Nếu bạn chưa từng nếm mùi thất bại, tất bạn chưa gặp thử thách thực sự.

Dr Porsche

 
 
 
 
 
Tác giả: Janet Dailey
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Le Nhat Long
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2075 / 20
Cập nhật: 2015-04-16 17:31:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14 -
ác tàu thủy chạy bằng hơi nước và bằng buồm cặp dọc theo bờ kè. Các cột buồm cao ngất kiêu hãnh chọc lên trời xanh như một rừng cây trụi lá. Các cánh buồm vải da cuốn chặt lại. Các boong tàu và các cầu lên tàu bằng ván chật ních người lên xuống, nào là phu khuân vác chạy tới chạy lui, thân mình vẹo qua một bên dưới gánh nặng trên vai, nào là các thuyền trưởng tàu biển đi lại có vẻ sốt ruột, thêm những phu khuân vác khác lăn xuống các khoang tàu, các toán sắp xếp cố sứ đẩy thêm các bành khác vào trong lòng tàu, và những thuỷ thủ mặc áo quần của hơn một chục nước khác nhau nhảy tung tăng lên bờ hoặc lảo đảo về nhà. Và tiếng ồn ào, điếc tai nhức óc không bao giờ ngừng, tiếng la ơi ới xen lẫn tiếng chửi thề, tiếng cười hô hố, và tiếng khoe khoang thách đố, những bài hát và câu hò của các toán phu khuân vác, tiếng chuông kêu lanh canh và tiếng còi hụ bằng hơi nước.
Và gió đưa tất cả những tiếng ấy đi, một làn gió nặng mùi mật mía vào ngào ngạt hương liệu, gió thổi tung những sợi bông từ các đống bành bông chất cao ngất trên bờ kè, bay đầy trong không khí.
Từ chỗ đứng trên bờ kè, Brodie Donavan nhìn thấy tất cả những thứ đó. Sự chen chúc, sự ồn ào, các mùi, và sự nhộn nhịp quen thuộc, còn quen thuộc với chàng hơn cả ngôi nhà riêng của chàng. Chàng giơ tay lên chào người thuyền trưởng đang đứng trên boong chiếc Crescent Glory, rồi quay lưng lại với cảnh đó, chàng sửa lại tay đang nắm một gói đồ đẹp và nhỏ ở bàn tay trái.
Ngay trước mặt chàng là một dãy nhà chen chúc nhau chạy dài, và các đường phố hẹp của khu phố Pháp cũ, vẫn còn là thành trì của các gia đình Creole quý tộc. Phố Kênh, gọi bằng tên đó vì cái mương, thật ra là một cái hào cũ (nhưng không hề là một con kênh) xưa kia chạy dọc theo suốt chiều dài của nó, trong thời kỳ New Orleans còn là một thị trấn có tường thành bao quanh, là đường ranh không chính thức giữa khu phố cũ và khu phố Mỹ loè loẹt và nhộn nhịp, nay là trung tâm buôn bán của thành phố. Công ty Crescent, đặt ở khu phố Mỹ, và thường ngày chàng đi ngựơc lại bờ kè về đây. Nhưng hôm nay thì không, hôm nay chàng có chút việc phải đi đến khu phố cổ thành.
Chàng ung dung sải bước đi xuống dốc bờ kè, ngang qua mấy cái chòi lợp tôn bày bán những đồ trang sức rẻ tiền cho các thuỷ thủ, ngang qua mấy quán rượu đã có khách ngồi, và ngang qua các quầy bán sò. Đường phố phía ngoài chật ních xe tải, việc mậu dịch trên sông đã biến New Orleans thành một thành phố đầy xe lừa, xe ngựa.
Brodie lách qua các xe ấy để sang bên kia đường, vừa đi vừa nhận ra mấy người quen đang lái xe và kêu lên chào hỏi họ, bằng giọng trở lại bình dân.
- Ê, Sanghnessy, tại sao anh ngoẹo cái đầu như vậy? Có phải tối qua nhậu quá chén không?
- Michelin, nói lại với cô vợ xinh đẹp của anh, tôi sẽ ghé mua mấy món đồ. Khi anh không có nhà, dĩ nhiên.
- Dolan, có phải bị bầm mắt đấy không? Bộ lại quên cúi đầu để tránh nữa hả?
Và họ trả lời cùng một kiểu:
- Ô kìa, chính anh ta chứ còn ai? Hay là bây giờ phải xưng với anh ta bằng thưa Ngài?
- Kìa, hãy nhìn coi cái áo vest anh ta đang mặc? Anh ta đâm ra diện đáo để!
