Love is as much of an object as an obsession, everybody wants it, everybody seeks it, but few ever achieve it, those who do will cherish it, be lost in it, and among all, never… never forget it.

Curtis Judalet

 
 
 
 
 
Tác giả: Huyền Chip
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 39 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 866 / 25
Cập nhật: 2017-09-25 04:20:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần I: Đông Nam Á - Brunei, Malaysia Và Myanmar - Chương 17 - 18
7. Thành phố chùa chiền Bagan (*)
(*) Bagan có tên cũ là Pagan, từng là kinh đô của vương quốc Pagan tồn tại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII ở miền trung Myanmar ngày nay.
Sau Mandalay, chúng tôi đi tàu lên Bagan. Người nước ngoài bắt buộc phải mua vé hạng nhất. Hạng nhất khác hạng thường ở chỗ ghế hạng nhất được bọc một lớp đệm nhung đỏ đỏ cứ như là chưa được giặt bao giờ. Tàu lắc lư như thuyền trong bão biển, chúng tôi bị tung lên ném xuống cứ như đang cưỡi lạc đà.
Antonio có hẹn với bạn ở ga tàu. Tôi cũng chẳng hiểu anh ta hẹn với bạn thế nào bởi ga tàu thì lớn, cả hai đều không biết tàu chính xác mấy giờ tàu đến và không ai có điện thoại. Tôi để anh ta chờ ở ga, tôi vào thành phố trước.
Tôi đi nhờ xe với một chiếc pickup. Xe này dừng ở ngay trước trạm kiểm soát thành phố, buộc tôi phải mua $10 vé vào thăm Bagan.
Ở Myanmar làm gì cũng phải mua vé. Vào một thành phố phải mua vé, vào một khu chùa phải mua vé, rồi khi vào thăm từng chùa lại phải mua vé. Tôi ấm ức trả tiền mà thầmnghĩ chắc chắn Antonio không mua vé vào đâu.
Bagan có ba khu vực chính: Old Bagan, New Bagan và Nyaung U. Old Bagan là khu phố cổ Bagan, trọng điểm du lịch của khu vực này. Cả Old Bagan có tới hơn hai ngàn ngôi chùa thuộc ba thời kỳ xây dựng khác nhau từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Năm 1988, Nhà nước Myanmar sơ tán hết người dân Old Bagan sang khu vực cách đó vài cây số để tập trung phát triển du lịch khu vực này, tạo thành New Bagan. Giờ đây, Old Bagan hầu như đã bị sa mạc hóa hoàn toàn, nhìn ngút ngàn tầm mắt chỉ toàn những ngôi chùa cổ kính trên nền cát nâu mênh mông. Old Bagan chỉ có một số resort (khu nghỉ mát) thuộc sở hữu của Nhà nước, giá cao ngất trời.
Tôi tìm cho mình một nhà nghỉ ở Nyaung U, ngay cạnh khu chợ đông đúc tấp nập, cách Old Bagan khoảng bốn kilomet. Chả đâu phòng rẻ như ở Bagan. Với năm đô, tối lấy được một phòng khép kín với điều hòa, nóng lạnh, bao ăn sáng.
