Books let us into their souls and lay open to us the secrets of our own.

William Hazlitt

 
 
 
 
 
Tác giả: Quỳnh Dao
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2260 / 30
Cập nhật: 2015-12-10 02:36:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 -
ôm nay mới sáng sớm, Tiểu Lỗi đã đi ra ngoài, tôi không biết gã đi đâu.
Đến chiều, gã và chiếc xe máy dầu chạy như gió đã trở về. Vào đến nhà, gã ném bao tay và kính đen ở phòng khách, chạy đến cạnh tủ lôi ra một chai rượu, chưa bao giờ tôi thấy sắc mặt gã trắng nhợt như bây giờ.
Gã cầm chai rượu xông thẳng lên lầu, bất giác tôi chạy theo gã và kêu lên:
- Thạch Lỗi!
- Cút... đi!
Gã gào lên và tiếp tục xông lên, Thạch Phong từ phòng sách chạy ra và đứng ở đầu cầu thang, chau mày gọi:
- Tiểu Lỗi!
- Cút đi, cút đi, các người hãy cút cả đi!
Hắn gào thét đến thất thanh, gã xô Thạch Phong sang một bên và chạy vào phòng của gã. Đóng cửa đánh "rầm" một cái, tiếp theo đó trong phòng vang lên tiếng gào khóc, đau khổ đến cực điểm.
Tôi và Thạch Phong im lặng nhìn nhau. Sắc mặt Thạch Phong đầy vẻ thảm não, một lúc lâu chàng mới cất giọng nói:
- Nó lại đi thăm Tiểu Phàm về đấy!
- Nàng ở đâu? Tôi hỏi.
- Cũng ở gần đây, trong một dưỡng đường tư nhân mà vị bác sĩ Giám Đốc là bạn của tôi.
- Nàng không có... hy vọng chữa khỏi được sao? Tôi do dự hỏi.
- Nếu những bệnh loạn óc do những sự xúc động gây nên, thì có hy vọng chữa khỏi nhưng bệnh của nàng là do di truyền như cô biết.
Tôi biết, hay nói đúng hơn, đây là một chứng bệnh bất trị. Tại sao trời già ác nghiệt lại gieo cho con người quá nhiều khổ não, đau thương?
Thạch Phong đi đến trước cửa phòng của Tiểu Lỗi. Trong phòng, Tiểu Lỗi vẫn còn đang thổn thức, một giọng thổn thức thương đau của nam tính, khiến người ta không thể cầm lòng cho đậu.
Thạch Phong gõ cửa gọi:
- Tiểu Lỗi, Tiểu Lỗi! Mở cửa Tiểu Lỗi!
- Xéo đi!
Tiểu Lỗi gào lên và tiếp theo, là tiếng thủy tinh bị đập vỡ, không biết gã đã đập vỡ vật gì. Rồi tiếp theo đó, rất nhiều đồ vật bị ném lên cửa, lên tường, trong phòng vang lên những tiếng vật bị ném và tiếng đổ vỗ, lẫn trong những tiếng ấy, có tiếng khóc, gào cuồng loạn của hắn:
- Tại sao lại thế này? Tại sao? Tại sao? Trên thế gian này, có thần linh không? có công bình không?
Sau một lúc, tiếng kêu la yên hẳn, căn phòng trở nên tĩnh mịch. Nhất định là gã đã ném vỡ tất cả những gì có thể ném vỡ, rồi gã khóc lặng người đi chăng?
Thạch Phong ngao ngán nhìn tôi nói:
- Chúng ta hãy đi chỗ khác để nó khóc một hồi cho đã.
Tôi đi theo Thạch Phong vào phòng sách tôi ngồi xuống ghế thở dài rồi nói:
- Đây là một câu chuyện bi thảm trên cõi đời. Nhìn người yêu mình bị định mệnh nghiệt ngã áp đảo còn bi thảm hơn thấy tình yêu của mình bị hủy diệt!
- Không hẳn thế! Tình yêu của họ còn bị một sức tiêu hủy huyền bí của một ngoại giới, nó mãnh liệt hơn sự giao động của bản chất tình yêu.
