Nếu bạn không thể phạm sai lầm, bạn sẽ không thể làm được điều gì.

Marva Collins

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: tongkimlinh
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5230 / 81
Cập nhật: 2015-08-19 10:44:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 - Đầu Thế Kỷ, Phố Cẩm Giàng
rải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Nguyễn Du
Vào một buổi tối cuối tháng chạp năm Bính Thìn, trời rét. Gió bấc thổi vi vu trên phố huyện nhỏ, Cẩm Giàng, trên đồng ruộng mênh mang chung quanh, và trên mái căn nhà tranh năm gian đơn sơ của gia đình. Đó là lúc tôi lọt lòng mẹ, và oa tiếng khóc đầu tiên để chào đời. Trời đã xếp đặt cho tôi thành đứa con út trong một gia đình bảy anh chị em -gia đình Nguyễn Tường- và từ đó số phận của tôi đã được quyết định.
Chị Thế tôi kể là lúc ấy, trông tôi như một con mèo con, tôi không tin lắm vì nếu sinh với tuổi Thìn, đáng lẽ tôi phải giống như con rồng con mới phải.
Chị tôi kể: Một buổi tối, bà tôi đánh thức chúng tôi dậy, bảo dậy mà xem em bé, nó bé tí, cả người chỉ bàng con mèo, chỉ thấy hai con mắt và cái miệng nhỏ tí xíu. Chị tôi luôn miệng hỏi bà em bé ở đâu đến thế, ai cho vậy? Bà bảo đừng có nói bậy, em bé mẹ cháu mới đẻ đấy. Chị tôi lại hỏi thế đẻ ở đâu hở bà? Bà vội gắt lên, đẻ ở nách chứ còn ở đâu nữa! Từ đó, chị tôi cứ đinh ninh là đẻ ở nách ra.
Vì là thứ bẩy, nên bà nội luôn tiện đặt cho cái tên Bẩy. Về sau, cũng chẳng biết ai đổi thành cái tên Bách mà ngày nay, tôi phải mang, từ bẩy nhẩy tới một trăm. Nghe nói, cũng có tích nữa, như sau:
Thụy Cẩm Tam Long Vinh Bách Thế
Thụy Cẩm, Tam, Long, Vinh là tên mấy anh trên tôi, còn Thế là chị Năm tôi.
Câu vè trên nghe cũng hay, nhưng hơi bất công và đượm mùi trưởng giả. Theo đó, thì chỉ có bốn người trên là được vinh quang trăm đời, còn ba người sau thì không. Chị Thế là thứ năm, nhưng lại cho xuống cuối cùng, đủ biết thành kiến trọng nam khinh nữ trầm trọng. Còn tại sao lại cứ phải vinh quang mới được, rõ là óc háo danh truyền thống.
Có một điều chắc chắn, tôi là một quái thai đẻ ở nách ra. Sống sót tới ngày nay, kể cũng kỳ lạ. Tuy giống con mèo, nhưng lại là tuổi Thìn, nên số là phải chạy loăng quăng, rồi bay nhẩy lung tung ngoài sức tưởng tượng. Đó là truyện về sau. Đích xác, từ bao giờ, gia đình chúng tôi đến định cư ở đây, tôi cũng không rõ, và tính tôi cũng không để ý gì nhiều tới nguồn gốc của mình. Sau này, có người nói, tôi mới biết là vốn từ tận Quảng Nam ra. Tôi cũng thấy vài người trong họ hàng từ miền Trung ra thăm. Nghe nói, ông nội tôi lúc trước đến làm tri huyện ở đất này, và đã mất ở đây, người ta vẫn còn gọi bà tôi là cụ Huyện. Và hồi xưa, trong các cụ tổ, cũng đã có cụ là bậc Khai quốc công thần, có vị đã từng đi sứ sang bên Trung quốc. Xem ra, gia thế như vậy thì không đến nỗi kém ai...
Anh em chúng tôi không có ai chú ý tới gia thế. Thực ra, ngày xưa, thường những gia đình như vậy mới có thể có điều kiện cho con cháu được hưởng giáo dục tốt. Nhưag, từ khi ông tôi mất, gia cảnh bắt đầu sa sút, một lạc, gặp nhiều khó khăn. Thầy tôi nhờ học được chữ quốc ngữ và răm câu tiếng Pháp, nên cũng tìm được một chân thư ký, thông phán trong sở. Mẹ tôi cũng buôn bán vặt để thêm vào duy trì sinh hoạt và nuôi nấng mấy con.
