No person who can read is ever successful at cleaning out an attic.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Tác giả: Quỳnh Dao
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2260 / 30
Cập nhật: 2015-12-10 02:36:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 -
áng nay, Tiểu Lỗi đi ra trường, tôi ở nhà sắp soạn những bút ký của ông nội Thạch Phong. Cả một khu Vườn Thúy yên lặng như tờ. Hôm nay, bầu trời u ám, mây kéo đầy, trong gió có mùi vị của mưa. Trong nhà có vẻ tối tăm, lạnh lẽo. Từ sáng sớm thức dậy, tôi đã có một cảm giác lo ngại nó thuộc về giác quan thứ sáu. Nhưng vào khoảng 10 giờ hơn, Thạch Phong đẩy cửa vào phòng tôi, sắc mặt trầm lặng, ánh mắt lo ngại, với một giọng đặt biệt ông nói:
- Mỹ Hoành cô có vui lòng đi ra ngoài với tôi một tí không?
- Thưa đi đâu ạ?
- Đi thăm Tiểu-Phàm.
Tôi nghe ớn lạnh xương sống. Người con gái ấy có nét mặt giống tôi, tôi chưa hề gặp mặt. Cô ta loạn thần kinh, tôi muốn đi thăm cô ta vì bản tính hiếu kỳ, nhưng có một cái gì... không được ổn lắm!
- Thưa, hiện cô ấy ra sao?
- Tôi cũng không được rõ. Bác sĩ vừa gọi điện thoại lại bảo tôi phải đến ngay, tôi nghĩ... có lẽ cô ấy đã trở bệnh!
Tôi vừa lấy chiếc áo choàng trong tủ ra vừa nói:
- Vâng tôi xin đi với ông.
Chúng tôi xuống lầu, Chú Lưu đã lái xe hơi đến trước cửa phòng khách. Chúng tôi ngồi lên xe.
Xe chạy vụt ra khỏi Vườn Thúy, đi hết con đường đá nhỏ, quẹo sang con đường nhựa rồi chạy thẳng xuống núi. không bao lâu, chiếc xe rẽ sang một con đường khác rồi lại bắt đầu lên một con đường núi khác. Tôi nhớ lại Thạch Phong từng nói, bệnh viện của Tiểu-Phàm ở cách Vườn Thúy không xa lắm. Quả nhiên, xe chạy không quá nửa giờ chúng tôi đã đến nơi.
Đây chỉ là một bệnh viện tư nhân kiểu nhỏ. Có vườn hoa rộng lớn có nhiều sân cỏ, ở giữa là một nhà lầu hai tầng vuông vức. Trước cổng có một tấm bảng đề: "Bệnh viện Tâm an chuyên điều dưỡng tinh thần". Chiếc xe chạy thẳng vào vườn hoa và dừng trước cửa bệnh viện, một nữ y tá với bộ đồ mầu trắng ra đón tiếp chúng tôi. Nàng đưa ánh mắt hiếu kỳ và ngạc nhiên nhìn tôi một thoáng và cung kính gật đầu chào Thạch Phong nói:
- Thạch tiên sinh, bác sĩ chúng tôi đang chờ ông đấy ạ!
Chúng tôi đi vào phòng, ông ta trạc độ 40 ngoài gì đó, mang đôi kính cận trong rất uy nghiêm, đĩnh đạc dễ mến.
Thạch Phong lo lắng nhìn ông ta và hỏi ngay:
- Thưa Tiểu-Phàm thế nào ạ?
Ông trầm ngâm đáp:
- Kể về bệnh tình thì Tiểu-Phàm hiện thời đang ở tình trạng khả quan.
- Ông nói... Thạch Phong chau mày tỏ vẻ không hiểu.
- Như ông đã biết, đối với chứng bệnh của Tiểu-Phàm, tôi đã dùng đủ mọi phương pháp nên bệnh tình của nàng đã khá nhiều. Chắc ông còn nhớ, lúc trước nàng không chịu mặc quần áo, đụng tới cái gì là xé cái đó, bây giờ nàng đã bằng lòng bận quần áo và không đập phá đồ đạc nữa, càng đáng mừng hơn nữa là một sự việc không thể tưởng tượng được...
- Thưa sao? Thạch Phong vội vã hỏi.
- Lúc này nàng thường ngồi lặng lẽ một mình, dường như là đang suy nghĩ điều gì. Mỗi lúc như thế, nàng ngồi đến hằng giờ, không đánh người cũng không đập đồ đạc chưa bao giờ nàng ngoan ngoãn như vậy. Có một hôm lúc tôi đến thăm nàng, đột nhiên nàng lại hỏi một câu: "Đông ở đâu?"
- Hả? Thạch Phong vừa ngạc nhiên vừa vui mừng:
- Thế có nghĩa là, trí nhớ của nàng đang phục hồi?
- Nhưng tôi mời ông đên đây không phải vì việc này.
