To read a book for the first time is to make an acquaintance with a new friend; to read it for a second time is to meet an old one.

Chinese Saying

 
 
 
 
 
Tác giả: Huyền Chip
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 39 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 866 / 25
Cập nhật: 2017-09-25 04:20:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Ii: Ấn Độ - Nepal - Chương 42- 43
2. Bị kẹt ở Gorakhpur
“Tứ động tâm” – bốn địa điểm linh thiêng nhất của đạo Phật bao gồm Lumbini – nơi Phật đản sanh, Bodhgaya – nơi Phật thành đạo, Sarnath – nơi Phật chuyển pháp luân – thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như và Kusinara – nơi Phật nhập Niết bàn. Đã đến Varanasi và Bodh Gaya rồi, tôi cao hứng đến Lumbinni. Vấn đề duy nhất là mặc dù Lumbinni chỉ cách Bodh Gaya bốn trăm cây số, nhưng nó lại nằm ở phía bên kia biên giới, bên Nepal. Lúc đấy tôi nghĩ mình sẽ đến Nepal khoảng hai tuầnrồi quay lại Ấn Độ. Visa Ấn Độ của tôi khi đấy xin được sáu tháng, được phép vào nhiều lần.
Tôi nghĩ mình cũng rảnh rỗi, không đâu lại đi tàu ngược lên Varanasi, ở lại một đêm rồi lại đi xe khách lên Lumbinni. Chẳng ai ở bến xe nói được tiếng Anh, tôi bập bẹ Nepal, Nepal thì họ chỉ cho tôi một cái xe chắc phải cổ hơn Napoleon, không điều hòa, nhồi nhét gấp đôi số ghế. Xe xóc long sòng sọc, thỉnh thoảng lại có người mở cửa sổ nôn thốc nôn tháo mà chẳng cần nilon hay túi giấy gì. Tôi phát hiện ra trên xe ngoài một bạn gái khác đang đi cùng anh trai hay chồng gì đó, tôi là phụ nữ duy nhất.
Thỉnh thoảng khi đi xe, tôi thích tự kỷ. Tôi thích nhìn ra ngoài cửa sổ, khi những thứ mình biết lùi dần về sau và những gì mình chưa biết cứ mở dần ra trước mặt. Tôi nghĩ về quá khứ, về tương lai, về hiện tại. Tôi nghĩ về gia đình, về bạn bè, về những người mà tôi tình cờ gặp trên đường. Anh chàng ngồi cạnh tôi thì không hiểu, cứ thích bắt chuyện. Tôi liền lấy tai nghe ra mở nhạc trên điện thoại, đưa cho anh chàng một tai nghe, tôi nghe một tai để khỏi phải nói chuyện. Anh có vẻ rất cảm kích hành động này.
Do không lên mạng được để tìm hiểu từ trước, tôi chẳng biết xe sẽ đi đến đâu, dừng lại lúc nào. Khoảng chín giờ tối, xe đột ngột vào bến. Tôi hỏi anh chàng ngồi cạnh thì được biết xe không chạy nữa. Muốn đi Lumbinni, tôi phải bắt chuyến xe ngày mai. Thành phố xe dừng là Gorakhpur, vốn là một thành phố vốn có nhiều ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử và tôn giáo, nhưng lại chẳng có gì đặc sắc về mặt kiến trúc hay nghệ thuật. Từ cái nhìn của khách qua đường như tôi, thành phố này chẳng khác gì hầu hết những thành phố bậc trung khác của Ấn Độ. Thành phố này cũng quá sơ sài, không có vẻ gì là có một quán ăn hay nhà hàng lớn nào đó mở cửa thâu đêm để tôi có thể vào tá túc chờ đến trời sáng được cả. Bến xe thì tối om om đầy đe dọa. Tôi không biết phải làm gì, đang tính đi tìm đồn cảnh sát để ngủ nhờ thì phát hiện ra anh chàng ngồi cùng xe vẫn đang lẽo đẽo theo mình.