Nếu bên nội là giòng giõi văn quan, thì bên ngoại, mẹ tôi, lại là giòng võ tướng. Vì tôi thấy ai cũng gọi bà ngoại tôi là bà quản. Một bên nho nhã, một bên võ biền, nhưng tại sao cả hai bên lại gặp nhau ở đây và kết thân với nhau, tôi cũng chưa rõ. Và sự kết thân này, với hai tính cách khác nhau đó tất cũng đã có ảnh hưởng đến tương lai của chúng tôi. Thầy tôi, tôi chỉ được nhìn qua ảnh chụp, có một khuôn mặt trái soan, văn nhã trong bộ áo dài, còn mẹ tôi thì giống bà ngoại, hay cậu Cả tôi, dáng người rắn giỏi. Tiếng nói lớn, bà có tính cách cả quyết trong mọi việc. Có lẽ chúng tôi đã thừa hưởng cả hai thứ tính cách đó.
Sau này, nghe người ta kể, tôi mới rõ chúng tôi ở đâu ra, từ đâu đến, nói thực là về nguồn. Thì ra giòng giõi họ chúng tôi cũng có lịch sử khá phức tạp. Hơn hai trăm năm trước đây, tổ tiên chúng tôi còn mang họ Nguyễn, nhưng lại là Nguyễn Văn.Một ông tổ, đi theo Nguyễn Phúc Chủng (tức Nguyễn Phúc ánh, năm 1802 lên ngôi với niên hiệu Gia Long). Một hôm tới địa phận Quảng Nam, Nguyễn Phúc ánh chỉ một ngọn núi cao hỏi tên là núi gì. Ông đáp là núi Phước Tường. Nguyễn Phúc ánh nói: Nguyễn Phước là họ của ta. Ta ban cho ngươi họ Nguyễn Tường.
Cụ tổ ấy bèn đổi họ sang Nguyễn Tường, và chọn nơi Cẩm Phổ, Hội An, Quảng Nam làm phát tường địa (chỗ phát tnển tốt lành). Đó là cụ Nguyễn Tường Vân, có tên ghi trong Đại Nam Liệt truyện, và từng giữ chức Binh Bộ Thượng Thư, phó Tổng Trấn Bắc Thành... thì ra chúng tôi cũng là giòng giõi quan to, không kém gì ai! Tuy anh em chúng tôi không ưa giới quan lại chút nào cả.
Cụ Nguyễn Tường Vân có một người con là Nguyễn Tường Phổ, nhiệm chức. Giáo thụ phủ Điện Bàn. Cụ Phổ sinh ra cụ Nguyễn Tường Tiếp, sau có chức vụ là đồng Tri phủ lãnh Thụy Nguyên huyện Tri Huyện ghi trong gia phả. Đó là ông nội chúng tôi - và tôi cũng không rõ ông đến làm tri huyện Cẩm Giàng từ thời nào và ông mất năm nào. Mà tôi cũng không biết cha tôi là con út của cụ Tiếp. Cũng không biết tên cha tôi là Nguyễn Tường Chiến với tên húy là Nhu, tôi chỉ biết cái tên sau thôi. Tôi cũng chỉ biết giòng ngoại họ Lê, không rõ là giòng họ Lê này ở Duy Phước, Duy xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông ngoại làm đến chức Lãnh binh, và cũng đến Cẩm Giàng. Đó thực là một duyên phận Kỳ ngộ. Một điều đáng tiếc là chúng tôi không rõ cuộc hôn nhân của cha và mẹ chúng tôi là do phụ mẫu xếp đặt hay do tự do luyến ái. Dù sao, cả hai bên đều là khách ly hương, xa quê nhà ở mãi tận miền Trung. Nghe nói, khi cha tôi sắp qua đời, có trăn trối để lời với các con.
- Sau này, dù thế nào các con cũng phải tìm về lại quê cha đất tổ.
Sau này, các anh chị tôi đều có ghé thăm Cẩm Phổ. Năm 1930, anh Nguyễn Tường Long có về thăm quê và đã cúng vào Văn Miếu làng, nhà thờ tộc bên nội và tộc bên ngoại -mỗi nơi một bức hoành.
