Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Huyền Chip
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 39 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 866 / 25
Cập nhật: 2017-09-25 04:20:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần I: Đông Nam Á - Brunei, Malaysia Và Myanmar - Chương 10-11-12
hần 10: Lần đầu ăn sâu và ông lão "dê cụ"
Trước khi mọi người đọc tiếp phần này, tôi phải khẳng định rằng Kuching có rất nhiều rất nhiều cảnh đẹp, nhiều đến mức tôi phải viết riêng một phần để nói về những nơi đấy chứ ở đây không đủ đất. Ấy vậy mà khi tôi hỏi bạn bè tôi đến Kuching thì nên xem gì, ai cũng trả lời: "Làng văn hóa", "Làng văn hóa". Thế là tôi quyết định phải đến đây thăm quan một lần cho biết. Nhưng mà vé vào cửa mắc quá, những 60RM (~$18) lận nên tôi cứ chần chừ mãi chưa đi. Cho đến một hôm, Barry Chong cho tôi biết về World Harvest Festival (đại loại là lễ Gawai nhưng do nhà nước tổ chức) ở Làng văn hóa vào ngày 29 và 30 tháng 5. Vé vào cửa là 25RM, vừa cho phép bạn tham gia lễ hội, vừa cho phép bạn tham quan Làng văn hóa. Tôi lấy vé mà hí hửng, mình thông minh quá đi mà hehehe.
Nhưng rồi cái sự hả hê của tôi qua đi nhanh chóng ngay khi tôi bước qua cánh cổng làng. 25RM cho cái làng này còn là đắt! Cả làng chỉ có 7 ngôi nhà, mỗi ngôi nhà là đặc trưng kiến trúc của một dân tộc đang sống ở Sarawak: nhà dài (longhouse) của người Iban, Bidayuh và Orang Ulu, nhà cao của người Melanau, rồi cả nhà trang trại của người... Trung Quốc. Mà nhà dài ở đây cũng chẳng dài. Nếu ở một làng người bản địa thực sự, nhà dài sẽ rất dài, đủ dài để chứa cả chục hộ gia đình. Nhà dài ở đây chỉ để cho một gia đình ở. Tôi nghĩ, đến bảo tàng Sarawak xem mô hình các ngôi nhà này sẽ thú vị hơn nhiều. Ở bảo tàng, thậm chí bạn có thể bước chân vào một ngôi nhà và đầu bạn chạm vào những đầu lâu treo lủng lẳng. Những đầu lâu đó là đầu lâu người thật, được thu thập từ không đâu khác mà chính là từ nhà của những thợ săn đầu người nổi tiếng của bang Sarawak. Ở bảo tàng còn có một cột gỗ cao, to một vòng tay người lớn ôm không xuể với những hình trạm khắc rất kỳ dị. Trên đỉnh cột đấy là quan tài. Chỉ những tộc trưởng hay người lập công lớn mới được mai táng như thế.
Điểm hấp dẫn duy nhất của làng văn hóa mà màn trình diễn các điệu nhảy truyền thống của Sarawak từ 11.30 sáng đến 4.30 chiều. Nhưng vì tôi đã xem màn trình diễn đó không ít lần ở nhà hát, tôi cũng không hứng thú gì cho lắm. Thế là tôi tách khỏi Barry và Trắng để đi loanh quanh một mình. Tôi lân la hỏi chuyện một cậu bạn đang sống cùng gia đình trong một ngôi nhà dài ở đây. Cậu bằng tuổi tôi, đang học đại học ở Kuching. Cậu cho biết gia đình cậu được trả tiền để sinh sống trong ngôi nhà đó. Thảo nào vé vào đây đắt thế.
Trời mưa, tôi chạy vào trú mưa trong một ngôi nhà. Ông cụ quản lý nhà có đôi tai to ơi là to. Ông rất nhiệt tình chỉ dẫn cho tôi cái này cái kia. Nghĩ là ông thân thiện, tôi xin chụp ảnh cùng ông. Ông ta ôm tôi rất chặt. Tôi gạt tay ông ra, nhưng ông cứ sấn lại. Ông ghé sát vào tai tôi thì thầm: "Kiss me." Và tôi khi tôi còn chưa kịp định thần, ông ta cho tay lên ngực tôi. Lúc đấy trời tạnh mưa, mọi người bắt đầu đổ xô vào. Không biết là tôi bị sốc không kịp phản ứng, hay là vì ông ta đã quá già và tôi không muốn gây cho ông rắc rối, tôi chỉ lẳng lặng đi ra. Đáng lẽ tôi phải vả vào mặt ông ta rồi.
