Books are not made for furniture, but there is nothing else that so beautifully furnishes a house.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Jorge Luis Borges
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Duy Vo
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4111 / 140
Cập nhật: 2015-07-04 22:49:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Sự Bất Tử
uy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Eliot Weinberger
Trong một cuốn sách tuyệt hảo như bao cuốn khác của ông, cuốn The Varieties of Religious Experience, thì William James chỉ dành ra một trang để tra vấn về sự bất tử cá nhân. Ông bảo rằng, đối với ông thì đây là vấn đề nhỏ nhoi, rằng việc tra vấn về sự bất tử của con người gắn liền với vấn đề tông giáo, và còn cho rằng đối với hầu hết mọi người ở cõi nhân gian này, đối với quần chúng nói chung, thì “Chúa là người sản sinh ra sự bất tử.”
Không hiểu lời nói đùa ấy, Don Miguel de Unamuno lặp lại điều đó trong cuốn The Tragic Sense of Life, ông ta còn nói khá nhiều lần rằng ông muốn tiếp tục là Don Miguel de Unamuno. Đến đây thì tôi không hiểu Miguel de Unamuno. Tôi không muốn tiếp tục là Jorge Luis Borges, tôi muốn thành người khác. Tôi hi vọng mình có cái chết tuyệt đối; tôi hi vọng chết cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Khi tôi rán nói đến sự bất tử cá nhân– của phần hồn bảo toàn được kí ức về chính bản thân nó khi còn tồn tại trên cõi nhân gian, và ở cõi khác nhớ được cái chết của mình – thì tôi không biết như thế là tham vọng hay khiêm nhường, hay hoàn toàn có lí do chính đáng. Chị Norah của tôi ở nhà tôi hôm nọ, và chị nói, “Chị sắp vẽ bức tranh tên là ‘Nỗi hoài niệm về nhân gian’, chủ đề trong tranh sẽ là những điều mà một người may mắn trên thiên đàng cảm nhận được khi nghĩ về cõi nhân gian. Nó sẽ có các yếu tố của Buenos Aires lúc chị còn nhỏ.” Tôi có một bài thơ cùng chủ đề mà chị không hề biết. Trong bài thơ ấy, tôi nghĩ đến Jesus, ông nhớ đến cơn mưa tại Galilee, cái mùi trong xưởng gỗ, và một thứ ông chẳng bao giờ thấy được lúc ở thiên đàng và thế là ông lưu luyến điều đó: vòm trời đầy sao.
Chủ đề trên thiên đàng hoài niệm về cõi nhân gian cũng xuất hiện trong thơ của Dante Gabriel Rossetti. Bài thơ đề cập đến một người con gái ở chốn thiên đàng, dù vậy lại cảm thấy bất hạnh bởi tình nhân của nàng không ở cùng nàng; nàng hi vọng anh ta sẽ đến, nhưng anh sẽ không bao giờ tới được bởi lẽ anh đã phạm phải tội lỗi, thế là cô nàng cứ mãi nuôi hi vọng không bao giờ dứt.
William James nói rằng, đối với ông đó chỉ là vấn đề nhỏ nhoi; rằng những vấn đề lớn lao của triết học là thời gian, là thực tại của cõi sống bên ngoài, và là giác tính. Bất tử chiếm một vị trí nhỏ nhoi, vị trí này phù hợp với thi ca nhiều hơn là triết học, và tất nhiên phù hợp với cả thần học nữa dù cho không phải loại thần học nào cũng hợp.
Có một giải pháp khác, đó là sự đầu thai của linh hồn, đây hẳn là một giải pháp thi ca, và một giải pháp nữa còn thú vị hơn, đó là việc tiếp tục tồn tại như chính bản thân mình và nhớ về chính con người mình – mà theo tôi thì đây là một chủ đề nghèo nàn.
