Đôi khi cố gắng hết sức cũng chưa đủ, mà còn phải làm những gì cần làm.

Sir Winston Churchill

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8308 / 20
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 -
ằn đũa xuống mâm, Ánh Vy chanh chua nói:
- Cơm này mà cho người ăn hả. Hừ! Có lộn không vậy?
Liếc Phượng Hy một cái dài mấy cây số, cô chì chiết:
- Mày hổng ưa tao, cứ nói đại ra, chớ đừng nấu những món gớm ghiếc này cho tao để bỏ ghét nhé.
Đứng dậy, Ánh Vy đổ chén cơm còn nguyên, dĩa thịt ram, dĩa đồ xào vào tô canh làm nước canh văng tung tóe ra đầy bàn rồi gằn giọng:
- Mang cho chó đi.
Mặt Phượng Hy đanh lại, cô tức lắm, nhưng vẫn bình thản nhả từng chữ:
- Chị muốn thì cứ. Xong rồi, dọn dẹp “bãi chiến trường” này luôn.
Ánh Vy phủi hai tay vào nhau:
- Đó là việc của người ở, chớ không phải của tao. Trong nhà này, chức ấy dành cho mày.
Phượng Hy đẩy ghế đứng bật dậy:
- Đủ rồi. Chị mà nói vậy lần nữa thì đừng trách tôi hỗn.
Ánh Vy trợn đôi mắt tô đen lên:
- Ngon. Mày nhắm làm gì được tao mà hăm dọa? Đồ thứ ăn bám, chỉ nấu cơm thôi chưa đủ tiêu chuẩn người ở đâu. Mày phải lau nhà, giặt quần áo, rửa cầu tiêu, chà nhà tắm nữa kìa.
Phượng Hy sừng sộ bước tới, môi mím lại:
- Tôi đánh mạnh lắm đó.
Như một phản xạ, Ánh Vy đưa tay lên che cái mũi mới giải phẫu thẩm mỹ, mồm không ngớt tru tréo:
- Đồ mất dạy! Mày thử đụng vào sợi lông.. chân tao coi, ba mẹ tao có tống cổ mày ra khỏi đây không cho biết.
Phượng Hy lầm lì vung tay lên, Ánh Vy né người sang một bên, tay vẫn giữ chặt mũi. Hy xô mạnh làm cô ta té nhào xuống đất.
Giọng lạnh tanh, Hy nói:
- Lần sau mà còn chót chét, tôi cho chị méo mũi luôn.
Lếch về phòng mình, đóng cửa lại, Ánh Vy bắt đầu mở đài:
- Đồ mất nết y như mẹ mày. Mày đừng hòng rút rỉa ba mẹ tao mãi. Nếu tự trọng, mày xéo khỏi đây ngay. Đồ khốn nạn!
Phượng Hy bỏ ra ngồi tuốt ngoài gốc nhãn nhưng vẫn nghe tiếng Ánh Vy nheo nhéo trong phòng. Cô ta lôi ba mẹ Hy ra mắng mỏ bằng những từ kinh dị nhất. Hy ôm lấy đầu, nước mắt hoen mi.
Lẽ ra vừa rồi, cô không nên côn đồ như vậy. Ánh Vy chắc chắn sẽ xé to chuyện này lên, bà Phụng sẽ dựa vào đó mà tống cô đi. Nóng nảy như cô quả là ngốc. Nhưng cho dù thế nào thì phản ứng của Hy vẫn là đúng. Ánh Vy đâu có quyền nhục mạ cô. Phượng Hy thừa biết mợ Phụng xui Vy kiếm chuyện thường xuyên với Hy để cô chán mà đi khỏi đây. Nếu rời khỏi đây, Hy sẽ sống ở đâu?
Suy nghĩ của Hy hướng ngay về dì Tuyên. Dì Tuyên đang làm chủ một quán bar khá lớn, kinh tế gia đình thoải mái, dì sẵn lòng nhận Hy về sống chung. Ở với dì Tuyên, Hy còn có cơ hội đi học tiếp tục. Nhưng tại sao mẹ lại không muốn? Phải vì mẹ không thích môi trường quán xá không? Mẹ lo cho cô sa ngã chứ gì?
Phượng Hy thở dài. Cô chả muốn làm trái ý mẹ tí nào. Nhưng cứ sống kiểu nặng nề, ngột ngạt thế này mãi chắc Hy điên mất. Hành động bộc phát thiếu kiềm chế vừa rồi phải chăng là một khởi đầu cho cái sự điên?
Hy chợt rùng mình khi thấy tương lai hoàn toàn xám xịt.
Đang trầm kha trong tăm tối, Phượng Hy chợt giật nảy người khi bị xoa vào vai. Ngẩng đầu lên, cô thấy Long, anh ta sà xuống ngồi xuống bên cô. Một kiểu thân mật quá đáng mà Hy không chấp nhận được.
Cô vội đứng dậy:
- Anh làm em hết hồn.
Long cười cười:
- Anh không tin em yếu bóng vía đến mức “hết hồn” khi mới vừa rồi em xô nhỏ Vy té chỏng gọng. Anh khoái con gái có cá tính mạnh như em.
Phượng Hy nhếch môi:
- Chị Vy cũng mạnh lắm chứ bộ.
Long so vai:
- Nó chỉ mạnh miệng thôi. Trong nhà này nhỏ Vy chanh chua nhất, giờ có em trị nó rồi, anh đỡ bị ăn hiếp.
Hy khịt mũi:
- Anh hiền dữ vậy sao?