Ấm ức, tôi đi tìm cái gì ăn cho bõ tức. Tôi tìm đến Lễ hội Ẩm thực tại nhà dài của người Iban. Gọi là lễ hội cho oai chứ thực ra nó chỉ là một cái bàn dài chứa đầy đồ ăn. Tôi để ý ngay một cái đĩa đầy những sâu rán. Nhìn thấy cái mặt nghệt ra của tôi, bác chủ quán biết ngay tôi là du khách. Bác giải thích với tôi đây là món ăn truyền thống của người Iban. Bác cho hay con này ăn sống được, sau đó bê cho tôi một xô đầy sâu. Bác giục: "Ăn thử đi." Nhìn những con sâu to bằng khoảng ngón tay cái, trắng nõn nà, béo múp míp, quằn quại trong đống đất tơi trộn xơ dừa, tôi chưa cần cho vào miệng đã thấy nhầy nhụa trong cuống họng. Tôi cố nuốt trôi miếng nước bọt, ấp úng: "Thôi bác rán cho cháu."
Trước hết, tôi phải chọn cho mình con con sâu trông có vẻ "ngon lành" nhất. Người Iban thực sự chắc sẽ chọn con to béo nhất, tôi chọn cho mình con nhỏ bé gầy gò nhất. Bác chủ quán sau đó lấy một que dài, lạnh lùng xiên thẳng từ đầu tới đuôi, hay từ đuôi tới đầu gì đó, của chú sâu tội nghiệp. Bác sau đó đưa chú sâu lên bếp lửa, nướng cho đến khi lớp da bên ngoài ngả màu vàng đen. Chắc mùi phải thơm lắm, nhưng lúc đấy tôi đang trong tâm trạng thần kinh bất ổn định nên cũng chẳng để ý xem mùi nó như thế nào.
Một nhóm thanh niên mặc đồng phục xanh, chắc đi theo chương trình của một trường nam sinh nào đấy, lúc đó cũng có mặt. Họ thấy sâu cũng sán vào, nhưng không đồng chí nào dám thử. Biết tôi quyết định ăn, các đồng chí ấy có vẻ thích thú lắm, người này gọi người kia, vèo một phát phải hơn một trăm người vây xung quanh. Tôi nhắm mắt nhắm mũi đưa chú sâu vào miệng, cố gắng nhai lấy một phát rồi nuốt. Tiếng hò hét cổ vũ vang dội. Máy ảnh chớp lia lịa. Trong phút chốc, tôi trở thành ngôi sao của màn biểu diễn đắt khách nhất ngày hôm đó tại Làng văn hóa.
Video vụ ăn sâu ở đây mọi người nhé: www.youtube/watch?v=If3XrpgFcmU
Phần 11: Gawai buồn
Gawai bắt đầu từ đêm 31, nhưng mọi thứ được chuẩn bị từ sáng ngày hôm đó. Tôi đến từ sáng sớm để không bỏ lỡ một nghi lễ nào. Chị gái và bạn trai của Cecilia đang ở Kuala Lumpur cũng về thăm nhà. Đây là dịp cả gia đình quây quần, không ai được phép vắng mặt. Mọi thứ rục rịch, tự nhiên tôi thấy nhớ không khí Tết ở nhà thế.