Tôi nhớ được mười, mười hai hình ảnh từ thuở ấu thơ, và cố quên chúng. Khi tôi nghĩ đến thời niên thiếu, tôi không cam chịu con người mình lúc ấy; tôi hẳn là thích trở thành người khác. Đồng thời, toàn bộ việc này có thể được thi ca chuyển hoá, có thể trở thành chủ đề cho thi ca.
Đoạn văn xúc động nhất trong triết học nào giờ, xúc động một cách tự nhiên, chính là tác phẩm Đối thoại Phaedon của Platon. Tác phẩm đối thoại đó đề cập đến những ngày cuối cùng của Socrates, khi bạn bè ông iết là chiếc thuyền từ Delos đã tới và biết Socrates sẽ uống thuốc độc. Socrates tiếp đón bạn bè trong ngục tù, biết rằng ông sẽ bị xử tử. Ông gặp tất cả bọn họ, ngoại trừ một người. Tới đây chúng ta phát hiện được câu chữ cảm động nhất mà Platon từng viết trong suốt đời mình, như Max Brod đã ghi nhận. Ông viết: “Platon, ta nghĩ anh ấy bệnh rồi.” Theo Brod, trong số tất cả những đoạn đối thoại thì đây là lần đầu tiên Platon xướng tên mình. Nếu Platon viết ra cuộc đối thoại ấy, thì rõ là ông ta có mặt ở đó – hoặc không ở đó, cũng như nhau thôi – nhưng ông tự xướng tên mình theo ngôi thứ ba. Điều này cho ta thấy ông khắc khoải khi chứng kiến khoảnh khắc hệ trọng đó.
Người ta suy xét rằng Platon thêm vế đó vào để cho phép bản thân được tự do hơn, như thể muốn nói: “Tôi không biết Socrates đã nói gì ngày cuối cùng hôm đó, nhưng tôi muốn nghĩ là ông ta đã nói những điều như thế.” Hoặc: “Tôi có thể hình dung ông nói ra những điều như thế.” Tôi tin Platon cảm được cái đẹp văn chương tuyệt đỉnh trong câu nói “Ta nghĩ Platon, anh ấy bệnh rồi.”
Sau đó xuất hiện một đoạn tuyệt diệu, có lẽ là đẹp nhất trong số những đoạn đối thoại. Mấy người bạn bước vào; Socrates an toạ trên giường; gông cùm đã được tháo hết ra rồi. Ông xoa xoa đầu gối và cảm thấy khoan khoái khi không còn chịu sức nặng của xiềng xích nữa, và nói: “Lạ làm sao. Xiềng xích làm ta trĩu nặng, đó là một dạng đau đớn. Giờ đây ta cảm thấy nhẹ nhõm bởi họ gỡ bỏ chúng ra rồi. Lạc thú và đau đớn đi cùng nhau, chúng là một cặp sinh đôi.”
Lời lẽ thật tuyệt vời, trong khoảnh khắc ấy, vào ngày cuối cùng đời mình, ông không nói mình sẽ chết, thay vào đó ông lại chiêm nghiệm về chuyện lạc thú và đau đớn là hai thứ không thể tách rời nhau. Điều đó cho thấy đây là một người đàn ông can trường, một người đàn ông chuẩn bị chết mà không hề nói lời nào về cái chết đang cận kề.
Sau đó ông nói rằng bữa đó ông phải uống thuốc độc thôi, và khi ấy nảy sinh cuộc bàn luận mà theo ta đã bị sự kiện thế này làm hỏng hết: ông nói đến hai thực tồn, đến hai bản thể, thể xác và tâm hồn. Socrates cho rằng phần bản thể tâm thần (tâm hồn) có thể sống tốt hơn mà không cần đến thể xác; cho rằng thể xác là thứ gây trở ngại. Ý này lặp lại học thuyết, thường gặp ở người xưa, cho rằng ta bị cầm tù trong chính thân xác mình.
