Sometimes your joy is the source of your smile, but sometimes your smile can be the source of your joy.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Franz Kafka
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phùng Văn Tửu
Biên tập: Duy Vo
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12551 / 422
Cập nhật: 2015-08-31 15:47:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 Ở Nhà Thờ Lớn
. được giao trách nhiệm hướng dẫn đi thăm vài công trình nghệ thuật cho một ông người Ý, khách hàng Sộp của nhà ngân hàng và mới đến thành phố lần đầu tiên. Đó là một nhiệm vụ chắc chắn đã làm cho anh vô cùng vinh hạnh vào những thời điểm khác, nhưng lần này anh chỉ miễn cưỡng nhận lời, vì anh chỉ có thể cứu vãn được uy tín của anh ở nhà ngân hàng bằng những nỗ lực to lớn nhất. Các giờ phút nào anh không có mặt ở văn phòng đều khiến cho anh hết sức băn khoăn lo lắng; anh không còn được sử dụng thời gian làm việc của anh một cách hữu ích như xưa; bao tiếng đồng hồ trôi qua anh chỉ có thể làm ra vẻ như đương bận rộn; nỗi lo lắng của anh chỉ càng tăng lên khi anh vắng mặt ở ngân hàng. Lúc đó anh tưởng chừng nhìn thấy viên phó giám đốc, vẫn luôn rình mò, thậm thụt ra vào trong văn phòng của anh, ngồi vào bàn làm việc, lục soát các giấy tờ của anh, tiếp những khách hàng mà lâu nay anh vẫn giữ được quan hệ có thể nói là thân ái, làm cho họ xa lánh người vẫn thường góp ý cho họ, thậm chí còn tìm thấy trong công việc của ông đại diện những lỗi lầm mà bây giờ K. cảm thấy như chỗ nào cũng có và không sao tránh khỏi. Vì vậy, bất cứ lần nào người ta giao cho anh đi đâu để gặp một khách hàng nào đấy hay thậm chí một chuyến đi ngắn ngày - chuyện đó thường xuyên diễn ra luôn hoàn toàn do ngẫu nhiên trong những ngày gần đây - thì dù nhiệm vụ vẻ vang đến mấy, anh vẫn luôn luôn nghĩ rằng người ta chỉ tìm cách tống anh đi để kiểm tra công việc của anh hoặc người ta cho là có thể dễ dàng bất cần đến anh. Kể ra anh có thể thoát tất cả những nhiệm vụ ấy chẳng khó khăn gì lắm, nhưng anh không dám, bởi vì dù các nỗi lo sợ của anh chẳng có cơ sở bao nhiêu, từ chối khác nào là thú nhận có lo sợ. Vì vậy anh bao giờ cũng ra vẻ sẵn sàng nhận lời. Thậm chí, một ngày trước chuyến đi công cán vất vả kéo dài hai hôm, anh đã giấu không cho biết là bị cảm lạnh nặng để người ta đừng vịn cớ thời tiết xấu mà thay thế anh. Khi anh trở về, thần kinh hết sức căng thẳng, thì được biết là người ta giao cho nhiệm vụ đi tháp tùng ông khách hàng sụ người Ý. Lần này anh rất muốn từ chối, nhất là chẳng phải một công việc có tính chất nghiệp vụ gắt gao; nhiệm vụ tiếp tân mà anh phải hoàn thành cố nhiên là có tầm quan trọng lớn lao, nhưng không phải là đối với anh; anh biết mình chỉ có thể đứng vững được nhờ cái thắng lợi trong kinh doanh, và nếu anh không thành công ở đó, thì chẳng ai tính cho anh là đã làm cho cái ông từ nước Ý đến kia được vui sướng mê tơi; anh không muốn xa rời nơi làm việc của anh một ngày nào, vì quá lo ngại không thể trở về đấy được nữa, nỗi sợ hãi chính anh cũng thừa nhận là thổi phồng quá đáng, nhưng dù sao nó vẫn đè nặng lên anh. Tuy nhiên anh không kiếm được cớ gì có thể chấp nhận được, vốn kiến thực về tiếng Ý của anh không lớn nhưng đủ để hướng dẫn một khách du lịch, và nỗi bất hạnh chủ yếu là ở nhà ngân hàng ai cũng rõ anh hiểu biết ít nhiều về nghệ thuật, người ta còn phóng đại tầm quan trọng lên vì biết anh đã từng có một thời là thành viên ủy ban bảo vệ các công trình nghệ thuật của thành phố - thực ra đó cũng là lý do kinh doanh. Người ta biết ông khách hàng Ý rất ham thích nghệ thuật nên cho rằng chọn K. để đi tháp tùng là chuyện đương nhiên.
Sáng hôm ấy, thời tiết xấu và mưa lúc anh tới văn phòng, trong người đã bực dọc về cái ngày đương chờ đợi anh; anh đến từ bảy giờ để có thể giải quyết quáng quàng đôi ba công việc trong lúc chờ đợi ông khách. Anh thấy mệt kinh khủng vì đã thức suốt đến nửa đêm nghiên cứu cuốn ngữ pháp tiếng Ý để nhớ lại, và cái cửa sổ anh ngồi đã quá quen từ ít lâu nay thu hút anh mạnh hơn là bàn giấy, nhưng anh cưỡng lại sự cám dỗ và bắt tay vào công việc. Khốn nỗi, đúng lúc đó gã đầy tớ vào báo tin ngài giám đốc sai tới xem ông đại diện đã đến chưa và cho mời ông sang phòng tiếp khách, ở đấy ông người Ý đương đợi.
“Tôi sang ngay”, K. nói.
Anh nhét một cuốn từ điển nhỏ vào trong túi; tay cắp một tập an-bom những danh lam thắng cảnh của thành phố mà anh đã chủ tâm chuẩn bị cho ông khách nước ngoài rồi đi qua phòng phó giám đốc để sang phòng giám đốc. Anh mừng là đã đến sớm và khi nhà ngân hàng cần đến là có mặt ngay lập tức, vì thật ra ai có thể nghĩ anh lại tới sớm như thế.
Tất nhiên, văn phòng ông phó giám đốc vẫn còn vắng lặng như đương đêm; gã đầy tớ đã phải vào tìm chủ và chẳng thấy bóng ai.
