We read to know we are not alone.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Thể loại: Hồi Ký
Biên tập: Saobien Organ
Upload bìa: khoa tran
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3217 / 50
Cập nhật: 2014-12-31 15:23:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
rong một buổi nói chuyện với tổng thống Johnson tại khách sạn của ông nhân có hội nghị Honolulu năm 1966, ông có hỏi tôi rằng nếu tôi là địch thì bước sắp tới tôi sẽ làm gì? Vì tôi thường nghĩ đến chuyện đó nên tôi có thể trả lời không chút do dự: Chiếm Huế.
Để đi tới kết luận đó, không đòi hỏi phải sáng suốt lắm. Là kinh đô cũ, Huế tượng trưng cho một nước Việt Nam thống nhất. Chiếm Huế sẽ có tác động tâm lý sâu sắc tới người Việt Namở 2 miền Nam Bắc và trong việc làm này, Bắc Việt Nam có thể chiếm được 2 tỉnh phía Bắc của Nam Việt Nam để làm điểm mặc cả trong cuộc thương lượng. Bị cắt rời khỏi phần còn lạicủa Nam Việt Nam bởi những ngọn núi cao và chỉ qua được nhờ đèo Hải Vân nằm sát biển, lại không có hải cảng, hai tỉnh đó đã đẻ ra những khó khăn nghiêm trọng về mặt phòng thủ.
Việc mất trại CIDG - lực lượng đặc biệt ở thung lũng A Shau tháng 3-1966, mở thung lũng đó cho kẻ địch vào, khiến cho quân Bắc Việt Nam tiến vào Huế hoàn toàn có thể xảy ra.
Hơn nữa, tôi có chú ý đến một bài báo đăng trên tờ báo chính thức của Bắc Việt Nam, tờ Nhân dân kể chuyện một sư đoàn Bắc Việt Nam tập dượt thâm nhập lén lút băng qua một khoảng cách trên 50 km, bí mật tập hợp lại rồi tấn công bất ngờ. Tôi liền nghĩ ngay đến Huế, coi Huế có thể là mục tiêu cho một cuộc hành quân như vậy.
Từ tháng 2-1966, các tin tức tình báo đã bắt đầu cho thấy Bắc Việt Nam thâm nhập rất nhiều qua khu phi quân sự vào 2 tỉnh phía Bắc. Lúc tôi xem xét tình hình một cách cặn kẽ thì rõ ràng là có 2 sư đoàn Bắc Việt Nam. Họ đã đặt ra một mối đe dọa rõ ràng cho các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và cho Huế.
Việc quân Bắc Việt Nam tiến vào 2 tỉnh phía Bắc có một mục tiêu nữa là kéo quân Mỹ ra khỏi công tác bình định ở phía Nam, đây là một khả năng chắc chắn. Nhưng dù bị đánh như thế nào và dù tuyến phòng thủ qua đèo Hải Vân đã bảo vệ tốt hơn nhiều so với tuyến dọc khu phi quân sự, tôi vẫn không thể để mất 2 tỉnh đó.
Ảnh hưởng tâm lý đối với người Nam Việt Nam, chưa nói đối với nhân dân Mỹ, sẽ rất tai hại.
Tôi cũng thấy không có lý do gì để thôi không giao cho lính thủy đánh bộ Mỹ chịu trách nhiệm ở 2 tỉnh đó nữa bằng cách chuyển quân của lục quân Mỹ lên phía Bắc. Mặc dù quân đội Nam Việt Nam đã bảo vệ ở cực Bắc, tất cả vùng quân đoàn I vẫn thuộc trách nhiệm của tướng Walt và nhiều nhân tố đã khiến tôi lúc đầu bố trí lính thủy đánh bộ ở phía Bắc vẫn có giá trị đối với 2 tỉnh phía Bắc cũng như đối với các nơi khác trong vùng, đặc biệt là khu vực đó rất hẹp nên đại bác của hải quân có thể bao gần như toàn bộ các khu dân cư, tổ chức nặng nề của lính thủy đánh bộ hứa hẹn cho họ có sức bám trụ phòng thủ và khả năng của họ tự mình tiếp tế cho mình qua các đầu cầu đã làm cho mọi người ít phải lo vì thiếu cảng.
Để chuẩn bị chuyển lên phía Bắc, tôi chuẩn bị vạch kế hoạch mở rộng sân bay Phú Bài, xây dựng lại một sân bay ở xa lên phía Bắc tại Đông Hà có khả năng tiếp nhận máy bay vận tải cỡ lớn và xây dựng một cảng cho tàu đổ bộ ở Huế. Đồng thời tôi chỉ thị tìm một địa điểm cho một sân bay mới để tiếp nhận các máy bay ném bom chiến thuật ở gần Huế.
Cũng lúc này lại có một cuộc khủng hoảng chính trị mới nổ ra ở các tỉnh phía Bắc, tập trung vào những nới trước đây đã có rắc rối: Huế và Đà Nẵng. Nếu có trường hợp với một cuộc tấn công liên tục của Bắc Việt Nam, nó có thể dẫn tới hậu quả là mất cả 2 tỉnh và cũng có thể mất cả Nam Việt Nam. hồi đó, nhiều người sợ xảy ra như vậy vì đây là sự rối loạn chính trị nghiêm trọng nhất làm quốc gia nghiêng ngả kể từ thời tổng thống Diệm.