Đến Bagan thích nhất là đạp xe quanh khu phố cổ. Ở đây có rất nhiều chỗ cho thuê xe đạp, giá chỉ trên dưới một đô một ngày. Một ngày hoàn hảo là sáng bạn dậy sớm, đạp xe đến một ngôi chùa cao cao ở giữa sa mạc, leo lên tầng trên cùng, ngồi ngắm mặt trời lên. Không gì tinh khiết hơn khi tia nắng đầu tiên của ngày mới chạm lên làn da bạn. Gió thổi mơn man. Khí trời trong vắt. Sau đó bạn đi lòng vòng thăm các chùa. Trưa, ghé vào một quán ăn bình dân ăn trưa như người dân địa phương. Tôi thích nhất ăn trưa ở Bagan. Có lẽ chỉ ở Myanmar bạn mới có thể ăn như vua chỉ với $1. Người phục vụ sẽ mang ra cho bạn bảy tám đĩa đồ ăn: cơm, canh, rau, măng, dưa chua, đậu phụ, thịt gà, thịt lợn, thịt bò... Bạn ăn cho đến khi nào nó căng bụng thì thôi, ăn hết vẫn có thể kêu phục vụ mang thêm cho. Ăn xong, nếu mệt hay sợ nắng, bạn có thể tìm một ngôi chùa yên ắng với mái hiên lộng gió, làm một giấc ngủ trưa ngon lành. Ở đây thì chùa nhiều mà khách du lịch thì ít, nên hầu như các ngôi chùa nhỏ đều không một bóng người. Khi tỉnh dậy, bạn lại tiếp tục đạp xe quanh quanh thăm chùa. Chiều xuống, tốt nhất bạn nên tìm cho mình một ngôi chùa cao cao hay một ngôi chùa ở cạnh bờ sông để ngắm hoàng hôn. Hoàng hôn là một đặc sản của Bagan. Màu đỏ rực của mặt trời, màu vàng nâu của cát, màu rêu phong cổ kính của những ngôi chùa, tất cả hòa quyện lại trong một bầu không gian yên tĩnh lắng đọng đưa bạn ngược dòng thời gian về lại Bagan của cả ngàn năm trước.
Ngày đầu tiên sau hoàng hôn, tôi hì hụi đạp xe về nhà nghỉ của mình. Trời tối, một mình đi qua sa mạc hoang vu toàn chùa là chùa, tôi thần hồn nát thần tính sởn hết cả gai ốc. Tôi đạp xe như bay, đang đi thì tôi gặp một chị người Đức cũng đang đạp xe về. Nghe tôi kể sự tình, chị phá lên cười rồi đạp xe đưa tôi về tới tận khách sạn. Tôi tự nhủ ngày mai phải kiếm ai đi cùng, chứ mình nhát ma thế này buổi tối không đi một mình được.
Ngày hôm sau lúc ăn sáng, tôi ngồi cùng bàn một anh chàng mặc chiếc áo phông hình cây nấm với dòng chữ “Happy High”. Tôi thấy thế phì lên cười, thế là anh bắt chuyện. Sylvain người Pháp, mới hai lăm tuổi nhưng đã lăn lộn khắp năm châu bốn bể.
Anh từng sống ở Madagascar, New Zealand, Australia, Chi-lê. Sylvain mới đến đây đêm hôm trước. Nghe tôi dụ dỗ, anh thuê xe đạp đi cùng tôi. Có kinh nghiệm nhiều hơn một ngày, tôi thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho Sylvain. Tôi dẫn anh đến chùa Ananda, ngôi chùa mà theo tôi có kiến trúc ấn tượng nhất. Chùa có những cửa sổ lên xuống khác nhau, học theo kiến trúc những ngôi chùa trên núi của Ấn Độ. Trong chùa có hai bức tượng Phật được xây dựng rất đặc biệt. Từ những góc nhìn khác nhau, Đức Phật sẽ có biểu hiện cảm xúc khác nhau: đứng gần nhìn lên sẽ thấy Đức Phật mặt rất nghiêm như đang giảng đạo, nhưng nếu từ xa nhìn lại Đức Phật lại đang mỉm cười. Bí mật nằm ở lỗ thông ánh sáng trên đỉnh bức tượng. Ban đầu, chùa có bốn bức tượng như thế ở bốn góc. Nhưng người Mông Cổ đã phá hủy mất hai bức. Hai bức mới thay thế không đạt được độ tinh xảo như vậy.
Trưa, chúng tôi ghé vào một quán ăn bình dân ở Bagan ăn. Không ăn được nhiều gia vị lạ, tôi muốn hỏi người phục vụ mấy món đấy có những gia vị gì, có thể bớt gia vị gì, nhưng Sylvain gạt phăng đi:
“Sao em kén chọn thế? Muốn hiểu người dân ở đây thì phải ăn như họ ăn chứ”.
“Nhưng...”.
