Đôi khi cố gắng hết sức cũng chưa đủ, mà còn phải làm những gì cần làm.

Sir Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Janet Dailey
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Le Nhat Long
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2075 / 20
Cập nhật: 2015-04-16 17:31:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20 -
ỗ xe lăn qua đường Canal, vào khu phố Mỹ nhộn nhịp bóng bẩy. Ông Emil Jardin ngồi thẳng lưng trên ghế bọc da ở phía sau, mắt nhìn đăm đăm một điểm ở xa, không thèm nhìn chung quanh. Thường thường mắt ông có một vẻ không hồn, chỉ sáng quắc lên khi tên Brodie Donavan được nhắc đến. Bây giờ cặp mắt ông đang sáng quắc như thế.
Ông sửa hai bàn tay mang găng trên đầu cây gậy bịt bạc. Ông nói:
- Người luật sư này, cái ông… - ông khoát một tay lên, cố nhớ tên.
- Horace Tate – Simon Vanier, người thư ký luôn luôn chính xác, tỉ mỉ, nói lên cái tên người luật sư mà ông đã quên.
- Ừ Tate.
Bàn tay ông lại đặt lên đầu cây gậy, mà ông cầm vì thói quen hơn là vì cần thiết. Khi còn trẻ, ông thường cầm một cây gậy có lưỡi kiếm bên trong. Thời đó ai cũng vậy. Mặc dù bây giờ ông đã già và chậm qua rồi để dùng vũ khí như thế, ông vẫn thích có cái gậy trong tay, thấy yên tâm hơn. Ông dùng nó để gõ xuống sàn bắt buộc người ta chú ý. Hay chỉ vào cái gì, để lôi kéo sự chú ý vào đó; hay để đánh, phải khai trừng phạt ai, và nó như là cây vương trượng của ông. Nó giúp ông có sức mạnh.
- Cái ông Tate này đã không cho anh biết tí gì về tin tức của ta thu thập được về Donavan sao?
- Ông ấy bảo có tin về Crescent, không phải về Donavan – Simon nói lại cho đúng, theo thói quen, anh ta muốn chính xác – Tin tức mà ông ta chắc chắn sẽ khiến ông vô cùng chú ý đến. Ông ta từ chối không nói với tôi. Thật ra, ông ta cương quyết không chịu nói với ai ngoại trừ ông.
- Còn lời ông ta cảnh cáo thì thế nào?
- Cảnh cáo là tôi nói, chứ ông Tate chỉ “khuyên” ông nên tránh có hành động nào khác chống lại công ty Crescent cho đến khi gặp ông ta để nói chuyện. Ông ta bảo, có lẽ ông sẽ muốn chọn một đường lối hành động khác khi nắm được tin của ông ta cho biết.
- Tin gì thế nhỉ? – ông Emil Jardin lẩm bẩm, mày nhíu lại.
Simon Vanier đáp:
- Ta biết Donavan đang tìm cách bán ba chiếc trong số tàu thủy của y. Có lẽ y đã có người chịu mua. Hay có lẽ y có được một nguồn tài trợ ở đâu đó. Nếu vậy thì ta không nên đòi y hoàn trả vào lúc này các món nợ mà ta có giấy tờ trong tay.
- Anh biết gì về ông Tate này?
- Rất ít. Ông ta mới đến New Orleans vào đầu tháng ba, vừa được một tháng đúng. Ông ta bảo là từ St. Louis đến, nhưng không đi bằng tàu trên sông, mà bằng một chiếc tàu biển của Donavan đã ghé bến Boston. Tôi nghĩ ông ta đến tìm hiểu về tình trạng của Donavan.
- Nhưng làm sao ông ta biết được tôi quan tâm đến Donavan?
- Ông ta từ chối không tiết lộ nguồn tin.
- Ông ta sẽ phải tiết lộ trước khi ta tiến hành thêm việc này.