Thạch Phong trố mắt nhìn ông ta với vẻ nghi ngờ.
- Về phương diện tinh thần, tuy Tiểu-Phàm có vẻ đỡ nhiều, nhưng về phương diện sinh lý thì tôi đành bó tay. Hôm qua, tôi có chiếu kính và thăm mạch cho Tiểu-Phàm một lần nữa, ông Thạch tôi sợ Tiểu-Phàm không qua khỏi được mùa Đông này!
- À á! Thạch Phong kêu lên.
- Nàng thiên bẩm đã mắt chứng đau tim thứ bệnh này còn đáng sợ hơn bệnh thần kinh di truyền nữa ông ạ! nàng có thể sống đến ngày nay cũng là một điều may mắn lắm rồi!
Gương mặt Thạch Phong tái nhợt ông quay đầu đi nơi khác lẩm bẩm:
- Một giòng họ bị trù ếm!
Bác sĩ họ Lý dừng lại một hồi rồi tiếp tục nói:
- Vì thế nên tôi mời ông đến đây để giàn xếp việc này, tiếp tục để nàng ở lại đây, hay là chuyển đến một bệnh viện chuyên khoa khác?
Thạch Phong im lặng không nói gì, chỉ ngồi rít những hơi dài khói thuốc, lâu lắm ông ta mới ngẩng đầu lên, ánh mắt ông mang đầy vẻ đau xót:
- Thưa bác sĩ... Chứng bệnh của Tiểu-Phàm không còn hy vọng chữa được sao?
Ông lắc đầu nói:
- Tôi nghĩ là không còn hy vọng nhưng tôi không phải là một bác sĩ chuyên khoa về tim.
- Tôi hiểu ý ông! Thế thì ông có nhận thấy cần phải mang Tiểu-Phàm đi nhà thương khác không?
- Tôi không dám nói chắc, ông đã biết lúc nàng nổi cơn lên thì thật là đáng sợ, hại cho người thì ít mà hại cho mình thì nhiều, trừ khi ông mướn người trông coi nàng từ sáng đến tối.
Thạch Phong trầm tư giây lát rồi nói với giọng quyết định:
- Xin ông hãy cứ để Tiểu-Phàm ở lại đây. Ngày mai tôi sẽ đi mời một bác sĩ chuyên khoa về tim đến khám cho nàng. Bây giờ ông đang chích thuốc trợ tim cho nàng phải không?
- Vâng!
- Ông là một vị bác sĩ luôn luôn tận tâm với bệnh nhân. Chúng tôi xin bái phục.
Ông mỉm cười nói:
- Hai anh em ông làm tôi cảm động.
- Bây giờ chúng tôi đi thăm Tiểu-Phàm.
Bác sĩ đứng lên, chúng tôi bước theo ông ra khỏi phòng đi dọc theo hành lang xuống phòng bệnh. Đây là lần đầu tiên tôi vào một bệnh viện thần kinh. Hai bên hành lang là những phòng bệnh hình thức như cái chuồng. Những người bệnh nhẹ đang buồn bã xê dịch trong hành lang. Những kẻ đau nặng thì ngồi co ro trong phòng có cửa khoá, còn những con bệnh khác, kẻ thì ngồi thu hình trong một góc tường, người thì nằm trên giường kêu la, gào thét. Trông thật tàn nhẫn. Tôi không thể đừng không hỏi:
- Tại sao không cho chăn cho họ đắp? Họ đã mắc phải chứng bệnh tinh thần, có lẽ không nên để họ mắc thêm chứng bệnh của thể xác.
- Họ xé rách tất cả. Duy chỉ có thứ áo bằng bao gai này là họ không thể xé rách được.
Con người còn lầm than đến nỗi nước này ư? Cái thế giới của người điên thiệt là bi thảm đáng thương! Nhưng khi tôi thấy một bệnh nhân đang mân mê một sợi dây bằng giấy trên tay và vui cười hồn nhiên như một đứa trẻ, tôi lại đổi ý. Có thật là họ bi thảm không?
Chúng tôi dừng lại trước một phòng bệnh và đẩy cửa vào, một cô y tá đang ngồi trong đó. ông bác sĩ hỏi cô y tá:
- Cô ấy hôm nay thế nào?
- Cũng khá, thưa bác sĩ!
Thế là tôi đã trong thấy Tiểu-Phàm, tôi cơ hồ như không tin ở mắt mình. Đây là Tiểu-Phàm đó sao? Nàng ngồi trên một chiếc ghế, người mặc chiếc áo trắng rộng thùng thình của y viện, nàng gầy guộc đến chỉ còn da bọc xương, mái tóc khô khốc bị bệnh viện cắt ngắn đi, ánh mắt nàng cuồng loạn, sống mũi gầy, nhô lên và đôi môi không còn tí máu... Nàng chỉ là một vong linh, một hồn ma, hay một chiếc xác đã bị ép khô. Nàng ngồi im lìm, không cử động, mắt chòng chọc nhìn vào chúng tôi. Thạch Phong bước đến gần khẽ đưa tay chạm vào vai nàng và cất tiếng gọi:
- Tiểu-Phàm!!!
