Sometimes the dreams that come true are the dreams you never even knew you had.

Alice Sebold

 
 
 
 
 
Tác giả: Robert Van Gulik
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Chinese Lake Murders
Dịch giả: Phước Lộc
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1638 / 47
Cập nhật: 2015-08-01 18:22:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: Địch Công Kiểm Tra Thư Viện Của Người Tú Tài Cuộc Khám Nghiệm Tử Thi Trong Ngôi Chùa Bỏ Hoang
rong hành lang tòa án, Địch công nói với Mã Tông:
- Hãy bảo những bộ đầu chuẩn bị kiệu để ta đi đến nhà của giáo sư Đặng và bảo bốn người khác đi đến ngôi chùa phật giáo, chuẩn bị tất cả mọi thứ cho việc khám nghiệm tử thi. Ta sẽ đến đó ngay sau khi xong việc với vị giáo sư.
Sau đó ông bước vào văn phòng riêng của mình.
Lão Hồng bước đến bàn để pha một tách trà cho quan án. Triệu Thái vẫn đứng chờ cho đến khi Địch công ngồi xuống. Nhưng quan án chắp tay sau lưng và bắt đầu đi lại trong phòng, vừa đi vừa cau mày suy nghĩ. Ông chỉ dừng lại khi lão Hồng đưa tách trà cho ông. Ông uống một vài ngụm sau đó nói:
- Ta không thể tưởng tượng nổi là Lưu Phi Bộ lại có thể đưa ra một lời buộc tội mà ta phải thừa nhận là tuyệt vời! Việc vội vã tẩn liệm thi thể làm cho người ta phải nghi ngờ nhưng bất kỳ một người đàn ông có lý trí nào thì việc đầu tiên cần làm là phải khám nghiệm tử thi thay vì chạy đi cáo buộc tội ác một cách nghiêm trọng như thế! Và đêm qua thì Lưu đã tạo cho ta một ấn tượng ông ta là người đàn ông rất bình tĩnh và tự tin.
- Lúc nãy trong công đường ông ta nhìn tôi như thể là chúng ta không tồn tại vậy, thưa đại nhân – lão Hồng nhận xét – Tôi thấy tay ông ta run rẩy và mồm thì chảy nước bọt!
- Lời buộc tội của ông Lưu hoàn toàn vô lý! – Triệu Thái kêu lên – Nếu Lưu tin rằng giáo sư là người đàn ông hèn hạ thì tại sao lại kết thông gia với ông ta? Ông ta không có vẻ là loại người đàn ông để cho vợ và con gái dắt mũi! Và ông ta có thể dễ dàng đơn phương hủy bỏ hôn ước!
Địch công trầm ngâm gật đầu.
- Có lẽ có một điều gì đó đằng sau cuộc hôn nhân này mà ta chưa biết! – ông nói – Và ta phải nói rằng giáo sư Đặng, mặc dù than thở về tai họa giáng xuống ngôi nhà của mình nhưng dường như ông ta hoàn toàn bình tĩnh!
Mã Tông bước vào và thông báo là kiệu đã sẵn sàng. Địch công bước ra sân, theo sau là ba phụ tá của ông.
Giáo sư Đặng sống trong một ngôi biệt thự biệt lập xây dựng sát sườn núi phía tây của tòa án.
Người quản gia mở cánh cửa đôi nặng nề và kiệu của Địch công đi vào bên trong sân.
Vị giáo sư bước đến cúi đầu làm lễ và dẫn quan án cùng lão Hồng đến phòng khách. Mã Tông và Triệu Thái ở lại trong sân cùng với người đội trưởng và hai bộ đầu.
Trong khi ngồi đối diện với vị giáo sư tại bàn uống trà, ông lặng lẽ quan sát vị chủ nhà. Giáo sư Đặng là một người đàn ông cao ráo với khuôn mặt thông minh. Ông ta cỡ khoảng năm mươi tuổi, quá trẻ để hưu trí. Ông lặng lẽ rót một tách trà cho quan án, sau đó ngồi xuống và chờ đợi vị khách đặc biệt của mình bắt đầu cuộc trò chuyện. Lão Hồng vẫn đứng đằng sau ghế của Địch công.