- Anh cầm gói gì trong tay đó, Donavan? Chắc là khăn tay để hỉ mũi, có lẽ.
Trong những câu chuyện chọc ghẹo của họ có sự cảm mến và tự hào vì một người trong bọn họ đã thành công ở đời, và không quên họ. Cũng như Brodie, những người chủ xe Ailen ấy là những kẻ đã sống sót sau khi đào con kênh chết tiệt ấy, như họ thường gọi.
Chàng có thể là một người trong bọn họ, nhưng chàng không giống họ. Và sự khác biệt không hẳn là ở cái áo vest màu đen và cái áo gilê bằng gấm mà chàng đang mặc, hay cái mũ cao màu đen cha đang đội trên đầu và đôi giày ống bằng da bóng láng. Sự khác biệt đã có ở đó ngay khi chàng ăn mặc lam lũ như họ. Đúng vậy, Brodie đã trung thành với gốc gác cũ của chàng cũng như bọn họ, và cũng có những giây phút buồn rầu đen tối, nhưng rất hiếm. Tính chàng ưa cười giỡn và có thể nổi đoá thật nhanh. Và giống họ, chàng có tính độc lập mạnh mẽ, nhưng nhu cầu độc lập ấy dẫn chàng đi theo một con đường khác và lái ý nghĩ của chàng về một hướng khác.
Đúng vậy, chàng đã lội trong bùn sình con mương bên cạnh họ, đã ngửi mùi hôi thối của các đầm lầy và các thây ma đang mục rữa ở dọc hai bờ mương, và nằm vật xuống chõng khi đêm đến trong mồ hôi ướt đẫm thân mình.
Nhưng không một lần chàng mơ đến các thung lũng xanh tươi và các dòng suối lấp lánh của xứ Ailen khi ở trong đầm lầy ấy, như bọn họ thường vậy. Đối với chàng, ý nghĩ đã giúp chàng tiếp tục sống đã làm cho mồ hôi, sự mệt mỏi và sự chết chóc quanh mình chàng có mục đích, là ước mơ một ngày kia các tàu thủy “của chàng” sẽ xả máy chạy qua con kênh chàng đã đào. Những chiếc tàu thuỷ giống như chiếc đã đưa chàng sang Mỹ. Chàng đã mơ như thế, và bờ sông đã cho chàng thấy bằng cách nào chàng có thể biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Dĩ nhiên bằng một cách quanh co, đầu tiên là xà lan, rồi tàu chạy sông, cuối cùng tàu đi biển của chàng. Nhưng chàng đã rút được bài học là luôn luôn có một cách, dù rằng không phải là một cách trực tiếp.
Bỏ sự nhộn nhịp của bờ sông lại đàng sau, Brodie đi vào khu phố cũ, đưa mắt nhìn ba cái tháp mới của nhà thờ chính St. Louis, thay thế ba tháp chuông cũ, làm biến đổi đường nóc nhà của khu phố, càng bị biến đổi nhiều hơn bởi các mái vừa làm thêm ở Cabildo và tòa nhà cũ của cha xứ, và ngôi nhà có ba tầng lầu song đôi bằng gạch đỏ và sắt uốn theo kiểu phục hưng do bà nam tước Pontalba vừa xây cất, ở các tầng lầu trên có nhiều tầng lộng lẫy. Brodie nghĩ rằng, đó không phải là những thay đổi cuối cùng ở quảng truờng diễu binh cũ này. Có nhiều ý kiến đang đề nghị đổi tên nó thành quảng trừơng Jackson để ghi nhớ người anh hùng của trận chiến ở New Orleans, việc ấy sẽ xảy ra trong nay mai. Người Mỹ hiện đang giữ đa số ghế trong hội đồng thành phố, và họ sẽ lo liệu cho việc đó được thi hành. Thây kệ các người Creole.
Chàng tiến lên thêm hai bước và không còn thấy các tháp nhà thờ, vì nhà cửa vươn lên cao hơn hai bên đường phố hẹp, mặt tiền các nhà đều tô láng bằng thạch cao và sơn màu đào, hay xanh, hay hồng, tất cả đều có hai tầng lầu cao, đỡ bằng những cột sắt chôn đến tận lề đường và bộ lan can cao ngang ngực bằng sắt uốn nhiều kiểu khác nhau rất thanh tú. Brodie đi dưới các tầng lầu chồm ra lơ lửng ấy, khuất ánh nắng, trong không khí ấm áp như mùa xuân ban sáng thay vì trong cái lạnh thừơng lệ của mùa đông ướt át và ảm đạm.