Nàng nhảy đánh thót một cái xong chạy về phiá góc tường như đi trốn rồi nép sát người vào tường trố mắt đối địch nhìn Thạch Phong.
- Đừng ông Phong, nàng không được bình tĩnh, ta hãy để nàng nghỉ, chúng ta đi thôi.
Thạch Phong uể oải buông thõng tay xuống, chúng tôi im lặng lui ra phiá cửa, đột nhiên Tiểu-Phàm xông ra, nhưng chúng tôi đã bước ra ngoài rồi.
Nàng đưa tay nắm lấy chấn song nhìn chúng tôi buông một giọng cười quái gở nghe như tiếng cú kêu đêm, tôi nghe toát mồ hôi và chân lông dựng hẳn lên, gương mặt nàng ép sát chấn song, một gương mặt tái nhợt, khô đét, mồm há hốc. Không! Không! đây không phải là Tiểu-Phàm đây không phải là cô gái si tình, ngây thơ, nghịch ngợm mà tôi đã quen biết trong nhật ký của nàng. Chúng tôi trầm mặc đi ra đến cửa bệnh viện, sắc mặt Thạch Phong thật là thảm đạm. Ông ấy trao cho ông bác sĩ một số tiền và khẽ nói:
- Tôi cảm thấy cái chết đối với nàng cũng chưa hẳn là một bi kịch.
- Tuy vậy, bệnh thần kinh của nàng có hy vọng chữa khỏi.
Chúng tôi lên xe và vẫy tay chào bác sĩ. Chiếc xe nổ máy và chạy vọt đi. Tôi quay đầu đi nơi khác. Thạch Phong đưa tay sang nắm lấy tay tôi hỏi:
- Cô làm sao thế?
- Tôi thấy hơi khó chịu trong người.
- Kể ra hôm nay, Tiểu-Phàm đã khá hơn nhiều, chứ những lần trước còn tệ hơn nữa.
Rồi ông rành rọt an ủi tôi:
- Xin lỗi cô, đáng lý tôi không nên đưa cô đến đây.
Tôi đáp:
- Tuy cuộc gặp mặt này có làm tôi bị xúc động một cách quá mãnh liệt, nhưng quả tình chính tôi, tôi cũng muốn gặp Tiểu-Phàm từ sau khi đọc tập nhật ký... Chỉ tội nghiệp cho Tiểu Lỗi.
Tôi chưa nói hết lời, hình như Thạch Phong đọc được ý của tôi, ông thở dài nói:
- Nó còn đáng thương hơn Tiểu-Phàm, nếu nó biết được sự thật...
- Sự thật gì kia, thưa ông?
Thạch Phong lặng thinh, mãi một lúc sau mới nói:
- Tôi muốn nói, cô đừng đem việc đi thăm Tiểu-Phàm hôm nay, và sự thật về tin nàng không còn sống được bao lâu nữa nói cho Tiểu Lỗi biết.
- Vâng... Tôi hiểu...
Tuy tôi thốt ra: Tôi hiểu, nhưng kỳ thực lòng tôi vô cùng ấy náy, không biết còn có điều bí ẩn gì khác mà Thạch Phong chưa chịu nói ra.
Chiếc xe lướt nhanh, trong cơn gió lạnh của bầu trời ảm đạm với làn mưa bay lất phất.
Trời mưa mấy hôm liên tiếp, thời tiết thình lình trở lạnh, bên ngoài cửa sổ lúc nào cũng giăng đầy mây mù, không khí trong phòng trở nên lạnh lẽo tiêu điều. Thu đã đến từ lúc nào không ai hay biết.
Trong mấy ngày qua, Thạch Phong rất đỗi bận rộn, sáng đi tối về, về đến nhà thì lại tỏ ra rất mệt mỏi và ưu sầu. Thời gian Tiểu Lỗi ở nhà lại mỗi ngày một gia tăng. Gã bắt đầu giúp tôi xếp lại bút ký của tổ phụ. Mỗi lúc nhìn gã, tôi lại nhớ đến Tiểu-Phàm. Tội nghiệp Tiểu-Phàm, cũng tội nghiệp Tiểu Lỗi, tôi không làm sao nói lên được cái cảm tưởng của mình. Nhắm mắt lại tôi lại tưởng tượng đến cái thờ thơ ấu của Tiểu-Phàm và Tiểu Lỗi. Một đôi trẻ thơ ngây đang cùng nhau vui đùa ở chân đồi bên bờ suối, hồn nhiên chả hiểu gì đến định mệnh ác nghiệt của tương lai... Ôi! Đấng tạo hoá, xin hãy rủ lòng từ ái thương lấy chúng sinh.
