Love is one long sweet dream, and marriage is the alarm clock.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Khuyết Danh
Thể loại: Trung Hoa
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2360 / 37
Cập nhật: 2017-05-18 16:03:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi Thứ Mười Hai - Triệu Vương Vị Nghĩa Mà Khởi Binh
ại nói chuyện bà Mai thái phi theo con là Triệu vương đi thụ phong ở Hà Nam, nghĩ đến thượng hoàng và thái hậu, vẫn ngày đêm mến nhớ, không thể nguôi lòng, nhưng việc rèn tập học nghiệp cho Triệu vương thì bà rất lấy làm nghiêm khắc.
Quan tán thiện ở phủ Triệu vương tên gọi Lưu Quí tức là con một người tiểu thiếp của Lưu Khuê Bích trước, tên gọi Đậu Hàm Hương. Bà Đậu Hàm Hương không cho con tập võ nghệ, bắt phải chuyên nghề kinh sử, sau thi đỗ vào toà Hàn lâm. Thượng hoàng thấy Lưu Quí là người luyện đạt lão thành, vừa có học thức vừa có phẩm hạnh, mới dùng làm chức sư bảo để dạy Triệu vương. Lưu Quí thông hiểu thiên văn địa lý, Mai thái phi vẫn có lòng kính trọng, thưởng tứ rất hậu, bao nhiêu chính sự trong phủ đều giao cho Lưu Quí chưởng quản. Lại thường sai người triệu bà Đậu Hàm Hương vào cung để nói chuyện. Triệu vương chính phi là A Lạp thị nhan sắc xinh đẹp, lại có học thức, tính vốn hiền hiếu, vẫn thường cùng Triệu vương ngày đêm hầu hạ Mai thái phi không hề trễ nải chút nào.
Đến khi nghe tin thượng hoàng bỏ đi thì Mai thái phi và Triệu vương đều kinh hồn tán đởm, ngày đêm khóc lóc, kể sao xiết nỗi thương tâm. Triệu phi hết sức khuyên can, bấy giờ mới hơi nguôi cơn sầu thảm. Sau bỗng nghe tin Hùng hậu bị biếm truất, toàn gia Hùng vương phải vào ngục thất và tin Phi Giao hoàng hậu lên cầm quyền chính thì Mai thái phi lại giọt lệ chứa chan.Bấy giờ Triệu phi sắp đến kỳ lâm sản, công việc trong cung chẳng có ai chủ trương. Lưu Quí thấy vậy luống cuống không biết làm thế nào mới về thuật chuyện với mẹ là bà Đậu Hàm Hương để nhờ mẹ vào cung khuyên bảo Mai thái phi đừng khóc lóc nữa.
Nguyên Lưu Quí lấy vợ là Bàng thị, con quan Lại bộ thượng thư, cha mạ mất sớm, chỉ có một em trai, toàn gia đều sang nương nhờ Lưu Quí cả. Lưu Quí sinh được ba trai một gái. Con gái tên gọi Diễm Tuyết vốn người có tài thông minh, Lưu Quí vẫn dạy cho học. Ba cậu con trai còn bé. Bà Đậu Hàm Hương thì rất yêu quý nàng Diễm Tuyết, nàng muốn điều gì bà cũng theo lời. Nàng Diễm Tuyết lúc bé vẫn thường theo thân phụ là Lưu Quí lên thiên văn đài. Lưu Quí trỏ bảo các vì tinh tú thì nàng có ý ghi nhớ, thành ra cũng hiểu biết thiên văn. Nàng Diễm Tuyết vốn tính điềm đạm, hay xem sách vở, lại nhiễm tư tưởng “Yếm thế”, những muốn bỏ nhà đi tu tiên. Cũng có lúc đã tỏ ý cho cha mẹ biết, nhưng chỉ vì ba em còn bé cho nên chưa dám dời chân. Bấy giờ nàng Diễm Tuyết thấy tổ mẫu là bà Đậu Hàm Hương sắp vào cung, mới tươi cười nét mặt mà thưa rằng:
- Đêm qua tôn nữ có xem thiên văn, thấy sao thái bạch suốt đêm ngang trời, đó là cái tượng sắp đổi dời ngôi bảo đại, nhưng sao tử vi còn thấy sáng tỏ thì vận mệnh thiên tử vẫn được vững vàng. Cái tai ách này chẳng qua chỉ trong vài ba năm, sẽ lại tránh khỏi. Tổ mẫu nên nói để thái hậu biết, xin thái phi cứ yên lòng chớ có lo ngại.