Những chiếc xe ngựa kêu lọc cọc trên các đường đất thỉnh thoảng nhường chỗ trên đường phố bùn lầy cho một vài chiếc xe song mã lộng lẫy. Ngay trước mặt, một người da trắng tay cầm một cái roi đang trông coi một toán nô lệ mang xiềng xích ở chân và kiềng sắt ở cổ, vét mương, một công tác hiếm thấy, và các nô lệ này ắt hẳn là những kẻ đã bỏ trốn và bị bắt lại.
Brodie tiếp tục đi trên vỉa hè lát gạch ngang qua các cửa tiệm nhỏ hẹp gọn ghẽ, và những chuồng nhốt nô lệ với các cửa sổ có chấn song sắt to, qua những sạp bán trái cây và hoa ở góc đường, qua các du khách đang trố mắt xem phong cảnh ở thành phố nổi danh này, qua những cậu quý tử trẻ tuổi, ăn mặc sang trọng con của những gia đình Creole quý phái, có lẽ đang đi đến những lớp dạy kèm đánh kiếm ở phố Exchange, hay chỉ là đi uống một tách cà phê với bạn bè và qua một cô gái lai da đen, đẹp không thể tưởng, với nước da màu ngà, một cô gái da màu, một cô gái tự do mà tư cách ấy có thể thấy ở cái khăn trùm sặc sỡ quấn quanh đầu, cặp mắt nhìn xuống đúng điệu. Cô ta có một căn nhà nhỏ dọc theo bức tường thành bao quanh thành phố, nơi đó có áo quần bằng xa tanh và đồ nữ trang đầy tủ, cô ở đấy chờ người tình da trắng của cô muốn đến thăm lúc nào tuỳ thích.
Brodie đưa bàn tay lên vành mũ và gật đầu chào một cô thiếu nữ Creole đi với một bà theo kèm, để ý thấy mắt cô ta vội ngó lảng đi nơi khác, và mỉm cười khi cô ta buột miệng nói “Yanqui”.
Đối với những người Creole ở Lousiana, tất cả người Mỹ gốc, dù gốc gác ở đâu, đều thuộc về một trong hai loại: “Kaintucks” gồm những người Mỹ sống trên mặt sông không biết chữ, không được giáo dục, sống bát nháo, và loại “Yanqui” là những người thương gia, chủ đồn điền, người có của, và những người học thức. Đối với hạng người thứ nhất, những người Creole chỉ quay lưng lại lạnh lùng ra mặt, nhưng đối với hạng thứ hai, thì với thời gian, vì số Yanqui đông hơn họ quá nhiều, và nhất là hoàn cảnh kinh tế đã bắt buộc họ phải chịu đựng. Họ buôn bán làm ăn với người Yankee, uống cà phê với họ và mời họ tham dự những sinh hoạt có tính cách xã hội, nhưng ít khi một người Yankee được mời về nhà họ. Đúng, có những cuộc hôn nhân giữa những người Yankee và người Creole, nhưng Brodie nhận thấy đa số các cuộc hôn nhân ấy phần lớn đều có lợi cho người Creole, hoặc là mang thêm của cải đến cho họ, hoặc là để củng cố một số quan hệ đã có giữa hai bên về mặt lợi tức.
Người Mỹ và người Creole đại diện cho hai nền văn hóa hoàn toàn khác biệt nhau. Sau gần 50 năm, họ đã học được cách sống chung trong sự dè dặt, đôi khi xung đột, nhưng luôn luôn ganh đua nhau, dù rằng một cách tế nhị khó thấy.
Không như những người như chàng ở khu phố Mỹ, Brodie đã bỏ thì giờ học tiếng của người Creole, tuy chàng thường thấy có lợi khi giả vờ không nói được và không nghe được tiếng đó, ít nhất là không thạo lắm. Và chàng đã học được cách tự kiềm chế khi nôn nóng, và không thúc ép đi đến một quyết định trong công việc làm ăn, mà cứ để cho câu chuyện thong thả tiến đến chỗ kết cuộc là vấn đề chính được nêu lên, nếu có. Kết quả một phần lớn công cuộc làm ăn của chàng là với khu phố Quatier, kể cả một số liên hệ đáng giá với các khách hàng ở Âu châu. Phải, chàng làm ăn nhiều với khu phố Quatier, nhưng không phải là tất cả với những người quý phái.
Một người da đen mù đang kéo vĩ cầm ở góc phố, mớ tóc quăn màu xám tro để trần dưới nắng, cái mũ mềm xèo của y để ngửa trên vỉa hè trước mặt y, đôi mắt che giấu một phần bởi cặp kính màu đen. Brodie dừng lại và bỏ một đồng đôla vào cái mũ của y.