- Ông muốn nói...
Tôi không hiểu và chỉ nhìn Thạch Phong. Thạch Phong ngồi nghiêng mình bên chiếc bàn, một tay tỳ vào cằm, một tay để lên trán nói:
- Lúc Tiểu Lỗi hồi tưởng đến đoạn tình này, dĩ nhiên là ở đó có chỗ rất đẹp, rất cảm động; mối tình này sẽ mãi mãi tú lệ trong ký ức của nó, đó là một sự an ủi cái tình cảnh hiện tại tuy rằng tàn nhẫn nhưng cũng không tàn nhẫn bằng khi Tiểu Phàm thay lòng đổi dạ. Hoặc là Tiểu Lỗi phát giác ra Tiểu-Phàm không hoàn toàn là một mẫu người như sự phát họa của lòng nó mà chỉ là một ảo tượng, thì sự đổ vỡ sẽ tai hại không biết đến đâu mà kể.
- Một ảo tượng đổ vỡ?
Tôi nhắc lại câu nói của Thạch Phong và nhìn chàng. Đột nhiên Thạch Phong xúc động nói:
- Tôi có một người bạn, hắn yêu một người con gái và cho rằng nàng là hiện thân của sự hoàn mỹ, cao thượng, thanh khiết và phi thường. Hắn đã tìm đủ mọi cách để đeo đuổi, và cuối cùng hắn cưới nàng, thì lại phát giác ra nàng là một người giả dối và cũng đua đòi, ham danh vọng, tham tiền tài, không có một tí gì gọi là cái đẹp ở bên trong. Cô có thể thấu hiểu sự đổ vỡ đó ra sao không?
- Cứ bình tĩnh mà nói, người bạn của ông cũng có một ít trách nhiệm. Tại sao nhà ông ta không dò xét cẩn thận trước khi cưới nàng?
- Tình yêu rất dễ làm cho người ta mù quáng!
Tôi nói:
- Rất có thể ông bạn của ông có một óc tưởng tượng quá phong phú nên đã gán cho người yêu những cái mà nàng không hề có.
- Ừm! Thạch Phong nhìn chòng chọc vào tôi.
- Như vậy, không phải nàng đã lừa dối người yêu mà chính người yêu nàng đã tự mình lừa dối mình.
- À thế à?
Thạch Phong quay đầu đi nơi khác khẽ lẩm bẩm nói với hàm răng cắn chặt lấy đầu điếu thuốc. Tôi đứng lên đi ra phiá cửa, nói:
- Tôi đi thăm Tiểu Lỗi một tý!
- Khoan đã!
Tôi đứng dừng lại, Thạch Phong đi đến bên tôi, nhìn tôi chằm chằm. Tâm chí tôi hơi mông lung. Thạch Phong đứng sát bên tôi. Khuôn mặt ông ta rất nghiêm nghị. Tim tôi đập mạnh, hơi thở tôi gấp rút và thần trí tôi mê man. ông ta nhẹ nhàng đưa tay lên vuốt tóc tôi, ánh mắt ông như phủ nhẹ một lớp sương mơ màng trông nó sâu thăm thẳm. Giọng nói ông nhè nhẹ êm êm, thoang thoảng bên tai tôi:
- Cô cũng có một thứ tình cảm quá dồi dào như tôi vậy.
Thế ư? Tôi không thốt nên lời. Đột nhiên Thạch Phong dùng hai tay nâng mặt tôi lên, tôi cảm thấy người ông ta run run, tôi trong thấy ánh lửa thiêu đốt trong đôi mắt ông, ông ta nghiêng đầu về phiá tôi lí nhí nói trong cổ họng:
- Cô chẳng cần có một nàng tiên của cung trăng hiện xuống, vì cô, cô chính là nàng tiên ấy rồi!