Không phải tất cả mọi người đều thờ ơ kể từ khi ê kíp Thiệu - Kỳ lên cầm quyền tháng 6-1965.
Tiếp theo một sắc lệnh được ban hành sau đó 2 tháng, không cho sinh viên được miễn quân dịch như trước, sinh viên đã cùng Phật giáo biểu tình ở Quảng Trị và Đà Nẵng. Tuy chính phủ có sửa đổi sắc lệnh này, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn trong một thời gian. Dù sao, việc bắt lính trong sinh viên không phải là vấn đề thực sự. Sinh viên và Phật giáo cho là họ đã có vai trò của những anh hùng trong việc lật đổ Diệm, thì một chính phủ quân sự lên cầm quyền mà không có đại diện của họ tham gia là điều tất nhiên dẫn đến các cuộc biểu tình.
Mặc dù có mọi nỗ lực của các cố vấn lực lượng đặc biệt Mỹ, sự nổi loạn trong hàng ngũ người Thượng vẫn tiếp diễn. Tháng 8-1965, những người ủng hộ FULRO đã bất thần tấn công trại CIDG - lực lượng đặc biệt gần Ban Mê Thuột và mang đi mấy chục khẩu súng, nhưng phản ứng mau lẹ của quân đội Nam Việt Nam đã khiến cho bọn nổi loạn phải đầu hàng. Tháng 12-1965, người Thượng lại chiếm một quận lỵ nhưng một lần nữa phản ứng mau lẹ của quân đội Nam Việt Nam nhanh chóng dẹp tan cuộc nổi loạn. Ngay sau hội nghị Honolulu tháng 12-1965, Thiệu - Kỳ đã đưa một lãnh tụ người Thượng vào nội các giữ chức đặc ủy về công tác người Thượng. Điều này rõ ràng có làm giảm bớt sự bất mãn của người Thượng.
Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở phía Bắc phát triển vào tháng 3-1966 sau khi Hội đồng quân sự do Thiệu - Kỳ cầm đầu cách chức tư lệnh quân đoàn I, tướng Nguyễn Chánh Thi. Đây không phải là nguyên nhân mà chỉ là cái cớ để sinh viên và Phật giáo viện ra để châm ngòi nổ cho sự bất mãn của họ và tranh thủ sự ủng hộ đối với mục tiêu của họ là gạt bỏ chính phủ quân sự ở Sài Gòn.
Trên nhiều mặt, tướng Thi rất giống Kỳ. Trông bề ngoài họ cũng giống nhau: dịu dàng, ngọt ngào, người gầy, có để ria mép, thích cái lòe loẹt, sặc sỡ, nghênh ngang.
Cả hai đều rất can đảm. Có lúc Thi đã được cất nhắc để làm thủ tướng nhưng rồi bị gạt đi để nhường cho Kỳ. Lúc bị Việt cộng bắt, Thi căm ghét chúng đến mức hễ ông nhắc đến Việt công là trên mặt ông hiện lên một kiểu liếc mắt rất điểu cáng. Mặc dù những tham vọng chính trị của Thi có thể rất hạn chế, ông nổi tiếng trong các tướng lĩnh bạn bè của ông vì đã hợp tác với giới Phật giáo đấu tranh và cứ mỗi lần ông về Sài Gòn là nẩy sinh mức độ khiếp đảm nào đó vì người ta sợ ông có động cơ gì đây.
Chưa đầy 24 giờ sau khi tướng Thi bị cách chức, hàng ngàn sinh viên đã xuống đường phố Đà Nẵng đòi trả lại chức vụ cho Thi đồng thời tổ chức chính phủ Sài Gòn. Thị trưởng Đà Nẵng không can thiệp, một “Hội đồng đấu tranh quân sự” được thành lập vội vã đã đề ra một bộ máy kiểm tra nhằm tăng thêm cảnh rối ren và đưa binh lính Nam Việt Nam tham gia phong trào. Mấy ngày sau đó, hàng ngàn Phật tử họp mít tinh ở Đà Nẵng và cùng với sinh viên tổ chức biểu tình trên các đường phố. Phong trào lan ra Huế, là nơi sinh viên đã chiến đài phát thanh của chính phủ, phát liên tục những lời tố cáo chính phủ. Các khẩu hiệu chống Mỹ bằng tiếng Anh, nhằm khiêu khích để gây ra những xung đột với lính Mỹ, xuất hiện trên các đường phố tại 2 thành phố, bàn thờ, tượng Phật chắn các đường giao thông. Giọng chống Mỹ trong các cuộc biểu tình tăng lên, có lẽ nhằm mục đích buộc đại sứ Lodge gây sức ép với chính phủ chịu thỏa mãn với các yêu sách của những người biểu tình. Một cuộc tổng bãi công đã làm tê liệt Đà Nẵng trong mấy ngày. Để loại trừ khả năng xảy ra các vụ xung đột với người Mỹ, tướng Walt đã cấm tất cả nhân viên quân sự Mỹ vào Huế và Đà Nẵng.