Quan án nhìn vào giá sách đặt sát tường và hỏi về đối tượng văn học mà giáo sư quan tâm đặc biệt. Giáo sư Đặng, sau một lúc suy nghĩ đã đưa ra một lời giải thích ngắn gọn về nghiên cứu của mình đối với văn học cổ đại. Câu trả lời của ông về những vấn đề mà Địch công đặt ra đã chứng minh ông hoàn toàn làm chủ về đề tài này. Ông đã có một số nhận xét khá độc đáo về tính xác thực về những tranh luận mà ít người biết đến. Mặc dù người ta có thể đặt câu hỏi về vấn đề đạo đức của giáo sư nhưng không thể phủ nhận được ông ta là một học giả lớn.
- Tại sao – quan án hỏi – ông vẫn còn khá trẻ khi từ bỏ chiếc ghế giáo sư của ông trong trường học Ngôi đền Khổng Tử? Nhiều người vẫn còn giữ vị trí đó cho đến khi họ bảy mươi tuổi hoặc thậm chí lớn hơn.
Giáo sư Đặng nhìn quan án một cách nghi ngờ. Ông trả lời cứng nhắc:
- Tôi thích dành tất cả thời gian để nghiên cứu cho riêng tôi. Ba năm qua tôi giới hạn việc giảng dạy của tôi cho hai lớp học tại nhà của tôi về văn học cổ điển cho một vài học sinh tiên tiến.
Địch công đứng lên và cho biết ông muốn thấy hiện trường của tấn thảm kịch.
Vị giáo sư lặng lẽ gật đầu. Ông dẫn hai vị khách của mình qua một hành lang để đến sân thứ hai và đứng trước một cánh cửa hình tròn để mở. Ông chậm rãi nói:
- Phía trong là khoảng sân tôi đã giao cho con trai tôi. Tôi đã ra lệnh không ai được vào đó cho đến khi quan tài được chôn cất.
Giáo sư Đặng dẫn Địch công và lão Hồng đến thư viện
Bên trong là một khu vườn nhỏ. Ở trung tâm là một chiếc bàn bằng đá mộc mạc, hai bên là hai khóm tre xào xạc những chiếc lá màu xanh làm giảm đi cái nóng ngột ngạt.
Khi bước qua cánh cổng hẹp, giáo sư Đặng mở cánh cửa bên trái và dẫn họ vào một thư viện nhỏ. Nó chỉ có một bàn làm việc đặt phía trước cửa sổ và một chiếc ghế bành cũ. Giá sách chất đầy những quyển sách và cuộn bản thảo. Vị giáo sư nhẹ nhàng nói:
- Con trai tôi rất thích thư viện nhỏ của mình. Nó đã chọn bút danh là Trúc Lâm thư sinh mặc dù khóm tre bên ngoài khó có thể gọi là một khu rừng tre!
Địch công bước vào trong và kiểm tra những quyển sách đặt trên giá sách. Giáo sư Đặng và lão Hồng vẫn đứng chờ bên ngoài. Quan án quay người lại và làm như tình cờ nhận xét với giáo sư Đặng:
- Ta thấy ông đã có sự chọn lựa những quyển sách bổ ích cho con trai ông. Thật là đáng tiếc khi anh ta cũng quan tâm đến những cô gái ở khu phố Cây Liễu!
- Người nào - giáo sư Đặng kêu lên một cách giận dữ - có thể đưa cho đại nhân những thông tin sai lệch như thế. Con trai của tôi được quản lý rất chặt chẽ, nó không bao giờ ra khỏi nhà vào ban đêm. Ai đã nói lên một điều vô lý như thế?
- Ta nghĩ là ta đã nghe về điều này ở đâu đó – Địch công trả lời một cách mơ hồ - Ta có thể hiểu lầm ý của người nói. Vì con trai của ông là một học giả siêng năng theo như ông nói nên ta cho rằng anh ta viết chữ rất đẹp?
Giáo sư chỉ vào một đống giấy tờ trên bàn làm việc và nói cộc lốc:
- Đó là bản thảo của con trai tôi bình luận về Luận ngữ của Khổng Tử, đó là những dòng chữ cuối cùng nó đã viết.
Địch công liếc qua bản thảo.
- Một nét chữ rất biểu cảm – ông vừa nhận xét vừa bước ra cổng.