Long tròn mắt:
- Thật mà. Không tin, em hỏi nội xem. Anh luôn lịch sự, ga lăng với bất kỳ phụ nữ nào không phân biệt già trẻ, đẹp xấu.
Phượng Hy nói:
- Nhưng anh rất hay chọc cho ngoại và mợ Phụng nổi giận.
Long phẩy tay:
- Không phải là chọc. Anh làm cho các bà lưu thông máu huyết đấy. Tại em không để ý, chớ mỗi lần mắng anh xong, cách bà ăn cơm rất ngon và rất nhiều.
Phượng Hy không cười nổi trước câu nửa đùa nửa thật của Long. Anh ta ngồi run đùi, chu mồm huýt sáo với vẻ khoái chí, khiến Hy cứ ấm ức tại sao lại có những người vô tâm sung sướng đến thế kia.
Mà Long sung sướng thật, ngoài việc chơi ra, anh chàng chả phải làm gì cả. Công việc chính của Long là chơi, chơi từ đồng bằng sông Cửu Long cho tới Sài Gòn rồi ra tận Long Hải, Vũng Tàu, Bình Dương, Sông Bé.
Chơi xa vài ba hôm về, Long bắt đầu xin tiền mợ Phụng. Bà mắng lấy mắng để nhưng rồi cũng móc tiền cho. Mỗi lần như vậy là năm sáu trăm ngàn cho tới bạc triệu. Một số tiền không nhỏ chút nào. Đã tốt nghiệp đại học nông nghiệp ở Cần Thơ, nhưng Long không chịu đi làm, cũng không phụ giúp gì cậu Hai. Anh ta đúng là không biết xấu hổ khi cứ ăn chơi theo năm rộng tháng dài.
Ánh Vy tiêu tiền chả kém ông anh, nhưng âm thầm hơn và lúc nào cũng được bà mẹ ủng hộ, nên Hy chưa bao giờ nghe Vy bị mắng về vấn đề tiền bạc.
Khoản Vy tốn kém nhất là khoản chăm lo sắc đẹp. Sửa mắt hai mí, sửa mũi dọc dừa, gì Ánh Vy cũng đã thử hết. Tiền mỹ phẩm dưỡng da, sữa tắm, kem chống nắng, tan mỡ… hằng tháng không phải nhỏ, cộng với tiền quần áo, giầy dép hợp thời trang được tậu từ những shop nổi tiếng ở Sài Gòn. Ánh Vy thật sự là cái máy ngốn tiền.
Học xong lớp mười hai, Ánh Vy trượt ba năm đại học lẫn cao đẳng. Cô nàng bèn học Anh Văn ở các trung tâm với mơ ước một ngày nào đó sẽ có chồng Việt Kiều.
Giọng Long rủ rê:
- Đi Sài Gòn không Hy? Về thăm bè bạn xóm giềng chứ?
Phượng Hy hỏi:
- Chừng nào đi?
Long sáng mắt lên:
- Nếu em muốn, đi ngay bây giờ mai về.
Phượng Hy le lưỡi:
- Không dám đâu. Bà ngoại chửi, em nghe hổng hết.
Long hùng hồn:
- Đi với anh, nội ngoại gì cũng… né chưa hết. Em khỏi phải lo.
Phượng Hy lắc đầu:
- Sao lại không lo cho được. Anh thừa biết thân phận chùm gởi của em mà.
Long chép miệng:
- Rắc rối quá. Anh chưa bao giờ xem em là chùm gởi. Tiếc rằng ba mẹ anh và con Vy lại coi tiền bạc nặng hơn máu mủ ruột rà. Anh rất ghét, bởi vậy có cơ hội là anh xài tiền thoải mái.
Hy xịu mặt:
- Anh nói vậy mà nghe được à?
Long bật cười:
- Được quá đi chớ. Anh không xài cũng có đứa khác xài. Nhà này toàn những kẻ hào phóng với người dưng. Nội cúng chùa. Mẹ cúng thầy bói. Con Vy cúng cho thời trang sắc đẹp. Ba anh cúng cho bọn con gái choai choai thì tội tình gì anh phải nhịn xài kia chớ.
Phượng Hy nuốt nước bọt:
- Nhưng tiền ấy là do mồ hôi nước mắt của cậu mợ…
Long nói:
- Làm gì có chuyện đổ mồi hôi mới có tiền ở nhà này. Ba anh muốn có tiền thì bán bớt đất. Bán chừng nào hết mới thôi. Anh không xài, nghĩ cũng phí.
Rút trong túi ra một cọc tờ năm chục ngàn, Long dúi vào tay Hy:
- Xài phụ anh đi.
Phượng Hy đẩy ra:
- Ngoại có cho em rồi. Em không lấy của anh đâu.
Long bẹo má cô:
- Thì để dành phòng khi hữu dụng. Người khôn ngoan không bao giờ chê tiền.
Phượng Hy đỏ mặt, cô đứng lùi lại, giọng nghiêm nghị:
- Nhưng cũng không nên nhận tiền bừa bãi.
Long nhún vai:
- Mình là anh em mà, Hy dè dặt quá khó sống hòa đồng lắm. Nào, cầm tiền cho anh vui.
Phượng Hy lắc đầu:
- Cảm ơn anh. Nhưng em có nguyên tắc riêng. Em không nhận tiền của anh đâu.
Long nheo nheo mắt:
- Đúng là có cá tính mạnh. Hy vọng mãnh lực của đồng tiền sẽ thua cá tính của em.