Tối hôm nay, Thạch Phong lên phòng của tôi, ngồi trước bàn viết, ông bình tĩnh báo cho tôi biết:
- Tiểu-Phàm không thể nào cứu được nữa!
- Ông đã mời bác sĩ chuyên môn khám cho nàng? tôi hỏi.
- Đã, mấy vị bác sĩ đã đến khám, sinh mạng của nàng chỉ còn duy trì được nhiều lắm là sáu tháng. Cái việc thương tâm nhất là Tiểu-Phàm là người cuối cùng của giòng họ Nghê.
- Thế ra, cả một gia tộc của họ đều đã đoản mệnh. Tôi lẩm bẩm nói:
- Đây không phải là mắc lời nguyền, mà là di truyền.
Thạch Phong không nói gì nữa, trong phòng thật yên lặng, chỉ có tiếng mưa rơi ngoài song. Lâu lắm, Thạch Phong mới thở dài nói:
- Tôi không hiểu, sinh mệnh là cái gì? Tiểu-Phàm đã làm nên tội tình gì mà phải sinh ra ở cõi đời này? Tôn giáo giải thích rằng thần linh điều khiển sinh mệnh, thế thì vì lẽ gì mà thần linh lại an bài một cách khắc nghiệt một sinh linh như Tiểu-Phàm? Mỹ Hoành cô bảo vì tội tình chi?
Tôi không trả lời. Những giọt mưa rơi trên mặt kính vang lên những tiếng tí tách. Áng sáng của cây đèn cầu ở bàn chiếu sáng gương mặt Thạch Phong. Ông bật diêm và mồi điếu thuốc, đốm lửa trên đầu điều thuốc cháy sáng lập loè, nhìn cảnh này, tôi mơ mơ màng màng như là hiểu ra được cái gì. Lâu lắm tôi mới nói:
- Tuy Tiểu-Phàm chẳng sống được bao lâu trên cõi đời này, nhưng ta đừng quên rằng nàng đã yêu, con người chỉ cần yêu một lần, là cuộc sống đã có đủ ý nghĩa rồi!
- Thế ư? Thạch Phong giương cặp mắt nghi ngờ nhìn tôi.
- Chắc ông cũng đồng ý rằng: Mỗi sinh mệnh mỗi khác, mỗi người trong chứng ta có một cuộc sống riêng biệt, không ai giống ai, mỗi người đều có ở tâm não một hào quang, một nhiệt lực, đó là ái tâm, ái tâm có thể dài hay ngắn, lâu hay mau, cái ấy không quan hệ; một que diêm, một cây nến, một ngọn đèn, một lò than hay một vừng thái dương cũng đều đã lóe sáng và tỏa ra sức nóng.
Tôi có cái ấn tượng là tôi đã hơi lạc đề, song Thạch Phong trái lại tỏ ra rất hiểu tôi. Ông nhìn tôi thật lâu không chớp mắt, rồi ông dùng giọng nói đặc biệt bảo tôi:
- Cô Mỹ Hoành, tôi không rõ là vô tình hay cố ý, cô đã tìm cách để huyễn hoặc tôi.
Mặt tôi bỗng nóng lên bừng bừng, tim tôi đập mạnh như đang mong mỏi và đợi chờ một cái gì, một cái gì khá quan thiết trong thâm tâm của tôi.
Rồi Thạch Phong đột nhiên bước đến trước mặt tôi, một tay ông nắm lấy tay tôi, lòng bàn tay ông nóng hổi, mà tay tôi thì lại lạnh giá. Với ánh mắt long lanh, ông ta nhìn thẳng tôi và nói nhanh:
- Cô Mỹ Hoành từ lúc xem bài tự thuật của cô, từ cái giây phút đụng xe vào cô trên dốc núi, tôi... tôi đã...
Ông không nói được nên lời nữa, ông tha thiết gọi tên tôi:
- Mỹ Hoành...
Hơi thở tôi ngưng hẳn lại, tâm linh tôi bỗng bay vụt ra ngoài cửa sổ, để lướt theo làn mưa giữa núi rừng. Đột nhiên Thạch Phong bỏ tôi đó và đi ra đứng ở bên khung cửa sổ, ông cất giọng lạnh lùng nói:
- Vừa rồi chúng ta đáng nói về Tiểu-Phàm phải không nhỉ?
Tôi nhắm mắt lại, nước mắt lăn dài trên gò má, tôi cắn chặt hai hàm răng hồi lâu rồi mới đáp:
- Vâng về Tiểu-Phàm. Giọng tôi cũng cứng rắn và lãnh đạm chẳng kém:
- Ông có cho tôi biết nàng không thể sống quá sáu tháng nữa.
- Cô hãy nhớ giữ kín đừng cho Tiểu Lỗi biết nghe không cô?
- Vâng!
- Thôi, tôi xin kiếu cô, Dư Tiểu thư!