Khi K. bước vào phòng khách, có hai vị đương ngồi trong những chiếc ghế bành sâu liên đứng dậy; ngài giám đốc mỉm cười tươi tỉnh, vui thích ra mặt khi thấy K. tới, và lập tức giới thiệu ngay, ông người Y bắt tay K. rất mạnh và vừa cười vừa nói về một người nào đó ngủ dậy từ lúc gà gáy. K. không hiểu rõ lắm điêu đó ám chỉ ai; ông người Ý đã sử dụng một từ lạ mà một lúc sau anh mới nắm được ý nghĩa. Anh đáp lại bằng vài câu xã giao lịch sự; khách lạ nghe thấy thế lại cười nữa, ông ta luôn tay vuốt vuốt bộ ria mép rậm màu xám xanh. Bộ ria ấy chắc là được xức nước hoa, nhìn thấy hầu như ai cũng muốn sờ muốn ngửi. Khi mọi người đã ngồi xuống và đã vào đề, K. luống cuống nhận thấy rằng anh chỉ nghe hiểu ông người Ý từng lúc. Khi ông ta nói thong thả, anh nắm được gần hết; nhưng đó chỉ là ngoại lệ! Phần lớn thời gian, lời lẽ từ miệng ông tuôn ra như suối; đồng thời đầu ông gật gù như lấy thế làm sung sướng lắm. Lúc ông nói liến thoắng như vậy, ông thường xuyên nói líu ríu một thứ thô ngữ chẳng còn gì là tiếng Ý đối với K., nhưng ngài giám đốc thì hiểu và nói thành thạo, điều đó lẽ ra K. phải dự kiến trước, vì ông khách hàng là người miền Nam nước Ý, nơi mà ngài giám đốc đã từng sống vài năm, K. nhận thấy anh thật khó lòng giao tiếp được với khách lạ mà tiếng Pháp nói cũng chẳng dễ hiểu gì hơn tiếng Ý! Đã thế bộ râu lại che không nhìn được đôi môi mấp máy có thể giúp thêm cho người nghe, K. bắt đầu dự kiến một lô những điều phiền phức, nhưng anh tạm thời thôi không cố nghe cho thủng nữa - cố gắng cũng vô ích khi ngài giám đốc có mặt đấy và nghe hiểu dễ dàng - và anh đành buồn rười rượi nhìn phong thái thoải mái của ông người Ý tuy ông ngồi lún sâu trong chiếc ghế bành; ông luôn tay lôi lôi kéo kéo chiếc áo vét tông chật bó lấy người và một lần ông giơ hai cánh tay lên và xoay xoay hai bàn tay để cố diễn tả một cái gì đó mà không tài nào hiểu rõ tuy anh đã ngả người về phía trước để quan sát chăm chú hơn. Cuối cùng, K. lại thấm mệt, anh chỉ còn theo dõi bị động, bằng cách quan sát một cách máy móc đôi mắt, những hiện tượng chuyển đổi ngôn từ, và giật mình thấy suýt nữa thì anh đứng lên, quay lưng bỏ đi vì anh đãng trí và mệt quá rồi. Nhưng cuối cùng ông người Ý nhìn đồng hồ của mình, đứng phắt ngay dậy, và sau khi từ biệt ngài giám đốc, ông bước tới sát bên K. đến nỗi anh phải lùi ghế lại để giữ cho cử động của anh được thoải mái. Ngài giám đốc chắc là đọc thấy trong đôi mắt nỗi khổ cực của anh trước mặt ông người Ý kia, nên liền xen vào câu chuyện một cách hết sức tế nhị, làm ra vẻ như chỉ góp ý kiến vặt vãnh, nhưng thực ra là giải thích vắn tắt với K. tất cả những gì ông khách hàng nói, còn ông ta thì cứ ngắt lời luôn.
Vì thế K. biết ông người Ý còn một số công việc phải giải quyết, và do thiếu thời gian nên ông bỏ ý định thăm tất cả những danh lam thắng cảnh; ông muốn tự giới hạn - nếu K. cũng tán thành; tùy anh quyết định - chỉ tham quan nhà thờ lớn, nhưng thật cặn kẽ. Ông rất lấy làm sung sướng được cùng đi với một ông vừa thành thạo vừa uyên bác - đấy là nói về K., nhưng khốn nỗi K. có để tai nghe đâu mà chỉ cốt sao nắm lõm bõm được vài ba lời của ngài giám đốc - và xin anh vui lòng có mặt ở nhà thờ lớn sau đây hai tiếng nữa, nghĩa là vào khoảng mười giờ, nếu lúc đó phù hợp với anh. Ông hy vọng có thể dứt khoát đến được vào lúc ấy.
K. trả lời tán thành, ông người Ý bắt tay ngài giám đốc, rồi bắt tay K., rồi lại bắt tay ngài giám đốc lần nữa, và ra về, cả hai người cùng tiên chân; ông chỉ hơi ngoái đầu về phía họ, nhưng vẫn nói luôn miệng; ở ngoài cửa, K. còn đứng lại thêm lúc nữa với ngài giám đốc, hôm ấy ngài có vẻ mệt nhọc hơn và thấy cần phải cáo lỗi với anh; ngài giữ K. lại sát bên cạnh và bảo anh rằng mới đầu ngài có ý định đích thân đi cùng với ông người Ý, nhưng - ngài không nêu lý do gì cụ thể hơn - nhưng rồi ngài thấy tốt nhất là nên cử K. đi.
Nếu K. không thật hiểu rõ ngay từ đầu, anh chẳng việc gì mà bối rối, chẳng mấy chốc anh sẽ hiểu ngay thôi, và nếu anh không nắm được hết mọi ý thì cũng chẳng phải là một nỗi bất hạnh to tát gì, vì ông người Ý có cần thiết là phải được anh hiểu lắm đâu. Vả chăng K. nói thạo tiếng Ý và rất tháo vát. Đến đấy K. ra về. Anh dùng thời gian còn lại để tìm trong từ điển và chép lại vào một quyển sổ tay những từ hiếm anh cần dùng để giải thích tòa nhà thờ. Đó là một việc làm chán kinh khủng. Người hầu mang thư từ đến, các nhân viên tới hỏi điều này điều nọ, thấy K. đương mải miết, nên đều dừng lại ở ngưỡng cửa, nhưng nếu chưa được nghe thưa trình thì cũng chẳng chịu đi, còn ông phó giám đốc, không muốn bỏ lỡ dịp quấy rầy K., nên cứ tới luôn, cầm lấy cuốn từ điển từ tay anh và lật trang này trang khác, rõ ràng chẳng để làm gì cả; các khách hàng xuất hiện trong bóng tối lờ mờ ở ngoài tiền sảnh mỗi lần cửa mở và ngập ngừng cúi đầu chào, vì họ muốn được anh nhìn thấy, nhưng lại không dám chắc là anh trông thấy họ. Cái vũ trụ cỏn con kia mà K. là trung tâm chuyển vận chung quanh anh trong lúc anh thu thập các từ ngữ cần dùng, tìm chúng trong tập từ điển, tập luyện phát âm và cuối cùng học thuộc lòng. Nhưng trí nhớ của anh, xưa kia tốt là thế, hình như đã bỏ rơi anh; đôi lúc anh căm tức cái ông người Ý kia làm anh vất vả thế này đến mức anh vùi cuốn từ điển vào đống giấy tờ với quyết tâm dứt khoát thôi không chuẩn bị nữa; nhưng chẳng mấy chốc anh lại nhận ra rằng dẫu sao cũng không thể cứ đi đi lại lại cùng một ông người ngoại quốc trước các tác phẩm nghệ thuật của tòa nhà thờ mà chẳng nói năng gì, thế là anh lại lôi cuốn từ điển ra và càng căm tức hơn.
Đúng lúc anh sắp ra đi - khi ấy là chín giờ rưỡi - thì có điện thoại gọi anh; đó là Leni tới chào anh và hỏi thăm tin tức của anh; K. cám ơn cô vội vã và bảo rằng anh không thể nói chuyện với cô thêm nữa; vì anh phải đi đến nhà thờ lớn.
“Đến nhà thờ lớn!”, Leni thốt lên.
- Đúng thế, - K. nói - đến nhà thờ lớn.
- Mà tại sao lại đến nhà thờ lớn? - Leni nói.
K. tìm cách giải thích chóng vánh cho cô hiểu, nhưng anh vừa bắt đầu thì K. đột nhiên nói:
“Người ta quấy rầy anh quá!”
Sự cảm thông K. không yêu cầu mà cũng chẳng hề chờ đợi ấy làm cho anh bục mình. Anh liền nói vắn tắt vài lời chào từ biệt; nhưng anh vừa bỏ ống nghe xuống vừa nói, nửa như với mình, nửa như với cô gái lúc ấy không còn nghe anh nói nữa:
“Phải, đúng thế, người ta quấy rầy tôi quá!”.
Song, thời giờ trôi qua, và bây giờ không khéo anh đến chậm mất. Anh phóng đi bằng ô-tô; đến lúc cuối cùng anh chỉ còn vừa đủ thời giờ nhở đến tập ảnh lúc sáng anh chưa có dịp đưa, và anh đi tìm nó. Anh giữ nó trên đùi, và trong suốt chặng đường, anh không ngừng sốt lòng sốt ruột gõ lên tập an-bom ấy. Tuy mưa đã ngót phần nào, thời tiết vẫn lạnh, ẩm và u ám, nhìn vào trong nhà thờ lờ mờ không rõ, và phải dừng lại lâu trên nền đá lát rét buốt ấy, chứng cảm lạnh của K. trở nên trầm trọng hơn nhiều.