“Em định đi đâu đấy? Tối rồi đi một mình rất nguy hiểm”.
“Em đang tìm chỗ ngủ”.
“Có một khách sạn cách đây hơn cây số thôi”.
“Giá khoảng bao tiền hả anh?”.
“Khoảng 500Rs”. Tức là trên $10. Trong túi tôi lúc đấy còn rất ít tiền. Tiền viết bài cho trang web ở Israel thì chưa được nhận nên tôi không thể ở khách sạn được.
“Ặc có chỗ nào rẻ hơn không anh?”.
“Nếu em không ngại, có thể nghỉ qua đêm ở văn phòng công ty anh”.
“Công ty nào vậy?”.
“Một công ty về công nghệ. Hiện tại có hai bạn khác cũng đang ở đấy. Có phòng riêng cho em, không phải ngại”.
Tôi phân vân dữ lắm. Có tin được anh chàng này không? Có tin được cả bạn anh chàngkhông? Tôi thấy mình dở hơi thế, cả ngày trên xe không chịu khó nói chuyện tìm hiểu xem anh là người như thế nào. Nhưng giờ tôi không có nhiều thời gian để suy tính. Tôi phải đưa ra quyết định một cách nhanh chóng.
Tôi nhìn anh từ đầu đến chân. Khuôn mặt hiền lành, giọng nói dễ chịu, phong thái lịch sự, nói tiếng Anh khá tốt. Anh mặc quần Tây, áo sơ mi, tay xách túi đựng laptop, không có vẻ gì là màu mè hoa mỹ, nhìn đúng là dân kỹ thuật thật.
“Sao anh lại muốn giúp em?”.
“Thấy người cần giúp đỡ thì nên giúp. Anh đi xe khách nhiều mà chưa thấy người nước ngoài nào đi xe như em. Anh nghĩ, chắc em cũng không có tiền thật”.
“Nhưng còn hai đồng nghiệp của anh thì sao?”.
“Họ cũng tốt lắm”.
Tôi quyết định mình sẽ tin anh. Chúng tôi lên xe người kéo về văn phòng anh. Văn phòng chứa đầy máy và linh kiện điện tử, nhìn giống nhà kho hơn là văn phòng. Bên cạnh là một căn phòng trống với nhà vệ sinh, bếp than tổ ong. Hai đồng nghiệp của anh đang cặm cụi làm rô-ti. Phía sau là một căn phòng nhỏ cũng ngập đồ đạc với một cái giường đơn đặt vừa vặn vào chỗ trống. Anh chỉ cho tôi cất đồ vào đó, đốt cho tôi que hương muỗi rồi đưa vào cho tôi cái quạt. Tôi nhẹ cả người khi căn phòng này có khóa trong. Người tôi bẩn lắm, nhưng vì không cảm thấy thoải mái cho lắm nếu tắm ở đây nên chỉ rửa mặt mũi chân tay rồi ra giúp bạn bè anh làm bữa. Hai đồng nghiệp của anh tuy không nói được tiếng Anh nhưng mặt mũi hết sức hiền lành, lại có vẻ bẽn lẽn nữa. Tôi đã được dạy làm rô-ti rất nhiều lần nhưng vẫn làm hết sức dở. Chuyên gia làm rô-ti sẽ biết áp dụng lực vừa đủ để lớp bột tự xoay vòng dưới que cán và tự nó tròn một cách hoàn hảo. Tôi toàn phải tự xoay mà nó vẫn không tròn. Tôi nhớ đến anh chàng làm bánh rô-ti mà tôi gặp ở Punjab. Anh chàng còn chả cần thớt hay que cán mà cứ tay không tung hứng cục bột vèo vèo vèo vèo, một phút phải làm được hai cái bánh rô-ti. Tôi thì phải mười phút mới xong một cái. Ban đầu mọi người còn kiên nhẫn chờ tôi làm, xong rồi vì tôi làm chậm quá, tôi bị đuổi đi. Bữa cơm đạm bạc chỉ có rô-ti và súp lơ sào khoai tây nhưng tôi ăn ngon lành vì cả ngày chưa được cái gì vào bụng.
Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, tôi cảm động suýt phát khóc khi phát hiện ra mọi người đã mua sẵn bánh mì và sữa đặc cho tôi ăn sáng. Bánh mỳ chỉ cho tôi thôi, còn mọi người ăn rô-ti từ hôm qua. Tôi ăn không hết, mọi người cứ nhất định bắt tôi cầm theo đi ăn. Sau đó, một người còn đưa tôi ra tận bến xe khách, đợi cho tôi lên xe rồi mới về. Trên đời này đúng là còn nhiều người tốt lắm.
43. Chùa Việt Nam ở Lumbini
Hộ chiếu Việt Nam có thể xin visa từ cửa khẩu: $25 cho visa 15 ngày, $40 cho visa 30 ngày, $90 cho visa 90 ngày. Đúng là chỉ có khi xin visa người ta mới mua được thời gian. Nếu ở Ấn Độ chẳng ai biết Việt Nam là gì thì ở biên giới Nepal, mới nhìn thấy hộ chiếu Việt Nam của tôi, các bác Hải quan đã hớn hở: “Doctor Lam, doctor Lam”, nghĩa là “Tiến sĩ Lâm, tiến sĩ Lâm” – tên gọi thân mật mọi người nơi đây dành cho sư thầy Lâm Trung Quốc, tự Huyền Diệu, trụ trì Việt Nam Phật Quốc tự ở đây.
Tôi nghe thấy Lumbini lần đầu tiên từ anh chàng khùngAntonio tôi gặp ở Myanmar. Anh bảo quãng thời gian anh thích nhất là một tuần liền trên đất Phật sinh, tá túc ở một ngôi chùa Hàn Quốc. Tôi hớn hở hỏi anh là tôi đến xin ở có được không, anh mới à lên: “Được chứ, ở đấy có cả chùa Việt Nam mà”. Lần thứ hai tôi nghe đến Lumbinilà khi nói chuyện với các bác ở Đại sứ quán Việt Nam về một đoàn khách từ Việt Nam sang đây hành hương “Tứ Động Tâm”. Các bác bảo thầy Huyền Diệu rất giỏi: Thầy sang Nepal từ khi Lumbini vẫn chỉ là mảnh đất hoang tàn. Thầy chính là người nước ngoài đầu tiênxây dựng chùa ở Lumbini và là người có công lớn trong việc vận động chính quyền Nepal và chính quyền các nước khác để xây dựng lên khu Liên Hiệp Quốc Phật giáo, làm sống lại Đất Phật. Các bác tặng tôi cuốn sách Lòng tri ân: Sức mạnh và mầu nhiệm của thầy để đọc nghiên cứu. Càng đọc, càng tìm hiểu về thầy trên mạng tôi càng phục thầy, rất muốn có dịp được sang Lumbini thỉnh giáo.
Xe dừng lại ở Sonauli, tôi phải đi bộ qua biên giới, rồi bắt xe khách khác đến thị trấn Bhairahawa cách biên giới bốn kilomet, rồi một xe bus khác đến Lumbini. Chao ôi, chưa bao giờ tôi đi một cái xe bus nào chậm đến như thế. Đường xấu, máy cũ, xe chạy với tốc độ còn chậm hơn cả rùa bò. Đã vậy, ai vẫy xe cũng dừng. Xe nhồi khách như nhồi vịt, tôi ban đầu còn được đứng hai chân, lúc sau chỉ còn được đứng một chân. Mỗi lần công an kiểm tralà phải xuống hết từng người từng người một, rồi tất cả lại phải từ từ nhồi nhét lại. Ở biên giới Nepal người dân thì ít mà công an thì nhiều. Cứ khoảng chục phút xe lại bị chặn lại kiểm tra. Quãng đường chỉ hơn hai chục cây số mà xe chạy mất hơn hai tiếng.
