine mỗi lúc một hăng. Họ lao vào hàng lính Israel, giật súng. Giằng co diễn ra, một cô gái Palestine bị xô ngã. Máy ảnh phóng viên chớp lia lịa. IDF bắt đầu ném bom cay. Lần đầu tiên bị dính khói hơi cay, tôi biết mình không chết được nhưng cảm giác thì cứ như là sắp chết vì không thể nào thở được. Khói cay vào mắt, nước mắt đầm đìa. Khói cay vào mũi, phổi muốn bốc cháy. Đám đông nhanh chóng tản ra.
“Lần đầu tiên dính khói cay à?”. Sameer hỏi tôi.
“Dạ”.
“Rồi sẽ quen thôi em ạ. Đeo khẩu trang này vào. Cầm theo củ hành ngửi sẽ đỡ bị cay”.
Quân đội Israel bắt đầu nổ súng. Một tiếng gào thét rợn cả người phát ra từ phía đầu kia của thành phố.
“Lại đó chụp ảnh không?”. Sameer hỏi. Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của Sameer. Từ đây đến đấy phải đi qua một quãng đường trống trơ trọi đến phát sợ. Chỉ có một cậu bé vừa đạp xe mang cờ Palestine vừa né đạn. Một đám khói nghi ngút ở giữa. Thấy tôi chần chừ, anh động viên:
“Yên tâm. Mình là nhà báo, không ai làm gì mình đâu”.
Chúng tôi đến đấy, nửa đường lại dính khói hơi cay phải núp vào một căn nhà trống ở giữa phố. Bên trong, một anh chàng phóng viên người Bỉ không biết bị sao mà gập người lại vì đau, nước mắt nước mũi đầm đìa. Chúng tôi hỏi thì anh chỉ lắc đầu, mò mẫm vào trung tâm y tế dựng tạm ở đó của Hội Lưỡi Liềm Đỏ.
Tình hình mỗi lúc một hỗn loạn. Một người đàn ông bị gãy tay, xương lòi ra ngoài bị bao vây bởi cả chục nòng súng. Một người phụ nữ đã đứng tuổi ôm con trai mình gào khóc. Cô gái vừa nãy còn cầm biểu ngữ đã ngất xỉu giữa đường. Nhân viên y tế chạy không hết việc. Cánh phóng viên nhà báo thấy cảnh hỗn loạn nào cũng lao vào chen chúc nhau chụp ảnh làm cho tình hình càng lúc càng vượt quá tầm kiểm soát. Tiếng súng nổ đều hơn, bom cay thả dầy hơn, nhưng người Palestine cũng chống trả hăng hơn. Đúng đến thời điểm tôi nghĩ cuộc biểu tình này sắp sửa biến thành một cuộc bạo động đẫm máu khi mà người chết vì bom đạn thì ít mà chết vì giẫm đạp lên nhau thì nhiều, quân đội Israel tung ra vũ khí quyết định. Một chiếc xe dạng xe tải chở dầu lù lù tiến vào giữa trung tâm của cuộc biểu tình. Từ chiếc vòi đang quay vòng trên nóc xe, một chất lỏng màu xanh đục phun xối xả vào dòng người biểu tình. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, một cái mùi mà cho đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy buồn nôn. Chất này vào da thì ngứa, vào mắt thì đau. Nước chồn, phát minh của IDF. Mùi này dính trên quần áo thì phải năm năm mới hết.
Dòng người hoảng loạn tản dần ra. Người tôi dính nước chồn hôi rình. Mắt tôi dính hơi cay không mở ra được. Tinh thần tôi rệu rạo. Giờ đi về, tôi lại phải đi qua cái quãng đường trống ở giữa. Một phần vì không chịu nổi cái không khí ở đây nữa, một phần vì thấy mình ở lại cũng chẳng được tích sự gì, tôi đánh liều đi qua quãng trống đó. Đang chạy, bất chợt một bé Palestine từ đâu lao ra, vừa ném đá vào những người lính Israel vừa chửi rủa bằng tiếng Ả rập. Một người lính quỳ một chân ngay trước mặt tôi, đưa súng lên, nheo mắt ngắm bắn. Trong giây phút đó, trong giây phút bị chĩa súng vào người đó, tự nhiên tôi thấy ghét quân đội Israel khủng khiếp. Nhưng rồi nhìn vào khuôn mặt trẻ măng của cậu ta, tôi giật mình khi nhận ra rằng anh chàng đó rất có thể là bạn của một người bạn tôi ở Israel. Mười tám, mười chín tuổi, học xong cấp ba, tham gia quân ngũ. Rất nhiều bạn bè tôi cũng đã và đang như cậu ta. Họ không có lỗi gì. Tất cả những gì họ đang làm là cố gắng làm tròn nghĩa vụ đối với đất nước.