Quảng trường nhà thờ lớn hoàn toàn không có ai. K. nhớ lại hồi còn nhỏ xíu anh đã để ý thấy các ngôi nhà quanh cái quảng trường hẹp này lúc nào cũng buông rèm kín mít. Vào một ngày thời tiết như hôm ấy, chuyện đó dễ hiểu hơn. Bên trong nhà thờ có vẻ cũng trống rỗng như ngoài quảng trường; chẳng ai có ý nghĩ đi nhà thờ vào giờ đó. Anh đi khắp gian bên và chỉ thấy một bà già choàng khăn kín quỳ trước tượng Đức Mẹ. Anh cũng thoáng thấy ở xa xa một người coi giữ đồ thờ chân bước khập khiễng đi mất hút vào một cái cửa trổ trong tường. K. đến đúng hẹn; anh vừa bước chân vào nhà thờ thì đồng hồ điểm mười tiếng, nhưng ông người Ý chưa có đấy. Anh liền quay trở về lối cửa chính, đứng đấy một lúc, lúng túng, rồi đi một vòng quanh nhà thờ dưới trời mưa để xem nhỡ ông khách của nhà ngân hàng biết đâu lại đợi anh ở một cửa khác. Anh không thấy ông khách đâu cả. Ngài giám đốc nhầm giờ chăng? Nghe hiểu cho được ông người Ý ấy đâu phải chuyện chơi! Dầu sao K. cũng phải đợi ít nhất nửa giờ nữa. Vì mệt quá, anh tìm chỗ ngồi và trở vào trong nhà thờ, thấy ở trên bậc một mảnh thảm con, liên dùng đầu mũi giày đẩy tới sát chân chiếc ghế dài gần nhất; anh muốn quấn chặt mình hơn trong chiếc áo măng tô, lật cổ áo lên và ngồi xuống. Anh mở quyển an-bom ra, giờ xem cho đỡ buồn, nhưng đành lại gấp vào ngay, vì tối quá, nhìn gian bên nhà thờ chỗ gần nhất cũng không nhìn rõ các chi tiết.
Xa xa, trên bàn thờ chính, nến cháy sáng xếp thành một hình tam giác lớn, K. không nhớ lúc nãy đã nhìn thấy chưa. Có lẽ người ta vừa châm nến lên xong. Những người giữ đồ thờ có thói quen lặng lẽ, làm gì không ai hay. Tình cờ quay lại, anh nhìn thấy phía sau, cách khoảng vài bước, cũng có một cây nến lớn thắp sáng bên cái cột. Dù nến thắp rất đẹp, nhưng cũng không đủ soi sáng những hình chạm trổ hầu hết đều ở trong bóng tối các gian bên; nến thắp lên chỉ làm cho bóng tối tăng thêm. Ông người Ý không đến là vừa bất lịch sự nhưng cũng vừa tỏ ra sáng suốt; có đến cũng sẽ chẳng nhìn thấy gì; có lẽ cũng sẽ dùng cái đèn pin của K. soi vào vài pho tượng để xem từng khúc từng khúc một vậy.
Để thử xem cách ấy có được không, K. tiến về phía nơi thờ nhỏ ở gian bên, trèo lên mấy bậc, cúi người qua lan can bằng đá hoa cương, soi vào hình chạm nổi trên ban thờ. Cái đầu tiên anh nhìn thấy hoặc đoán ra là hình một chàng hiệp sĩ cao lớn giáp trụ uy nghi chạm trổ trên một cạnh của bức phù điêu.
Chàng tì vào thanh gươm cắm trước mặt trên nền đất trơ trụi - chỉ lơ thơ đó đây vài ngọn cỏ - và hình như đương chăm chú quan sát một cảnh chắc là diễn ra ngay trước mắt. Người ta lấy làm lạ thấy chàng cứ đứng nguyên tại chỗ như thế chứ không bước lại gần. Có lẽ chàng đứng gác. Đã lâu K. không xem những hình chạm nổi, nên anh nấn ná xem xét chàng hiệp sĩ khá lâu, tuy rằng anh cứ phải hấp háy mắt luôn vì không chịu đựng được ánh sáng xanh của cây đèn lên những phần còn lại của bàn thờ, anh phát hiện được một cảnh hạ huyệt đúng hệt như cách thức tiến hành mới đây nhất. Anh liền cho đèn vào túi và quay về ngồi chỗ cũ.
Rõ ràng đợi ông người Ý thêm nữa cũng vô ích, nhưng bên ngoài chắc là trời đương mưa như trút nước, hơn nữa K. thấy trong nhà thờ không đến nỗi lạnh lắm như anh nghĩ lúc ban đầu vì thế anh quyết định hãy ở lại đấy. Giảng đàn lớn ở ngay gần anh. Trên chiếc mái tròn nhỏ của nó, người ta đặt chênh chếch hai cây thánh giá bằng vàng trần trụi chạm nhau. Chung quanh giảng đàn trang trí các tiểu thiên thần đùa giỡn trong đám cành lá nho xanh.
K. bước đến gần giảng đàn và ngắm nghía khắp các phía. Những đường nét chạm trổ trên đá hết sức tỉ mỉ. Bóng sẫm trong đám lá cũng như bóng tối của cành lá in trên nền phông hình như được cẩn chìm vào trong hình chạm nổi; K. rón rén sờ tay vào một trong những chỗ khắc chìm trên đá; anh chưa từng bao giờ thấy có giảng đàn này tồn tại. Đúng lúc ấy tình cờ anh thấy một người trông coi nhà thờ đứng phía sau hàng ghế đầu, mặc một chiếc áo dài đen lòa xòa và mải nhìn chiếc hộp đựng thuốc lá cầm trong bàn tay trái.
“Lão ta muốn gì? - K. nghĩ - Lão nghi ngờ mình chăng? Hay lão muốn tiền trà nước?”.
Nhưng khi biết rằng K. đã nhìn thấy mình, lão bõ nhà thờ liền giơ tay chỉ trỏ cho K. một chỗ vu vơ, đầu ngón tay trỏ và ngón tay cái vẫn còn đương vê vê một nhúm thuốc lá. Hầu như chẳng hiểu lão muốn nói gì bằng cử chỉ ấy. K. đợi một lát, nhưng lão vẫn cứ giơ tay trỏ và gật gật đầu xác nhận là ra hiệu cho K. nữa.
“Lão muốn gì thế nhỉ”, K. tự nhủ thầm.
Không dám lên tiếng gọi ở những nơi như thế này, K. liền rút ví tiền và đi qua hàng ghế thứ nhất đến chỗ người ấy. Nhưng lão xua tay ra hiệu bảo không, rồi nhún vai, khập khiễng bước đi. Lão đi giống hệt cái kiểu đi khập khiễng, nhanh nhanh của K. hồi còn thơ ấu cố bắt chước động tác kỵ sĩ phi ngựa.
“Người với ngợm! - K. nghĩ - Lão chỉ còn vừa đủ lý trí để phục dịch nhà thờ. Ta dừng, lão cũng dừng! Ta bước đi, lão lại ngoái trông theo!”.
Anh mỉm cười đi theo lão suốt dọc khoang bên lên đến gần ngang tầm bàn thờ chính. Lão già vẫn cứ chỉ trỏ cho anh một cái gì đấy, nhưng anh nhất định không nhìn vì cho rằng cử chỉ của lão chẳng có mục đích gì khác là ngăn anh đừng đi theo. Cuối cùng, chẳng muốn để lão phải lo lắng thái quá, anh không đi theo nữa; chẳng nên làm cho lão hoảng sợ, vì ông người Ý vẫn có thể sẽ tới.