- Cám ơn – Người ăn xin già ngẩng phắt đầu lên khi nghe tiếng đồng bạc va vào các đồng hào và đồng xu.
- Sức khỏe thế nào, Cado? – Brodie hỏi y bằng tiếng Pháp.
Y nghiêng đầu lên khi nghe tiếng chàng.
- Ông Donovan – Y nói vì nhận ra ngay tiếng chàng, trong khi tay vẫn kéo đàn, không lỗi một nhịp – Lão Cado khỏe mạnh thưa ông, nhất là hôm nay có mặt trời sưởi ấm nắm xương già mỏi mệt.
- Có ai nói chuyện gì không?
- Trong nhà họ Gautier trên phố Royal, người ta đang khóc lóc và cầu nguyện dữ lắm. Cậu con trai chủ nhà Gautier tức khí vì một câu nói của một người chủ đồn điền ở thượng lưu dòng sông. Hai người hẹn nhau dưới bóng các cây sồi vào lúc chạng vạng tối qua. Cậu ta bị kiếm đâm lủng ngực, bây giờ máu đang chảy ra có bọt ở vết thương.
- Một lá phổi bị thủng – Brodie lẩm bẩm, rồi hỏi tiếp – Có gì khác nữa không?
Ông già nhe răng cười:
- Ông Vamier ở đồn điền Julian đêm qua thua một canh bạc 50 ngàn. Tôi nghĩ rằng hôm nay ông ấy sẽ bán rẻ bông vải của mình.
Brodie mỉm cười:
- Ông đàn hay lắm, Cado – Và chàng bỏ thêm hai đồng đola vào cái mũ của ông già.
- Ông cũng vậy, ông Donovan, ông cũng vậy – Ông lão cười khúc khích và bắt đầu đàn một bản nhạc nhảy Ailen trong khi Brodie bỏ đi.
Brodie dừng lại ở lề, chờ cho hai chiếc xe ngựa chở nặng đi qua, rồi bước xuống đường phố bùn lầy và gọi chiếc xe thứ ba đang tiến tới. Người lái xe kéo cương thắng lại, kêu lên một tiếng “họ” với mấy con lừa, và chửi thề với chúng bằng tiếng Ailen trong khi Brodie trèo lên băng ngồi xuống, cặp chặt gói đồ vào bên nách, và rút ở túi áo vest ra một tập giấy ghi chép với một cây bút chì.
- Anh chịu khó ghé qua công ty Crescent, trao tờ giấy này cho anh Sean của tôi nhé, Flaunery.
Chàng hấp tấp nghệch ngoặc mấy chữ lên đó, gấp mảnh giấy lại và đưa cho người lái xe ngựa, làm ngơ như không biết các tiếng la ó tức giận, và những nắm tay đưa lên của những người lái các xe ngựa khác, bị bắt buộc phải dừng lại ở phía sau.
- Dĩ nhiên tôi sẽ làm giúp anh nhưng anh phải trả cho tôi một chai whisky, Brodie Donovan – Anh chàng tóc đỏ Flaunery nói trong khi Brodie nhảy xuống xe.
- Anh đưa tới tận tay Sean trong vòng 5 phút thì tôi sẽ mua cho anh một chai whisky. Mà anh phải giấu vợ anh mới được.
- Được rồi, nhớ thi hành phần anh nhé! – Anh ta búng tay kêu lóc bóc bên trên tai của cặp lừa, và quất dây cương vào mông chúng, hối thúc chúng chạy tới bằng tiếng la hét chửi thề và kêu ầm lên với các xe ở phía trước – Cho qua!
Tránh người chiếc xe khác đang lao theo xe của Flaunery, Brodie băng qua đường đến bờ lề bên kia, và đi qua khỏi một của tiệm đến tiệm bán mũ của bà Rideaux, ở đó có một bảng nhỏ ghi: hàng mới nhất từ Paris sang. Kết quả của lời hứa ấy đang trong gói đồ chàng cặp ở nách, đó là những bản kiểu thời trang mới nhất ở Pháp, mới vừa có được hai tuần, do chiếc tàu thuỷ của chàng tên Crescent Glory chở sang.
Chàng bước vào rồi kéo của lại, rồi đi vào phía sau của tiệm, đưa mắt tìm bà chủ tiệm tóc nâu. Chàng nhìn thấy một phụ nữ mặc một cái áo dài nhưng sáng loáng, màu rất đẹp, cô ta đang đứng quay lưng lại chàng, và đang thử nhiều cái mũ trước một tấm gưong soi để trên quầy. Brodie để ý ngay hai điểm cùng lúc: cái eo nhỏ của nàng, càng thấy rõ hơn do cái váy phình rộng ra, và màu tóc đen huyền của nàng, thay vì màu nâu sẫm điển hình của đa số phụ nữ Creole. Hiển nhiên cô ta có dòng máu Tây Ban Nha trong người.