Ông Emil không ưa việc một người mới tới thành phố đã biết quá nhanh rằng ông là người đứng đằng sau kế hoạch đè bẹp Brodie Donavan. Đè bẹp từ từ, bắt hắn ta phải đau khổ, bắt hắn phải cảm thấy đau đớn, buồn rầu, nhục nhã và xấu hổ như ông Emil đã trải qua. Tiêu diệt hắn là một việc đáng làm, và do bàn tay một người của dòng họ Jardin cũng là công bằng mà thôi.
Cỗ xe chạy chậm lại, và Emil Jardin ngẩng lên để ý đến chung quanh, nhìn vào dãy nhà gỗ vừa cất vội. Chỉ hai lần trong cả cuộc đời ông đặt chân trở lại khu phố đầy người Mỹ nói năng lớn tiếng, thô lỗ và chen chúc này. Họ luôn luôn hấp tấp, luôn luôn đòi hỏi, luôn luôn tham lam.
- Nếu người luật sư này muốn chia sẻ tin tức của ông ta đến vậy, tại sao ông ta không đến khu phố Cổ thành? – Emil càu nhàu khi cỗ xe dừng lại trước một tòa nhà bằng ván quét vôi trắng – Tại sao ta phải đến “chỗ này” để gặp ông ta chứ?
- Tôi đã giải thích rồi – Simon Vanier kiên nhẫn đáp – Horace Tate có tật què chân. Một tai nạn lúc nhỏ làm ông ta bị liệt chân phải, khó trèo lên trèo xuống xe ngựa, và không thể đi bộ từ văn phòng ông ta đến văn phòng ông.
- Ta không nghĩ ra được tin gì có giá trị mà ông ta có thể cho chúng ta biết – Ông nói, nhưng ông phải tìm hiểu, và bước xuống xe.
Văn phòng của Horace Tate cũng bày biện sơ sài và xấu xí như mặt ngoài ngôi nhà. Một bộ sách luật sờn cũ được xếp trên các kệ bằng gỗ trơn không có vecni, và một số khác còn để trong một cái rương chờ lấy ra. Cái bàn giấy bằng gỗ sồi thật lớn, có chỗ để chân, mang nhiều vết trầy trụa.
Emil Jardin đi thẳng lại bàn giấy, mắt nhìn ngay vào người đàn ông ngồi sau bàn, tay ông ta gần như không giống tay đàn ông chút nào, với gương mặt đầy tàn nhang và mái tóc vàng như rơm. Nụ cười nhanh nhẩu của ông ta trông hăm hở và ngây thơ như của một cậu bé. Emil nhận thấy ông ta chỉ là một thanh niên vừa đến tuổi trưởng thành, vừa từ lòng sông ra phố, chỉ thấy thế giới bên ngoài qua cặp mông của một con lừa kéo cày, và cảm tưởng này được tăng cường bởi cái cà vạt thắt vụng về và bộ áo quần rộng lụng thụng.
- Ông Vanier, hân hạnh gặp lại ông – Ông ta chào họ bằng một giọng quê rặt - Và chắc đây là ông Jardin. Xin lỗi tôi không đứng dậy được, vì cái chân.
Ông Emil để ý đến cái chân có tật của người luật sư để dưới bàn, và cặp gậy chắc chắn dựng ở vách sau ghế.
– Mời các ông ngồi – Horace Tate khoát tay chỉ vào ba cái ghế đặt thành vòng bán nguyệt trước bàn giấy của ông ta.
Ông Emil làm ngơ trước những cái ghế và câu mời ngồi, biết chắc rằng cuộc gặp mặt sẽ không lâu, sau khi đã thấy Horace Tate. Ông nói:
- Đừng phí thì giờ quý báu, ông Tate.
- Tôi đồng ý! – Tiếng nói phát ra từ đâu đó đằng sau ông ta, ở phía bên trái.
Ông Emil quay lại và trân cứng mình vì sửng sốt. Brodie điềm nhiên nhìn trả lại ông ta đang sửng sốt nhìn chàng, và bật lửa châm điếu xì gà, chàng hỏi:
- Ông kinh ngạc à?
Mặt đỏ gay, Emil Jardin quay lại người luật sư:
- Thế này là thế nào? Một sự lăng nhục, một sự xúc phạm quá mức – Ông gõ gậy lên sàn nhà – Ta về thôi, Simon!