Tôi đến Lumbini lúc bảy giờ tối mà trời tối om om làm tôi cứ có cảm giác như đang nửa đêm vậy. Thị trấn không có điện, chỉ heo hắt vài ánh nến hắt ra từ mấy nhà nghỉ ven đường. Tôi biết mình đã đến gần đất Phật khi nhìn đâu cũng thấy toàn sư là sư, chủ yếu ăn vận theo kiểu nhà sư Tây Tạng: quần nâu, áo trong vàng, vải đỏ sậm vắt chéo bên ngoài. Tôi cần phải đến Vườn Thiêng – nơi Phật sinh và cũng là nơi tập trung Liên Hiệp Quốc Phật giáo, nhưng tôi không biết Vườn Thiêng cách đây bao xa, đi đến bằng cách nào. Sợ người tu hành ngại tiếp xúc với nữ giới, tôi không dám hỏi đường. Thông tin duy nhất mà tôi có được là khi xuống xe bus, một bác khuyên tôi nên tìm nhà nghỉ nào ở quanh đây, mai trời sáng hãy đến Vườn Thiêng. Không muốn phải tốn tiền thuê nhà nghỉ lãng xẹt như vậy, tôi đi vòng vòng do thám. Đi một đoạn thì phát hiện ra cái cổng trắng với dòng chứ “Sacred Garden” (Vườn Thiêng) to đùng. Quả thực lúc đấy tôi không biết có phải Vườn Thiêng không bởi ngoại trừ dòng chữ đấy ra, xung quanh chẳng có dấu hiệu gì khác. Đêm tối đen như mực làm tôi cứ có cảm giác phía sau cánh cổng kia chỉ là một cánh đồng khác. Đang thập thò ở cửa thì tôi phát hiện ra hai chú bảo vệ. Chú không nói được tiếng Anh nên tôi chỉ nói: “Vietnam temple”. Chú à lên vui vẻ: “Vietnam Vietnam”. Chú đưa cho tôi tờ bản đồ, chỉ hình ngôi chùa nhỏ xíu có chữ “Vietnam” trên đó. Tôi gật đầu, chú liền dắt xe đạp ra, ra hiệu cho tôi ngồi ra phía sau. Sợ nổ lốp xe, tôi chỉ vào chân mình ra hiệu rằng chú cứ đi trước đi, tôi đi bộ, nhưng chú cứ khăng khăng chỉ vào gác baga đợi tôi lên. Tôi cũng ngoan ngoãn leo lên, xúc động dạt dào. Mình đâu có mảnh mai gì cho cam, mà ba lô của mình cũng đâu có nhẹ gì.
Trăng mỗi lúc một sáng. Trăng lấp lánh mặt hồ, trăng lấp ló tán cây, trăng lập lòe bụi cỏ. Không gian im lặng như tờ, nghe rõ cả tiếng đạp xe lóc cóc, tiếng dế kêu rả rích, tiếng chó sói hú xa xăm. Tôi hơi lạnh xương sống, giật giật áo chú: “Wolf?”. Chú xua xua tay ý là nó còn ở xa lắm. Lâu lắm rồi tôi không ngồi sau xe đạp. Tự nhiên nó khiến tôi nhớ lại những ngày còn nhỏ, được bố đèo xe đạp đi vòng vòng quanh xóm. Cảm giác an toàn và bình yên đến lạ.
Xe dừng lại ở trước một cái cổng lớn. Chú bảo: “Vietnam”, rồi quay xe đi về. Trăng sáng không đủ nhìn rõ mặt người, nhưng đủ để tôi thấy thấp thoáng bóng người phía sau cổng. Tôi lớn tiếng gọi: “Hello”. Ai đó đi tiến lại phía cổng với ánh đèn pin lập lòe, nhưng không mở cổng ngay mà có vẻ đang cố gắng nhìn rõ mặt tôi qua thanh cửa sắt: “Who is that?”. Trời ạ, nói tiếng Anh giọng này thì chỉ có người Việt Nam. Tôi hớn hở reo lên:
“Anh là người Việt Nam ạ?”.
“Trời, em cũng là người Việt Nam hả?”. Anh cũng mừng rỡ không kém.