Cả ngày hôm đó, tôi và Cecilia có nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa, trong khi mọi người nấu nướng. Đồ ăn nhiều cơ man là nhiều: nào là thịt hầm, nào là cá hấp, rồi súp, rồi rau. Mẹ Cecilia dùng những nồi chuyên dụng dành riêng cho dịp lễ tết như thế này, mỗi nồi phải to như nồi nấu cám của ông bà tôi ở quê. Mẹ Cecilia bảo đồ ăn này không chỉ dành cho người trong nhà, mà dành cho cả khách đến nhà trong ngày mai nữa. Bác cũng mua hàng chục gói bánh kẹo. Cả buổi tối chúng tôi ngồi xếp vào những cái hộp nhỏ nhỏ xinh xinh như những hộp đựng mứt mình vẫn dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Hễ bác gái quay mặt đi là tôi với Cecilia lại tranh thủ cơ hội ăn vụng, vừa ăn vừa chọc cùi chỏ nhau cười khúc khích. Bác quay sang nhìn, đứa nào đứa nấy mặt lại tỉnh bơ. Ngày mai, những hộp bánh kẹo này sẽ được đặt trên bàn uống trà mời khách. Mục tiêu chính của Gawai là ăn, ăn và ăn. Lễ hội thu hoạch, không ai được phép đói.
Hôm sau dậy, chúng tôi không ăn sáng ở nhà. "Hôm nay đến nhà nào cũng phải ăn. Giờ ăn lát không chịu được đâu," Cecilia bảo. Gawai là dịp thăm hỏi họ hàng, làng xóm. Điểm dừng chân đầu tiên là nhà ông bà nội của Cecilia. Trong sân nhà tràn ngập xe máy. Trong nhà đặt một cái bàn dài với đủ loại đồ ăn như buffet. Gawai dạo gần đây đã trở nên khá Tây, rất nhiều món ăn đã bị Tây hóa. Tất cả anh em họ hàng Cecilia đều đến đây. Mấy chị em gái thấy tôi cứ nhấm nháy nhau cười. Bà Cecillia quý tôi lắm, cứ ép tôi ăn, còn lấy chai rượu mời tôi uống. Đây là rượu tauk, là rượu truyền thống của người Iban. Tôi nghe danh rượu đã nhiều, nhưng không uống rượu nên chưa thử. Nhưng hôm nay từ chối cũng được, tôi uống liền một hơi. Rượu chát xè. Người tôi cảm thấy lâng lâng. Đến lúc đấy, tôi đã hoàn toàn tin rằng mình đang ăn Tết, và cứ đinh ninh thế nào cũng có màn mừng tuổi. Thế mà chả có ai lì xì ai, buồn thế.
Cả buổi sáng hôm đó chúng tôi lái xe đi thăm hỏi các cô dì chú bác của Cecilia. Đồ ăn thì ngon, nhưng vì ăn nhiều quá nên tôi cũng không có ấn tượng đặc biệt với món nào, ngoại trừ món gà hầm ống tre. Đây là đặc sản của Sarawak. Gà chặt nhỏ, tẩm với 16 loại dược thảo tìm được trong núi rừng Sarawak, cho vào ống tre, bỏ lên bếp củi, hấp cho đến khi chín thì thôi. Thịt gà mềm, ngọt, tẩm dảo thược thơm dễ chịu. Mấy hôm trước tôi ăn thử ở nhà hàng rồi, nhưng hôm nay ăn do nhà nấu nên hương vị đậm đà hơn rất nhiều.
Mọi chuyện đáng lẽ ra là hoàn hảo, nếu như Cecilia không "dở chứng" muốn đi chơi. Buổi tối, Cecilia xin phép mẹ đi họp lớp, bác gái đồng ý. Ra khỏi nhà, chúng tôi đi bộ một đoạn thì gặp xe 2 anh bạn Cecilia đến đón. Hai anh chàng này người Nigeria. Cecilia nhấm nháy tôi:
- Giờ tớ sẽ dẫn ấy đi club vui nhất ở đây.
- Hả? Không phải mình đi họp lớp à?
- Không, đi họp lớp chán chết. Nhưng phải nói là đi họp lớp mẹ mới cho đi chứ.