- Chào ông, Thạch Tiên sinh.
Thạch Phong đã lui ra, và hai cánh cửa kiên cố, dầy dặc, đã ngăn cách hai người chúng tôi.
Ngày hôm sau tôi cùng Tiểu Lỗi đi lên Miếu, chúng tôi đi trong mưa bay, đầy vẻ thơ mộng, nào rừng thông, nào đá núi. Lá trúc càng tăng vẻ nghiêm trang trong cơn mưa, sau buổi hoàng hôn, chúng tôi về Vườn Thúy. Thu Cúc báo cho chúng tôi biết là ở nhà có khách, đang ở trong phòng sách của Thạch Phong nói chuyện khá lâu rồi:
- Ai vậy? Chị có nhận ra không?
Tiểu Lỗi ngạc nhiên hỏi như thế, vì thường rất ít khách tìm đến Vườn Thúy. Họ đến thẳng văn phòng của Thạch Phong ở trong thành phố.
- Thưa ông Phương, luật sư Phương!
- À!
Chúng tôi đứng ở phòng khách trong khi tôi cởi chiếc áo mưa ra, Tiểu Lỗi suy nghĩ giây lâu rồi nói:
- Cô đợi tí tôi đi xem coi!
- Gã vội vã chạy lên lầu, tôi hơi lấy làm lạ, đây là một người khách đặc biệt? một lát sau, Tiểu Lỗi trở xuống và hối hả gọi tôi:
- Mỹ Hoành! Anh cả đã ly dị được với chị ấy rồi.
Tôi ngẩn người tỏ vẻ không hiểu biết gì về việc đó. Tiểu Lỗi nói tiếp:
- Ông Phương là luật sư của chị ấy, ông mang giấy ủy quyền và giấy ly dị đến để anh Cả ký. Thế là dứt khoát từ nay anh cả đã lấy lại được tự do làm lại cuộc đời.
- À! Tôi nhìn ra ngoài mưa trời mưa.
- Tội nghiệp anh cả.- Tiểu Lỗi nói, giọng của gã vừa chân thành vừa nồng nàn. - Suốt đời anh ấy chỉ biết sắp đặt cho kẻ khác. Lo lắng cho kẻ khác, mà không biết sắp đặt ổn thỏa cho chính mình.
Tiểu Lỗi nhìn tôi, nói tiếp như để phân trần:
- Trong thâm tâm anh ấy không cứng cỏi như ngoài mặt đâu, anh hơi quá tự ái, đối với tình yêu, anh ấy còn bị tổn thương hơn tôi nhiều.
Tôi nhìn thẳng vào mặt Tiểu Lỗi.
- Lỗi nói cho tôi biết những việc này để làm gì? Tôi hỏi.
- Cô đã biết rồi phải không?
Tôi chỉ thẫn thờ nhìn gã, không đáp.
Gã lại hỏi.
- Chúng ta đều hiểu lòng nhau, phải không Mỹ Hoành?
Gã ngừng lại một lát rồi lại nói:
- Tôi đang cố trấn áp lòng mình, rồi thể nào tôi cũng sẽ thắng, Mỹ Hoành cứ yên tâm đi!
Tôi ngần ngại nhìn gã, gã đưa tay lên nắm lấy tay tôi nói:
- Tôi không biết nói gì hơn để cám ơn cô!
Giọng của gã thấp xuống ôn hoà:
- Tôi cũng không biết nói gì để tạ lại lòng quảng đại bao dung của anh cả. Tôi cũng nghĩ như cô đã nói: Nếu Tiểu-Phàm có hiểu được nàng cũng không muốn tôi sa ngã, và nếu Tiểu-Phàm không hiểu được, thì sự đau khổ của tôi cũng không giúp được gì cho nàng. tôi cần phải tự cưỡng chế, vì cô vì anh cả.
- Tiểu Lỗi. Khóe mắt tôi như nhòa lệ.
- Cô đừng nói gì cả, Mỹ Hoành tôi hiểu, tuy cô còn trẻ hơn tôi, nhưng tôi vẫn coi cô như một người chị cả, vì lẽ, sự nhớ thương Tiểu-Phàm đã chất chứa trong tim tôi quá đầy. Cô cứ yên tâm, tôi không hề thất chí mà cô phải ái ngại cho tôi.
Chúng tôi nhìn nhau, trong giây phút ấy, lòng tôi tràn trề cảm động, vâng, chúng tôi đều hiểu lòng nhau. Tiểu Lỗi vẫn nắm chặt lấy tay tôi. Chúng tôi đứng như thế bên khung cửa sổ trong trời chiều đang ngã bóng. Sau đó tôi bỗng nghe có tiếng chân ở thang lầu. Tôi và Tiểu Lỗi vừa toan buông tay nhau ra nhưng không kịp. Thạch Phong và ông khách đã đứng ở đầu cầu thang. Thạch Phong đã trông thấy chúng tôi "tay cầm tay, âu yếm bên nhau ".