Ngay sau đó, Brodie thấy bóng nàng trong gương, và liền đứng dừng lại: một cảm giác đột ngột thức dậy chàng đứng dừng lại và làm chàng sửng sốt. Khuôn mặt trái xoan tuyệt hảo của nàng làm chàng nghĩ đến một viên đá quý bầu dục thường dùng làm trang sức, nét mặt nàng điềm nhiên thanh thản, nhưng vẫn giữ một tính cách tế nhị, đầy rung cảm, làm cho gương mặt sẵn sàng sống động. Chàng nhìn sững, biết rằng mình phải tìm cho ra nàng là ai, nhưng không đành bỏ chỗ đang đứng, và mãn nguyện vì được nhìn ngắm nàng.
Nén một tiếng thở dài và không thõa mãn, Adrienne Jardin bỏ cái mũ trùm đầu qua một bên, cầm lên một cái mũ đi với cái áo dài bằng lụa màu ngọc trai, có viền một vành lá bằng nhung, hoa và các dải. Nàng đội lên lắc đầu để cho các dải buông thõng xuống, rồi buộc chúng lại thành cái nơ lỏng. Nàng quay ngang để nhìn bóng mình trong gương, thì thấy một khuôn mặt khác trong đó, một khuôn mặt đàn ông. Trong một khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi, hai mắt nàng dán vào hai mắt của chàng trai trong gương. Đôi chân mày đen rậm của chàng nhíu lại, nét nhìn của chàng đưa lên cái mũ, và đầu chàng hơi lắc qua lắc lại, tỏ ý không tán đồng. Adrienne lập tức không nhìn vào bóng chàng trong gương nữa, mà nhìn lại vào bóng nàng. Nàng trân mình cứng nhắc vì bực mình trước sự táo bạo, có thể nói là sự thô lỗ của người đàn ông ấy. Bộ anh ta nghĩ rằng người cần anh ta cho ý kiến về cái mũ nàng đang thử hay sao?
Nàng càng khó chịu hơn vì nàng cũng không ưa cái mũ ấy. Nàng nán thêm một chút, thử nhét một khúc dải vào chỗ nãy, sửa lại một khúc khác vào chỗ kia, và cố suy nghĩ có phải là bị ảnh hưởng ý kiến của chàng ta không. Cuối cùng, nàng lột bỏ cái mũ ra và đặt nó qua một bên. Suốt thời gian đó, nàng giả vờ không để ý đến bóng chàng phản chiếu trong gương, làm như vẻ không thấy vầng trán rộng và nghiêng, cái mũi thẳng hơi gãy, cái cằm có dáng dẹp, hai gò má cao và rộng, quai hàm xéo và rất gọn, hay mái tóc đỏ sẫm của chàng dưới chiếc mũ đen và đôi mắt màu nâu sẫm. Nàng phải ngay thẳng thừa nhận rằng anh chàng rất bảnh trai. Một cách phong trần như kiểu người Yankee thường vậy.
Trong khi cầm lên một cái mũ lụa trắng, kết hoa hồng bằng xa tanh và viền đăngten trắng, Adrienne tự hỏi anh ta ở trong tiệm bà Simone làm gì. Nàng nhớ có nghe tiếng mở cửa, nhưng không biết anh ta đã đi vào một mình hay cùng đi với ai. Anh ta đi cùng với vợ chăng? Hay em gái? Hay cô gái làng chơi của anh ta? Điểm chót này có vẻ có nhiều khả năng hơn cả. Con người anh ta có một vẻ phiêu bạt bất lương, thực đây anh dám làm những chuyện công khai xuất hiện với một loại phụ nữ như thế.
Adrienne kín đáo liếc nhìn quanh tiệm, xoay đầu qua lại như thể ngắm nghía cái mũ lụa đang đội, trong khi đó nhìn hết quanh phòng. Nhưng không, không có ai cả ngoài cô Zee Zee đang dừng lại ở quầy, nói chuyện với một người bán hàng, kiên nhẫn chờ cô quyết định dứt khoát nên mua đôi găng tay nào. Làm như cặp găng tay giúp được gì thêm cho bề ngoài của cô, Adrienne nghĩ thầm và chót thương hại cho người phụ nữ đã nuôi nấng nàng từ bé. Cô Zee Zee đáng thương và thừa hưởng của ông nội cái mũi rất to, một nét cao quý ở trên mặt ông, nhưng trên mặt cô thì… Adrienne hiểu tại sao cô nàng đã thích uống thứ rượu màu xanh ngọc đến thế.