Từ năm 1954 về sau, nghe nói trong họ hàng có đi lại nhiều, nhưng tiếc lúc ấy chúng tôi đã đi xa.
Trước khi tôi ra đời, thầy tôi bỗng không may mất việc thông phán ở Hà Nội. Mẹ tôi phải thu xếp về buôn bán ở quê ngoại, huyện Cẩm Giàng.
Đây là một huyện lỵ nhỏ, bình thường, nghèo nàn, nằm bên con đường sắt Hà Nội - Hải Dương, miền đồng bằng Bắc Kỳ, trong thời kỳ những ngày Pháp thuộc âm thầm tại đầu thế kỷ thứ hai mươi. Chung quanh là đồng ruộng im vắng, với tận xa, những lũy tre xanh Việt nam bao bọc các làng mạc nằm ở trong từ mấy ngàn đời.
Nơi chôn rau cắt rốn của các anh chị em trong gia đình, nơi chúng tôi đã lớn lên, tiếp xúc đầu tiên với xã hội. Một cánh đồng, một gốc cây, một góc phố, một cái lều trơ vơ, đến nay chúng tôi vẫn không quên được.
Gian nhà chúng tôi ở một bên trông ra cái ga nhỏ, một bên trông ra con phố hẹp lầm lội mỗi khi trời mưa. Nhà ga nhỏ xám, hai bên trồng găng. Mỗi khi có xe hoả lên xuống, cả ga, cả phố xá lại như vùng dậy, rộn rịp hẳn lên. Nhưng đến tối, chỉ còn nghe thấy tiếng còi tàu vẳng từ xa đến rồi biến đi trong đêm lặng.
Mấy dẫy phố lèo tèo, với vài căn nhà gạch, hai cửa tiệm bán tạp hóa của người Hoa Kiều. Cuối phố, rẽ xuống bến đò Sông Sen, ai đi qua cũng phải ngó vào cổng nha Huyện xám xịt, với chú lính lệ đứng gác, tượng trưng cho uy quyền của nhà nước.
Thủa bé, chúng tôi thường chạy ra, theo đường sắt, đứng trên cái cầu sắt bắc ngang trên sông Sen êm đềm trôi giữa hai rặng tre, tới đồng lúa xanh ngắt. Ban đêm, dân phố vẫn lắng nghe tiếng xe hoả chạy rầm rập trên cầu, phá vỡ cả một vùng tịch mịch.
Thế giới của tôi khi mới lò cò chạy đi là căn nhà năm gian rộng rãi dưới mắt một đứa bé con, cửa hàng xép trông ra phố Chợ với những lều không chống bầng nứa, cái sân gạch đằng sau nhà, đưa tới ngôi nhà gạch bên ngoại. Qua cái nhà gạch đó là chỗ tôi thích đứng ngám nhất, dù còn quá bé - một vườn hoa nhỏ, có trồng hoa nhài trắng và thơm dịu, với những bụi tóc tiên. Rồi tới cái ao nhỏ, nước phẳng lặng, thỉnh thoảng mới có ít bọt nước sủi lên do cá đớp động dưới đám bèo hoa. Và một cây sung cổ kính, già nua không biết trồng từ năm nào, thân cây to ngả trên mặt nước, một cái cầu ao bằng tre bắc ngay dưới bóng sung.
Mấy rặng găng cao chia cách bên chúng tôi với nhà láng giềng. Khi mùa tới, những quả găng đỏ hồng trông rất hấp dẫn, nhưng dù trẻ con, cũng ít khi hái mà ăn, vì mùi vị quá lợ.
Cuộc sống đúng là vô tư lự, hạnh phúc, tuy thiếu thốn, cho đến một ngày:
Tôi cảm thấy không khí trong nhà khầc hẳn, rộn rịp, các anh về đầy đủ, người ra vào tấp nập. Xen lẫn vào, là tiếng khóc - chắc là của bà nội. Tôi ngơ ngác trước đèn, nến trên bàn thờ đã thắp lên sáng choang. Mùi hương khói, mùi giấy đốt trùm cả trong nhà.