Ông quay lui, trừng mắt nhìn Brodie như chờ đợi chàng giữ ông lại. Brodie chỉ nhún vai với vẻ dửng dưng.
- Ông có thể ở hay về tùy ý, không can gì đến tôi cả. Nhưng có thể ông muốn liếc qua các tài liệu ông Tate có sẵn cho ông xem. Những tài liệu ấy rất nên đọc qua.
Ông Emil nhìn trừng trừng vào Brodie một lúc, rồi chìa tay ra cho người phụ tá của ông:
- Đưa các tài liệu ấy cho ta xem.
Horace Tate im lặng trao chúng cho Simon Vanier, và anh này trao cho ông Emil Jardin trong khi Brodie bước qua đứng ở góc bàn giấy bên cạnh.
- Kéo ghế cho ông, Simon. Tôi nghĩ rằng ông sẽ muốn ngồi.
Vừa đọc xong đoạn đầu, tay ông Emil đã run lên và mặt ông tái bệch:
- Cái này là cái gì? – Ông ngồi phịch xuống cái ghế Simon kéo sẵn cho ông.
- Y hệt như đã nói trong đó – Brodie đáp – Ông có vẻ như ham muốn tiêu diệt công ty Crescent, do đó tôi đã nghĩ nên cho ông biết tôi đã không còn làm chủ nó nữa.
Mấy ngón tay ông Emil bấu vào tập giấy, làm cong cả các góc.
- Anh không thể làm thế này!
- Đã xong xuôi hết, tất cả các giấy tờ đều đã ký, đóng dấu, đăng ký ghi vào hồ sơ – Brodie cầm điếu xì gà khoát tay chỉ vào tập giấy tờ – Tuy vậy, ông không bắt buộc phải để họ chận đứng việc của ông. Ông vẫn có thể tiếp tục thực hiện các kế hoạch của ông nhằm làm công ty Crescent phá sản. Dĩ nhiên, điểm đáng chú ý là ông sẽ làm cách nào để đòi nợ ghi trên các giấy nợ này ở đứa chắt nội của ông. À, tôi quên. Ông coi Jean- Luc là đứa trẻ do ông làm giám hộ, phải không? Vậy thì với tư cách là người giám hộ hợp pháp của nó, ông nên biết là kể từ nay nó là chủ nhân của một công ty tàu thủy và một ngôi nhà. Và nếu ông đọc tiếp, ông sẽ thấy tôi đã cử ông Tate ở đây, Linh mục Malone, và Adrienne làm đồng quản trị viên các tài sản của nó, cho đến khi con trai tôi được 21 tuổi.
- Làm sao… - ông Emil nghẹn lời không nói tiếp được.
- Làm sao tôi biết được Jean- Luc là con tôi? Ông đã làm khéo lắm để bịt kín các đầu mối, nhưng không bịt được hết.
- Anh không thể chứng minh việc này.
- Tôi không chứng minh được, trước pháp luật. Nhưng nó là con trai của tôi, tôi biết thế, và ông biết thế – Brodie tiến tới bên bàn giấy, bỏ vẻ mặt xa cách và đương đầu với ông ta.
Emil Jardin đứng dậy và liệng tập tài liệu lên mặt bàn.
- Tôi sẽ gặp anh trong mộ huyệt của anh vì chuyện này.
- Có thể ông đạt được ý nguyện. Nhưng cái chết của tôi, dù do bàn tay ông hay do ý muốn của Chúa, sẽ không làm thay đổi một điều quan trọng duy nhất: Jean -Luc là con trai của tôi. Nó có thể mang tên Jardin nhưng dòng máu của nó là của dòng họ Donavan.
Đến đó, ông Emil Jardin đi ra khỏi phòng, cây gậy gõ mạnh trên sàn nhà theo mọi bước đi của ông.
Tiếng còi xe bên ngoài lôi kéo Remy về hiện tại
– Vậy là Brodie cho đứa con ngoại hôn của chàng ta Công ty hàng hải Crescent – Nàng lẩm bẩm – Không phải Emil Jardin đã tước đoạt của chàng.
- Không phải là ông ta không tìm mọi cách – Nattie nói và đứng dậy.