Tôi chẳng hiểu thế là thế nào, nhưng mà tay tôi đã vòng sang lưng của Thạch Phong, người tôi ghé sát vào người ông ta, mắt tôi nhòa lệ tim tôi ứ nghẹn những cái gì đang cần phải tuôn tràn ra nhanh chóng... Tôi ngẩng nhìn lên, khuôn mặt của Thạch Phong cách tôi quá gần, hơi thở của ông phà lên mặt tôi nóng hổi. Tôi chờ đợi... Chờ đợi... Chờ đợi. Phút chờ đợi lâu như một thế kỷ.
Đột nhiên Thạch Phong khẽ đẩy tôi ra và dùng giọng mũi nặng nề nói nhanh:
- Cô đi đi! Đi thăm Tiểu Lỗi đi!
Tôi tiến ra phiá cửa, nhất thời, thấy thất ý và uất phẫn... Bao nhiêu nỗi tức giận dồn đến tâm não tôi. Thạch Phong là cái thá gì? Chủ nhân của tôi ư? Còn tôi? tôi là cái gì? Kẻ được hắn mướn về để mua vui cho em hắn ư? Tại sao tôi lại cứ ở lỳ ở đây để nhận lãnh cái công việc nhục nhã này? Tại sao tôi lại không thể điềm nhiên bỏ Tiểu-Phàm lẫn Tiểu Lỗi! Vì cái gì mà tôi lại lưu lại đây? Tiềm thức tôi đang mong mỏi linh hồn tôi đang chờ đợi.
Tôi biết... Tôi hiểu là tôi đang... chờ đợi, tôi đang mong mỏi từ lúc tôi đặt chân đến Vườn Thúy, từ cái lần đầu tiên tôi đặt chân vào phòng sách của Thạch Phong, tôi đã mong mỏi một điều gì. Chờ đợi một cái gì. Nhưng mà, tôi đã nhận được những gì?
Tôi chạy ra khỏi phòng sách, không đi thăm Tiểu Lỗi mà lại về thẳng phòng mình, tôi cần phải bình tĩnh một lúc, tôi cần phải suy nghĩ cái đã! Tôi suy nghĩ rất lâu, suy nghĩ đến mãi khi trời tắt nắng, suy nghĩ đến mãi xế bóng mà cũng chẳng suy nghĩ được điều gì điều gì. Rồi bỗng tiếng chuông thu không của chùa trên núi vang lên "Boong! Boong! Boong!" với tất cả sự trang nghiêm, ninh tĩnh, những tiếng chuông chùa kia bỗng đánh tan hết bao nỗi ưu tư, sầu hận, uất kết ở trong tâm hồn tôi.
Tôi có cái cảm giác như vừa được một sức mầu nhiêm. giải thoát và tôi tự nhủ: "Tại sao ta lại đi đòi hỏi ở kẻ khác những điều quá phận? ta đến đây chẳng qua như một sứ giả để phủ úy một linh hồn đau khổ" Bỗng có tiếng gõ cửa. Tôi cất tiếng hỏi
- Ai đấy?
- Tôi, Tiểu Lỗi đây ạ!
Tôi mở cửa Tiểu Lỗi đứng sừng sững ở cửa phòng, gương mặt tái nhợt với ánh mắt uể oải mệt mỏi, gã nhìn tôi nói như cầu cứu:
- Mời cô hãy đi ra ngoài với tôi một lúc có được không ạ?
- Được.
Tôi nói nhanh và với vội lấy chiếc áo khoác ngoài. Tôi đi theo Tiểu Lỗi xuống nhà dưới. Ra khỏi vườn thúy, nơi chân trời, ráng chiều đỏ rực sáng ngời. Gió thu lành lạnh, lá của hàng cây phượng bên đường bay lả tả. Chúng tôi đi dọc theo con đường đó ra đến đầu con lộ tráng nhựa, nơi đây có một cổ thụ, dưới gốc cây có một chiếc ghế đá với hàng chữ "Vườn Thúy kính tặng". Đây tức là nơi tôi đã từng ngồi nghỉ chân trong lần đầu tiên đến chốn này. Chúng tôi cùng ngồi xuống chiếc ghế đá.