Vị giáo sư đưa họ đến căn phòng đối diện. Ông ta dường như vẫn còn rất bực mình với nhận xét của quan án về cuộc sống ăn chơi của con trai ông. Khuôn mặt ông lộ rõ vẻ cáu kỉnh khi ông nói:
- Nếu đại nhân đi theo hành lang này ngài sẽ thấy cánh cửa phòng ngủ. Ngài cứ đi xuống đó, tôi sẽ chờ ở đây.
Địch công gật đầu. Ông cùng với lão Hồng đi ngang qua hành lang thiếu sáng. Cuối cùng họ nhìn thấy một cánh cửa khép hờ. Quan án mở ra và quan sát căn phòng tối mờ mờ. Căn phòng khá nhỏ và chỉ được chiếu sáng bởi ánh sáng mặt trời thông qua lớp giấy dán màu trắng mờ của cánh cửa sổ duy nhất.
Lão Hồng thì thầm với vẻ hào hứng:
- Như vậy anh chàng tú tài họ Đặng này chính là người yêu bí mật của Hạnh Hoa!
- Và anh ta cũng biến mất tăm! – Địch công trả lời một cách gắt gỏng – Chúng ta đã tìm thấy người ký tên là Trúc Lâm thư sinh và ngay lập tức mất dấu anh ta! Có một điểm làm ta thắc mắc là chữ viết tay của anh ta khác hoàn toàn với chữ ghi trên bức thư tình.
Ông cúi xuống quan sát sàn nhà rồi nói tiếp.
- Hãy nhìn xem, có một lớp bụi trên sàn nhà. Rõ ràng là vị giáo sư đã nói thật khi ông ta nói rằng không có ai bước vào căn phòng này sau khi thi thể của Nguyệt Tiên đã được mang đi.
Quan án nhìn một lúc vào chiếc ghế dài kê sát tường. Tấm thảm trải trên đó có một số đốm màu đỏ và đen. Bên phải có một chiếc bàn trang điểm, bên trái là một đống hộp đựng quần áo. Bên cạnh chiếc ghế dài là một bàn uống trà nhỏ với hai cái ghế. Không khí trong phòng rất tù túng.
Địch công bước đến cánh cửa sổ để mở nó ra. Nhưng cánh cửa đã bị khóa bởi một thanh cài phủ đầy bụi. Ông rất khó khăn để rút thanh cài ra. Qua song sắt cửa sổ ông nhìn thấy một góc của khu vườn được bao quanh bởi một bức tường cao bằng gạch. Có một cánh cửa nhỏ dường như để cho đầu bếp sử dụng khi vào khu vườn hái rau.
Quan án lắc đầu với vẻ bối rối. Ông nói:
- Cánh cửa chính đã bị khóa bên trong, bác Hồng, cánh cửa sổ có song sắt vững chắc và chắc chắn không được mở ra trong một vài ngày gần đây. Có trời mới biết làm thế nào mà anh chàng tú tài họ Đặng có thể rời khỏi căn phòng này trong cái đêm định mệnh đó?
Viên chấp sự bối rối nhìn quan án.
- Thật là khó hiểu – ông nói sau một lúc do dự - có lẽ căn phòng này có một cánh cửa bí mật, thưa đại nhân!
Địch công nhanh chóng đứng lên. Họ đẩy chiếc ghế cách xa bức tường và bắt đầu tìm kiếm thật kỹ lưỡng bức tường và sàn nhà nơi đặt chiếc ghế. Sau đó, họ cũng tìm kiếm ở các bức tường còn lại và toàn bộ sàn nhà nhưng không có kết quả.
Địch công quay lại chỗ ngồi của mình. Vừa phủi bụi trên đầu gối ông vừa nói:
- Quay trở lại phòng khách, bác Hồng, và ra lệnh cho giáo sư viết ra cho ta một danh sách những người quen của ông ta và con trai ông ta. Ta sẽ ở lại một lúc để xem xét nơi đây.