Bóng ma nội chiến nằm lơ lửng trên các cuộc biểu tình, quân lính Nam Việt Nam ở các tỉnh phía Bắc bắt đầu chia thành phe này, cánh nọ. Quân lính thuộc sư đoàn 1 thiện chiến của quân đội Nam Việt Nam gốm đa số theo đạo Phật, được nuôi dưỡng để tôn kính các nhà sư; họ sẽ phản ứng như thế nào khi các nhà sư bảo họ quay lại chống chính phủ? Bằng cách từ chối mệnh lệnh bảo ông thôi chức ở bộ chỉ huy quân đoàn I để vào Sài Gòn và bằng cách tung ra những lời tuyên bố gay gắt từ một nơi bí mật tại Huế, tướng Thi đã bồi thêm nhiệt tình cho đám người ly khai. Đây là một sự chạm tránh giữa 2 người hùng cứng đầu cứng cổ: Thi và Kỳ. Các cuộc biểu tình không có dấu hiệu giảm bớt.
Tôi đã theo dõi chặt chẽ cuộc khủng hoảng. Theo lời khuyên của đại sứ Lodge, tôi đã bàn bạc thường xuyên với Thiệu và các nhà lãnh đạo khác của Sài Gòn và tiếp xúc bằng điện thoại hoặc họp bàn trực tiếp với tướng Walt, đại tá Arch Hamblen, phó cố vấn cao cấp thuộc lục quân Mỹ, và một cố vấn chính trị rất tinh khôn của sứ quán, Samuel Thomson - một người đã có nhiều kinh nghiệm ở các tỉnh phía Bắc, nói tiếng Việt rất thạo. Tôi chỉ thị rằng các cố vấn Mỹ và tất cả mọi phương tiện yểm trợ của Mỹ phải rút ra khỏi bất cứ đơn vị nào của quân đội Nam Việt Nam đã thôi không nghe theo các mệnh lệnh của chính phủ lại đi giúp đỡ những người ly khai.
Theo gợi ý của tôi, đại sứ Lodge đã nêu rõ với thủ tướng Kỳ, sự lo ngại của Mỹ là 228 người Mỹ ở vùng quân đoàn I đã chết khi chiến đấu cho Nam Việt Nam trong vòng 3 tuần lễ xảy ra “hành động điên rò” này - chữ của tôi dùng – và nhân dân Mỹ hẳn phải hoang mang. Tôi cho một sĩ quan tình báo báo cáo với các nhà lãnh đạo chính phủ Nam Việt Nam về mối đe dọa của Việt cộng và Bắc Việt Nam đang tăng lên ở vùng quân đoàn I, đồng thời gợi ý chuyển tin này cho thị trưởng Đà Nẵng, nhà sư đấu tranh Thích Trí Quang và những người khác biết để họ dùng ảnh hường của họ dẹp tan các cuộc biểu tình.
Với hy vọng tránh điều quân ra và tránh khả năng gây ra một cuộc xung đột vũ trang, Thiệu - Kỳ đã tìm cách thỏa mãn một số biểu hiện bất bình trorng chính phủ. Họ báo tin trong vòng 2 tháng, một hội đồng đại diện sẽ thảo ra một cuộc trưng cầu dân ý, sẽ tổ chức bầu cử, có thể vào cuối năm 1966. Nếu không làm như vậy thì tình trạng ly khai lại càng phát triển. Các cuộc biểu tình lan đến Sài Gòn, Pleiku và Nha Trang. Ở Nha Trang, nhưng người biểu tình đã đốt cháy thư viện của USIS. Một số chỉ huy quân đội Nam Việt Nam ở địa phương bắt đầu phát súng đạn cho sinh viên. Điều rắc rối hơn hết là hôm 2-4, 3.000 quân thuộc sư đoàn 1 quân đội Nam Việt Nam mặc quân phục diễu hành qua các đường phố ở Huế sau đội quân nhạc của sư đoàn, hô các khẩu hiệu đòi lật đổ chính phủ.
Thiệu - Kỳ đã nhanh chóng báo cho tôi biết là không họ không thể ngồi chờ cho cuộc khủng hoảng qua đi được nữa. Họ đã đưa 3 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Nam Việt Nam ra căn cứ không quân Đà Nẵng với hy vọng là một cuộc phô trương lự lượng như vậy sẽ làm cho Đà Nẵng chịu lùi và sau đó là Huế. Vì là một cuộc khủng hoảng nội bộ, tôi từ chối sử dụng máy bay Mỹ vào việc ấy.