Bà Đậu Hàm Hương cười mà bảo rằng:
-Con bé này, mày lại hiểu biết thiên văn à! Vậy thì ngôi sao thượng hoàng nay ở phương nào? Ngôi sao nào ứng vào thái hậu, còn Hùng hậu thì tức là ngôi sao nào?
Nàng Diễm Tuyết đáp rằng:
- Sao lại không hiểu! Ngôi sao thượng hoàng bây giờ ở về phương tây, cứ theo phương ấy mà đi thì sẽ tìm thấy, nhưng ngày nay thời giờ chưa đến, tất nhiên phải đợi trong năm năm. Ngôi sao thái hậu bây giờ mây kéo tối rầm, quả nhiên là đang bị bệnh, nhưng mừng được có sao thái dương chính chiếu thì chẳng lo ngại gì. Mỗi khi tôn nữ theo chân thân phụ lên thiên văn đài mà thân phụ trỏ cho xem thì trông thật minh bạch.
Lưu Quí nói:
- Quả như thế thật! Con bé này nó trông các vì sao, có phần lạ tinh hơn tôi.
Bà Đậu Hàm Hương lại cười mà bảo Bàng thị rằng:
- Con bé này kháu khỉnh quá, sau này tất phải hơn người. Chưa biết anh chàng nào tốt phúc mà được cùng cháu gái ta kết duyên loan phượng.
Bàng thị phu nhân nói:
- Con bé này hay xem thiên văn quá, thành ra ngây ngốc cả người, chỉ muốn tu tiên. Bây giờ nó vẫn thường ăn chay. Con mắng nó mấy lần thì thân phụ nó lại bảo rằng: “Người ta mỗi người một chí hướng, ta không nên cưỡng. Huống chi một người tu tiên đắc đạo thì cả họ đều được phi thăng, chứ có can chi mà hại!” Vậy ngày nay xin bà phải nghiêm cấm nó mới được.
Bà Đậu Hàm Hương nghe nói, bảo nàng Diễm Tuyết rằng:
- Tôn nữ ơi! Tôn nữ năm nay còn đang đầu xanh tuổi trẻ, cớ lại lại nhiễm tư tưỏng chán đời. Phàm những kẻ xuất gia đầu Phật, học đạo tu tiên, phần nhiều là bởi có sự uất ức trong lòng, phẫn chí bỏ đi, để cầu tấm thân cho được thoát nợ. Nay tôn nữ không có điều gì thất ý, trên thì cha mẹ đoàn viên, dưới thì đàn em hãy còn nhỏ tuổi. Tấm thân nghìn vàng ấy, còn phải gác gương trong, treo giá ngọc để chọn lấy người đẹp đứa vừa đôi. Đã là người có học thức ít nhiều thì tư tưởng chán đời kia ta chớ nhiễm.
Đang nói chuyện thì có nữ tỳ bưng mâm bánh đến, cả nhà cùng ngồi vào ăn. Khi ăn bánh xong, bà Đậu Hàm Hương đội mũ mặc áo để sắp tiến cung. Cờ mở trống giong, tiền hô hậu ủng, cũng đường đường là một vị thái phu nhân. Nếu năm xưa không bền lòng thủ tiết thì ngày nay sao có được vinh dự này.Khi đến phủ Triệu vương, thủ môn quan vào bá, Mai thái phi cho hai tên cung nữ ra đón vào. Bà Đậu Hàm Hương làm lễ triều kiến, bà Mai thái phi mời ngồi uống trà và bảo rằng:
- Thái phu nhân ơi! Chẳng hay cớ sao đã lâu nay thái phu nhân không vào cung thăm tôi?