Nhìn đồng hồ, Long nói:
- Em không đi Sài Gòn thì anh đi với tụi bạn, chớ ở nhà chắc anh sẽ chết vì buồn.
Phượng Hy buộc miệng:
- Ở trển có gì vui đâu.
Long trợn mắt:
- Đùa hoài. Sài Gòn không vui thì ở đâu vui bây giờ.
Hy vẫn cãi:
- Là dân Sài Gòn, bộ em hổng biết sao?
Long khoanh tay ngạo nghễ:
- Sài Gòn cũng có năm bảy thứ dân, dân sống trong… cổ mộ như Tiểu Long Nữ thì thua dân ruộng các anh là cái chắc. Ủa, nghe nói ba em danh tiếng lẫy lừng lắm mà, lẽ nào em lại tu để thấy Sài Gòn buồn?
Phượng Hy xụ mặt khi nghe hỏi tới ba mình. Long lại tiếp tục:
- Kể về dượng Nhân cho anh nghe đi.
Hy xẵng giọng:
- Có gì để kể đâu khi trong trí nhớ em chỉ đọng lại những chuyện ba làm khổ mẹ.
Long tò mò:
- Có đúng dượng Nhân là thần bài không?
Phượng Hy cười khẩy:
- Khoảng cách giữa thần và quỷ mong manh như sợi chỉ. Khi thắng trận thì là thần, khi thua bạc thì thành quỷ ám vợ con. Ba em là quỷ nhiều hơn làm thần. Lúc được bài, chẳng biết ông tung tiền vào những cuộc thâu đêm suốt sáng nào, đến khi thua, ông luôn có mặt ở nhà hạch sách vợ từng đồng để đi gỡ. Với em, những lúc ấy, ông ác như quỷ.
Long rùn vai:
- Anh rất ghét bài bạc, nên không đời nào thành thần bài.
Phượng Hy hóm hỉnh:
- Nhưng hình như anh lại thích thành … ma?
Long khựng lại rồi nhanh chóng cười:
- Em muốn nói tới ma túy hả? Người ta đồn bậy đấy. Anh không có điên nên đâu có đụng vào ba thứ đó.
- Không có lửa, sao lại có khói nhỉ?
Long chép miệng:
- Em thích bắt bẻ người khác lắm à? Nếu thế thì anh xin thua. Nhưng nói thật, anh không dính ma túy. Anh thề đó. Anh tuy lông bông nhưng không đến nỗi tệ như em nghĩ đâu.
Phượng Hy chớp mắt:
- Anh không nghĩ ngày nào đó sẽ phụ cậu Hai công việc vườn tược sao?
Long hờ hững:
- Nghĩ thôi thì ích lợi gì? Với anh, tốt nhất là đừng nghĩ.
- Tại sao vậy?
- Ba anh vốn độc đoán và đa nghi. Ổng không tin ai hết, kể cả vợ con. Bởi vậy, dứt khoát ổng không cho anh tham gia vào công việc làm ăn. Nói nghe phi lý vì có ông bố nào lại không muốn con cái kế thừa sự nghiệp của mình. Nhưng với ba anh, sự thật đúng như thế.
Nhìn vẻ mặt của Hy, Long nói tiếp:
- Chắc em cho rằng tại anh quá tệ, quá dở, nên không chiếm được lòng tin của cha mẹ. Nhưng dần dà em sẽ hiểu, những người trong ngôi nhà này, ngoài em ra, đều phân biệt đối xử với anh.
Phượng Hy phản đối:
- Làm gì có chuyện đó. Trái lại, em thấy ai cũng chiều chuộng, xem anh như ông vua con.
Long cười xòa:
- Em có quá lời không? Anh mà là ông vua con à? Nếu đúng vậy, chắc anh là vua của riêng em.
Mặt Phượng Hy xụ xuống:
- Anh em anh lúc nào cũng coi em là đầy tớ.
- Làm gì có.
- Không, sao anh nghĩ mình là vua của riêng em. Ý anh muốn nói em là nô tì hầu hạ mình anh thôi chớ gì?
Giọng Long trầm hẳn xuống:
- Sao lại nhiều tự ái thế cô nhóc? Anh có gì đâu để dám xem người khác là tôi tớ của mình. Mà nếu anh là vua, anh sẽ đặt em ở một ngôi vị tương xứng. Thật đó.
Nhìn Long nghêng ngang bước đi, Phượng Hy lắc đầu. Anh ta lúc nào cũng mồm mép, xem khuyết điểm của mình là đúng. Bà ngoại bảo Hy tránh xa Long vì không muốn cô bị nhiễm những tật xấu của anh chớ gì. Mà sao Phượng Hy có cảm giác bên trong con người Long như chứa đựng một nỗi u uất nào đó, chính u uất ấy khiến anh trở nên người gàn dở. Mà suy cho cùng, trong nhà này, toàn những người gàn dở. Vừa rồi, khi xô Ánh Vy chúi nhủi, cô cũng thuộc dạng.. quậy chớ có hiền đâu. Chiều nay khi mọi người đông đủ, Ánh Vy sẽ kể lại chuyện này bằng giọng sũng ướt và bằng điệu bộ yếu đuối, hiền từ. Và đứa con có ông bố hoang đàng như Hy sẽ trở thành tội nhân thiên cổ.
Hừ! Chuyện gì tới, cứ để mặc nó tới, nhưng mâm cơm hỗn độn ấy nhất định Hy không dọn. Cô để mặc bụng đói dắt xe đạp ra khỏi nhà và đạp vòng vòng thành phố giữa trưa nắng gắt.