Lúc đi qua khoang chính để quay lại chỗ cũ tìm quyển an-bom bỏ quên, anh nhìn thấy một giảng đàn phụ, rất mộc mạc, bằng đá trắng, trần trụi, sát cái cột bên cạnh những hàng ghế của ban đồng ca. Nó bé đến nỗi trông xa giống như một cái khám còn trống và dùng để đặt tượng. Chắc chắn người giảng đạo không thể lùi xa tay vịn ra được một bước. Hơn nữa, vòm mái bằng đá giảng đàn lại cong xuống thấp lè tè và chẳng có chút hoa văn nào, một người tầm thước trung bình không thể đứng thẳng bên trong mà phải luôn vươn đầu ra phía ngoài tay vịn. Hình như tất cả đều được bố trí để hành hạ người giảng đạo; không sao hiêu nổi cái giảng đàn ấy làm gì, trong khi đã có một giảng đàn khác cao to đến thế và trang trí mỹ thuật biết bao.
Có lẽ K. cũng chẳng chú ý đến cái giảng đàn nhỏ bé này nếu nó không được soi sáng bằng một ngọn đèn giống như những ngọn đèn người ta thắp lên trước khi thuyết pháp, sắp có một cuộc thuyết pháp ở đây chăng? Trong nhà thờ vắng tanh vắng ngắt này à? K. nhìn chiếc cầu thang xoáy ốc quanh chiếc cột dẫn lên giảng đàn, cầu thang hẹp đến nỗi có lẽ nó chỉ là một mô típ trang trí, chứ không phải mục đích làm ra để dùng. Tuy nhiên K. mỉm cười ngạc nhiên thấy một linh mục đứng ở những bậc cuối, một bàn tay vịn, đương sắp sửa bước lên thang, mắt hướng nhìn về phía K. Ông còn gật đầu ra hiệu, K. thấy thế liền làm dấu thánh và cúi chào, lẽ ra anh phải xử sự như vậy sớm hơn. Linh mục hơi rún người rồi thoăn thoắt từng bước ngắn trèo lên thang. Ông ta sắp sửa bắt đầu thuyết pháp thật ư? Lão bõ nhà thờ vừa nãy có lẽ trông thế mà không đến nỗi mất trí chăng? Hay lão muốn dẫn K. đến nghe thuyết pháp, có lẽ thế thật, vì nhà thờ vắng ngắt? Nhưng có lẽ phải dẫn cả bà già đương quỳ trước tượng Đức Mẹ đến đây nghe thuyết pháp nữa chứ, và nếu có thuyết pháp, tại sao không dạo đàn đại phong cầm? Nhưng những chiếc đại phong cầm vẫn im bặt và chỉ lấp lánh một cách lờ mờ trong bóng tối trên kia dưới vòm mái mà thôi.
K. băn khoăn không biết nên mau mau bỏ đi không; nếu không đi ngay bây giờ, anh sẽ phải ở lại đấy không đi được trong suốt thời gian thuyết pháp, như vậy thì mất thời giờ vô cùng! Anh cho rằng mình có thể xem như không còn phải chờ đợi ông người Ý từ lâu, anh nhìn đồng hồ, đã mười một giờ. Nhưng người ta có thể giảng đạo trong cái nơi hoang vắng này thật ư? Một mình K. có thể đại diện cho cả bầy tín đồ ư? Và nếu anh chỉ là một khách du lịch đi qua thì sao? Thực ra anh chẳng phải một khách du lịch là gì? Không thể nào tưởng tượng được nổi người ta có thể giảng đạo bây giờ, vào một ngày thường trong tuần, lúc mười một giờ, với thời tiết kinh khủng nhất. Chắc hẳn linh mục - người trẻ tuổi nước da nâu, mặt cạo nhẵn nhụi kia chỉ có thể là một linh mục - trèo lên trên đó chỉ là để tắt ngọn đèn ai thắp nhầm.
Nhưng không phải thế, trái lại, sau khi xem xét ngọn đèn, ông ta khêu bấc lên, rồi từ từ quay lại tì cả hai bàn tay vào chỗ vịn. Ông đứng một lúc trong tư thế ấy, đưa mắt nhìn chung quanh, đầu không động đậy. K. lùi lại và bây giờ đứng trước hàng ghế thứ nhất, hai cánh tay tì vào thành ghế. Anh lờ mờ nhìn thấy lão bõ nhà thờ lặng lẽ ngồi xổm ở một xó, lưng còng xuống, như một người đã làm xong công việc của mình. Trong nhà thờ im phăng phắc! Song K. cần khuấy động nó lên; anh không có ý định ở lại; nếu linh mục buộc phải đến giảng đạo trong nhà thờ vào ngày giờ quy định, bất kể có công chúng hay không, thì ông cứ việc giảng đạo; không có K. tham dự cũng chẳng can gì, vì sự có mặt của vị thính giả duy nhất, ấy chắc chắn không làm tăng thêm hiệu quả của buổi giảng đạo nhiều lắm. K. liền từ từ mò mẫm rê rê bàn chân lần theo hàng ghế ra lối giữa rồi trở xuống không vấp váp gì, duy có điều mỗi bước chân đi dù rất khẽ vẫn cứ vang lên trên nền đá lát, dội vào vòm cuốn rồi vọng lại đùng đục hơn, và cứ thế tạo thành rất nhiều âm hưởng khác nhau.
Anh cảm thấy có phần bối rối khi đi ngang qua những dãy ghế dài trống rỗng trước mắt linh mục. Sức lực của con người dường như không chịu đựng nổi tầm vóc của tòa nhà thờ. Đi ngang chỗ ngồi lúc nãy, anh không dừng lại giây phút nào mà chỉ vớ lấy quyển an-bom.
Anh vừa đi hết khu vực kê ghế, sắp bước vào khoảng trống giữa khu vực ấy và lối ra thì chợt nghe thấy lần đầu tiên tiếng nói của linh mục. Đó là một tiếng nói mạnh mẽ, hùng dũng. Nó mới vang vang làm sao trong tòa nhà thờ sẵn sàng tiếp nhận nó! Nhưng chẳng phải linh mục gọi các giáo dân, làm gì có chuyện nghe lầm và lẩn tránh được; ông vừa gọi: Jozep K.
K. đứng sững lại, mắt dán xuống đất. Anh đương còn tự do và vẫn có thể vùng chạy ra qua một trong ba cái cửa nhỏ tối tăm cách vài bước trước mặt. Coi như anh chưa nghe hiểu, hoặc nếu có nghe hiểu đi nữa thì cũng là chẳng cần biết người ta bảo gì mình. Còn như nếu anh quay lại thì nguy to, bị bắt quả tang, anh thú nhận đã nghe hiểu, thú nhận anh chính là kẻ vừa được gọi và sẵn sàng tuân lệnh.
Nếu linh mục gọi thêm lần nữa, chắc K. sẽ đi thẳng, nhưng vì càng đợi càng thấy im lặng nên anh hơi quay đàu lại để xem linh mục đương làm gì. Linh mục vẫn đứng trên giảng đàn bình thản như trước, nhưng rõ ràng ông đã nhìn thấy cử chỉ của K. Đến lúc này anh không quay hẳn lại thì thật là trẻ con. Anh liền quay lại và nhìn thấy linh mục ra hiệu cho anh đến gần. Vì bây giờ tất cả đều rõ ràng, anh rảo bước đến tòa giảng - vừa do tò mò vừa để cho chóng xong việc - Anh dừng lại khi đến ngang hàng ghế đầu, nhưng linh mục vẫn thấy là xa quá nên giơ tay trỏ cho K. một chỗ sát ngay bên giảng đàn. K. nghe lời; ở chỗ đó, anh phải ngửa hẳn mặt lên mới nhìn được linh mục.
“Con là Jozep K.?”, linh mục hỏi.
“Vâng”, K. nói và nghĩ đến xưa kia anh thẳng thắn biết bao nhiêu mỗi khi nhắc đến tên mình.
Trái lại, từ ít lâu nay, điều đó đối với anh trở thành một nỗi khổ tâm thực sự; và bây giờ tất cả mọi người đều biết tên ấy.
Chỉ khi nào tự giới thiệu người ta mới biết đến tên mình thì hay biết bao!
