I like intellectual reading. It's to my mind what fiber is to my body.

Grey Livingston

 
 
 
 
 
Tác giả: Võ Phiến
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4390 / 91
Cập nhật: 2015-11-01 15:46:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Về Một Xóm Quê
ậy là yên phần của chị Hai tôi. Còn mười đám ruộng nữa thì tôi về đến nhà. Và tôi sẽ thuật lại với ông tôi những giờ phút cuối cùng của chị. Có lẽ tôi phải kể lại tất cả những điều tôi viết trong các lá thư đã gửi về. Kể rằng suốt hai tháng nay, từ khi vào bệnh viện, chị tôi nằm liệt trên giường, mặt chị càng ngày càng teo tóp và da mặt vàng quá lắm đến nỗi trông như xoa nghệ. Chị trông vào đèn thấy ánh sáng vàng sẫm lại. Gần đây, ba bốn lần trong một ngày chị ngất đi, khi tỉnh dậy chị mân mê sờ thử các ngón tay mình, và cảm thấy mỗi ngón tay lớn dần lên, lớn bằng mỗi lóng mía tây. Chắc ông tôi cũng sẽ bảo tôi kể lại những cơn ho khiếp hãi của chị.
Như thế cái chết của chị có nhiều điều để nhắc nhở hơn là cái chết của anh Hai tôi. Khi anh tôi đi chuyến dân công cuối cùng, anh không cho giặt chiếc chiếu vẫn lót cho đứa cháu trai đầu lòng mới mười ba tháng; anh muốn mang theo cả mùi nước tiểu của con để những đêm nằm trên núi bớt nỗi nhớ con. Người con trai quê mùa đó ít đi xa nhà lắm. Khi ra đi lại không gặp may. Trong một quyển sách ngoại ngữ nào đó có câu:!!!La Victoire, un jour, les cherchant,!!!Les trouvera trois pieds sous terre...
Câu đó nói đến những người tốt số. Còn anh Hai tôi thì dẫu kháng chiến thắng lợi, Vinh Quang có muốn cũng không biết tìm đâu cho thấy hài cốt. Anh tôi chết không có mồ. Và cũng không chắc được vùi sâu đến ba tấc đất.
Còn mươi đám ruộng nữa thì tôi về đến nhà, gặp ông tôi và đứa cháu vừa mất mẹ. Tôi không thấy có gì buồn thảm lắm, mà chỉ thấy một cảm giác dã dượi. Trước cảnh chiều, lòng tôi thản nhiên, nguội lạnh như trước một cảnh điêu tàn đã quen thuộc. Con suối khô, cát dưới chân kêu rào rạo, còn giữ hơi nóng âm ấm. Một đường nước con, không ngập khỏi mắt cá chân, chảy ngoằn ngoèo giữa suối. Trước khi tôi trèo lên khỏi bờ suối bên kia, một con mèo từ trong bụi bước ra cách tôi vài mươi thước tây. Nó nghẻo đầu lại nhìn một lát bằng cặp mắt buồn rầu, rồi như thấy rằng tôi không phải là một nhân vật đáng quan tâm, nó tiếp tục đi thẳng.
o O o
Phải. Cả tôi và nó đều là những người và vật rất tầm thường, không có gì tuấn kiệt, cùng sinh trưởng ở một vùng quê không có gì đáng gọi là linh địa cả. Xóm tôi ở sát mép một khu đồi. Ngày xưa có nhiều gia đình rải rác ở sườn đồi và tận trên đỉnh đồi. Dần dà những gia đình ấy điêu tàn, suy sụp và lần lượt dời nhà xuống chân đồi. Bây giờ trên ấy thành ra gò hoang, còn lại mấy mươi cây dừa còi và ba cái giếng cạn mà trẻ chăn bò thường thi nhau đứng từ xa ném đá xuống như thảy tiền vào lỗ đáo.