Đưa khách về xong, Thạch Phong trở vào, mặt lộ vẻ giận dữ và xẵng giọng hất hàm nói:
- Các người không nên chọn nơi phòng khách để biểu diễn cái trò âu yếm đó!
- Thế à, thưa anh? Tình yêu cũng cần phải chọn nơi, chọn chốn và chọn thời gian nữa hay sao anh?
- Các người đừng có ngụy biện để tìm cách che đậy!
Thạch Phong chau mày, sắc mặt ông ta rắn lại và đột nhiên trở nên tiều tụy như già thêm hẳn đi đến 10 tuổi. Bỗng ông to tiếng gọi Thu Cúc bảo mang bữa ăn lên lầu cho ông và ông lại dặn thêm:
- Và mang luôn một chai Brandi lên cho ta.
Tôi nhìn Tiểu Lỗi tại sao lại làm như thế? tại sao lại đi lừa dối ông ấy?
Tiểu Lỗi chỉ cười với một nụ cười đầy ẩn ý:
- Từ trước đến sau, bao giờ tôi cũng yêu kính anh cả. Sở dĩ tôi cố tình trêu tức anh ấy, là vì anh ấy là người trong cuộc, nên thiếu sáng suốt. Tôi bắt buộc phải tàn nhẫn, để anh ấy mở mắt ra mà ý thức cuộc lương duyên của mình... Thưa vâng, tôi biết rõ, anh ấy tha thiết yêu chị. Chị Mỹ Hoành à... còn về phần chị, chị thử tự hỏi lòng mình xem.....
Tiểu Lỗi nói đến đấy thì im lặng và vụt chạy thẳng về phiá cầu thang, để lên lầu. Tôi đứng thừ người ra với trăm mối ngổn ngang trong lòng. Bóng tối tỏa vào căn phòng và vây chặt lấy tôi.
Qua một đêm gió mưa, đến sáng bầu trời lại trong sáng hẳn ra. Ánh nắng rực rỡ khiến cho lòng người trở nên phấn khởi, tôi đi xuống thang lầu, với cả một niềm vui. Tôi chạy thẳng ra vườn trong làn hương hoa ngào ngạt trên mỗi đóa hoa hồng còn ngưng đọng nhũng hạt mưa đêm. Tôi cắt một mớ to hoa hồng, ôm trên tay, vui vẻ trở lên lầu, vừa đi vừa cất giọng hát ngân nga. Đi ngang qua phòng sách của Thạch Phong tôi dừng lại, trong phòng yên lặng như tờ, không một tiếng động. Có lẽ ông ta còn ngủ. Tôi biết hình như đêm qua ông ta đã uống rượu mãi đến khuya. Nhìn những đóa hoa hồng trên tay, tôi do dự giây lát. Bỗng tôi vụt có ý định cắm hẳn một bình hoa tươi trong phòng sách để tặng ông một buổi sáng đầy hương thơm bất ngờ. Tôi mỉm cười đẩy cửa phòng bước vào, nhưng ngay lúc ấy, tôi ngẩn người ra. Thạch Phong đang ngồi trong chiếc ghế, hai chân gác lên mặt bàn, trong chiếc khay bên tay ông còn có cả chai rượu và chiếc ly. Trên bàn, tàn thuốc, tro thuốc, chồng chất bừa bãi, chẳng biết ông đã uống biết bao nhiêu rượu, hút hết bao nhiêu điếu thuốc? Đèn điện trong phòng vẫn còn sáng trưng, nhưng dưới ánh mặt trời tràn đầy cửa sổ, ánh điện trở nên vàng vọt đáng thương. Đầu Thạch Phong dựa ngửa trên lưng ghế, hai mắt mở to, tròng trắng đỏ ngầu. Sắc mặt tái xanh của ông chứng tỏ ông đã thức suốt đêm, không ngủ.
- Ồ, tôi... tôi ngỡ không có ai ở đây!
- Khép cửa lại, đến đây!
Thạch Phong lạnh lùng nói, với cái giọng như ra lệnh lúc trước. Tôi khép cửa lại một cách máy móc, tay chân tôi có vẻ thừa thãi ngờ nghệch, sắc mặt Thạch Phong cho tôi cái cảm giác sợ hãi, ông ta cứ nhìn tôi chòng chọc rồi hỏi:
- Cô từ đâu đến đây? Có phải từ cung trăng không?
- Không phải đâu.
Nói xong ba tiếng đó, tôi đã bình tĩnh trở lại và bước sang đặt bó hoa hồng trên bàn, thản nhiên nói thêm:
- Trên cung trăng làm gì có hoa hồng. Vả lại lúc này không có trăng, mặt trời đã lên tới đỉnh đầu rồi!
