When you reread a classic you do not see more in the book than you did before; you see more in you than was there before.

Clifton Fadiman

 
 
 
 
 
Tác giả: Huyền Chip
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 39 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 866 / 25
Cập nhật: 2017-09-25 04:20:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Ii: Ấn Độ - Nepal - Chương 31-32-33
1. Làm diễn viên Bollywood
Những ngày ở Mumbai, ngoài thời gian viết bài cho Walyou, những chuyến đi ngắn ngày đến Lonavala, Goa, những phi vụ động trời với Swapnil & Co, tôi chẳng có việc gì để làm. Nghe Julia kể đi đóng phim có nhiều chuyện hay ho, tôi cũng muốn đi thử cho biết. Bình thường người nước ngoài ở Mumbai tìm vai quần chúng rất dễ, dễ đến mức họ không cần tìm phim mà phim sẽ tự tìm đến với họ. Người Ấn Độ thích dân da trắng nên các nhà làm phim lúc nào cũng muốn chèn vài nam thanh nữ tú mắt xanh tóc vàng vào hậu trường chẳng biết để làm gì. Julia mỗi lần đi ngoài đường là liên tục được những người đàn ông ăn vận như thương gia đến hỏi cô có muốn đóng phim không. Còn tôi vì nhìn không khác gì con gái miền Đông Bắc Ấn Độ nên chẳng có ma nào thèm hỏi. Nhưng may mà tôi có Julia. Quảng cáo TV mà chị sắp đóng cần thêm một người nước ngoài nữa, “Người Trung Quốc hay người châu u đều được hết” (trích lời người thuê chị). Julia giới thiệu tôi với đủ lời ba hoa không đúng sự thật, thế là tự nhiên tôi được làm diễn viên.
Theo lịch, quảng cáo này được quay từ chín giờ tối, 1.000R cho sáu tiếng. Trước khi đi, tôi đã hỏi họ là tôi nên mặc gì, họ bảo mặc gì cũng được. Vậy mà khi tôi xuất hiện với quần bò áo phông, họ lại bảo là không được, phải mặc quần lửng cho giống du khách. Thế là tôi lại phải về nhà thay quần. Cũng may mà địa điểm quay lại chính là khách sạn Palm Hotel, ngay cạnh nhà tôi (tòa nhà tôi ở ban đầu được xây như phần mở rộng của khách sạn này).
Quần áo chỉnh tề xong là đến phần mà tôi thích nhất: trang điểm. Đoàn làm phim có một xe bus, tân trang lại thành xe thay đồ của diễn viên với một bàn trang điểm nhìn rất chuyên nghiệp. Ngồi vắt chéo chân, mắt nhìn thẳng, tay khoanh trước ngực trong khi một chuyên gia hì hụi làm tóc, trang điểm cho mình, tôi có cảm giác như mình sắp thành diễn viên nổi tiếng đến nơi rồi vậy. Nhưng thời gian hưởng thụ chưa được bao nhiêu thì thời gian khổ cực bắt đầu. Sau mười lăm phút trang điểm, chúng tôi vào sảnh khách sạn bắt đầu quay.
Đây là một quảng cáo của Zee TV – kênh giải trí dành cho giới trẻ khá lớn ở Ấn Độ. Kịch bản đại khái ba khách du lịch đến check in khách sạn. Lễ tân khách sạn cố gắng thuyết phục ba vị khách khó tính này ở lại. Ngoài những dịch vụ tuyệt vời mà khách sạn cung cấp, con át chủ bài chính là khách sạn này còn có Zee TV. Lễ tân khách sạn là một người đàn ông trung niên mà theo phong cách diễn xuất của ông, chúng tôi đoán là ông đã ở trong nghề khá lâu. Khách du lịch gồm có Julia, tôi, và một anh chàng tóc đỏ tên là Rick.