Bà Đậu Hàm Hương nói:
- Thần thiếp đã bị bệnh một tháng nay, bây giờ mới bình phục. Trong lòng thần thiếp vẫn nhớ mến thái phi, nghe tin vương phi sắp lâm sản, vậy nên thần thiếp vào đây để thỉnh an.
Mai thái phi nói:
- Hai vợ chồng Triệu vương đêm ngày túc trực ở đây, tôi giục chúng về phòng ngủ thì Triệu vương không nghe, cứ bảo vợ về, còn mình thì đêm nào cũng ở lại đây, quấn quít như đứa con thơ, nghĩ cũng nực cười. Tôi nay phiền muộn trăm chiều, đợi bao giờ cho thượng hoàng về đây thì họa may bấy giờ lòng tôi mới yên được.
Mai thái phi nói xong, hai hàng nước mắt lại chảy xuống ròng ròng. Bà Đậu Hàm Hương đứng dậy khuyên can mà rằng:
- Thái phi ơi! Nếu thái phi cứ khóc mãi như thế này, để đến nỗi Triệu vương lo phiền mà bỏ cả học nghiệp thì há chẳng uổng phụ lòng trông cậy của thượng hoàng và thái hậu lắm ru! Vậy xin thái phi nghĩ lại, chớ nên mua lấy những sự bi thương vô ích ấy làm gì!
Mai thái phi thở dài mà đáp lại rằng:
- Tôi cũng biết như vậy, chỉ vì trong lòng chua xót thì nước mắt khôn cầm, dẫu muốn cố gượng làm khuây cũng không thể làm cho được. Nay thái phu nhân đã nói, tôi xin vâng lời, nhưng thái phu nhân có ở đây với tôi, họa may tôi mới giải được cơn phiền muộn. Vả Triệu phi sắp đến ngày lâm sản thì thái phu nhân cũng ở đây mà trông nom giúp cho.
Bà Đậu Hàm Hương vâng mệnh ở đấy để trông nom hết thảy mọi việc trong cung. Còn việc ngoài thì đã có Lưu Quí chưởng quản, chỉ hiềm một nỗi chưa chọn được người nào trung dũng để làm nguyên soái mà chưởng quản binh quyền. Lưu Quí sực nghĩ đến Vệ Dũng Bưu, mới nói với Triệu vương sai Chúc Nhân đi triệu, vừa gặp lúc Vệ Dũng Bưu mới đánh quan khâm sai xong, Chúc Nhân không dám lưu lại, phải về trước để phúc chỉ.
Chưa đầy một tháng thì Vệ Dũng Bưu tới nơi, trước yết kiến Lưu Quí, sau vào yết kiến Triệu vương. Triệu vương thấy Vệ Dũng Bưu tướng mạo khôi ngô, râu dài người lớn biết là tướng tài có ý trọng đãi.Lưu Quí nói Triệu vương phong Vệ Dũng Bưu làm chức nguyên soái để chưởng quản năm ngàn vệ binh. Vệ Dũng Bưu khéo phủ dụ quân sĩ, đêm ngày luyện tập, không hề trễ biếng chút nào. Vệ Dũng Bưu nhớ ngoại sanh là Hùng Khởi Thần, vẫn định chỉnh đốn dinh thự cho được đâu đấy, rồi sẽ cho người về đón ngoại sanh cùng gia quyến một thể.
Bỗng thấy tên người nhà vào bảo rằng:
- Dám bẩm lão gia! Có quan phủ Kim Lăng họ Doãn, nói là thân thuộc với lão gia xin vào yết kiến. Lại có cả gia quyến đi theo nữa.