Một lượt di cư ấy cũng chưa khiến cho vùng chúng tôi phát đạt. Toàn xóm gồm năm mươi ba gia đình, mà tính ra đã ngót mười gia đình có kẻ chết vì bệnh lao. Tôi cứ e ngại. Đối với người đồng hương tôi đành phải nói lén lút vụng trộm, chứ thực ra sự kiện này chưa hề được xác nhận rộng rãi ở xóm tôi. Ông Ba Hề thuở sinh thời vẫn khăng khăng quả quyết rằng chứng bệnh của ông cần phải gọi chính danh nó là ho tổn. Kẻ nào bảo là ho lao đều sai cả. Hai Nhiên từ khi phát bệnh cho đến khi chết chỉ có sáu tháng, cho nên cứ theo lời thánh y qui định rằng “cửu khái thành lao” thì bệnh ho ấy dứt khoát chưa có đủ thời gian để thành bệnh lao chính thức. Còn ông Tám Linh, ban đầu ai cũng cho là mắc đúng bệnh lao. Mãi đến tháng bảy năm ngoái, một đêm nóng bức, ông rón rén mở cửa ra đi, xách theo một đoạn dây dừa; mờ sáng hôm sau người ta tìm thấy xác ông treo lủng lẳng trên một cành cây rù rì trước miễu mới hay ông ta mắc phải chứng tà. Các trường hợp khác cũng không đơn giản hơn chút nào, cho nên tôi có cho rằng tất cả mười người đều chết vì bệnh lao, chẳng qua là một lối nói hồ đồ, trong lòng riêng lấy làm ái ngại.
Trừ mười nhà bệnh tật kia ra, còn lại hơn bốn mươi gia đình để sống với đời thì cũng chưa có kẻ nào làm được điều gì hiển hách vẻ vang. Họa chăng có thể kể đến tên một kẻ hào hoa là Bái Công và một kẻ có chút công danh là phó lý Biên.
Bái Công đã già lắm và gầy nhom, đen thui thủi, râu tóc lưa thưa xơ xác. Chính tên thật là Bái, đáng lẽ nên gọi là ông Bái. Ông Bái, dịch ra là Bái Công cũng không sai nghĩa; vả lại người trong xóm đều đồng ý để cho ông ta chia một chút vinh quang của nhà Hán nên đều gọi ông là Bái Công. Bái Công sống không vợ không con đến già trong một túp nhà chật hẹp. Thuở bé Bái Công thích gánh pháo tre đi bán chợ Tết, đứng giữa hai bầu pháo, rao ba hoa năm bảy câu, bóc miếng giấy ngũ sắc dán trên ngòi, châm lửa, ném chiếc pháo vào giữa đám trẻ con xúm xít, đợi pháo nổ đánh đùng rồi cười ha hả. Lớn lên Bái Công thích đánh võ, đã từng rước thầy Tàu về nhà học hai năm. Tiếng đồn rằng ông ta có thể đứng trên cái hộp quẹt múa xong một ngọn thảo mà hộp quẹt không vỡ. Khi đã đứng tuổi Bái Công mới thích cờ và rượu. Nhiều lần, đêm khuya đi uống rượu về, Bái Công bị hai chân bất lực vất bỏ giữa đường. Người ta gặp ông nằm sấp úp mặt xuống bờ ruộng hát nghêu ngao, mặc cho lũ sao trời nhấp nháy sau lưng thâu đêm. Về già con người hào hoa đó sống chật vật, lui hui trong bếp nấu từng bữa cháo cho heo như một người đàn bà rất tầm thường.
Còn phó lý Biên trong thời kỳ nắm quyền hành cũng không để lại được một tiếng thơm. Một đêm khuya nào đó có người dân làng mở cửa vào phòng bất ngờ trông thấy phó lý Biên nằm chung giường với vợ mình. Trước sự phát kiến không hợp thời, ông phó lý phi thân qua cửa sổ rất nhẹ nhàng, tưởng rằng thế là đã tìm được một cách giải quyết công việc ổn thỏa nhất. Không ngờ việc đến tai viên chánh tổng. Viên này giẫy nẫy lên kêu rằng đêm hôm đó phó lý Biên đã dày xéo lên hạnh phúc của mình. Người dân làng đau đớn thêm một lần nữa. Vợ y thẹn thùng, sợ hãi thêm. Còn phó lý Biên thì gặp ngay một trở ngại trên bước đường công danh.