“Con là bị cáo”, linh mục nói bằng một giọng rất khẽ.
- Vâng. - K. thưa.
- Nếu vậy, con là người ta đương muốn tìm. - Linh mục nói - Ta là cha tuyên úy của các nhà lao.
- À! Ra thế. - K. nói.
- Ta cho gọi con đến đây để nói chuyện.
- Tôi không được biết. Tôi đến đây để hướng dẫn một ông người Ý tham quan nhà thờ.
- Con hãy để vấn đề phụ lại đấy. Tay con cầm gì đó? Sách cầu kinh phải không?
- Không, đây là một tập an-bom những danh lam thắng cảnh của thành phố.
- Con hãy bỏ nó xuống.
K. quẳng tập an-bom rất mạnh làm cho nó kêu soàn soạt rơi tung tóe trên mặt đất.
- Con có biết vụ án của con diễn biến xấu đi không? - Linh mục hỏi.
- Tôi cảm thấy như thế thật. Tôi đã bỏ nhiều công sức, nhưng cho đến nay vẫn chẳng có kết quả gì; nói đúng ra là đơn của tôi chưa thảo xong.
- Con nghĩ rồi chuyện đó sẽ kết thúc ra sao?
- Trước kia tôi nghĩ rằng vụ án của tôi sẽ kết thúc tốt đẹp. Nhưng hiện nay đôi lúc tôi đâm nghi ngờ. Tôi chẳng biết rồi nó sẽ kết thúc ra sao. Còn ông, ông có biết không?
- Không, nhưng ta e rằng nó kết thúc xấu. Người ta cho là con có tội. Vụ án của con có lẽ sẽ không vượt ngoài phạm vi của tòa án cấp dưới. Hiện giờ đây, ít ra thì người ta cũng coi như tội lỗi của con đã được chứng minh rồi.
- Nhưng tôi có tội tình gì đâu! Đó là một sự lầm lẫn. Vả chăng, làm sao một con người lại có thể là có tội được? Chúng ta ở đây, ai cũng như ai, tất cả đều là con người.
- Đúng thế, song những kẻ có tội đều như thế.
- Bản thân ông cũng có thành kiến với tôi ư?
- Ta không có thành kiến với con.
- Tôi cám ơn ông. Nhưng tất cả những người phụ trách vụ án đều có thành kiến với tôi. Họ còn làm cho những ai chẳng dính líu gì đến chuyện này cũng có thành kiến với tôi nốt, tình thế của tôi ngày càng trở nên khó khăn hơn.
- Con lầm đấy. Có phải đột nhiên người ta tuyên án đâu, xét xử dần dần trong từng bước rồi mới đi đến quyết định.
- Tình cảnh của tôi bây giờ ra thế. - K. vừa nói vừa thõng đầu xuống.
- Con định làm gì lúc này cho vụ án của con?
- Tôi sẽ đi tìm người giúp đỡ. - K. nói và ngẩng đầu lên để thăm dò xem vị tu sĩ nghĩ gì về chuyện ấy ra sao - Có một số khả năng mà tôi chưa khai thác.
- Con trông mong quá nhiều vào sự giúp đỡ của người khác, và nhất là sự giúp đỡ của phụ nữ. - Linh mục trả lời với vẻ không tán thành - Thế ra con không dám nhận thấy rằng các phụ nữ chẳng thật sự cứu giúp được gì cho con ư?
- Ý kiến của ông đôi khi đúng, thậm chí nhiều khi đúng. - K. nói - Nhưng không phải bao giờ cũng đúng. Phụ nữ có thế lực rất lớn lao. Nếu tôi có cách gì làm cho mấy người phụ nữ tôi quen biết liên kết lại với nhau giúp tôi thì chắc cuối cùng tôi sẽ đạt được kết quả. Nhất là đối với cái tổ chức tư pháp hầu như chỉ gồm toàn những kẻ mê gái kia. Ông cứ chỉ cho lão dự thẩm nhìn thấy một ả đàn bà ở xa xa, lão sẽ lật đổ cả bàn và gạt ngã cả bị cáo để chạy đến cho kịp.
Linh mục ngả đầu về phía tay vịn! Đấy là lần đầu tiên ông cảm thấy cái mái của tòa giảng như để đè nặng bên trên. Ngoài trời chẳng biết thời tiết ra sao? Chẳng còn là một thứ ánh sáng xám ngoét nữa, mà đã tối mịt. Màu sắc của những khung kính màu to lơn hắt xuống không đủ sức làm tiêu tan bóng tối của các bức tường.
Thế nhưng chính lúc ấy, người coi giữ đồ thánh lại đi tắt ngọn nến này đến ngọn nến khác trên ban thờ chính.
“Ông có giận tôi không? - K. hỏi - Có lẽ ông không biết là đương phục dịch cho cái thứ tổ chức tư pháp như thế nào”.
Anh không nhận được câu trả lời.
“Tôi chỉ nói về những điều từng trải của tôi”, K. nói.
Nhưng từ trên cao vẫn không có tiếng đáp lại.
“Tôi không hề muốn xúc phạm đến ông”, K. nói.
Nhưng linh mục quát bảo anh từ trên cao:
“Con không nhìn xa được đến hai bước chân ư?”.
Ông ta hét lên vì giận dữ, nhưng đồng thời cũng do sợ hãi như ta sợ hãi bất giác kêu lên khi nhìn thấy có ai ngã.
Và bây giờ cả hai đều im lặng. Chắc linh mục không thể nhìn rõ K. trong bóng tôi dày đặc dưới chân giảng đàn, còn K. lại nhìn rõ ông trong ánh sáng của cây đèn nhỏ. Tại sao linh mục không xuống đi? Ông ta có thuyết pháp đâu mà chỉ đơn thuần góp với K. vài ý kiến, nếu anh nhất nhất nghe theo có lẽ lợi bất cập hại. Tuy nhiên, thiện ý của linh mục thì xem ra không còn phải nghi ngờ gì nữa.
Rất có thể K. nhất trí được với ông nếu ông xuống khỏi giảng đàn, chẳng phải là ông không thể góp ý với anh một lời khuyên chấp nhận được và tỏ tính chất quyết định, chẳng hạn, không bày vẽ cho anh cách tác động vào quá trình xét xử, mà là cách thoát ra khỏi sự bủa vây của vụ án, đi quanh nó và sống bên ngoài nó như thế nào. Khả năng ấy dứt khoát là có, trong những ngày vừa qua K. nghĩ đến nó luôn. Nhưng nếu linh mục biết thì liệu ông ấy có nói ra khi người ta cầu xin không? Bản thân ông chẳng phải người của tổ chức tư pháp là gì? Khi K. công kích tòa án, ông ta đã chẳng tự mình dẹp cái tính tình dịu dàng lại để quở mắng K. một cách gay gắt đấy ư?
- Ông xuống đây được không? - K. hỏi - Có phải thuyết pháp gì đâu, xuống đây với tôi.
- Được, bây giờ ta có thể xuống. - Linh mục nói.
Có lẽ ông hối hận lúc nãy đã hét lên. Trong lúc tháo cái đèn, ông nói:
- Ta buộc lòng lúc bắt đầu nói phải đứng xa ra. Nếu không thế, ta dễ bị lung lạc và do đó quên mất giáo chức của mình.
K. đợi ông ở chân thang. Chưa xuống đến nơi, linh mục đã giơ tay ra bắt tay anh.
- Ông có thể bớt chút thời giờ với tôi được không? - K. hỏi.
- Muốn bao lâu cũng được. - Linh mục vừa nói vừa đưa chiếc đèn con cho K. cầm. Ngay khi đứng gần, ông vẫn cố giữ phong thái trang trọng.
- Ông tử tế với tôi quá. - K. nói.
Hai người đi đi lại lại bên cạnh nhau trong bóng tối âm u của gian bên nhà thờ.
- Ông là một trường hợp ngoại lệ trong số các nhân viên tư pháp. Tôi tin ông hơn bất cứ ai trong bọn họ, tuy tôi quen biết khá nhiều. Với ông, tôi có thể nói thẳng được.