Ở đây tôi muốn gợi lại vài dòng từ một nhà thơ vĩ đại người Anh Rupert Brooke, bằng những vần thơ tuyệt hảo nhưng triết lí tệ, ông nói rằng sau khi chết ta sẽ “cảm thấy được, những ai đặt đôi bàn tay mơn trớn của ta ra xa nhau; Và thấy được, mà không bị đôi mắt mình che mù.” Gustav Spiller trong bài luận văn xuất sắc về tâm lí học đã nói rằng nếu ta nghĩ đến những rủi ro khác của thân xác – một sự tổn thương, một quả đấm ngay vào đầu – thì chúng sẽ không có lợi cho phần hồn. Thật khó hình dung một cơn tai biến đối với thể xác lại tốt cho tâm hồn mình. Tuy thế, Socrates, vốn tin vào hai thứ có thực này, xác và hồn, lại lập luận rằng tâm hồn nếu được giải phóng khỏi thể xác thì nó có thể tận hiến cho việc tư duy.
Ý tưởng này gợi nhắc đến huyền thoại về Democritus. Người ta cho rằng một hôm trong khu vườn nọ ông ấy tự móc mắt mình để có thể suy tư và để không bị thế giới bên ngoài làm mình xao lãng. Điều này dĩ nhiên không thực, nhưng câu chuyện thật đẹp. Đây là một người thấy được thế giới hình ảnh – cái thế giới của bảy sắc màu mà tôi đã đánh mất – và ông ta coi đó là chướng ngại đối với tư duy thuần tuý và đã lôi cặp mắt mình ra để tiếp tục tư duy trong cõi tịch mịch an nhiên.
Với chúng ta, những ý tưởng về thể xác và về tâm hồn này tất thảy đều đáng ngờ. Ta hãy nhắc lại sơ bộ lịch sử triết học. Locke bảo rằng thứ duy nhất tồn tại là cảm quan và cảm giác, và các kí ức cùng những cảm quan về những cảm giác đó. Sau đó Berkeley khẳng định vật chất là là một chuỗi những cảm quan và những cảm quan này là thứ bất khả tư nghị nếu không cảm quan thông qua ý thức. Màu đỏ là gì? Màu đỏ tuỳ thuộc vào mắt nhìn của ta, và đôi mắt ta thì lại phụ thuộc và hệ thống cảm quan. Rồi tới phiên Hume, ông này bác bỏ cả hai lí thuyết đó, và tiêu huỷ luôn cả hồn lẫn xác. Hồn là gì ngoại trừ cái cảm quan được, và vật chất là gì ngoại trừ cái được cảm quan? Nếu trên cõi đời này người ta đè nén đi những danh từ, thì chúng ắt được qui giảm đi thành các động từ. Chúng ta không thể nói, “tôi tư duy” bởi lẽ “tôi” là một chủ ngữ; ta nên nói, “tư duy đây” cũng như nói “trời mưa” vậy. Trong cả hai động từ, ta có được hành động mà không cần đến chủ ngữ. Khi Descartes nói, “tôi tư duy, do vậy tôi tồn tại”, thì lẽ ra ông ấy nên nói, “Có thứ gì đó tư duy” hoặc “tư duy đây” bởi lẽ “tôi” ở đây giả định một thực thể, và tôi không có quyền để giả định điều đó. Đáng lẽ ông ta nên nói, “tư duy đây, do vậy tồn tại thứ gì đó”.