Sau khi viên chấp sự đi khỏi, Địch công khoanh tay lại suy nghĩ. Như vậy bây giờ lại xuất hiện một câu đố mới cần được giải quyết. Trong vụ án người vũ công bị giết ít nhất có một số nghi phạm có liên quan. Động cơ gây án rất rõ ràng, những kẻ giết người không muốn cô ta cảnh báo với thẩm phán về một âm mưu bí mật. Có bốn kẻ tình nghi. Một cuộc điều tra về mối quan hệ của họ với người kỹ nữ bị giết sẽ xác định được danh tính của thủ phạm và sau đó là âm mưu bí mật đó là gì cũng sẽ được tiết lộ. Cuộc điều tra đang được tiến hành thì bất ngờ lại nảy sinh một vụ án khác, trong vụ án này có hai nhân vật chính và cả hai đều đã chết! Và đây chưa phải là hết! Vị giáo sư có vẻ lập dị nhưng ông ta không có vẻ là một người háo sắc. Mặt khác, tên lừa đảo Quan Duy Phong tuy thường hay gian dối nhưng chắc không dám nói dối trước tòa án về trường hợp của con gái mình. Nhưng không lẽ vị giáo sư dám nói dối ông khi khẳng định con trai ông ta chưa từng đến phố Cây Liễu. Giáo sư Đặng thừa thông minh để hiểu rằng những điều như thế rất dễ dàng kiểm tra. Có lẽ vị giáo sư đã có một mối tình với người kỹ nữ và sử dụng bút danh của đứa con trai trong các bức thư tình của ông ta! Ông ta không còn trẻ nữa nhưng ông ta có một cá tính mạnh mẽ và có trời mới biết được sở thích của phụ nữ với người tình của mình. Trong trường hợp này họ sẽ so sánh nét chữ viết tay của giáo sư trên các văn bản với những bức thư tình, danh sách mà lão Hồng thu thập được sẽ cung cấp cho họ một đầu mối. Nhưng giáo sư không thể giết chết người vũ công bởi vì ông ta không có mặt trên tàu! Chẳng lẽ sau tất cả tình yêu với người vũ công ông không có việc gì để làm mà phải giết người yêu của mình.
Địch công xoay trở trên chiếc ghế đang ngồi. Đột nhiên ông có cảm giác khó chịu như là có ai đang theo dõi mình. Ông quay người lại về hướng cửa sổ đang mở.
Một khuôn mặt hốc hác, xanh xao đang nhìn ông với đôi mắt mở to.
Quan án đứng lên và chạy đến cửa sổ nhưng ông vấp chân vào chiếc ghế đặt gần bàn uống trà. Ông lồm cồm bò dậy và chạy đến cửa sổ chỉ để kịp nhìn thấy cánh cửa ở bức tường trong khu vườn mở ra.
Ông vội vã chạy đến sân trước và ra lệnh cho Mã Tông cùng Triệu Thái tìm kiếm ở đường phố bên ngoài một người đàn ông có chiều cao trung bình và cạo trọc đầu như một nhà sư. Sau đó ông bảo đội trưởng tập hợp tất cả mọi người trong nhà ở phòng khách và sau đó lục soát toàn bộ ngôi nhà để chắc chắn rằng không còn ai ẩn nấp trong nhà. Ông chậm rãi bước vào phòng khách với đôi lông mày nhíu lại vì suy nghĩ.
Lão Hồng và giáo sư Đặng chạy đến để xem những lộn xộn vừa xảy ra. Địch công bỏ qua những câu hỏi của họ. Ông hỏi giáo sư Đặng cộc lốc:
- Tại sao ông không nói cho ta biết có một cánh cửa bí mật trong phòng cô dâu?
Vị giáo sư nhìn chằm chằm vào quan án với vẻ ngạc nhiên không giấu diếm.
- Một cánh cửa bí mật? – ông hỏi – Làm sao mà tôi, một học giả về hưu sống trong thời đại hòa bình, lại cần một cánh cửa bí mật và nhất là tôi là người đứng ra giám sát việc xây cất ngôi nhà này? Tôi đảm bảo với đại nhân không thể nào có cánh cửa bí mật trong toàn bộ ngôi nhà này!
- Trong trường hợp này – Địch công nói một cách khô khan – ông tốt hơn hãy giải thích làm thế nào mà con trai của ông có thể rời khỏi căn phòng. Cánh cửa sổ duy nhất của căn phòng thì bị đóng và có chấn song và cánh cửa chính thì bị khóa từ bên trong.