Sau những nhân vật như đã kể vừa rồi, tôi tưởng đã đến lúc có thể bắt đầu nói ít nhiều về gia đình mình. Khi tôi lớn lên thì các cô tôi đã đi lấy chồng, ba tôi đi làm ăn xa trong Nam, chú tôi lang bang. Ở nhà chỉ có cụ ông cụ bà đã cao niên, cùng má tôi và hai anh em tôi. Ba tôi thấy cảnh nhà cơ cực, bỏ nhà ra đi bảy tám năm mất dạng, không có một lá thư gởi về. Gia đình biết rằng ba tôi không phải là người bạc bẽo, phóng đãng, nhưng lệ thường ở quê tôi những kẻ bỏ nhà ra đi mà chưa dành dụm gầy dựng nên cơ nghiệp gì thì chưa chịu trở về và chưa lộ tung tích với bà con, vì tự lấy đó làm một điều xấu hổ. Chú tôi có chút học thức, nhưng lại thích sống tự do, lang bạt khắp nơi, không biết cày ruộng mà cũng không chịu đeo đuổi một nghề nghiệp gì, khiến bà tôi rất lúng túng mỗi khi phải trả lời với bà con xóm giềng về chức vụ của chú. May sao, không biết tự đâu, dân làng nảy ra cái ý gọi chú tôi là thầy ký. Đó thực là một sáng kiến hay ho vẻ vang của quần chúng. Gia đình tôi liền xác nhận chức vị của chú ký, mặc dù chú không từng làm thông ngôn ký lục cho chính phủ bao giờ.
Thuở bé tôi mến chú. Chú thường nay đây mai đó, ghé về nhà không có định kỳ. Mỗi chuyến về của chú là một việc quan trọng trong gia đình, và là một cơ hội thích thú đối với tôi. Trong va-li của chú lần nào cũng có những món là lạ, xinh xắn: những tấm hình thực đẹp, những con voi, con khỉ tiện bằng ngà, bằng sừng, những cái nhẫn làm bằng vỏ ốc, bằng xà cừ, những cái khăn tay nhỏ xíu, những con bướm bằng bìa chỉ cần gác một đầu lên ngón tay là có thể lơ lửng chấp chới v.v...
Thường thường về đến nhà chú ký quay ra ngủ, để bù lại những đêm trước thức chơi bời hay đi xe đi tàu. Tôi lân la đến nằm bên cạnh, ngắm nghía những cái nhíp, cái dao con thật xinh dính vào xâu chìa khóa trễ ra ngoài túi, và tôi nằm hít mùi nước hoa thơm thoang thoảng bên mình chú ký, trí mơ tưởng đến cái thế giới thị thành kỳ lạ ở đâu đó, cách xa xóm đồi chúng tôi.
Phần nhiều mỗi lần chú ký về, ông bà tôi im lặng trong một vài ngày để chú nghỉ ngơi. Sự im lặng tôi thấy có phảng phất cái gì khó hiểu. Rồi sau đó khởi lên cuộc rầy rà to. Bà tôi mắng nhiếc, có khi lấy cây đập lên lưng chú tôi. Không khí trong gia đình căng thẳng mấy hôm, cho đến khi bà tôi dịu xuống thì chú ký lại nêu lên qua quít một lý do vu vơ rồi xách va-li ra đi. Cô tôi cắt nghĩa rằng ông bà tôi bất bình vì chú tôi đã ngót ba mươi tuổi đầu mà vẫn chơi bời, không chịu cưới vợ, không chịu nghĩ đến tương lai. Những khi bị chất vấn đến kỳ cùng, chú tôi vẫn khăng khăng bảo rằng chú chưa tìm ra một người đàn bà đủ đức hạnh để làm bạn trăm năm. Có lẽ chú ký tôi đã chọn qua ngót trăm người con gái, trong số đó có nhiều kẻ trước khi gặp chú thì vẫn hãy còn đứng đắn. Thế mà vẫn chưa tìm thấy đức hạnh. Cho hay việc tìm kiếm đức hạnh cũng kham khổ như việc ngậm ngải tìm trầm. Cả nhà tôi đành thúc thủ, để mặc chú tôi một thân băng mình vào giới phụ nữ bốn phương, xông pha mạo hiểm một cách tuyệt vọng.