Nhiều người có khả năng đóng phim, diễn xuất rất tự nhiên trước ống kính, nhưng chắc chắn tôi không phải là một trong số đó. Tôi cảm thấy tội lỗi bởi vì tôi khá nhiều cảnh quay phải quay lại, nhưng Julia an ủi rằng phần lớn những người nước ngoài khác mà họ nhặt được ngoài đường cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Ngay cả anh chàng Rick này đóng cũng dở ẹc. Khả năng bỏ bom trường quay của anh cũng thâm hậu không kém gì tôi. Sau khi quay mấy lần, đạo diễn nhanh chóng nhận ra khả năng của mỗi chúng tôi và phân chia lại vai diễn. Các cảnh khó được giao hết cho Julia. Tôi và Rick chỉ có việc đi theo, thỉnh thoảng chêm vào mấy câu cảm thán vô hại: “Wow”, “Đẹp quá”, “Có Zee TV cơ à”, “Mình thích Zee TV lắm”.
Ban đầu quay còn thấy vui, nhưng sau khi cảnh quay bị quay đi quay lại đến lần thứ sáu, thứ bảy, tôi bắt đầu thấy oải. Chưa kể có những khi chúng tôi phải ngồi chờ cả tiếng liền để đạo diễn chỉnh sửa kỹ thuật gì cũng không biết. Chúng tôi ngồi buôn chuyện. Khác với Julia, Rick không phải là diễn viên chuyên nghiệp. Anh sang đây du lịch rồi quyết định ở lại vì nhận thấy cơ hội kiếm tiền ở đây. Anh mới nhận được một vai mười bốn ngày trong một show truyền hình ăn khách ở Ấn Độ. Julia thì thầm vào tai tôi: “Tại sao cơ hội luôn đến với những người không có khả năng nhỉ?”. Lịch quay đến ba giờ nên đúng khi đồng hồ điểm ba giờ, tôi đến hỏi đạo diễn mình về được chưa thì ông lắc đầu kêu chúng tôi ngồi đợi. Chúng tôi mỗi người một góc lăn ra ngủ lăn lóc. Đến bốn giờ họ đánh thức chúng tôi dậy nói rằng chúng tôi về được rồi. “Trời ạ, thế sao không cho người ta về từ một tiếng trước mà phải giữ người ta lại ở đây làm gì?”, tôi cáu. “Thế này là chuyện bình thường. Đạo diễn muốn giữ mình đến lúc nào là quyền của ông ta”. Julia nhún vai.
Ngái ngủ nên tôi cáu thế thôi, chứ thực ra tôi nghĩ đây là cách kiếm tiền khá dễ. Tiền trả không cao nhưng trong hoàn cảnh của tôi lúc này, một xu cũng quý. Công việc chẳng có gì nhiều, diễn xuất thì ít mà thời gian đợi thì nhiều. Nếu tôi mang theo hợp laptop đi để làm việc hay sách để đọc thì cũng không đến nỗi nào. Vậy nên tôi nhờ Julia có vai diễn thì báo tôi, hứng lên thì tôi đi. Có nhiều vai diễn khá buồn cười. Một lần tôi và Julia làm diễn viên quần chúng cho một cảnh quay lễ trao giải gì đó với hàng trăm diễn viên quần chúng khác. Chúng tôi chỉ đến để điểm danh sau đó lẻn ra ngoài đi chơi, cuối ngày lại chui vào nhận tiền. Một lần khác chúng tôi trở thành những người tham gia bữa tiệc bể bơi trong bộ phim của một trong những đạo diễn hàng đầu Bollywood. Julia có một vai nhỏ mười ngày trong bộ phim này. Cảnh quay diễn ra tại một biệt thự kiểu Victoria cực kỳ đẹp với giàn hoa giấy phủ kín mái hiên, bãi cỏ xanh rì bao quanh nhà và bể bơi cong cong hình số 8. Julia thỉnhh thoảng còn phải nói vài câu này nọ, còn tôi chẳng phải làm gì ngoài việc uống cocktail, ăn đồ ăn barbecue (thịt tự nướng trên bếp nướng sân vườn), rồi tán dóc như thể đang dự tiệc thật. Tôi không ở trong ngành làm phim nên nhiều thứ tôi không hiểu: ví dụ như cô diễn viên chính đang nằm trong bể bơi kia tại sao cứ phải ưỡn ngực ra, còn một anh chàng diễn viên phụ lúc nào cũng phải cởi trần để khoe bụng sáu múi đúng kiểu “Ta đẹp ta có quyền” ngay cả khi máy không quay? Lúc đi qua tôi, anh chàng dừng lại hỏi:
“Em là người Ấn Độ à?”.