Vệ Dũng Bưu nghe nói, vừa mừng vừa ngờ, nghĩ thầm: “Cữu huynh ta cáo bệnh đã ba năm nay, về ở ẩn nơi thôn dã, không hề đi đến đâu bao giờ. Ngày nay bỗng đem gia quyến tới đây, tất là lại có việc gì nguy cấp vậy.” Vệ Dũng Bưu vừa ngẫm nghĩ vừa chạy ra đón thì quả nhiên trông thấy Doãn công. Vệ Dũng Bưu nghoảnh nhìn ra phía ngoài thấy một cái xa, trong xe có hai người đàn bà ngồi, liền hỏi:
- Có phải phu nhân và tiểu thiếp của cữu huynh đó không? Xin mời xuống xe.
Doãn công mỉm cười và khẽ đáp:
Tôi có tiểu thiếp nào đâu, người đi cùng với nội nhân tôi tức là lệnh sanh đó!
Vệ Dũng Bưu nhìn thì quả nhiên là Doãn công phu nhân cùng ngoại sanh Hùng Khởi Thần đó, vội vàng mời vào trong nhà để nói chuyện.
Vệ Dũng Bưu không hiểu cớ sao Hùng Khởi Thần lại cùng đi với Doãn công, cứ hỏi căn vặn mãi nhưng Hùng Khởi Thần vẫn hàm hồ không chịu nói. Đến canh khuya người đi ngủ hết rồi, Hùng Khởi Thần mới đóng cửa phòng lại mà thuật chuyện đầu đuôi cho Vệ Dũng Bưu nghe. Vệ Dũng Bưu nghe nói, hầm hầm nổi giận, đập bàn mà rằng:
- Thế thì còn nói chi nữa! Lã thị kia, thật là một đứa táng tận lương tâm! Con Văn Cơ dẫu ngu dại, nhưng trong lòng nó cũng hiểu đại nghĩa, chẳng qua chỉ vì Lã thị xúi giục, muốn cố tình làm hại Từ thị đó thôi. Không biết trưởng tử ta về tới nhà, có hiểu việc này không, hay lại ngờ cho ngoại sanh tư tình cùng Từ thị! Âu là sáng mai ta sai người về gọi cả nhà sang đây, rồi chém đôi đứa bất nhân kia ra thì lòng ta mới hả. Ngoại sanh chớ lo ngại, nay đã tới đây, ta sẽ đưa ngoại sanh vào yết kiến Lưu tướng công. Ta cứ bảo ngoại sanh là con trai Doãn công, đợi khi đại sự thành rồi, bấy giờ sẽ xuất đầu lộ diện.
Hai cậu cháu trò chuyện với nhau suốt đêm. Sáng hôm sau, Vệ Dũng Bưu đưa Doãn công và Hùng Khởi Thần sang yết kiến Lưu Quí, nói dối là hai cha con. Lưu Quí mừng rỡ vào tâu với Triệu vương xin phong chức cho. Vệ Dũng Bưu tức khắc viết một phong thư sai tên gia tướng về quê nhà gọi gia quyến. Gia tướng phụng mệnh đi suốt ngày suốt đêm chưa đầy nửa tháng đã về phúc mệnh. Gia tướng bẩm rằng:
- Dám bẩm lão gia! Khi con về tới dinh môn, thấy cửa dinh khóa chặt. Con tìm mãi mới gặp cụ già đần đó mà hỏi thăm chuyện thì cụ già ấy nói là toàn gia đều bị một đại tướng quân bắt đem đi rồi. Nô bộc trong nhà, cũng không biết đi đâu cả. Con lại vào trong thành dò hỏi thì thấy người ta nói có vị đại tướng quân nay làm tổng trấn Tam Giang thấy tiểu thư nhà ta có nhan sắc đã lấy làm phu nhân. Lã di nương cũng theo vào ở đấy. Còn công tử và gia quyến thì không biết ở đâu? Có kẻ nói đang bị giam, có kẻ nói đã xin gia nhập quân đội. Chúng con không dám chậm trễ, vậy phải về đây bẩm bạch cùng lão gia.