- Còn Brodie? Việc gì xảy ra cho ông ta?
- Ông ta chết trong tháng 8 năm ấy.
Nàng nhớ lại lời hăm dọa của Emil, đã thề rằng sẽ gặp ông ta trong mộ huyệt của chàng.
- Bằng cách nào? Có phải ông…
- Không ai biết chắc, trừ Brodie và ông già Emil. Người ta nói Brodie chết vì bệnh sốt rét vàng da. Có lẽ vậy. Mùa hè năm 1853 ấy, một bệnh dịch sốt rét vàng da dữ dội nhất từ xưa đã xảy ra tại New Orleans. Vào khỏang 15000 người đã chết vì bệnh dịch ấy, tuy có người quả quyết con số ấy lên đến hơn 20000. Cùng trong tuần lễ Brodie chết, có đến 1600 người bỏ mạng. Có quá nhiều xác chết chờ được chôn cất, đến nỗi nhà đương cục không thèm đòi giấy khai tử nữa. Đó là lý do tại sao không có giấy khai tử ghi nguyên nhân cái chết của Brodie. Tới đó, không đủ người đào huyệt vì có quá nhiều người chết. Quan tài chất đầy trong một nhà kho như các thùng đựng hàng hóa. Tình hình tuyệt vọng đến nỗi người ta đào một cái hầm và đổ các xác chôn như những nấm mồ tập thể. Brodie bị rơi trong trường hợp đó, chôn trong một cái mộ không ghi tên. Hồi đó thật khủng khiếp.
- Còn Adrienne?
- Nàng và gia đình nàng thoát khỏi cảnh đó. Họ muốn rời thành phố vào tháng 5, trước mùa viêm nhiễm. Nàng biết việc gì đã xảy ra tại đó. Cả thế giới biết. Khắp nơi trên thế giới người ta gửi tiền và thực phẩm đến cho – Nattie nói – Adrienne không bao giờ lấy chồng. Mặc đồ đen suốt đời, người ta bảo là vì người anh, nhưng theo tôi nghĩ, cũng vì Brodie. Năm nào đến ngày lễ các thánh, nàng cũng đi thăm và đặt hoa trên các mộ tập thể của các nạn nhân bệnh dịch sốt rét da vàng, bởi vì nàng không biết Brodie chôn ở mộ nào. Ông già Emil có lẽ không thích việc đó, nhưng tôi đoán dù ông thích hay không nàng cũng không quan tâm. Bệnh dịch cũng mang đi cả linh mục Malone. Và 5 năm sau Horace Tate bị thiệt mạng trong thùng hơi của một chiếc tàu chạy sông nổ tung. Ông ta trên đường về thăm nhà ở St. Louis.
- Và còn lại Adrienne là người quản trị duy nhất tài sản của con nàng.
- Đúng vậy. Và cũng bằng cách đó, cuối cùng Emil Jardin đứng ra điều khiển công ty Crescent, và chọc thủng cuộc phong tỏa của chính phủ liên bang trong cuộc nội chiến. Cũng làm giàu trong dịp đó. một chiếc tàu thủy của ông thôi có thể đem lại lợi nhuận một triệu đôla trong một chuyến đi và về. Và chiến tranh kéo dài 4 năm, mà trong một năm các tàu đi khoảng từ 5 đến 10 chuyến. Đa số người miền Nam mất hết của cải trong thời chiến, nhưng ông có Luc, bởi vì tất cả của cải là của cậu ta, và ông già Emil không sống lâu để hưởng. Ông chết năm 1870, khi Jean- Luc tròn 18 tuổi.
- Vậy gia đình Jardin là những kẻ lợi dụng chiến tranh để làm giàu – Remy nói một mình – Không biết bằng cách nào Cole đã tìm ra được những chuyện ấy. Có lẽ khi lục lại hồ sơ của công ty, anh ta đã đi sâu vào quá khứ cũ để tìm thấy một bản sao hồ sơ chuyển giao tất cả quyền lợi của Brodie trong công ty Crescent cho Jean- Luc. Có lẽ cũng có ghi chép lại cái chết của ông ta vào năm 1853, rất lâu trước khi cuộc nội chiến bắt đầu.