Không nhớ có phải do mẹ tôi chỉ không, mà tôi tiến dần đến bàn thờ, nhìn vào một cái hòm dài dưới gẳm bàn. Hình ảnh cái tiểu sành, trong đó xếp mấy ống xương màu vàng bùn, tất cả những di vật còn lại của thầy tôi - giữa hương khói nghi ngút, tôi còn nhớ như ngày hôm qua. Đó là lần đầu tiên tôi đứng trước cái chết. Nhưng trong đầu tôi chỉ thấy lạ lùng, không có cảm giác đau thương. Và đó cũng là lần đầu và lần chót tôi được trông thấy thầy tôi. Về sau, khi lớn lên, nhớ lại hình ảnh đó, tôi mới suy nghĩ về cuộc đời của con người, của sự sống và sự chết, tôi mới cảm thấy một thứ hư không vô hạn. Cái cảm giác hư không ấy sẽ theo đuổi tôi sau này, mỗi lúc tôi đứng trước những cảnh trạng sống chết luôn luôn phải gặp.
Sau khi tôi ra đời hơn năm thì thầy tôi phải đi làm xa, với việc thông ngôn cho một viên Công Sứ, sang tận đất Sầm Nưa bên Lào - thiên sơn vạn thủy, ma thiêng nước độc, vì sinh kế. Lúc đầu ông cho biết ở bên đó công việc nhàn hạ, khí hậu cũng tốt, làm cho mọi người yên tâm. Nhưng đến một ngày mùa đông, hai anh Thụy và Cẩm bỗng đột ngột đáp xe hoả từ Hà Nội về báo tin dữ: thầy đã mất vì bệnh bên Lào rồi, tin như sét đánh. Vừa nghe nói, bà nội đã ngất xỉu ngay giữa vườn rau. Bà khóc thảm thiết cho mãi tới khuya.
Thầy tôi mất vào ngày 23 tháng 10 năm Mậu Ngọ, tức năm 1918, hưởng thọ 37 tuổi, vào lúc ông hãy còn trẻ quá. Ông mất đi, bên cạnh chỉ có mỗi mình mẹ tôi, để lại mẹ già, vợ goá và một đám con còn nhỏ bơ vơ.
Tang tóc bất ngờ đã để lại một vết thương âm ỷ, sâu xa trong lòng cả anh em chúng tôi. Cảnh mồ côi bố không phải không có ảnh hưởng. Sinh sống khó khăn, lại thiếu sự dậy dỗ chỉ bảo hay dìu dắt của người bố, bà mẹ bận về tìm cách làm ăn, sao cho nuôi dưỡng được bẩy đứa con cho thành người, những cái đó có lẽ đã rèn luyện anh em chúng tôi tinh thần tự giác, độc lập trong cuộc đời phức tạp, đầy gian nan. Ngôi mộ thầy tôi cũng không ở xa lắm đối với phố huyện. Nghe kể lại, lúc đó đã mướn một thầy địa lý đi nhiều nơi tìm chỗ tốt, mang tới phú quý cho gia đình. Cuối cùng, thầy chọn được một nơi tại làng Trữ La, mà thầy bảo là ở ngay giữa miệng con rồng. Có người lại nói là ở đúng trên lưng một con phượng.
Theo chỗ tôi ngắm, thì không giống miệng con rồng chút nào mà phải giầu tưởng tượng mới cho là lưng con phượng được. Còn ông thầy địa lý đó chắc cũng phải ngẫm nghĩ, nếu ông biết gia đình chúng tôi sau này chẳng thấy phú quý ở đâu cả, mà toàn là long đong.
Nhưng dù sao, tôi cũng vẫn còn nhớ nơi mà thầy tôi an nghỉ vĩnh viễn. Đó là một cảnh rất nên thơ. Là nơi rất thân thiết đối với chúng tôi, từ lúc còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Ra khỏi bụi găng ở đầu ga, chúng tôi hay chạy trên con đường sắt thẳng tắp, hai bên là đồng ruộng. Bên tay mặt, trên con sông Sen, một cây cầu sắt gẫy không biết tự bao giờ vẫn đứng trơ trơ qua ngày tháng. Bên trái, cánh đồng Kinh nguyên, một dải mộ địa im vắng.