Vệ Dũng Bưu lúc đầu mới nghe chẳng còn hồn vía nào, đến khi nghe xong câu chuyện, liền đem lòng căm tức, dậm chân vò đầu, kêu trời kêu đất lên mà rằng:
- Trời ơi! Đất ơi! Nhà họ Vệ ta nối đời trung trinh, ngày nay bị tay đứa tiện tỳ và ác nữ kia làm cho phải bại hoại, ta đây còn mặt mũi nào mà đứng ở trên nhân thế này.
Nói xong, liền rút thanh bảo kiếm toan tự tử. Các gia tướng đang xúm lại can ngăn thì bỗng nghe báo ngoài cửa có Lưu tướng công, Doãn lão gia và công tử (trỏ Hùng Khởi Thần) cùng đến. Vệ Dũng Bưu vừa giận vừa thẹn, bất đắc dĩ phải đứng dậy ra nghênh tiếp. Lưu Quí nói:
- Triều đình vừa có chiêú đến, quan nguyên soái đã được biết chưa? Số là thượng hoàng chưa tìm thấy tông tích đâu cả. Vừa rồi con trai trưởng của Đồ Man Hưng Phục là Định Quốc tướng quân đã phụng mệnh triều đình, ra trấn thủ Tam Giang, bao nhiêu các quan văn võ ở đây, Định Quốc tướng quân được quyền “Tiền trảm hậu tấu”. Đó là giam mưu của Đồ Man Hưng Phục nó cho con nó ra đấy, để thành sự thì nó lên ngôi đại bảo, còn bại sự thì nó lui về cố thủ tai thành Kim Lăng. Ta chỉ nực cười cho Phi Giao chẳng biết chi chi, lại đặt cần câu sẵn cho người đánh cá. Phò mã Triệu Câu cũng vừa mới viết thư đến, nói là phò mã luyện tập binh mã đã ba năm nay, ngày nay ước định với Triệu vương đây, để cùng khởi nghĩa. Tôi đã phúc thư xin hoãn, bởi vì đế tinh còn mờ tối, tất phải đợi thời rồi sẽ cữ binh. Việc ấy nên chăng thế nào, chúng tôi muốn hỏi ý quan nguyên soái.
Vệ Dũng Bưu thở dài mà rằng:
- Đa tạ lòng tử tế của tướng công đã quá yêu mà tiến cử tôi, nhưng tự thẹn cái tài ngưu mã. Tề gia còn chẳng xong, lại bàn đâu đến việc cứu quốc. Ngày nay tôi xin từ chức, rồi tìm nơi hoang sơn dã tự nào để mà tu hành.
Lưu Quí và Doãn công đều kinh ngạc mà hỏi rằng:
- Ô hay! Sự thế làm sao mà quan nguyên soái lại nói những câu kỳ dị như thế?
Vệ Dũng Bưu bất đắc dĩ phải thuật chuyện đầu đuôi cho mọi người nghe. Lưu Quí nghe nói cả cười mà rằng:
- Quan nguyên soái họ Vệ ơi! Tôi đây vẫn kính phục ngài là một bậc đại văn hóa, nên mới tiến cử ngài làm chức nguyên soái, nay ngài nói mấy câu ấy thì thật khiến cho các quan văn võ trong triều ai cũng phải tức cười. Tôi hãy xin hỏi quan nguyên soái một câu này, các bậc trung thần lương tướng thời xưa, biết bao nhiêu người vì nước mà phải xa cách cha mẹ, lìa bỏ vợ con, ngày nay quan nguyên soái mới vì một người tiểu thiếp và một vị tiểu thư mà đã vội chán đời muốn ẩn thân vào rừng rú. Thế thì chẳng những bỏ cái lòng “Trung quân ái quốc” mà đối với lệnh tỷ (Vệ Dũng Nga) không biết quan nguyên soái nghĩ thế nào. Tôi dám chê quan nguyên soái điều ấy.