Liên quan đến sự bất tử cá nhân, chúng ta sẽ xem thử có những luận cứ nào ủng hộ ý này. Tôi sẽ dẫn ra hai cái. Fechner bảo rằng ý thức con người đi kèm với chuỗi những ham muốn, thèm khát, hi vọng và nỗi sợ hãi vốn là những điều không tương ứng với quãng đời của ta. Khi Dante nói “n’el mezzo del cammin de nostra vita”, thì ông ấy gợi ta nhớ rằng Kinh thánh ban cho ta bảy mươi năm cuộc đời. Do vậy, lúc ông ấy có được cái nhìn như thế thì ông đã bước sang tuổi ba mươi lăm rồi. Trong diễn trình bảy mươi năm đời mình – không may là tôi đã đi vượt quá giới hạn: giờ tôi bảy mươi tám tuổi rồi – chúng ta cảm nhận được những thứ vốn chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc đời này. Fechner nghĩ đến thai nhi, về cái thân xác trước lúc nó rời khỏi bụng mẹ. Trong thân xác ấy có đôi chân không làm gì cả, có đôi cánh tay, đôi bàn tay – không có thứ nào có ý nghĩa: nó chỉ có thể có ý nghĩa ở cuộc sống sau này. Chúng ta phải tin rằng những chuyện thế cũng sẽ xảy đến với ta, rằng chúng ta tràn đầy hi vọng, sợ hãi, phỏng đoán, và chúng ta không thể nói chính xác chúng có nghĩa gì đối với một cuộc đời thuần tuý của con người khả tử. Chúng ta có thể nói chính xác loài vật có gì, nhưng chúng có thể lờ đi tất thảy mọi thứ đó, những thứ có thể được dùng đến ở một cuộc sống khác, vẹn toàn hơn. Đây là một luận cứ ủng hộ cho sự bất tử.
Ta hãy dẫn lời Thánh Thomas Aquinas, người đã để lại cho ta câu văn thế này: “Intellectus naturaliter desiderat esse semper”, trí tuệ vốn dĩ khao khát được tồn tại mãi mãi. Với câu nói đó ta có thể đáp lại rằng nó cũng ham muốn cả những thứ khác, và nó thường ham muốn cả việc ngưng tồn tại. Chúng ta có mấy trường hợp tự sát, và trường hợp phổ biến nhất của những ai cần phải ngủ, đó cũng là một hình thức của cái chết. Chúng ta có thể dẫn ra những đoạn thơ dựa trên ý tưởng về cái chết và coi đó là một dạng cảm thụ. Ví dụ, copla tiếng Tây-ban-nha nổi tiếng sau: “Ven, muerte tan escondida / que no te sienta venir / porque of placer de morir / no me torne a dar la vida” (Đến đây, là cái chết ẩn tàng / đến mức tôi không cảm thấy được người đến / bởi niềm lạc thú được chết đi / đã làm tôi không thiết trở về cuộc sống). Rồi có một khổ thơ của thi sĩ Pháp Leconte de Lisle: “Giải phóng anh ta ra khỏi thời gian, ra khỏi con số, và ra khỏi không gian, rồi đưa anh trở về giấc an lành nơi anh đã rời bỏ.”
Chúng ta có nhiều khao khát, trong đó có khao khát cuộc sống, khao khát được tồn tại mãi mãi, không những thế còn có khao khát được ngừng sự tồn tại này, cũng như còn có nỗi sợ và điều đối nghịch với nó, niềm hi vọng. Hết thảy những điều này có thể tồn tại mà dù thiếu vắng sự bất tử cá nhân, và cũng không cần đến nó. Bản thân tôi không ham muốn nó, và tôi sợ nó, bởi lẽ thật kinh khiếp khi biết rằng tôi sẽ còn tiếp tục, sẽ còn sợ hãi khi nghĩ đến chuyện tôi vẫn cứ làm Borges như vầy. Tôi chán chường bản thân, chán tên mình, chán cả danh tiếng của mình và tôi muốn giải phóng bản thân thoát khỏi tất thảy những điều ấy.