“Không, là người Ấn Độ khó lắm”.
“Sao mà khó?”.
“Phải thích Bollywood mới làm người Ấn Độ được”.
Tôi cười, anh cũng cười theo. Julia đang đứng nói chuyện với hai người đàn ông trung niên song sinh ở cách đó không xa cũng chạy tới:
“Hai người làm quen rồi à? Chip, đây là Sandrah (cô nháy mắt một cái). Sandra, đây là Chip mà em vẫn kể với anh đấy”.
Không biết Julia có kể về tôi với Sandra thật không, chứ chị kể về Sandra với tôi rất nhiều. Chẳng là mấy hôm trước khi đi quay về, chị luôn miệng kể cho tôi về anh chàng người mẫu kiêm diễn viên đẹp trai mà chị gặp ở trường quay. Hai người trao đổi số điện thoại rồi không ngừng nhắn những tin nhắn ướt át từ hôm đó tới giờ. Anh chàng có cách viết tin nhắn như dân xì-tin chập chững tập nói. Tôi bị đọc mấy lần khi Julia không dịch nổi tin anh gửi và nhờ tôi lý giải giùm. Tin anh nhắn đại loại thế này: “Hru? Mis u bab. I wnt 2 c u rght nw”. Tôi ác cảm với anh từ đó.
Khi yêu con người ta trở nên dại dột, mù quáng với những gì tất cả mọi người xung quanh đều thấy rõ. Tôi có thể ngửi thấy mùi sở khanh ở Sandra từ cách đấy cả kilomet, nhưng Julia không thể nhận ra điều đó. Anh ta hứa hẹn với Julia nhiều nhưng luôn là người lỗi hẹn. Ngay cả khi ở cạnh Julia, anh ta vẫn dáo dác đảo mắt tìm kiếm những cô gái khác. Julia thì chết mê chết mệt anh ta, bởi anh ta không chỉ đẹp trai mà còn dẻo mỏ. Trai đẹp là trai nguy hiểm, trai dẻo mỏ là trai mất nết.
Như Sherlock Holmes đã từng nói: “Không gì nguy hiểm bằng làm tan nát trái tim một người phụ nữ đang yêu”. Thương Julia nhưng không nỡ (và cũng không dám) phá bỏ ảo tưởng của chị, tôi chỉ lẳng lặng theo dõi xem chuyện gì sẽ diễn ra. Chuyện gì tới cũng phải tới. Một buổi tối Julia gọi điện cho tôi khóc nức nở. Julia đang đi chơi với Sandra ở Kino 108 thì một cô gái tới bên hai người quát tháo ầm ĩ. Sandra lập tức trở mặt nói là không quen Julia rồi bỏ đi với cô gái này. Cô gái này là bạn gái tội nghiệp bị Sandra lừa dối. Ngay từ đầu, Sandra chưa bao giờ yêu Julia, mà chỉ dùng cô để khoe khoang với đám bạn. Trai Ấn Độ thích mê con gái ngoại quốc. Julia da trắng tóc vàng là chiến lợi phẩm hoàn hảo cho mục đích này.
32. Tạm biệt Mumbai
Veera là người khiến tôi quyết định ở lại và oái oăm thay, anh cũng là người khiến tôi quyết định ra đi. Một buổi tối, khi chúng tôi đi bộ qua Marine Drive, nơi mà cách đó không lâu trái tim tôi hoàn toàn tan chảy, Veera hỏi tôi một câu hỏi mà tôi đã lo sợ rằng trước sau gì anh cũng sẽ hỏi:
“Chip này, em đã bao giờ nghĩ đến chuyện ở lại đây chưa?”.