- Con đừng hiểu lầm. - Linh mục nói.
- Hiểu lầm về cái gì?
- Chính là con hiểu làm về tổ chức tư pháp. Trước khi có luật pháp, trong sách đã nói đến sự sai lầm ấy rồi: “Một lính canh đứng gác trước cửa luật pháp; bữa kia có người đến gặp và xin phép được vào. Nhưng lính canh bảo gã không thể để cho y vào lúc này được. Người đó [1] nghĩ ngợi và hỏi mai mốt có vào được không”. “Có thể được, - Lính canh nói - nhưng bây giờ thì không”. Lính canh đứng né sang một bên, cửa vẫn luôn mở nên người đó nghiêng đầu nhìn vào bên trong. Thấy vậy lính canh cười và bảo: “Nếu tha thiết muốn vào đến thế, ông cứ thử vào bất cứ sự cấm đoán của tôi xem sao. Nhưng ông nên nhớ tôi rất có thế lực. Và tôi chỉ là thằng lính gác mạt hạng nhất mà thôi. Vào trong ấy, cứ qua mỗi cửa phòng, ông lại gặp những lính canh càng ngày càng có thế lực hơn; từ cửa phòng ba trở đi, đến bản thân tôi cũng không dám nhìn họ nữa”. Người đó không ngờ lại khó khăn đến thế, y cứ tường đã là Luật Pháp thì bất cứ ai vào lúc nào cũng được, nhưng bây giờ, sát kỹ tên lính canh, chiếc áo khoác bằng lông của hắn, cái mũi to nhọn hoắt cùng với chòm râu dài, lơ thơ và đen nhánh theo kiểu Hung nô của hắn y đành quyết định chờ đợi cho đến khi nào được phép mới vào. Lính gác đưa cho một cái ghế đẩu để ngồi xuống ở cạnh cửa. Đợi như thế đã nhiều năm. Y tìm đủ mọi cách để xin vào khẩn khoản cầu xin làm cho lính gác phát mệt. Thỉnh thoảng lính gác còn lục vấn y về quê hương bản quán và về rất nhiều chuyện khác, nhưng đó chỉ là những câu hỏi, và cuối cùng bao giờ cũng bảo là không thể để cho y vào được. Người đó mang theo rất nhiều lương thực, vật dụng đủ loại, đã đem ra hết để đút lót lính canh, dù là những thứ quý giá đến mấy đi nữa. Lính canh lấy tất, nhưng nói: “Tôi nhận để cho ông đỡ băn khoăn là còn sơ suất chưa tận dụng mọi biện pháp”. Trong những năm dài chờ đợi, người đó hầu như lúc nào cũng để mắt đến tên lính gác. Y quên bẵng những tên lính khác vì cho rằng tên đầu tiên này là kẻ duy nhất đã ngăn cản y bước vào Luật Pháp. Và trong những năm đầu, y nguyền rũa ầm ĩ số phận độc địa; về sau, khi đã già, y còn cằn nhằn. Y trở nên lẩm cẩm, và vì đã tìm hiểu tên lính gác ròng rã nhiều năm đến mức biết rõ từng con rận trên cổ áo lông của hắn, y van xin cả những con rận giúp đỡ để làm cho lính gác xiêu lòng. Cuối cùng, mắt kém y không biết chung quanh có phải là đêm tối thật không hay mắt y trông nhầm ra thế. Nhưng bây giờ, y nhận thấy trong bóng tối có ánh sáng lóe lên qua các cửa Luật Pháp. Y không còn sống được bao lâu nữa. Trước khi chết, tất cả những ký ức dồn vào trong óc y, làm cho y nhớ đến có điểm băn khoăn mà chưa hỏi được ai bao giờ. Vì thân thể cứng đờ không cất mình lên được, y ra hiệu cho tên gác lại gần. Lính gác bắt buộc phải cúi xuống rất thấp vì sự khác nhau giữa tầm vóc của hai người đã thay đổi ghê gớm. “Ông còn muốn biết điều gì nữa, - Gã hỏi - ông thật là tham lam vô độ”, “Nếu tất cả mọi người đều muốn tìm hiểu luật pháp, - Người đó nói - tại sao bấy đến nay, ngoài tôi ra, chẳng có ai đến xin ông vào?”. Tên lính gác nhìn thấy người đó đã đến giờ tận số, gã liền gào vào tai để cố thấu được đến tấm màng nhĩ đã chết của y: “Ngoài ông ra chẳng ai có quyền vào đây, vì lối này làm ra chỉ để cho ông mà thôi, bây giờ tôi đi và tôi đóng cửa lại đây”.
- Tên lính gác đã lừa dối người đó. - K. lập tức nói, câu chuyện làm cho anh hết sức quan tâm.
- Con dừng vội phán xét, - Linh mục nói - con đừng chấp nhận các ý kiến của những người khác mà không suy nghĩ. Ta vừa kể cho con nghe câu chuyện trong văn bản Thánh kinh. Trong đó có nói là người ấy bị lừa dối đâu.
- Song rõ ràng là thế. - K. nói - Tên lính gác chỉ nói khi đã quá muộn.
- Trước đó hắn chưa hề được hỏi, - Linh mục nói - con cũng nên biết rằng hắn chỉ là một tên lính gác giản đơn mà thôi, và hắn đã làm tròn bổn phận lính gác của hắn.
- Tại sao ông lại tin rằng hắn đã làm tròn bổn phận của hắn? - K. hỏi - Hắn đã làm tròn đâu. Bổn phận của hắn có lẽ là xua đuổi mọi kẻ khác, nhưng phải để cho người đó đi qua vì lối vào là để dành cho y.