Có một dạng thoả hiệp tôi phát hiện ở Tacitus, và sau này Goethe lấy lại ý đó. Tacitus, trong cuốn Cuộc đời của Agrippa, đã nói rằng: “Non cum corpore periunt magnae animae”, những tâm hồn vĩ đại không chết cùng với thân xác. Tacitus tin rằng sự bất tử cá nhân là món quà dành sẵn cho một số người, không phải những kẻ tầm thường, mà cho những tâm hồn nhất định xứng đáng được bất tử, ông tin là họ đáng được người đời ghi nhớ về con người mình. Goethe lấy lại tư tưởng này, và viết ra, lúc người bạn Wieland của ông lâm chung: “Thật kinh khủng khi nghĩ rằng Wieland đã chết đi chết lại muôn lần.” Ông không thể nghĩ được Wieland lại không tiếp tục được ở một nơi nào khác, ông tin vào sự bất tử cá nhân ở Wieland, nhưng không phải ở tất cả mọi người. Ta biết rằng bất tử là đặc ân của một vài người. Nhưng ai cũng tự đánh giá mình là cao cả, ai cũng có xu hướng tin rằng sự bất tử của họ là cần thiết. Tôi không tin điều đó.
Sau đó, tôi nghĩ ta sẽ có những sự bất tử khác vốn là những nhân vật quan trọng. Đầu tiên là ý tưởng về luân hồi. Ý tưởng này thuộc về Pythagoras, và Platon. Platon thấy luân hồi là điều có thể. Luân hồi giúp giải thích vận may và vận rủi. Nếu ta may mắn hoặc xui xẻo trong cuộc đời này, thì tức là ta mắc nợ nó ở kiếp trước; ta sẽ tiếp nhận hình phạt hoặc được tưởng thưởng. Có một thứ có thể khó hiểu: nếu cuộc đời cá nhân ta, theo như đức tin Hindu và đạo Phật, lại phụ thuộc vào kiếp trước, và kiếp trước đó tới phiên nó phụ thuộc vào một kiếp trước nữa, và do đó cứ tiếp diễn vô tận về miền quá khứ. Người ta nói rằng nếu thời gian là vô hạn, thì vô hạn các kiếp trước là điều mâu thuẫn. Nếu con số đó vô hạn, thì làm sao mà một thứ vô hạn lại chạm được tới hiện tại này? Ta nghĩ nếu thời gian vô hạn, mà tôi tin là vậy, thì thời gian vô hạn đó phải bao hàm tất thảy những thời vô hạn và, trong số toàn bộ những thời vô hạn, tại sao không phải là thời vô hạn này ở tại nơi đây, trong trường Đại học Belgrano, với tôi và các bạn ngồi lại cùng nhau như vầy? Tại sao cũng không phải là khoảng thời gian đó? Nếu thời gian vô hạn, thì tại bất kì thời điểm này chúng ta cũng ở trung tâm thời gian.
Pascal suy tư rằng nếu vũ trụ vô hạn, thì vũ trụ là một khối cầu với chu vi của nó nằm ở mọi nơi và tâm của nó không nằm ở đâu cả. Tại sao không nói rằng thời điểm hiện tại này có một quá khứ vô hạn đằng sau nó, một ngày hôm qua vô hạn, và nói rằng quá khứ này cũng đã băng qua thời hiện tại này? Ở bất kì thời điểm nào, ta cũng ở trung tâm của một đường thẳng vô hạn, bất kể ở chốn nào của cái trung tâm vô hạn ấy, ta cũng ở trung tâm của không gian, bởi thời gian và không gian đều vô hạn.
Các Phật tử tin rằng ta sống vô số kiếp, theo nghĩa con số vô tận, mà nếu xét từ ngữ nghiêm chặt hơn: con số vô thuỷ vô chung, giống với con số siêu hạn trong toán học của Cantor. Ta giờ đây đang ở trung tâm – toàn bộ mọi thời điểm đều là những trung tâm – của thời gian vô hạn đó. Lúc này ta đang nói chuyện, bạn đang nghĩ về những thứ tôi nói, bạn sẽ đồng ý hoặc phản đối.