Quân lính được chuyển ra bằng đường biển và bằng chiếc máy bay cũ C-47 do Mỹ cho Nam Việt Nam trước đây. Lưu ý tướng Walt, tôi yêu cầu giữ thái độ trung lập, nhưng dù trung lập cũng đầy rẫy hiểm họa, đúng như Walt đã nhanh chóng phát hiện được. Lúc lính thủy đánh bộ Nam Việt Nam đến, họ thấy một lực lượng ly khai của quân đội Nam Việt Nam gồm khoảng 2.000 quân dưới quyền chỉ huy của đại tá Đàm Quang Yên đang tiến vào căn cứ không quân. Một nửa hàng quân của Yên đã vượt quá một chiếc cầu cách Đà Nẵng mấy dặm thì một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ đã nghĩ cách cho một chiếc xe tải của mình đổ nhào trên cầu để chặn lại. Làm như vậy để tướng Walt có thì giờ dàn xếp một cuộc họp với Yên và buộc Yên hứa là không tấn công căn cứ không quân nếu lính thủy đánh bộ Việt Nam không tiến vào thành phố Đà Nẵng.
Khi đã trông thấy tướng Walt, đại tá Yên vẫn quyết tâm phô trương lực lượng bằng cách chĩa 4 khẩu đại bác vào căn cứ không quân Đà Nẵng. Walt đã phái đại tá John Chaisson ra ngăn chăn việc này (John Chaisson sau này làm ở bộ tham mưu của tôi với cương vị thiếu tướng, giám đốc trung tâm hành quân chiến đấu).
Đại tá Chaisson đã cố ý cho trực thăng của mình đáp xuống trước mũi các khẩu đại bác của Yên, trong đó có 2 khẩu đại bác 155 mm. Trong khi ông nói chuyện với Yên thì máy bay ném bom chiến đấu của lính thủy đánh bộ Mỹ lượn trên đầu, đại bác của họ chĩa vào các khẩu đại bác của Yên và một tiểu đoàn bộ binh của lính thủy đánh bộ Mỹ bố trí các vị trí cạnh đó.
Chaisson nói với Yên: vì không muốn thấy máy bay Mỹ và sinh mạng người Mỹ bị đại bác mà bản thân người Mỹ đã cung cấp cho người Việt Nam hủy diệt, người Mỹ sẽ nổ súng.
Vì Yên từ chối, không chịu nhượng bộ, các pháo thủ của ông bắt đầu mở hòm đạn, đặt ngòi nổ để chuẩn bị bắn.
Nhắc lại những lời cảnh cáo của ông một cách mạnh mẽ, Chaisson quay lại, lên máy bay và đi.
Dưới cái nắng gay gắt giữa trưa, tình trạng căng thẳng hình như không thể chấm dứt được cứ kéo dài. Thần kinh mọi người đang căng thẳng thì cuối cùng lính thủy đánh bộ Mỹ nhìn qua ống nhòm thấy đám pháo thủ bé nhỏ đó dừng lại, không chuẩn bị bắn nữa. Họ tháo ngòi nổ và bỏ các quả đạn vào hòm. Cuộc khủng hoảng trước mắt đã qua.
Một không khí yên tĩnh nhưng đầy lo âu bao trùm lên Đà Nẵng và Huế. Mặc dù tướng Thi vẫn còn ở Huế, tư lệnh mới của quân đoàn I, tướng Nguyễn Văn Chuân đã cố sức dàn hòa mâu thuẫn và thuyết phục thủ tướng Kỳ dừng cho quân vào 2 thành phố. Hội đồng quân sự cầm quyền hứa ân xá cho tất cả những người đã tham gia cuộc quấy rối và ban hành một sắc luận quy định việc tuyển cử tự do bầu ra quốc hội lập hiến trong vòng từ 3 đến 5 tháng. Phật giáo đồng ý chấm dứt quấy rối nhưng thề sẽ hoạt động trở lại nếu chính phủ không giữ lời hứa.
Tôi khó mà thỏa mãn với tình hình này. Các tuyên úy Phật giáo ở tỉnh Pleiku công khai chiêu mộ người trong bình lính, các giới Phật giáo ở phía Bắc tìm cách tổ chức các sĩ quan cấp dưới trong các đơn vị quân đội nam Việt Nam, và một số người lãnh đạo trong chính phủ muốn gây ra một sự kiện ở vùng quân đoàn I để lấy cớ đưa quân đến lập lại trật tự. Nhưng tôi thấy trước mắt chưa có cuộc khủng hoảng nổ ra nên tôi đã lợi dụng dịp yên tĩnh này đáp máy bay sang Honolulu ngày 12-5 để nói chuyện với Oley Sharp và nghỉ ngơi ít ngày.
Tôi đang ở bãi biển với gia đình thì người phụ tá mời tôi đến nói chuyện điện thoại. Người nói chuyện với tôi là bộ trưởng Rusk ở Washington. Bộ trưởng cho biết là Kỳ đã cho máy bay chở một lực lượng đặc nhiệm gồm lính dù Việt Nam tới căn cứ không quân Đà Nẵng. Quân lính đã vào Đà Nẵng và chiếm đài phát thanh, tòa thị trưởng, sở chỉ huy quân đoàn I. Tướng Chuân đã bị cách chức dưới sức ép của Phật giáo và người tư lệnh thứ ba đã được chỉ định là tướng Tôn Thất Đính, nhưng theo Kỳ nói, tướng Đính đã nằm dưới ảnh hưởng của Phật giáo.