May sao, cuối cùng rồi chú ký cũng gặp gỡ được thím ký, hiện thân của đức hạnh.
Trong những năm mà ba với chú tôi còn lang thang xiêu bạt thì cả gia đình trông cậy vào ông tôi. Ông tôi là một nhà nho thất thời, từng hỏng một lần ở trường thi hương. Thuở nhỏ ông đã nghe tiếng súng của nghĩa quân cụ cử Mai Xuân Thưởng bắn xạch xạch như tát nước gàu sòng làm cho sĩ tử khắp tỉnh bừng lên nao nức. Nhưng rồi tiếng súng cụ cử Mai im bặt, cụ cử Mai bị xử tử. Ông tôi cũng từng theo đám người lao nhao vác rựa đi “làm giặc” trước cổng thành Bình Định, rồi Pháp lại giải tán Giặc Rựa. Ông bèn đánh bạc một thời gian; sau đó, nguôi ngoai thế sự, ông tôi ra làm hương bản trong làng. Cứ thế suốt hai mươi năm trời ông tôi vừa phục vụ một chính phủ đặt dưới quyền người Pháp vừa nguyền rủa người Pháp thậm tệ. Và năm này qua năm khác, cả nhà tôi đau đáu nhớ trông ba tôi biệt tích, chú tôi phiêu lãng.
Vào những buổi trưa vắng vẻ, tôi lúc thúc ở nhà dưới, quanh quẩn chơi bên cạnh bà và má tôi, bỗng nghe ông tôi đang nằm một mình ở nhà trên, cất tiếng thét lớn:
“Quan hầu nhập yết, nhập yết, ãi ãi... Tâm như hỏa liệt hỏa liệt! Nhĩ tợ lôi oanh lôi oanh! Quan Vân Trường bội ngô huynh trưởng, hàng Tào lập công, Phi hỏi chơ: Hà sự đáo ngã thành, tất kỳ trung hữu trá. Chư tướng! Truyền chỉnh tu binh mã, mau bố liệt can qua. Âu là, huy xà mâu sát phá oan gia! Trăm lạy đại ca, ngàn lạy đại ca, xin chiếu giám cho Phi, phen này Phi nói thiệt, huyền thủ cấp báo ngô ca trưởng...” 1
Giọng thét dồn dồn đầy nộ khí vang lên trong ngôi nhà vắng lặng, bỗng dưng phát lên rồi bỗng dưng dứt hẳn, làm cho chung quanh tưng hửng sững sờ. Chúng tôi lại càng thấy cảnh nhà vắng vẻ và trống trải thêm. Có khi một lát sau nghe có tiếng guốc lẹp kẹp của ông tôi. Tôi rụt rè ngẩng đầu lên thì thấy nét mặt ông tôi lại bình thản, đôi khi có một vẻ lạnh tanh ngao ngán, chẳng còn đâu là dấu vết của cái nộ khí bừng lên trong giọng hát vừa rồi. Bà tôi không ngừng công việc, liếc nhanh về phía ông, ái ngại. Không ai nói gì, nhưng trên tất cả mọi người tôi cảm thấy rõ ràng đè nặng một mối buồn về cảnh nhà ly tán.