Tôi đi qua trạm kiểm soát với tầng tầng lớp lớp song sắt như trại tử tù để vào lại Israel. Tôi lên xe bus với bộ quần áo còn dính nguyên nước chồn đó. Mọi người trên xe nhìn tôi rồi tản dần dần ra. Đến bến tiếp theo trên xe chỉ còn mỗi mình tôi. Tôi cũng mặc kệ. Mệt mỏi thân xác thì ít, nặng nề tâm trí thì nhiều. Lần đầu tiên nhìn thấy một cuộc tranh chấp mà tôi không biết mình đứng về bên nào. Cả hai đều có cái lý của họ. Tự nhiên, tôi nhận ra rằng vấn đề Palestine là một vấn đề không có lời giải. Tôi, là người ngoài, chỉ biết đau với nỗi đau của người trong cuộc. Insha’Allah, nếu ý Chúa muốn!
76. Jerusalem
Về qua Jerusalem, tôi tranh thủ đi thăm thành phố thiêng này. Tôi ở nhà Ariela, sếp trực tiếp của tôi ở Walyou và cũng là người đã viết thư mời để tôi xin visa sang đây. Chị thuê nhà ở trung tâm phố cổ, ngay cạnh Central Souk (Souk là tiếng Ả rập cho “chợ”. Central Souk là “chợ trung tâm”). Ở Israel, cứ ở đâu có souk tức là ở đó nhiều người Ả rập. Ariela ra đón tôi, vừa đi vừa nháy mắt cười đùa với mấy anh chàng bán hàng người Ả rập.
“Con trai Ả rập ở đây quậy lắm. Nhưng chị thích họ”. Chị cười khúc khích. Chị da trắng nõn, tóc vàng, mắt xanh. Là người Do Thái nhưng quốc tịch Mỹ, chị không tránh khỏi cái khuôn mẫu mọi người hay dùng để tả con gái Mỹ: mập. Nhưng mập cũng có cái hay của nó, chị hơi quá khổ nhưng khá dễ thương.
Chúng tôi đi đến một ngôi nhà cổ nép mình trong một con hẻm nhỏ lát gạch, tường bằng đá, cửa sổ vòm cong như cửa sổ nhà thờ. Ánh đèn le lói dát vàng cả không gian, lấp lánh trên mặt đá, mơ màng trên mặt đất. Không gian thiêng liêng huyền ảo đúng như những gì tôi vẫn hình dung về thành phố Vàng. Đã, đang, và sẽ chỉ một Jerusalem mà thôi. Chẳng trách nào Israel và Palestine tranh chấp nhau quyết liệt đến thế.
Căn hộ của chị nằm ở tầng hai. Lúc lên lầu, ngang qua cái máy giặt để trên cầu thang ngay cạnh căn phòng chị, chị bấm nút tắt.
“Ủa, bên trong có quần áo mà chị?”.
“Quần áo của bọn nhà bên trên đấy. Bọn mất dạy”. Chị rít lên. “Cái bọn cứ nghĩ mình sùng đạo là sạch sẽ hơn người ta”.
“Lần trước quần áo mình còn đang giặt, ướt sũng, bọn nó bỏ quần áo mình ra để cho quần áo bọn nó vào”. Mẹ Ariela đón chúng tôi ở cửa, vào phe với con gái”.
“Sao họ lại làm thế?”.
“Bọn nó ghét chị vì chị chơi với dân Ả rập. Người ở đây sùng đạo lắm. Harediii”. Chị kéo dài giọng.
Haredi là từ chỉ những người cực kỳ sùng đạo trong đạo Do Thái, số nhiều là Haredim. Họ nổi bật bởi họ luôn chỉ mặc hai màu đen trắng; đàn ông đội mũ hoặc kippah (một mảnh vải che đỉnh đầu), đàn bà mặc váy dài, áo dài tay, cổ kín, phụ nữ có chồng phải quàng khăn giấu tóc. Họ theo một hệ thống giáo dục riêng chỉ tập trung vào học các loại kinh và giáo lý Do Thái. Học xong, họ không đi làm như người bình thường mà sống nhờ trợ cấp xã hội bởi Nhà nước cần họ cầu nguyện cho sự tồn tại và phát triển của đất nước Israel. Nhưng chính điều này lại là một mối hiểm họa trong tương lai với kinh tế của Israel. Giống như đạo Hồi, Haredim tin rằng khả năng sinh sản là do Chúa trời ban tặng nên loài người phải tận dụng tối đa khả năng đó. Họ đẻ rất nhiều, trong khi người làm việc thì lại đẻ rất ít. Theo tỷ lệ tăng dân số như hiện nay, đến năm 2037, 23% dân số sẽ là Haredim và đến năm 2062, Haredim sẽ chiếm 48% dân số, 52% còn lại sẽ phải làm để nuôi 48% chỉ ăn rồi cầu nguyện này. Một cuộc nghiên cứu năm 2006 chỉ ra rằng trên 1/3 dân số cho rằng Haredim là nhóm người bị ghét nhất ở Israel.