Luân hồi ban cho ta khả năng chuyển tâm hồn từ thân xác này sang thân xác nọ, từ thân xác con người sang thân xác loài vật. Ta có bài thơ của Pietro di Agrigento trong đó ông cho biết làm thế nào mà ông nhận ra được tấm khiên từng là của ông trong cuộc chiến Trojan. Ta có bài thơ của John Donne “Sự phát triển của tâm hồn”, ra đời sớm hơn chút so với Shakespeare. Donne bắt đầu bằng câu nói: “ta ngợi ca sự phát triển của tâm hồn bất diệt”, và tâm hồn đó chuyển từ thân xác này sang thân xác kia. Ông tuyên bố mình sẽ viết một cuốn sách cao cấp hơn tất cả những cuốn khác, ngoại trừ Kinh Thánh. Dự án của ông rất táo bạo, và mặc dù không bao giờ thành hiện thực, nhưng nó có những đoạn thơ đẹp. Ông bắt đầu bằng một linh hồn ngụ trong quả táo – tức là, trong quả táo của Adam, quả táo của tội lỗi. Rồi nó ở trong bụng nàng Eve và sinh ra Cain; rồi ở mỗi khổ thơ nó đi từ thân xác này qua thân xác nọ (một trong những thân xác đó là Hoàng hậu Elizabeth). Bài thơ vẫn còn dang dở. Donne tin vào sự luân hồi của linh hồn, và một trong những đoạn mở đầu, ông đề cập đến những nguồn cội nổi danh về khái niệm này và đưa ra hai cái tên: Pythagoras và Socrates ở đoạn đối thoại cuối cùng.
Đáng chú ý là Socrates chiều hôm ấy khi đàm đạo cùng các bằng hữu, lại không muốn nói lời tạm biệt trong tình cảnh lâm li bi đát. Ông đuổi vợ con ra ngoài, ông muốn đuổi luôn cả người bạn đang khóc lóc, ông muốn có không khí êm đềm để đàm đạo, đơn giản chỉ để tiếp tục đàm đạo và suy tư. Cái chết cá nhân không làm ông phiền muộn. Vai trò của ông, thói quen của ông, là một thứ gì đó khác nữa: để bàn luận, bàn luận theo theo một lối nhất định nào đấy.
Tại sao ông lại uống thuốc độc? Không có nguyên do.
Ông nói ra những điều làm người đời tò mò: “Orpheus muốn biến mình thành chim sơn ca; Agamemnon, kẻ chăn chiên của loài người, thì muốn biến thành chim ưng; Ulysses thì lạ lắm, hắn muốn biết thành một gã hèn mọn và bí ẩn nhất ở thế gian này.” Socrates cứ nói, cái chết ngắt lời ông. Người ta thấy cái chết sầu muộn lần lên đôi chân ông. Ông đã uống thuốc độc. Ông bảo một người bạn rằng ông nhớ lời thề với Aesculapius, và nhớ sẽ tặng người đó một chú gà trống. Bằng lẽ đó ông muốn nói rằng Asculapius, vị thần y học, đã giải trừ ông khỏi cái ác thiết yếu. “Tôi mắc nợ Aesculapius một con gà trống, ông đã giải trừ tôi khỏi cuộc sống, tôi chuẩn bị chết đây.” Tức là ông ta không tin những gì mình nói lúc trước; ông nghĩ là mình chuẩn bị chết như ở vai trò cá nhân.