Đến năm tôi lên bảy, ba tôi mới trở về làng với hai chiếc va-li to tướng làm cả xóm vây quanh nhà tôi suốt một buổi chiều để trầm trồ khen ngợi về điềm hưng thịnh của gia đình. Tuy thế mà ba tôi cũng không thể ở nhà được quá hai năm: ở xóm quê tôi sinh kế quả thực là quẫn bách. Lần này ra đi ba tôi đem cả má tôi và đứa em trai mới sinh ra, đi vào Nam lo làm ăn. Cảnh nhà lại càng xơ xác. Những buổi trưa — lại vẫn những buổi trưa — tôi nằm ngủ lơ mơ bỗng giật mình thức giấc, nheo mắt nhìn ra đám chuối sau vườn đứng dưới ánh nắng chói chang, vài đám mây trắng chết trân trên đầu, nghe vang lên tiếng con chim khách lảnh lót như tát vào tai, tôi thấy tất cả cái trống trải vắng vẻ của không gian trưa hè hắt lọt vào lòng. Và tôi thấm thía nỗi buồn của ông tôi khi người nhìn thẳng vào cái quạnh vắng của cảnh nhà mà thét lên như cố xua đuổi: “Ãi ãi, quan hầu nhập yết nhập yết!” Tôi thấm thía tất cả ý xót xa, ái ngại, chán nản trong cái liếc nhìn của bà tôi.
o O o
Chú tôi thỉnh thoảng ghé về một ngày, ba tôi thỉnh thoảng gửi về một lá thư. Anh Hai tôi tập nắm chuôi cày. Và tôi thì may mắn được cắp sách đi học. Cuộc đời của chúng tôi đang diễn ra như thế thì chiến tranh nổ ra giữa Pháp với Đức.
Cái kết quả đầu tiên của cuộc chiến tranh ấy có những chỗ tốt đẹp không ngờ. Ông tôi đang sống uể oải, buồn nản, bỗng nhiệt thành hoan hỉ lạ kỳ. Thì ra đã bao nhiêu năm giữ một chức vụ nhỏ dưới chế độ bảo hộ, ông vẫn ôm giữ mối thâm thù nhẫn nhục rất kín rất nhũn của lớp nhà nho đối với quyền hành người Pháp ở xứ này, lớp nhà nho mà lịch sử đã dần dà thu hết sinh lực. May đâu dân tộc Đức lại đập ngay vào nước Pháp để cho ông tôi hể hả biểu lộ một hình thức đặc biệt của tinh thần phản đế.
Chiều chiều tôi đi học về, cắp theo một tờ báo. Hai ông cháu xúm lại hăng hái nghiên cứu về những vấn đề mà có lẽ bộ tham mưu của Hitler cũng ngại ngùng. Chúng tôi tính xem trong bao lâu thì quân Đức chọc thủng chiến lũy Maginot, tính xem có cần xua quân tràn qua Bỉ và Hòa Lan không. Trong lúc đó thì cả hai ông cháu đều mù mờ về vị trí các nước ấy. Nói chung là về vị trí mọi nước. Ông tôi bảo tôi mang cái bản đồ trong quyển địa lý lớp nhất ra, rồi người đeo mục kỉnh lên. Tôi dò dẫm hồi lâu, chỉ cho người đâu là nước Đức, đâu là nước Pháp. Người khoan khoai ngắm nghía:
- Ờ! Nước Đức đấy hả? Nước Đức thật đấy à! Ở cái chỗ trông đắc địa quá.
Sau khi ngắm đi ngắm lại kỹ lưỡng những ô đỏ, ô xanh trên bản đồ ấy như hai nhà tướng số xem nốt ruồi để luận về hậu vận, lần nào chúng tôi cũng đi đến kết luận là nhất định Đức sẽ tiêu diệt Pháp. Và chúng tôi cũng còn định cả một thời hạn tối đa cho quân đội quốc xã phải tiến đến Ba-lê.
Những điều tính toán của chúng tôi tiếc thay lại không được công bố để bổ túc cho quyển Mein Kampf. Dù sao đó cũng là phương tiện cách mạng phản đế hợp lý nhất mà một ông hương bản với một cậu học sinh tiểu học có thể phối hợp sử dụng.
Được chúng tôi ủng hộ như thế ít lâu, quả nhiên Đức đánh bại Pháp. Ông tôi và tôi cùng sung sướng và kiêu hãnh như chính mình đã dự một phần cam go trong chiến cuộc. Tôi thầm mong cho chiến tranh cứ tiếp diễn và sẵn sàng vui lòng tiếp tục điều khiển nhiều trận đánh như trận Pháp – Đức nữa.