Vị giáo sư vỗ tay lên trán. Ông nói một cách khó chịu:
- Tôi thậm chí còn không nghĩ đến điều đó!
- Ta sẽ cung cấp cho ông một cơ hội để ngẫm nghĩ về câu đố đó – quan án nói cộc lốc – Cho đến khi có thông báo mới ông không được rời khỏi căn nhà này. Bây giờ ta sẽ đi đến ngôi chùa Phật giáo và khám nghiệm thi thể của Nguyệt Tiên. Ta cho là việc này cần thiết vì lợi ích của công lý, vì vậy ông đừng tạo thêm rắc rối cho mình bằng cách phản đối!
Giáo sư Đặng có vẻ giận dữ. Nhưng ông cố gắng kiềm chế bản thân mình. Ông quay lại và rời khỏi phòng mà không nói lời nào.
Đội trưởng dồn khoảng một chục người đàn ông và phụ nữ vào phòng khách.
- Đó là tất cả những người trong nhà này! – ông ta tuyên bố.
Địch công nhanh chóng quan sát những người này. Không ai giống với người mà ông thấy bên ngoài cửa sổ. Ông đặt câu hỏi với người hầu gái về cách thức cô ta cố gắng đánh thức cặp vợ chồng mới cưới, nhưng câu trả lời của cô ta trùng khớp với lời khai của vị giáo sư.
Khi quan án cho họ lui ra, Mã Tông và Triệu Thái bước vào. Vừa lau mồ hôi trên trán một trong hai người vừa nói:
- Chúng tôi đã tìm kiếm toàn bộ khu phố, thưa đại nhân, nhưng không có kết quả. Chúng tôi tìm thấy một người bán nước chanh ngồi ngủ gục cạnh giỏ hàng của anh ta. Bởi vì buổi trưa nóng nực nên đường phố rất vắng vẻ. Cạnh cửa vườn chúng tôi tìm thấy hai bó củi rõ ràng là của một người nào đó nhưng anh ta đã hoàn toàn biến mất.
Địch công nói với họ về người đàn ông lạ mặt đã quan sát ông từ bên ngoài cửa sổ. Sau đó, ông ra lệnh cho đội trưởng đi đến nhà của Lưu Phi Bộ và ông chủ Quảng triệu tập họ đến ngôi chùa Phật giáo để làm chứng cho việc khám nghiệm tử thi. Mã Tông đi trước đến đó để sắp đặt các bộ đầu làm mọi việc theo thứ tự. Quay sang Triệu Thái, ông nói:
- Ngươi sẽ ở lại đây với hai bộ đầu và giữ cho giáo sư Đặng không rời khỏi nhà. Chú ý quan sát xem có ai giống với kẻ đã nhìn ta không!
Quan án đi đến kiệu của ông, vừa đi vừa giận dữ vung vẫy tay áo rộng của mình. Ông lên kiệu cùng với lão Hồng và đi đến ngôi chùa Phật giáo.
Khi bước lên bậc thềm rộng của cổng ngôi chùa thì Địch công nhận thấy cỏ dại đã mọc um tùm khắp sân chùa và những cây cột cao bằng sơn mài màu đỏ hai bên cánh cổng đã bong tróc loang lỗ. Ông nhớ lại đã nghe nói cách đây một vài năm những nhà sư của ngôi chùa đã bỏ đi và ngôi chùa bây giờ được một ông già trông coi.
Ông cùng lão Hồng đi qua một hành lang đổ nát để vào hội trường bên trong ngôi chùa. Tại đây ông gặp Mã Tông đang đứng đợi ông cùng với nhân viên điều tra và vài bộ đầu. Mã Tông giới thiệu ba người đàn ông khác là người lo chuyện mai táng và hai người giúp việc của ông ta. Bên phải là một bàn thờ trống không. Trước bàn thờ là cái quan tài đặt trên hai giá đỡ. Ở phía bên kia hành lang các bộ đầu đã đặt một cái bàn lớn để làm tòa án tạm thời, hai bên là hai cái bàn nhỏ cho người ghi chép. Trước khi ngồi vào bàn, Địch công gọi người mai táng và hai phụ tá của ông ta. Khi họ đã quỳ xuống, ông hỏi người mai táng:
- Ngươi có nhớ cánh cửa sổ phòng cô dâu, nơi ngươi rửa sạch xác chết, lúc đó đóng hay mở?