Câu trả lời là có. Tôi đã từng cân nhắc câu hỏi này nhiều, rất nhiều nhưng chưa bao giờ đủ can đảm để đưa ra quyết định, bởi tôi biết đó sẽ là một quyết định phũ phàng, bạc bẽo, đầy ích kỷ. Tôi yêu Mumbai, yêu những bãi biển lộng gió, yêu những tòa nhà xinh đẹp cổ kính, những người bạn điên khùng dám sống hết mình. Tôi thuộc về nơi này không thua kém gì hàng triệu những bạn trẻ đầy ham mê và nhiệt huyết khác đến đây tìm kiếm cơ hội và cảm hứng. Nhưng sau sáu tuần ở đây, tôi nhận ra rằng mình chưa sẵn sàng để dừng lại. Mumbai đã trở nên quá thân thuộc, thân thuộc đến mức khiến tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt khi mà ngày ngày tôi làm cùng một thứ, gặp gỡ cùng một nhóm người, đi đến cùng một địa điểm. Tôi nôn nóng được ra khỏi Mumbai để tiếp tục cuộc hành trình. Đường xa vẫy gọi, thử thách chào đón. Kashmir có đúng là thiên đường trần gian như lời đồn đại? Cảm giác khi ở trên dãy Himalaya sẽ thế nào? Chiến sự vùng Trung Đông liệu có làm mất đi vẻ huyền bí của nơi này không? Một tình yêu đẹp, một công việc ổn định, những người bạn tốt chưa đủ để tôi từ bỏ khao khát khám phá những mảnh đất xa lạ nơi mà tôi chưa từng đặt chân tới.
“Em phải tiếp tục đi”.
“Vì sao?”
“Vì em là một khách lữ hành”.
“Khách lữ hành thì không yêu à?”.
“Có. Nhưng họ có những cảm xúc khác mãnh liệt hơn”.
Và đấy là lần cuối cùng tôi gặp Veera.
Quyết định ra đi của tôi khiến tất cả mọi người bất ngờ. Họ biết rằng trước sau tôi cũng đi, nhưng không ai nghĩ rằng tôi lại đi đột ngột đến thế. Allen lên giọng hờn dỗi: “Tôi biết mà. Cô làm cho chúng tôi quen với sự có mặt của cô ở đây rồi lại bỏ chúng tôi mà đi. Giờ làm sao mà tôi tìm được một người bạn cùng nhà tốt như cô?”. Swapnil đón nhận tin với một vẻ u uất: “Em đi được là tốt. Anh bị kẹt ở Mumbai thế này bao giờ mới thoát ra được?”. Gary thì bảo rằng sẽ có một ngày anh bỏ công việc nhàm chán của anh ở Call Center để chơi nhạc và đi du lịch như tôi. Một năm sau. Anh gửi email cho tôi nói rằng anh đã bỏ việc thật. Tuy chưa có thể tự mình đi du lịch, Krazy Electronics đã bắt đầu đạt được những thành công nhất định, cho phép anh đi tour biểu diễn ở khắp Ấn Độ và gần đây là một gig ở châu u.
Chuyến tàu tôi đi khởi hành lúc mười giờ tối. Swapnil đi cùng tôi ra ga. Lúc chia tay, chúng tôi vẫn còn hớn hở cười đùa. Nhưng khi tàu bắt đầu chuyển bánh, Mumbai khuất dần vào bóng đêm, bóng dáng Swapnil lùi dần vào quá khứ, tự nhiên tôi thấy lòng nặng trĩu. Và khi nhận được tin nhắn từ Allen: “Từ nay về sau cô phải sống tốt đấy nhé”, tôi không kìm được nữa, tu lên khóc. Anh nhắn tin như thể chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại vậy. Như thể!? Liệu vài năm sau anh còn nhớ tôi là ai không? Hay liệu tôi có còn nhớ anh là ai không? Anh vẫn ở Mumbai, vẫn chơi cùng Titus, Jacob, vẫn tối tối ngồi soạn nhạc, cuối tuần ra ban công ngồi uống bia suy nghĩ chuyện đời, chỉ khác là tôi không còn ở đấy nữa. Tôi đã biến mất khỏi cuộc đời của anh, của những người nơi đây như một đám mây mưa tan biến sau khi cơn mưa tạnh. Tôi úp mặt vào tường, miệng cắn chặt vào tay để không bật khóc thành tiếng. Vai tôi rung lên bần bật, mũi ngạt đến mức tôi không còn ngửi thấy mùi nồng nặc bốc ra từ nhà vệ sinh ngay cạnh, nước mắt chảy ướt đẫm cuốn sách tôi đang đọc: cuốn Motorcycle Diaries của Che Guevera. Ngay trang đầu tiên là lời đề tặng:
“For Chip, on the day she turns 20:
You are the bravest girl I’ve ever met. Go wherever you want to, but remember, traveling is not about where you are, but who you are with.