Tiểu Lỗi giọng rầu rầu nói:
- Ngày trước, cứ mỗi buổi hoàng hôn là tôi và Tiểu-Phàm đi bách bộ ở nơi đây.
Tôi mơ hồ nhớ lại, lần đầu tiên ngồi ở đây, tôi đã từng cảm như thoáng có bóng người rình rập. Có phải là giác quan thứ sáu của tôi linh cảm cho tôi làm quen với Tiểu-Phàm không? tôi mơ hồ, không tin hẳn như thế và đưa tầm mắt ra mãi phiá chân trời để ngắm dải ráng chiều còn đỏ rực và nhuộm hồng cả cỏ cây ở ven núi đồi.
- Chiếc ghế này do anh cả anh ấy làm ra đấy! Những ngôi nhà gần "Vườn Thúy" cũng là do anh ấy xây cất cả.
Thạch Lỗi nói như ôn lại chuyện xưa.
- Hồi đó đất ở vùng này còn hoang vu, anh Cả anh ấy xây cất nhà rồi bán ra, nên nơi này mới trở thành đông đảo thế này, và cũng do đó, tôi mới có thể hoàn tất được việc học của tôi. Lúc đầu sự kinh doanh thật vô cùng chật vật khó khăn.
Tôi trầm ngâm nói:
- Thế con đường này cũng do ông ấy làm ư?
- Dĩ nhiên! Lúc trước ở đây chỉ toàn là rừng hoang và chỉ có độc một con đường đá nhỏ đi lên Miếu Ni Cô thôi.
Tôi nhớ lại lần đầu tiên gặp Thạch Phong và cuộc đấu khẩu giữa chúng tôi mà suýt nữa bật lên cười. Tiểu Lỗi còn đang theo đuổi ý nghĩ của hắn, hắn khẽ chau mày nói:
- Trước kia, tôi và Tiểu Phàm thường dắt tay nhau đi bách bộ từ con đường này lên đến Miếu. Chúng tôi vào miếu thắp hương, khấn vái, và xin xâm. Tiểu-Phàm thường gọi con đường nay là "Thiên Đường Lộ" ấy thế mà bây giờ...
Mặt gã xịu xuống:
- Nàng ở dưới địa ngục!!!
- Không! Tôi nói: cái thế giới hiện thời của nàng, chúng ta không làm sao hiểu được. Nàng không hề đau khổ... Đau khổ chăng là chúng ta! Đối với một người thần chí thất thường thì hẳn là không có tư tưởng, mà cũng không có tình cảm.
- Làm sao cô biết được?
- Tôi đoán thế!
Chúng tôi đứng lên, cùng nhau bước theo con đường ấy. Hai bên đường, rừng thông reo vi vu, lá trúc kêu xào xạc. Chúng tôi yên lặng đi không nói gì. Gió mát hiu hiu, hoàng hôn ngã bóng. Chúng tôi đi đến một cái hang đá với những tảng đá to lớn khiếp người, tôi kinh ngạc hỏi:
- Những tảng đá to lớn thế này, làm sao mà đem lên được tới đây?
Tiểu Lỗi phì cười, nhìn tôi đáp:
- Ngay đến "Tôn Hành Giả cũng không sao khiêng nổi để đem lên tới đây chứ đừng nói. Ngay từ khi khai thiên lập địa đã có chúng rồi thì phải. Ngọn núi này đầy dẫy những tảng đá khổng lồ.
- Thế ư? Tôi cứ ngỡ là nhân tạo.
- Cô này thật vớ vẩn quá!
Xuyên qua khỏi hang đá thì đến một ngôi miếu nho nhỏ, trước miếu có một cái sân, trong miếu có xây điện Phật Bà Quan Âm và bái đường. Khói hương nghi ngút quyện nhị trong không gian và tỏa ra một mùi thơm ngào ngạt chúng tôi đi vào và dừng lại trước cửa miếu một lát. Một thứ yên tĩnh dị thường lần lần tràn ngập cả tâm hồn tôi. Tôi đứng yên lặng giờ lâu chiêm ngưỡng bức tượng của đức Phật Bà Quan Âm. Tiểu Lỗi hỏi:
- Cô làm chi thế?