Tôi đã nghe đến Haredim từ ngay khi mới sang Israel, báo chí và bạn bè tôi nhắc đến Haredim với nickname “chim cánh cụt”. Haredim tập trung chủ yếu ở Jerusalem. Họ sống trong một khu phố được coi là khu phố sùng đạo nhất thế giới: Meah Shaerim. Mọi người bảo là đến khu phố đấy mình không phải là người Do Thái sẽ rất bị ghét. Người sùng đạo ăn uống và làm mọi thứ phải “kosher”, nghĩa là trong sạch (giống halal trong đạo Hồi). Đồ ăn nếu bị người không theo đạo Do Thái động vào sẽ không còn là kosher nữa.
Hôm đấy là thứ sáu, quảng trường Shabbat tại Meah Shaerim đông nghẹt Haredim tới đây mua sắm đồ chuẩn bị cho Shabbat. Cả khu phố bao phủ hai màu đen trắng. Trước khi đi, Ariela đã cho tôi mượn bộ váy dài, khoác áo bên ngoài, quấn khăn bên trên theo đúng mốt của phụ nữ Haredim mà không hiểu sao tôi vẫn bị soi mói. Mọi người bước nhanh qua tôi, tránh không va đụng vào tôi như thể đụng vào tôi thì lây dịch bệnh sang vậy. Ở đây người ta có giấy ăn kosher, dầu gội đầu kosher, nước rửa chén kosher.
“Mấy đồ này kosher hay không khác quái gì nhau?”.
“Đồ ăn kosher hay không cũng khác quái gì nhau đâu. Mấy cái này chắc là được sản xuất vào ngày không phải ngày shabbat”.
Ở đây có một cái poster rất to vẽ hình những chiếc xe bus màu xanh lá cây lăn bánh qua cả biển người Haredim bên dưới. Ariela giải thích rằng đây là tranh khuyến cáo Haredim tẩy chay hãng xe bus Egged vì hãng này dám bí mật chạy xe trong ngày Shabbat. Trong ngày này không ai được phép làm gì cả: không được phép lái xe, không được phép sử dụng điện thoại, không được bật hay tắt điện. Ở đây có những công tắc hẹn giờ để đến giờ điện tự động đóng mở chứ mình không phải bật tắc công tắc. Một số người còn tháo bóng điện trong tủ lạnh ra để mỗi lần mở tủ lạnh nó không sáng.
“Mấy cái này là họ mới nghĩ ra chứ thời viết kinh làm gì đã có điện thoại hay tủ lạnh mà đưa vào quy định”. Ariela giải thích.
Chúng tôi đi qua những cửa hàng nội thất mà Ariela cười khúc khích. “Em biết không, ở đây người ta không bán giường đôi. Vợ chồng ngủ trên hai giường đơn riêng biệt. Một năm chỉ có mấy ngày họ được phép kê giường lại gần nhau để ngủ chung. Lý do duy nhất để ngủ chung chỉ là để sinh con”.
Khác với vẻ khỏe mạnh của hầu hết thanh niên Israel, đàn ông con trai Haredim có nước da trắng nhợt, mái tóc xoăn hơi đỏ với lọn tóc dài hai bên tóc mai. Tôi không rõ vẻ nhợt nhạt này là do họ ở trong nhà đọc kinh nhiều hay là do họ có tục lấy anh chị em họ.
“Em chẳng hiểu sao chị lại chọn Jerusalem chứ không phải Tel Aviv”. Tôi hỏi Ariela. Tel Aviv có bầu không khí thoải mái hơn với một sự tự do tuyệt đối để bạn sống theo cách của bạn. Bạn có thể muốn làm gì thì làm, muốn mặc như thế nào thì mặc, muốn chơi với ai thì chơi mà chẳng sợ bị ai soi mói. Jerusalem có vẻ khép kín hơn, nặng nề nhiều giá trị truyền thống. Thành phố này không chỉ là trung tâm tôn giáo của Israel mà còn là của cả thế giới. Nơi đây tập trung những địa điểm linh thiêng của ba tôn giáo lớn: Đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Do Thái. Người đến từ Jerusalem có thể dễ dàng hòa nhập với cuộc sống ở Tel Aviv, nhưng người đến từ Tel Aviv sẽ gặp khó khăn để hòa nhập với cuộc sống ở Jerusalem. Giới trẻ dĩ nhiên thường thích sống ở Tel Aviv hơn vì ở đây thoải mái lại nhiều chỗ ăn chơi.