“Không nhưng gì hết. Em đừng có cố gắng kiểm soát mọi thứ, Let it go” (đại loại là cứ để nó tự nhiên).
Anh quay sang người phục vụ:
“Chị mang ra cho cô bé này món gì mà người ở đây thường ăn nhất”.
Món mì xào họ mang ra khác xa với món mì xào mà tôi vẫn ăn, nhưng cảm giác không biết món mình ăn sẽ như thế nào cũng thú vị. Rốt cuộc, ăn không chỉ để thưởng thức mà còn là để trải nghiệm. Ăn xong, nhìn thấy một nhóm trẻ con đang chơi đá cầu, chúng tôi chạy ra chơi cùng. Tôi hồn nhiên để ba lô của mình ở lại quán. Lúc vào, tôi giật mình thấy ba lô mở toang hoác, ví ở ngay bên ngoài. Tôi kiểm tra ví thì thấy mấy hết tiền đô, tiền Thái và tiền Myanmar, tức là tất cả những loại tiền có thể tiêu được ở đây. Những đồng tiền khác và thẻ ngân hàng thì vẫn còn. Tổng cộng thiệt hại khoảng $70. Tôi vừa tức vừa buồn cười. Ai lấy tiền của tôi cũng cẩn thận quá, tỉ mỉ phân ra tiền nào tiêu được, tiền nào không. May mà tôi không mang hết tiền theo người, còn để lại ít tiền đô ở khách sạn nên vẫn chưa đến mức phải bán đồ đi để sống qua ngày.
Buổi tối về, chúng tôi tình cờ gặp Antonio và bạn anh ở chỗ thuê xe đạp. Tin vui là cuối cùng hai người cũng gặp được nhau ở bến tàu sau hai tiếng tìm kiếm. Tin buồn là Antonio cũng bị mất tiền. Số tiền anh mất chỉ là $20 nhưng đấy là toàn bộ số tiền còn lại của anh dành cho Myanmar. Tin dở khóc dở cười là vì không thể trả tiền phòng, ba giờ sáng hôm đó Antonio và bạn phải trèo cổng ra khỏi nhà nghỉ.
Sư phụ!
18. Lảm nhảm về Myanmar
Trong ngày đầu tiên ở Yangon, tôi vẫn cứ đinh ninh là mình đang ở thủ đô của Myanmar. Tôi cảm thấy hết sức lo ngại cho kiến thức địa lý của mình khi một người bạn Myanmar nói với tôi rằng Yangon không còn là thủ đô nữa. Yangon từ năm 2005 đã mất danh hiệu này cho Naypyidaw (tên viết tắt chính thức là NPT), cách Yangon chín tiếng đi bằng tàu. Thủ đô mới không mở cửa cho khách du lịch, người nước ngoài phải xin giấy phép đặc biệt mới được vào. Tôi đi qua NPT một lần duy nhất khi đi xe bus từ Bagan về Yangon. Qua thành phố này, tất cả người nước ngoài bị yêu cầu xuống xe để kiểm tra hộ chiếu.
Tuy nhiên, Yangon vẫn là thành phố lớn nhất của Myanmar với hơn bốn triệu dân. Đây cũng là thủ đô kinh tế của đất nước này.
Có lẽ do tôi đến đúng vào mùa mưa nên Yangon có cái gì đó rất ảm đạm. Xe máy bị cấm trong thành phố nên phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ. Xe có động cơ phần lớn là xe bus, taxi. Xe đạp rất ít. Không biết là do người Myanmar chuộng đồ cũ hay họ không có tiền mua đồ mới mà hầu như đường phố nào ở thủ đô Yangon cũng tràn ngập chợ bán đồ cũ. Cái gì người ta cũng mang ra bán được: điện thoại từ những năm 80, máy tính học sinh, quần áo, thắt lưng, kể cả đôi dép tông cũ hay tấm gương vỡ. Cónhững thứ với người Việt Nam mình chẳng còn giá trị gì, với người Myanmar lại là đồ quý. Mỗi quán chỉ là một tấm vải trải trên đường phố, bày biện khoảng chục món hàng. Nhưng mà mỗi đường phố có hàng trăm quán như thế. Người mua đông nghẹt. Nhưng tuyệt đối không có cảnh chào hàng, níu kéo khách du lịch như ở Việt Nam hay Ấn Độ.