Lúc Đính từ chối không tuân lệnh vào Sài Gòn, Kỳ bèn thay Đính bằng tướng Huỳnh Văn Cao – tôi rất ngạc nhiên khi được tin này, vì Cao là con người dao động, kém cỏi trong việc chịu trách nhiệm, mà tôi đã thấy ngay sau khi ra đón máy bay của tôi lúc tôi đến Sài Gòn.
Sau này tôi được biết là Hội đồng quân sự cầm quyền đã chọn Cao để giao nhiệm vụ đó mặc dù Cao phản đối. Cao có nói với người Mỹ là nếu tướng Westmoreland có mặt hôm đó, Cao sẽ không được yêu cầu nậhn công việc đó vì tướng Westmoreland không tin tưởng ở Cao.
Lại một lần nữa các nhà lãnh đạo Việt Nam đã hành động trong khi đại sứ Mỹ về Mỹ trong chuyế đi thường kỳ của ông và lúc đó tôi cũng đi vắng.
Nhưng nếu tôi được hỏi ý kiến, tôi sẽ tán thành việc đưa quân dù đến Đà Nẵng.
Mặc dù giới Phật giáo tuyên bố huênh hoang là họ chỉ cần có một chính phủ dân sự, thực sự họ đang tìm cách có một chính phủ mà họ có thể chi phối được. Nếu Thiệu - Kỳ đồng ý nhượng bộ thì kết quả là giới Công giáo, các giáo phái, các giới lao động và các giới khác sẽ gây rối loạn. Thậm chí có thể nổ ra nội chiến.
Tôi tin rằng Thiệu và Kỳ hoàn toàn có khả năng xử lý được tình hình, còn về phía Mỹ thì có những đại diện rất có khả năng, gồm phụ tá của đại sứ Lodge, William J. Porter, phụ tá của tôi, Johnny Heintges, và một tham mưu trưởng có nhiều kinh nghiệm trong nhiều năm ở Việt Nam hơn bất kỳ người Mỹ nào khác mà tôi hoàn toàn tin tưởng, trung tướng William B. Rosson.
Tôi nói với bộ trưởng Rusk là tôi muốn tránh nhảy xổ vào một cách quá đột ngột vì sợ mình tỏ rõ sự lo lắng quá đáng của Mỹ về việc này. Tại Washington, đại sứ Lodge cũng theo cách như vậy, nhưng sau một ngày, bộ trường Mc Namara tỏ ra nôn nóng và ra lệnh cho tôi trở lại. Tôi đáp máy bay trở lại Sài Gòn ngày 20-5.
Lúc trở về, tôi được biết tình hình chỉ huy của quân đoàn I Nam Việt Nam đã chuyển thành một màn kịch của Thi và viên tư lệnh mới bị cách chức là tướng Đính đang cố thủ ở Huế. Đính không chịu thừa nhận thực tế là ông đã bị cách chức còn Thi thì nắm quyền chỉ huy về thực tế sư đoàn 1 quân đội nam Việt Nam.
Đính có nói với một cố vấn Mỹ rằng giỏi lắm thì chính phủ bắt giam vợ con ông ở Sài Gòn và nếu xảy ra như vậy thì cùng lắm ông có thể cưới một người vợ khác.
Tuy có thổ lộ là ông thật ra không muốn nhận quyền chỉ huy, tư lệnh mới của quân đoàn, tướng Cao, khi ấy ở Đà Nẵng, vẫn chấp nhận sự thách thức là ra Huế để cố gắng đưa sư đoàn 1 nam Việt Nam trở lại với chính phủ. Cùng đi với ông trên một chiếc trực thăng của lục quân Mỹ có phụ tá, cố vấn cao cấp Arch Hamblen. Sau khi đã nói chuyện với các sĩ quan sư đoàn 1, Cao và Hamblen sắp lên máy bay thì một đám đông khoảng 100 sinh viên và một số lính ùa tới máy bay. Lúc máy bay bắt đầu lên thì một trung úy quân đội Nam Việt Nam dùng một khẩu súng cỡ 45 bắn hai phát vào cánh quạt ở đuôi máy bay. Theo hiệu lệnh của Hamblen, một lính Mỹ gác súng máy ở cửa máy bay liền nổ súng giết viên trurng úy Nam Việt Nam. Mặc dù chiếc trực thăng có bị hư hỏng, phi công vẫn cho máy bay lên được nhưng rồi phải hạ xuống bên ngoài thành phố để chuyển những người trên máy bay sang chiếc trực thăng hộ tống.
Cao quá là tồi! Cao vừa trở lại Đà Nẵng thì xung đột với Nguyễn Ngọc Loan, giám đốc cảnh sát quốc gia, được thủ tướng Kỳ cử đi chỉ huy cảnh sát chống bạo động để giúp lập lại trật tự ở Đà Nẵng. Loan, nguyên là một đại tá không quân, đề nghị cho phép tấn công vào các chùa của Phật giáo vì đó là những cứ điểm mạnh còn lại trong tay của những phần tử ly khai. Vì Cao cũng là người theo Công giáo, ông sợ rằng nếu ông ra lệnh tấn công thì chỉ làm tình hình gay go thêm. Ông ta từ chối.
