To read without reflecting is like eating without digesting.

Edmund Burke

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 33
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 754 / 11
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 -
gày hôm ấy, trong nghi thức tang lễ cuối cùng của Phí Đình Diêm, trưởng phòng hành chánh Sở Thuế Muối tại Cao Vũ, bằng hữu của người chết đến bày tỏ lòng thương tiếc. Đàn ông một bên đàn bà một bên, mọi người đứng vái lậy thật thấp trước cái quan tài màu đen, rồi rón rén bước ra. Đây là một tang lễ tạm do bạn bè của gia đình hấp tấp cử hành, trước khi linh cữu được chở về nguyên quán người chết để an táng.
Hôm ấy là một ngày rất nóng và ẩm thấp. Khoảng bốn, năm chục người, đàn ông đàn bà và trẻ con chen chúc nhau trong một hoa viên nhỏ. Đây là một căn nhà thuê, cũ kỹ, trần nhà chỉ là những cây kèo mộc mạc.
Các bạn của người chết, phần đông chưa từng đến nhà này, ngạc nhiên thấy bà Phí có thể sống một cách đạm bạc như thế, vì ông Phí là con một gia đình địa chủ giầu có tại Cao Xương, gần Thượng Hải. Có một nét nên thơ giữa những đồ đạc trơ trụi ngổn ngang và sách vở trong thư phòng, nơi khách tụ họp. Hai chiếc cửa sổ mắt cáo, trước kia sơn son nay thành màu hồng mờ nhạt, chỉ để lọt một ít ánh sáng vào, khiến cho khách khứa trở thành những cái bóng lờ mờ di động và thì thầm. Vài bà khách trông thấy mạng nhện trong góc cửa sổ, và quả quyết rằng cái người tang phụ trẻ kia không phải là một người nội trợ tốt.
Nhiều đồng sự của Phí tới đây vì tò mò muốn xem mặt Mẫu Đơn, người goá phụ trẻ, nghe đồn là rất đẹp.
Họ biết hôm nay nàng sẽ có mặt cạnh quan tài, đáp lễ khách bái viếng.
Cái không khí ảm đảm của buổi tang lễ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Có một cái gì không đúng. Có một cái gì lạc lõng chua chát giữa cái không khí tang lễ trang trọng bên cái quan tài đáng sợ, và khuôn mặt trắng trẻo của người goá phụ trẻ, một nửa bị cái mũ tang che khuất. Nàng là hiện thân của sự hy sinh trong cái nón hình chóp bằng vải trắng, phủ những mẩu vải thô, và chiếc áo tang rộng cũng bằng một thứ vải. Cái khuôn mặt trắng hình bán nguyệt, có hàng lông mi dài đen nhánh, cái mũi rất thẳng, đôi môi khêu gợi, và chiếc cằm rất thuôn đẹp, tất cả nổi bật lên trong bóng tối ở cuối phòng. Nàng đứng cạnh hai cây nến trên bàn thờ, lấp lánh một thứ ánh sáng ghê rợn và ma quái. Cái đầu cúi xuống của nàng dường như là một sự phản đối tất cả những gì đang xảy ra. Mẫu Đơn tuy chỉ mới có hai mươi hai tuổi, nhưng theo đúng truyền thống đạo đức của thời đại, goá phụ của một học giả, hoặc một người thuộc giai cấp cao, không bao giờ nên tái giá.
Mọi người đều tội nghiệp cho người goá phụ trẻ đẹp ấy. Theo họ thì hy sinh một người trẻ và đẹp đến thế thì thực là quá phí phạm. Khách phần lớn là nhân viên Sở Thuế Muối. Đa số đã có gia đình, và tới đám tang cùng với vợ vì những mục đích khác nhau. Có người tới vì bổn phận xã hội, người khác thì kinh hoàng trước sự hoành hành của Thần Chết trong một trận dịch tả. Một vài nhân viên cấp nhỏ tới là vì ông xếp bắt họ phải đóng góp một số tiền phúng rất lớn cho người goá phụ; số tiền được trao tặng dưới danh nghĩa là tiền của bạn đồng sở - số tiền mà họ khó khăn lắm mới có đủ để nộp, trong khi gia đình giầu có của người chết không cần.
Ông Thuyết, giám đốc sở Thuế Muối, một người cao và mặt sắc cạnh, tỏ ra rất hãnh diện vì nhờ ảnh hưởng của ông, gia chủ mới có thể mua được một chiếc quan tài rất tốt, trong khi quan tài rất khan hiếm giữa mùa dịch tả này. Ông muốn một sự sung sướng hả hê khi thấy nhiều người thán phục cái quan tài; và vì thế ông đã loan tin rằng goá phụ là một phụ nữ tuyệt sắc. Nàng là người sống rất kín đáo, và ông đã từng được gặp nàng trước khi chồng chết.
Sở Thuế Muối đã tận lực giúp người goá phụ, vì gia đình người chết không có ai tới. Họ chỉ sai một tên đầy tớ già đến để lo việc chuyên chở linh cữu; nhưng Liên Xung, tên đầy tớ già, thì lại gần như điếc, và hoàn toàn vô dụng, vì lão chẳng hiểu được tiếng quan thoại của vùng này.