Ở đây, Hy không bạn bè, nên cô chẳng biết phải ghé đâu. Lòng nuối tiếc cô ân hận khi lúc nãy từ chối lời mời đi Sài Gòn của Long. Dầu gì Sài Gòn vẫn gần gũi thân thiết với cô hơn Mỹ Tho mà.
Đang lơ ngơ giữa phố vắng, Hy chợt nghe tiếng người hớt hải gọi mình. Nhìn qua phía bên kia đường, cô thấy bà Bê. Phượng Hy bèn đạp xe qua.
Bà Bê nói liền một hơi:
- Tui tới nhà cháu, gọi hoài không ai lên tiếng. Sao lại ra đường trưa nắng chang chang như vầy?
Phượng Hy gượng gạo:
- Ở nhà buồn quá, cháu chạy rong cho vui ấy mà.
Nhìn Hy với tất cả nghi ngờ, bà Bê nghiêng mặt:
- Phải vậy không? Chà! Chắc có chuyện gì buồn rồi. Nè, về nhà dì đi.
Tới lúc này, Hy mới nhớ để hỏi:
- Dì tìm cháu để làm gì vậy?
Bà Bê ngập ngừng chỉ vào giỏ:
- Có mấy cái bánh xèo, dì mang tới cho cháu.
Phượng Hy chớp mắt cảm động:
- Cháu thích món này lắm.
Bà Bê cười thật tươi:
- Dì biết. Cháu giống mẹ mà. Thôi, về nhà dì ăn cho ngon.
Phượng Hy gật đầu ngay. Cô đạp xe theo bà Bê và thấy lòng ấm lại. Một tình cảm thân thương chân thật từ lâu không còn, bỗng hiện hữu trong tim Hy. Cô mừng vì ngoài những người mang tiếng ruột rà, nhưng nghèo nàn tình cảm ra, cô vẫn còn dì Bê, người dưng mà dành cho cô sự quý mến đậm đà, chân chất.
Vào nhà, dì Bê bày bánh xèo, rau sống, nước mắm ra bàn rồi bảo:
- Ăn đi, còn giòn lắm đó.
Phượng Hy không khách sáo, cô ăn ngon lành dưới ánh mắt thích thú của bà Bê.
Bà dịu giọng:
- Cháu chưa ăn cơm phải không?
Hy gật đầu. Bà Bê bồn chồn như muốn hỏi gì đó, nhưng không đành vì thấy Hy ngon miệng quá.
Phượng Hy nhìn quanh:
- Bé Xê đâu dì?
- Nó đi học rồi.
- Con bé ngoan lắm phải không dì?
Bà Bê phe phẩy cái quạt:
- Cũng không ngoan lắm đâu. Nó được nước siêng, dễ dạy. Có nó cũng đỡ buồn.
Phượng Hy chạnh lòng vì nghe bà Bê nói đến “buồn”.
Cô dè dặt hỏi:
- Sao dì không dấu chuyện Xê là con nuôi?
Bà Bê thản nhiên:
- Tui vẫn dấu đó chớ. Ngặt cái miệng thiên hạ hổng kín, nên con nhỏ mới biết…
- Thế ba mẹ con bé đâu?
Bà Bê thở dài:
- Chết cả rồi.
- Tội nghiệp!
- Cháu có hơn gì nó. Mẹ chết, ba thì trốn mất tăm. Dì vẫn lo cho cháu hơn cho con Xê. Đã xảy ra chuyện gì khiến cháu phải lang thang một mình giữa trưa vậy hả? Phải thằng Long hiếp đáp cháu không?
Phượng Hy hơi ngạc nhiên khi nghe bà Bê hỏi thế, cô ấp úng:
- Không. Anh Long không làm gì cháu hết.
Giọng bà Bê nóng nảy vỡ ra y như giọng mẹ những lúc lo lắng cho Hy:
- Vậy thì ai?
Phượng Hy lặng lẽ nhìn bà, nước mắt tủi thân ứa ra. Cô ngập ngừng rồi kể hết những nhọc nhằn về tâm trí mình phải chịu khi ở dưới ngôi nhà to rộng đó.
Hy nghẹn ngào:
- Cháu cần một việc làm đủ để qua ngày để không ai coi thường cháu, nhưng chuyện đó sao khó quá.
Bà Bê ngồi thừ ra, một lát sau bà mới nói:
- Có một việc làm dì sẽ giới thiệu cho cháu, chỉ sợ việc ấy không xứng với cháu thôi.
Phượng Hy lên tiếng:
- Nếu việc ấy lương thiện thì dù cực cách mấy cháu cũng cố.
Bà Bê nói:
- Số là cậu chủ nhà của dì đang cần một người lo việc sổ sách cho vựa trái cây của cậu ấy. Chắc cháu làm được mà hả?
Phượng Hy gật đầu và ngay tức khắc cô nhận ra mình quá vội vã.. Cậu chủ của dì Bê phải chăng là cậu Bằng, người cô từng nghe nhỏ Xê ta thán? Nếu đúng vậy e có điều bất ổn.
Cô ngập ngừng:
- Chủ của dì từng… từng ở tù à?
Bà Bê gật đầu:
- Chuyện ấy đã qua rồi và không dính dấp gì tới công việc cháu sắp nhận.
Phượng Hy bẻ tay:
- Cháu muốn biết tại sao ông ấy ở tù, được không ạ?
Bà Bê chép miệng:
- Cậu ấy lái xe khi đã uống rượu và đụng chết người.