Lúc Arch Hamblen tới gần đồn chỉ huy của quân đoàn I, ông đã nhìn qua cửa sổ thấy Loan tay chống nạnh đang tranh luận rất hùng hồn với Cao, trong khi đó các sĩ quan khác đi đi lại lại, còn một người khác đứng sau Cao đang vung khẩu súng lục gần đầu Cao. Hamblen chạy vội lại. Sau đó, Cao có nói việc Hamblen đã đến cứu sống ông. Cao đã gắn bó với Hamblen và tìm chỗ trốn tránh trong văn phòng của S. Thomson tại sở chỉ huy của tướng Walt, ở đây ông không hoạt động gì và bỏ hầu hết thì giờ vào việc cầu nguyện. Cao nói ông không tin người Việt Nam nào, trừ vợ ông. Ông viết thư cho tôi, xin được trở thành công dân Mỹ, tham gia lính thủy đánh bộ hoặc lục quân, chiến đấu chống cộng sản bất cứ nơi nào trên thế giới.
Tuy đã tìm cách tuân theo chỉ thị là giữ thái độ trung lập, tướng Walt vẫn thấy khó mà làm được như vậy. Sự kiện đầu tiên xảy ra ở Đà Nẵng ngày 18-5, lúc lính thủy đánh bộ Mỹ gác một đầu cầu bắc qua sông Hàn, trên con đường dẫn tới những cơ sở tiếp tế quan trọng thì được tin quân lính ly khai Nam Việt Nam ở đầu cầu bên kia đã đặt chất nổ để phá cầu. Lew Walt đã đích thân thuyết phục viên tư lệnh Nam Việt Nam gỡ bỏ chất nổ đi. Lúc ông đang nói chuyện huyên thuyên với người Việt Nam ở giữa cầu thì một sĩ quan công binh lính thủy đánh bộ bò xuống chân cầu cắt hết dây điện gây nổ.
Cuối cùng, lúc Walt đã nhận được tín hiệu của viên sĩ quan công binh, ông bèn chấm dứt cuộc nói chuyện vô bổ và hẹn cho viên tư lệnh Nam Việt Nam trong vòng 5 phút phải rút quân đi và gỡ bỏ chất nổ. Mấy phút trôi qua, viên tư lệnh Viện Nam vẫn im lặng. Lúc giờ hẹn đã đến, ông ta nói bằng tiếng Anh với Walt (lúc đầu ông ta giả vờ không biết tiếng Anh): “Này, thưa tướng quân, chúng ta sẽ cùng chết với chiếc cầu này”. Đưa cánh tay phải lên cao, ông lại bỏ tay xuống một cách nhẹ nhàng.
Lúc tướng Walt thấy người lính Nam Việt Nam ở phía đầu cầu bên kia ấn chiếc cần điện xuống, ông chỉ còn có thể cầu nguyện là viên sĩ quan công binh của ông lúc này đã làm tốt công việc.
Viên sĩ quan công binh đã làm tốt công việc được giao. Lúc lính thủy đánh bộ ùa qua cầu để chiếm đầu cầu bên kia, Walt liếc nhìn viên sĩ quan Việt Nam thất vọng rồi ông quay gót đi chậm chạp.
Tối hôm đó, quân ly khai Việt Nam chiếm giữ một kho đạn bên ngoài Đà Nẵng chứa hàng tấn thuốc nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho thành phố và sân bay. Lúc quân trung thành Việt Nam dọa tấn công chiếm lại kho đạn, quân ly khai thề sẽ cho nổ tung. Theo chỉ thị của tôi, tướng Walt đã can thiệp. Có lẽ vì hành động của Walt trước đó ở chiếc cầu, quân ly khai sau mấy ngày thương lượng đã đồng ý vô hiệu hóa kho đạn bằng cách chia quyền bảo vệ với lính thủy đánh bộ Mỹ.
Vì các trận đánh nhau trên đường phố Đà Nẵng thỉnh thoảng lại nổ ra, thủ tướng Kỳ đã ra lệnh chuyển máy bay của không quân Việt Nam tấn công các ổ kháng cự còn lại. Biết rằng còn nhiều nhân viên dân sự Mỹ ở Đà Nẵng, tướng Walt đã thuyết phục tư lệnh không quân Việt Nam ở địa phương hủy bỏ các cuộc tấn công. Tư lệnh không quân Việt Nam từ chối, lấy lý do làm theo chỉ thị của Sài Gòn. Được biết rằng các máy bay cánh quạt cất cánh ở căn cứ không quân, tướng Walt đã ra lệnh báo động cho bốn chiếc phản lực của ông. Lúc máy bay Việt Nam bắn rocket vào quân ly khai ở gần một doanh trại lính thủy đánh bộ Mỹ, 3 phát rocket đã nổ trong doanh trại làm bị thương 3 lính thủy đánh bộ. Cho 2 chiếc phản lực cất cánh để bao vậy từ phía trên các máy bay Việt Nam, tướng Walt đã bảo cho tư lệnh không quân địa phương biết là nếu bắn thêm một quả đạn rocket nữa, ông sẽ ra lệnh cho máy bay của ông nổ súng từ trên không. Không dễ dàng chịu khuất phục, viên tư lệnh Việt Nam cho 4 chiếc máy bay cất cánh bay cao hơn máy bay phản lực của lính thủy đánh bộ. Với thái độ kiên quyết, tướng Walt cho thêm 2 chiếc phản lực cất cánh và lập tầng máy bay thứ tư trên không trung.