Nhưng điều đó không giải thích được tại sao anh ta đã lôi bức chân dung của Brodie Donavan ra từ nhà kho và treo vào chỗ chân dung của ông nội nàng. Anh ta phải biết làm vậy sẽ làm cho gia đình nàng bực tức, nhất là cha nàng. Nó có nghĩa là anh ta cố tình làm việc ấy. Tại sao Cole cố ý muốn gây mâu thuẫn với cha nàng.
- Cô vẫn còn giữ ý định đi tắm và thay đồ chứ? – Nattie hỏi.
- Có – Nàng gật đầu, tâm trí vẫn còn bận với các ý nghĩ đó.
- Tôi bỏ ra mấy cái khăn sạch cho cô dùng vậy.
Nattie đi vào phòng tắm kế bên, và Remy đứng dậy, lòng dạ bồn chồn trở lại. Nàng băng qua phòng đến bộ cửa kiểu Pháp, mở khóa và bước ra hành lang mặt tiền. Giống như một đôi lính gác, hai cây hoa mộc lan đứng canh chừng ở bồn cỏ trước nhà, những cây ấy đã do Adrienne gợi ý cho Brodie trồng.
Remy dừng lại một chút rồi đi tới lan can bằng sắt uốn, mang hình lá và hoa thanh tú. Nàng đưa mắt nhìn bồn cỏ, hàng rào sắt uốn, và đường phố yên tĩnh bên kia.
Bên kia đường, một chiếc xe du lịch màu xanh hải quân đậu ở lề. Remy để ý đến người lái xe ngồi sau tay lái, tóc hắn ta đen mà bộ râu cằm thì muối tiêu, nhiều muối hơn tiêu, cắt xén gọn ghẽ. Hình như hắn đang hí hoáy viết gì. Nàng đoán là một người bán hàng. Vừa lúc đó, hắn nhìn lên. Biết rằng hắn đã thấy nàng, Remy rời lan can đi trở vào phòng nàng, vì không muốn hắn xông vào mời mua hàng.
Vừa vào trong phòng, nàng liếc nhìn chiếc giường kiểu xưa và dừng lại, tự hỏi Adrienne và Jean- Luc có sống trong ngôi nhà này không, sau khi Emil Jardin chết. Nàng chắc họ có ở đây. Bằng không, làm sao nó trở thành căn nhà gia đình được? Và nếu căn nhà còn phảng phất những kỷ niệm của Brodie, thì ắt hẳn còn chứa nhiều kỷ niệm của Adrienne.
Một bàn tay đỏ au vẫy vẫy trước mặt nàng. Giật mình, Remy chợp mắt và định thần nhìn vào mặt Nattie:
- Xin lỗi, tôi không thấy chị – Nàng nói.
- Tôi đoán vậy – Chị ta nói – Khăn lông đã bày sẵn cho cô, và áo choàng móc ở sau cánh cửa.
- Cám ơn.
- Có chuyện gì không ổn thế – Nattie cau mày hỏi – Trông cô như đang lên đồng.
- Tôi đang nghĩ về Adrienne, bà ấy đã thích giao tế đến thế nào, và đã thương hại người cô Zee Zee, nhưng rốt cuộc cũng giống bà ta, không chồng, và ở một mình. Tôi tự hỏi, bà ấy tìm đâu ra nghị lực để hành động như vậy?
- Cô ơi – Nattie nói và mỉm một nụ cười buồn rầu, khôn ngoan cố hữu của chị ta – Đàn bà như một gói trà, người ta không biết nó đậm đặc như thế nào cho đến khi cho vào nước sôi!
Remy cười lớn, nhưng nàng có cảm giác sự rắc rối đang xảy ra gần đấy thôi. Ở đâu và loại rắc rối gì, nàng không nhớ được. Nhưng nàng cần có mặt ở đấy. Tại sao? Để ngăn cản cái gì? Để chặn đứng ai?
Vũ Hội Hoá Trang Vũ Hội Hoá Trang - Janet Dailey Vũ Hội Hoá Trang