From a person you met on the roard.
Veera”
[“Tặng Chip, ngày em tròn 20 tuổi:
Em là cô gái dũng cảm nhất mà anh từng gặp. Đi đến bất cứ nơi nào em muốn, nhưng hãy nhớ rằng, hành trình thực sự không phải là những nơi em đến, mà là những con người em gặp.
Từ một người em gặp trên đường.
Veera”]
33. Delhi
Sau một giấc ngủ dài đầy mộng mị, tôi tỉnh dậy cứ nghĩ mình vẫn đang ở trong căn phòng của mình ở Mumbai, nhưng rồi nhanh chóng bị lôi trở lại thực tại với tiếng tàu chuyển bánh xình xịch, lớp khăn trải đệm, mùi hôi đặc trưng của nhà vệ sinh trên tàu. Buổi sáng thức dậy trên tàu luôn có cái gì đó rất đặc biệt: có cái gì đó vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, vừa tĩnh lặng vừa chuyển động không ngừng, vừa huyên náo vừa rất có trật tự. Tôi ngồi trên giường của mình ở tầng trên cùng, khoanh chân nhìn xuống thế giới chuyển động bên dưới như thể đang xem một chương trình truyền hình thực tế được quay bằng máy quay trộm đặt ở trên cao vậy. Một em bé đứng súc miệng ở bồn rửa mặt. Một bà cô đứng tuổi tay cầm bàn chải đánh răng kiên nhẫn ngồi chờ. Một người đàn ông trung niên hối hả chạy vào nhà vệ sinh. Một anh chàng ngồi dựa lưng vào ghế, mắt lơ đãng nhìn ra ngoài, ngáp không thèm che miệng. Không ai nói với ai một lời, có mở miệng cũng chỉ là những lời thì thầm như thể ai đó ra lệnh cấm không gây ồn ào vào buổi sáng vậy. Ngay cả những người bán hàng rong cũng không dám cất tiếng chào hàng. Thay vào đó, họ đứng nán lại ở mỗi khoang lâu hơn một chút. Những chỏm đầu đi qua đi lại bên dưới, chẳng ai có vẻ gì là để ý đến sự tồn tại ở trên này cả.
Chuyến tàu lên Delhi là một chuyến tàu dài không thua kém gì những tàu từ Kolkata lên Mumbai. Tôi không có ấn tượng gì nhiều về chuyến tàu này, ngoại trừ một người đàn ông say rượu bị bảo vệ liên tục nện dùi cui vào đêm thứ hai và một cậu bé ba tuổi ngồi cùng khoang với tôi bẽn lẽn nói với mẹ răng lớn lên cậu muốn cưới tôi làm vợ vì tôi “xinh” (yêu trẻ con Ấn Độ thế ha ha). Tàu đến ga Delhi lúc năm giời sáng. Robinson đã đợi sẵn ở ga mặc dù tôi đã nói với anh rằng tôi có thể vật vờ đến khi trời sáng hẳn để anh khỏi phải dậy sớm. Tôi quen Robinson một cách rất bất thường, bất thường đến mức mỗi khi giới thiệu tôi với bạn, anh đều hớn hở: “Chip, kể cho mọi người nghe em quen anh thế nào”. Chẳng là khi còn tìm việc ở Mumbai, tôi có lên LinkedIn tìm kiếmnhững người làm trong ngành du lịch ở Ấn Độ. Hồ sơ Robinson ngay ở trang đầu tiên, anh là phó chủ tịch một công ty du lịch khá lớn. Tôi gửi tin nhắn cho anh với số điện thoại của mình. Khoảng một tuần sau, anh gọi điện cho tôi. Cuộc hội thoại diễn ra thế này:
“A lô. Cho hỏi đây có phải số điện thoại của Chíp không?”.
“Dạ, đúng rồi ạ”.
“Cháu cho chú gặp bố”.
“Bố cháu ở Việt Nam cơ”. Tôi ngơ ngác. “Chú có nhầm số không? Đây là Chíp”.
Anh cũng lúng túng không kém gì tôi. Sau này khi gặp mặt rồi anh mới giải thích rằng vì giọngtrong thư của tôi chững chạc quá, anh cứ nghĩ tôi phải là đàn ông đã đứng tuổi rồi. Vậy nên khi nghe điện thoại thấy giọng trẻ măng, anh cứ nghĩ tôi là con của người đang ông tưởng tượng đó. Quay trở lại với cú điện thoại. Sau khi đã nhận ra Chíp chỉ là một con bé giọng non choẹt, Robinson vẫn đồng ý gặp tôi. Robinson kể cho tôi đủ chuyện trên trời dưới bể. Anh kể ngày xưa anh cũng thích đi lắm. Không có tiền, anh tìm hiểu xem nghề gì có thể cho anh đi nhiều nhất. Anh phát hiện ra nghề tiếp viên hàng không. Thế là anh luyện và thi đậu vào hãng American Airlines. Công việc không chỉ cho phép anh bay lượn suốt ngày, mà còn cho phép anh mua vé của hãng với giá cực rẻ. Anh đã từng sang Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu u. Khi tôi đến ở nhà anh ở Delhi, anh khoe với tôi một xấp vé máy bay ngày xưa anh đi. Anh bảo rằng anh thích nói chuyện với tôi vì tôi hiểu được đi là như thế nào. Nhiều người ở Ấn Độ không hiểu tại sao anh lại mê đi như vậy, mà dù học có mê đi thì họ cũng ít đi, thành ra cũng khó nói chuyện với họ về thế giới bên ngoài. Anh quý tôi tới mức lần tiếp theo tới Mumbai, anh dẫn theo cả gia đình anh để giới thiệu cho tôi: vợ anh Murdi và bé gái Karen. Anh thết đãi tôi ở trong một quán hải sản sang trọng bậc nhất ở đây.
Murdi xinh và duyên theo tiêu chuẩn của Ấn Độ: hơi mỡ màng một tí, hơi thẹn thùng một tí. Bé Karen thì yêu không chịu được. Bé vào nhà hàng thấy ai cũng bắt chuyện, nói một vài câu là cười tít mắt. Tôi hỏi Murdi:
“Chị có thích ăn hải sản không?”
“Không biết nữa”. Chị bẽn lẽn. “Đây là lần đầu tiên chị ăn hải sản”.
“Hả?”. Tôi nhìn sang Robinson “Chị nói thật á?”
“Thật”.
“Cá chị ăn chưa?”.
Chị cười, lắc đầu.
Cả đời chưa từng ăn cá bao giờ?
Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, tôi đã quá quen với việc có cá trong bữa ăn hàng ngày nên phát hiện một người cả đời chưa từng ăn cá bao giờ giống như khi tôi phát hiện ra khủng lỏng cũng có loài chỉ ăn cỏ vậy.
“Chị không ăn cá là do đạo Hindu không cho ăn hay do chị không thích?”.
“Chị cũng chẳng biết. Từ nhỏ gia đình đã không ăn cá, ở Delhi cũng chẳng thấy ai bán cá”.
“Những lần đến Mumbai trước chị cũng không ăn cá à?”.
“Không, đây là lần đầu chị đến Mumbai”.
Tôi định sốc thêm lần nữa, nhưng chợt nhớ ra là ở Việt Nam cũng nhiều bạn ở đầu này đất nước đã bao giờ đến đầu kia đất nước đâu. Cũng lạ, ra nước ngoài rồi tự nhiên thấy mấy ngàn cây nó gần, ở trong nước thì đi mấy trăm cây cũng đã là xa.