Phượng Hy không nén được tò mò:
- Chết mấy người ạ?
- Hai. Bằng ở tù vì gây ra tai nạn chết người khi say rượu, chớ không làm gì bất lương phạm pháp. Bởi vậy cháu cứ yên tâm nếu nhận việc.
Phượng Hy cắn môi. Ông ta không bất lương phạm pháp nhưng hay say rượu. Ở cạnh một người say cũng dễ sợ như cạnh một người bất lương. Hy đắn đo nhìn bà Bê, cô không biết mình nên nhận việc hay không. Hình như đoán được suy nghĩ của Hy, bà Bê nhấn mạnh:
- Cam đoan với cháu, cậu Bằng là người tốt. Tốt nhất mà dì từng biết.
Phượng Hy ngập ngừng:
- Ông ấy hay uống rượu lắm à?
- Đàn ông nào thỉnh thoảng không uống rượu. Nhưng uống vào Bằng cũng chả quậy ai.
Phượng Hy nghe giọng mình yếu hẳn đi:
- Chừng nào cháu bắt đầu làm được?
Bà Bê mau mắn:
- Ngay bây giờ nếu cháu muốn. Nói thật lúc nãy dì qua nhà cháu với ý định này, chớ không phải vì mấy cái bánh xèo đâu.
Hy băn khoăn:
- Nhưng ít ra cháu cũng phải gặp ông Bằng chứ.
Bà Bê gật đầu:
- Đương nhiên! Cháu phải gặp cậu ấy để nắm rõ hơn những việc mình sẽ làm. Cháu vẫn có thể từ chối nếu sau khi nói chuyện, thấy không hợp ý mình.
Nhìn lịch, bà Bê lẩm bẩm:
- Bữa nay mùng bảy, sáng mồng chín cháu tới đây gặp Bằng. Mồng chín tốt ngày lắm.
Phượng Hy bật cười:
- Đi làm cũng phải xem ngày à?
Mặt bà Bê nghiêm nghị:
- Chớ sao. Không hiểu cháu thế nào, chứ dì rất tin những chuyện như vậy.
Phượng Hy nói:
- Sáng mốt cháu sẽ tới đây.
Bà Bê có vẻ hài lòng:
- Dì mong cháu ưng ý với công việc.
Phượng Hy nhìn ra khoảng sân rộng, giọng chùng xuống:
- Cháu cũng mong như thế.
Người đầu tiên lên tiếng khi nghe Phượng Hy nói sẽ đi làm là bà Phụng. Bà trợn mắt biểu lộ nỗi bất bình cao độ:
- Đi làm cho con trai bà Hai Nữ hả? Trời ơi! Gia đình này bề thế hơn họ nhiều. Bởi vậy không có chuyện đó xảy ra đâu. Thiên hạ sẽ cười bà ngoại, cười cậu mợ cho thúi mặt.
Bà Bảy Thương thì khó chịu:
- Bộ ngoại để con thiếu thốn sao Hy?
Phượng Hy lắc đầu thật nhanh:
- Dạ không có.
- Vậy tại sao phải đi làm?
Hy loanh quanh:
- Con muốn đối mặt với đời, muốn sống bằng đồng tiền tạo nên bằng mồ hôi của mình. Con muốn có một công việc chớ không ăn không ngồi rồi mãi được.
Ánh Vy nhếch môi màu đỏ tím:
- Công việc nhà thiếu gì không làm, lo làm công cho người ngoài. Tiền thiên hạ khó nuốt trôi lắm đó.
Ông Thọ thì chất vấn Hy theo cách khác:
- Nó ở tù mới ra đó. Làm việc cho nó thì gia đình mình còn mặt mũi nào nữa.
Phượng Hy cương quyết:
- Từng ở tù chưa chắc xấu. Con thật sự muốn làm việc nên không ngại gì hết.
Giọng bà Phụng cay cú:
- Đúng là luận điệu của Phượng Huyền ngày xưa. Lúc nào cũng cho mình là đúng, để rồi suốt cuộc đời khóc hận. Cháu nó đã muốn, má và anh đồng ý cho rồi.
Bà Bảy lườm bà Phụng và gay gắt:
- Không phải tao bênh Phượng Hy chớ tao đoán chắc con nhỏ đòi đi làm là vì con Vy và thằng Long…
Ánh Vy ré lên oan ức:
- Sao nội lại nói thế? Tụi con có làm gì nó đâu.
Bà Bảy gằn:
- Hừ! Đâu cần phải làm gì. Chỉ cần dằn xén, liếc háy cũng đủ khiến người khác phải chết rồi.
ÔNg Thọ khó chịu:
- Má không nên làm bọn trẻ có thành kiến với nhau.
Bà Phụng trề môi:
- Trong nhà đang yên lành, khi không kiếm chuyện cho mọi cái rối tung lên. Nhắm tự lập được thì… đi chỗ khác mà tự lập…
Ông Thọ nạt vợ:
- Bà không được nói thế với con cháu.
Quay sang phía Phượng Hy ngồi, ông dịu dàng:
- Con nhất định đòi đi làm phải không?
Phượng Hy khe khẽ gật đầu. Thật tình cô chưa hiểu ông Thọ muốn gì khi hỏi như thế.
Hy dè dặt:
- Cậu sẽ đồng ý chứ?