Sau đó thì ông cháu tôi cùng nhau ủng hộ nước Nga. Cái nguyên cớ đầu tiên nào đã khiến chúng tôi muốn đứng bên cạnh thống soái Staline, bây giờ khó bề nhớ lại cho rành mạch. Chỉ nhớ chính vào lúc ấy chúng tôi bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản. Chuyện ấy xem ra cũng chẳng tốn mấy công sức. Ông tôi suy diễn hai chữ cộng sản ra đến nơi đến chốn, rồi đối chiếu với những lời đồn đại tản mác lâu nay trong quần chúng làng Thanh Bình về chủ nghĩa cộng sản ở nước Nga, lại cẩn thận đem ra đối chiếu với kiến thức của các lý hương các làng kế cận có dịp giao du. Thế là hai ông cháu đủ am tường về chủ nghĩa nước Nga. Ông tôi thường tiếc thầm rằng nếu cả Khổng Tử cùng Lão Tử ra đời chậm đi hăm lăm thế kỷ thì Các Mác đã kết nạp được thêm hai đồng chí đắc lực, có thể mời giữ chức cố vấn. Những hôm nhà có ngày kỵ, các cô và dượng tôi về đông đủ, ông tôi khoe với mọi người rằng Các Mác sắp sửa diễn lại trên thế giới cuộc sống của đời vua Nghiêu đúng như lời sách thánh hiền đã nói ngày xưa. “Sắp sửa rồi đấy! Chỉ còn trận đánh nhau với Đức này nữa là xong. Rồi thì là thế giới đại đồng: đêm ngủ không cần đóng cửa, đồ vật rớt ngoài đường không ai thèm lấy; mọi người đều đủ thóc mà ăn, đủ vải mà mặc, kẻ già người yếu có chỗ nuôi dưỡng.”
Bà tôi vừa hỏi dò dẫm vừa giả vờ khiêm tốn từ chối một hạnh phúc quá lớn lao: “Còn lâu chứ dễ gì đã cộng sản ngay được? Lớp tuổi mình chắc gì được hưởng. Sợ e rồi chết rụi cả trước khi cộng sản tới!”
Hai ông cháu tôi cùng quả quyết cam đoan:
- Cũng chẳng mấy chốc nữa đâu! Sắp sửa rồi! Sắp sửa rồi! Thắng một trận này là xong!
Rồi bỏ rơi các người đàn bà, chúng tôi xoay ra bàn với nhau về chiến sự ở Nga. Từ ngày xảy ra chiến tranh ở Âu châu, nhờ được theo học chữ Tây, tôi được ông tôi nâng lên một địa vị quan trọng. Những khi bàn luận như thế, điều làm cho chúng tôi an tâm nhất là cái diện tích mênh mông của nước Nga. Lối hành quân của các tướng lãnh Đức thật là bạo tàn mãnh liệt, nhưng chúng tôi đã quyết tâm rồi. Chúng tôi nhất định không bỏ rơi nước Nga xô-viết. Ông cháu tôi tính toán với nhau, quyết định đem thí một nửa nước Nga để làm kiệt quệ sinh lực của Đức, rồi sau này mới liệu thế mà tấn công. Kế hoạch ấy được đem ra phổ biến rộng rãi khắp làng Thanh Bình. Do đó mà trong những ngày nguy nan nhất ở Stalingrad cả Ba Hề, Hai Nhiên, cả Bái Công cùng xúm nhau góp ý kiến với chúng tôi. Rồi cộng sản mon men lần lần đến nước ta. Rồi khi cách mạng hô khẩu hiệu ngay trước cổng nhà chúng tôi, thì ai nấy đều tươi tỉnh như vừa đánh thắng cá ngựa!