- Tôi cầu đảo!
- Cô cầu điều gì?
- Nếu quả có thần linh, xin các ngài hãy phù hộ, độ trì cho chúng sinh.
Tiểu Lỗi chỉ nhìn tôi không nói gì. Qua một dãy hành lang bên hông miếu, chúng tôi đi đến một bãi trống, ở đây có ba cô bé vào khoảng 7,8 tuổi, đang nhẩy dây, vừa nhẩy vừa hát:
"Xe ba bánh, chạy như giông,"
"Trên xe có bà lão ngồi,"
"Xin năm cắc, trả một đồng,"
"Tụi bây bảo, có lạ không?"
Tôi quay đầu nhìn Tiểu Lỗi bắt chước lũ trẻ nói:
- Anh bảo, có lạ không?
Tiểu Lỗi bật cười thành tiếng, cười xong lại yên lặng nhìn tôi. Tôi nói:
- Tiểu Lỗi, đừng đau khổ vì Tiểu-Phàm nữa. Nếu nàng có tri giác, nàng sẽ không muốn anh như thế, nếu nàng không có tri giác thì sự đau khổ của anh cũng không giúp ích được gì cho nàng, có phải thế không?
Tiểu Lỗi nhìn sững tôi giây lát, rồi đưa tay nắm lấy tay tôi.
- Mỹ Hoành, tôi có thể gọi cô bằng tên như thế không?
- Vâng, được! Tôi gật đầu.
- Cô quả là một người "có lòng" Mỹ Hoành.
Với cặp mắt sáng ngời, nét mặt Tiểu Lỗi như lắng xuống, bình tĩnh và an tường.
- Tôi không hiểu anh Cả tôi đã tìm ở đâu được ra cô?
- Ông ấy đăng báo rao: Cần một nữ bí thư và tôi là một trong số hơn 1000 người xin việc.
- Cần một nữ bí thư?
Tiểu Lỗi hơi nhướng mày rồi nói tiếp:
- Đây chỉ là một cách để che mắt thiên hạ, chứ thật ra là anh ấy vì tôi, có phải không?
Mặt tôi bắt đầu đỏ... Thì ra gã đã đoán biết tất cả, từ lúc đầu. Tôi thành thật nhìn vào mắt gã khẽ gật đầu:
- Vâng, đúng thế đấy! Đến sau này, tôi mới hiểu rõ dụng ý của ông ấy, nhưng mà tôi lưu lại đây không phải để tìm một nơi nương thân mà là...
- Tôi biết!
Tiểu Lỗi ngắt lời tôi:
- Cô đã đọc nhật ký của Tiểu-Phàm. Cô là một kẻ có lòng biết mến thương những người đau khổ, tôi cảm ơn cô đã lưu lại đây...
Tôi cảm thấy có rất nhiều điều cần phải giải thích, song lại không biết giải thích như thế nào cũng không biết giải thích những gì? Tôi líu lưỡi nói:
- Nhưng mà... Tiểu Lỗi! Tôi... Tôi nghĩ...
- Thôi Mỹ Hoành, Mỹ Hoành đừng nói gì thêm nữa, tôi đã hiểu cả rồi.
Tiểu Lỗi cắt ngang lời tôi, trong ánh mắt sáng quắc của gã có hàm ẩn một nét cười bí mật, và gã ân cần bảo tôi:
- Cô ạ! Tôi cần phải phấn khởi lên mới được vì tôi có một người anh quá tốt, đã khổ tâm vì tôi.
Chúng tôi im lặng nhìn nhau, mặt tôi lúc ấy vẫn nóng bừng, tim tôi đập mạnh. Người con trai này đã thấu hiểu tất cả lòng tôi.
Bỗng Tiểu Lỗi kéo tay tôi nói:
- Chúng ta đi về thôi!