Nghi lễ đòi hỏi một thân nhân của người chết phải đứng cuối quan tài để vái, đáp lễ lại khách. Ngay một đứa trẻ cũng được. Nhưng Mẫu Đơn chưa có con, nên nàng phải thân đứng sau quan tài, trông như một đống vải thô tội nghiệp. Thỉnh thoảng chiếc nón vải nhúc nhích khi nàng đổi chân. Người ta có thể trông thấy hàng lông mi dày của nàng khẽ chớp trong vẻ rất lo lắng. Đôi khi, nàng ngẩng lên, lơ đãng nhìn cái đám đông trước mặt, hoàn toàn dửng dưng trước việc tang lễ. Mồ hôi chảy dài trên trán nàng. Mắt nàng khô ráo. Nàng không hề nức nở hoặc rền rĩ than van; đáng lẽ ra nàng phải khóc cho đúng phép.
Khách hiện diện nhận ra điều này. Tại sao nàng dám không khóc? Theo tục lệ thông thường, không có nước mắt hoặc không có dấu hiệu đau buồn trong tang lễ của chồng là một điều không thể tưởng tượng được. Nàng không làm gì, chỉ cúi xuống vái đáp lễ lại khách, nhưng "không làm gì" là điều ai cũng thấy được, và những người biết lễ nghi coi là một sự đại xúc phạm. Việc ấy giống như trông thấy một trái pháo bị đốt, lửa sáng lóe lên nhưng không nổ.
Vài người lui về căn phòng phía đông, nhìn ra vườn trước. Họ bàn tán sự việc xảy ra một cách rất hứng thú. Một ông già lên tiếng:
- Hãy tưởng tượng lão Phí có một người vợ đẹp như thế sắp đi làm điếm!
- Ai có thể biết được rồi sẽ ra sao? Các ngài có thấy mắt bà ta không? Đôi mắt thật sâu và long lanh. Bà ta chắc chắn không thương tiếc chồng đâu.
- Tôi đã trông thấy đôi mắt ấy. Thật là đẹp, thật là đam mê! Tôi đánh cuộc là bà ta sẽ tái giá.
Một người đồng sự bực mình. "Hãy im miệng đi! Các ông là gì mà dám xét đoán người ta? Ở đây có bệnh dịch phải không? Tôi hiểu Đình Diêm còn có hai người anh. Nếu bố anh ta không đến được thì ông ta lẽ ra phải sai một người anh tới mới phải chứ, và không nên để người đàn bà trẻ ấy phải cáng đáng mọi chuyện." Một người nhỏ thó, áo choàng dài che kín mắt cá chân, lên tiếng, "Không có lấy một cái hỷ mũi, hoặc một tiếng nấc, hoặc một tiếng rên rỉ." Một ông già ngoài sáu mươi tuổi, cằm vuông, đeo kiếng, ăn nói nhẹ nhàng, tiếp lời, "Đáng lẽ họ không nên để bà ta phải gánh vác hết như thế. Bà ta không thể nào tiếp tục, cứ đứng hàng giờ như thế mãi." Đây là ông Vương, một thày giáo và là hàng xóm của người chết. Với hàng ria mép xám và vài túm râu ngô, ông ta được kính trọng vì tuổi tác và địa vị một nhà giáo. Ông ta cầm một ống điếu dài hai tấc, nhưng không hút.
Ông giám đốc Thuyết, nói bằng một giọng nặng thổ âm An Huy, vội xen vào, hàng ria mép đen của ông cử động mãnh liệt khi ông nói. "Tôi không nghĩ hôm nay có nhiều khách, trừ nhóm chúng mình. Nếu chúng ta không nói gì thì người khác cũng không. Hơn nữa, dù bà ta than khóc hay không cũng đừng nên làm lớn chuyện này. Về phần chuyên chở, tôi đã sai thằng cháu tôi phụ lực. Không ai có thể nói Sở Thuế Muối không cố gắng hết sức." Một thanh niên nét mặt thản nhiên, khẽ khịt mũi. Anh ta nhắm vào nhà giáo họ Vương, "Phải rồi, ông nói có bệnh dịch tả, nhưng gia đình ông ta đáng lẽ không nên sợ hãi như thế. Đáng lẽ họ phải sai các anh ông ta đến. Dẫu sao đám tang cũng là đám tang." - Dĩ nhiên, họ sẽ tổ chức tang lễ đầy đủ tại quê nhà. Điều họ muốn là chở xác ông ta về thôi. Nhưng tôi nghĩ đáng lẽ họ phải quan tâm đến người vợ goá mới phải. Bà ta còn trẻ quá.
- Bà ta bao nhiêu?
Nhà giáo họ Vương trả lời. "Hai mươi hai." - Họ lấy nhau được bao lâu rồi?
- Vợ tôi bảo mới có hai hay ba năm. Và họ không bao giờ có vẻ mặn nồng. Nhưng mà thôi, không phải là chuyện của chúng ta.
Nhà giáo họ Vương khéo léo chấm dứt vấn đề. Bà vợ của ông xuất hiện đúng lúc ấy, và thì thầm với chồng.