Tôi linh cảm có chuyện chẳng lành, nhưng trước mặt bạn Cecilia không muốn gây chuyện? Thôi thì nhắm mắt làm liều. Chúng tôi lái xe đến một câu lạc bộ trong tận thành phố. Hai anh chàng này có cách nói chuyện rất màu mè, tôi không thích. Một trong hai người có vẻ đặc biệt quan tâm đến tôi. Khi tôi hỏi sau này anh muốn làm gì, anh bảo anh muốn kiếm thật nhiều tiền để con trai anh không phải thiếu thốn thứ gì. Tôi hơi giật mình. Anh mới bằng tuổi tôi mà vợ con đuề huề rồi à? Anh mới giải thích là anh có con với bạn gái ở đây, nhưng bỏ bạn gái rồi. Con trai anh đưa về Nigeria cho ông bà nuôi. Anh hỏi tôi có bạn trai chưa, thích con trai thế nào. Nói chuyện một lúc, anh đã lộ rõ ý định tán tỉnh tôi. Tôi thấy khỏ xử nên đánh trống lảng. Tôi ghé sát tai Cecilia hỏi nhỏ cô bạn:
- Cecilia thích chơi với bạn thế này à?
- Không. Nhưng họ có xe thì cho mình đi nhờ.
Tôi sợ có chuyện không hay nên không uống bia rượu mà chỉ kêu nước ngọt. Tôi ngăn không cho Cecilia uống:
- Ấy mà say thì tụi mình gặp rắc rối to đấy.
Nhưng Cecilia cười bảo không sao đâu, rồi lại tiếp tục uống. Đến nửa đêm thì cô say, nôn thốc nôn tháo. Giờ tôi làm sao được bây giờ? Nếu về nhà thì chắc chắn bố mẹ Cecilia sẽ biết chúng tôi trốn đi chơi, không chỉ là trốn đi chơi mà còn uống đến mức say tá lả. Hai người bạn Cecilia đề nghị cho chúng tôi ở ké ở nhà họ, nhưng tôi không tin hai anh chàng này. Tôi gọi điện hỏi Barry xin phép cho Cecilia ngủ cùng, thật may mắn, ông đồng ý. Cecilia cũng nhắn tin xin mẹ cho ngủ lại nhà bạn.
Sáng hôm sau, khi Cecilia đã tỉnh táo lại rồi, chúng tôi đi xe buýt về nhà cô. Mẹ Cecilia đứng chờ sẵn ở cửa:
- Tối qua mấy đứa đi đâu?
Ôi biết ngay mà. Mặt Cecilia cũng tái mét. Cô định nói gì đó, nhưng tôi biết nói dối cũng chẳng ích lợi gì nên ấp úng:
- Dạ, chúng cháu đi nhảy.
Rồi tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện. Mẹ Cecilia thở dài:
- Chip à, bác rất thất vọng về cháu. Bác không muốn nhìn thấy cháu ở đây nữa.
Cecilia nhìn tôi nước mắt ngắn dài, ra dấu hiệu xin lỗi nhưng tôi tảng lờ. Tôi về lại nhà Barry mà trong lòng nặng trĩu. Tôi vừa thương vừa giận Cecilia. Tôi trách cô thì ít mà trách bản thân mình thì nhiều. Giá như tôi cương quyết hơn ngăn cản cô bạn từ ban đầu thì mọi chuyện đã không đến nông nỗi này. Ít nhất, tôi đã có thể cứu vãn được mối quan hệ của tôi với gia đình Cecilia - những người mà tôi hết sức yêu quý. Vé máy bay tôi đi Kota Kinabalu là vào đêm hôm sau. Ngày cuối cùng ở đây, tôi tranh thủ gặp gỡ hết những người bạn của mình. Jong và Hui Hui dẫn tôi đi ăn trưa. Bạn trai Trắng là chủ sỡ hữu một chuỗi các nhà hàng sang trọng ở Kuching. Đi chơi cùng Trắng, tôi đã gặp ông mấy lần. Buổi tối hôm đấy, ông dẫn tôi, Trắng và cả Barry đến nhà hàng Trung Quốc do ông sở hữu và thết đãi đủ các món đặc sản của nhà hàng, coi như là bữa tiệc chia tay nho nhỏ dành cho tôi. Tôi đi ăn cùng mọi người mà lúc nào cũng nghĩ đến Cecilia. Tôi rất muốn biết cô hiện nay như thế nào, liệu có bị mẹ phạt nặng lắm không. Nhưng tôi vẫn còn giận cô lắm. Tôi mở số điện thoại của cô mấy lần, nhưng rồi lại thôi không gọi.