“Chị cũng chẳng biết tại sao chị thích Jerusalem đến thế. Thành phố này có sự hấp dẫn riêng. Em cứ ở đây rồi sẽ biết”.
Chúng tôi ra khỏi cái không khí ngột ngạt của Meah Shaerim để đến khu phố cổ của Jerusalem. Khu phố cổ được chia thành bốn quarters: quarter cho đạo Thiên chúa, quarter cho đạo Do Thái, quarter cho đạo Hồi và quarter cho người Armania. Đã có quá nhiều nhà văn nhà thơ tốn không biết bao nhiêu giấy mực để ca ngợi vẻ đẹp của Jerusalem nên tôi cũng không dám dùng cái tài tả cảnh kém cỏi của mình ra để thuyết phục người đọc Jerusalem đẹp như thế nào. Jerusalem đẹp một vẻ đẹp kiêu kỳ, một vẻ đẹp quyền uy, một vẻ đẹp huyền bí, một vẻ đẹp khiến người lữ khách lần đầu tiên đến đây phải cúi rạp mình vì sùng bái, vì kính sợ. Bức tường đá sừng sững vây quanh giúp khu phố cổ giữ nguyên vẹn những kiệt tác kiến trúc từ thời đế chế Ottoman ở thế kỷ XVI. Ở đây có những nhà thờ mái nhọn nhưng duyên dáng, những đền thờ Hồi giáo vòm tròn sáng lấp lánh, những ngôi nhà vườn tầng len lỏi vào trong đá, những con hẻm lát gạch uốn lượn lên đồi. Bỏ qua hết những xung đột xung quanh, Jerusalem vẫn giữ cho mình một vẻ bình yên đến lạ. Thành phố này biết hòa trộn một cách khéo léo đến kinh ngạc những khác biệt về văn hóa, về tôn giáo của những con người sống trong nó. Chúng tôi đi men theo Via Dolorosa, con hẻm mô phỏng quãng đường Chúa Giê-su vác thánh giá lên Núi Sọ trong Kinh Thánh, đi qua những nhà thờ không phô trương nhưng đường nét thì tinh tế tráng lệ. Chúng tôi hòa vào dòng người đổ ra từ đền thờ Hồi giáo sau giờ cầu nguyện trưa thứ sáu, len lỏi vào những quán bán đồ ăn vặt Ả rập, tha hồ thưởng thức mỗi món một tí miễn phí vì các bác bán hàng quý cô bé Việt Nam tóc xù dễ thương, khi được hỏi biết kungfu hay không luôn gật đầu thách thức: “Có, bác có muốn thử không?”.
Buổi tối ngày thứ sáu chỉ có người theo đạo Hồi và người theo đạo Do Thái “cải cách” như Ariela mới ra ngoài đi chơi. Ariela tay trong tay với một anh chàng đạo Hồi cao ráo đẹp trai, nháy mắt: “Đây là một trong những lý do tại sao chị thích Jerusalem hơn”. Buổi tối, những con hẻm nhỏ vắng tanh vắng ngắt không một bóng người. Rồi không hiểu sao những con hẻm đó lại gặp nhau tạo ra đủ không gian để biến thành quán hút shisha ngoài trời lớn nhất mà tôi từng thấy. Hàng trăm bàn kê san sát, bàn nào cũng kín chặt người. Tiếng cười nói ồn ào, mùi shisha thơm phức, khói bay nghi ngút cả không gian. Về khoản này thì tôi thích Israel hơn hẳn. Ở đây con gái cũng được vào quán hút shisha, chứ ở Palesttine thì chỗ hút shisha, chỗ chơi bida con gái bị cấm tiệt. Có lẽ cái không khí ngột ngạt ban đầu làm bạn thấy sợ, nhưng càng ở lâu nó càng thấm vào trong bạn. Bạn phải học thuộc những con hẻm lắt léo, tìm đến những địa điểm thú vị nhưng bí mật chỉ ai quen mới biết. Mọi người vui vẻ làm việc của mình, cuộc sống cứ trôi đi bình dị. Tôi tự hỏi: Tại sao phải tranh chấp Jerusalem làm chi? Tại sao không thể để thành phố này bình yên như cách vốn dĩ của nó?
Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) - Huyền Chip