Ta có một văn bản cổ điển khác, De rerum natura của Lucretius là tác phẩm trong đó tác giả phủ nhận sự bất tử cá nhân. Những luận cứ đáng nhớ nhất do Lucretius đưa ra là thế này: Một người than phiền rằng mình sắp sửa chết. Anh ta nghĩ rằng tương lai sẽ lãng quên mình. Như Victor Hugo có nói: “Chàng đơn độc ngay giữa bữa tiệc / không thứ gì thiếu vắng đi trong cõi đời rực rỡ và tươi vui này.” Ở bài thơ tuyệt vời ấy, cũng đầy tham vọng như Donne, Lucretius dùng luận cứ sau: “Anh khổ đau bởi anh không nắm giữ được thời tương lai. Thế mà anh lại tin có một khoảng thời gian vô tận trước anh, tin rằng khi anh chào đời, thời điểm ấy cũng đã đi qua khi Carthage và Troy lao vào trận chiến giành quyền cai trị thế giới. Điều đó không nghĩa lí gì với anh. Thế sao cái gì sắp tới lại quan trọng đến vậy? Anh đã mất đi cái quá khứ vô tận, thì có gì quan trọng nếu anh mất đi thời tương lai vô tận?” Đây là điều Lucretius nói đến. Thật tiếc là tôi không không biết nhiều tiếng Latin để nhớ hết mấy dòng đẹp đẽ của ông, mà mãi gần đây tôi mới đọc được kèm theo trợ giúp của từ điển.
Schopenhauer trả lời – và tôi nghĩ Schopenhauer có thẩm quyền lớn nhất – rằng học thuyết luân hồi chẳng là gì cả ngoại trừ việc nó là hình thức phổ biến cho một loại học thuyết khác, vốn được Shaw và Bergson biểu hiện ra sau này, học thuyết về ý chí sống. Có một thứ khao khát được sống, một thứ mở lối băng qua vật chất, hoặc bất chấp cả vật chất. Đó là thứ mà Schopenhauer gọi là wille, ông quan niệm nó như là ý chí tái sinh.
Sau đó, Shaw nói đến “sinh lực”, và cuối cùng Bergson bàn về cái “élan vital”, cái sức sống được biểu thị ở vạn vật, nó tạo nên vũ trụ, và nó nằm trong mỗi con người chúng ta. Nó chết trong chất khoáng, im lìm trong cỏ cây, như giấc mộng nơi loài vật, nhưng nó tự ý thức bản thân bên trong chúng ta. Ở đây ta có được lời giải thích cho câu chữ kia của Aquinas: ““Intellectus naturaliter desiderat esse semper”, trí tuệ vốn dĩ khao khát được tồn tại mãi mãi. Nhưng bằng cách nào trí tuệ khao khát điều ấy? Nó không khao khát điều ấy theo cách riêng mình; nó không khao khát theo nghĩa của Unamuno, tức muốn tiếp tục làm Unamuno; nó khao khát theo một kiểu tổng quát.
Cái “tôi” của chúng ta là thứ ít hệ trọng nhất. Nó có nghĩa gì khi ta tự cảm nhận mình là một “tôi”? Nó khác biệt theo kiểu ra sao khi tôi cảm nhận mình là Borges so với việc bạn tự cảm nhận mình là A, B hay C? Hoàn toàn không có gì khác. Cái tôi mà chúng ta chia sẻ, nó là cái ở hiện tại, ở hình thức này hay hình thức kia, trong mọi sinh vật. Chúng ta có thể nói rằng bất tử là điều cần thiết – không phải chuyện cá nhân mà là chuyện bất tử theo cách khác. Chẳng hạn mỗi khi có người yêu thương lấy một kẻ thù, thì sự bất tử của Đức Kitô hiện ra. Trong thời điểm đó anh ta là Kitô. Mỗi khi ta lặp lại một dòng chữ của Dante hay Shakespeare, thì bằng cách nào đó ta ở ngay thời khắc Dante hay Shakespeare sáng tạo nên dòng chữ ấy. Bất tử trong kí ức của kẻ khác và trong tác phẩm ta bỏ lại phía sau. Việc đó quan trọng gì nếu tác phẩm ấy bị người đời quên đi?