Đến Vườn Thúy, thì đèn đuốc đã sáng choang. Thạch Phong đang ngồi trong phòng ăn đợi chúng tôi. Bằng một ánh mắt khác thường, ông xẵng giọng hỏi:
- Hai người đi đâu về đấy?
- Chúng tôi đi bách bộ. Thạch Lỗi giành trả lời trước.
- Đi thẳng một hơi lên đến tận miếu Ni Cô. Bên ngoài trời thật đẹp, tốt, không khí thanh sảng làm cho con người vô cùng phấn khởi. Hừ em đói quá!
Ánh mắt Thạch Phong dán chặt vào tôi, ông ta hỏi tôi một cách đột ngột và miũa mai:
- Vui lắm hả?
Tôi trả lời với một nụ cười hồn nhiên:
- Vâng, vui lắm!
Thạch Phong cắn môi, đột nhiên nói lớn:
- Bữa ăn nguội lạnh hết rồi!
Chúng tôi liền cùng ngồi xuống, bắt đầu dùng cơm.
Tuần lễ kế tiếp, Tiểu Lỗi lại đi ra trường đại học nhưng cứ đến lúc không có giờ học hay là thứ bảy chủ nhật thì nhất định là gã trở về Vườn Thúy. Chúng tôi cư xử với nhau rất dung hòa vui vẻ. Tôi nghĩ, càng ngày tôi càng thấy yêu Vườn Thúy hơn lên. Đồng thời tôi cũng thật sự bắt đầu sắp xếp những văn cảo và nhật ký của Tổ phụ Thạch Phong.
Việc làm này, gợi cho tôi rất nhiều hứng thú. Từ những văn tự linh tinh và rối loạn này tôi đã đọc được tư tưởng của thời đại ấy. Cũng như những mùi vị và phong tục nông thôn truyền thống của Trung Quốc. Những loại văn cảo và thi, từ đời ấy cũng rất đẹp khiến tôi không muốn dừng tay, điểm này cho tôi ý thức được học lực của hai anh em Thạch Phong và Tiểu Lỗi, một thì học kiến trúc, một thì học sinh ngữ, nhưng cả hai đều có một tầm hiểu biết sâu rộng về văn học cổ truyền của Trung Quốc. Họ có một người ông điển hình, và lớn lên trong hoàn cảnh và sự ảnh hưởng giáo dục đó. Hoàn cảnh và giáo dục là hai yếu tố tạo nên con người mà.
Tôi mê mải với cái công việc đọc và sắp xếp này, ngoài ra tôi lại đắm mình trong cái tình hữu nghị mỗi ngày một gia tăng giữa tôi và hai anh em Thạch Phong. Ngày tháng cứ thế trôi đi một cách êm đềm. Thạch Phong thường thường làm việc đến tận khuya, tôi cũng thường đọc sách đến khuya. Có một đêm, Thạch Phong đến gõ cửa phòng tôi và bưng vào một cái khay trên có hai ly cà phê, một cốc sữa và một hũ đường. Ông ta đứng dừng ở cửa, mỉm cười nói:
- Tôi thấy trong phòng cô còn có ánh đèn, tôi chắc cô sẽ vui lòng uống cà phê với tôi.
Tôi niềm nở mở rộng cửa phòng, Thạch Phong đi vào, chúng tôi ngồi đối diện nhau, vừa uống cà phê vừa nói chuyện, bắt đầu từ đời tổ phụ đến thời thơ ấu của anh em Thạch Phong, đến những người con cháu điên của giòng họ Nghê và Tiểu-Phàm... Rồi tôi cũng kể cho Thạch Phong nghe cả cái thời thơ ấu của tôi, cha mẹ tôi, chú thím tôi và sự cô độc của tôi. Cà phê đã cạn, trăng chiếu đầu song cửa, hơi thu lạnh lùa vào đầu phòng Thạch Phong đứng lên vịn tay lên thành cửa nhìn tôi e dè nói:
- Mỹ Hoành! Tôi... Tôi muốn nói với cô nhưng thôi, để lần khác, chào cô nhé!