Rời bỏ đường sắt, rẽ vào một con đường đất, chẳng bao xa thì tới một gốc cây đa cổ thụ, cành lá xoè ra, trùm lên cả một khoảng rộng. Đó là cây đa mâm xôi - như người vùng đó thường gọi. Bóng cây đa đã từng che mát cho bao nhiêu dân làng gần xa. Từ chỗ này, qua mấy thửa ruộng, là tới mộ thầy tôi Và sau này, bà nội tôi cũng đến yên nghỉ ngay bên cạnh cây đa. Hai mẹ con cuối cùng cũng đã nằm gần nhau tại mảnh đất này. Mộ nằm trên một gò đất, trước mặt là hai ao nhỏ và con đường vắng, lá tre rụng đầy đưa vào trong làng, và vào một ngôi chùa cổ kính, đầy rêu, một ngôi chùa Việt nam chân chính. Hai bên có giải đất dài, dẫn xuống mấy thửa ruộng đằng sau. Chung quanh nhiều khóm cây rũ bóng trên mặt nước. Về sau, có khi tôi đến ngồi bên mộ, không nghĩ ngợi gì, để ngắm cảnh làng quê im lừn, xa vắng.
Thời kỳ ấy, chính vào lúc đệ nhất thế chiến đã kết thúc, nước Pháp đại thắng. Chữ quốc ngữ, chữ Pháp càng đưọc dùng nhiều thay vào chữ Nho, chữ Nôm. Những ông đồ nho chi hồ giả dã dần dần cảm thấy hết thời, bị những ông Ký, ông Thông, Phán thay vào, làm trung gian giữa người Pháp cai trị và người dân Việt. Những công việc này cũng nhàn nhã, lương hậu. Các nhà trường cần nhiều giáo viên, nghề gõ đầu trẻ tuy lương bổng thấp hơn, nhưng cũng không quá vất vả.
Cảnh nghèo nàn thiếu thốn trong gia đình, dù mẹ tôi và bà tôi cố gắng xoay sở, cũng chưa giải quyết được vì đông con. Tôi còn nhỏ quá nên chưa thấy rõ những phiền muộn, éo le, xung đột trong nhà. Tuy cũng cảm thấy nhiều khi, có bầu không khí nặng nề giữa người trong gia đình qua những cuộc cãi cọ, đấu khẩu.
Tại chung quanh, cảnh nghèo khổ, tiêu điều trong các gian nhà lụp sụp, cảnh chân lấm tay bùn của nông dân cặm cụi trên đồng ruộng lầm lội, những người chỉ có một cái khố che thân, cảnh phiên chợ lèo tèo... cảnh mưa phùn gió bấc, mưa bão trên những lều tranh đầu phố... tất cả những cái đó đã ăn sâu vào trí óc chúng tôi. Về sau, đã thúc giục chúng tôi muốn viết lên, muốn làm một cái gì để thay đổi tình trạng đó. Không phải là ngẫu nhiên, mà chúng tôi đã từng có cảm xúc mạnh - Mệnh vận của mỗi người có thể khác, nhưng chúng tôi có chung sự đồng tình, lòng trắc ẩn sâu xa đối với những đau khổ của cuộc đời.
Hồi đó, tôi lại được quen với những thứ mùi lạ mà ít người khác được biết, đó là mùi rượu lậu. Mỗi khi nấu rượu thì mọi cửa ngõ đều phải đóng kín hết, mọi người thay nhau ra gác đề phòng Tây Đoan đột nhiên đến khám. Thường thường là chị tôi hay anh Sáu đứng ở cổng trông ra đường ga hay trông ra phía chợ. Anh Sáu bắc một cái ghế ngồi, giả vờ đương đọc sách một cách chăm chú. Nấu rượu cũng là bất đắc dĩ để duy trì một gia đình đông con.
Song, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma.
- Tây đến! Tây đến!
Đương nằm thiu thiu trên chõng, tôi bỗng bị mấy tiếng kêu lớn vọng từ ngoài cổng vào đánh thức, ngồi dậy, ngơ ngác. Tức thì một cảnh hỗn loạn khuân vác, dẹp chạy khẩn cấp diễn ngay ra. Nồi niêu, thùng sắt được khuân ngay ra đằng sau phố. Một người dẹp tắt lửa trên bếp, một cài cửa ngang. May mà hôm đó, Tây Đoan đã không xông tận vào nhà trong, chỉ lục lọi ở ngoài một lúc rồi bỏ đi khám nơi khác. Nguyên do cũng vì anh Sáu ngồi lâu quá buồn ngủ thiếp đi, nên bọn Tây Đoan đến gần mới phát giác, gây ra cảnh hoảng loạn kể trên...