Ông Thọ im lặng. Một lúc sau, ông lên tiếng:
- Khi đồng ý đưa con về cậu đã chuẩn bị mọi thứ cho đến tận ngày con lấy chồng. Cậu chỉ muốn con sau này không bất hạnh như mẹ con. Nếu muốn đi làm, cậu đồng ý nhưng phải nhớ rằng từ giờ về sau cậu không chu cấp cho con một xu nào kể cả khi ốm đau, thất nghiệp. Muốn đối mặt với đời phải chấp nhận luật của đời. Cứ suy nghĩ rồi trả lời với cậu sau.
Phượng Hy không đắn đo:
- Con đã suy nghĩ kỹ lắm rồi.
Ông Thọ khựng lại, giọng đầy bất bình:
- Vậy thì chẳng còn gì để nói cả.
Bà Bảy Thương giận ra mặt:
- Mày cứng đầu y nhự. Hừ! Không nói nữa, ai muốn làm gì thì làm, khôn nhờ, dại chịu.
Đứng lên, bà cố tình dằn mạnh gót khi bước đi. Ông Thọ lầm lì nhìn bà Phụng và Ánh Vy rồi quát to:
- Thằng Long đâu?
Ánh Vy ôm ngực:
- Con không biết. Có lúc nào ảnh ở nhà đâu, tự nhiên ba làm con hết hồn.
Ông Thọ chỉ tay vào vợ:
- Bà cứ dung túng nó mãi, rồi sẽ lãnh hậu quả đó.
Bà Phụng sừng sộ lại:
- Không lo cho nó thì thôi, ông đừng giận cá chém thớt tội nghiệp con tôi lắm!
Liếc Phượng Hy một cái bén ngót, bà vừa đi vừa nói:
- Gây ra đủ thứ chuyện trong nhà thế này mấy người mới vừa lòng.
Ông Thọ đá mạnh vô ghế trước khi về phòng mình. Ánh Vy bước tới cạnh Hy, giọng đanh lại:
- Tốt nhất là mày cuốn gói xéo khỏi nơi đây. Ngôi nhà này của anh em tao, chớ không đời nào là của mày đâu. Đừng nghèo mà ham.
Phượng Hy nhẫn nhục làm thinh. Mặc xác bà chị họ đanh đá của mình muốn nói gì thì nói, Hy không thèm quan tâm, điều cô cần nghĩ bây giờ là công việc. Cô sẽ đi làm, sẽ thành người lớn và sẽ kiêu hãnh ngước mặt nhìn đời chớ không sống đầy mặc cảm như những ngày đã qua.
Nhưng nhỡ lão chủ Bằng sẽ từ chối khi thấy cô là một con nhóc chưa có chút kinh nghiệm nghề nghiệp nào thì sao nhỉ?
Ấy! Tự nhiên lại nghĩ đến chuyện xúi quẩy. Ngày mai là mồng chín. Ngày tốt cơ mà, lẽ nào Hy không gặp vận may?
Về phòng, Phượng Hy ngồi vào bàn. Cô viết thơ cho bà Tuyên “khoe” chuyện đi làm và hỏi thăm ba mình. Hy vọng dì Tuyên biết tin của ông.
Phượng Hy thở dài. Ba cô đam mê bài bạc khiến mẹ bán luôn nhà mà vẫn không đủ tiền trả cờ bạc cho ông. Bây giờ ba đang trốn ở đâu thật tình Hy không biết.
Dù oán hận ba nhưng Hy vẫn ray rức về ông. Có lẽ bây giờ ba cô đang rất khổ, không nhà cửa, không công việc, ông sẽ sống ra sao nhỉ? Đi làm có tiền Hy nhất định tìm ông.
Đang nghĩ ngợi lung tung, Phượng Hy thót tim về những tiếng va chạm ầm ầm lẫn tiếng quát tháo của ông Thọ ở phía trước.
Hốt hoảng, Hy chạy bổ ra phòng khách và thấy ông đang vung tay tát mạnh vào mặt Long. Dù đã né qua một bên, nhưng Long vẫn lãnh đủ cái tát như trời giáng ấy.
- Quân khốn nạn! Mày đừng về nhà nữa, tao không muốn thấy mặt mày.
Bà Phụng nhảy đỏng lên:
- Đứa ra khỏi nhà không phải nó đâu. Từ tối đến giờ đã đủ chuyện rồi. Ông đừng chọc tôi nổi điên nghe.
Rồi bà la bài hải khi thấy mặt Long đầm đìa máu:
- Ối, thánh thần thiên địa ơi! Ông giết con tôi chết rồi.
Vừa la bà vừa lạch bạch chạy tới kế bên Long, cuống quít:
- Tét mặt thằng nhỏ rồi. Đồ độc ác! Tôi đã bảo ông cất cái nhẫn hột xoàn trời đánh đi mà ông không nghe. Giờ tôi mới nghĩ ra ông đeo cái nhẫn đó để làm vật.. giết người. Oái trời đất ơi! Ông giết tôi đi cho hả lòng chớ thằng nhỏ có tội tình gì mà ông luôn ác cảm với nó.
Ông Thọ cười khẩy:
- Tội tình gì, bà thừa biết mà! Ong óng cái mồm, tôi để thẹo vào mặt bà luôn rồi đừng có trách.
Thấy ông sấn tới, Long bước chân ngang. Giọng khô lạnh, anh ta thách thức:
- Ông đụng vào má tôi thử xem. Tôi không để ông yên đâu.
- Mày làm gì tao hả thằng chó lộn giống kia?
Bằng một động tác thật nhanh, Long rút trong túi quần ra một con dao bấm và chìa mũi nhọn về phía ông Thọ. Mắt anh ta long lên, mặt be bét máu trông thật hãi hùng.