Tôi đã dành hai mươi năm qua cho lĩnh vực thi ca Anglo-Saxon, và tôi thuộc lòng nhiều bài thơ Anglo-Saxon. Thứ duy nhất tôi không nhớ là tên các thi sĩ. Việc đó quan trọng gì miễn là khi dẫn ra mấy bài thơ từ hồi thế kỉ mười chín, tôi vẫn còn cảm nhận được thứ mà người thời đó cảm nhận được? Người thi sĩ ấy sống trong tôi ở thời điểm ấy, tôi lúc ấy thành kẻ quá cố kia rồi. Mỗi người chúng ta bằng cách nào đó đều trở thành tất cả những người vốn đã chết trước ta. Và không chỉ giới hạn trong những người thuộc dòng máu của mình.
Dĩ nhiên ta thừa hưởng nhiều thứ từ dòng máu của mình. Từ lời kể của mẹ mà tôi biết được mỗi lần tôi dẫn ra những bài thơ tiếng Anh, tôi đã đọc chúng lên bằng giọng nói của cha tôi, ông mất hồi năm 1938. Khi tôi dẫn Shakespeare ra, thì cha tôi lúc ấy sống bên trong con người tôi. Những ai nghe tôi đều sẽ sống trong giọng nói tôi, đó là phản chiếu lại từ một giọng nói và có lẽ giọng nói ấy cũng là thứ phản chiếu lại từ giọng nói của các bậc cha ông. Cũng có thể nói điều tương tự thế cho âm nhạc và ngôn ngữ. Ngôn ngữ là sáng tạo, nó trở thành một loại hình bất tử. Tôi đang dùng tiếng Castile. Có bao nhiêu người Castile quá cố đang sống trong tôi?
Trong cõi sống hiện tại mỗi người chúng ta hợp tác với nhau bằng cách này hay cách nọ. Mỗi người chúng ta muốn cõi sống này sẽ tốt đẹp hơn, nếu nếu cõi sống này thật sự tốt đẹp hơn – một hi vọng bất diệ – nếu đất nước tự cứu lấy nó – và tại sao đất nước không tự cứu lấy nó được? – chúng ta trở nên bất tử ở trong sự cứu rỗi ấy, bất kể ta có biết tên mình hay không. Đó là điều ít hệ trọng nhất; điều quan trọng là người ta có được sự bất tử đó ở trong các tác phẩm, trong kí ức người này để lại cho kẻ khác.
Ý kiến của tôi nào có quan trọng gì, óc phán đoán của tôi cũng vậy; tên gọi của quá khứ không quan trọng miễn là ta cứ tiếp tục giúp ích cho tương lai thế giới này, sự bất tử của ta. Sự bất tử đó không có lí do gì thuộc về cá nhân, nó có thể có được mà không cần đến những cái tên ngẫu nhiên, nó có thể làm lơ kí ức của ta. Bởi vì sao mà tin rằng ta sẽ tiếp tục ở cuộc đời khác với kí ức của mình, như thể tôi phải tiếp tục nghĩ suốt cả đời mình về thời thơ ấu ở Palermo, ở Adrogué hoặc ở Montevideo? Tại sao tôi luôn phải quay lại chuyện đó? Đó là một cách cầu viện theo văn chương; tôi có thể quên hết những thứ đó và tiếp tục tồn tại, và tất thảy những thứ đó ắt vẫn sống trong tôi dẫu cho tôi không gọi tên chúng. Có lẽ điều quan trọng nhất là ta không thật sự nhớ được rằng mình có thể ghi nhớ trong vô thức.
Để chốt lại, tôi cho rằng mình tin vào sự bất tử, không phải bất tử cá nhân mà bất tử theo nghĩa toàn thể vũ trụ. Chúng ta sẽ tiếp tục bất tử; bên kia cái chết thể xác thì kí ức ta vẫn còn đó, bên kia kí ức thì vẫn còn đó hành động của ta, hoàn cảnh của ta, thái độ của ta, toàn bộ phần tuyệt diệu ấy trong lịch sử vũ trụ, dẫu cho chúng ta không biết được điều đó, mà tốt hơn là không biết được.
Tuyển Tập Tác Phẩm Tuyển Tập Tác Phẩm - Jorge Luis Borges Tuyển Tập Tác Phẩm