Chú tôi cũng vừa về làng đem theo thím ký tôi, hiện thân của đức hạnh, và một đứa con trai. Sự tình cờ đã cho chú gặp ngay cuộc cách mạng thì chú cũng chẳng có ý tỏ ra ghẻ lạnh. Chú nhận một chức ủy viên Lao Động trong ủy ban xã. Từ đó người trong làng gọi chú tôi là ông Lao Động. Cố nhiên thím tôi phải được gọi là bà Lao Động. Các cô tôi đều cùng một quan niệm cho rằng chức tước của cách mạng thật ngô nghê. Ông tôi thì đã từng nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản từ trước nên hiểu rằng chú tôi đã chọn một chức vị vinh dự. Còn bà tôi thì người bằng lòng đổi trọn cả cuộc cách mạng mùa Thu để cho chú tôi được thiên hạ gọi là thầy ký như cũ. Thế nhưng lịch sử cứ đi thẳng con đường định mệnh của nó, và chú thím tôi cứ nghiễm nhiên thành ra ông Lao Động và bà Lao Động, không có cách gì sửa đổi được, mặc cho những ý kiến dị đồng xôn xao trong gia đình.
Dần dà người ta lại được biết thêm rằng cách mạng còn lắm điều mới lạ nữa. Cô Bốn tôi chạy về mách với bà tôi nửa kiêu hãnh nửa ngượng ngùng rằng cô đã hóa thành bà Quân Sự rồi. Chao ôi! Thực là mầu nhiệm! Nếu không có cách mạng đố ai biết được dượng Bốn tôi có tài thao lược để đảm nhiệm chức vụ ủy viên Quân Sự xã? Và Bái Công cũng đứng ra nhận chức ủy viên Ngoại Giao. Cứ thế mỗi làng đều có đầy đủ ủy viên Văn Hóa, ủy viên Xã Hội v.v... Bao nhiêu là người trong làng Thanh Bình bỗng nhiên thấy mới ra vì cách mạng. Thế mà cách mạng chưa chịu ngừng lại ở các ông bà ủy viên. Nó cứ nhất định tiến sát xuống quảng đại quần chúng. Hầu như mọi người đều có danh hiệu, mỗi xóm có vô số bậc lãnh đạo, gọi là tổ trưởng, đoàn trưởng, đội trưởng, xóm trưởng, liên gia trưởng, vùng trưởng...
Đã từng nghiên cứu về chủ nghĩa của Nga xô như ông tôi rồi cũng đến phải ngẩn ngơ. Người không ngờ rằng để tiến về cảnh thái bình thịnh trị của thời Nghiêu Thuấn lại cần phải ghép người ta vào những tổ chức chặt chẽ như thế, đặt ra nhiều kẻ cầm đầu như thế. Tuy vậy không vì lẽ gì mà nhất đán người có thể dễ dàng rời bỏ chủ nghĩa nước Nga. Người vui vẻ giơ nắm tay lên ngang đầu chào hết các đồng chí già trẻ trong làng Thanh Bình.
Từ đó về sau suốt chín năm, xóm đồi của chúng tôi đã làm cách mạng như thế nào thực là ngổn ngang trăm nỗi không tài nào kể hết. Chỉ biết khi chuyến tàu cuối cùng chở bộ đội tập kết ra Bắc rời khỏi quân cảng Qui Nhơn thì xóm làng như giật mình ngơ ngác tưng hửng, tựa hồ một con đồng đang lảo đảo múa men chợt tỉnh mùi nhang, sực nhìn lơ láo. Và cũng tựa hồ một con bệnh kiệt quệ, cạn sinh lực: gần hết những kẻ trai tráng không còn ở xóm làng nữa.
Riêng gia đình tôi thì trong những năm quẫn bách người thím đức hạnh mà chú tôi đã dày công tìm kiếm cũng không có điều kiện thích hợp để phát huy đạo đức. Thậm chí trong cuộc sống thiếu thốn giữa thím với anh chị Hai tôi có khi không tránh khỏi đôi điều xung đột làm cho bà tôi rất khổ tâm. Nhưng rốt cuộc, sau mọi gian khổ, bà tôi chẳng còn, chú tôi cũng mất, anh và chị Hai tôi rồi cũng qua đời. Và thím tôi thì thật đã vô cùng cơ cực.