Phượng Hy bủn rủn cả chân tay. Cô có cảm giác mũi dao vô tri kia sắp sộc vào ngực ông Thọ. Chắc bà Phụng cũng hồn vía lên mây như Hy nên thay vì giật con dao trên tay Long, bà đứng chết trân, mồm hét to như còi xe lửa.
Tiếng hét chói tai của bà có tác dụng như một bài nhạc kích động được mở hết cỡ, khiến Long như phát cuồng. Anh ta sấn tới trong khi ông Thọ lùi vào sát tường, mặt tái mét …
Hít một hơi lấy hết can đảm, Phượng Hy nhào đến giữ tay Long, miệng lắp bắp năn nỉ:
- Anh bình tĩnh đi Long. Chuyện đâu còn có đó. Đưa dao cho em … Đưa cho em …
Nhếch môi cười khẩy, Long thu lưỡi dao bấm lại, cho nó vào túi rồi bước ra sân. Không hiểu sao Hy lại bước theo anh.
Long ngồi phịch xuống bậc tam cấp trước nhà, xé nát điếu thuốc đấp vào vết thương trên mặt. Phượng Hy xót xa:
- Để em vào nhà lấy bông, băng …
Long tỉnh táo:
- Không cần đâu. Vết đứt này cạn mà.
Vừa nói, anh vừa rút ra bịch khăn giấy. Phượng Hy lấy khăn cẩn thận lau những vết máu trên mặt Long. Giọng cô trầm xuống:
- Lúc nãy anh làm em sợ quá! Đàn ông khi nổi giận thật khủng khiếp.
Long làm thinh đốt thuốc. Phượng Hy nhỏ nhẹ:
- Em biết anh và cậu Hai không hợp nhau. Nhưng dù thế nào cũng không nên như vừa rồi. Tội lắm! Mình là con mà.
Long khoát tay:
- Nói chuyện khác đi nhóc..
Phượng Hy cụt hứng. Cô xẵng giọng:
- Chuyện gì bây giờ?
- Chuyện của em, thuộc về em …
Hy lắc đầu:
- Chán chết!
Long bướng bỉnh:
- Nhưng anh thích nghe.
Phượng Hy chua chát:
- Chắc chắn anh từng … bị nghe bà ngoại, cậu mợ Hai nói nhiều về gia đình em rồi.
- Đúng vậy. Có điều chắc gì đó là thật.
Phượng Hy cười buồn:
- Mọi người dối làm gì?
- Để hả lòng ghét. Anh thấy chẳng ai thích dượng Nhân, ba em hết.
Phượng Hy chớp mắt:
- Tại ba em quá tệ. Em còn không thích nói chi ai. Nhưng cậu Hai thì khác, cậu Hai lo cho gia đình. Anh và chị Vy thật sướng khi có người cha như vậy.
Búng điếu thuốc hút dở ra xa, Long nói:
- Rất tiếc anh không cảm thấy điều đó. Ngược lại anh thấy mình là cái gai trong mắt nội và ba.
Phượng Hy phản ứng:
- Không có đâu.
Mắt Long bỗng tối sầm:
- Em không hiểu đâu. Đúng là như vậy đó.
Phượng Hy ngập ngừng:
- Vì nghĩ thế nên anh luôn đi khỏi nhà cho khỏi gai mắt ngoại và cậu Hai à? Nếu có chuyện đó là tại anh không chịu làm việc nên ngoại và cậu mới giận.
Long nhếch môi:
- Làm việc à! Ba và nội không hề tin tưởng anh. Vườn đất, công việc bề bề là thế, nhưng anh không đời nào được mó tay vào. Ba anh vừa đố kỵ vừa đa nghi nên đã gạt anh qua một bên.
Phượng Hy lập lại với vẻ ngạc nhiên:
- Đố kỵ, đa nghi với con trai của mình sao? Anh khéo tưởng tượng thật.
Long tựa đầu vào cột:
- Nội không xem anh là cháu đích tôn, ba cũng chẳng xem anh là con trai. Trong ngôi nhà của chính mình, anh thật sự bị chối bỏ. Khi nhìn thấy em lẻ loi, lạc lõng ở chốn này, anh thật sự thông cảm.
Ngập ngừng một chút, Long nói:
- Người ta sẽ không dành cho em chút gì đâu. Nếu em về đây vì muốn được chia chác đất đai hay thứ gì đó thì em đã lầm.
Mặt nóng lên, Phượng Hy ấp úng:
- Em chưa bao giờ nghĩ tới chuyện này.
Long khô khốc:
- Vậy thì mình bắt đầu nghĩ đi. Em phải nghĩ cho ra cách nào đó để nội và ba anh chia đất lại cho mình. Nghe nói trong di chúc của ông nội, mẹ em cũng có phần đấy. Ráng động não chăm chăm vào. Cơ hội được của em cao hơn của anh nhiều lắm đó.
Phượng Hy kêu lên tức tối:
- Thì ra lâu nay anh nghĩ về em như thế. Anh cũng như chị Vy, luôn sợ em tranh phần.
Mũi chợt cay xè, Phượng Hy sụt sùi:
- Nói chắc anh không tin, nhưng cái em đang cần là tình cảm gia đình kìa.
Cô chua chát nói tiếp:
- Có lẽ em đã lầm chỗ. Một nơi như ở đây tình cảm gia đình người này chả có để dành cho người nọ, nói chi dành cho một con bé côi cút như em.