“Vâng. Anh ơi, thầy Huyền Diệu có ở đây không anh?”.
“Thầy đi vắng rồi, có Minh Hòa ở đây thôi. Em vào trong đã”.
Anh quay ra la toáng lên với mấy người ở trong:
“Có con gái Việt Nam này”.
Tôi mờ mờ nhìn được khoảng bốn, năm người đang ngồi uống trà dưới gốc cây. Tuy không nhìn rõ mặt, tôi có thể cảm thấy ánh mắt vui vẻ của mọi người dõi theo tôi. Minh Hòa tất tả từ trong nhà chạy ra.
“Em vào đây bằng cách nào?”.
“Chú bảo vệ dẫn em vào”.
“Có lấy tiền công không?”.
“Không anh ạ. Cũng không thấy ai kêu tiền vé”.
“Trời ơi, làm con gái thật sướng. Vào đất Phật mà được chú bảo vệ đèo vào tận đây là phải có phước lắm đó. Em tìm thầy có việc gì?”.
“Em đi hành hương đất Phật, muốn gặp thầy xin chỗ tá túc”.
“Chuyện đấy thì thoải mái. Chùa có mấy chục phòng khách để trống kia kìa”.
Thế là tôi ở lại trong chùa. Minh Hòa là đồ đệ của thầy, giúp thầy lo việc trong chùa khi thầy đi vắng. Ngoài anh, chùa còn khoảng mười anh em thợ hồ từ Huế sang đây giúp thầy xây chùa và một bác quản gia người Nepal.
Có lẽ vì thương tôi mà mọi người rất quý tôi, mặc dù tôi không phải là người theo đạo Phật. Tôi được ở trong một căn phòng trong dãy phòng khách ở phía trong, còn mọi người thì ở trong một ngôi nhà nhỏ hai tầng ngay phía cổng. Căn phòng rất sạch sẽ với giường đôi, bóng điện chạy bằng ác quy, nhà vệ sinh nước sạch đầy đủ. Chưa bao giờ ngủ trong chùa, lại thấy dãy phòng khách vắng vẻ, âm u, buổi đầu tiên tôi thấy hơi sờ sợ nhưng khi mọi người hỏi: “Sợ không?”, tôi lắc đầu. Chứ sao giờ, chẳng lẽ kêu sợ để nhờ mọi người vào ngủ cùng à?
Tuy không phải là người theo đạo Phật, tôi có cái nhìn khá cởi mở về tôn giáo. Không sùng bái cũng không phản đối, tôi nhìn nhận tôn giáo như một nét văn hóa thú vị. Tôi thích không khí bình yên trong chùa, thích những câu chuyện Phật dạy, thích tìm hiểu mối liên hệ giữa đạo Phật và các tôn giáo khác. Tối tối mọi người lên chùa đọc kinh, tôi cũng lên cùng. Tôi chỉ hơi bối rối lúc ăn cơm cùng mọi người. Tôi theo đạo Thiên Chúa nên khi ăn cơm tôi làm dấu thánh giá.
Để khỏi thấy mình vô dụng, ngày ngày tôi cầm chổi đi quét chùa, tự nhiên nhớ đến câu:
“Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa”.
