There is always, always, always something to be thankful for.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Jorge Luis Borges
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Duy Vo
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4111 / 140
Cập nhật: 2015-07-04 22:49:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Đoá Hoa Của Coleridge
uy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Suzanne Jill Levine
Khoảng năm 1938, Paul Valéry có viết thế này: “Lịch sử văn chương không nên trở thành lịch sử của các văn sĩ và diễn trình trong nghiệp văn của họ hoặc sự nghiệp của các tác phẩm, mà thay vào đó nên là lịch sử của Tinh thần trong vai trò làm nhân tố sản sinh hoặc tiêu thụ văn chương; một lịch sử như thế có thể được viết ra mà không cần đề cập đến một văn sĩ nào.” Đó không phải lần đầu Tinh thần làm dấy lên nhận định này; năm 1844, một trong số những người biên chép ở Concord đã ghi chú: “Tôi ấn tượng vô cùng ở cái vẻ ngoài của văn chương cho thấy một người viết ra toàn bộ sách vở… có sự bình đẳng và tính đồng nhất cả về phán đoán lẫn quan điểm trong lối dẫn chuyện vốn rõ ràng là tác phẩm của một quí ngài thấy-hết-mọi-sự, nghe-hết-mọi-điều” (Emerson, Essays: Second Series, “Nominalist and Realist”, 1844). Hai mươi năm trước đó, Shelly bày tỏ ý kiến cho rằng toàn bộ những bài thơ của quá khứ, hiện tại và vị lai đều là những chương hồi hoặc những phân mảnh của duy nhất một bài thơ bất tận, được viết nên bởi toàn thể các thi sĩ trong cõi nhân gian này.
Những suy xét đó (dĩ nhiên được hàm ý trong phiếm thần luận) có thể làm trỗi dậy một cuộc tranh luận vô tận; giờ tôi gợi nhắc lại chúng nhằm thực hiện một kế hoạch khiêm nhường: lịch sử tiến hoá của một ý tưởng thông qua các văn bản khác nhau của ba tác giả. Văn bản đầu tiên, của Coleridge – tôi không chắc ông ta đã viết điều này hồi cuối thế kỉ mười tám hay đầu thế kỉ mười chín – nói rằng: “Nếu một người có thể băng qua Thiên đường trong giấc mơ, và được trao một bông hoa như vật làm tin cho biết linh hồn anh ta đã thật sự ở đó, và khi thức dậy nếu anh phát hiện ra bông hoa ấy đang nằm trong tay mình – Vâng! – rồi chuyện gì sau đó?”
Tôi tự hỏi độc giả của mình nghĩ gì về hình ảnh mộng tưởng như thế; tôi thấy nó hoàn hảo. Dùng nó làm cơ sở cho những phát minh khác có vẻ như là điều bất khả, bởi nó có tính toàn thể và tính đơn nhất của một terminus ad quem, một cứu cánh. Dĩ nhiên nó chỉ là thế này: trong văn chương và những địa hạt khác, mọi hành động đều làm cho chuỗi bất tận các nguyên nhân được toàn vẹn và gây ra một chuỗi bất tận các hệ quả. Đằng sau ý tưởng của Coleridge là một ý tưởng tổng quát và xưa cũ của hàng bao thế hệ tình nhân khát khao được tặng một đoá hoa.
Văn bản thứ nhì tôi sẽ viện dẫn đến là một cuốn tiểu thuyết mà Wells thảo nên hồi năm 1887 và viết lại bảy năm sau đó, vào mùa hè năm 1894. Phiên bản đầu tiên mang tên The Chronic Argonauts (chữ chronic trong cái nhan đề bị bỏ đi ấy có sự tương đồng về mặt từ nguyên với chữ temporal); trong phiên bản cuối thì nó mang tựa The Time Machine. Trong cuốn tiểu thuyết này, Wells tiếp tục và đổi mới một truyền thống văn chương cổ đại: truyền thống của việc dự đoán những sự kiện tương lai. Isaiah thấy Babylon bị huỷ diệt và Israel được phục dựng; Aeneas thấy được sứ mệnh quân sự của con cháu mình, những người La-mã; nhà nữ tiên tri trong tập thơ Edda Saemundi thì thấy sự trở về của các vị thần linh, những người sau trận đánh diễn ra theo chu kì mà ở đó thế giới của ta sẽ bị huỷ diệt, khi đang nằm trên thảm cỏ của cánh đồng mới hình thành thì họ khám phá ra những quân cờ giống hệt như lúc trước họ từng chơi… Nhân vật chính của Wells, không giống mấy vị khán giả tiên tri kia, du hành đến tương lai thật sự bằng chính thể xác mình. Anh trở về mệt nhoài, bụi bặm, kinh hãi; anh trở về từ chốn xa xôi nơi đó con người được chia ra thành hai chủng người căm ghét lẫn nhau (chủng Eloi nhàn rỗi, những kẻ sống trong những toà lâu đài cũ nát với những khu vườn tàn tạ; và chủng Morlock ở dưới lòng đất và mắc chứng dạ manh (nyctalopia), là những kẻ ăn thịt chủng người Eloi). Anh ta trở về với mái tóc hoa râm và mang theo một đoá hoa héo tàn đến từ tương lai. Đây là phiên bản thứ nhì cho hình tượng của Coleridge. Khó tin hơn đoá hoa chốn thiên đàng hay đoá hoa trong cơn mơ chính là đoá hoa của tương lai, một bông hoa chứa đầy mâu thuẫn mà từng nguyên tử của nó, vẫn chưa tụ lại, nay đã chiếm lấy những vùng không gian khác.