Tôi đi kéo tấm màn cho phân nửa cửa sổ, ánh nắng tràn vào sáng rực. Tôi tắt hết đèn đi. Mùi rượu và thuốc lá xông lên đầu phòng, tôi thâu thập tất cả ly, chai, gạt tàn lên chiếc khay đêm ra để ở thành lang, để Thu Cúc sẽ đem đi rửa. Tôi bận rộn quay trước quay sau, để dọn dẹp cho căn phòng gọn ghẽ và để xua đuổi cái không khí ngột ngạt. Thạch Phong nhìn tôi xê dịch trong phòng yên lặng không nói gì, cho đến lúc tôi định lướt qua ông ta để với lấy chiếc bình hoa thì ông ta bỗng nắm lấy tay tôi gọi:
- Mỹ Hoành!
- Dạ!
- Cô đã thành công rồi phải không?
Hơi thở của Thạch Phong dồn dập, giọng ông không có vẻ gì thân thiện cả.
- Thành công, việc gì cơ? Tôi bình tĩnh hỏi lại.
- Lại còn việc gì nữa? Cô đừng có giả bộ việc chinh phục Tiểu Lỗi ấy!
- Việc chinh phục Tiểu Lỗi? Lạ nhỉ.
- Chẳng lạ lùng gì cả, cứ trông cái vẻ thân cận của hai người, ai chả hiểu cô đã yêu hắn rồi.
- Tôi chả yêu ai hết!
- Tôi thì cho rằng, cô đến đây lúc này, là để báo cho tôi biết cô sẽ kết hôn với Tiểu Lỗi?
- Ông lầm, tôi không có điều gì để báo cho ông biết cả.
Những ngón tay của Thạch Phong ấn vào da thịt tôi làm tôi đau đớn, ánh mắt ông ta hừng hực đỏ như lửa.
- Cô xứng đáng được lên lương, Mỹ Hoành. Cô làm việc có hiệu quả ngoài sự tưởng tượng của tôi. À nhân tiện để tôi phát lương cho cô.
Ông ta mở ngăn kéo lấy ra một xấp bạc vất trước mặt tôi.
Tôi ngẩn người ra mất mấy giây, và cảm thấy chung quanh tôi đều xầm lại, và sau đó, người tôi bắt đầu run bắn lên, không làm sao kiềm chế được.
Nước mắt tôi trào ra khiến tôi không còn trông thấy rõ vật gì cả. Tôi há miệng định nói lên một điều gì đẹp đẽ, nhưng tôi chẳng thốt được nên lời. Trong giây phút nầy tôi đã thấy rõ trước mắt tôi chẳng còn gì cả, chỉ có tình cảm và tự ái bị lăng nhục mà thôi!
Tôi vùng vẫy để gỡ khỏi tay Thạch Phong quay người đi ra cửa, bước chân tôi quá nặng nề, thân thể tôi yếu đuối, đầu óc tôi mê man và tim tôi... đau nhói như bị cấu xé. Trong nháy mắt, tất cả đã sụp đổ quanh tôi, tôi gục đầu lên cánh cửa nghẹn ngào thổn thức. Thạch Phong vội vàng chạy đến bên tôi, ông ta nắm chặt lấy hai cánh tay tôi, bất giác ôm tôi vào lòng, và giọng nói gấp rút, hối hận và đau khổ của ông vang lên bên tai tôi:
- Mỹ Hoành! Mỹ Hoành! Không phải tôi cố tình như thế. Cô tha lỗi cho tôi, tôi đã uống quá nhiều rượu... sở dĩ tôi nói lên những lời ấy là vì... tôi quá thương cảm. Cô không hiểu được, không phải tôi cố tình làm khổ cô...
Tôi không nghe tôi không nghe thấy chi cả, tôi vùng vẫy để thoát khỏi vòng tay ông ta, để đi ra ngoài, đi thật xa, xa hẳn Vườn Thúy, để rồi không bao giờ còn trở lại nữa! Không bao giờ! Tôi đẩy Thạch Phong ra, vừa mở cửa căn phòng vừa nói qua hai hàng nước mắt:
- Ông tránh ra, tránh ra cho tôi đi!
- Không, Mỹ Hoành hãy nghe tôi... Hãy nghe tôi...
- Ông buông tôi ra! Tôi vừa la vừa vùng vẫy:
- Chúng ta đã có một lời hẹn quân tử là tùy tôi muốn rời bỏ nơi đây lúc nào cũng được, bây giờ đã đến lúc tôi phải đi. ông hãy để cho tôi đi.
- Không, Mỹ Hoành! Thạch Phong vẫn nắm chặt lấy cánh tay tôi:
- Tôi có việc cần nói với cô, cô không thể nào bỏ đi như vậy được. Tôi không bao giờ để cho cô đi, không bao giờ.
- Ông không có quyền cản trở tôi. Tôi xin nói cho ông rõ, thời hạn mà ông muốn tôi làm việc đã kết thúc. Tôi không làm nữa!