Bà có một khuôn mặt rộng, ở tuổi ngoài năm mươi, và tỏ ra là một người thanh thản và vui vẻ. Bà ta nói:
- Nếu không còn khách nữa, chúng ta nên bảo bà Phí vào nghỉ. Gần trưa rồi. Để một người đàn bà đứng hàng giờ như thế không phải là chuyện đùa đâu. Không có ai tạm thay thế cho bà ta được. Xin các ông hãy nghĩ cho bà ta chứ.
Nhà giáo đứng dậy và bước lại gần ông giám đốc Sở Thuế Muối. "Này ông Thuyết, tôi biết đây không phải là một tang lễ chính thức. Tôi nghĩ tốt hơn là chúng ta ra về bây giờ, và đừng ở lại chờ ăn mì nữa. Ai mà còn lòng dạ nào để ăn. Thiện cảm là ở trong lòng. Ông Giám đốc, nếu ông lên tiếng, chúng tôi sẽ ra về để bà Phí nghỉ ngơi." Đôi mắt láo liên của xếp Thuyết hơi nheo lại, chứng tỏ rằng mặc dù đã từng dính dấp tới nhiều vụ tai tiếng, ông ta cũng không hoàn toàn thiếu duyên dáng khi có đàn bà. Ông nói bằng giọng trong cổ. "Dĩ nhiên ông nói phải lắm." Ông Thuyết bước vào phòng tang lễ. Ông không nói gì, chỉ nháy mắt ra hiệu. Mọi người nhìn theo và hiểu ngay. Lưu, người cháu trai của ông đang ghi tên người viếng thăm và đồ phúng điếu tại bàn giấy gần cửa sổ, đúng dậy và gập cuốn sổ lại. Từng người một lại gần quan tài để vĩnh biệt người chết; mỗi người lẳng lặng vái lạy rồi rón rén bước ra cửa một cách kính cẩn.
Xếp Thuyết đứng lại bên quan tài thêm một phút nữa, tay gõ vào quan tài để được nghe cái âm thanh cứng mạnh, mặt rạng rỡ vì rất thoa? mãn. Ông khoan khoái lẩm bẩm, "Gỗ tốt thực!" Bà Phí trẻ tuổi lúc đó ngẩng đầu lên, hiển nhiên là cất được gánh nặng, nhưng đôi mắt không giấu được vẻ lo lắng.
Khi khách ra về cả rồi, nhà giáo họ Vương ở lại. Vợ Ông đảm trách việc sửa soạn bữa ăn trưa nhẹ gồm có mì ăn với bánh bao, và ở lại lo cho mọi việc đâu vào đấy. Tuy các nhân viên sở Thuế Muối ra về rồi, nhưng vẫn còn đông đủ láng giềng tới viếng và đưa đồ phúng, và những hình thức tối thiểu cần thiết phải được chu đáo. Những người đưa đồ phúng được mời dùng bánh bao. Những chi tiết này đòi hỏi sự quán xuyến của một người đàn bà.
Mẫu Đơn tỏ ra rất biết ơn. Ông bà Vương là hàng xóm của nàng, và nàng là người vừa trẻ vừa cô đơn, nên thường tới thăm và thích chơi đùa với con cái ông bà. Hai bên chưa phải là bạn thân; nhưng khi nàng rất cần sự giúp đỡ vào lúc tai họa xảy ra, trong khi nàng chỉ có một mình mà phải cáng đáng công việc phức tạp của một đám tang, thì cặp vợ chồng này bất ngờ tới và sẵn sàng giúp đỡ.
Khi bà Vương dẫn nàng trở vào phòng trong, nàng nói với bà Vương một cách giản dị và có vẻ xa vắng, "Tôi cám ơn bà nhiều lắm." Nàng nói mà không nhìn bà Vương, giọng nàng trẻ, ròn rã nhưng rất nhẹ nhàng, như tiếng rung của một cái chuông bị rạn nứt. Nàng nói như một đứa trẻ, không cảm tình và cũng không màu mè. Rồi như chợt nhớ ra, nàng nói thêm, "Tôi không biết tôi sẽ làm thế nào nếu không có bà." - Ồ, bà chỉ có một mình. Đây là điều tối thiểu một người bạn có thể làm.
Lời cám ơn đơn giản được chấp nhận với một sự giản dị tương tự. Bà Vương nói tiếp:
- Bây giờ nằm nghỉ một lát đi. Tôi vào bếp và kiếm ít cháo cho bà. Bà không cần phải lo ngại về đồ phúng điếu. Tôi sẽ lo cho. Bà cần phải mạnh khỏe cho chuyến đi về quê nhà.
Bà giúp Mẫu Đơn cởi chiếc áo tang. Một hình dáng trẻ trung quyến rũ hiện ra. Mẫu Đơn đã nhất định không dùng son phấn hôm nay - vì có thể gây ra tai tiếng - nhưng cái tuổi trẻ tự nhiên và đôi môi hồng của nàng thực tình không cần son phấn. Bà Vương trông thấy những giọt mồ hôi trên trán nàng, và đưa cho nàng một chiếc khăn tay.
Nàng vừa lau trán vừa nói, "Tôi chết cứng trong chiếc áo tang. Hôm nay nóng quá chừng." Hai giọt lệ đọng trên bờ mi mắt của người đàn bà trẻ, dừng lại giây lát, gần như tràn xuống. Nhưng nàng kiềm chế được.
Mãi khi bà Vương ra khỏi phòng rồi nàng mới buông mình xuống giường và bật khóc thực sự. Từ lúc chồng chết vì bệnh dịch tả, đây là lần đầu nàng khóc, khóc thật thảm thiết. Nếu nàng cố khóc mấy hôm trước, thì bây giờ không còn nước mắt nữa. Bây giờ một cánh cửa đã mở, và nước mắt nóng bất ngờ tràn ra như những luồng nước tuôn ra khỏi một đập nước.
Nàng nằm suy nghĩ, không phải nghĩ đến chồng, nhưng nghĩ cho chính nàng, cho tương lai nàng, một cuộc đời còn trẻ chưa rõ mà nàng cần phải sống. Nàng không có gì than tiếc cho cuộc hôn nhân không tình yêu này, một cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt trái với ý muốn của nàng. Cuộc đời nàng chỉ là những chán ngán, và đó không phải chỉ vì Phí Đình Diêm là kẻ công khai đĩ điếm, hoặc hắn là kẻ thô lỗ, thường ăn nói một cách nghênh ngang tự phụ khiến nàng rất khó chịu và khinh bỉ. Là một người bản chất rất nhạy cảm và đam mê, nàng hiểu tình yêu như thế nào; nàng đã trải qua những cơn say mê, và chua xót đau đớn vì một cuộc tình không hy vọng. Nàng đã biết rõ những nỗi đau đớn và nuối tiếc khi Tần Châu, người tình cũ, bỏ nàng và lấy đi tất cả tình yêu của nàng. Tần Châu đã lấy vợ và có hai con. Tuy thế hai người vẫn còn lén lút gặp nhau sau khi nàng đã lấy chồng. Nàng có cảm tưởng nàng là một con ruồi bị mắc vào mạng nhện; tình huống khó xử này làm tâm trí nàng bối rối. Và bây giờ nước mắt của nàng tuôn ra từ một nguồn sâu xa không tên, có một cái gì rất khẩn thiết, một ước muốn mà nàng chưa biết rõ. Tuy vậy, nàng cảm thấy dễ chịu vô cùng sau khi đã khóc.
Nàng cười thầm khi những khách đàn bà than thở cho số phận hẩm hiu của nàng, mất chồng trong khi còn quá trẻ, với cái viễn ảnh phải sống trong cảnh goá phụ lâu dài. Ý tưởng của khách đàn bà là trên đầu lưỡi của họ; tất cả đều tội nghiệp cho nàng; họ nói công khai rằng một cuộc đời góa bụa trẻ như thế rất là "khó khăn." Các bà nghĩ rằng nàng sẽ phải trả giá đầy đủ cho Đức Hạnh. Đức Hạnh trong cảnh goá phụ đã được xác nhận theo hai kiểu mẫu; người goá phụ sẽ phải ao ước là một trong hai trường hợp:
là một "Trinh phụ", nghĩa là sống suốt đời trong cảnh góa bụa, hoặc là một "Liệt phụ", nghĩa là cố gắng tự tử khi bị bắt buộc phải tái giá.
Mẫu Đơn buồn cười loại bỏ cả hai trường hợp này. Lòng yêu đời và bản chất trẻ trung bảo nàng rằng đó là điều sai lầm. Nàng đang tìm kiếm cái gì tốt đẹp và thoa? mãn cho cuộc đời một người đàn bà. Nàng quá thông minh không để những lời bình phẩm của đàn bà ảnh hưởng đến nàng. Vốn là một người bản tính thất thường, nông nổi, nhạy cảm, tao nhã, khao khát một lý tưởng, nàng rất coi thường những gì được chấp nhận là phẩm hạnh tốt. Nếu nàng kêu gào than khóc thì chỉ vì nàng muốn thế.
Bà Vương ở trong bếp hơi lâu. Khi bước ra, bà bưng theo một chiếc khay đựng những tô mì nóng hổi, và vài đĩa đồ ăn chơi; bà ngạc nhiên thấy người thiếu phụ xoã tóc ngang vai, cúi xuống trên một tủ sách bằng tre, trông không giống dáng điệu của một goá phụ, và đang tìm kiếm cái gì.
Bà Vương khẽ trách, "Bà làm gì vậy? Nào lại đây ăn đI!" Khi Mẫu Đơn quay lại, bà Vương trông thấy một vẻ hào hứng trong mắt nàng. Mặt Mẫu Đơn đỏ bừng như thể là những bí mật sâu trong lòng nàng bỗng bộc lộ.
Bà Vương kéo một cái ghế. "Bây giờ ngồi xuống ăn đi!" Giọng của bà giống như một người mẹ. "Tôi chiên trứng với thịt nguội, và tôi sẽ cùng ăn với bà." Mẫu Đơn vui vẻ mỉm cười. Nàng biết cách bà Vương đối xử với năm đứa con của bà, và nàng không ngạc nhiên trước sự quan tâm săn sóc của bà.
Tuy nhiên trong lúc đang ăn, bà Vương trông thấy mắt của Mẫu Đơn sưng và đỏ, bà ta nói với vẻ tiếc rẻ, "Tôi ước mong các tang khách trông thấy bà lúc này." Ngạc nhiên, Mẫu Đơn hỏi, "Tại sao?" - Bà đã khóc thực rồi.
Người goá phụ trẻ bực mình. "Tôi biết, người ta sẽ khen ngợi." Sự trống rỗng trở lại, và Mẫu Đơn lẳng lặng ăn trứng. Không ai biết hoặc hiểu được tại sao nàng nằm trong giường và khóc lóc lúc nãy. Nàng mong ước bà Vương đừng có mặt, để nàng được ở một mình cùng với những ý tưởng và những vấn đề đang làm nàng phiền muộn. Nàng muốn rằng bà Vương sẽ không trông thấy những lá thư tình của nàng trong lúc nàng xếp dọn hành lý.
Để phá tan sự im lặng, bà Vương hỏi, "Lúc tôi vào bà đang tìm gì thế?" Nàng nói dối, "Tìm cuốn lịch sử Hàng Châu." - Quê bà ở đó hả?
- Phải, huyện Ngọc Đào.
- Tôi nghĩ sau một trăm ngày, bà sẽ trở lại quê nhà thăm gia đình.
- Tôi định vậy.
Ông Vương gõ lên cánh cửa đã mở. Ông muốn uống trà. Ông đã ăn cơm xong trong thư phòng và muốn biết hai người đàn bà làm gì, và khi nào vợ Ông về nhà.
- Ông về nhà trước đi. Tôi muốn ở lại bầu bạn với bà Phí. Bà ta phải sắp xếp nhiều thứ.
Nhưng nhà giáo rất đỗi ngạc nhiên khi Mẫu Đơn đứng dậy và mời ông ta vào. Ông ngập ngừng. Ông thuộc về thế hệ già và vợ Ông ta ở đấy rồi, đồng thời sự giáo dục của ông cấm ông bước vào phòng ngủ của một người đàn bà láng giềng.
Mẫu Đơn trông thấy sự do dự trên mặt ông, nên tiến ra cửa. Nàng trịnh trọng gọi ông bằng "Vương Sư Phụ", và nói, "Tôi hết sức cám ơn sư phụ và bà nhà đã giúp đỡ. Tôi sẽ bưng trà vào thư phòng, và xin thỉnh ý sư phụ vài điều." Một phút sau, Mẫu Đơn bưng một khay trà vào thư phòng. Ông Vương đứng dậy và khách sáo xin Mẫu Đơn không cần phải làm như vậy.
Cung cách của Mẫu Đơn rất cương quyết, linh hoạt, không thích hợp cho một goá phụ mà chồng vừa mới chết. Ông Vương trông thấy sự trẻ trung của Mẫu Đơn và tim ông hơi quặn lại. Một phụ nữ trẻ đẹp mới ngoài hai mươi tuổi, mà phải sống trong cảnh goá bụa suốt đời. Ông nghĩ rằng số kiếp đành phải như thế thôi. Ñt nhất điều này đã được các goá phụ của những nhà khoa cử chấp nhận. Goá phụ của thường dân thường là tái giá, nhưng goá phụ của những tú tài hoặc cử nhân thì tuân theo luật lệ Khổng giáo đã đặt ra cho đàn bà.
Lúc này, ông Vương cảm thấy thực là khó mà tin được người góa phụ trẻ tuổi trước mặt ông sẽ sống suốt đời cho Đức Hạnh. Nàng không có vẻ như thế.
- Vương Sư phụ tử tế quá. Sư phụ có thể khuyên tôi phải làm gì. Ngày mai tôi sẽ cùng với Liên Xung theo linh cữu về quê. Dĩ nhiên tôi sẽ mặc tang phục khi xuống thuyền. Nhưng có cần phải mặc tang phục trong suốt cuộc hành trình không?
- Thưa bà Phí, đây là vấn đề của cái tâm. Chắc chắn là bà sẽ mặc lúc lên thuyền và khi xuống thuyền, nhất là lúc xuống thuyền khi cha mẹ chồng ra đón linh cữu.
Ông nhìn Mẫu Đơn từ đầu đến chân, rồi nói tiếp.
- Bà không nên như thế này. Đó là điều cần thiết. Bà phải than khóc suốt cuộc hành trình cho tới lúc linh cữu đã đem vào trong nhà chồng rồi. Dĩ nhiên tôi không biết gì về cha mẹ chồng bà, nhưng bình thường họ mong đợi việc ấy ở bà. Lại còn có chị em chồng, các bà hàng xóm, họ sẽ đứng xem bà. Bà chắc không muốn họ nói xấu sau lưng bà.
Nhà giáo già nói những điều này một cách lưu loát, thành thạo, giống như một người hướng dẫn chuyên nghiệp trong một ngôi đền hoặc một di tích lịch sử.
- Và cái gì sẽ xảy ra cho tôi?
- Điều chắc chắn là gia đình nhà chồng sẽ xin một đứa con nuôi cho bà, để tiếp tục hương khói cho chồng bà. Người ta thường làm như thế. Người ta nói làm thế sẽ giúp người goá phụ giữ được tinh thần trinh tiết và đạo hạnh nếu phải trông coi một đứa trẻ. Thưa bà, cuộc đời goá phụ không dễ dàng đâu, nhưng phải trải qua. Chồng bà có đỗ đạt gì không?
- Thực ra thì không. Nhưng chồng tôi bỏ tiền ra mua chức Cống sinh khi triều đình quyên tiền trợ giúp nạn lụt. Đó là một năm trước khi chúng tôi kết hôn. Sư phụ biết không, một ngàn quan cho bằng Tú tài, ba ngàn cho bằng Cử nhân, và Cống sinh chỉ có năm trăm.
Nhà giáo già quan sát mặt Mẫu Đơn chăm chú, rồi lẩm bẩm, "À ra thế!" - Sư phụ nói gì ạ?
Nhà giáo trở lại vấn đề chính. "Thực ra tùy ý bà, hoàn toàn tùy ý bà. Nhẽ ra tôi không nên bàn chuyện này.
Nhưng vì bà hỏi tôi. Bà muốn biết hành động thế nào. Tôi nói điều ấy tùy thuộc ý bà. Thực ra người ta không nghe nói đến goá phụ một Tú tài tái giá. Nhưng Cống sinh thì chưa rõ lắm. Và cũng còn tùy thuộc gia đình chồng bà nữa. Khi họ bàn chuyện nhận con nuôi thì bà biết họ muốn gì.
- Sư phụ có nghĩ rằng làm như vậy là đúng không?
- Như tôi đã nói, đó là vấn đề của cái tâm. Hơn nữa, nó còn tùy thuộc những gì cha mẹ chồng bà sẵn sàng cung phụng cho bà nữa.
- Sư phụ có nghĩ rằng một người đàn bà thích có con của chính mình hơn không?
Nhà giáo già có vẻ bối rối thực sự; mặt ông ta đỏ bừng. "Tôi nghĩ bà nên bàn chuyện này với thân mẫu bà thì hơn. Bà cụ còn sống phải không?" - Dạ phải, ở Hàng Châu.
- À, nếu thế thì đừng bận tâm suy nghĩ nữa. Hãy sống trọn vẹn một trăm ngày để tang như là một người con dâu tốt. Có lẽ họ sẽ cho bà về thăm gia đình để nghỉ ngơi. Hàng Châu không xa lắm. Tôi nghe nói bà thuộc về dòng họ Lương ở Hàng Châu. Có bao giờ bà nghe nói về Lương Hàn Lâm ở Hàng Châu không?
Mặt Mẫu Đơn bỗng rạng rỡ hẳn lên. "Dĩ nhiên, sư phụ nói Lương Hàm Lâm. Thực ra chúng tôi là anh em họ. Chúng tôi cùng một họ với ông Hàn Lâm. Hàng Châu chỉ có một quan hàn lâm thôi." Sự kiêu hãnh của nàng có thể hiểu được. Bình thường hàng trăm năm một dòng họ mới có được một quan hàn lâm. Có tước vị ấy thì cả dòng họ mỗi người được cắm một cái lông chim trên nón.
- Thế thì ông ta sẽ cố vấn cho bà.
- Ông ấy có lẽ không biết tôi. Ông ấy chỉ ở Bắc Kinh thôi. Tôi gặp ông ấy một lần khi ông ấy về thăm nhà; lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ mười một tuổi.
- Tôi tưởng bà quen biết ông ta. Tôi trông thấy trên kệ sách một vài cuốn luận thuyết do ông ta viết.
Mẫu Đơn bước lại tủ sách, mông lúc lắc, lê chân một cách lười biếng, chỉ vào ba cuốn sách trên kệ thứ hai, và hãnh diện nói, "Mấy cuốn ấy kia!" Ông Lưu, cháu trai của xếp Thuyết, bước vào báo cho Mẫu Đơn biết đã thuê được thuyền rồi, và sẵn sàng khởi hành vào Đại Hà sáng hôm sau, bất cứ lúc nào nàng sẵn sàng. Hắn sẽ gửi người tới giúp khuân hành lý. Nói đúng ra, Lưu ngạc nhiên thấy người góa phụ cởi áo tang ra, và đang nói chuyện sôi nổi với nhà giáo.
Sự tình cờ nhắc tới quan "Hàn lâm" ở Bắc Kinh vọng lại một tiếng vang thích thú trong tâm Mẫu Đơn. Khi nàng ở cái tuổi mười một thì quan hàn lâm trẻ tuổi Lương Mạnh Giao lúc đó hai mươi bảy tuổi, trở về Hàng Châu sau khi đỗ trạng nguyên. Chàng đã đặt bàn tay lên trán Mẫu Đơn và gọi nàng là "xuất sắc" - lời khen này đã ám ảnh nàng suốt tuổi con gái. Trong một lúc, hình ảnh, kỷ niệm, âm thanh, khu vườn đặc biệt của nhà nàng nhẩy ra khỏi cái vùng quên lãng lâu ngày, và đập mạnh vào tâm não mỏi mệt của nàng.
Bà Vương thật là tuyệt vời. Mặc dầu bà Phí trẻ tuổi chưa hề tâm sự với bà, và mặc dầu ngày hôm sau nàng sẽ lên đường, và chắc chắn là sẽ không trở lại, thế mà bà cảm thấy một bổn phận phải tận tình giúp đỡ nàng.
Việc sắp xếp hành lý là công việc của đàn bà trong trường hợp này. Mẫu Đơn chỉ đem theo những vật dụng riêng tư. Đồ đạc và những vật nặng sẽ để lại; sẽ bán đi hoặc chuyên chở sau. Bà Vương trợ giúp bằng cách xua đuổi khách, sai mua những thứ cần dùng, chẳng hạn như giây thừng và khóa, và mua một tấm vải dầu để phủ lên hành lý. Thỉnh thoảng một lời an ủi, một nụ cười, một cái đụng vai khiến cho Mẫu Đơn cảm thấy nàng được đối xử như một người con gái của bà Vương. Trong một lúc Mẫu Đơn quá cảm động, thành thực biếu bà ta một cái trâm ngọc làm quà chia tay, thế mà bà Vương cảm thấy bị xúc phạm.
- Bà coi tôi là người như thế nào? Tôi tới giúp là vì tôi nghĩ bà cần giúp đỡ. Tôi tới là vì tôi muốn tới. Bà trả công tôi phải không?
- Không phải, nhưng tôi thành tâm. Tôi muốn tặng bà một kỷ vật thôi mà.
Bà Vương không trả lời. Bà mạnh tay đẩy trả lại, rồi nhét cái trâm xuống đáy rương để minh chứng lời từ chối quyết liệt của bà.
Thằng con bà Vương chạy đến và hỏi bao giờ bà về nhà, bà trả lời, "Bảo chị hai làm bữa ăn tối, trừ phần của mẹ. Mẹ sẽ ở lại ăn tối với bà Phí." Khi đêm đã lên đèn, ông giáo già cảm thấy một ý muốn không cưỡng được phải tới nhà họ Phí. Ông nhớ rằng khi người goá phụ trẻ nói về "quan hàn lâm nhà chúng tôi", dường như có một sự hào hứng trong giọng nói của nàng, như là lời thú nhận sự thực. Nó gợi ông nhớ tới một đứa trẻ hãnh diện la lối ngoài đường phố, "Cái đó là của tôi!" Ông muốn nghe thêm về Lương Hàn lâm từ người goá phụ.
Sau khi ăn tối xong, mấy người uống trà và ăn mận trong đông phòng. Sau một vài chuyện lặt vặt, họ lại trở về với đề tài nàng sẽ phải làm gì. Nàng trở lại vấn đề chính. Nàng đã bày tỏ rằng nàng không muốn nuôi con nuôi, mà muốn là con của chính nàng đẻ ra.
- Nếu cha mẹ chồng tôi muốn có một đứa bé để tiếp tục hương khói cho chồng tôi, thì một đứa cháu trai nào cũng được. Chỉ cần chọn một đứa rồi làm lại khai sinh, trở thành một người thừa kế chính thức của người chết.
Lối nói ngây thơ khờ khạo này đã chạm tự ái nhà giáo già. Ông phê bình. "Tôi thấy bà là một người nổi loạn." Mẫu Đơn vội trả lời, "Tôi xin chịu mắng." Lời nói bất ngờ này làm hài lòng nhà giáo già. Mẫu Đơn nói tiếp:
- Vương Sư phụ, tôi chỉ là một người đàn bà. Nho sĩ các ông đã nghĩ giùm cho chúng tôi rồi. Các nho sĩ đời Tống đã bắt đầu cái tục lệ tôn thờ goá phụ không tái giá rồi. Nhưng Khổng tử không hề dạy như vậy. Có phải Khổng tử đã nói:
Đàn ông goá vợ không ra ngoài, đàn bà goá chồng không nên cô đơn trong nhà, phải không?
Nhà giáo già hơi giật mình ngạc nhiên và lắp bắp, "Dĩ nhiên, việc ấy bắt đầu với các triết gia đời nhà Tống." Mẫu Đơn mau lẹ nói tiếp, "Suốt từ đời Hán tới đời Đường, không một nho sĩ nào hiểu về cái Đạo Lý. Điều đó có nghĩa là các nho sĩ đời Tống đúng và Khổng tử sai, phải không? Như vậy người ta áp dụng Đạo Lý chống lại bản chất con người. Các nho gia đời Hán và Đường không hề làm như vậy. Sự thoa? mãn bản chất con người thực là đúng với những gì các nhà hiền triết đã giảng dạy như là lý tưởng của con người.
Đạo Lý và con người là một. Bây giờ các nho gia đời Tống tới và bắt đầu coi bản chất con người là tội lỗi.
Như vậy là diệt dục, là Phật giáo rồi." Nhà giáo già quả thực kinh ngạc trước những lời lẽ không chính thống, đặc biệt là từ miệng một người đàn bà.
- Bà đọc những điều ấy ở đâu?
- Đó không phải là điều quan Hàn lâm viết ư?