Đồ ăn ở Myanmar nếu so với các nước khác thì rẻ, nhưng nếu so với thu nhập bình quân của người dân địa phương thì không rẻ tý nào, bởi tôi không hiểu người dân địa phương lấy thu nhập từ đâu ra. Các cửa hàng đồ ăn nước ngoài thì không nhiều, có chăng chỉ có nhà hàng Trung Quốc, nhà hàng Ý. Nhưng đồ ăn vỉa hè ở đây hết sức đa dạng. Que xiên trứng chim cút, chim rán, hoa quả khô, ô mai, thạch, xoài dầm, miến nấu, miến khô tôm, bánh trứng ốp lếp... Ở Yangon có cả một quán sushi vỉa hè. Tôi thích nhất món Wet-Thar-Doke-Htoe. Đây đại loại là lòng lợn cắt nhỏ, xâu thành từng xiên, nhúng vào nước sốt nóng hổi vừa thổi vừa ăn, vị đậm đà, béo ngậy.
Trang phục truyền thống của người Myanmar là Longyi, một dạng váy cuốn xung quanh mặc cho cả đàn ông và phụ nữ. Khi vừa đặt chân xuống Yangon, tôi đã nghĩ đồng phục của đàn ông quốc gia này là Longyi, áo phông, dép tông. Vì là váy cuốn nên Longyi rất hay tuột. Cứ chừng dăm phút là người mặc váy lại phải dừng lại để cuộn lại cạp váy. Du khách đến đây hay nói đùa rằng kinh tế Myanmar chậm phát triển bởi người dân nơi đây mất quá nhiều thời gian vào việc chỉnh váy. Nhưng bù lại, mặc Longyi cực kỳ thoải mái, đứng ngồi đều tiện, “tiểu đường” càng tiện hơn. Số người Myanmar “tiểu đường” cũng không thua kém gì Việt Nam.
Ấn tượng lớn nhất của tôi về Myanmar là người dân quá đỗi thân thiện và đáng mến. Nếu như chỉ nghe những gì truyền thông quốc tế nói về những áp bức người dân Myanmar phải chịu, chắc ai cũng nghĩ người dân ở đây đau khổ lắm. Nhưng không, người dân ở đây đều hết sức vui vẻ, luôn luôn rạng rỡ nụ cười. Chúng tôi gặp một anh chàng mà mọi người ở đây gọi là Joker bởi anh ta có tài kể chuyện cười. Bằng chứng là chỉ bằng tiếng Anh bồi, anh làm cho tôi và anh bạn đồng hành ôm bụng cười như nắc nẻ ở chỗ sửa xe đạp.
Khi đi ăn tối ở một cửa hàng vỉa hè, tôi và cô bạn bắt chuyện với hai người phụ nữ trung niên. Tôi kể cho họ về dự định đi vòng quanh thế giới của mình. Lúc đứng dậy thanh toán, chúng tôi được biết là hai người phụ nữ đó đã trả tiền cho chúng tôi rồi. Mọi người đều cho rằng Phật giáo là yếu tố quan trọng tạo nên tính cách của người dân Myanmar.
Nói đến Myanmar mà không nói đến chùa chiền thì là một thiếu sót lớn. không chỉ ở Bagan mới có chùa, mà khu dân cư nào cũng có. Cứ ở đâu có người ở thì ở đó có chùa. Một đất nước nghèo như Myanmar mà lại có những ngôi chùa dát vàng nguy nga trị giá hàng triệu đô la như Shwedagon ở Yangon. Người Myanmar làm không ra nhiều tiền, nhưng hễ khi nào tiết kiệm được một chút là lại mua vàng lá mang lên chùa cúng dường. Đất nước sùng đạo là thế nên tầng lớp tăng ni có ảnh hưởng rất lớn đến người dân ở đây.
Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) - Huyền Chip