Nàng nhìn lại bóng mình trong gương, và thắc mắc với câu hỏi trước đó: anh chàng Yankee kia đến tiệm bà Simone, một mình, để làm gì? Anh ta có công việc với bà chủ tiệm chăng? Nhưng việc gì? Anh ta ăn mặc sang trọng quá để có thể nghĩ là một thương gia, và anh ta đã không hỏi về bà chủ tiệm, đang vào xưởng cắt may ở phía trong để lo sửa sang cái gì đó.
Tò mò, Adrienne lại liếc nhìn bóng anh ta trong gương. Mặt nàng lại bắt gặp mắt anh ta, và lại thấy anh ta khẽ lắc đầu, chê cái mũ nàng đang thử. Tuy nhiên, Adrienne vẫn giả vờ không để ý đến anh ta. Nàng biết đơn giản hơn cả là dời qua một tấm gương khác, nhưng làm vậy có nghĩa là thừa nhận nàng đã biết anh ta chú ý đến nàng, và nàng không muốn cho anh ta tự mãn vì biết nàng đã bị ảnh hưởng vì sự có mặt của anh ta. Tốt hơn là luôn luôn làm ra vẻ như không biết đến cái anh chàng Yankee ấy.
Thế nhưng nàng lại nảy ra ý nghĩ muốn làm một việc ngược đời là thử một cái mũ xấu xí có vành, được người ta đặt cho cái tên thật thích hợp là cái “mũ kỳ cục”. Nhìn trong gương, nàng thấy nó xấu thật, và còn hơn thế nữa. Nàng cho phép mình mỉm cười một tí xíu và liếc nhanh vào bóng người Mỹ trong gương. Cặp mắt của anh ta nhìn xuống như muốn che giấu sự buồn cười, trong khi môi anh ta nhếch lên mỉm cười, làm lộ ra hai nếp nhăn rất hấp dẫn ở hai má. Anh ta lại lắc đầu, nhưng lần nay có vẻ tức cười nhiều hơn.
Cố giấu nụ cười mỉm của mình, Adrienne gỡ cái mũ ra và đội lên một cái nón trước đó đã thu hút nàng. Có kiểu tinh vi hơn một chút, với một tấm mạng buông xuống nửa chừng từ vành nón, tạo nên một hiểu quả hơi mạnh mẽ. Nàng ưa nó ngay, và chắc chắn rằng ngay cả anh chàng Yankee kia cũng phải ưa. Nhưng khi nhìn lại bóng anh ta trong gương để xem phản ứng của anh, thì anh ta không còn đấy nữa! Sửng sốt, Adrienne liếc nhanh về phía sau lưng, nhưng anh ta không còn ở chỗ cũ. Nàng chợt ý thức mình làm gì, và đứng ngay lại trước tấm gương, cảm thấy vô cùng thất vọng. Một giây sau, nàng càng sửng sốt hơn vì thấy anh ta hiện ra trước mặt nàng, cạnh tấm gương. Nàng ý thức tột độ tim mình đập nhanh, vì sửng sốt thấy anh ta đứng đấy, dĩ nhiên, chứ làm gì có lý do nào khác.
- Cái nón ấy rất hấp dẫn – Anh ta nói tiếng Pháp với giọng Mỹ rõ rệt, giọng trầm – Nhưng khổ nỗi, nó che mất đôi mắt của cô. Và tôi chắc có người nói với cô trước đây rằng cô có đôi mắt rất đẹp, đen và sáng như mặt biển một đêm không trăng.
Nàng không trả lời, thẳng thắng mà nói, nếu nàng trả lời, Brodie có lẽ đã ngạc nhiên. Các cô gái Creole có gia giáo không đời nào tiếp chuyện người lạ, và rõ ràng nàng là người có gia giáo. Nhưng nàng không cần phải nói chuyện với chàng, nàng có một gương mặt rất sống động, và cử chỉ của nàng biểu lộ những gì nàng không nói ra.
Nàng đã lấy lại bình tĩnh thật nhanh sau khi sượng sùng lúc đầu vì thấy anh ta ở quá gần. Không đỏ mặt vì ngượng nghịu, hay hoảng hốt trong ánh mắt. Còn hơn thế nữa, không có chuyện quay ngoắt bỏ đi và tỏ ra bực tức. Nàng đã ở yên tại chỗ. Vì tức khí? Hay vì kiêu hãnh? Vì hiếu kỳ? Brodie không quan tâm lý do chính là gì. Miễn là nàng ở đó, và nghe chàng nói, dù nàng có làm ra vẻ dửng dưng đến mấy.