Long chợt bối rối vì những giọt nước mắt bất ngờ của Phượng Hy. Anh khổ sở:
- Trời ơi, đừng nhè ra chớ.
Phượng Hy tấm tức:
- Nói người ta như thế rồi cấm không cho khóc. Nhà anh, ai cũng ác hết. Nghi ngờ người ta dành phần tranh ăn. Nhưng người ta đi làm thì cấm đoán, dè bỉu, cười cợt.
Long nhíu mày:
- Em có ý định đi làm hả?
Hy tằng hắng:
- Không phải ý định mà là hiện thực. Sáng mai em bắt đầu đấy.
Long kêu lên:
- Hay thật! Em làm cơ quan nào?
Phượng Hy xịu mặt:
- Cái gì mà cơ quan nghe.. vĩ đại vậy. Em chỉ làm công cho người ta thôi.
- Làm công cho ai?
Phượng Hy dài giọng:
- Nói ra thế nào cũng được nghe phản đối nữa. Im vẫn tốt hơn.
Long nhún vai:
- Định nhờ em xin hộ việc cho cả anh luôn đây.
Hy bật cười dù nước mắt vẫn còn trên mi:
- Đùa hoài. Xin việc cho anh xong chắc em phải cuốn gói khỏi xứ Mỹ Tho này vì sự thịnh nộ của cậu mợ quá.
Long chợt thở dài:
- Biết tự lo cho mình là khôn ngoan. Anh xấu hổ với em thật đó.
Phượng Hy hỏi:
- Sao anh không phụ mợ Phụng coi tiệm thuê băng video?
Long chép miệng:
- Anh không thích việc gần như dành cho đàn bà ấy. Nó phù hợp với Ánh Vy hơn.
Hy thắc mắc:
- Vậy anh muốn làm việc gì?
Long làm thinh, một lát sau anh lấp lửng:
- Anh cũng có việc của mình chứ.
Phượng Hy giễu cợt:
- Chắc anh thích chơi hơn rồi. Hỏi thật nha, anh chơi hoài không chán sao?
- Chán chớ, nhưng không chơi thì biết làm gì?
Phượng Hy bỗng tò mò:
- Thế bồ của anh không ý kiến gì về việc chơi của anh à?
- Cô ta cũng chơi như anh thì ý kiến gì cơ chứ?
Hy buột miệng:
- Chắc chị ấy đẹp lắm?
Long không trả lời. Hy lại hỏi:
- Anh có đưa về nhà chơi không?
- Nhà đâu phải chỗ để chơi mà đưa về.
- Chẳng lẽ anh có bồ chỉ để đi chơi?
Long thản nhiên:
- Thì đúng là như vậy. Chớ em thì sao? Em và anh chàng nào đó khi hẹn hò cũng đâu muốn dắt nhau về nhà. Nhất là ngôi nhà quỷ ám như nhà này. Đâu ai muốn những phút giây riêng tư lãng mạn của mình bị phá đám bởi những ánh mắt soi mói, những câu nói nhát gừng chẳng tí tình cảm. Đúng không?
Phượng Hy chống tay dưới cằm:
- Khó trả lời thật.
Long cười cười:
- Đừng nói rằng em chưa có chàng nào nghen. Mà chắc là vậy rồi. Nếu không, em đâu ngồi yên khi thấy anh đi Sài Gòn hoài.
Phượng Hy nóng mặt:
- Anh giỏi đóan mò.
- Vậy anh ta đâu?
- Sao em lại phải khai với anh nhỉ?
Long thủng thẳng đáp:
- Để anh mừng cho em không cô đơn trên cõi đời này. Anh chàng là người thế nào nhỉ?
Phượng Hy đốp chát:
- Rất khác anh.
- Vậy sao? Ở điểm nào?
Phượng Hy nói một hơi:
- Anh ấy không biết đi chơi, chỉ biết học và học rất giỏi.
Long gật gù:
- Anh hình dung được rồi. Chàng rất nghiêm, phải nói là đạo mạo mới đúng. Chàng không rượu chè, hút sách. Cờ bạc lại càng không vì nàng rất ghét đánh lộn. Đi bên nàng, chàng ưa nói chuyện văn chương, chuyện tình hình thế giới và lạy chúa … chàng chưa bao giờ hôn nàng vì sợ phạm tội.
Phượng Hy ré lên:
- Anh nói bậy.
Vừa la, Phượng Hy vừa vung tay lên dọa. Long chụp lấy tay cô giữ thật chặt. Phượng Hy hốt hoảng rút tay về, nhưng không được. Long nhìn cô, miệng tủm tỉm cười, khiến Hy phải hạ giọng:
- Em … em.. không đùa đâu.
- Anh cũng vậy.
Mím môi, Hy giằng mạnh tay ra và giận dữ chạy về phòng mình khóa trái cửa lại.
Sao anh khi không lại đùa kỳ vậy kìa. Rõ ràng là không nên. Nhớ tới đôi mắt sáng rực của Long, Hy nóng cả người. Trời ơi! Những người trong nhà này hình như bị quỷ ám cả rồi.
Phượng Hy cảm thấy sợ, một nỗi sợ bản năng khiến cô mụ mẫm cả người. Có lẽ sớm muộn gì cô cũng phải rời xa nơi này. Chỉ nghĩ tới đó, Hy đã muốn khóc.
Ngoài vườn, gió vẫn đong đưa những cành nhãn và hình như có tiếng chân ai vừa đạp lên lá.
Vượt Dòng Thời Gian Vượt Dòng Thời Gian - Trần Thị Bảo Châu