Riêng ông tôi vẫn còn ôm những hoài bão lớn lao. Ngày ngày ông ngồi mơ ước sự sụp đổ của đế quốc Nga xô.
Cuộc đời dừng lại ngẩn ngơ chẳng bao lâu, rồi cuộc đời lại ro ro tiếp diễn. Chính quyền mới thiết lập. Và phó lý Biên trở ra tham chính, quản trị cả thôn. Thời kỳ nghiêm trọng chưa qua nên thôn trưởng cần được võ trang: ông võ trang bằng một con roi mây. Bà con xóm gò quấn quýt xung quanh phó lý Biên (bỡ ngỡ như con đồng vừa tỉnh mùi nhang khói), ngơ ngác ngẩng tìm một hướng tin. Thì chẳng biết từ cõi hư vô nào phát ra cái dư luận cho rằng phải quì xuống sụp lạy trước một đấng chí tôn mới ra con người lương thiện, rằng không tín ngưỡng không thể gọi là đứng đắn. Trước khi ông thôn trưởng kịp ra tay tìm xét lai lịch của dư luận kia thì dân xóm gò đã rối rít lên, kẻ chạy vào nhà thờ, người chạy vào nhà chùa. Hai đấng cứu thế cơ hồ không kịp chìa tay ra ôm lấy chúng sinh ùa ngã vào lòng.
o O o
Tôi đứng cách xa mười đám ruộng trông vào xóm tôi trong buổi chiều vắng vẻ. Ở phương tây có một đám mây đậm màu lặng lẽ nhìn một đám mây đậm màu lặng lẽ ở phương đông. Cuối xóm, lại một đám mây đỏ bầm đứng yên lặng bên cạnh dăm cái tàu dừa cũng yên lặng, không phe phẩy một lá nhỏ. Hai bên định đương đầu nhau hàng giờ. Nhưng rồi đám mây buồn bã xịu màu xuống, tái dợt dần, chuyển ra xanh lạt, rồi xanh đậm. Trên đầu dãy núi tím, mây vẩy tê tê, màu xám. Dần dần bao nhiêu vẩy tê tê đều hóa ra lông chim phơi phới, và trở màu thâm đen...
Tôi ngẩn ngơ, lạc lõng. Ra chiều chiều, những buổi chiều long trọng như thế, xung quanh xóm tôi vẫn hằng bố trí một cuộc mây núi bốn bề thi nhau, đùa nhau, vây nhau, biến hóa đổi màu thay sắc lặng lẽ bao la trong một trò chơi lớn mà cả xóm gò chẳng ai hay biết đến!
Nhìn một ánh lửa đỏ loe ở nhà Bái Công nhảy chấp chới trong bếp, tôi tự nhiên cảm thấy tất cả cảnh côi cút bé mọn ở cái sinh hoạt của dân cư xóm gò. Qua bao nhiêu thời gian rồi! Bao nhiêu lần gió thổi cờ bay phất phới trên cao... Đến bây giờ đêm đêm phó lý Biên vút vút con roi kỷ luật, giữ yên tĩnh cho xóm làng. Và ông Bái Công hào hoa lại lui cui nhen một ánh lửa chấp chới trong buổi hoàng hôn...
Tôi tiếp tục đi về xóm. Về để kể lại cho ông tôi nghe cái lúc chị tôi mất ở nhà thương, và để nói với ông rằng những dò hỏi tìm kiếm về tin tức của gia đình ba má tôi ở trong Nam đều không có kết quả.
o O o
Tôi muốn kể chuyện dâu bể của xóm tôi. Nhưng quả rằng xóm quê tôi tầm thường chẳng phải là nơi linh địa. Cho đến những điều dâu bể cũng tầm thường nhạt nhẽo, chẳng thành chuyện ra hồn. Chỉ nghe một cái gì buồn rả rích như từng giọt từng giọt của trận mưa dai dẳng kéo dài, kéo dài qua... qua cái gì? Qua suốt mười mấy năm dài chưa dứt sao?
1957
Chú thích
1 Tuồng Tam Quốc (tú Thận).
Tùy Bút Tùy Bút - Võ Phiến Tùy Bút