- Con không tôn trọng đúng mức Thánh kinh, con thay đổi câu chuyện. Câu chuyện chứa đựng hai lời tuyên bố quan trọng của tên lính gác về vấn đề lối vào, một ở đầu, một ở cuối. Lời trước nói rằng hắn không thể để cho người đó vào được trong lúc này, còn lời sau: “Lối vào này làm ra chỉ để cho ông mà thôi”. Nếu có mâu thuẫn giữa lời giải thích ấy thì con có thể có lý, tên lính gác đã lừa dối người kia. Nhưng không có mâu thuẫn. Lời giải thích thứ nhất còn báo trước lời thứ hai nữa. Hầu như người ta có thể nói rằng tên lính gác vượt quá bổn phận của hắn khi để cho người kia thấy có khả năng sau này sẽ được vào. Dường như trong lúc ấy cho bổn phận của hắn đơn giản chỉ là không để cho người kia vào, và trên thực tế, nhiều nhà chú giải lấy làm lạ tên lính gác lại có thể thốt ra một lời bóng gió như thế, vì hắn xem ra thích sự chính xác và thi hành nhiệm vụ một cách chu đáo. Hắn canh gác nhiều năm ròng rã không rời bỏ vị trí của mình, và chỉ đến mãi cuối cùng mới đóng cửa lại; hắn ý thức được tầm quan trọng nhiệm vụ của hắn, vì hắn bảo: “Tôi có thế lực”, và hắn kính trọng cấp trên vì hắn tuyên bố: “Tôi chỉ là thằng lính canh gác mạt hạng nhất”. Hắn không ba hoa vì hắn chỉ thoảng mới hỏi vài câu vớ vẩn, như trong Kinh thánh viết; hắn không vụ lợi, vì khi nhận quà cáp hắn bảo: “Tôi chỉ nhận để cho ông đỡ băn khoăn là còn sơ suất chưa tận dụng mọi biện pháp”; hắn không để cho mình bị xúc động hoặc bực tức khi có liên quan đến việc hoàn thành phận sự, vì có chỗ nói về người kia: “Y khẩn khoản cầu xin làm cho lính gác phát mệt”; thế rồi, ngay vẻ người của hắn cũng báo trước một tính cách thông thái rởm, vì hắn có một cái mũi to nhọn hoắt cùng với một chòm râu dài, lơ thơ và đen nhánh theo kiểu Hung nô. Liệu người ta có thể kiếm được một tay gác cổng trung thành hơn không? Nhưng trong tính cách của hắn có một số khía cạnh khác hết sức thuận lợi cho ai muốn xin vào và dẫu sao cũng lý giải với chúng ta do đâu mà tên lính gác lại có thể vượt quá phận sự của mình bằng cách hé ra lời bóng gió mà ta đã nói về những khả năng ngưòi kia sau này có thể vào thấu đến tận trung tâm của Luật Pháp. Quả thực người ta có lẽ không thể phủ nhận là tên gác cổng ấy hơi khờ khạo và hợm mình - cái đó có thể nói cũng là do khờ khạo mà ra. Dù có chính xác đến đâu những lời tuyên bố về thế lực của những tên lính gác khác mà hắn bảo là bản thân hắn có lẽ cũng không dám nhìn, dù những lời tuyên bố ấy có chính xác đến đâu, thì cái giọng hắn nói ra cũng chứng tỏ cách nhìn của hắn đã bị sự khờ khạo và tính kiêu ngạo làm cho vẩn đục. Các nhà chú giải nói vấn đề đó là người ta có thể đồng thời vừa hiểu, vừa hiểu lầm một điều gì đấy. Dầu sao, người ta buộc phải thừa nhận rằng tính kiêu ngạo và sự khờ khạo dù biểu hiện mong manh đến đâu đi nữa thì cũng làm giảm hiệu lực canh gác cửa vào, có những lỗ hổng trong tính cách của tên lính gác. Cần phải thêm vào đấy là tên gác cổng xem chừng bản chất người tử tế. Không phải lúc nào hắn cũng phép tắc. Ngay từ đầu hắn bông đùa mời người kia cứ việc mà vào tuy bị cấm đoán, rồi đáng lẽ đuổi người ta đi, hắn lại đích thân đưa cho một chiếc ghế đẩu để ngồi xuống ở bên cạnh cửa. Sự kiên trì nhẫn nại chịu đựng trong bao nhiêu năm ròng những lời khẩn khoản của người kia chứng tỏ hắn có lòng trắc ẩn, cũng như những lúc trò chuyện vặt, những quà cáp hắn nhận và lòng rộng lượng cho phép người kia được quyền rủa ở bên cạnh hắn số phận độc địa mà chính hắn, tên gác cổng, là người thể hiện tại đấy chứ ai. Chẳng phải ai cũng xử sự như vậy. Và cuối cùng chẳng phải chính hắn chỉ cần thấy người kia ra hiệu đã cúi xuống để cho y có thể đặt ra câu hỏi tối hậu đấy ư? Người ta chỉ có thể nêu lên những dấu vết sốt ruột ở những từ: “Ông thật là tham lam vô độ”; tuy rằng tên gác cổng biết rằng vào lúc ấy tất cả thế là hết; nhiều người còn đi xa hơn và bảo rằng lời nói ấy biểu hiện một thứ cảm phục thân tình, tuy rằng thực ra hơi có vẻ chiếu cố. Dầu sao thì thân tình, tuy rằng thực ra hơi có vẻ chiếu cố. Dầu sao thì nhân vật tên lính gác cũng có vẻ hoàn toàn khác với như con nghĩ.
- Ông biết rõ câu chuyện hơn tôi và biết từ lâu hơn. - K. nói.
Rồi cả hai lại ắng đi một lúc, sau đó K. bảo:
“Ông cho rằng người đó không bị lừa dối ư?”.
- Con đừng hiểu lầm về những lời nói của ta. - Linh mục đáp - Đấy là ta chỉ muốn trình bày những luận thuyết khác nhau mà thôi. Con đừng xem những lời chú giải là cái gì quan trọng ghê gớm. Thánh kinh là bất di bất dịch còn những lời chú giải thưởng chỉ là biểu hiện nỗi tuyệt vọng mà các nhà chú giải cảm thấy mà thôi. Trong trường hợp chúng ta xem xét đây, thậm chí có một số nhà bình luận cho rằng chính tên lính gác mới bị lừa dối.
- Thế thì lạ đấy. Nhưng sao họ lại có thể nghĩ như vậy được?
- Sự khẳng định ấy dựa trên cái khờ khạo của tên gác cổng. Người ta bảo rằng hắn không biết bên trong của Luật Pháp, mà chỉ biết con đường trước cửa vào mà thôi. Các nhà chú giải coi là trẻ con cái ý nghĩ của hắn về những gì có bên trong và cho rằng hắn muốn làm người kia sợ thì chính hắn cũng sợ; và thậm chí còn sợ hơn người kia nữa cơ, vì anh cứ nằng nặc đòi vào, ngay cả khi được nghe nói đến những tên lính gác dữ tợn, còn bản thân gã gác cổng lại không muốn vào, hay chí ít vấn đề ấy không đặt ra. Một số khác nói rằng nhất định hắn đã vào rồi, vì hắn đã được nhận tới làm việc cho Luật Pháp và việc ký kết hợp đồng chỉ có thể diễn ra ở bên trong. Nhưng người ta có quyền trả lời họ là hắn rất có thể bổ nhiệm từ trong ấy mà không cần phải vào, và nếu có chẳc cũng chưa vào xa lắm, vì mới đến tên gác thứ ba hắn đã không dám nhìn nữa rồi. Vả chăng, suốt những năm dài người kia chờ đợi, không thấy ở đâu có ghi tên gác cổng kể bất cứ chuyện gì ở bên trong, ngoại trừ suy nghĩ của hắn về những tên lính gác. Cố nhiên có thể là hắn bị cấm không được kể, nhưng cả chuyện này cũng không được nhắc đến. Từ tất cả những điều đó, người ta kết luận rằng hắn chẳng biết gì và hắn đã hiểu lầm cả về dáng dấp lẫn tầm quan trọng của bên trong. Và hắn cũng lầm về con người của đồng ruộng kia, vì hắn kém vai vế hơn y và hắn không biết y. Hắn đối xử như với kẻ vai vế không bằng mình, điều này lộ ra ở nhiều đoạn chắc con vẫn còn nhớ. Nhưng thực tế hắn kém vai vế hơn luật thuyết mà ta dẫn giải với con ở đây chứng tỏ như vậy. Trước hết, người tự do thì vai vế hơn kẻ bị trói buộc. Mà người ở nơi khác đến thì tự do, y có thể muốn đi đâu thì đi; chỉ lối vào Luật Pháp là bị câm, và hơn nữa chỉ cấm bởi một cá nhân duy nhất là cá nhân tên lính gác. Nếu y ngồi bên cạnh cổng đó cho đến suốt đời, thì đấy là do tự nguyện; truyện không thấy chỗ nào nêu lên là y bị bắt ép. Trái lại, tên lính gác bị nhiệm vụ trói buộc vào cái vi trí của hắn. Hắn không có quyền đi xa ra bên ngoài, và xem chừng cũng chẳng được đi sâu vào bên trong, dù hắn muốn. Hơn nữa, nếu hắn phục dịch Luật Pháp, thì cũng chỉ là phục dịch ở lối vào này; vậy thực tế là hắn chỉ phục dịch cho người được dành riêng lối vào ấy, và đấy lại là thêm một lý do để thấy hắn kém vai vế hơn y. Phải thừa nhận rằng hắn phải phục dịch một cách vô tích sự nhiều năm ròng - có thể nói suốt một đời người - bởi vì truyện kể rằng có người đến, vậy là một người đúng tuổi, do đó tên lính gác chắc đã phải đợi rất lâu trước khi làm tròn chức vụ, nói cho chính xác là phải đợi cho đến khi nào người kia muốn đến. Và ngay cả canh gác đến bao giờ cũng vẫn phụ thuộc vào người kia, vì canh gác chỉ kết thúc khi nào ông khách chết mà thôi; vậy hắn phụ thuộc vào y cho đến cùng. Thế mà văn bản luôn chỉ ra rằng tên lính gác hình như không biết tất cả những điều đó. Song, các nhà chú giải không thấy ở đấy có gì đáng ngạc nhiên, vì theo ý họ, hắn còn lầm to lớn hơn ở một điểm khác, nghĩa là về nghề nghiệp của chính hắn. Thực vậy, lúc cuối hắn chẳng nói: “Bây giờ tôi đi và tôi đóng cửa lại đây” là gì? Nhưng lúc đầu truyện lại kể rằng cửa Luật Pháp vẫn luôn luôn mở! Mà nếu cửa “luôn luôn” mở, nghĩa là không tùy thuộc vào cuộc đời dài bao nhiêu của người được dành riêng cái cửa ấy, thì bản thân tên lính gác không thể đóng nó lại được, về điểm này có những ý kiến khác nhau. Một số cho rằng tên lính gác nói sắp đóng cửa lại chẳng qua chỉ là để trả lời, số khác cho rằng hắn muốn nhấn mạnh phận sự của hắn, một số khác nữa cho rằng hắn tìm cách dìm người kia trong nỗi ân hận cuối cùng, vào trong niềm hối tiếc cuối cùng. Song một số đông các nhà chú giải nhất trí khẳng định rằng hắn sẽ không thể đóng cửa lại được nữa. Họ còn cho rằng ít ra là ở lúc cuối tên lính gác vẫn thấp kém hơn người kia về mặt tri thức, bởi vì người kia nhìn thấy có ánh sáng lóe lên qua các cửa Luật Pháp, trong khi tên canh cửa với tư cách lính gác vẫn luôn luôn đúng quay lưng vào trong và không tuyên bố điều gì chưng tỏ là đã nhận thấy có sự thay đổi.