Máy bay đã bay lượn trong 2 giới. Cuối cùng, ở Sài Gòn, Kỳ chịu nhượng bộ. Máy bay Việt Nam trở lại căn cứ.
Thái độ của các quan chức Washington trong quá trình nổ ra cuộc khủng hoảng, đối với tôi, thật là khó hiểu. trong những tuần lễ đầu xảy ra rối ren, Washington ra lệnh thi hành chính sách đứng ngoài cuộc, chờ xem bên nào có khả năng thắng thế mới thò bàn tay của Mỹ vào. Thật là vô lý! Tuy chính phủ Thiệu - Kỳ rõ ràng là chính phủ quân sự và không được ai bầu ra, nó vẫn là một chính phủ, chắc chắn có khả năng đưa lại sự ổn định cần thiết để tiếp tục chiến tranh hơn một chính phủ do các phần tử cấp tiến trong các tôn giáo lập ra vì các chính phủ này đã bị các nhóm thiểu số khác thách thức ngay tức khắc. Có lẽ phản ánh lối suy nghĩ chính thức ở Washington, tướng Wheeler đã hỏi ý kiến tôi về việc giữ lại mỗi khoản viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ, đồng thời rút quân Mỹ về các trại căn cứ với hy vọng thức ép cả 2 bên giải quyết những mâu thuẫn của họ với nhau. Rõ ràng làm như vậy là không nên trừ khi Mỹ có ý định rút hoàn toàn khỏi Việt Nam, một điều chưa được thảo luận với tôi hoặc theo tôi biết, chưa hề được Washington tính đến.
Còn đối với Washington, các quan chức bên ấy thấy diễn biến tình hình sôi động hơn nhiều, nghiêm trọng hơn nhiều so với tình hình thực tế, một phần vì họ nhận được tin qua báo chí và truyền hình. Thích Trí Quang và các nhà lãnh đạo ly khai khác lại cố ý sử dụng báo chí nước ngoài để giới thiệu lập trường của họ. Báo chí đã phát đi những lời kêu gọi có tính chất phản kháng để yêu cầu tổng thống Johnson, nước Mỹ, Hồng thập tự Quốc tế và bất cứ diễn đàn nào giúp họ. Báo chí và truyền hình thường xuyên có mặt để đưa tin, chụp ảnh về sự kiện tự thiêu của các nhà sư ở Huế, và lúc 2 người trong giới báo chí đến chậm không được chứng kiến một vụ tự thiêu của một bà vãi, những người biểu tình châm lửa đốt lại cho họ thấy.
Hầu hết các nhà báo có mặt đều nghe theo lời Thích Trí Quang nói rằng những người Việt Nam ở trong các chùa chiền đều không có vũ khí. Lúc Hamblen và Thomson từ chối lời mời đến chùa của Trí Quang để nói chuyện, nhiều nhà báo Mỹ đã quyết định cứ đến. Lúc họ đến gần chùa thì từ trong chùa có tiếng súng nổ, làm bị thương nhẹ một nhà báo. Tất cả đều nhanh chóng rút lui.
Trong các bức điện gửi về Washington, tôi yêu cầu mọi người bình tĩnh và kiên nhẫn. Mặc dù tôi có thừa nhận rằng cuộc tranh chấp nội bộ này đang làm cho Washington bối rối, tôi sợ rằng nếu hành động một cách vội vã sẽ làm cho tình hình gay go thêm. Thiệu và Kỳ đang gặp phải một cuộc nổi loạn của phe thiểu số, không phải không giống như các cuộc nổi loạn của người Thượng trước đây, trừ việc có khá đông quân chính quy Nam Việt Nam dính líu vào mà nếu không dẹp đi thì sẽ làm cho người ta mất tin tưởng, thậm chí gây thêm những cảnh hỗn loạn khác nữa trong cả nước. Tôi tin rằng đã đến một lúc nào đó, các quan chức khác của Mỹ và tôi có thể phải tác động đến những người cầm đầu như các tướng Thi và Đính để họ lùi bước, từ đó cô lập được những nhân vậy đấu tranh thực sự như Trí Quang.
Gặp Thi ở Chu Lai và hứa mời ông ta sang Mỹ để khám sức khỏe, tôi đã thuyết phục Thi nói chuyện với Kỳ. Lew Walt cũng làm theo cách này đối với Đính.