Trên đường ra sân bay, tôi quyết định là sẽ gọi cho Cecilia, ít nhất là để nói lời chào tạm biệt. Đúng lúc đấy thì tôi nhận được điện thoại của cô:
- Chip đang ở đâu đấy?
- Sân bay.
- Khoảng bao lâu nữa thì bay?
- Khoảng 1 tiếng rưỡi nữa.
- Thế gặp ấy ở sân bay nhé.
Gần 1 tiếng sau, Cecilia xuất hiện với bố mẹ cô, và cả bà của cô nữa. Tôi ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Mẹ Cecilia bảo:
- Bác xin lỗi nếu đã nặng lời với cháu. Bác biết mọi chuyện không phải lỗi của cháu. Ít nhất thì cháu cũng đã thật thà kể lại mọi chuyện. Cecilia dại dột lắm, nhưng hy vọng lần này con bé được một bài học.
Không gì có thể diễn tả được niềm vui của tôi lúc đó. Tôi ôm hôn mọi người chia tay. Mọi người bắt tôi hứa, khi nào kết thúc chuyến đi của mình nhất định sẽ phải về lại Kuching thăm cả nhà.
Phần 13: Kẹt trong bão biển
Marsha rất quảng giao. Ở Kota Kinabalu mới có một tuần mà cô đã kịp kết thân với không ít người. Qua cô giới thiệu, tôi quen và chơi với một nhóm thanh niên bản địa trong đó có Lester, Esther, Poppy. Của nhà trồng được có khác, ở Kota Kinabalu ai cũng là thợ lặn. Lester và Esther là thầy hướng dẫn lặn. Những người còn lại đều đã có chứng chỉ dive master.
Nhóm bạn này rủ tôi đi nhảy đảo (island hopping) và snorkeling, tôi đồng ý đi liền. Kota Kinabalu không chỉ tự bản thân nó là một thành phố biển đầy lãng mạn, mà còn hấp dẫn du khách với những hòn đảo xinh đẹp nằm rải rác xung quanh. Nhiều công ty tổ chức tour như thế, nhưng giá lên tới cả trăm đô. Chúng tôi tự thuê thuyền, tự thuê đồ snorkel, tự mua vé thăm đảo, giá cho mỗi người chỉ 100RM (khoảng $30).
Chúng tôi hẹn nhau lúc 8h sáng ở bến Jefferson, bến cảng dành riêng cho tàu du lịch. Tôi rất thích đi dạo ở bến cảng này. Đường lát gạch rộng và sạch. Nước biển dập dình dưới chân. Những cột đèn cong và những trạm điện thoại màu đỏ tạo cho bến cảng một phong cách đậm châu Âu. Hôm đấy là chủ nhật, bến tàu có hội chợ: hàng thủ công và đồ ăn địa phương. Mỗi gian hàng là một chiếc lều trắng nhọn, xinh xinh giống những chiếc lều ở chợ đêm phố cổ Hà Nội, nhưng kích cỡ thì to như những chiếc lều của người Mông Cổ. Chúng tôi tranh thủ ăn uống no nê rồi lên đường.
Gần Kota Kinabalu có 6 hòn đảo. Chúng tôi ghé qua Pulau Gaya đầu tiên bởi hòn đảo này gần Kota Kinabalu nhất. Đây là hòn đảo lớn nhất và cũng là đông khách du lịch nhất. Trên đảo này có khoảng 8000 người dân và một số resort đắt tiền. Mọi thứ ở đây đều rất đắt, đắt gấp 5 gấp 6 lần trong đất liền. Không thích những bị du lịch hóa quá, chúng tôi ở đấy khoảng 15 phút rồi nhanh chóng chuyển đi hòn đảo khác.