- Cô nói thế thì tàn nhẫn quá. Thạch Phong kêu lên:
- Tôi xin nhận lúc nãy tôi có hơi quá lời, cô hãy lưu lại đây, chúng ta mãi mãi là đôi bạn, có phải không?
- Không! Tôi gào lên.
- Cô phải biết điều một tý!
- Biết điều? Tôi phẫn nộ nhìn ông ta chòng chọc rồi nói:
- Ông Thạch Phong, ông biết tôi cô độc, đau khổ, ông biết tôi nghèo nên ông đã tìm đủ mọi cách để lừa tôi về đây, yêu cầu tôi làm một việc mà tôi không thể nào chấp nhận tôi lưu lại đây là vì ngỡ chúng ta thông cảm lẫn nhau. Tôi muốn giúp ông tôi muốn tận tâm để cứu vớt một kẻ đau khổ, chứ không phải vì tiền! Tôi có nghèo khổ đến đâu đi nữa, cũng chưa đến đỗi phải mang thanh xuân và tình yêu của mình đi bán. Ông còn có thể nhục mạ tôi đến thế nào nữa không?
- Tôi đã hiểu rằng vì lẽ gì mà cô lưu lại đây, tôi đã rõ, cô là một người nhân hậu, nhiệt thành...
- Thế thì tại sao ông lại nỡ lòng nhục mạ tôi?
- Vì... tôi yêu cô. Tôi không muốn cô ngả vào lòng của Tiểu Lỗi.
Thạch Phong nói trong hơi thở dồn dập, tôi bàng hoàng ngẩn người ra. Căn phòng đột nhiên trở nên yên lặng, mắt tôi mở to và chỉ nhìn thấy mỗi khuôn mặt của Thạch Phong. Tôi đăm đăm nhìn ông ta. Chúng tôi cứ thế nhìn nhau, và rồi đột nhiên Thạch Phong ôm ghì lấy tôi từ cổ họng ông ta bộc phát ra tiếng gọi nóng ran:
- Mỹ Hoành, anh yêu em!!
Đồng thời môi của Thạch Phong cũng đặt lên môi tôi, tay tôi bất giác ôm lấy cổ Thạch Phong, trong giây phút ấy, nỗi vui mừng từ đáy tim tôi bừng lên nóng ran cả người. Tôi không sao diễn tả nổi bao nỗi đắng cay, ngọt bùi trong lòng tôi. Đây là mối tình mà tôi đã ước mơ chờ đợi. Lúc Thạch Phong ngẩng đầu lên, nước mắt tôi nhễ nhại trên gò má. Đôi mày Thạch Phong chợt nhìn lại Thạch Phong buông tôi ta và lảo đảo đi về phiá bàn viết, mồm lẩm bẩm nói:
- Xin lỗi, Mỹ Hoành tôi lại gây nên một lỗi lầm nữa! Thôi bây giờ cô hãy đi đi... tôi muốn nói cô hãy đi sang bên ấy với Tiểu Lỗi. Đi đi! đi đi!
Tôi tựa lưng lên cánh cửa, lòng tôi tràn ngập niềm vui, tôi đứng yên nhìn Thạch Phong không nói. Một lúc lâu sau, Thạch Phong quay sang trố mắt nhìn tôi:
- Sao cô còn chưa đi?
- Đi đâu?
- Đi sang bên ấy với Tiểu Lỗi chứ còn đi đâu?
- Tôi sang bên ấy để làm gì? Tôi nhướng mày rồi nói tiếp:
- Tôi đâu có yêu gã, gã cũng không làm sao dung nạp được tôi, vì trái tim gã đã quá đầy hình ảnh của Tiểu-Phàm.
Thạch Phong nhìn tôi trong dáng điệu thật đáng thương, trong đáy mắt có đầy vẻ khẩn cầu như một đứa trẻ ngây thơ yếu đuối đang đợi người ta phù trì.
- Có phải cô nói thế là cô có ý muốn an ủi tôi phải không?
Tôi vội đáp:
- Không, ông không hiểu, sở dĩ Tiểu Lỗi đã tự trấn áp được không phải vì có một tình yêu khác, mà vì gã có một người anh đáng kính.
- Thế ư? Thạch Phong kéo dài giọng hỏi.
- Vâng!
- Sao cô biết?
- Gã đã từng thành khẩn nói với tôi như vậy.
Chúng tôi nhìn nhau thật khá lâu, thật lâu và đôi mày Thạch Phong không còn chau lại nữa, ánh mắt trong sáng hẳn lên. Rồi Thạch Phong dang đôi cánh tay cho tôi ngả vào lòng chàng, và một Thạch Phong cô độc, một Dư Mỹ Hoành đơn chiếc, không còn buồn khổ vì cảnh lẻ bạn nữa. Ngoài kia, mặt trời đang rực rỡ chiếu xuống cả khu Vườn Thúy.
Vườn Thúy Vườn Thúy - Quỳnh Dao Vườn Thúy