- Cái đó có căn cứ lắm, - K. nói, anh đã vừa theo dõi một số đoạn dẫn giải của linh mục, vừa lẩm nhẩm nhẳc lại - và bây giờ chính tôi cũng tin là tên lính gác bị lừa. Nhưng điều đó không thủ tiêu ý ban đầu của tôi, nó thậm chí trùng hợp phần nào ý kiến tôi vừa có được. Quả thật tên lính gác có thấy hay không thì cũng chẳng quan hệ gì. Lúc này tôi bảo rằng người kia bị lừa dối. Nếu tên lính gác thấy rõ, ta có thể nghi ngờ, nhưng nếu hắn bị lừa dối, thì người kia cũng bị lừa dối. Trong trường hợp ấy, tên lính gác thôi không còn là kẻ lừa dối nữa, nhưng hắn có vẻ khờ khạo quá đến nỗi người ta chắc phải thải hồi hắn ngay tức khắc. Ông nên biết nếu sự sai lầm của tên lính gác không hại gì cho hắn, thì nó lại ngàn lần nguy hiểm cho người kia.
- Ở đây con đụng chạm đến luật thuyết đối lập rồi đấy. Thực thế, một số nhà bình luận tuyên bố rằng câu chuyện không cho ai quyền được phán xét tên gác cổng. Dù ta thấy hắn thế nào, thì hắn vẫn cứ là một kẻ nô bộc của Luật Pháp; vậy hắn thuộc về Luật Pháp; vậy hắn thoát ra khỏi sự phán xét của nhân loại. Và trong tarờng hợp ấy, ta cũng phải thôi đừng nghĩ là hắn thấp kém hơn người kia. Vì chỉ riêng sự kiện do công việc phục dịch hắn được ràng buộc vào một cái cửa - dù chỉ là một thời thôi - của Luật Pháp, cũng đã đặt hắn cao hơn rất nhiều không thể nào so sánh được đối với người kia là kẻ sống trong thế gian, dù tự do thế nào nữa. Người kia mới lần đầu tiên đến Luật Pháp, trong khi tên gác cổng đã ở đấy rồi. Hắn được Luật Pháp sử dụng; nghi ngờ phẩm giá tên gác cổng, có khác gì nghi ngờ Luật Pháp.
- Tôi không tán thành ý kiến ấy. - K. lắc đầu nói - Bởi vì nếu người ta chấp nhận nó, thì tên gác cổng nói gì cũng phải tin. Mà như thế thì không thể được, chính ông đã trình bày tỉ mỉ các lý do vì sao.
- Không, người ta không bắt buộc phải tin là đúng tất cả những điều hắn nói, chỉ cần chúng là tất yếu, thế là được.
- Ý kiến mới đáng buồn làm sao, nó nâng sự dối trá lên ngang tầm một quy tắc của thế gian.
K. kết thúc bằng nhận xét ấy, nhưng đó không phải là nhận định cuối cùng của anh. Anh mệt quá nên không thể đi sâu vào hết mọi tầm quan trọng của câu chuyện này trong các hệ quả cùng kiệt của nó, hơn nữa nó đẩy tư duy của anh vào những lối đi không quen, nó khiến anh phải bận tâm đến những điều hư ảo cho bọn nhân viên tư pháp bàn cãi thì hơn là để cho anh. Câu chuyện lúc đầu trở nên không nhận ra được nữa, anh chỉ còn muốn quên nó đi; linh mục chịu đựng anh nhã nhặn vô cùng và chẳng nói năng gì, chấp nhận suy nghĩ của anh, tuy rằng nó không phù hợp với ý kiến của bản thân ông.
Hai người tiếp tục lặng lẽ đi dạo lúc nữa; K. không rời linh mục một bước, vì tối quá anh chẳng biết đường nào mà đi. Ngọn đèn anh cầm trong tay đã tắt từ lâu. Anh nhìn thấy pho tượng một vị đại thánh bằng bạc lấp lánh trong chốc lát ở ngay trước mặt rôi lập tức chìm vào bóng tối. Để khỏi phải ở lại trơ trọi một mình bên cạnh linh mục, anh hỏi ông:
- Chúng ta ra gần đến cừa chính rồi phải không?
- Không, còn rất xa. Con muốn ra về rồi ư?
- Cố nhiên; tôi phải về bấy giờ. Tôi làm đại diện ở một ngân hàng, tại đây người ta đương đợi tôi, tôi tới đây chỉ là để hướng dẫn cho một vị khách hàng người ngoại quốc của chúng tôi tham quan nhà thờ.
- Thôi thế con đi đi. - Linh mục vừa nói vừa giơ tay bắt tay.
- Song một mình tôi chẳng biết đường nào mà lần trong bóng tối như bưng này.
- Đi sang bên trái, khi nào gặp tường cứ men theo tường mà đi, con sẽ thấy lối ra.
Linh mục mới đi được mấy bước, K. đã kêu toáng lên:
- Ông làm ơn đợi tôi với.
- Tôi đợi đây. - Linh mục nói.
- Ông không có gì hỏi tôi nữa? - K. hỏi.
- Không. - Linh mục nói.
- Lúc nãy ông tử tế với tôi thế, ông đã giảng giải mọi chuyện cho tôi nghe, mà bây giờ ông lại bỏ mặc tôi, làm như chẳng hề bao giờ quan tâm đến tôi.
- Nhưng con nói là con phải ra về kia mà.
- Đúng thế, ông hiểu cho.
- Trước hết chính con phải hiểu ta là ai đã.
- Ông là cha tuyên úy của các nhà lao. - K. vừa nói vừa bước gần lại ông.
Anh không cần phải trở về ngay nhà ngân hàng như anh đã nói; anh vẫn có thể nán ở lại thêm nữa.
“Vậy ta là người của tòa án. - Linh mục nói - Đã thế, ta còn cần gì đến con nữa? Tòa án chẳng cần gì đến con. Khi con đến, tòa tiếp nhận con, và khi con đi tòa để cho đi”.
Chú thích:
[1] L,homme: Người có nghĩa chung hơn trong đoạn này tôi tạm dịch là “Người đó”, “người kia”, tuy nghĩa hơi hẹp.
Vụ Án Vụ Án - Franz Kafka Vụ Án