Nhưng Tây Đoan cũng không vừa. Đã có kinh nghiệm, lại có tay trong, nên lần sau chúng chia người vây nhà, rồi xông vào bắt được quả tang tại chỗ, phạt tiền, tịch thu môn bài ruợu. Việc kinh doanh trái phép này phải ngừng, và quay về buôn bán hàng xép, cùng cân gạo. Sinh hoạt gia đình càng khó khăn hơn.
Sau đó, nhờ hai anh lớn đỗ bằng Thành Chung, (tục gọi là đíp lôm) rồi xin được chân giáo viên tiểu học, giúp gia đình sinh sống tạm được yên ổn, tuy vẫn thiếu thốn. Chăm học, lại thông minh, các anh lớn đều học giỏi và đỗ sớm cả. Bẩy năm thủa bé của tôi đã qua trong khuôn cảnh phố ga Cẩm Giàng. Trong ký ức, tôi không nhớ rõ lắm về hình ảnh ba anh lớn, Thụy, Cẩm, Tam - có lẽ vì bận học và công việc, nên ít về nhà. Chỉ có anh Long (Tủ) là hay về chơi, nhất là vào dịp nghỉ hè. Thường ở nhà chỉ có chị Thế và anh Sáu, lúc đó học ở tru,ờng huyện. Đó là những ngày vô tư vô lự của đám trê. Chúng tôi thường rủ nhau đuổi bắt những loại bướm màu sặc sỡ bay lưọn trên bụi găng, rồi cùng mấy cô em họ tinh nghịch chạy ra cánh đồng, đánh cỏ gà, một lối chơi rất thú vị, hoặc ngắt những bông hoa thài lài xanh trên bờ ruộng.
- Đi câu cá, đi anh!
Vì biết anh Tư thích câu cá, cô Tám, một cô em kéo anh ra bờ ao nhìn ra cánh đồng xa. Chỗ này mát mẻ, dưới một gốc sung già da sần sùi. Chúng tôi đào giun hay đi súc tép dưới bèo đề làm mồi. Hai anh Tư và Sáu ngồi trên thân cây hay trên cầu ao, ung dung đợí cá rô đến đớp. Mấy cô gái trèo thoăn thoắt lên cây, rồi ngồi vắt vẻo trên cành là trên mặt nước. Một cô em hái mấy quả sung đưa các anh ăn, quả nào cũng chín, màu tím, và ngọt lịm. Nhưng chúng nó lạỉ chỉ hái mấy quâ còn xanh, lấy ít muối chấm ăn, rất thích thú, tuy đắng chát tê cả lưỡi. Mỗi khi ai kéo lên được một con cá rô đen hay một con cá mại bụng trắng tinh, là mọi người đều nhẩy lên reo mừng y như trước một chiến thắng lớn.
Chán rồi, lại kéo nhau ra la cà tại các quán chợ, nếu đến phiên, nhiều người gồng gánh từ chung quanh mang hàng tới bán. Chỉ có mấy viên kẹo vừng hay kẹo lạc cũng đủ làm chúng tôi vui vê hạnh phúc nhất là khi trong tứi có thêm mấy xu, có thể làm được mấy bát cháo dương - thứ cháo bột nấu với ít sườn- ngon tuyệt vời, có lẽ ngon hơn tất cả những thứ sơn hào hải vị trên thế gian này.
Nhưng rồi những ngày êm ả tuổi thơ tại Cẩm Giàng cũng đến lúc phải hết. Bắt đầu là cậu học trò bé bị mẹ xua đuổi tới nhà trường. Tôi ngồi im thin thít trên ghế trong lớp, như một sự phản kháng thầm lặng, vì thế tôi được tiếng là một học sinh ngoan ngoãn. Một năm sau, vì hoàn cảnh biến đổi, gia đình dọn lên Hà Nội ở. Một thời kỳ mới bắt đầu trong cuộc đời anh em chúng tôi.
Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua - Nguyễn Tường Bách Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua