Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Tác giả: Doris Lessing
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Nguyen Vu
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1550 / 28
Cập nhật: 2016-02-22 10:53:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Không Bán Trò Phù Thủy
Ông bà Farquar đã không có con từ nhiều năm trước khi bé Teddy được sinh ra; và họ rất vui khi thấy sự mừng rỡ của những người đầy tớ, đến trại tặng quà nào gà và trứng và hoa khi họ đến ăn mừng đứa bé, trầm trồ khen cái đầu nhiều lông tơ vàng và đôi mắt xanh của nó. Họ chúc mừng bà Farquar như bà đã đạt được một thành quả to lớn, và bà ta cũng cảm thấy như vậy - nụ cười bà dành cho những người bản xứ đang vây quanh thán phục trông thật ấm áp và biết ơn.
Sau này, khi Teddy cắt tóc lần đầu, đầu bếp Gideon nhặt những chùm tóc mềm mại màu vàng lên từ mặt đất, và cầm chúng một cách cung kính. Rồi lão mỉm cười nhìn thằng nhỏ và bảo: "Cái Đầu Vàng Bé Tí." Cách gọi đó trở thành tên địa phương cho thằng bé. Gideon và Teddy là bạn tri kỷ ngay từ lúc đầu. Lúc Gideon làm xong công việc, lão lại bồng Teddy lên vai và ngồi dưới bóng mát một cây to, và chơi đùa với thằng nhỏ, tạo hình những đồ chơi hiếu kỳ từ những nhánh lá cây cỏ, và nặn hình những con thú từ đất ướt. Lúc Teddy tập đi, chính Gideon là người hay thường khom mình trước thằng nhỏ, cục cục những lời cổ vũ, cuối cùng bắt kịp thằng bé khi nó té, tung nó lên không đến khi cả hai cười đến hết hơi. Bà Farquar rất yêu mến lão đầu bếp vì tình thương gã dành cho con của bà.
Teddy là đứa con duy nhất; và một ngày nào đó Gideon bảo: "À, bà ơi, bà ơi, Thượng Đế trên kia gửi cho chúng ta đứa này. Cái Đầu Vàng Bé Tí là của cải quý giá nhất trong nhà chúng ta". Vì hai chữ "chúng ta" đó mà bà Farquar chợt nhận thấy một cảm xúc ấm áp với lão đầu bếp của bà; và cuối tháng đó bà tăng lương cho lão. Lão đã giúp việc với bà đã nhiều năm; một trong số ít những người bản xứ có vợ và con ở chung trong trại và không bao giờ phải về làng thăm gia đình, xa cả mấy trăm dặm. Đôi khi người ta thấy một đứa bé da đen, sinh cùng lúc Teddy ra đời, nhoi đầu ra khỏi bụi cây, với nỗi kinh sợ, nhìn đứa bé da trắng với mái tóc vàng phi thường và đôi mắt xanh miền Bắc. Hai đứa nhỏ nhìn nhau chăm chú, và có một lần Teddy đưa tay ra tò mò rờ má và tóc của đứa bé da đen.
Gideon nhìn thấy, lắc đầu ngạc nhiên, bảo: "À, bà ơi, cả hai chúng là con nít, rồi một đứa sẽ lớn lên làm chủ, một đứa lớn lên làm tôi tớ", và bà Farquar buồn rầu cười bảo "Ừ, Gideon ạ, tôi cũng đang thầm nghĩ như vậy." Bà thở dài. "Đây là ý trời", Gideon nói, lão cũng đã từng đi truyền giáo. Ông bà Farquar rất sùng đạo; và sự sùng kính đó trói chặt chủ tớ gần nhau hơn.
Khi Teddy khoảng sáu tuổi, nó được cho một cái xe nhỏ, và khám phá ra sự quyến rũ của tốc độ. Cả ngày nó chạy lòng vòng trong trại, ra vô những bụi hoa, xen vào giữa những bầy gà quác quác và những con chó tức tối, rồi chấm dứt bằng một cái xâm vòng cung hoa mắt vào cửa bếp. Ở đó nó khóc: "Gideon nhìn nè!" Và Gideon lại cười lớn và bảo: "Giỏi lắm, Cái Đầu Vàng Bé Tí ạ." Đứa con trai nhỏ nhất của Gideon, bây giờ đã đi chăn, từ trại lên nhà trên để coi cái xe. Nó sợ đến gần xe, nhưng Teddy thì lại khoe khoang trước mặt nó. "Thằng đen" Teddy la lớn "tránh ra cho tao đi." Và rồi nó chạy vòng quanh thằng bé da đen đến khi đứa nhỏ nó đâm ra sợ hãi, và chạy về bụi cây.
"Tại sao cậu làm nó sợ?" Gideon hỏi, quở mắng một cách nghiêm trọng.
Teddy chống đối: "Nó chỉ là một thằng đen thôi mà" và cười lớn. Lúc đó, sau khi Gideon quay mặt đi chỗ khác không nói một lời, mặt thằng bé sầm xuống. Rồi nó đi vào nhà tìm một quả cam và đem tới cho Gideon nói: "Cái này của ông." Nó không đủ can đảm xin lỗi; nhưng nó cũng không muốn mất cảm tình của Gideon. Gideon cầm quả cam lưỡng lự và thở dài. "Rồi cậu sẽ sớm đi học, Cái Đầu Vàng Bé Tí" lão vừa nói vừa suy nghĩ "Và rồi cậu sẽ lớn lên." Lão lắc đầu nhẹ nhàng và bảo "Và đời là thế." Lão có vẻ như đang cách xa Teddy, không phải vì lão giận, nhưng trong cách một người chấp nhận một sự kiện không thể nào tránh được. Một đứa nhỏ đã nằm trong tay lão và cười với lão: một đứa nhỏ đã đeo vai lão và đùa chơi với lão. Bây giờ Gideon sẽ không cho da thịt lão chạm vào da thịt của đứa bé da trắng. Lão rất ân cần, nhưng có một cái gì rất nghiêm trang trong giọng lão làm Teddy bĩu môi quay đi. Còn nữa, cái gì đó làm nó trở thành một người đàn ông: với Gideon thì nó lịch sự, và hành xử đúng nguyên tắc, và nếu nó vào nhà bếp cần điều gì, nó vào trong tư cách một người đàn ông da trắng đối với một người hầu, chờ đợi người ta tuân lệnh.
Nhưng hôm mà Teddy lạng quạng vào bếp ôm mặt la khóc vì đau đớn, Gideon buông rơi cái nồi canh nóng mà lão đang cầm, nhào đến cạnh đứa nhỏ, và gỡ tay nó ra. "Con rắn!" lão la lên. Teddy đang chạy xe hồi nãy, và ngừng lại nghỉ chân bên cạnh một chậu hoa lớn. Một con rắn, đuôi quấn vào mái nhà, phì nọc độc thẳng vào mắt đứa bé. Bà Farquar chạy xuống bếp vì những tiếng động. "Nó sẽ mù mất" bà than khóc, ôm Teddy vào lòng. Đôi mắt của Teddy, chắc chỉ còn sáng được khoảng nửa giờ, đã sưng lên to bằng nắm tay. Cái mặt trắng nhỏ nhoi của Teddy méo mó theo những u nhồi rỉ nước tím ngắt. Gideon bảo: "Đợi tôi tí, bà ạ, tôi sẽ đi lấy thuốc". Rồi lão chạy vào lùm cây.
Bà Farquar đem đứa nhỏ vào nhà và rửa mắt nó với thuốc tím. Bà nghe loáng thoáng lời Gideon nói; nhưng khi bà thấy những thuốc chữa của mình không công hiệu, và nhớ ra những lần bà thấy những người bản xứ mù, vì bị rắn độc phun, bà bắt đầu mong đợi lão đầu bếp trở về, nhớ lại những gì nghe được về sự hiệu nghiệm của những dược thảo địa phương. Bà đứng bên cạnh cửa sổ, ôm trong lòng đứa bé trai đang khóc lóc sợ hãi, và nhìn chòng chọc vào bụi cây. Chỉ vài phút sau bà thấy Gideon trở về, và trong tay cầm một cành cây.
"Bà ơi, đừng sợ," Gideon bảo, "cái này sẽ chữa mắt của Cái Đầu Vàng Bé Tí." Lão xé lá khỏi cành cây, để lại một cái rễ nhỏ nhiều cùi màu trắng. Không cần rửa, lão bỏ cái rễ vào miệng nhai mãnh liệt, và rồi ngậm bã trong miệng khi lão giằng lấy đứa nhỏ từ tay bà Farquar. Lão kẹp Teddy ở giữa hai đầu gối, và ép hai đầu ngón tay cái vào đôi mắt sưng to, đến mức đứa nhỏ thét lên và bà Farquar la lên chống lại: "Gideon, Gideon." Nhưng Gideon không để ý đến bà. Lão quỳ bên cạnh đứa nhỏ đang quằn quại, kéo mí mắt nó mở ra để tròng mắt hiện ra, và rồi lão nhổ rất mạnh, một vài lần, vào một mắt, và mắt kia. Cuối cùng lão nâng Teddy lên một cách nhẹ nhàng đặt vào lòng mẹ nó, và nói: "Mắt cậu rồi sẽ lành." Nhưng bà Farquar vẫn đang than khóc trong kinh sợ, và không đủ sức cám ơn lão: khó mà tin được là Teddy vẫn thấy đường. Vài tiếng sau chỗ sưng biến mất. Mắt vẫn bỏng rát và mọng nhưng Teddy đã có thể nhìn thấy. Ông bà Farquar vào bếp tìm Gideon và tạ ơn lão nhiều lần. Họ cảm thấy bất lực với lòng biết ơn: không biết làm gì để bày tỏ lòng dạ mình. Họ tặng Gideon nhiều món quà cho vợ con lão, và tăng lương cho lão thật nhiều, nhưng những thứ này không thể bù lại với đôi mắt hoàn toàn lành mạnh của Teddy. Bà Farquar bảo: "Gideon, Chúa đã chọn lão làm công cụ cho ơn lành của Ngài" và Gideon bảo: "Dạ, bà ơi, Chúa rất bao dung."
Này nhé, khi một sự việc như vậy xảy ra trên một nông trại, chẳng bao lâu thì tất cả mọi người đều biết. Ông bà Farquar kể cho láng giềng của họ nghe và câu chuyện được bàn tán từ đầu quận đến cuối quận. Rừng cây đầy bí mật. Không ai có thể sống ở Châu Phi, hay ít nhất là trên thảo nguyên, mà không sớm biết rằng đã có một kiến thức cổ xưa về lá cây và đất đai và mùa màng - và, thêm nữa, có thể điều quan trọng nhất, về những ngõ nghách tăm tối nhất của tâm trí con người - là di sản của người da đen. Khắp quận người ta kể chuyện, nhắc lại cho nhau nghe những điều đã xảy ra với mình.
"Nhưng bảo này, chính mắt tôi trông thấy. Rắn phì cắn đấy. Cánh tay thằng nhỏ sưng tới cùi chỏ, trông như cái bọng đái đen bóng. Nó đờ người đi độ nửa phút, gần chết. May là có ông thầy chạy vô bụi hái mấy cái lá xanh đó, bôi lên chỗ bị cắn, rồi bữa sau thằng nhỏ đi làm lại được, mà chỉ còn thấy hai cái lỗ nhỏ trên da thôi."
Họ kể nhau nghe mấy chuyện như vậy. Mà gần như lúc nào họ cũng làm có vẻ nghiêm trọng hơn, bởi vì mặc dầu ai cũng biết rừng rậm Phi châu có lắm thứ thuốc quí giá, trong vỏ cây, lá cây thường thấy, trong rễ má, nhưng khó mà biết được sự thật từ người địa phương.
Dần dần chuyện cũng đến tai dân ở phố; có lẽ trong một buổi tiệc tùng chiều tối, hay trong những lần họp mặt, một bác sĩ, tình cờ có mặt ở đó, chất vấn. "Nhảm nhí," ông nói. "Chuyện nói cho quá. Chúng tôi luôn luôn kiểm lại mấy chuyện như vậy, mà lần nào cũng chả thấy gì."
Dù gì đi nữa, sáng hôm đó có một chiếc xe lạ lái đến trại. Một người làm việc trong phòng thí nghiệm trong phố bước ra khỏi xe, với mấy thùng chứa đầy ống nghiệm và hóa chất.
Ông bà Farquar bối rối, mặt mày vui vẻ và thỏa mãn. Họ mời nhà khoa học dùng cơm trưa, và họ kể lại câu chuyện từ đầu, chắc là lần thứ một trăm. Nhỏ Teddy cũng có đó, đôi mắt xanh của nó rạng rỡ, như để minh chứng một sự thật. Nhà khoa học giải thích về lợi ích cho nhân loại nếu có thể thương mại thứ thuốc mới này; và hai vợ chồng Farquar còn hả dạ hơn nữa: họ tính tình đơn giản, tử tế, thích nghĩ rằng họ làm được một cái gì đó tốt lành. Nhưng khi ông khoa học bắt đầu nói đến chuyện tiền bạc, cử chỉ của họ tỏ ra khó chịu. Cảm tưởng của họ về phép mầu đó (họ vẫn nghĩ về nó như thế) rất mạnh, sâu và sùng bái, họ cho rằng nghĩ về tiền bạc với nó là chuyện xấu xa. Ông khoa học, nhìn thấy được điều đó qua nét mặt họ, đem câu chuyện trở lại điểm đầu tiên, về sự tiến bộ cho loài người. Có lẽ ông ta hơi hời hợt: đây không phải là lần đầu ông tìm cách mua chuộc một thứ thuốc hay.
Cuối cùng, sau bữa ăn trưa, ông bà Farquar gọi Gideon vào phòng khách, giải thích cho lão hay rằng ông chủ đây là Bác Sĩ Lớn từ Phố Lớn, và ông ta bỏ công đi tới đây để gặp lão. Nghe xong, lão Gideon có vẻ sợ; lão không hiểu; bà Farquar phải nói thêm Ông Chủ Lớn đến cũng vì chuyện kì diệu lão đã giúp cho cặp mắt của Teddy.
Lão Gideon nhìn từ bà Farquar sang ông Farquar, nhìn tới thằng bé, nó trông ra vẻ quan trọng ra phết trong cuộc. Cuối cùng, lão miễn cưỡng nói: "Ông Chủ Lớn muốn biết tôi dùng thuốc gì?" Lão tỏ vẻ ngờ vực, như thể lão không tin hai người bạn lâu năm có thể phụ lòng lão cách đó. Ông Farquar phải giải thích cách nào thuốc hay có thể làm được từ rễ cây, đem bán thế nào, cả ngàn người, da đen da trắng dọc cả đại lục Phi châu, sẽ được cứu nhờ vào thuốc nếu chẳng may bị rắn độc phì vào mắt. Lão Gideon lắng nghe, mắt lão chăm chăm xuống đất, trán dúm dó khổ nhọc. Khi ông Farquar nói xong, lão chẳng trả lời. Ông khoa học, từ nãy giờ vẫn ngả người vào cài ghế bành, nhâm nhi cà phê và miệng cười mỉm hồ nghi, bây giờ nói thêm vào, giải thích lại từ đầu, với chữ lời khác, về việc bào chế thuốc và tiến bộ khoa học. Ông ta còn muốn tặng lão Gideon một món quà.
Không ai lên tiếng sau lời giải thích này. Lão Gideon thờ ơ bảo rằng lão không nhớ gì về cái thứ rễ cây ấy. Mặt lão sưng sỉa và tỏ vẻ không thân thiện, ngay cả khi lão nhìn ông bà Farquar, người ông thường vẫn xem như bạn lâu năm Họ bắt đầu cảm thấy khó chịu; và họ như trút bỏ cảm giác, qua cách buộc tội của lão, họ đã làm điều sai quấy.Thay vào đó họ nghĩ rằng lão ta không biết điều. Nhưng đó cũng là lúc họ nhận ra rằng lão ta sẽ không bao giờ nhượng bộ. Thứ thần dược đó mãi mãi sẽ không ai biết đến và hoàn toàn vô dụng ngoại trừ cho một số nhỏ người bản xứ có kiến thức, những người có thể chỉ đào mương cuốc rãnh địa phương trong một cái áo tơi tả và cái quần ngắn vá víu, nhưng lại là sinh trưởng vào gia đình một thầy chữa gia truyền, là con cháu của những ông lang thuốc già mang mặt nạ gớm ghiếc, với mấy mẩu xương và những phù phép hoang thô chỉ là vẻ bề ngoài, che đậy những quyền lực và hiểu biết thực sự.
Gia đình Farquar có thể đạp lên cây thuốc đó năm chục lần một ngày khi họ bước từ nhà ra vườn, từ chuồng bò sang ruộng bắp, nhưng họ sẽ không bao giờ biết nó.
Nhưng họ vẫn tiếp tục thuyết phục và tranh luận, với tất cả sự bực tức; mà lão Gideon vẫn khăng khăng nói rằng lão không thể nhớ; hoặc chả có rễ cây gì hết, hay lúc này không phải mùa của nó, hay mắt Teddy được chữa lành không phải là từ rễ cây, nhưng là do nước bọt từ miệng lão ta. Lão đổi từ câu này qua câu khác, mà chẳng để ý chúng có nghịch lý hay không. Lão bướng bỉnh và thô lỗ. Ông bà Farquar khó lòng nhận ra được người đầy tớ già trung thành, hiền hòa trong gã đàn ông Phi châu ngu dốt cứng đầu ngược ngạo này. Lão ta đứng đó trước mặt họ, mắt nhìn thấp, tay táy máy cái tạp dề, lặp đi lặp lại bất cứ câu chối từ ngu xuẩn nào đó lão nghĩ được trong đầu.
Rồi tự dưng lão ta như chịu nhượng thế. Lão ngẩng đầu lên, ném một cái nhìn dài, trống rỗng, giận dữ vào đám người da trắng, với lão họ như đám chó sủa ẳng ẳng quanh lão, rồi bảo: "Tôi dẫn mấy người xem rễ thuốc."
Họ bước hàng một ra khỏi nhà, đi dọc theo con đường mòn. Trưa tháng mười hai nóng rát da, bầu trời đầy những cụm mây mưa nóng bức. Mọi thứ đều nóng: mặt trời như một đĩa đồng xoáy trên đầu, hơi nóng rung trên cánh đồng, đất như cháy dưới chân, gió đầy bụi thổi khô khốc, nong nóng vào mặt. Một ngày khiếp sợ, một ngày người ta chỉ nên nằm dưới hiên nhà với ly nước đá lạnh, nơi mà họ vẫn thường ở khoảng giờ này.
Đôi lúc, nhớ lại trong ngày rắn cắn, lão chỉ tốn mười phút để tìm ra rễ thuốc, có kẻ lên tiếng hỏi: "Còn xa không, Gideon?" Và lão Gideon, chẳng màng quay đầu lại, trả lời với sự lễ phép cau có: "Tôi đang tìm rễ thuốc, xếp." Và thực vậy, lão ta thỉnh thoảng nghiêng người xuống, đưa tay rề rà trên cỏ với một cung cách hời hợt bất nhã. Hai tiếng đồng hồ, lão dẫn họ qua bụi cây lùm cỏ, dọc theo mấy đường mòn lạ quắc, trong cơn nóng cháy, đến nỗi họ ướt thẫm mồ hôi, đầu họ nhức bưng bưng. Cả bọn họ im lặng: ông bà Farquar im vì họ tức giận; người khoa học im vì ông ta cảm thấy mình được minh chứng một lần nữa: không hề có thứ rễ thuốc như thế. Im lặng của ông ta là một im lặng tế nhị.
Cuối cùng, khoảng sáu dặm xa khỏi nhà, lão Gideon chợt quyết định rằng như thế cũng đã đủ; hay có lẽ cơn giận của lão cũng đã nguôi nhiều. Chả màng gì lắm, lão bứt một chùm hoa màu xanh giữa đám cỏ, thứ hoa có đầy dẫy trên đường họ đã đi qua nãy giờ.
Chẳng nhìn đến nửa con mắt, lão đưa chùm hoa cho ông khoa học, rồi bước nhanh một mình về nhà.
Khi về lại nhà, ông khoa học vào nhà bếp cám ơn lão Gideon: ông ta rất lễ độ, dù trong mắt lộ vẻ thích thú. Lão ta không có ở đó. Ném chùm hoa vào phía sau xe, ông khách quí rời trang trại lái xe về lại nơi làm việc.
Lão Gideon trở vào nhà bếp chuẩn bị bữa ăn tối, nhưng lão hờn dỗi. Lão trả lời ông Farquar như một người giúp việc miễn cưỡng. Mấy ngày sau, họ mới trở lại xem nhau như cũ.
Ông bà Farquar hỏi thăm đây đó về rễ thuốc từ những người làm việc trong trại. Đôi khi, họ nhận được câu trả lời với những cái nhìn nghi kỵ. Đôi khi, người bản xứ bảo: "Chúng tôi không biết. Chưa bao giờ nghe nói về rễ thuốc này." Một gã chăn bò, đã làm việc cho gia đình lâu năm, có ít nhiều tin tưởng đến ông bà, cho hay: "Ông bà đi hỏi tên trẻ trong nhà bếp ấy. Hắn ta là thầy thuốc đấy. Hắn là con trai của một ông thầy lúc trước ở vùng đó, không có bệnh gì ông ta không chữa được." Rồi gã lễ độ nói thêm: "Dĩ nhiên, ông ta không giỏi như bác sĩ của người da trắng, chúng tôi biết vậy, nhưng với chúng tôi, ông ta là hay lắm rồi."
Bẵng đi sau đó, khi không còn buồn phiền giữa ông bà Farquar và lão Gideon, họ bắt đầu nói diễu: "Khi nào ông tìm rễ thuốc trị rắn cho tụi tôi, Gideon?". Và lão cười, lắc đầu, hơi khó chịu, bảo: "Tôi đã chẳng tìm cho bà chủ rồi à, bà chủ quên rồi sao?"
Sau đó nữa, Teddy, đã đi học, vào nhà bếp, hỏi: "Ông già ranh, Gideon! Ông có nhớ lần ông lừa đám chúng tôi, bắt đi hết mấy dặm đường trên đồng cỏ không? Xa đến nỗi cha tôi phải cõng tôi đó!"
Và lão Gideon ôm bụng cười lễ độ. Cười đã, lão chợt thẳng người dậy, chùi nước mắt, buồn bã nhìn Teddy, đang ranh mãnh cười toe toét ngang qua nhà bếp: "À, Cái Đầu Vàng Bé Tí, cậu lớn nhanh ghê chưa! Chẳng bao lâu cậu sẽ trưởng thành và có trang trại riêng... ".
Dịch giả: Đỗ Lê Anh Dao & Vi Lãng
Nguyên tác "No Witchcraft For Sale", trong tập truyện ngắn African Stories, NXB Simon and Schuster, 1965
Tuyển Tập Truyện Ngắn Doris Lessing Tuyển Tập Truyện Ngắn Doris Lessing - Doris Lessing Tuyển Tập Truyện Ngắn Doris Lessing