Cái nón có tấm mạng được thay bằng một nón rơm rộng vành kiểu cô gái chăn cừu, màu trắng, có một vòng hoa quanh chóp và những dải xa tanh màu hồng rủ xuống hai bên. Thay vì biến nàng thành một thiếu nữ trinh trắng, cái nón làm cho nàng càng có vẻ khêu gợi. Thế nhưng, nàng không có vẻ gì làm đỏm cả.
Lần này, Brodie ra mặt lắc đầu phản đối:
- Tôi công nhận cái vành nón che nắng cho cô, nhưng nó buộc đàn ông phải ngừng lại ở một quãng cách xa cô. Nếu là tôi, và cô đi với tôi, tôi không muốn cô đội cái nón ấy.
Một lần nữa, câu nói của chàng được đáp lại bằng sự im lặng. Nàng bỏ cái nón rơm ra và thử bằng một cái mũ trùm đầu có gắn những lông đà điểu rũ xuống hai bên. Brodie cau mặt tỏ vẻ bất đồng ý một cách hơi cường điệu.
- Cái đó chắc chắn sẽ chọc vào mũi đàn ông và thay vì nói thì thầm, anh ta sẽ hắt xì hơi.
Khoé môi nàng khẽ nhếch lên như khẽ mỉm cười, dấu hiệu duy nhất câu nói của chàng đã làm nàng buồn cười. Brodie không cần có dấu hiệu gì khác.
Khi giở cái nón ra, nàng đưa tay buột lại mậy sợi tóc bung ra vào lại chỗ, khiến chàng nhìn theo và thấy mái tóc đen bóng của nàng, rẽ ngôi ngay giữa, kéo sát về phía sau, và búi lại thành một búi nhỏ ở gáy.
- Tôi xin nói thẳng thắng rằng, tóc cô không nên che giấu dưới cái mũ bất cứ loại gì, thưa cô. Tự nó đã là một món trang sức, và giống như một màn đêm lấp lánh ánh sao – Chàng nói trong khi nàng với tay lấy một cái mũ khác – Che khuất một vẻ đẹp như vậy là có tội.
Nàng điềm nhiên đội lại cái mũ trùm đầu bằng nhung, màu nó lộng lẫy ăn với màu cái áo dài của nàng mặc đi phố. Không một lần nhìn anh ta, nàng bắt đầu buộc cái dải đang rủ xuống dưới cằm chung với một chùm hoa giả.
Bà Simone từ sau tiệm bước ra, liếc một cái vào Brodie, và nhào tới. Mắt bà diễn tả nhiều vẻ, từ khủng khiếp sang giận dữ, đến hoảng hốt và tức tối.
- Thưa cô, tôi rất tiếc vì đã chậm trễ – Bà ta nói, lúng búng – Nếu ông này đã làm phiền cô trong khi tôi không có ở đây…
- Trái lại, bà Simone – Cuối cùng nàng lên tiếng, bằng tiếng anh rất chuẩn, với giọng dịu dàng và dè dặt, làm Brodie nghĩ thầm nàng có thể bắt đàn ông làm theo ý muốn một cách dễ dàng – Tôi e rằng chính tôi đã làm phiền ông ta.
Brodie phì cười và cố nén khỏi phải cười phá lên vì câu nói rất khôn ngoan và lại khiêu khích. Đúng là nàng đã làm phiền chàng… một cách vô cùng thích thú.
- Xin cáo từ, bà Simone, tôi chắc cô tôi đã mua xong đồ – Nàng nói tiếp.
Nàng quay lại, bước đi rất duyên dáng. Bà Simone định chạy theo nàng, nhưng Brodie giữ tay bà lại:
- Giới thiệu tôi đi!
- Quỷ thần ơi! Ông không thấy rằng… - Bà ta lẩm bẩm hoảng hốt phản đối.
- Giới thiệu dùm tôi đi mà! – Chàng lặp lại bằng giọng hạ thấp xuống và đưa gói đồ đang cầm lên – Bà hãy giới thiệu tôi, nếu không, những bản vẽ này sẽ nằm ở đáy sông Mississippi thay vì ở xưởng cắt may của bà sau nhà. Và tôi cho bà biết, chiếc Sao biển bị hư hỏng sau khi gặp bão, đã khó nhọc lắm mới tới được Havana, và hiện nay còn ở đó sửa chửa ít nhất phải một tuần nữa mới xong. Có nghĩa là ít nhất một tuần nữa bà Trussard, là cửa hàng cạnh tranh với bà, mới nhận được các bản sao của bà ta vẽ các kiểu mũ mốt mới nhất.