Phiên bản thứ ba mà tôi sẽ đề cập đến, phiên bản lạ lùng nhất hết thảy, là của một nhà văn phức tạp hơn nhiều so với Wells, mặc dù xét về những phẩm chất dễ thương mà ta thường gọi là cổ điển thì có phần kém tài hơn. Tôi muốn nói đến tác giả của “The Abasement of the Northmores”, đó là một Henry James rầu rĩ và có tâm tư vô cùng lắt léo. Ông chết để lại một cuốn tiểu thuyết hãy còn dở dang, cuốn The Sense of the Past, một sáng tạo kì quái vốn là một biến thể hoặc một dạng tinh xảo hơn của The Time Machine [1]. Nhân vật chính của Wells du hành đến tương lai bằng một chiếc xe kì lạ có thể tiến tới hoặc thoái lui trong dòng thời gian giống như mọi chiếc xe khác có thể làm trong không gian; nhân vật chính của James trở về lại quá khứ, đến thế kỉ mười tám, nhằm gắn kết chặt chẽ với thời kì đó. (Cả hai kĩ thuật du hành đó đều bất khả, nhưng của James ít tuỳ tiện hơn.) Trong The Sense of the Past mối quan hệ giữa thực tại và tưởng tượng (giữa hiện tại và quá khứ) không nằm ở đoá hoa, mà nằm ở một bức chân dung hồi thế kỉ mười tám, và bí ẩn là bức hoạ đó lại miêu tả ngay nhân vật chính. Thích thú bởi bức tranh đó, anh quay về cái ngày nó được vẽ ra. Trong số những người gặp được, dĩ nhiên anh tìm ra được vị hoạ sĩ, người đã vẽ anh với nỗi sợ hãi và lòng ác cảm, người đã cảm nhận được có gì đó khác lạ và dị thường ở những đường nét của thời tương lai kia. James do đó đã tạo nên một regressus in infinitum [qui hồi vô tận] độc nhất vô nhị khi nhân vật Ralph Pendrel trở về thế kỉ mười tám bởi thích thú trước một bức chân dung xưa cũ, nhưng Pendrel cần phải trở về thế kỉ mười tám để bức chân dung đó có thể hiện hữu. Nguyên nhân đi theo sau hệ quả, hoặc nguyên do của chuyến hành trình chính là kết quả của chuyến hành trình đó.
Wells có thể không biết văn bản của Coleridge; Henry James thì biết và ngưỡng mộ tác phẩm của Wells. Nếu học thuyết mọi tác giả chỉ là một nó có thật, thì những sự việc như thế kia tất nhiên là điều vô nghĩa [2]. Nói đúng hơn, không cần thiết để đi xa tới vậy; kẻ phiếm thần tuyên bố tính đa nguyên của tác giả là điểu ảo tưởng sẽ tìm thấy sự ủng hộ bất ngờ từ những nhà cổ điển, những kẻ cho rằng đa nguyên gần như không có gì quan trọng. Đối với đầu óc cổ điển, văn chương mới là thứ hệ trọng, chứ không phải cá nhân con người. George Moore and James Joyce trong các tác phẩm của mình đã đưa vào những trang sách và câu chữ của kẻ khác; Oscar Wilde thường vứt cốt chuyện đi để cho kẻ khác phát triển; cả hai thủ tục ấy, dù rõ ràng mâu thuẫn, nhưng lại có thể vén mở ra một cảm thức nghệ thuật tương tự nhau, một cảm quan hợp nhất, không của riêng ai. Một chứng nhân khác cho tính thống nhất sâu sắc của Thế gian, một người chống lại những giới hạn của con người cá nhân, chính là Ben Johnson trứ danh, khi viết nên tâm nguyện văn chương của mình cùng những lời khen chê các văn sĩ đương thời, thì ông chỉ đơn giản kết hợp lại những mảnh rời từ Seneca, Quitilian, Justus Lipsius, Vives, Erasmus, Machiavelli, Bacon và hai cha con nhà Scaliger.
Một nhận định cuối. Những kẻ kĩ lưỡng sao chép lại một nhà văn họ làm việc đó một cách khách quan, bởi họ đánh đồng nhà văn đó với văn chương, bởi họ ngờ rằng tách rời ra khỏi ông nhà văn ấy dù chỉ một chút thôi chính là rời xa lí trí và tính chính thống. Trong nhiều năm tôi nghĩ rằng thế giới văn chương vô tận nằm trong một người. Người đó là Carlyle, ông ta là Johannes Becher, ông ta là Whitman, ông ta là Rafael Cansinos Asséns, ông ta là De Quincey.
[1945]
Chú thích của tác giả:
[1] Tôi chưa từng đọc The Sense of the Past, nhưng tôi có biết một bài phân tích rất tốt của Stephen Spender về tác phẩm đó trong cuốn sách The Destruction Element của ông (trang 105-110). James là bạn của Wells; để biết thêm về mối quan hệ giữa họ, nên tham khảo trong cuốn sách đồ sộ Experiment in Autobiography của Wells.
[2] Khoảng giữa thế kỉ mười bảy, Angelus Silesius, một nhà thơ trào phúng về phiếm thần luận, nói rằng tất cả mọi người được Chúa ban phúc lành đều là một người (Cherubinscher Wandersmann V, 7) và mọi tín đồ Thiên chúa giáo ắt hẳn đều là đấng Kitô (sđd, V, 9).
Tuyển Tập Tác Phẩm Tuyển Tập Tác Phẩm - Jorge Luis Borges Tuyển Tập Tác Phẩm