Nàng rút ra một cuốn luận thuyết của họ Lương, và chỉ cho ông ta cái đoạn biểu tượng cho những tư tưởng lạ lùng ấy - lạ lùng ngay với nhà giáo già. Ông Vương đã nghe danh tiếng của họ Lương, nhưng chưa bao giờ đọc họ Lương.
Ông Vương tiếp tục đọc, say sưa vì tư tưởng và bút pháp. Ông ta đọc từng chữ một, thích thú từng âm thanh, bằng một tiếng thì thầm qua hàng râu rung rung, đầu gật gù tán thưởng. Họ Lương viết bằng bút pháp cổ điển chặt chẽ, gần như những thành ngữ cổ, như thể cho mỗi chữ một giá trị, chính xác và mang nặng tư tưởng.
Mắt Mẫu Đơn theo dõi nhà giáo trong lúc ông ta đọc. Rồi nàng hồi hộp hỏi, trong một niềm tự hào:
- Sư phụ nghĩ thế nào?
- Đẹp lắm! Đẹp lắm!
Mẫu Đơn không thoa? mãn và hỏi tiếp, "Sư phụ nghĩ thế nào về tư tưởng?" - Độc đáo! Là một viên giáo làng, tôi có thể nói gì về một cây viết hàng đầu của thời đại? Ý kiến của tôi chẳng có giá trị gì. Nhưng thật là một áng văn tuyệt tác theo bút pháp cổ điển! Tôi thích đoạn ấy cho tới cuối, tại đó ông ta thực sự xé nát đập tan tư tưởng của trường phái chính thống, và nói rằng các tân nho sĩ đã tìm lợi riêng bằng cách tự nhận là thế thiên hành đạo - những điều họ nói hầu như là lời của Trời - "Các nhà tân nho tự từ chối hoan lạc, và sung sướng thấy đàn bà của họ đau khổ thèm khát". Đấy là chỗ ông ta sắc bén, mạnh mẽ, tàn phá. Ông ta có thể viết như thế được mà không sao. Người khác không thể được.
Mẫu Đơn uống từng lời của đoạn văn như thể là lời khen ngợi cho chính nàng. Nàng nói:
- Tôi yêu kính quan hàn lâm nhà chúng tôi lắm. Tôi không thể nhịn được cười khi ông ta gọi các nho sĩ ấy là bọn "ăn thịt heo sống".
- Bà thực là may mắn có một người như thế trong dòng họ. Ông ta hình dáng thế nào?
- Một cái đầu rộng nhô ra ở thái dương và một đôi mắt thông minh sáng ngời. A, phải rồi, tôi nhớ bàn tay trắng và mềm của ông ấy. Đã lâu lắm rồi.
- Từ đó bà không gặp lại nữa phải không? Thế ông ta không về cúng lễ tổ tiên hay sao?
- Không. Chúng tôi chưa bao giờ gặp lại ông ấy. Tôi không gặp ông ấy từ ngày tôi còn nhỏ. Ông ấy ở Bắc Kinh, trong triều đình, trong những năm đó.
- Gia đình bà chắc có viết thư cho ông ta?
- Chúng tôi không dám. Đối với chúng tôi, ông ta chỉ là một cái tên.
Mẫu Đơn quên không biết tại sao nàng bị lôi cuốn vào cuộc nói chuyện này. Nàng chưa hề kể với chồng về Lương Hàn Lâm, hoặc bất cứ người nào khác. Mặt nàng đỏ bừng, làn da quanh mắt nàng rất mịn, và đôi mắt xa xôi. Sau một lúc nàng lên tiếng, "Tôi không có ý định đóng thùng những sách này. Tôi định chở sách sau." - Các hành lý khác xong cả rồi chứ?
- Gần như xong rồi. Chúng tôi phải để lại một số và sau này sẽ lấy. Tôi chỉ mang theo những đồ riêng và xác chồng tôi. Không có nhiều chỗ trên thuyền, một nửa đã dùng đặt linh cữu rồi.
Trước khi ra về, ông bà Vương chào từ giã và hỏi, "Bà có thể nào khóc lóc đôi chút trước linh cữu, cho đúng hình thức? Các người lối xóm sẽ bình phẩm." Tiếng khóc này thường phải có trong những buổi tối khuya, bảy lần trong bảy ngày.
- Họ muốn nói thì mặc họ. Tôi không khóc được.
- Nhưng lúc về đến nhà chồng, bà sẽ phải khóc đấy.
- Đừng lo. Tôi có thể giả bộ khi có người khác khóc với tôi.
Khi ra khỏi cửa, bà Vương nói với chồng, "Tim tôi đau nhói khi nghĩ đến số phận chua chát của cô gái trẻ tuổi này - phải làm goá phụ suốt đời. Mà không có con nữa chứ." - Bà hãy chờ xem? Có một sự nổi loạn. Một ngày nào đó bà sẽ nghe thấy tiếng nổ. Tinh thần bà ta bướng bỉnh lắm.
- Ông và bà ta nói chuyện gì trong thư phòng?
- Những chuyện bà không thể hiểu được.
Tuyệt Tình Ca Tuyệt Tình Ca - Yuri Vassilievitch Bondarep