- Một tuần! – bà ta thở phào đầy phấn khởi.
- Giới thiệu tôi đi!
Bà ưỡn thẳng người lên, nếu còn chút nào dè dặt không muốn nghe lời chàng, thì cũng bị dẹp tan bởi viễn ảnh ít nhất là một tuần lễ đối với tiệm cạnh tranh với bà. Quay lại, bà nở một nụ cười thật tươi rói cùng chàng đi đến phía cô gái và bà lớn tuổi đi theo kèm, mặt không giống cô ta chút nào. Bà ta nói:
- Ông Donovan, cho phép tôi giới thiệu bà Jardin và cháu gái của bà, cô Adrienne Jardin. Thưa bà và cô, đây là ông Brodie Donovan. Ông ấy là chủ nhân công ty tàu thuỷ Crescent.
Bà Jardin nhìn chàng, vẻ rầu rĩ:
- Ông là một Yankee?
- Rất tiếc là vậy. Đó là một tai biến ngoài khả năng kiểm soát của tôi. Tôi hy vọng bà và cô không trách tôi vì đã sinh ra trong giới đó.
Chàng cúi rạp xuống để chào từng người và bắt gặp nụ cười vui thú, đồng tình của Adrienne Jardin. Ánh mắt của nàng nói lên sự chú ý rõ rệt.
- Hân hạnh, ông Donovan – nàng gật đầu chào lại.
- Vâng, rất hân hạnh, ông Donovan – Người cô lặp lại không mấy sốt sắng – Bây giờ chúng ta phải chia tay.
- Hẹn gặp lại… chúng ta sẽ có dịp gặp nhau lại – Brodie nói, chàng nhìn thẳng vào Adrienne Jardin khi nói, và nhận thức rõ chàng sẽ phải gặp nhiều thử thách lòng kiên nhẫn về những cung cách đối xử thận trọng và luôn đúng đắn của xã hội Creole. Chàng nhìn theo người cùng người cô ra về, rồi quay lại bà chủ tiệm:
- Jardin. Tôi đã nghe tên ấy ở đâu rồi?
- Đó là tên ông Emil Gaspard Jardin, lẽ tất nhiên. Người ta thầm bảo nhau là ông ta làm chủ một nửa khu phố “cổ thành” và nửa tá đồn điền dọc theo sông. Adrienne là cháu gái của ông ta – Bà đáp, và đưa bàn tay ra – Ông đã được giới thiệu như ý ông, tuy rằng chưa biết có lợi gì không. Cho tôi gói đồ.
Brodie trao cái gói cho bà ta:
- Do đâu bà nghĩ rằng sẽ không có lợi gì cho tôi?
Bà ta vừa xé giấy gói các bản vẽ ra, vừa nói:
- Ông đã nghe bà cô giống như con quạ ấy nói ông là một Yankee. Còn Emil Jardin thì bám chặt các thái độ xưa cũ đối với “người Mỹ”.
- Để xem – Chàng biết thế nào cũng luôn luôn có một cách. Luôn luôn có cách.
Để bà Simone đứng đấy xem các bản vẽ, Brodie ra khỏi cửa tiệm và dừng lại ở vỉa hè để nhìn theo hình dáng của nàng mặc chiếc áo nhung. Tiếng đàn vĩ cầm của Cado lọt vào tai chàng. Chàng quay lại, băng qua đường đến bên người mù đánh đàn.
- Cado, ông Emil Jardin, nhà ông ta ở đâu?
- Ông muốn biết về ông ấy à? – Sửng sốt, ông già mù để lỗi một nhịp.
- Tôi muốn biết về cô cháu gái của ông ta tên là Adrienne, mọi cái ông có thể tìm cho ra cơ mà! Cô ta có thường đi chợ không? Nếu có, thì lúc nào? Có giờ nào nhất định không? Rạp hát, rạp nhạc kịch, cô ta thường ngồi ở đâu? Cô ta thường nhận những lời mời gì? Cô sẽ tham dự những buổi khiêu vũ nào và dạ hội hoá trang nào? Tôi muốn có ngay vài giờ cụ thể.
- Nhưng mà chi tiết như vậy thì…
- Các người ở trong nhà sẽ biết, và có thể khuyến khích họ nói.
Lần này chàng không bỏ đồng bạc vào mũ của lão. Chàng gấp mấy tờ giấy bạc lại nhét vào túi áo của lão ta.
Vũ Hội Hoá Trang Vũ Hội Hoá Trang - Janet Dailey Vũ Hội Hoá Trang