Doãn công nói:
- Quan nguyên soái chớ nên lấy điều ấy làm sỉ nhục. Dẫu người vợ chính thất cũng còn ví như y phục, rách nát thì bỏ đi, huống chi là một người tiểu thiếp và một đứa con gái góa chồng ấy. Cũng vì lẽ ấy mà tôi không dám tưởng đến sự tiểu thiếp làm chi. Quan nguyên soái thử nghĩ đó mà coi: Phàm con gái của những người tiểu thiếp có mấy kẻ được nên người. Sao quan nguyên soái lại vì việc ấy mà phải ngã lòng nản chí.
Hùng Khởi Thần cũng hết sức tìm lời khuyên giải. Sau bốn người cùng nhau đàm luận quốc sự, và đem rượu ra uống. Khi uống rượu xong, Lưu Quí mới cáo từ ra về. Vệ Dũng Bưu ra sức luyện tập binh mã, ngày giờ thấm thoát lại vừa được năm năm. Một hôm, nàng Diễm Tuyết xem thiên văn, nói với thân phụ là Lưu Quí rằng:
- Đêm qua con xem tinh tượng, thấy vì sao thái hậu đã hiện ánh sáng, chắc chỉ trong một tháng nữa thì sẽ có việc binh đao. Vậy thì công việc ở vương phủ, thân phụ định giao phó cho ai?
Lưu Quí nói:
- Diễm Tuyết con ơi! Công việc ở vương phủ, ta đã nhờ có Doãn lão gia trông nom hộ. Lão gia vốn là một người lão thành luyện đạt, lại có Chu Nhân giúp đỡ còn lo ngại nỗi gì!
Nói chưa dứt lời thì bỗng nghe báo Triệu vương có lệnh triệu vào vương phủ. Lưu Quí vội vàng áo mũ đi ngay. Khi tới vương phủ lại có lệnh triệu vào nội cung, Lưu Quí biết là có biến cố, theo nội giám vào. Triệu vương trông thấy vội vàng đứng dậy nghênh tiếp và trap một phong thư cho Lưu Quí xem. Lưu Quí xem xong, vừa sợ vừa mừng. Mai thái phi ngồi trong rèm bảo Lưu Quí rằng:
- Lưu tiên sinh ơi! Mẹ con ta bây giờ không biết nghĩ thế nào, chỉ trông cậy ở tiên sinh đó! Ngày nay ta muốn tiến kinh để vấn an thái hậu. Nếu thượng hoàng không về thì ta cũng xin lưu tại nam nội, hầu hạ thái hậu, gọi là báo đáp nghĩa cũ tình xưa.
Mai thái phi nghĩ những nỗi thương tâm, lại ứa hai hàng nước mắt khóc. Lưu Quí còn đang tìm lời khuyên giải thì bỗng có tên cung nữ tươi cười hớn hở, chạy vào báo tin mừng. Tên cung nữ quì xuống tâu rằng:
- Muôn tâu thái phi! Vương phi vừa mới sinh hạ nam tử, mà thân thể rất khang kiện, thật là một việc đáng mừng.
Mai thái phi nghe nói mừng lòng, Lưu Quí vội vàng chúc mừng Triệu vương và sụp lạy làm lễ triều hạ, Triệu vương chối từ không dám nhận lạy rồi hai tay đỡ lấy Lưu Quí đứng dậy. Mai thái phi thở dài mà than rằng: Năm xưa vương phi sinh hạ thế tử, đã nhờ thái phu nhân trông nom cho, vậy nên lần này không dám phiền đến thái phu nhân nữa. Nhưng nay mai khởi binh thì công việc trong cung lại phải nhờ đến thái phu nhân trông nom giúp, vả ở đây làm bạn với vương phi cho vui.