Tiếp tục để tướng Cao ẩn náu trong sở chỉ huy của Mỹ, đồng thời vẫn làm tư lệnh quân đoàn I về danh nghĩa là có lợi, vì nó cho phép Arch Hamblen thực tế nắm quyền chỉ huy quân đoàn I. Cuối cùng, lúc Cao cho phép mở các cuộc tấn công vào các chùa chiền thì hóa ra các chùa chiền đó là những trại có vũ trang, nhưng sức kháng cự ở đó đã nhanh chóng sụp đổ. Sau đó, Hamblen và Thomson đi từ đơn vị ly khai này đến đơn vị ly khai khác của quân đội Nam Việt Nam trao những lời kêu gọi có chữ ký của Cao yêu cầu các đơn vị đó bỏ cuộc. Các đơn vị đó lần lượt đầu hàng. Đến ngày 23-5, Đà Nẵng đã trở lại yên tĩnh.
Tất cả những hành động này làm cho Trí Quang bị cô lập. Trí Quang bỏ ra Huế. Ở Huế, tín đồ Phật giáo đốt phá thư viện của USIS và tòa lãnh sự Mỹ, gây ra cảnh hỗn loạn, nhưng đó là những cơn đau đớn của một sự nghiệp đang tàn lụi. Hầu như tất cả sự ủng hộ của giới Phật giáo ôn hòa đối với các phần tử đấu tranh đã biến mất. Cuối cùng, tướng Cao trở vào Sài Gòn cùng người vợ mà ông tin cậy, trong khi đó một tư lệnh mới của quân đoàn I, tướng Hoàng Xuân Lãm, trước đây chỉ huy sư đoàn 23 quân đội Nam Việt Nam, ra lệnh cho tất cả quân lính ra khỏi các thành phối trở lại chống địch, còn Hội đồng quân sự ở Sài Gòn thì làm cho tình hình bớt căng thẳng bằng cách đưa thêm 10 nhân vật dân sự tham gia Hội đồng.
Sau khi một lực lượng lính dù của quân đội Nam Việt Nam vào Huế ngày 15-6 và thiết lập quyền kiểm soát chặt chẽ ở đây thì Huế cũng đã trở lại yên tĩnh.
Cuộc khủng hoảng ở phía Bắc đã tạm thời đẩy lùi cuộc chiến tranh chống Việt cộng. Mặc dù không có chuyện ngừng chiến và trong mọi trường hợp quân đội Nam Việt Nam vẫn bảo vệ các cơ sở của họ, các cuộc hành quân tấn công chống Việt cộng không nhiều.
Có thể kể đến một nửa sư đoàn 1 quân đội Nam Việt Nam có cảm tình với các phần tử ly khai nhưng trong sư đoàn 2 đóng ở các tỉnh phía Nam vùng quân đoàn I chỉ có một nhóm nhỏ nghe theo các phần tử ly khai mà thôi. Cuộc khủng hoảng đã ngăn cản kế hoạch xây dựng một sân bay ở gần Huế của tôi vì nó đòi hỏi phải chuyển đi khoảng 2.000 ngôi mộ. Đại sứ Lodge đã yêu cầu tôi hủy bỏ dự án này vì sợ các phần tử ly khai nắm lấy việc này để kích động dư luận thêm nữa.
Công chúng Mỹ đưa con cái mình sang Việt Nam, khi thấy những sự kiện như vậy ở Đà Nẵng và Huế tất phải đau lòng. Đó là điều dễ hiểu! Nhưng một hình thức rối ren chính trị nào đó tại một nước đang phát triển cũng là điều không tránh khỏi.
Dân chủ và đoàn kết quốc gia không phải đạt được mà không phải chịu những sự đau buồn gia tăng, như lịch sử nước Mỹ đã minh họa một cách hùng hồn.
Đương nhiên Thiệu - Kỳ phải dùng sức mạnh nếu họ không muốn quỳ gối và phá hoại chính phủ của họ, đồng thời góp phần vào cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, vì nếu kẻ địch lợi dụng được thì cuộc chiến tranh nồi da nấu thịt này sẽ dẫn đến việc bỏ mất 2 tỉnh phía Bắc. Chính phủ và quân đội của nó, đặc biệt là quân dù ở Đà Nẵng và Huế, đã hành động một cách hết sức thận trọng. Lính thủy đánh bộ Mỹ cũng vậy, mặc dù họ đã gặp phải nhiều đợt khiêu khích và đầy thử thách.
Lúc cuộc khủng hoảng chấm dứt, đại sứ Lodge đã ví một cách đúng đắn Việt Nam như một người bị ốm nặng nhưng lại hay hờn dỗi đến mức hắt các bình đựng đầy nước thuốc vào người bác sĩ. Lodge nói điều đó ít ra cũng chứng tỏ là người bệnh đang khá lên.
Không ai có thể nhận thấy được rằng trong thời gian rối ren đó thì tình hình đã khá lên như thế nào, nhưng trong thực tế, việc chấm dứt khủng hoảng đã đánh dấu sự mở đầu cho sự phát triển sáng sủa nhất chưa từng có trên sân khấu chính trị Việt Nam.
Cuộc khủng hoảng ở phía Bắc tất nhiên là cuộc khủng hoảng cuối cùng trong những sự đảo lộn chính trị dữ dội đã xảy ra.
Tường Trình Một Quân Nhân Tường Trình Một Quân Nhân - WILLIAM C. WESTMORELAND Tường Trình Một Quân Nhân