Người đàn ông nhìn với vẻ chết lặng hai phụ tá của mình. Một trong hai người phụ tá trả lời:
- Nó đóng kín, thưa đại nhân! Tiểu nhân muốn mở cánh cửa sổ vì trong phòng khá nóng nhưng thanh ngang cài cửa đóng quá chặt nên tiểu nhân không thể mở cửa ra được.
Quan án gật đầu. Sau đó, ông hỏi tiếp:
- Ngươi có nhận thấy dấu hiệu bạo lực khi rửa sạch xác chết? Vết thương, vết bầm tím hay những đốm đổi màu?
Người mai táng lắc đầu.
- Tôi rất ngạc nhiên vì có rất nhiều máu, thưa đại nhân, và do đó tôi kiểm tra rất kỹ thi thể. Nhưng không có vết thương, thậm chí không một vết xước! Tôi có thể nói thêm là cô gái có một thân thể khỏe mạnh. Cô ta rất mạnh khỏe so với những người cùng độ tuổi với cô ta.
- Có phải ngươi ngay lập tức bỏ thi thể vào quan tài sau khi rửa sạch và quấn nó lại bằng vải liệm? – Địch công hỏi.
- Đúng thế, thưa đại nhân. Ông Công ra lệnh cho chúng tôi bỏ thi thể vào một quan tài tạm thời bởi vì cha mẹ cô ta sẽ quyết định chôn cất cô ta khi nào và ở đâu. Cỗ quan tài này được làm bằng ván mỏng và không khó khăn gì để mở nắp quan tài ra.
Trong khi đó người nhân viên điều tra trải một tấm chiếu dày trên sàn nhà phía trước quan tài. Ông cũng đặt ở đó một chậu nước nóng.
Sau đó, Lưu Phi Bộ và ông chủ Quảng bước vào. Sau khi họ đã thi lễ với quan án, Địch công bước đến ngồi vào chiếc ghế bành phía sau bàn xử án. Ông đập bàn ba lần và tuyên bố:
- Đây là phiên tòa đặc biệt được thiết lập để điều tra về một số nghi ngờ phát sinh liên quan đến cái chết của Nguyệt Tiên, vợ của Đặng Hồ Bảo. Cỗ quan tài này sẽ được mở ra và nhân viên điều tra của tòa án sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi. Vì đây không phải là cuộc khai quật mà chỉ là phần tiếp theo của một cuộc kiểm tra sơ bộ nên không cần có sự đồng ý của cha mẹ người chết. Ta, thẩm phán nơi đây, tuy nhiên vẫn yêu cầu sự có mặt của Lưu Phi Bộ là cha ruột của người chết có mặt như một nhân chứng và ông chủ Quảng là người làm chứng thứ hai. Giáo sư Đặng không thể tham dự vì ông ta đã bị quản thúc tại nhà.
Quan án ra dấu và một bộ đầu thắp hai bó hương. Một bó anh ta đặt cạnh bàn của Địch công, bó còn lại anh ta đặt trong một chiếc bình đặt cạnh quan tài. Khi khói xám tràn ngập hội trường với mùi hương gắt của nó, Địch công ra lệnh cho người mai táng mở nắp quan tài.
Ông ta đưa đục vào dưới nắp quan tài. Người phụ tá của ông giúp ông ta mở nắp quan tài ra.
Khi hai người đàn ông nâng nắp quan tài lên, người mai táng bất ngờ lùi lại với hơi thở hổn hển. Người phụ tá thét lên một tiếng và để rơi nắp quan tài xuống sàn nhà.
Người nhân viên điều tra vội bước đến quan tài và nhìn vào bên trong.
- Một điều khủng khiếp đã xảy ra! – ông ta kêu lên.
Địch công đứng lên và vội vàng chạy đến bên ông ta. Sau khi nhìn vào đó ông giật mình lùi lại.
Trong quan tài là thi thể của một người đàn ông mặc quần áo đầy đủ.
Đầu của ông ta là một khối máu vón cục.
Vụ Giết Người Trên Chiếc Thuyền Hoa Vụ Giết Người Trên Chiếc Thuyền Hoa - Robert Van Gulik Vụ Giết Người Trên Chiếc Thuyền Hoa