Lưu Quí tâu rằng:
- Muôn tâu thái phi! Kẻ hạ thần xin về nói với thân mẫu kẻ hạ thần sửa soạn vào cung để trông nom các công việc.
Mai thái phi vui mừng mà bảo rằng:
- Nếu được như vậy thì ta còn lo ngại nỗi gì. Nhưng ta còn một việc muốn nói với tiên sinh. Số là ta vẫn nghe đồn lệnh ái là người đức mạo kiêm toàn, lại thông hiểu thiên văn. Hồi mười năm trước ta có được giáp mặt một lần, trong lòng vẫn lấy làm quý mến. Nay ta muốn tiên sinh lệnh ái cùng đi với ta để được thêm vui.
Lưu Quí ngẫm nghĩ, hồi lâu chưa trả lời. Mai thái phi hiểu ý lại nói:
- Lưu tiên sinh ơi! Xin tiên sinh cứ yên lòng, chớ thấy việc Phi Giao năm xưa mà lấy làm lo ngại. Nay ta xin lệnh ái làm nghĩa nữ, ta quyết không khi nào lại để di lụy như xưa.
Triệu vương nghe lời Mai thái phi, liền đứng dậy nói với Lưu Quí rằng:
- Lưu tiên sinh ơi! Xin tiên sinh cứ cho lệnh ái đi cùng với thân mẫu tôi cho vui.
Lưu Quí vâng mệnh về nhà nói với mẹ là bà Đậu Hàm Hương. Bấy giờ trong cung ngoài thành đều náo động về việc sắp khởi binh. Ôn thái phi ở phủ Hán vương cũng viết thư đến rủ Mai thái phi để cùng tiến kinh. Mai thái phi thấy Ôn thái phi cũng đồng ý với mình thì rất lấy làm vui mừng, trọng thưởng cho người mang thư và bảo nên mau mau về nói trước để sửa soạn đồ hành lý. Triệu vương chọn ngày khởi binh, Trương Vĩnh làm tiên phong, Vệ Dũng Bưu làm nguyên soái. Triệu vương phái một đạo hịch văn đi trước, nói là phụng mệnh thái hậu đem quân tiến kinh. Trương Vĩnh đi tiên phong bỗng thấy mặt người thám tử về báo nói rằng:
- Dám bẩm tướng quân! Đây đã đến địa giới Sơn Đông. Chúng tôi nghe tin quân Hán vương đã đóng ở trong thành, Hoàng Phủ phò mã đang đem quân đi đuổi Đồ Man Hưng Phục, vậy chúng tôi phải về đây bẩm bạch.
Trương Vĩnh nghe báo, quay ngựa lại bẩm với Vệ Dũng Bưu, Vệ Dũng Bưu truyền đóng dinh lại, rồi vào thương thuyết với Lưu Quí. Lưu Quí nói:
- Tôi vẫn biết là Hán vương tất thế nào cũng đến trước, bây giờ ta nên báo với Triệu vương và Mai thái phi để vào thành yết kiến Hán vương.
Ôn thái phi và Hán vương nghe tin Mai thái phi và Triệu vương đến, vội vàng ra đón. Bốn người cùng cầm tay nhau mà khóc. Bấy giờ bỗng có Tô Ánh Tuyết phu nhân và Lưu Yến Ngọc phu nhân đến. Hai phu nhân trông thấy bốn người kia đang khóc liền tìm lời khuyên giải. Mai thái phi lạo bảo nàng Diễm Tuyết lạy chào, rồi nói với mọi người:
- Đây là nghĩa nữ của tôi đó!
Mai thái phi lại nói với Lưu Yến Ngọc phu nhân:
- Nghĩa nữ tôi chẳng những tài mạo khác thường, mà lại thông hiểu thiên văn, thật không mấy người theo kịp. Trong mấy năm trời nay, chúng tôi vẫn phải theo lời nó chỉ bảo mà quyết định việc khởi nghĩa binh này.