Những hòn đảo còn lại hầu hết đều không có người sinh sống. Những hòn đảo này nghe tên đều giông giống nhau: Pulau Sapi, Pulau Manukan, Pulau Sulug, Pulau Mamutik và Pulau Sepanggar; nhìn qua cũng thấy... giông giống nhau nhưng đều rất đẹp. Không ai hiểu những hòn đảo này như Esther và Lester. Theo hướng dẫn của những chuyên gia bơi lặn này, chúng tôi đi snorkeling ở những nơi theo đánh giá của họ là có rặng san hô đẹp nhất. Tôi hồi nhỏ suýt bị chết đuối nên giờ sợ nước, nhưng mọi người dụ dỗ tôi xuống. Trời ạ, lúc đấy tôi mới thấy tôi đã sống uống phí 19 năm cuộc đời thế nào. Có cả một thế giới dưới mặt nước xanh kia mà tôi chưa hề bao giờ thấy. Những rặng san hô uốn mình mềm mại cùng dòng nước. Những chú cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những chú dưa biển (sea cucumber) hết sức ngộ nghĩnh. Tôi tự thề với bản thân là phải học bơi bằng bất cứ giá nào.
Như người ta nói "Save the best for last", điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là một hòn đảo nhỏ xíu, hoang vu không một bóng người nhưng đẹp thì ôi chao là đẹp. Biển xanh, cát trắng, những hàng phi lao rì rào trong gió. Thông thường, hòn đảo nào đẹp thì cũng chật kín khách du lịch. Nhưng hòn đảo này vắng tanh vắng ngắt. Bãi cát trắng trải dài không một dấu chân người. Tôi thắc mắc tại sao một hòn đảo đẹp như thế mà lại không có ai đến thăm, Poppy làm ra vẻ bí hiểm: "Hòn đảo này nghe đồn là có ma." Rồi anh chỉ cho tôi mấy đống đổ nát rải rác trong đảo. Lúc đấy tôi nghĩ anh đùa nên cười lớn.
Đảo hoang không có người nhưng rất nhiều khỉ. Lúc chúng tôi xuống tắm, một chú khỉ ở đâu mon men chạy đến ăn trộm đồ ăn. Sợ chú khỉ này bệnh dại, mấy người bạn tôi dọa anh chàng chạy té khói. Nghịch nước chán, trời vẫn còn sớm, chúng tôi tranh thủ đi dọn rác trên đảo. Nửa tiếng chúng tôi thu thập được 5 bao rác to đùng, định mang về đất liền sẽ đổ. Chúng tôi đang chuẩn bị về thì tự nhiên gió bắt đầu thổi lớn, sấm chớp đùng đúng, rồi trời mưa như trút nước. Bác lái thuyền sợ, kêu chúng tôi chờ trời ngớt mưa rồi về lại đất liền. Nhưng đến tận tối rồi mà trời vẫn mưa. Câu chuyện ma vu vơ Poppy kể lúc chiều giờ nghĩ lại ai nấy đều sởn tóc gáy. Nghĩ đến viễn cảnh một đêm trên hòn đảo ma ám với một bầy khỉ hoang, chúng tôi đánh liều ra về. Bão biển có khác. Sóng cao hơn đầu người. Con thuyền nhỏ xíu ngả nghiêng từ bên này sang bên kia. Mưa, ướt và lạnh. Nước vào đầy thuyền. Vừa đi chúng tôi phải vừa lấy tay tát nước. Bác chủ thuyền vừa kêu là may mà có thuyền máy mới đi được thế này, thì tự nhiên thuyền chết máy. Cả hội mặt tái mét. Poppy hô hào hát bài hát gì đó tiếng Malay, dạng bài hát "Dzô hò" của mình. Tất cả mọi người tham gia. Tôi chẳng hiểu gì cũng hát theo. Tiếng hò hét vang dội. Khí thế như đi ra trận. Mấy đồng chí nam thay nhau chèo thuyền. Bác chủ thuyền dùng hết kinh nghiệm mấy chục năm đi biển của mình để lèo lái. Được khoảng một lúc thì tự nhiên động cơ lại hoạt động lại. Chúng tôi chạy một lèo vào bờ.
Tôi vào đến bờ mà tim vẫn đập, chân vẫn run. Chúng tôi ôm nhau thắm thiết, ai nấy nước mắt nước mũi tèm nhèm. Tự nhiên ai cũng có cảm giác như đã thân nhau từ lâu lắm rồi. Dù sao thì cũng suýt chết cùng nhau còn gì. Hoàn hồn, chúng tôi mới hỏi đến mấy bao rác. Gió to thế chắc là rác bị cuốn về lại với biển hết rồi. Thôi, thế là công toi cả buổi hứng lên làm việc tốt.
Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) - Huyền Chip