Thạch Phong quay phắt người bước thật nhanh. Tôi đứng thừ người ra đó giây lâu, rồi cả một đêm dài tôi mất ngủ.
Ngày tháng cứ thế trôi qua, tôi và Tiểu Lỗi thường thường đi dạo và chuyện vãn với nhau trong rừng trúc, rừng thông, hoặc đi lên miếu ở trên núi, để xin xâm, và nghe các Ni cô tụng kinh niệm Phật. Chúng tôi cũng rất thích nghe tiếng chuông tiếng mõ lúc hoàng hôn.
Lúc nào chuyện vãn với tôi Tiểu Lỗi cũng luôn luôn nhắc tới Tiểu-Phàm và "anh cả" của gã, hình như đó là hai nhân vật trung tâm trong đời gã. Những gì về Tiểu-Phàm tôi đã biết gần như thuộc lòng tất cả. Còn về ông anh của gã thì sao?
- Tám năm trước đây, anh cả anh ấy cưới vợ.
Tiểu Lỗi nói. Chúng tôi đang đứng trong cánh rừng thông, một chân Tiểu Lỗi gác trên phiến đá, trên tay cầm một nhánh thông vừa quét quét những chiếc lá vàng dưới đất vừa nói:
- Anh ấy đã dùng đủ mọi cách để đeo đuổi chị ấy. Anh mê chị như điếu đổ, nhưng cưới nhau không đầy một năm thì họ trở thành địch thủ. Một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài rồi ai đi đường nấy. Anh cả thì vẫn là anh cả, chỉ có một điều là anh ấy trở thành tiều tụy rõ ràng. Còn chị ấy thì dùng tiền của anh cả để đi mua vui cho riêng mình.
- Tại sao họ không ly dị?
Tôi lơ đãng hỏi.
- Chị ấy buộc anh cả phải đưa ra một số tiền lớn, không phải là anh cả không có nhưng anh ta không chịu thua. Thế nên cứ kéo dài mãi, nhưng theo tôi thấy thì vấn đề nay sắp được giải quyết.
- Như thế nào?
- Có người bạn từ bên Mỹ gửi thơ về bảo chị ấy đã tìm được đối tượng khác.
Tiểu Lỗi mỉm một nụ cười khinh miệt:
- Một hoa kiều sinh trưởng trên đất Mỹ có hai hiệu ăn ở Nữu Ước. Chị ấy đã không còn cần số tiền cấp dưỡng của anh cả nữa, có lẽ không đến cuối năm nay chị ấy sẽ về để làm thủ tục ly dị.
- Chẳng lẽ nào ông ấy đối với bà vợ lại không còn một tý tình cảm nào nữa hay sao?
Tiểu Lỗi nhìn tôi chớp mắt thật nhanh rồi nói:
- Chẳng những không có cảm tình mà thôi, có một dạo anh ấy thù ghét tất cả đàn bà. Anh ấy bảo đàn bà toàn là những thứ động vật giả trá, tình yêu dễ thay đổi như mầu sắc của cầu vòng. Anh không tin tình yêu và đàn bà nữa.
Tiểu Lỗi chau mày:
- Ngay cả Tiểu-Phàm, anh ấy cũng hoài nghi nữa.
- Thế ư? Tôi trầm ngâm hỏi:
- Vâng, nhưng bây giờ...
Đột nhiên Tiểu Lỗi ngừng nói.
- Bây giờ thì sao? Tôi hỏi.
- Chả sao cả.
Gã vất nhánh thông đang cầm trên tay, phủi phủi áo nói:
- Ta về thôi.
Chúng tôi về đến Vườn Thúy vừa vào lúc ráng chiều nhuộm đỏ rực cả một bên cửa kính của phòng khách. Thạch Phong ngồi trên chiếc ghế mây tròn, tay cầm một ly rượu nhỏ, thần sắc khác thường, yên lặng nhìn chúng tôi. Ánh hồng bên ngoài ửng đỏ trong khóe mắt ông ta như một ánh lửa kỳ dị.
Vườn Thúy Vườn Thúy - Quỳnh Dao Vườn Thúy