Lưu Yến Ngọc phu nhân cầm lấy tay mà ân cần hỏi han, nàng Diễm Tuyết đối đáp được đâu ra đấy. Hán vương và Triệu vương vào một phòng riêng để nói chuyện, cùng nhau kể lể những nỗi tương biệt trong mấy năm trời. Bà Ôn thái phi mời hai bà phu nhân cùng Mai thái phi và nàng Diễm Tuyết vào nhà trong, để cùng nhau đàm luận. Mai thái phi hỏi rằng:
- Chẳng hay phò mã Triệu Câu bây giờ ở đâu? Độ bao giờ đến đây?
Ôn thái phi thở dài mà rằng:
- Từ khi tôi theo Hán vương đi thụ phong, vẫn một lòng mến nhớ thượng hoàng và thái hậu, không ngờ trời nghiêng đất đổ, mà cảy gặp bao nhiêu sự biến cố, khiến cho mẹ con tôi luống những đứt ruột héo gan. Trong mấy năm nay, phò mã Triệu Câu hết sức luyện tập quân sĩ, vẫn muốn khởi nghĩa đã lâu, nhưng Lưu tướng công thường viết thư đến can ngăn, nói là tinh tượng chưa nên làm vội. Ngày nay thật đã đến ngày nên khởi suư, không ngờ vừa đem quân đến địa giới Sơn Đông thì gặp Đồ Man Hưng Phục. Khi ấy Đồ Man Hưng Phục đi một cái loan giá, dùng nghi vệ thiên tử, thay mặt triều đình ra tế thần Thái Sơn. Phò mã Triệu Câu trông thấy, nổi cơn tức giận, liền sai tướng tiên phong là Tiêu Đại Hùng tiến binh vào đánh, Đồ Man Hưng Phục cũng có nhiều gia tướng giỏi, vậy nên đánh nhau trong ba ngày mà không phân được thua. Phò mã Triệu Câu tức giận bội phần, lên ngựa ra đánh, bấy giờ mới thắng được Đồ Man Hưng Phục. Đồ Man Hưng Phục thua trận bỏ chạy, phò mã Triệu Câu đang đem quân đi đuổi theo. Tôi cùng Hán vương ở đây, còn đợi phò mã Triệu Câu để cùng khởi hành. Hôm trước có tiếp được chiếu thư của thái hậu mới biết đích rằng ngày nay thái hậu đã lâm triều. Bây giờ lại có Triệu vương tới đây thì chắc chẳng bao lâu nữa, đại công sẽ thành được. Ước gì trời kia dun rủi, lại được thượng hoàng về triều thì vui vẻ biết là dường nào!
Lại nói chuyện quan trưởng sử ở phủ Hán vương, tên gọi Cao Bí vốn là người có tài “kinh thiên vĩ địa” năm ấy trạc độ năm mươi tuổi góa vợ, chỉ có một người con gái tên gọi Phật Châu. Phật Châu nhan sắc xinh đẹp, vừa có học thức vừa có phẩm hạnh. Cao Bí rất lấy làm yêu quý. Vì chưa có con trai, nên lại lấy nàng Thanh Mai làm tiểu thiếp. Cao Bí làm quan rất thanh liêm, ngoài sự lương bổng và thưởng tứ, không hề lấy của ai một đồng nào. Hán vương và phò mã Triệu Câu thấy vậy có lòng quý trọng, mà các quan văn võ cũng mến phục lạ thường. Cao Bí thấy Lưu Quí tài cao học rộng cho nên dẫu mới gặp nhau lần này là một, mà trong khi nói chuyện, đã cùng nhau ý hợp tâm đầu.
Tục Tái Sanh Duyên Tục Tái Sanh Duyên - Khuyết Danh Tục Tái Sanh Duyên