Tôi ngắm Murdi và Karen ăn cá, cua, tôm lần đầu tiên mà ghen tị. Tôi ăn mấy thứ này lần đầu tiên quá sớm, không nhớ được cảm giác lần đầu tiên ăn như thế nào. Murdi bảo thịt cá có kết cấu hơi lạ, thịt không ra thịt, rau không ra rau nên chỉ ăn vài miếng là không ăn nữa, cua thì chị không thích mùi, chỉ có tôm hùm là chị thích (cũng sành ăn lắm chứ hơ hơ).
Nói chung là tôi quen gia đình Robinson như thế. Khi tôi đến Delhi, Robinson tất tả dậy sớm ra tận bến tàu đón tôi. Nhà Robinson là một căn hộ chung cư kiểu cũ nằm ở Noida, một trong những thành phố vệ tinh của Delhi. Căn hộ nhỏ nhỏ xinh xinh với một cái ban công cực kỳ dễ thương, trên đó đặt một đu quay cho bé Karen. Mẹ Robinson sống một mình ở căn hộ ở dưới đấy hai tầng, Robinson và vợ không muốn ở quá xa để có thể chăm sóc mẹ, cũng không muốn ở chung vì cần sự riêng tư.
Để giúp các bạn hiểu rõ thêm về gia đình nhà này, cũng như hiểu rõ hơn về văn hóa Ấn Độ, tôi kể một câu chuyện thế này. Tôi có một thói quen xấu, rất xấu, đó là khi thấy một cặp trai gái bên nhau hạnh phúc, tôi hay hỏi cặp này quen nhau thế nào. Thế là tôi hỏi hồi đó Robinson ngỏ lời như thế nào. Murdi bỗng nhiên đỏ bằng mặt, còn Robinson thì cười hỉ hả.
“Hồi đấy đâu có ngỏ lời đâu…”
Robinson chưa nói hết lời thì Murdi véo tay anh.
“Đừng có kể mà”.
“Em việc gì phải ngại”.
“Anh hồi đấy có phải chịu đàm tiếu đâu mà hiểu”.
“Ơ hay, hồi đấy anh cũng phải dằn vặt lắm chứ. Hồi đấy anh cũng phải từ bỏ ước mơ của mình để cưới em còn gì”.
“Anh làm như cưới tôi là đau khổ lắm vậy”.
Thế là hai người bắt đầu cãi nhau. Bé Karen sợ khóc thét lên. Tôi dẫn bé Karen về phòng mình, khóa cửa chặt, vừa ngồi vừa run. Tôi rất sợ cãi nhau. Bản thân tôi không cãi nhau được và cứ thấy mọi người cãi nhau là đầu óc tôi quay cuồng. Ngồi trong phòng không biết làm gì, tôi bắt đầu nghĩ quẩn. Chẳng may hai người ly dị thì sao? Lỗi này có phải từ tôi mà ra không? Tôi có nên chuyển ra ngoài không? Khoảng gần một tiếng thì có tiếng gõ cửa phòng tôi. Robinson hùng hổ bước vào phòng, mặt đỏ gay.
“Chip này, giờ anh đi đây. Hàng tháng anh sẽ để lại 500$ cho mẹ con Karen. Em ở đây chăm sóc hai người giùm anh nhé”.
Tôi sửng sốt không biết trả lời sao nữa. Chẳng lẽ mọi chuyện đã đến mức này. Tôi nhìn bé Karen mà lòng sắt lại. Bất chợt Robinson phá lên cười. Murdi từ đâu cũng nhảy ra cười rũ rượi.
“Trời ơi, nhìn mặt Chíp kìa”.
“Em tưởng anh bỏ đi thật à? Vợ chồng là thế, cãi nhau thì cãi nhau là thế, nhưng vẫn yêu nhau lắm chứ”.
Hai người ôm nhau hết sức tình cảm, rồi kêu tôi thay quần dài vào ra ngoài ăn coi như “đền bù” cho phút đứng tim. Trời ạ, hai vợ chồng nhà này lắm trò quá, dễ làm tôi đứng tim mà chết mất.
Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) - Huyền Chip