Khuôn viên chùa rất rộng. Phía trước chùa là một cái ao đầy hoa sen với một cây cầu cong cong vắt qua. Một cụm trúc vàng nghiêng nghiêng soi bóng. Phía sau nhà khách là một khu vườn rậm rạp như một cánh rừng nhỏ. Lớp lá khô lâu rồi không ai động vào, tôi khua khua chổi là muỗi bay loạn xạ, đốt chi chít mặt mũi chân tay tôi. Tôi thích buổi sáng sớm ra bờ ao ngồi chơi với hồng hạc (mọi người gọi là hồng hạc nhưng thực ra tên khoa học của loài chim này là Sarus Crane – Sếu đầu đỏ). Đây là loài chim cực kỳ quý hiếm, đứng thẳng có thể cao đến hai mét, nhưng lại vô cùng uyển chuyển. Sự xuất hiện của những chú chim này ở đây là một điều bí ẩn mà có lẽ cách duy nhất để giải thích cho nó là “đất lành chim đậu”. Mọi người bảo trước đây Lumbini không có hồng hạc đâu, chỉ từ khi chùa Việt Nam bắt đầu xây, hồng hạc mới quay trở về, càng ngày càng nhiều. Cái lạ hơn nữa là hồng hạc chỉ tập trung ở chùa Việt Nam chứ các chùa khác ở ngay cạnh đấy cũng không có. Hồng hạc duyên dáng đứng soi bóng bên bờ ao, đùa nghịch bên khóm trúc. Chúng rất dạn người, có mấy chú còn thản nhiên đi dạo quanh sân, thấy tôi ăn táo cũng chạy vào ăn cùng. Chiều chiều, tôi thích đạp xe lòng vòng tham quan chùa các nướckhác. Vườn Thiêng được mọi người gọi đùa là “Liên Hiệp Quốc Phật giáo” bởi cho đến nay đã có trên hai mươi quốc gia dựng chùa ở đây, mỗi ngôi chùa mang nét kiến trúc đặc trưng của đất nước đó.Chùa Thái Lan với những mái cong xếp chồng lên nhau, chùa Campuchia đậm chất kiến trúc Angkor Wat, chùa Nepal bầu bĩnh với con mắt Phật nhìn xuyên thấu, chùa Myanmar dát vàng, tròn ủng ở dưới nhưng càng lên cao càng nhọn, chùa Trung Quốc nhìn như Thiếu Lâm tự, chùa Pháp là một sự kết hợp độc đáo của văn hóa phương Đông và phương Tây…
Thỉnh thoảng buổi chiều tôi đi chợ cùng mọi người, vừa đi thăm chợ, vừa nhân cơ hội tiếp cận với “thế giới văn minh”. Chẳng qua là trong chùa điện thì chập chờn, một ngày có điện được mấy tiếng thôi, sóng điện thoại còn chẳng có nữa là Internet, nên muốn gọi điện hay vào mạng tôi phải đạp xe vào thị trấn cách đó mấy cây số. Thị trấn Lumbini có nhiều nét rất giống Việt Nam những năm 90. Phương tiện đi lại chủ yếu ở Lumbini là xe đạp, nhà giàu mới có xe máy. Nhà tranh mái rạ lụp xụp hai bên đường đất, quần áo đủ màu sắc sặc sỡ trải ngay trên mái nhà. Lumbini có hai chợ, một chợ họp hai phiên mỗi tuần, chợ kia chỉ họp một phiên. Ngày chợ phiên, người dân mang những thứ nhà trồng được đến mảnh đất trống ngay cạnh cánh đồng, bày ngay trên đất để bán. Không biết mọi người có ý thức giữ gìn môi trường hay là do không có tiền mua túi nilon, ai đi chợ ở đây cũng mang một cái bao và cho hết đồ rau củ quả của mình vào đấy. Bạn tôi đang chạy chương trình “Tôi ghét Nilon” mà sang được đến đây chắc thích điên lên mất. Buổi tối không có điện chẳng biết làm gì, mọi người hay ngồi gốc cây để đàn hát cho đỡ nhớ nhà. Tôi thương anh em thợ hồ ở đây lắm. Nghe thầy kêu gọi cần người giúp xây chùa, mấy anh em bỏ việc ở nhà sang đây giúp thầy cả năm trời mà không lấy tiền công.
Ở Lumbini được một tuần mà vẫn không thấy thầy Huyền Diệu về, tôi quyết định lên đường đi Kathmandu. Tôi chia tay mọi người mà bịn rịn. Sau này, mọi người kể rằng mọi người đã sốc khi lần đầu tiên gặp tôi. Thường người Việt Nam sang đây toàn đi theo đoàn, báo trước cả tuần liền. Chỉ có mỗi mình tôi là đêm hôm chẳng biết từ đâu chui ra, gõ cửa xin ở nhờ.
Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) - Huyền Chip